Thursday, October 6, 2022

NGHÌN DẶM LƯU ĐÀY (5) - Trần Công Đài K16/TVBQGVN

Đội tù cải tạo đầu tiên ra miền Bắc. Chúng tôi từ Suối Máu, rời miền Nam vào ngày 13/03/1976 (sau gần 1 năm “tù cải tạo” tại miền Nam). Đi tàu thủy đến Bến Thủy (Vinh, Nghệ An), từ đây lên tàu lửa bít-bùng đến Hà-Nội, rồi đổi tàu, đi Nghĩa Lộ, Yên Báy.
---------------------------
 -----------------------------------------------

Tại Nghĩa Lộ hơn 1 tháng, lại vượt Thác Bà, lập Trại 8 Hoàng Liên Sơn. Trước thời-gian di-chuyển này, có vụ trốn trại do nhóm 5 người gồm : Trần Đăng Khôi (Cựu Trung Tá, Lữ đoàn trưởng LĐ3 ND, Khóa 16 VBQG ĐL) - Trần Đăng Khoa (Cựu Thiếu Tá Quận trưởng 1 quận tại Phước Tuy, khóa 16 VBQG ĐL, em ruột của Trần Đăng Khôi) - Hồ Văn Hòa (Cựu Thiếu Tá, Quận trưởng 1 quận trong Nam, khóa 16 VBQG ĐL) - Trần Tấn Hòa (Cựu Thiếu Tá, Tiểu đoàn trưởng ND, khóa 20 VBQG ĐL), và 1 sĩ quan cấp Tá khác (không nhớ tên). Tất cả bị bắt lại sau 2 tuần.

Hình ảnh trên, hàng đầu từ phải qua trái, tôi số 2. Số 1 là Trần Toán (Cựu Thiếu Tá, Tiểu đoàn trưởng ND, khóa 18 VBQGĐL). Nhiều người, tôi còn nhớ tên, có mặt trong đội tù này : Lê Hữu Chiêu (Cựu Thiếu Tá, Sở Liên Lạc) - Đinh Xuân Lãm (Cựu Thiếu Tá, TQLC, khóa 17 VBQGĐL) - Lê Đình Bảo (Cựu Thiếu Tá TQLC) - Trần Quốc Ba, Nguyễn Ban, Võ Văn Quyền (các Cựu Thiếu Tá Hải Quân) - Những cấp Tá khác thuộc Nha Quân Pháp, Không quân, CTCT (cấp sư-đoàn trở lên), Quân báo 101, ANQĐ, Phòng 2 (cấp sư đoàn trở lên). Đa số là Thiếu Tá, một ít là Trung Tá.

Doanh trại này trước thuộc Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt, đã cũ nát. Đội tù chúng tôi phải xây dựng lại. Đây thuộc Lào-Kay, cách biên-giới Việt-Trung khoảng 20 km đường chim bay.

ĐOẠN ĐƯỜNG MƯA GIÓ
Mưa khuya, mưa sáng nay, vẫn mưa lớn (5/10/2021) và Stone Mountain GA có nhắc ai điều gì? Riêng tôi, trong cảm-khái lại liên-tưởng đến cuốn sách nổi danh Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind). Là cuộc nội chiến Mỹ, và Tiểu Bang Georgia bấy giờ đang thuộc lực-lượng của Nam-quân và “một sự trùng hợp” khi ẩn-sĩ Tue Ton lại chọn 1 địa danh rất nổi tiếng làm nơi ẩn cư. Chattahoochee River. Địa điểm này là “thành đồng vách sắt” của Nam-quân. Mà cuối cùng, chiến-lũy cũng theo số-phận với Georgia rơi vào tay quân Bắc (9/1864).
Hai vai chính trong truyện, Scarlett O’Hara (Vivien Leigh) & Rhett Butler (Clark Gable) cùng phim, truyện đạt nhiều giải thưởng. Đề tựa cũng là nội dung. Ai dám bảo cuộc đời mình do chính mình quyết-định?

Mùa mưa 1976, Hoàng Liên Sơn. Thế là đội tù cải tạo từ Nam ra Bắc, sau 1 tháng ở Nghĩa Lộ, lại về Lào-Kay (vượt Thác Bà) lập Trại 8 Hoàng Liên Sơn. Hình ảnh trên là đợt đầu từ Nghĩa Lộ đến, khoảng trên 100 tù. Hai đợt khác trong vòng tuần sau khiến tổng số tù cải tạo lên đến 400 tù-nhân. 5 tháng đầu ở đây, tù-nhân có 3 việc :

(1) “Chém tre đẵn gỗ” sửa chữa lại “lán”trại. Dựng 1 hội-trường lớn, rộng (đủ chỗ cho khoảng 500 người hội-họp học-tập)
(2) Các đội được phân-chia khu-vực rừng để phát quang, chờ khô sẽ đốt và rãi giống trồng lúa (nương).
(3) Mỗi sáng chúa nhật, tất cả lên rừng chặt củi đem về nhà bếp trại.

Từ cổng trại, đi vào trong theo thứ tự từ gần : a/ Hội-trường (chưa hoàn-tất) ngang khoảng 40 mét và sâu khoảng 20 mét. Bên trái là “lán” ở của Đội nhà bếp + bếp, lò, kho. b/ Tiếp theo hội trường là chiếc sân, kích thước bằng hội trường. Bên phải sân là dãy “lán” ở của Đội 3, nằm dọc từ ngoài vào trong khoảng 50 mét. Tiếp theo sân là “lán” ở của Đội 2 theo chiều ngang khoảng 40 mét. Sát mé trái của “lán” Đội 2 là con đường với những bậc đá từ thấp lên cao. Phía trái của Đội 2, bên kia đường là “lán” Đội 1 - chạy theo chiều ngang cũng khoảng 40 mét.

Cổng trại 8 sát con đường chạy dọc bờ Thác Bà từ phía đông đi về phía Thị xã Lào-Kay (phía tây). Trại là nửa ngọn đồi, từ chân đồi phía nam đi dần lên cao về phía bắc.

Rảo 1 vòng tìm bạn. Chúng tôi chỉ có hơn nửa ngày của chúa nhật để tự do “đi quan hệ”, vì sáng chúa nhật, mỗi tù cải tạo đều phải làm “overtime” kiếm củi. Đội 3, thấy nhiều bạn. Có Bùi Quyền (Lữ đoàn phó LĐ3 ND, khóa 16 VBQG ĐL). Có Trần Ngãi (trước cùng ở LLĐB, quen nhau từ đầu 1964. Về sau, là Tiểu đoàn trưởng TĐ 68 BĐQ tại quận Minh Long, Quảng Ngãi). Thấy Trần Kim Hoàng (TQLC, khóa 17 VBQGĐL). Nguyễn Đằng Tống (Lữ đoàn trưởng LĐ 4 TQLC, khóa 16 VBQG ĐL) … Đội 2, thấy Tô Văn Cấp (TQLC, khóa 19 VBQGĐL). Phan Bát Giác (khóa 18 VBQGĐL), Trương Đình Ty (Quận trưởng Tam quan, Bình Định) … Đội nhà bếp, có Kỉnh (Liên đoàn trưởng Địa phương quân tại Quảng Tín - bạn thân của anh ruột tôi), Nhỏ (ND, khóa 20 VBQG ĐL), Cao Giai (em ruột của Cao Yết [khóa 16 VBQG ĐL]).

Khoảng tháng 9/1976, từ đâu chuyển đến 1 số tù-nhân. Đội 1 nhận khá nhiều : Ngô Như Khuê (Pháo Binh QĐ I, khóa 12 VBĐL), Ngô Văn Xuân (Trung đoàn trưởng Tr/đoàn 43, SĐ 23 BB, khóa 17 VBQGĐL). Đội 1 có Đội trưởng là NVM (Quận trưởng 1 quận V2CT), Đội phó NXH (Không quân), và khoảng 7 tổ trưởng - tôi chỉ nhớ, Xuân, Khiêm, Toán, và tôi.

Tổ tôi có : Tôi (tổ trưởng), Khiêm (Quận trưởng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi - khóa 14 VBĐL - mất chức tổ trưởng vì hay “cải thiện”, về làm tổ phó cho tôi), Nguyễn Văn Tư (khóa 16 VBQG ĐL), Đinh Xuân Lãm (Tiểu đoàn trưởng TQLC, khóa 17 VBQGĐL), Đồng Đăng Khoa (khóa 19 VBQGĐL), Lê Xuân Sơn (Quận trưởng Củ Chi, Hậu Nghĩa, khóa 21 VBQGĐL), … Cẩn (Liên đoàn phó Công Binh, khóa 4 Thủ Đức), Lầu Chí Phấn (khóa 11 VBĐL), Hồ Như Lăng (Tham Mưu Trưởng TK/Quảng Nam, khóa 4 Thủ Đức), 3 Thẩm phán : Bùi Văn Chấn, Lê Đắc Lân, Nguyễn Thái Thường (Nha Quân-pháp), Nguyễn Ban (Hải Quân).

Nếu nói thời-gian tù cải tạo là 1 phần đắng cay, khổ sở cả 2 mặt vật-chất và tinh-thần, tâm-lý cho cựu quân, cán, chính VNCH, thì tôi muốn thêm rằng những tháng đầu tiên “nghìn dặm lưu đày” này quả thật hết sức gian-nan, ngậm-ngùi!

Ngoài trời vẫn mưa. Hẳn là những cơn mưa thu, đang muốn trở mình để cuối tháng sau (11/2021) nhường Đông chớm? Hình như tính “thực dụng” Mỹ ở đây khiến “yên sĩ phi lý thuần” (inspiration) sẽ chợt đến chợt đi nếu ta không vội nắm bắt. Khác gì khi ta chưa kịp ôm lấy mùa Thu thì lá cây đã mau vàng úa, rồi chưa kịp thổn-thức thì mưa gió đã nhạt nhòa chờ Đông với tim giá lạnh! Mà Xuân thì còn xa.

Mưa gió đến với Lào-Kay. Đội tù chúng tôi vẫn phải chặt bương nứa, đốn cây để kịp hoàn-tất hội-trường trước Xuân 1977 (theo yêu cầu). Về đốn cây để làm cột, tổ nào cũng phải theo tiêu chuẩn thực-hiện. Tổ tôi 13 người, phải chặt 6 cột. Tôi phân chia 2 người thực hiện 1 cột đúng tiêu chuẩn (6m dài X 0m3 đường kính). Ba đàn anh (Cẩn, Phân, Lăng đều trên tứ tuần) phụ-trách 1 cột. Tôi và Lãm làm 1 nhóm.

Cặp nào cũng đã hoàn-tất sớm. Mãi vẫn không thấy 3 ông “già”. Tôi và Lãm đã xong trách-nhiệm. Tôi nhờ Lãm cùng với tôi vào rừng tìm-kiếm 3 bậc “tiên-bối”. Vẫn mưa lớn, đường trơn-trượt. Nhìn 3 người, đi từng bước, cây gỗ dài trên vai. Trượt té, cây rơi xuống, lại cùng nhau khuân lên, rồi bước đi rồi trượt té, rồi khuân lên ...Thấy anh Lăng có vẻ lười biếng, người hơi rùng xuống khiến cả cây đè nặng vai 2 người kia. Dù bất kỳ vị-trí nào (trước, sau hay ở giữa) Lăng vẫn thế. Tôi lớn tiếng quát-nạt.
Rốt cuộc, tôi và Lãm phải thay thế 3 đàn anh, mà mau chóng khiêng cây gỗ về trại, báo cáo tổ đã hoàn-tất.

Tôi còn sống-sót. Còn viết, ghi lại tháng ngày. Đói thì đã rất nhiều bài viết “rên la” dữ-dội. Khổ, vất vả thì không thiếu tài-liệu đưa ra. (Trên online có ngàn, vạn chuyện). Nhưng ái-ngại nhìn bạn đồng tù, lớn tuổi - có lẽ là lần đầu trong đời, họ chịu thảm-cảnh này - tôi thiếu ngôn-từ diễn-tả.

Anh Hồ Như Lăng cũng trên 45, lại đang bị ung-thư tiền-liệt-tuyến. Đã đến 1 mức độ anh không thể “nín” tiểu tiện. Chỉ kịp ngồi dậy khỏi chiếc giường tập thể đan tre, là anh tiểu-tiện tại chỗ. Ít lâu sau, anh được đưa về Bệnh xá (Trại 2) chữa bệnh.
Rồi không còn nghe về anh. Cuối 1976, hay đầu 1977, tôi chỉ nghe nói lại. Bạn cùng khóa với tôi, Nguyễn Đằng Tống, vết thương cũ trong bụng nhiễm trùng, sinh mũ. Được chở đi cứu cấp. Và không lâu sau, anh Nguyễn Đỗ Tước (Truyền Tin/BTL/LLĐB - khóa 14 VBĐL) bị tiêu chảy, cũng được cứu cấp. Không rõ về anh Lăng dù bệnh anh gần như thời kỳ cuối. Nhưng 2 người sau thì chỉ 2 tuần sau được báo là đã qua đời.

Gần 20 năm trước (khoảng 2002), anh Lầu Chí Phấn không hiểu làm sao có được số phone của tôi, anh gọi thăm - anh đang ở Alabama. Người ta nói “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”, vậy ai dám khoe mình “thân do kỷ” quyết-định. Cuốn sách cùng truyện phim thực-hiện, nêu ở trang đầu bài này thật thấm-thía! “CUỐN THEO CHIỀU GIÓ”.

No comments:

Post a Comment