Thursday, October 6, 2022

ĐÔI NGÃ (6) - Trần Công Đài K16/TVBQGVN

ĐÔI NGÃ (6) - Trần Công Đài K16/TVBQGVN
“Đôi ngã”, nghĩa của 2 chữ này chắc-chắn đem lại cho người đọc, ấn-tượng của sự chia-ly. Sự chia-ly có ngắn hạn hay dài hạn, hoặc đưa đến “vĩnh viễn” thì “Đôi Ngã” sẽ tùy mức-độ mà đi từ “tạm chia tay” đến “vĩnh-biệt”. Ở đây, tôi chỉ muốn đề-cập đến 2 hướng đi. Hoặc 2 cách đi. Và điều đáng nói là tình-cảm mà người đi mang theo. Rất đa dạng.


-------------------------------------
 
Ta nghe “Sổ thanh phong địch ly đình vãn. Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần”. Sông Tiêu và sông Tương là 2 nhánh rẽ của Dương Tử giang (hay Trường giang), Trung hoa. Một về Tây, một hướng Đông. Tưởng là nghịch hướng, nhưng cũng còn có thể gặp nhau lần nào đó, khi nhập vào Trường giang. Vì đi không có nghĩa là không quay về. Trường giang phía Nam Trung hoa. Tần, nếu lấy Nam Kinh (Kim Lăng cũ) làm chuẩn, thì nằm phía Tây. Thời Chiến-quốc, 2 nước chiếm đất lớn nhất là Tần (phía Tây), Sở (phía Đông), còn 5 nước kia đều ở phương Bắc: Yên xa nhất (chính Bắc), cạnh có Triệu, Tề, Ngụy và tiếp cận 2 nước lớn (Tần, Sở) là Hàn.

Trọng tâm đều đặt vào 2 nước lớn, nên lấy Dương Tử giang làm tuyến đi lại giữa 2 cường quốc Tần và Sở. Cực Đông của Trường giang này là biển, và cực Tây của con sông đến Tây Tạng, Tân Cương (ranh giới Tần chỉ tới Tứ Xuyên và Thanh Hải). Đông-Tây là cả 4000 km. Vậy thì từ nguồn của Tiêu, Tương (gần Vũ Hán) đến cực Tây là minh-họa khoảng cách “xa thẳm”.

Thời xưa, dù là hàng vạn dặm, người ta cũng có thể tìm đến nhau (vài tháng, cả năm). Ngày nay, phương tiện hiện đại, người ta chỉ mất khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ. Vậy thì, về không-gian dù có thật xa, ta cũng còn cơ-hội gạt bỏ khoảng cách, mà tìm gặp nhau. Nhưng về tình-cảm? Quả là mấu-chốt thì cũng là trở ngại rất lớn. Và cũng nhiều khi “đâu lưng” nhưng “nghìn trùng cách xa”.

1992, tôi và gia đình vừa xong mọi thủ-tục, và đã có vé hàng-không đi Mỹ vào tuần sau. Thì tin-tức từ ngoài Bắc (Thanh Hóa) báo rằng mẹ tôi qua đời, thọ 85. Tôi và anh ruột tôi từ Thanh Hóa, theo người bác ruột, vào Huế bán niên sau của 1946. Toàn dân kháng chiến chống Pháp bắt đầu từ bấy giờ. Nam Bắc muôn trùng, suy nghĩ của 2 đứa bé, một 8 tuổi, một 6 - chưa có. Thế nhưng lòng nao nao, xa cha mẹ, chị và 2 em trai. Có chút hiếu-kỳ trước cảnh thanh-niên đầy ắp các toa - súng đeo vai (không biết súng gì, nhưng chúng tôi biết đó là súng), và gậy tầm vông. Về sau được người lớn giải-thích, đó là chuyến tàu lửa sau cùng, chở thanh-niên từ ngoài Bắc vào Nam tăng-viện đánh Tây (Pháp).

Rồi được cho đi học ở Huế. Rồi trưởng-thành. Rồi tham-gia cuộc chiến (vốn lại bắt đầu từ ngay sau đình-chiến Giơ-neo). Hiểu biết của tôi lúc này nhiều và cao hơn. Đã chọn cho mình 1 hướng đi, tôi nghĩ rằng quê cũ đã quá xa vời. Quê ơi, ta sẽ gặp lại mi vào “ngày chiến-thắng, đoàn quân sẽ tiến về sông Hồng”.

Ước-vọng con người hiếm khi được thỏa. Những người như tôi - tôi và các chiến-hữu “Ôm ước-vọng không bao giờ thỏa”, là của gần 100.000 “kẻ bị lưu-đầy ra Bắc”, và trong tôi, hai chữ “đôi ngã” thật dị-hợm với đớn-đau. Thì tôi đã đi ngang qua đó, Thanh Hóa, quê cũ thân-yêu! Chuyến tàu lửa bít-bùng (có tù chết ngộp), từ Bến Thủy (Nghệ An) đi qua Thanh Hóa, tạm dừng ở Ninh Bình để tù giải-quyết vệ-sinh. Ùa xuống từ những toa, tù đi vệ-sinh chỗ nào tiện cho mình. Bấy giờ khoảng ? giờ. Vừa sáng. Dân-chúng trên đường (trước mặt) ngơ-ngác nhìn chúng tôi. Tù lại nhào xuống các thửa ruộng ngập nước ven đường. “Khát vô-biên uống mấy cũng không vừa”. Đổ đầy nước vào các bọc ni-lông luôn sẵn bên hông. Quá khát.

Lên tàu, mới có thì-giờ nhìn kỹ: bọc nước có nhiều đĩa. Nước được trút đổ ngay. Thế là móc họng để nôn cho hết nước đã uống. Nôn không được.

Quê ta đó. Người dân - có thân-nhân ta đó - ngẩn-ngơ, xa lạ. Đáp tàu từ Hà-nội đi Yên Bái, và đi qua cầu Long Biên. Là những viên đá đón-tiếp bọn tù chúng tôi, kèm hàng loạt tiếng chửi mắng thậm-tệ. “Đôi ngã” đã nhập lại. Quê cũ thế này sao? Một bạn cạnh tôi mắt long lanh lệ.

1980. Người trực Trại giam Vĩnh Quang A báo tôi có thân-nhân thăm nuôi. Là mẹ tôi và em trai tôi. Chúng tôi gặp nhau tại phòng Tiếp-tân, phía ngoài và cách trại giam khoảng 700 mét. Một Công An (không nhớ cấp-bậc) ngồi đầu bàn. Mẹ tôi và tôi ngồi đối-diện nhau, giữa là chiếc bàn gỗ dài, chuyện-trò. Tôi im-lặng, chỉ mẹ tôi lên tiếng. Em trai tôi (kém 2 tuổi - là bộ-đội phục-viên), đang làm gà + nấu xôi-nếp tại gian bếp phía sau.

Tôi cũng đã nghe nội-dung nói chuyện của thân-nhân từ những cuộc thăm nuôi của các bạn tù khác. Cũng vậy, mẹ tôi khuyên tôi “học tập tiến bộ”. 34 năm xa quê, xa gia-đình, sao mắt tôi vẫn khô? Mẹ tôi của những năm xa cách từ 1946 đến nay có chính là mẹ tôi mà tôi hằng thương nhớ, đang ở trước mặt tôi?

Ngồi nghe chán, tên Công an ra ngoài sân vươn vai cho giãn gân-cốt. Tôi lợi-dụng cơ-hội, nói với mẹ “Mẹ, mẹ đừng khuyên con. Con không xấu-hổ vì đã cầm súng chống lại chính-quyền này. Giả thử có quay lại dĩ-vãng, con vẫn làm y như trước. Con không hối-hận”. Mẹ cho biết rằng bố tôi đã mất từ lâu (1949) tại Thanh Hóa.

Tháng sau, cô ruột tôi lại đến thăm. Bấy giờ tôi còn 3 cô ruột : 1 cô trưởng (chị của bố tôi) ở Hà nội, 1 ở Vĩnh Yên, 1 ở Hải Phòng (cả 2 cô sau đều là em bố tôi). Họ đều giống nhau. Và dân miền Bắc nói chung đều giống nhau. Chị ruột tôi (mất vào 1975) và chồng con của chị, cũng như gia-đình em trai tôi, gia-đình con, cháu của các cô tôi đều giống nhau. “Giống nhau” ở đây nói về suy-nghĩ, lập-trường, cách sống kể cả tình-cảm.

2014. Tôi có dịp về VN. Lần đầu thăm quê cũ sau 68 năm xa cách. Mẹ tôi đã mất từ 1992, như đã nói ở trên. Các cô tôi cũng đã mất. Được người em họ (con cô) hướng dẫn đến thăm gia-đình em trai - đứa đã có lần theo mẹ thăm nuôi tôi vào 1980. Đứa em út của tôi là bộ-đội phòng không, tử trận tại Khe Sanh (Quảng Trị) vào 1968. Anh em ruột từ 2 phía đối-địch nhau “giết nhau” cũng đã có nhiều trước giờ và từ Á sang Âu, Mỹ. Mẹ tôi nhờ con là “liệt sĩ” mà được hưởng trợ cấp.

Lòng tôi đối với những thân-nhân nói trên, làm sao không có tình-cảm? Làm sao không thương yêu? Họ cũng vậy. Nhưng cường-độ có khác, cách bày-tỏ cũng khác, rất nhiều “cái khác” mà ai có dùng “từ điển bách khoa” vẫn không tìm ra hết. “ĐÔI NGÔ có phải là muôn trùng cách biệt? Chắc-chắn không phải là vĩnh biệt. Vậy cách nào để hiểu được “ĐÔI NGÔ đây? (DT, Stone Mountain GA, 07/22/2021).
----------------------------------

No comments:

Post a Comment