Saturday, September 24, 2022

Những Ngày Cuối tháng 4/1975 - Hà Trinh Tiết H29/SĐ18/BB

 Quý NT và các bạn,
Tôi ra trường ngày 21 tháng 4 năm 1975 về SĐ 18 BB. Ngày 26 tháng 4, cả SĐ 18 BB ra lập phòng tuyến mới ở Trảng Bom, riêng tiểu đoàn 2/43 của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế ở lại bảo vệ Bộ Tư Lệnh SĐ 18 BB ở Long Bình. Tiểu đoàn 2/43 là tiểu đoàn rút lui sau cùng ở Xuân Lộc đêm 20 tháng 4 năm 1975, đến ngày 25 tháng 4 năm 1975 mới về được đến hậu cứ.
 
-----------------------------------
 -----------------------------------
Tôi chỉ huy trung đội đóng trên đỉnh núi Bà Hiền. Gọi là núi cho nó oai chứ chỉ là cái đồi trọc không có cây to chỉ có vài bụi cây nhỏ, có con đường xe be chạy ngang qua đinh núi, và bên cạnh là núi ông Tố cũng chả khác là bao do đại đội bạn trấn giữ. Trung đội phòng thủ hai bên trái phải của đường xe be và tôi nằm cách tuyến phòng thủ độ 10 m bên cạnh 1 cây to đã bị đốn chỉ còn gốc, cao chừng 1/2 m, để nếu đụng trận, tôi có gốc cây che chở.

Chiều 26 tháng 4, tôi ăn chiều xong ngồi tâm sự với lính. Lính của tôi đủ hạng tuổi từ 18 đến 45. Họ thật hiền lành và tôi thuộc lòng gia cảnh tên vợ con của 12 người lính của tôi (khi nhận trung đội, tôi có được quyển sổ lý lịch của họ nên trong mấy ngày 22, 23, 24, 25 tôi học thuộc lòng). Khi nói chuyện với họ, tôi nói trúng phóc tên vợ con của họ, thăm hỏi từng người, hoàn cảnh vợ bầu mấy tháng con dại đi học như thế nào. Họ há hốc mồm lên hỏi tôi sao Thiếu Úy biết rõ như vậy. Tôi chỉ mỉm cười vì đây là yếu tố tâm lý để thu phục nhân tâm mà. Khi tôi hỏi về trận chiến ở Xuân Lộc và cuộc lui binh của SĐ 18 BB, họ tranh nhau kể cho tôi nghe và kể đến chỗ bạn bè chết gục bên cạnh họ, rồi xác bị bỏ lại ngoài chiến trường khi lui binh, họ khóc làm tôi cũng rơm rớm nước mắt theo.
 
Mỗi tối, tôi không ngủ được, phần vì không được tắm sau 1 ngày ngồi dưới ánh nắng chang chang của tháng 4 ở Trảng Bom mà tôi ở Đà Lạt mát quen rồi, nên mồ hôi ra nhễ nhại bên trong cái áo giáp. Mồ hôi không biết ở đâu mà nhiều thế ướt hết cả áo lót, quần lót ra ngoài bộ đồ trận. Chiều tương đối có gió mát hơn, gió thổi làm quần áo khô lại nhưng tôi khó chịu vô cùng vì trong trường ở sạch quen rồi. Giờ ngày không tắm, đêm không tắm, chịu chưa quen nên chỉ muốn được tắm nên không ngủ được. 

Tối ngày 28 tháng 4, cũng như tối đêm 26, đêm 27, tôi không ngủ được nên hết nằm sấp rồi lại nằm ngửa trên chiếc poncho. Người lính mang máy truyền tin nằm bên cạnh đã ngủ từ lúc nào, cách vài mét là người lính cận vệ của tôi và vài mét nữa là lính trung đội của tôi. Đêm đó trời đẹp như trăng 18 tuy không sáng như trăng 16 nhưng cũng đủ mờ mờ ảo ảo trên bầu trời đầy sao. Tiếng đạn pháo lâu lâu lại nổ xa xa như thêm nét chấm phá cho 1 bản nhạc đêm cộng hưởng với các con dế, hay côn trùng đang gáy bên cạnh. 
 
Khoảng nửa đêm, tôi không nhớ chính xác là mấy giờ. Lúc đó tôi đang nằm sấp, mắt nhìn về hướng con đường xe be từ chân đồi lên vì nếu địch có di chuyển, họ sẽ theo con đường này đi lên đỉnh núi. Đột nhiên, tôi loáng thoáng thấy bóng người mờ mờ ở xa xa đang tiến lên đỉnh đồi. Trong đầu tôi nghĩ hay là lính mình vì ngày hôm nay tiểu đoàn 1/43 đụng trận, cả tiểu đoàn tan tác, Tiểu Đoàn trưởng bị bắt sống, tiểu đoàn phó chết. Cũng may bạn bè tôi không có ai ra tiểu đoàn này. Buổi chiều gần 20 người lính đã chạy được về phòng tuyến của tôi. Tôi còn đang suy nghĩ thì họ đã tiến đến sát tuyến phòng thủ. Họ dừng lại vì có lẽ họ thấy lính của tôi đang ngủ nằm la liệt hai bên đường xe be. Tôi lấy khẩu súng M16, mở khóa an toàn để qua chế độ bắn auto. Vì quá hồi hộp, tôi quên luôn việc kêu anh lính truyền tin của tôi dậy, mắt tôi chăm chăm nhìn vào toán lính không biết của mình hay của địch. Đột nhiên có tiếng quát "C mấy còn nằm đây ngủ". Tôi bóp cò súng liền vì C mấy tức đại đội mấy của cộng sản và giọng Bắc đặc sệt. Bắn hết băng đạn, tôi lăn xuống hố cá nhân, người lính truyền tin của tôi lăn xuống đè lên người tôi. Đạn lúc đó bắn xối xả san sát trên mặt đất vì ngửa mặt lên là thấy đạn lửa xẹt trên đầu. Tất cả sự việc trên, tôi kể xảy ra nhanh không thể kể theo thứ tự được mà có lẽ nó xảy ra cùng 1 lúc. 
 
Tim tôi đập muốn văng ra khỏi lồng ngực vì đây là trận đụng độ với địch đầu tiên của tôi. Trung đội tôi gồm 12 người lính và tôi nữa là 13. Địch khoảng gần 20 người đứng lố nhố trên con đường xe be trước khi nổ súng. Sau chừng bao nhiêu giây đó, tiếng súng đồng loạt im bặt. Chúng tôi được lệnh tiết kiệm đạn vì lúc đó tiếp tế đạn sẽ là điều rất khó khăn. Nên chỉ được bắn khi thấy địch. Khi tất cả đều trở về tĩnh mịch, im lặng, kể cả tiếng côn trùng cũng im bặt sau trận nổ súng vừa qua. Tôi run run tay cầm cái ống nghe của chiếc PRC-25 lên gọi nhè nhẹ đại đội trưởng
- 34, 34, đây 63.
34 là danh hiệu truyền tin của đại đội trưởng (ĐĐT). 63 là danh hiệu truyền tin của tôi.
Có lẽ giọng nói của tôi run quá nên ĐĐT nói
- Bình tĩnh báo cáo.
Tôi vẫn còn run nói
- Địch vào tuyến phòng thủ của tôi. Nhưng họ đã bỏ chạy, giờ tôi phải làm gì.
ĐĐT nói
- Anh cho lính lên lục soát, rồi báo cáo cho tôi.
Tôi quay qua anh lính truyền tin nói
- Anh bò ra ngoài cho lính lên lục soát rồi báo cáo cho tôi.

Anh lính truyền tin bò ra ngoài, rồi cùng anh lính cận vệ của tôi bò đi lục soát thu được 4 súng trong đó có 1 khẩu K54 chắc là của tên chỉ huy. 4 xác địch nằm lại, còn bao nhiêu bỏ chạy thoát xuống chân núi. Tôi báo cáo lại cho ĐĐT biết tình hình. Sau đó mọi việc trở lại như lúc chưa xảy ra đụng trận. Tiếng côn trùng lại rả rích trong đêm khuya, nghe như bản hợp ca của thiên nhiên. Đột nhiên tôi nghe tiếng rên rỉ rất yếu ớt xen kẽ tiếng côn trùng đang hòa âm "Cứu tôi với." "Cứu tôi với". Hình như 1 tên còn sống nên đã lên tiếng rên như thế. Tiếng rên nghe ai oán, não nùng như tiếng ma kêu trong đêm tối mà lần đầu tiên tôi nghe được trên cõi đời này. Tôi nghĩ mình phải làm sao đây? Tất cả đều quá xa lạ, mới mẻ với mình. Những ngày bình yên trong trường giờ không còn nữa, mà mình thật sự đang đối diện giữa cái sống và cái chết. Giữa lính mình và lính của địch. Tôi thực sự không biết làm sao, im lặng bỏ qua tiếng kêu cứu thì không đành lòng. Chúa phán "Con hãy yêu thương kẻ thù của con như chính mình con vậy." Chúa ơi! Con muốn nghe lời Chúa lắm, nhưng đây cũng là sự sống chết không những của con mà của cả 12 binh lính của con. Con có thể chết, nhưng 12 binh lính của con không thể chết vì họ còn vợ con của họ. Họ phải sống.

Tôi suy nghĩ có nên cứu người lính bộ đội này không hay bỏ mặc. Nếu tôi cứu, sẽ phải gọi y tá đến. Nếu y tá đến, phải mở đèn sáng mới cứu anh ta được. Mà ban đêm, ánh đèn là mục tiêu rõ nhất cho địch nả đạn pháo vào. Rốt cuộc, tôi quyết định để anh ta đó chờ sáng mới cứu. Nếu phúc phần anh ta có, anh ta sẽ được cứu. Tôi không thể vì anh ta mà để cả trung đội làm mục tiêu cho pháo của địch bắn. Tiếng rên đến gần sáng thì im bặt và sáng sớm chính tôi đi kiểm soát khu vực mà tối hôm qua chúng tôi đã nổ súng. 4 xác chết của địch đều không mang cấp bậc nhưng 1 tên có bản đồ hành quân và khẩu súng K54 tối qua tôi đã có được. Chắc là tên chỉ huy. Lục giấy tờ cũng không có giấy tờ gì. Tôi lúc đó cũng chả có giấy tờ gì trên người ngoài hai tấm thẻ bài.

Thiếu Tá Huỳnh Văn Út tiểu đoàn trưởng của tôi tới cùng ông ĐĐT. TT tiểu đoàn trưởng hết lời khen tôi giỏi, mới ra trường mà đã biết để địch đến gần mới bắn, bắn xa nó chạy hết. Khi TT tiểu đoàn trưởng rời khỏi khu vực, tôi hỏi ĐĐT nên làm gì với 4 xác này. ĐĐT nói tùy quyền của anh. Anh muốn làm gì thì làm.
Đứng trước vấn đề nan giải thứ nhất tối qua là có nên cứu lính cộng sản không, tôi đã phải cân nhắc giữa thiệt hại cho lính mình ban đêm nếu bị địch phát giác nả đạn pháo và sự sống của người lính địch bị thương tôi đã quyết định không cứu dù lương tâm, tính nhân đạo của tôi không muốn. Sáng nay tôi lại phải chọn lựa giữa tính nhân đạo giữa con người với con người là có nên chôn cất họ tử tế hay không, hay bỏ mặc vì ngay cả lính mình, ngoài chiến trường còn không được chôn cất tử tế.

Nếu tôi ra lệnh cho lính chôn 4 xác này, họ sẽ tuân lệnh nhưng họ sẽ bất mãn và tôi không được sự yêu mến của họ khi chỉ huy họ. Nếu tôi bỏ mặc 4 xác địch này thì lương tâm tôi không tha thứ cho tôi mới ra trường mà đã trở nên ác độc rồi. Quyết định sau cùng của tôi là tôi tự chôn cất 4 xác chết này mà không nhờ đến lính, như thế họ sẽ không có lý do gì để bất mãn. Thế là tôi mượn cái xẻng cá nhân của người lính cận về và tự đào hố không nói 1 tiếng nào ra lệnh cho lính cả. 2 người lính cận về của tôi thấy tôi đào, họ phụ tôi đào vì nhiệm vụ của họ là phải làm thay cho tôi tất cả mọi công việc trừ công việc chỉ huy lính. Thế rồi cả trung đội không nỡ để tôi đào, họ có lẽ vì quý mến tôi nên họ đào vì tình cảm chứ không vì lệnh của tôi.
Buổi sáng 29 tháng 4, tôi chôn cất 4 người lính địch, Khoảng 2, 3 giờ chiều hôm 29 tháng 4 năm 1975, chúng tôi được lệnh rút lui về bảo vệ Sài Gòn.

Trên đây là lời tâm sự của Thiếu Úy sữa Anthony Hayward trong những ngày cuối cùng của SĐ 18 BB và cũng là những ngày cuối cùng của miền Nam VN. Tôi ngại chưa làm video vì tôi sẽ có ngày về VN. Tôi không muốn gây sự chú ý hay trả thù của người cộng sản.

Mời các bạn đọc bài thơ của 1 ông Thiếu Úy dưới đây để  tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh trong trung đội  đầu đời  của ổng.
Anthony Hayward
--------o0o-------
 
THIẾU ÚY ƠI
(để  tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh
     Trong trung đội  đầu đời  của tôi)
*Thiếu  úy ơi*  tiếng thằng em trúng đạn
* Thiếu úy ơi*  thêm một  đứa bị thương
Trung  đội  tiên phong tiến giữa sa trường
Lính thất Thanh  cầu cứu tôi như  thế
Mỗi tiếng kêu xót xã người  Huynh đệ
Những đạn thù vẫn vẹo véo bay qua
Cố ra công giữ vững tuyến  kẻo mà
Hàng ngũ ta xuống  tỉnh thần tác chiến
Thấy hao quân  lệnh trên cho ngừng tiến
Phòng thủ chờ hỏa  yểm  rồi phản công
Ngày sau khi  đạn pháo  nổ vừa  xong
Cả Trung đội lao nhanh về phía trước
* Thiếu úy ơi* nghẹn ngào trong thảng thốt
Bình nhất  truyền tin mang máy gục rồi
Chú lính này luôn đi sát bên tôi
Đưa ống nói  khi đại bàng muốn gặp
* Thiếu úy ơi* giật mình  ngay trước  mắt
 Đệ tử theo kế  cận  cũng xong rồi
Lại một người nằm xuống  rất  gần  tôi
Trung đội   tới đây  chỉ còn  phân nửa
Nhưng lệnh tiến quân không  ngừng được  nữa
Mà phải vô dù tổn thật bảo nhiêu
Với giá nào cũng  quyết  chiếm  mục  tiêu
Dẫu tất cả hỷ sinh  đều  châp nhận
 Trung đội tôi thủa ra trường  đấu ấn
* Thiếu úy ơi * từng Huynh đệ rụng rơi
* Thiếu úy ơi * tê tái nhớ trong đời
Những chiến sì sớm đền xong nợ nước
August  18th 2022 - Long Beach
 PHẠM KIM KHÔI 
------------------------------------
 
 ------------------------
 
More:
* Cam Tran
Đêm 27 rạng sáng 28-4 TĐ 1/48 chúng tôi, nằm tiền đồn phía Bắc Trảng Bom, báo cáo về BCH/ Chiến Đoàn là VC di chuyển theo đường dây điện Đa Nhim rất đông, ĐĐ1 chạm địch với xe tăng VC, BCH chiến đoàn tại TB bị đánh úp.

Chúng tôi được lệnh kéo quân ra khỏi vùng rừng đồi, chạm súng với VC đã chiếm vườn cao su TB.
ĐT Ngô Kỳ Dũng TRĐT/TRĐT52 trực tiếp lên máy chỉ huy phối hợp hành quân 2TĐ( 1/48 và 2/52 đang trong vùng).

Chúng tôi được lệnh chiếm giữ 2 ngọn đồi sát cạnh TB làm quan sát và chặn địch tiến quân về Hố Nai (Đ/u và tôi được thăng cấp trong buổi lễ tuyên dương ngày 25-4, nhưng chưa có giấy tờ của BTTM, các quan ở Saigon đã dọt trước); hai bên liên lạc để hổ trợ hỏa lực và tác chiến.

TĐ chúng tôi quan sát và gọi pháo bắn chính xác vào vườn cao su TB địch đóng khói lửa mù trời, ngăn bước tiến quân của họ.

Xe tank CSBV rượt đuổi theo chúng tôi nhưng không qua được đường thông thủy giữa các dãy đồi, đến sáng 28-4 toán trinh sát VC bị phát hiện và nổ súng, họ kéo quân đánh biển người dữ dội bên cầm cự.
Chúng tôi gọi kéo pháo đánh sát sườn đồi địch đang hò reo xung phong; đánh nhau cả ngày, còn bị máy bay( không biết của ta hay VC?)thả bom hụt!

TĐ2/52 phía sau chúng tôi được lệnh nằm giữ cho 1/48 rút về Hố Nai, thay thế TQLC, vào chiều ngày 29-4 TĐ chúng tôi mới vào hậu cứ BĐQ(bỏ đi) để tái tiếp tế đạn và lương thực.

Đêm 29 rạng 30-4 chúng tôi được GMC chở quân qua cầu sắt BH, đến sáng leo lên đồi BS Tín đối diện NTBH (nằm chịu trận xe tank VC qua sông Saigon bắn đại bác) cho SĐ chúng ta rút về sân vận động CH, rồi tan hàng hết cố gắng.

Mỗi người một số phận; anh em mình còn sống kể chuyện đời xưa cho người thời nay đọc được vui vài trống canh.
Cám ơn anh viết hồi ký online cho tôi ké phần.
 
- Anthony Hayward
Cam Tran Trung đội tôi nằm bên trái cùng của phòng tuyến trên núi (đồi) Bà Hiền. Bên trái không có đơn vị nào, bên phải của tôi là ĐĐ 1/2/52 nếu tôi nhớ không lầm.

Ra đây từ hôm 26-4, đến sáng 28-4 đúng như NT nói tôi thấy đạn lớn nhỏ ầm ầm phía trước trong rừng cao su. Máy bay A-37 bay trên cao thả bom trông như con ruồi đen không dám xuống thấp hơn vì đạn phòng không địch bắn lên như pháo bông ngày tết.
Chiều khoảng gần 20 người lính chạy về qua phòng tuyến của tôi thì được biết thuộc tiểu đoàn 1/43 bị địch quân cấp sư đoàn đánh cho tan tác. Địch bắt sống tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó chết (nếu tôi nhớ đúng). Các Sỹ Quan còn lại đều bị thương hoặc chết.

Đến tối 28-4 thì 1 tốp lính địch chắc là tiền sát của địch đến trước phòng tuyến của tôi và sự việc xảy ra như tôi kể.

Sáng ngày 29 tháng 4 tôi chôn 4 xác địch và ăn bữa trưa cuối cùng ở đây. Số là khi tôi ra, ĐĐT của tôi nói tôi sẽ làm ĐĐP trong 1 ngày rất gần vì ông ĐĐP của ĐĐ 4/2/52 sẽ đi làm ĐĐT của 1 ĐĐ khác nên tôi sẽ được ĐĐ lo về ẩm thực, không phải nhờ đệ tử ở trung đội nấu cho ăn. Cho nên mỗi bữa ăn, tôi được một người lính từ trên ĐĐ mang xuống cho 1 dĩa cơm với 2, 3 miếng thịt gà hay thịt vịt kho mặn.

Tôi nhớ sáng 29 tháng 4 đó tôi ngồi với ĐĐT, ĐĐP thì máy truyền tin của ĐĐ, anh hiệu thính viên bắt được tần số của truyền tin địch. Chúng nói toàn bằng các dãy số mà số mã cuối cùng luôn luôn là 101 (nghe rõ trả lời). Có đoạn chúng nói bằng bạch văn luôn là chúng đã đến ga xe lửa Bạch Mã, nhưng người giao liên tới đây không biết đi tiếp, phải chờ giao liên khác đến dẫn đi. ĐĐT báo cáo lên Tiểu Đoàn.

Khoảng 2,3 giờ chiều trung đội tôi được lệnh rút lui, ĐĐT nói phương hướng mà giờ tôi quên rồi, chỉ nhớ là trên đỉnh đồi theo phương hướng đó tôi nhìn lên bản đồ là cây thánh giá của nhà thờ Trà Cổ, gần ngã ba xa lộ Biên Hòa và QL 20. Trên đỉnh đổi đi xuống trung đội tôi đi đầu tiên. Khi xuống chân đồi thì tôi thấy 2 cánh quân nữa đi bên trái của tôi để rút về.

Đến ngã ba xa lộ Biên Hòa thì trời đã tối, Trung đội tôi được lệnh đi tiếp về ngã ba Tam Hiệp Biên Hòa và ĐĐ sẽ tập trung tại đó. Lúc đó xa lộ Biên Hòa đầy người dân và xe chạy di tản nên vô cùng hỗn loạn. Tôi dẫn trung đội đến ngã ba Tam Hiệp Biên Hòa, chỉ còn lại 8 người lính và tôi là 9 (mất 4 người, họ đã bỏ ngũ). Tôi chờ ở đây và liên tục gọi cho ĐĐT, nhưng chỉ nghe tiếng rè rè trong máy, không một ai trả lời. Tôi không biết tần số tiểu đoàn nên đành chịu.

Sau cùng chờ mãi không được mà tôi không biết dẫn lính đi đâu. Tôi cho trung đội tan hàng, nói họ đi về lo cho gia đình vì lúc đó chắc cũng quá nửa đêm rồi. Tôi chúc họ thượng lộ bình an. Họ từ giã tôi mà ai cũng như muốn khóc. Tôi tính đi vào Bùi Thượng gần ngã ba Tam Hiệp Biên Hòa vì bà nội và cô ruột tôi đang chạy loạn ở đây, nhưng người lính truyền tin nhất định đi theo tôi. Anh ta nói tôi theo Thiếu Úy để xem còn có liên lạc được với ĐĐ không. Tôi nói gì anh ta cũng không chịu đi nên tôi đổi ý tính đi tiếp, tới đâu hay tới đó, phó mặc số phận cho trời định.

May mắn lúc đó có 1 xe GMC của SĐ 18 BB từ trong hậu cứ chạy ra. Tôi chặn lại và leo lên xe. Trên xe toàn là bao gạo và anh tài xế cùng 1 người ngồi chung tôi không rõ cấp bậc vì trời tối. Lên xe là tôi lăn ra ngủ giữa các bao gạo như chết vì đã 3 đêm tôi không ngủ. Anh lính truyền tin cũng nằm bên cạnh.

Nếu còn VNCH, chắc tôi bị ra hội đồng quân sự quá vì dám cho lính tan hàng. Nhưng chắc không sao vì anh lính truyền tin luôn đi bên tôi cho đến buổi sáng 30 tháng 4 năm 1975.
 
* Cam Tran
Anh và tôi cũng còn may mắn, hay không bằng hên.
Tháng 11 cuối năm 74, ông tướng TL lái trực thăng đổ tôi xuống TĐ1/48, nằm chốt cầu Gia Huynh đường lên Tánh Linh, thay TĐT bị thương nặng chờ về BVCH, 2ĐĐT chết, TĐ gồm 4ĐĐ mà chí còn 250 quân số; tôi bị thổi B40 nói văng máu cổ họng, miễng đạn ghim chân, ông tướng cực khổ lại chở tôi về BVCH. Đang nằm Bv chân đi chống gậy ông tướng bắt xe chở tôi lên TĐ hành quân.

Nhưng nhờ trời thương TĐ bồ sung cấp số 600 quân, 2 ông k20 VB ra phụ tôi làm TĐP và B3, mấy ông SQ trời con không ai xài đẩy về làm ĐĐT; vậy mà làm ăn khấm khá đánh trận XLLK coi được đến. Khi mấy ông thần 1515 k28, 29, 30 về trình diện, tôi cho đi phép bằng SVL giờ thứ 25. Các xếp lớn ở Saigon bỏ chạy hết, không thương cho mấy chú em lính sữa gan bằng ông trời đạn bắn sổng lưng, rủi bị thương bị chết thiệt thòi quá; TĐ đủ cấp số và dư SQCH( mỗi quân nhân trong TĐ được thăng một cấp tuyên dương công trạng sau trận XLLK).

Truy cứu ra mình không sợ bị ra toà án QS theo cách trường hợp xử trí học ở trường. Lệnh đầu hàng của ông DVM là ngoài tầm xử trí.

Sáng ngày 30-4 lính bỏ đi, vậy mà còn hơn 50 anh em SQ,HSQ, BS(4ĐĐT, BCH TĐ) nhứt định theo tôi đi tìm con đường vô vọng; giá súng, lễ nghi quân cách lần cuối chào nhau tiễn biệt. Tôi còn có cái may cuối cùng là tìm được sếp TRĐT48 ngồi chung honda ôm đưa ông về tận nhà.

Tôi nghĩ rằng anh như tôi huể vốn gỡ gạc, có thắng có thua, cuối cùng rời sòng bạc chiến tranh mà không có gì hối tiếc; tôi trả 7 năm tù vượt biên qua Úc, anh qua Mỹ cũng lận đận lúc đầu.
Chỉ thương anh em VB mình không may mắn.
 
- Anthony Hayward
Cam Tran Cảm ơn NT đã tâm sự với đàn em. Tôi lúc đó hoang mang nhiều hơn là sợ (tối 28-4 lần đầu tiên đụng trận nên cũng hồi hộp). Thực tình thì mình chấp nhận cái chết rồi thì điếc không sợ súng, cùi không sợ lở nữa, phải không NT. Nhưng trách nhiệm mình được trao phó, mình phải chu toàn. Thế mà đêm 29-4 tôi liên lạc không được với ĐĐT mà không biết dẫn lính đi đâu. Chả lẽ đứng ở ngã ba Tam Hiệp Biên Hòa chớ địch đến.

Tôi cũng thấy mình thật may mắn. Ra trường có 9 ngày thì được giải ngũ vĩnh viễn. Đi tù có 14 tháng rồi qua Mỹ. May mắn hơn 2/3 bạn cùng khóa 29 phải ở lại VN. Qua đây được chính phủ Mỹ nuôi cả nhà cho tôi đi học nên lại lọt top mấy đứa Khóa 29 được du học Mỹ. Có nghĩa là tôi quá may mắn rồi phải không NT.
 -----------------------
* Camvu Lethanh
Lâu lắm mới được nghe lại ( thiếu uý sữa )
Tuyệt vời
- Anthony Hayward
Camvu Lethanh Cảm ơn NT.
Tôi nhát lắm, nhưng nhờ danh xưng trường VBQGVN, cái gì tôi cũng dám liều. Về học nhảy dù leo lên đài 11m, 12m hai đầu gối tôi nó đánh lộp cộp vào với nhau. Thế nhưng khi hô GO là tôi nhảy liền, không chờ tiếng thứ hai.
Cho nên, tôi nghĩ tôi dễ chết lắm vì tôi thà chết chứ không để cái nhát làm tôi nhụt chí.
 
* Phuong Anh
Tôi đọc những bài như thế này Tôi hay khóc, toàn thân Tôi run lên, Tôi cảm nhận được cảm giác của Người lính lúc đó!
* Kim Do
Bao nhiêu lần cười nắc nẻ vì duyên ăn nói tự nhiên của ông, hôm nay chuyện của T.uý sữa kể làm tôi cảm động nên rơi lệ. Máy PRC 25 là máy truyền tin hả ông? Chữ PRC stand for???r
Ông khá lắm vì mới ra trường nên cách critical thinking của ông qúa sắc sảo dù run trong trận đánh đầu. NT Đ P Hải thì ra lệnh chôn cất xác địch. Tối đó, họ nhập vào một binh sĩ của NT qùy lạy vì đã đối xử nhân đạo bằng cách chôn cất kẻ thù. NT kể cho cùi nhà tôi nghe, tôi ở trong bếp nghe lóm
- Anthony Hayward
Kim Do Mình là cấp chỉ huy nhỏ, tuy mọi chuyện đều phải hỏi cấp trên chứ không dám tự ý làm bậy, nhưng có những quyết định mà mình phải quyết định lấy, nên nhà trường đã dạy cho cách suy nghĩ (critical thinking) trong mọi trường hợp, phân biệt lợi hại và luôn nhớ đạo đức, bác ái, lương thiện, nếu làm được điều gì thì nên làm.
 ---------------------------------------------
 

No comments:

Post a Comment