Monday, September 26, 2022

Một Đời Binh Nghiệp Hai Màu Mũ - Trương Văn Út K22/BCND

Trương Văn Út (Út Bạch Lan) K22/BCND
Buổi xế chiều ngày 15 tháng 10 năm 1970 là một buổi chiều chia ly ngậm ngùi với những câu giã từ không thành lời. Bầu trời Nha Trang quang đãng, với sóng biển hiền hòa hết đợt này đến đợt khác, tiếp tục xô vào bờ cát trắng chảy dài từ biệt điện đến Xóm Bóng. Cơn gió nhẹ từ biển khơi phây phất lá cờ VNCH trước sân trại Hải Quân Tây Kết, phía sau là trại Hoàng Diệu, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù - Lực Lượng Đặc Biệt - QL/VNCH.

-----------------------------------------
Chiếc Dương Vận Hạm 505 (thường gọi là tàu há mồm) rúc lên ba hồi còi lùi dần ra biển khơi, trên bãi vẫn còn lố nhố người. Trên đường Duy Tân vẫn còn một dọc xe Jeep, Dodge, GMC, và không biết có bao nhiêu bàn tay vẫn còn vây vẫy tiễn đưa.

Trên tàu là ĐĐ5/TĐ81 BCD và ĐĐ6/TĐ81 BCD cùng với gia đình cha mẹ vợ con của binh sĩ. Xin giã từ Nha Trang. Xin giã từ quán cơm bình dân Chợ Đầm, Bar số 1, 2, 3, 4, 5, phở Chụt, phở Gà số 1, quán cơm Thanh Phong, nhà hàng Nautique, Hotel Nha Trang, Cafe Thu, quán rượu, Bar Mỹ, Tháp Bà, Hòn Chồng, Cầu Đá. Xin vẫy tay lần cuối Thiếu Tá Nguyễn Văn Lân (Khóa 17/Đà Lạt) Tiểu Ðoàn Phó, người đã lót những viên gạch đầu đời binh nghiệp cho tôi, Đại Úy Bùi Ngọc Bích (Khoá 11/TĐ) Chỉ Huy Hậu Cứ, người đã tận tình giúp đỡ chăm sóc vợ con tôi, khi tôi đi hành quân. Xin vẫy tay lần cuối với tất cả quân nhân của Tiểu Đoàn 81BCD, những người còn ở lại, đang đứng trên bờ cát trắng Nha Trang mang vô vàn kỷ niệm thời chinh chiến, những kỷ niệm chẳng một chút trữ tình lãng mạn chút nào hết, mà chỉ có máu và nước mắt trong tận chiến khu, sào huyệt của bọn giặc đỏ vùng biên giới. Khe Sanh, Lao Bảo, Ashau-ALuoi, những vùng đất địa danh xa lạ, người thành phố chưa bao giờ nghe nói tới. Xin giã từ, không phải giã biệt, vì sau này chúng ta còn hội ngộ trên những chiến trường khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh cận đại. An Lộc, Kontum, Quảng Trị, Thường Đức.

Mới sáng nay, trên sân cờ tiểu đoàn, khi tôi (Đại Ðội Trưởng /ĐĐ5), Đại Úy Nguyễn Chí Thanh (K/12TĐ, ĐĐT/ĐĐ6) trao trả Hiệu Kỳ đơn vị cho Thiếu Tá Trần Phương Quế (K/10 Đà Lạt TĐT), tôi thoáng thấy nét buồn buồn trên gương mặt và đôi mắt của ông. Nét buồn buồn đó phảng phất một nỗi niềm của một người Cha hay một người Mẹ đang mất hai đứa con trong sáu đứa con mà Ông đã nuôi dưỡng dạy dỗ với tất cả tâm huyết trộn lẫn nước mắt của chính ông, Ông trao hai hiệu kỳ lại cho Thiếu Tướng Tư Lệnh Phạm Văn Phú. Ban quân nhạc Bộ Tư Lệnh trổi lên khúc nhạc "ò e rô be đánh đu, tạc zăng nhảy dù ...", tất cả đơn vị trên sân cờ như rơi vào những giây phút lắng đọng nghẹn ngào không thành tiếng. Có giây phút chia ly nào mà không ngậm ngùi? Ngậm ngùi như tiếng kêu thất thanh của con chim Đa Đa sao không lấy chồng gần mà phải đi lấy chồng xa, để lại cha mẹ già biết bao giờ gặp lại.

Trên con tàu há mồm gần 800 nhân mạng, gồm Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, binh sĩ và gia đình của hai Đại Ðội 5 và Ðại Ðội 6 của đơn vị 81BCD đang xuôi Nam.
oOo

Như thường lệ hằng năm, cứ vào khoảng tháng 11 các phái đoàn Quân Binh Chủng của QLVNCH lên truờng Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt để thuyết trình về cơ cấu tổ chức, cơ cấu nhân sự, phương tiện và kỹ thuật hành quân tác chiến cho các SVSQ sắp sửa tốt nghiệp. Cũng giống như tâm trạng các bạn cùng khóa, tôi chỉ ngồi trong Hội Trường mà đầu óc cứ nghĩ vẩn nghĩ vơ cái gì đâu đó:
- Muốn "Trong lăng miếu ra tài lương đống" (1) thì chọn Công Binh, Quân Nhu, Quân Cảnh, Quân cụ...
- Muốn "Ngoài biên thùy rạch mũi can tương" (1) thì chọn Nhảy Dù, TQLC, BĐQ, Lực Lượng Ðặc Biệt, các Sư Đoàn BB tinh nhuệ...
- Muốn "Hối tàng nơi bồng tất" (1) thì chọn An Ninh QĐ, Đơn Vị 101, Cảnh Sát Đặc Biệt, Biệt phái ngoại ngạch...

Sao có nhiều cái "muốn" quá vậy? Một SVSQ Đà Lạt khi nhập trường cho đến khi tốt nghiệp đều "ÔM " một giấc mộng như nhau:

"Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là Sĩ sau là Khanh Tướng." (1)

Cho nên khi tốt nghiệp cũng cùng một quan niệm như nhau: "Hoặc xanh cỏ hoặc đỏ ngực". Chẳng có ai nghĩ rằng cũng chẳng xanh cỏ, cũng chẳng đỏ ngực, mà phút chốc có một ngày nào đó không xa mà rất gần, trở thành què cụt đui mù để trở thành kẻ báo cô cho gia đình và thân nhân. Và cũng chẳng có ai nghĩ rằng, cơn đại họa của Mệnh Nước, Vận Nhà đổ ập xuống như cơn thác lũ, phải vất kiếm cung, cởi bỏ chiến bào cùng nhau lũ lượt rủ nhau vào tù, để sống những tháng năm dài bất tận thìên thu trong nỗi uất nghẹn của kẻ bại trận. Và cũng chẳng có ai nghĩ rằng, bỗng một buổi sáng hay một buổi chiều, mình phải lìa bỏ quê cha đất tổ, lìa bỏ cả cha mẹ vợ con gia đình để bắt đầu sống một cuộc sống lưu vong ê chề tủi nhục của một kẻ tha phương cầu thực .

Vào cuối tháng 11 năm 1967, phái đoàn Lực lượng Ðặc Biệt đến thuyết trình cho Khóa 22A trước khi mãn khóa vào giữa tháng 12 năm 1967 sau hai năm thụ huấn tại đây. Cơ cấu tổ chức và nhân sự, sao mà quá nhiêu khê không giống như Nhảy Dù, BĐQ, TQLC, Sư đoàn Bộ Binh v.v. và v..v...Cái gì đâu là A Team, B, C, CIDG, MIKE Force, Delta, 91 Biệt Cách Dù... Xem một đoạn phim chiếu lại trận đánh đẫm máu của các chiến sĩ LLĐB của Trại LLĐB Pleime thấy toàn hình ảnh các chiến sĩ anh dũng Yra , Yđê , Ysàriêng, Thạch Khương, Thạch Phịch gì đâu không hà.

Nói thì nói vậy, chứ tôi đã say mê cái binh chủng này từ lâu rồi.

Khi còn ở Trung Học, tôi nói dối Ba tôi cho tiền mua quyển sách đề thi toán của giáo sư Nguyễn Văn Phú và Đàm Quang Hưng, để đi xem ba xuất ci-nê cuốn phim "Les Canons de Navarone" về cuộc chiến tranh Đệ Nhị Thế Chiến 1945 khi quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy.

Trong phim mô tả lại cuộc xâm nhập của một toán A Team Ranger của Liên Đoàn II Lực Lượng Ðặc Biệt Mỹ (tài tử Geogry Peck đóng vai Thiếu Tá trưởng toán) nhằm phá hủy những cỗ đại pháo cực kỳ tối tân của quân Đức Quốc Xã (Gun Battery) tại Pointe Du Hoc, chỉ cách nơi đổ bộ trên bờ biển Normandy một cây số bên trong đất liền. Nếu nhiệm vụ của toán này thất bại thì không có một chiếc tàu đổ bộ nào của quân đội Đồng Minh có thể đặt chân lên bãi Omaha và Utah Beach dưới những cỗ đại pháo tối tân của quân Đức Quốc Xã lúc bấy giờ. Và toán A Team này đã chu toàn nhiệm vụ thành công xuất sắc ngoạn mục, nhưng kết thúc khá đau lòng là trưởng toán phải hạ sát toán phó ngay tại chỗ vì làm "gián điệp" cho Gestapo, cơ quan phản gián tối cao của Hitler!

Trung tuần tháng 12 năm 1967, trước ngày chúng tôi mãn khoá 2 tuần lễ, phái đoàn thứ hai của  Bộ Tư Lệnh LLĐB đến trường để chọn tân Thiếu Úy. Chỉ có 27 SVSQ Khoá 22 tham dự, lần lượt tôi cũng được gọi tên phỏng vấn. Đại Úy Bác Sĩ Trần Văn Út là người trưởng phái đoàn.
- Chào Bác Sĩ
- Ngồi xuống đi. Tên Anh là Trương Văn Út hả?
- Dạ vâng!
- Tại sao anh thích Lực Lượng Đặc Biệt?
- Dạ, tôi không biết.
-Tại sao cha Anh họ Trần mà anh là họ Trương?
- Dạ, tôi cũng không biết nữa!

Câu hỏi lãng xẹt khiến tôi gần nỗi đóa, định đứng dậy chào rồi đi ra. Không đi binh chủng này đi binh chủng khác, không đi binh chủng được thì đi Bộ Binh về quê ve vãn cô giáo làng gần nhà mình không chừng lại sướng thân hơn.

Nhưng:
Bác Sĩ nhìn Em Bác Sĩ cười
Em nhìn Bác Sĩ mộng hoa tươi
Sau này màu Mũ lá xanh đó
Bốn phương tám hướng mặc tung hoành.

Ông Thượng Sĩ phòng Tổng Quản Trị đọc tuyên ngôn :
 - Kính quí vị, ai có tên trong danh sách này xin ngồi lại, không có tên xin trở về doanh trại. Cám Ơn.

Chỉ có tám (8) người còn ngồi lại, trong đó có tên tôi. Cũng dễ hiểu thôi, vì danh sách này đã có trước từ ở BTL Nha Trang, truớc khi phái  đoàn (select team) đến trường. Anh cột chèo chú bác ruột của tôi là Bác Sĩ Ngô Vi Dương đang kiêm Y Sĩ Trưởng Bộ Tư Lệnh LLĐB muốn xin tôi về làm việc hành chánh cho ổng, hành chánh cái khỉ khô gì, xách cạt táp thì có...

Tám Tân Thiếu Úy Khoá 22 Võ Bị Ðà Lạt trình diện Phòng Tổng Quản Trị BTL/LLĐB ở Nha Trang, sau 15 ngày nghỉ phép.
- Trần Văn Ni vác hành trang trình diện BTL/SĐ1BB... vì an ninh lý lịch
- Xường, Chân, Xinh... trình diện BCH C4
- Út, Chẩn, Tiễn... trình diện BCH/TĐ 91 Biệt Cách Dù
- Đặng-văn-Lợi... trình diện Bộ Chỉ Huy TĐ MikeForce

Ở Nha Trang chỉ còn lại tôi, Chẩn, Tiễn và Lợi hưởng được những ngày cuối năm của Tết Mậu Thân nơi một thành phố bờ biển cát trắng xa lạ mới vừa đặt chân đến với cái bông mai vàng mới cáu cạnh sáng chói trên vai áo. Tiếng pháo giao thừa nỗ ran vang vội khắp nơi, trộn lẫn tiếng AK, B40, Beta. Việt Cộng lợi dụng tiếng pháo giao thừa đã tấn công toàn thể thị xã Nha Trang. Theo lệnh, tôi "tháp tùng" đơn vị giải tỏa khẩn cấp, ngày đầu tiên trong đời, dùng súng đạn thật, đối diện với Việt Cộng thật, tôi ngờ nghệch lạng quạng bị thương ngay phút đầu tiên chưa được bóp cò súng lần nào. Tôi nằm bệnh xá Bộ Tư Lệnh ba ngày, đơn vị của Chẩn và Lợi được ném xuống Khe Xanh. Họ không bao giờ trở về với bông mai vàng vẫn còn óng ánh trên vai áo trận giặt ủi hồ thẳng nếp của họ. Có cái đơn vị nào kỳ cục bằng đơn vị này. Thiếu Úy "sữa" vừa ra trường, vừa trình diện Đại Ðội thì có lệnh đi Gác Hòm cho vị ĐĐT của mình (Đại Úy Nghi ĐĐT/ĐĐ3 ) vừa tử trận ở Kontum trước Tết chỉ hai tuần lễ, bây giờ phải đi gác hòm cho cố Trung Tá Lê Như Tú (TĐT/TĐ91 BCD) vừa ngã gục trong đêm Giao thừa Tết Mậu Thân trên phố Độc Lập Nha Trang, với những giòng nước mắt tưởng nhớ hai người bạn cùng Khoá, chỉ cách đây một tuần ngồi uống bia với những con ốc buơu luộc chấm nước mắm gừng ở quán số 5 ven bờ biển.

Số mệnh an bài nghiệt ngã chưa chịu dừng lại ở đây. Hai tháng sau, trên mặt trận Cây Quéo, Cây Thị trong đợt tổng công kích đợt hai, tôi ôm xác không có thủ cấp của Huỳnh Kim Tiễn (H22) cố ngăn hai dòng lệ mà nước mắt cứ tuôn dài trên áo trận. Một trái không giật đã lấy đi gương mặt hiền hòa cùng bộ não thông minh của người bạn cùng khoá còn lại của tôi, cùng TĐ 91 BCD. Tiễn chết không nhắm mắt, bởi còn mắt đâu mà nhắm,  nhưng nụ cười hiền hoà như vẫn còn vương đọng trong tôi như một lời nhắn nhủ "Tao đã đền xong nợ nước thù nhà."

Thời gian trôi qua như một giấc mơ. Chỉ hơn hai năm tôi phục vụ TĐ 91/ BCD (sau này đổi thành TĐ81 BCD vì xui quá chết như rạ) mà đã trải qua sáu (6) vị ĐĐT: Trần Hoạt Thành, Nguyễn Đăng Lâu, Huỳnh Văn Thanh, Ngô Tùng Lam, Nguyễn Văn Lân và Phạm Châu Tài.

Một binh chủng như thế, một đơn vị như thế có xứng đáng để người đời ca tụng:
"Kinh Luân Khởi Tâm Thượng, Binh Giáp Tàng Hung Trung". (1)

oOo

Ngồi trên mũi boong tầu Dương Vận Hạm 505. Tầu đang xuôi Nam, điểm đến là quân cảng Bạch Đằng. Ngày mai sẽ ra sao? Nào ai biết ra sao?! Bên cạnh tôi là Đại Úy Nguyễn Chí Thanh (ĐĐT/ĐĐ6/TĐ81BCND) Trung Úy Hồng Quang Bảo (ĐĐP), Trung Úy Nguyễn Văn Thinh (ĐĐP) của tôi. Bên dưới lòng tàu lô nhô nam phụ lão ấu chen chúc nhau với rương hòm, va-ly, túi xách, lẫn lộn với ba-lô nón sắt súng đạn cùng hai chiếc xe Jeep của hai Đại Ðội. Trong lòng mỗi người, chắc hẳn đều có một suy tư riêng và cũng chắc hẳn rằng chẳng có suy tư nào giống suy tư nào. Những quân nhân và gia đình sinh quán ở Nha Trang mang một nỗi buồn mênh mang xa xứ. Những người gốc gác Sài Gòn, Gia Định, miền Đông, miền Tây tự an ủi mình, thôi gần gia đình sẽ có dịp thăm viếng nhiều hơn. Chắc có lẽ, không có ai trong số người đang nằm đang ngồi,  hoặc đi tới đi lui dưới lòng tàu kia nghĩ rằng: "Ngày mai hay ngày mốt còn nhìn thấy chiếc mũ Green Beret ngạo nghễ trên vầng trán của mình hay không???"  Một binh chủng "đi đông về ít, đi ít về không... hoặc đi luôn không thèm về nữa".

Ngày xưa trước khi Kinh Kha sang sông Dịch, còn được Thái Tử Đan khoản đãi yến tiệc linh đình với cung tần mỹ nữ. Ngày nay chúng tôi sang sông Dịch không kèn không trống, chỉ có chút ít thời gian ôm vợ con hôn từ giã với câu hỏi:
- Mẹ con mày còn đủ gạo ăn tháng này hay không?

Hòm gỗ cài hoa đã có Tiểu đoàn Chung Sự lo toan. Còn khăn sô, áo tang, xe lăn, nạng gỗ, không biết mẹ mày liệu có lo toan được hay không?
Tôi quay sang hỏi Thanh:
- Anh đang nghĩ gì vậy?

Trước khi về TĐ 81 BCD, anh là Trung Úy, Toán Trưởng Biệt Hải, xâm nhập bờ biển Hải Phòng năm 1966 bằng tàu đánh cá cải trang của Hải Quân QLVNCH. Toán bị "bể", được cứu thoát khi cánh tay phải của Anh lặt lìa, cũng may nhờ Quân Y của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ chắp vá cho nên cánh tay phải vẫn hoạt đông bình thường.

Vẫn cái giọng nói, cái giọng cười khàn đục của Anh, với cánh tay thương tật vung vảy:
- Mẹ! Từ Biệt Hải, bị nó bắn què tay, tự ái không thèm giải ngũ, lại về Biệt Cách, bây giờ về Trinh Sát Dù. Thôi cũng được, chứ đưa tao về Biệt Ly là tao Biệt Kinh Kỳ ngay.

Trung Úy Thinh hỏi:
- Biệt Ly là cái gì vậy Đại Úy?
- Là ĐĐT Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hòa chứ còn con mẹ gì nữa!

Thanh thò tay móc bi đông mở nắp, hớp vài hớp, đưa sang cho tôi. Tôi cũng làm một hớp. Trời đất "Ông già đi bộ (Jonhny Walker )". Tôi giao bi-đông cho Hồng Quang Bảo, rồi cho Thinh.

Bảo tư lự chẳng nói năng gì, nhìn bâng quơ vào khoảng trời xanh vô tận. Chắc anh đang nghĩ đến giòng họ nhà Hồng Quang của Anh đang ở Đài Loan cùng với gia đình nhà họ Tống.
Thinh nắm lấy tay tôi :
- Trung Úy! Có Tôi bên cạnh đây!

oOo

Rồi thời gian cũng qua mau như là một giấc mơ...
- ĐĐ5/81BCD... cải danh là ĐĐ2 Trinh Sát ND.
- ĐĐ6/81BCD... cải danh là ĐĐ3 Trinh Sát ND.

Mang cái tên Trinh Sát ND nhưng thịt xương máu huyết là 81 Biệt Cách Dù.

Trận Lam Sơn 719 Hạ Lào (1971). Thân xác của Đại Úy Nguyễn Chí Thanh đã được gởi trọn ở một vùng đất xa lạ nào đó, không phải quê cha đất tổ của Anh. Anh không bị thuyên chuyển về Biệt Ly mà lần này là Biệt Xứ, Biệt Hải, Biệt Cách, Biệt Ly.

Biệt Xứ hay Biệt Biệt gì chăng nữa cũng là Vĩnh Biệt. Hồng Quang Bảo cũng theo anh. Thân xác dù được đồng đội gói ghém nhiều lần trong poncho rách tả tơi, mà vợ con gia đình không nhìn mặt được lần cuối. Có lẽ giờ đây thân xác các anh đã hòa tan vào những vùng đất phì nhiêu màu mỡ của núi đồi phía Tây Khe Sanh, Lao Bảo, trên dãy Trường Sơn trùng điệp ngút ngàn Hạ Lào xa lạ.

Charlie - Mùa Hè Đỏ Lửa - (1972). Mặt trận Tây Nguyên, Liên Đoàn 81 BCD, triệt xuất vùng Tam Biên, ĐĐ2 Trinh Sát ND (tiền thân là ĐĐ5-BCD) xâm nhập để đương đầu với SĐ Thép 320 của CS Bắc Việt, cùng với trọng pháo 130 ly, hỏa tiễn 122,  xe tăng T-54. Nguyễn Văn Thinh lúc ấy là ĐĐT/ĐĐ 111 của TĐ 11 ND (Song Kiếm Trấn Ải).

Khi Cộng quân tràn ngập Charlie, Thinh như một Rambo. Giầy saut, quần trận, áo thun ba lỗ, đầu chít khăn Viễn Thám, ngực quấn đầy dây đạn, hai tay với khẩu M-60 quạt trái, quạt phải, đứng sừng sững trên giao thông hào, miệng không ngớt:
- ĐM chúng mày lên đây... lên đây!

Rồi thân xác của Thinh cũng rã rời từng mảnh vụn bởi hằng trăm nhát mã tấu thù hận của quân khát máu. Sau này tôi có dịp trở lại Nha Trang. Người mẹ già gầy xọp thân thể của Thinh hỏi tôi, tôi chỉ biết nghẹn ngào trả lời:
- Thinh vẫn còn ở lại Charlie với Trung Tá Nguyễn Đình Bảo.

Trận Hạ Lào Lam Sơn 719... ĐĐ 3 Trinh Sát ND (ĐĐ6/ 81BCD) xem như xóa sổ!

Kontum kiêu hùng, Quảng Trị vùng lên... ĐĐ2Trinh sát ND (ĐĐ5/81BCD) thân xác còn đó, nhưng thịt xương rã rời, máu huyết tan loãng.

oOo
Tôi không thể nhớ hết, sao tôi còn có thể nhớ hết được khi thời gian quá ngắn, mà trang sử thì quá dài. Đã có bao nhiêu đồng đội thân thương của mình, cùng chung một chuyến tàu há mồm xuôi Nam, giã biệt trại Hoàng Diệu đã nằm xuống, mà tôi vẫn còn đây. Họ nằm xuống, xanh cỏ...để tôi được Đỏ Ngực. Đỏ Ngực vì Huy Chương đầy ngực hay đỏ ngực vì tim tôi rỉ máu bao nhiêu tháng năm qua, mỗi khi nhớ đến Họ.
Thượng Sĩ, Trung Sĩ Nhất, Trung Sĩ, Hạ Sĩ Nhất, Hạ Sĩ... Họ là những quân nhân ưu tú nhất của QLVNCH. Họ là những bậc thầy của tôi, hướng dẫn, chỉ bảo, trao truyền kinh nghiệm chiến trường cho tôi trong những bước chân đầu đời binh nghiệp. Có một lần đơn vị trực thăng vận vào mục tiêu Ashau, Alưới. Chân chạm đất là chạm địch ngay, Hạ Sĩ Nhất tên Minh, mang máy PRC25, nắm cổ áo tôi vật ngã xuống đất và hét:
- ĐM! Thiếu Úy Đà Lạt gì mà ngu thấy mẹ! Cứ la xung phong, xung phong. Ðưa ngực cho nó phạng, chết mẹ hết ráo còn lấy ai xung phong!!!

Họ là những người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ nhạt nhòa đâu đó, trong tim tôi, trong óc tôi, chung quanh tôi, mờ mờ nhân ảnh... Anh không chết đâu Anh, Anh chỉ vừa bỏ cuộc hôm qua… Hôm nay còn lại gì? Có còn chăng chỉ còn tình Huynh Đệ mong manh như những hạt mưa bong bóng. Dễ kết dễ ly. Dễ hợp dễ tan. Cố gìn giữ được cái gì hay cái đó, ngày nào hay ngày đó. "Quân Tử Chi Giao Đạm Nhược Thủy" (2). Tình Huynh Đệ hôm nay không cần vồn vập sôi nổi, mà cần lắng kết vào bên trong, thông cảm, tha thứ, cầu mong điều lành cho nhau, sẵn sàng cứu giúp dù phải phá chấp hy sinh, không ra ngoài mục đích hài hòa những mối tương giao tình tự "Một ngày Lính là một đời Lính". Mũ Đỏ, Mũ Xanh, Mũ Nâu, Mũ Đen, Mũ Vàng, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Dân Vệ, Võ Trang Tuyên Truyền... cũng giống như nhau, cũng cùng phơi thây nơi chiến địa dưới họng súng xâm lăng của quân thù không còn nhân tính. Nhưng tiếc thay hôm nay có những Huynh Huynh Tỷ Tỷ quên lãng đi, hay cố tình quên lãng đi: "Nhất Tướng Công Thành Vạn Cốt Khô”.

Họ quên đi thời thế, thế thời đã đổi thay. Họ vẫn xênh xang áo mão hoàng triều, huy chương đầy ngực, lon lá le lói xum xoe trong những lễ hội hoa đăng của những Chú Phỉnh Lâm Thời nào đó, hay những Mặt Mẹt Cắt Mạng chống cộng bằng mồm xuân hạ thu dông đủ bốn mùa. Nhưng họ có bao giờ nghĩ rằng bao nhiêu linh hồn uổng tử đang ở bên cạnh họ và đang nguyền rủa họ.

Có những kẻ lúc nào cũng xum xoe khúm núm Đệ Đệ Muội Muội để trở thành "Thời Lai Đồ Điếu Thành Công Dị" (3). Dậu đổ bìm leo. Họ leo lên những bậc thang Danh Vị của họ với những bằng cấp này bằng cấp nọ, giống như những Công Công của thời vua chúa quân chủ đời nhà Tống, nhà Minh bên Tàu. Họ đạp thẳng chân, thẳng tay, vào mặt những người đàn anh của họ, mà đáng lý ra họ phải tôn kính và nhớ ơn. Họ gọi những đàn anh của họ là những "Lão Già Nua Lẩm Cẩm Thiếu Học", hoặc là "Những Kẻ Hèn Hạ" cũng chỉ vì sức khỏe và tuổi tác không cho phép những vị đàn anh này ủng hộ, cổ võ cho khuynh hướng và lập trường của họ. Họ là ai? Họ là những con sâu con bọ đang ngày đêm đục khoét những xác chết đồng đội của họ, những xác chết đã mục nát dưới lòng đất sâu trên khắp miền đất nước Việt Nam, nơi đã sinh ra họ, đã giáo dưỡng họ thành người, để ngày nay vì thời thế thế thời phải thế... họ đã trở thành sâu bọ.

Ngày nay, trong một cuộc sống quá xô bồ, hối hả, căng thẳng với gia tốc của nhu cầu vật chất, với sự ganh đua danh vị hão huyền, với sự tranh cãi đúng sai, phải trái, hơn thiệt xảy ra hằng ngày, tôi được quyền có những giây phút im lặng lắng đọng, trầm tĩnh trong cuộc sống hằng ngày, để tự lắng vào bên trong, để có dịp gặp lại những hình ảnh thân thương của đồng đội, trên chiếc tàu há mồm xuôi Nam để từ mũ Xanh thành mũ Đỏ. Màu gì cũng là màu, nhưng màu Máu của con người không ai thay được .

ĐĐ5/81 BCD và ĐĐ2 Trinh Sát ND, chỉ là Một.
Trương Văn Út (Út Bạch Lan), K22

Chú thích của ĐH Online:
(1) Các câu trích trong bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ:

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên.
Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý.

Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường
Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất.

Lúc vị ngộ, hối tàng nơi bồng tất
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.

Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.

Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thuỳ rạch mũi Can Tương
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ, sau là khanh tướng.


Kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung,
Vũ trụ chi gian giai phận sự, nam nhi đáo thử thị hào hùng.
Nước nhà yên mà sĩ được thung dung
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch

Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.

Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh.


(2) “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; 
quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt.” -- Trang Tử

Ý nói rằng, tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.

(3) Bài thơ Cảm Hoài của Đặng Dung

Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
(Đặng Dung)

Bùi Phạm Thành Dịch thơ theo 2 thể Thất Ngôn Bát Cú và Lục Bát

Nỗi Lòng
Đời rối tuổi già lại đến đây,
Trời đất bao la một cuộc say.
Gặp thời bần tiện thành công dễ,
Lỡ vận anh hùng phải ngậm cay.
Giúp vua hằng tưởng xoay vần đất,
Rửa gươm những muốn kéo sông này.
Hận nước còn đây đầu đã bạc,
Dưới trăng gươm báu vẫn đem mài.

(Bùi Phạm Thành)

                        oOo

Đời rối mà tuổi lại già,
Cuồng say một trận bao la đất trời.
Bần tiện thành công nhờ thời,
Anh hùng lỡ vận hận đời ngậm cay.
Giúp vua muốn đất vần xoay,
Ngân hà muốn kéo sông này rửa gươm.
Bạc đầu nợ nước vẫn còn,
Bao phen dưới nguyệt mài gươm Long Tuyền.

(Bùi Phạm Thành)

Theo từ điển chữ Nôm thì Cảm Hoài có nghĩa là: Ý tưởng hằng ấp ủ trong lòng.
Cảm: Thấy trong mình - Cảm giác; Cảm tưởng (trong chữ cảm có chữ tâm là tim, lòng người)
Hoài: Vòng tay - Hoài bão (ôm trong lòng)
 
More:
* Những Mùa Xuân Qua - Trương Văn Út K22 (Út Bạch Lan)
* Một Đời Binh Nghiệp Hai Màu Mũ - Trương Văn Út K22 (Út Bạch Lan)
* Quân Trường Và Chiến Trường - Trương Văn Út K22 (Út Bạch Lan)
* CHỮ “TÍN” - Trương văn Út K22/BCND
 
Video:
* Tình Người Trong Cuộc Chiến - Mũ Đỏ Út Bạch Lan
* Võ Bị ngày ấy - Bây giờ - Mũ đỏ Út Bạch Lan

No comments:

Post a Comment