Thursday, October 6, 2022

Tôi với Anh Năm Robert Lửa - Trần văn Loan K23

Tôi với Anh Năm Robert Lửa Trần văn Loan K23

Anh ta ngồi gát hai chân bắt tréo lên bàn, tay cầm điếu Ruby Queen gõ gõ theo nhịp trống hát bản Trấn thủ lưu đồn, sau nầy tôi mới biết đó là bản ruột của ca sĩ mang bảng tên màu tím trên ngực áo trận thêu chữ NG.X. PHUC. Nhỏ con, răng vẩu, anh nhìn tôi cười mỉm chi, nửa thật nửa đùa hỏi một câu hết sức khiêu khích:
– Thiếu úy đánh lộn bên Tiểu đoàn 5 nay về Tiểu đoàn 2 kiếm tôi phải không?

--------------------------------

 

Buồn vì đến trình diện đơn vị mới đã bị thằng bạn cùng khóa ngó lơ, nay gặp cha đại đội trưởng hắc ám xỏ xiên nầy tôi đang định trả lời: “Chưa biết!” thì anh ta đứng dậy bỏ đi và hất hàm ra lệnh:
– Kiếm thằng Hợp trình diện.

“Trình diện gì nữa”, tôi lầu bầu trong miệng, cúi xuống xách ba lô, trong đựng vài bộ đồ trận và và cây Ruby Queen, tìm chỗ khuất mắc võng nằm. Tin đồn rằng ở ngoài đơn vị tác chiến, dòng họ nhà Võ nâng đỡ nhau lắm nhưng thái độ của thằng bạn cùng khóa, của ông niên trưởng vừa qua làm tôi vỡ mộng bèn buột miệng nói… tục theo bản năng!

… Trung đội tôi nằm ở ngả ba sông phía dưới cũng chụp được hơn chục mạng bằng máy hình hiệu Claymore.

Sáng hôm sau ngồi trên miệng hố, đang nghĩ về những cái chết quá dễ dàng thì thấy đại đội trưởng đến, tôi làm bộ ngó lơ để khỏi phải đứng dậy chào cái mặt đáng ghét. Khi tới nơi anh đưa ca nhôm cà phê cho tôi và nói:
– Làm hớp đi! Chú mầy làm ăn được.
– Cám ơn Trung úy. Gặp may thôi, nhằm nhò gì!

Ở đơn vị chúng tôi, khi đầm ấm thân thiện thì anh em nhà Võ Bị xưng hô với nhau là “ông anh, niên trưởng” và “chú mầy”. Anh đã gọi tôi là “chú mầy” và cho uống cà phê đường nhưng sẵn ác cảm từ lúc đầu vì thái độ coi thường nhau nên tôi lạnh lùng trả lời và gọi đúng cấp bậc nhà binh chớ không có ông anh ông iếc gì cả. Phải giữ đúng nguyên tắc như khóa 17 đã dạy: “Tôi chứ không có em! Các anh xưng em cả với mấy bà thợ giặt!” (Không ai phịa chuyện giỏi như mấy ông cán bộ niên trưởng)

Anh ra lệnh chuẩn bị di chuyển với chi tiết rõ ràng hơn, còn dặn thêm “phải cẩn thận” và lờ đi như không để ý đến cử chỉ khó chịu của tôi. Ðây là lần đầu tiên anh trực tiếp ra lệnh, những lần trước chỉ qua các hiệu thính viên. Thái độ thân thiện nầy làm dây thần kinh tôi bớt căng thẳng, tự ái được vuốt nên nhìn lại bản thân mình: đen như củ… thục, cái mặt như hình tài tử ở tấm bia trên thềm bắn lại còn để râu chữ bát như mấy anh Tàu gian thì xếp nào ưa. Nhất là lý lịch với 15 củ trọng cấm vì tội “đả thương thượng cấp”. Nhà binh mà vấp phải lỗi nầy coi như đời tàn, gặp người dưng khác họ thì coi như bị đì chết bỏ. Anh tiếp đón thế là nhân đạo lắm rồi. Tình anh em bắt đầu chớm nở…

Sáng 29-6-1966, tiểu đoàn rời Ngả Ba An Hòa đi Quảng Trị. Ðoàn xe vừa qua khỏi cầu Phò Trạch, Phong Ðiền thì bị phục kích. Ðịch từ hai bên đường độn thổ lên cận chiến ngay. Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Lê Hằng Minh cùng hơn 40 quân nhân tử trận, gần 120 người bị thương trong đó có anh Phúc bị bắn xuyên từ ngực ra sau lưng. Hợp bị bắn bắp vế và tôi bị bắn vào khuỷu tay phải, Chính – khóa 20 – bị tét… bao thuốc trên túi áo ngực. Trận chiến chỉ kéo dài chừng 30 phút, địch bỏ chạy. Ðơn vị bạn đuổi theo, ta tải thương.

Tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tôi và Hợp được bông băng thuốc đỏ qua ngày rồi về đơn vị, riêng anh phải nằm lại để các thầy lang nghiên cứu. Ðạn xuyên từ ngực trổ ra sau lưng phá một lỗ bằng cái đồng trinh, không mẻ một tí xương, tim gan phèo phổi vô sự thật là may mắn hi hữu. Nhưng anh không cho là may mắn mà “nói phét” là anh có tài né và chửi tụi Việt Cộng bắn dở. Ðúng là khôi hài kiểu Nguyễn Xuân Phúc.

… Sát bên hông trại là hồ tắm Ngọc Thủy, ra đó cà phê thuốc lá rửa mắt và ai bơi ai tắm cứ việc thoải mái còn Phúc ta thì không, Thủy quân lục chiến mà không biết bơi. Ðã có lần chúng tôi khiêng anh vất xuống hồ nhưng lóp ngóp uống nước rồi bò lên, không chịu học bơi vì sợ lộ cặp giò ống điếu…

Ðược sống gần và sinh hoạt chung, tôi vẫn thấy thấp hơn anh một cái đầu. Anh luôn tự tin, khẳng khái, không bao giờ xun xoe với thượng cấp. Ðàn em học được nơi anh kinh nghiệm tác chiến và xử thế, nhất là tình huynh đệ.

Vui không được bao lâu thì đường binh nghiệp của anh phát, anh được làm xếp tiểu đoàn khác. Trước khi đi, anh khuyên nhủ và gần như cảnh cáo tôi:
– Tao đi rồi chú mầy phải cẩn thận với ông tân tiểu đoàn trưởng. Trước kia ông ta là tiểu đoàn phó tiểu đoàn nầy. Hơi khó đấy!
– Có hắc ám bằng cựu đại đội trưởng Đại đội 4 của tôi không?
– Mầy học thói móc lò ở đâu vậy? Tao và thằng Hợp muốn thử lửa mầy chơi. Ðất dụng võ ở Thủy quân lục chiến hẹp lắm nghe em. Mầy đã phạm một lỗi lầm lớn. Còn nhớ ông ta nói gì khi tao trình diện sĩ quan tiểu đoàn cho ông ta không?
– Quên sao được. Nhưng Võ Bị là phải ngước mặt lên. Lính chuyên nghiệp mà!

Tuy là xếp mới nhưng ông ta đã ở Tiểu đoàn 2 khá lâu nên biết mặt gần hết sĩ quan cũ. Khi đến tôi, anh giới thiệu là ở Tiểu đoàn 5 mới về lại còn nhấn mạnh: “Ðược lắm!” Ông ta liếc qua tôi bằng 1/4 trên 1/4 con mắt rồi quay qua nói với anh Phúc vừa đủ nghe:
– Ðược thì tại sao họ lại nhả ra?

Anh Phúc vừa đủ nghe nhưng lại quá dư chói tai người khác. Anh đưa mắt lừ tôi.

Tuy chỉ mới sống với anh một thời gian ngắn, từ một thằng cha lùn hắc ám, nay anh cao hơn nhiều. Tôi hiểu ý anh, ngậm bồ hòn làm ngọt, cục bồ hòn còn mãi cho tới khi anh trở lại Tiểu đoàn 2.

Anh làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6. Trong trận Mậu Thân đạn lại xuyên cổ, pháo cào rách mặt. Ði bệnh viện. Về làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Yểm trợ nơi có nhiều con cha cháu ông, dễ bị dòm ngó vì béo vì dầu mỡ nhưng anh không cần và cũng chẳng “khe”. Nguyễn Kim Thân khóa 21 hướng dẫn anh nhảy đầm sao cho có vẻ khiêu vũ một tí thì anh lại cứ nhẩy kiểu khiêu… khích bố thiên hạ, mặt trời, mặt trăng hay mặt… gì đi nữa mà thấy cũng phải nóng mặt. Thân nhắc khéo: “I can you…” thì anh xổ nho: “No star where. Sugar me, me go!”

Ðúng, chỗ của anh không phải ở nơi nhiều dầu mỡ, anh trở lại nắm Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên năm 1969. Thân cũng đi theo về làm trưởng ban 3. Tiểu đoàn phó là bạn đồng khóa. Ðại đội trưởng là 3 tên khóa 19. Ðại đội phó là mấy tay tổ khóa 20 và khá đông các trung đội trưởng là khóa 22 và 23. Ðiều đáng buồn là đứa em út Nguyễn Quốc Chính của anh không còn nữa.

Với giàn cán bộ như vậy thì xếp Phúc khỏe re và cũng là thời gian vui nhất, cùng làm cùng chơi vì đại đa số còn độc thân, nhiều đào, nhậu ào ào nhưng vào việc thì đâu ra đó, không la ó. Khi đụng trận mới thấy cái bình tĩnh của anh. Ða số các xếp lớn khi nghe súng nổ là đòi gặp “thẩm quyền, đích thân” ngay. Những lúc như thế hai tay, hai tai, hai máy, máy trên nhận lệnh máy dưới ra lệnh nên nhiều khi chửi thề lộn vào ống liên hợp là bình thường! Anh thì không, cứ để mặc cấp dưới thoải mái giải quyết, không hối thúc, thỉnh thoảng chỏ vô tần số nội bộ nói ngắn gọn: “Cần gì không?” Thuộc cấp nào cũng thích kiểu chỉ huy nầy thay vì sốt sắng quá, kiểu pạc ti dăng: “Bằng mọi giá phải chiếm cho được, không thì tôi đưa ông ra tòa án quân sự!” Bố khỉ! Chỉ huy kiểu chày đánh đục, thượng đội hạ đạp.

Khi ông tiểu đoàn phó bạn cùng khóa đi làm xếp đơn vị mới thì anh được quyền đôn 1 trong 3 thằng khóa 19 lên trám chỗ. Cả 3 đều đại úy và “cà chớn” như nhau, hơi khó chọn nên anh cứ “thả nổi”. Tới khi tiểu đoàn chuẩn bị đi hành quân ở Chương Thiện thì anh gọi tôi lên:
– Chú mầy giao Đại đội 1 lại cho Lâm Tài Thạnh, lên coi cánh B.
– Sao lại tôi? Còn 2 thằng Hợp và Doan đâu? Tụi nó là dân kỳ cựu Tiểu đoàn 2, nhất là Hợp, nó lên trung úy trước tôi và làm đại đội phó cho anh từ lâu…
– C.! Bàn giao đại đội ngay. Ði hành quân về tính sau.

Chẳng phải quân tử Tàu. Ðã chọn nghiệp lính mà được đàn anh nâng đỡ thì còn gì bằng nhưng cũng phải “khách sáo” một chút cho phải phép vì Hợp vốn là xếp của tôi. Nó gốc Tiểu đoàn 2, học trò cưng của anh Phúc. Kẹt một sợi tóc, chỉ tại cái đại úy của tôi thâm… hơn nó mà anh chọn tôi đi cánh B thì ngượng với bạn bè quá.

Mưu sự tại anh, thành sự tại thằng Việt Cộng, tôi bị trọng thương. Anh chọn Hợp thay tôi và đưa Doan đi làm phó cho một ông niên trưởng ở tiểu đoàn khác. Nhưng thằng phải gió nầy nó không chịu đi để tiến thân mà cứ đòi mài sừng làm Trâu… Ðiên rồi sau đó nó cũng cùi luôn và giã từ vũ khí.

Ở Thủy quân lục chiến lúc đó (1969) chỉ có 9 tiểu đoàn tác chiến, các khóa đàn anh đàn em dồn một cục nên việc chen vai thúc cùi chõ để được làm đại đội trưởng đã là vất vả huống chi tiểu đoàn phó, vậy mà nó uống thuốc lắc cũng chỉ vì ham ở với anh.

Trong thời gian hơn 1 năm tôi nằm bệnh viện, hễ có dịp là anh ghé thăm với vỏn vẹn 1 cây thuốc Ruby Queen và vài câu quen thuộc:
– C.! Mầy làm tao thất vọng. Chú mầy làm tao mất hứng!

Bị anh sỉ vả mà tôi vẫn vui và nhớ mãi đến nay, sau hơn 30 năm, nụ cười chúm chím rất đểu và có duyên với cái sẹo ngang mặt. Khi tôi bị hội đồng y khoa phân loại 3 cũng tìm đến anh can thiệp cho tiếp tục ở lại binh chủng. Xếp chúa chấp thuận, còn hứa cho ngồi chỗ nào tùy ý. Và rồi sau đó tôi cứ như con thoi, chỗ nào không có chó thì bắt con mèo què nầy ăn. Ba ngày chỗ nầy, bẩy ngày nơi khác. Nhờ vậy mà tôi được gặp anh lần cuối cùng trên bờ biển…

Sáng 29-3-1975, anh Phúc, lữ đoàn phó Ðỗ Hữu Tùng, Trâu đầu đàn Trần văn Hợp và tôi đứng nói chuyện trước cửa trung tâm hành quân sư đoàn trong Căn cứ Non Nước kế bên bờ biển. Khoảng 7 giờ sáng, phòng 3 chúng tôi được lệnh bơi ra tàu, các anh ở lại điều động đơn vị. Từ đó tôi không bao giờ gặp lại hai anh Phúc, Tùng nữa. Có người nói thấy hai anh lên trực thăng, có người nói hình như lên tàu, có bố (láo) nghe tiếng anh kêu gọi rút lên đỉnh Sơn Chà tử thủ! Không ai thấy tận mắt chuyện gì xảy ra, nhưng một điều chắc chắn là không người nào gặp lại hai anh sau 1975 ở bất cứ nơi đâu.

Trong bài Trận chiến sau cùng của Tiểu đoàn 9/TQLC, trưởng ban 3 Tân An Ðoàn văn Tịnh khóa 22 viết:

7 giờ sáng ngày 29-3-1975, gần 11 giờ trưa cánh A mới tới được bờ sông Hàn. Tôi gọi Trung tá Tùng. Tiếng nói của Tùng trong ống liên hợp và chiếc loa nhỏ gắn trên máy PRC-25 không được rõ ràng, lẫn lộn với một loạt âm thanh thực quen thuộc, hình như tiếng cánh quạt của trực thăng hay tiếng sóng biển vỗ vào mạn tàu.
– Thái Dương đang ở đâu? Trên máy bay hay tàu thủy?
– Sao Tân An lại hỏi vậy?
– Vì tôi nghe có tiếng quạt đập gió hay tiếng oằm oặp của sóng.
– Không tàu cũng chẳng máy bay. Ðó là tiếng sóng vỗ bên bờ biển.

Tôi nghe tiếng la rất lớn của Trung tá Phúc:
– Cho Tân An ngay tần số của Hợp, và Hợp có bổn phận đón Tiểu đoàn 9.
– OK, OK! Tân An đây Thái Dương. Hãy ghi tần số nầy và liên lạc với Hà Nội để Hà Nội thu xếp đón Tiểu đoàn 9 lên tàu.
– Ðáp nhận. Ðại Bàng!
– Chúc may mắn.

“Ầm!”
Bỗng tôi nghe trong máy một tiếng nổ rất lớn cắt ngang tiếng nói của anh Tùng và chấm dứt cuộc đối thoại. Ðó là lần nói chuyện sau cùng của chúng tôi với Trung tá Ðỗ Hữu Tùng…
(Tô văn Cấp khóa 19 – Ða Hiệu số 71)

***

… Tôi còn nhớ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào tại mặt trận phía bắc đồi 550, Sau khi tiến chiếm vị trí phòng thủ đầy tre gai rừng chằng chịt của địch, tôi bị thương khá nặng mà nếu không có anh Năm Nguyễn Xuân Phúc la hét trên máy là chính mình bị thương để trực thăng Mỹ xâm mình bay đến tản thương trong hỏa lực phòng không dầy đặc của Việt Cộng thì có lẽ tôi đã bỏ xác tại Hạ Lào mất rồi!

… Ðối với cố vấn Mỹ của tiểu đoàn thì anh Năm Nguyễn Xuân Phúc rất giữ khoảng cách để cho “cái thằng mọi” gọi anh Năm bằng sir và buộc cố vấn Mỹ phải chịu khó nghe tiếng Việt.

Cố vấn Mỹ luôn được anh Năm mời nhậu nhẹt nhưng “đừng để cho lính Trâu Ðiên đói đấy nhé. Nếu lính tao đói là mày phải đói theo luôn và tao sẽ không cho mày ăn cơm với tao nữa đâu nghe rõ chưa!” Cho nên bất cứ thời tiết nào, cố vấn cũng phải gọi máy bay tiếp tế hay tải thương cho con cái là tiên quyết chứ anh Năm không bao giờ nhờ vả cố vấn mua giúp cái gì ở PX đâu.

Ðó là lý do tại sao sau khi xuống núi, cố vấn Mỹ phải xin phép anh Năm Nguyễn Xuân Phúc lái xe Jeep về Phú Bài, Huế mua đủ thứ đồ nhậu mang ra hành quân để đáp lễ những cảm tình mà anh Năm đã dành cho họ.
(Trần văn Loan – khóa 23 Võ Bị)

No comments:

Post a Comment