Tối
hôm qua “mơ thấy” trong cơn mơ. Không phải sự “hiện thấy” như một khải
tượng thuộc tín ngưỡng (tôn giáo) - thường thấy trong Kinh thánh
Cơ-đốc-giáo.
Và cũng đã rất lâu mới có được giấc mơ “không bao giờ
hoàn-tất”, nói về những diễn biến “nhân” sau 30/4/1975.
Kể từ ngày sau
Tết âm lịch 1984, khi chân bước về nhà - được “thả tù”, thì hầu như mỗi
đêm đều sống “trong ác mộng”. Những ác mộng cứ vất vưởng bám lấy mình
suốt từ đó, kể cả gần suốt thời gian đã qua Mỹ.
Qua Mỹ rồi, “vẫn chưa yên”, ác mộng cứ vây quanh ta.
Thế
rồi, không nhớ lúc nào, tâm hồn có được sự yên-tỉnh. Đã hết những ác
mộng như nói trên. Thì tối hôm qua, loáng thoáng trở về trong cơn mơ -
hết là ác mộng - là vài chuyện “không đầu đuôi”, không rõ-ràng. Không
tái-diễn chuyện cũ, cũng không nói lên tương-lai.
Sáng nay, khi
ngồi ngẫm lại giấc mơ, lại thấy “rất mơ hồ”. Dù vậy, giấc mơ khởi đầu
bằng những hoạt-cảnh nô-nức, khi tù “lưu đày tại Bắc” được đem về Nam.
Chỉ vậy thôi, mọi chi-tiết rất nhanh biến khỏi bộ nhớ.
Nhớ gì thì tôi nhớ rất lâu, nhưng nhớ lại từ những giấc mơ, thì rất dễ “bị xóa”.
Quên
“mơ” thì nhớ chuyện cũ. May là “quên và nhớ” những gì từ giấc mơ nhận
được, đối-nghịch với những sự-kiện xảy ra trong đời ta. Vì rằng “muốn
QUÊN một chuyện, so với NHỚ một chuyện, thì KHÓ HƠN RẤT NHIỀU”.
Một
ngày của tháng 3/1982, Trại giam Vĩnh Quang A (Vĩnh Phú, Bắc Việt)
“biên-chế” các đội tù, báo cho biết ngày hôm sau, tù được chuyển về Nam.
Tù-nhân được thông báo phải quẳng-bỏ mọi thứ, chỉ đem theo? (vài) kg
vật dụng “tối cần thiết”. Mọi người tấp nập thu xếp. Tội nghiệp những
bạn tù mới được thăm nuôi. Gạo + thực phẩm của những bạn ta thế là trở
nên yếu-tố chính trong những cuộc “liên hoan về Nam” của rất nhiều nhóm
tù-nhân.
Hôm nay, ngoài “tù hình sự” (vẫn đi lao-động ngoài trại
bình thường), tất cả “tù thuộc chế độ cũ” (nói văn hoa - thật ra họ được
gọi thẳng là NGỤY QUÂN NGỤY QUYỀN) được nghỉ lao động để chuẩn bị rời
Trại vào ngày mai.
Tôi không có gì nhiều. Chỉ mấy kg vật-dụng
cần-thiết, nhét trong bao (đựng cát) làm “túi hành trang”. Vội chạy qua
Đội 2 (rau xanh) để gặp Phạm Văn Nghĩa (bạn cùng K16 VBQG ĐL). Huỳnh Văn
Lượm (Cựu Trung tá Lữ đoàn phó TQLC, K17 VBQGĐL) cũng đang trò chuyện
với Nghĩa. Lượm ở Đội Nhà Bếp. (Với Lượm, tôi đã có bài viết “MÙA XUÂN
NÀO EM CÒN NHỚ” nói về bạn ta và số phận bạn ta). Nói lời chia tay với 2
bạn. Hẹn “trùng phùng” tại miền Nam VN. Tôi đang thuộc Đội 5, Tổ “CÀY”
(Cày ruộng, đúng nghĩa).
Buổi chiều, mọi đội đều được biên-chế,
thay đổi chỗ ở (lán giam). Tôi được biên chế vào Đội 1, vội chạy về “lán
giam” đội này. Mọi lán giam trước nay đều khóa cửa mỗi đêm, nay hoàn
toàn mở rộng. Tù NQNQ (ngụy quân ngụy quyền) được tự do đi lại, quan hệ
tự do suốt đêm nay giữa mọi lán giam (trừ các lán giam của 4 đội tù hình
sự - vẫn bị khóa cửa như thường lệ).
Đã gần 10g tối, mọi lán vẫn
náo nhiệt. Đèn vẫn sáng. Tuy các đội mới được biên chế, nhưng tù-viên
đều biết nhau. Hơn 3 năm qua họ thường qua lại quan-hệ vào những chúa
nhật. Hơn nữa, một số đã biết nhau - còn là bạn với nhau - trước kia
(trong quân ngũ QLVNCH). Hoàn-tất thu-xếp, “cải tạo viên” tụ họp từng
nhóm, ăn uống, nói chuyện, ca hát “rôm rả”.
Châu (cựu Trung tá
Trung đoàn phó - thuộc khóa đàn em) mở đầu bằng một bài hát. Không biết
từ đâu mà đương sự có được bài “Em Còn Nhớ Mùa Xuân” của Ngô Thụy Miên.
Tôi ép đương sự đọc từng câu để tôi chép trên 1 miếng “các-tông”. Ráng
học thuộc, rồi xé bỏ tấm giấy.
Tôi vẫn còn nhớ cả bài hát đó, để ê-a trong những ngày đầu “ra tù”.
Sáng
hôm sau, tù mỗi lán giam tập họp trong sân lán, với hành-trang để trước
mặt. Từng món được đem ra. Cán bộ công an khám xét, tịch thu những thứ
mà họ cho là không cần-thiết. Đồng thời cũng ướm thử trọng lượng hành
trang cá nhân để giảm bỏ bớt vật dụng cho đúng tiêu-chuẩn.
Hơn
tiếng đồng hồ sau, tù-nhân được tập-họp trong sân Trại giam. Cả trại
giam có 15 đội, trong đó có 4 đội hình sự (là các đội 8, 9, 10, 11). Tù
NQNQ gồm 11 đội, khoảng 600 người.
Thượng tá công an XXX, Chánh
Giám thị Trại (Thủ trưởng) trước loa phóng thanh, nói chuyện. Ông khuyên
“cải tạo viên” học tập tiến bộ, phải thật sự lao động. Ông nhấn mạnh,
“mọi cải tạo viên chớ bắt chước những kẻ hay làm ăng-ten để lấy điểm …”.
Ông không chỉ đích danh, nhưng ám chỉ những phần tử đó (đa số là các
đội trưởng).
(Việc trên làm buồn lòng không ít cải-tạo-viên!)
-----------------------
Đoàn
xe Mô-lô-tô-va đã đậu trước cổng Trại giam Vĩnh Quang A. Mọi tù-nhân
lên xe, cứ 2 người chung nhau 1 chiếc còng tay. Mỗi 2 người này sẽ “yêu
thương” nhau suốt hành-trình về Nam. Cùng ngồi, cùng đứng, cùng đi. Kể
cả đi “đại tiện, tiểu tiện” - cái gì cũng “tiện”, kể cả “bất tiện”!
Từ biệt nhé “cổng Trại giam” - mỗi ngày chịu khám xét nhập trại sau khi
lao động bên ngoài về. Từ biệt nhé “nhà thăm nuôi” với những ai từng
được thăm nuôi. Từ biệt nhé con đường từ Trại giam đến “Bến Trang”, với 2
bên đường gần trại, là những thửa ruộng. Đội 5 với Tổ cày thường có mặt
để cày bừa, gieo mạ, cấy mạ. Từ biệt nhé con đường khoảng-khoát : là
công trình làm đường của Đội 14, mà tôi là 1 Tổ trưởng - trước khi đổi
qua Đội 5 (1981)
Đoàn xe dừng tại ga Hà Nội. Công an giám thị,
công an vũ trang, tù-nhân theo một lối riêng vào ga. Được sắp-xếp thứ-tự
trong các toa. Thật lý tưởng! Ra Bắc (1976) trong các toa (chở súc vật)
kín mít, gần 60 người mỗi toa : không ít tù chỉ đủ chỗ cho 1 chân. Về
Nam, 4 cải-tạo-viên ung dung ngồi 1 bàn (dĩ nhiên vẫn 2 người chung nhau
1 còng tay). Cửa toa lớn, nhỏ đều mở rộng. Hình như vài toa mới có 1
công an vũ trang ngồi tại cửa lớn (lên xuống). Nhân viên phục vụ hỏa-xa
lui tới nhộn-nhịp lo cơm nước cho tù.
Xình-xịch tiếng tàu chạy.
Còi tàu thét. Tiếng rầm-rập khi tàu qua chỗ “kẽ” của đường rầy. Rất dễ
ru ngủ. Nhưng không một tù-nhân nào ngủ được. 6 năm tại miền Bắc, chắc
chắn là những chuyến du-lịch “không tiền khoáng hậu” (đến nay đã kín
hằng “tấn” với con số lớn hơn 10 và lũy thừa e trên 3 của những sách,
báo).
Đều rướn cổ nhìn qua cửa sổ của toa.
Tàu nhẹ nhàng qua
khỏi Bình Lục, Ninh Bình - mặc tấm thân nặng-nề của nó! Đầu óc chúng
tôi thảnh thơi, tâm tư chúng tôi nhẹ nhàng! Qua Thanh Hóa, quê ta. Rồi
có ngày ta sẽ về thăm. Sẽ ở lâu hơn, chứ không lướt qua như thế này. Qua
Nghệ An. Qua Hà Tĩnh. Là “Thanh-Nghệ-Tĩnh”!
Mới xế trưa, thì mọi
người nhốn-nháo. Công an vũ trang la hét, kêu gọi tù-viên trong toa mau
mau kéo kín cửa sổ. Đá, sỏi to từ bàn tay đến nhỏ như ngón chân cái từ
mé đường rầy tới-tấp ném vào các toa tàu. Có người bị trúng đá, bị
thương - kể cả công an, nhân viên phục vụ. Đương nhiên có tù bị thương.
Họ ngồi ngay tại bàn sát cửa sổ, khó di chuyển (chung còng tay). Tàu
chạy chậm. Cãi nhau dữ dội giữa công an coi tù và dân + quân đứng tại mé
đường rầy. Tàu vội (được lệnh) chạy nhanh hơn, dù tiếp cận ga Đồng Hới.
Là Đồng Hới, Quảng Bình!
Đã 7 năm qua rồi (sau 1975), sao lòng hận
thù chưa nguôi, hỡi đồng bào Đồng Hới? Đất nước đã đủ tang-thương. Bọn
tù chúng tôi cũng không vui gì. Chúng tôi còn mất mát nhiều hơn. Không
chịu cảm thông với chúng tôi hay sao?
Xế chiều, tàu qua ga Huế.
Ôi Huế thân thương. Hầu như tất cả những người bán hàng rong dọc ga Huế
đều ném vào các toa. Đi khỏi Quảng Bình, qua Quảng Trị, thì các cửa lớn,
nhỏ của tàu đều mở rộng. Ném vào toa không phải là những viên đá, sỏi.
Mà là đủ loại bánh trái, thực phẩm dưới hình thức nem, chả, nắm xôi, cơm
v.v…
Huế của tôi ơi!
Đường rầy vòng vào ga Đà Nẵng khi tàu
chậm lại, thì đã xâm xẩm tối. Không phải tại ga, mà cả gần cây số dọc
đường rầy tiếp-cận ga, là người dân Đà Nẵng. Họ la hét : “Chờ các anh
lâu lắm rồi”. Cũng là những túi ni-lông bọc sẵn mọi thứ đồ ăn, được ném
vào toa.
Bọn tù chúng tôi biết. Các thím các bác, các chị các cô đã
chờ chúng tôi 7 năm qua. Đa số những người đàn bà này là mẹ, là vợ của
những kẻ “nghìn dặm lưu đày”. Các bà, các chị ơi, chúng tôi đang về Nam,
nhưng phải còn thêm ít lâu nữa mới được thả về nhà.
Vĩnh Quang
(A) ơi, hơn 3 năm qua (1978-1982) với mi, đã đủ đau thương trong ta.
Đúng 40 năm từ chỗ mi, trên đường về Nam, thì Huế và Đà Nẵng đã đủ an-ủi
ta rằng VN vẫn còn trong tim ta.
(Stone Mountain GA - March 16, 2022)
No comments:
Post a Comment