Thursday, October 6, 2022

Robert Lửa Tr/Tá Nguyễn Xuân Phúc - Ðỗ Quý Toàn (Sóng Thần)

Robert Lửa Tr/Tá Nguyễn Xuân Phúc
Ðỗ Quý Toàn (Sóng Thần)
Tự kể:
Một buổi tối vui với chúng bạn, đọc thơ Lý Bạch bài Hiệp khách hành đến câu “ngân yên chiếu bạch mã, tạp đạp như lưu tinh” thì chợt thấy Nguyễn Xuân Phúc vừa xịch đậu xe Jeep, lại vừa vụt phóng xe đi, rõ ràng phong thái “yên bạc ánh ngựa trắng, lấp lóa tựa sao sa”. Ôi con người hào hùng sảng khoái đó bây giờ ở đâu có ai biết không?
----------------------------------------
Nguyễn Xuân Phúc bạn ta
suốt một đời hào sảng
sống chết ở nơi nào
hồn xanh vẫn phiêu đãng
tuổi trẻ tánh ngông nghênh
đến trường leo cổng trốn
lớn làm quan nhà binh
vẫn không hết ngang bướng
Nguyễn Xuân Phúc bạn ta
coi đời như củ sắn
sống không cửa không nhà
chết trên răng dưới đạn
thường khinh lũ quan to
chê xếp nhỏ xếp lớn
thương lính như thương con
khi đói chia nắm cơm
khi vui chia rượu nhắm
sớm đóng rừng Khe Sanh
chiều về sông Thạch Hãn
phơi phới như sao băng
ào ào như gió rống
giặc sợ tiếng Trâu Ðiên
nghe tên đã khiếp đảm
khi nghỉ phép về thành
họp mặt mấy thằng nhốn
chặt gẫy đầu mươi chai
dốc chén tiêu sầu hận
lòng lại trắng như mây
thoắt biến lại xông trận
đi thì như sấm ran
về thì như gió cuốn
tiền bạc dốc chia ngươi
gái ngon nhường lại bạn
Nguyễn Xuân Phúc bạn ta
suốt một đời hào sảng
hồi tháng ba nghe tin
mầy trấn đầu giới tuyến
cuối tháng lại nghe tin
rút về qua Ðà Nẵng
có mấy trăm thằng con
vào tới Ngũ hành sơn
không để mất một mống
lúc tướng bại binh tàn
lũ con mày nguyên vẹn
lính tráng nhắc đến tên
còn nghẹn ngào thương kính
thế mà sao bặt tin
mầy đi đâu rồi con
giữa cuộn khói ngưng trời
trong lửa chiều giông loạn
trên biển gió lênh đênh
hay đìu hiu cát thẳm
thằng nghĩa khí như mày
sống chết đều xứng đáng
“hết việc phất áo đi
thân danh vùi quên lãng”
thua được đã hoàn không
tử sinh cũng là nhảm
Phúc ơi mày ở đâu
hãy về đây đi con
thiếu mày nhậu hết sướng
bạn bè cũ lôi về
thằng chết lẫn thằng sống
thằng tỉnh lẫn thằng điên
tiên ẩm rồi ngưu ẩm
mộng lớn đã hoang đường
mộng con vất cả đống
trang sử lật qua rồi
đỏ tận số thành đen
vàng hết thời hóa xám
chiến địa cỏ tiêu điều
thành xưa cờ khuất bóng
biển Ðông sóng bạc đầu
lớp lớp chạy xô nhau
toàn khăn sô áo trắng
mình cũng trắng như mây
trong veo không thù hận
thôi vì đời giải oan
một bài chú vãng sinh
cho cả thù lẫn bạn
kẻ chết oán chưa nguôi
hồn phách còn quanh quẩn
kẻ ra khóc sụt sùi
kẻ vào kêu mê sảng
kêu cha khóc mẹ
thương vợ khóc con
hận đời đen bạc
sinh Bắc tử Nam
chôn thân Bình Giả
vùi xác Trường sơn
hài cốt nơi nào
thôi cũng nước non
sống làm thù địch
chết nhìn anh em
giờ đây thành phố cũ
sân trường Chu văn An
vẫn xanh um đời sống
những đứa trẻ như mày
những thằng bé như tao
có đứa lại chui rào
có thằng lại trèo cổng
a ha, đời mà con
số mày thế mà sướng
suốt một kiếp loạn ly
mà không vương bụi bặm
Nguyễn Xuân Phúc bạn ta
đúng thật nòi hào sảng
bữa đó ngồi ngắm trăng
bên dòng sông Thạch Hãn
tiếng súng im hai bờ
rượu trào thơ lai láng
nửa đêm sương mù trời
rồi gió thổi sương trôi
đêm – trái đất an lành
quê hương sao thầm lặng


… Anh ta ngồi gát hai chân bắt tréo lên bàn, tay cầm điếu Ruby Queen gõ gõ theo nhịp trống hát bản Trấn thủ lưu đồn, sau nầy tôi mới biết đó là bản ruột của ca sĩ mang bảng tên màu tím trên ngực áo trận thêu chữ NG.X. PHUC. Nhỏ con, răng vẩu, anh nhìn tôi cười mỉm chi, nửa thật nửa đùa hỏi một câu hết sức khiêu khích:
– Thiếu úy đánh lộn bên Tiểu đoàn 5 nay về Tiểu đoàn 2 kiếm tôi phải không?

Buồn vì đến trình diện đơn vị mới đã bị thằng bạn cùng khóa ngó lơ, nay gặp cha đại đội trưởng hắc ám xỏ xiên nầy tôi đang định trả lời: “Chưa biết!” thì anh ta đứng dậy bỏ đi và hất hàm ra lệnh:
– Kiếm thằng Hợp trình diện.

“Trình diện gì nữa”, tôi lầu bầu trong miệng, cúi xuống xách ba lô, trong đựng vài bộ đồ trận và và cây Ruby Queen, tìm chỗ khuất mắc võng nằm. Tin đồn rằng ở ngoài đơn vị tác chiến, dòng họ nhà Võ nâng đỡ nhau lắm nhưng thái độ của thằng bạn cùng khóa, của ông niên trưởng vừa qua làm tôi vỡ mộng bèn buột miệng nói… tục theo bản năng!

… Trung đội tôi nằm ở ngả ba sông phía dưới cũng chụp được hơn chục mạng bằng máy hình hiệu Claymore.

Sáng hôm sau ngồi trên miệng hố, đang nghĩ về những cái chết quá dễ dàng thì thấy đại đội trưởng đến, tôi làm bộ ngó lơ để khỏi phải đứng dậy chào cái mặt đáng ghét. Khi tới nơi anh đưa ca nhôm cà phê cho tôi và nói:
– Làm hớp đi! Chú mầy làm ăn được.
– Cám ơn Trung úy. Gặp may thôi, nhằm nhò gì!

Ở đơn vị chúng tôi, khi đầm ấm thân thiện thì anh em nhà Võ Bị xưng hô với nhau là “ông anh, niên trưởng” và “chú mầy”. Anh đã gọi tôi là “chú mầy” và cho uống cà phê đường nhưng sẵn ác cảm từ lúc đầu vì thái độ coi thường nhau nên tôi lạnh lùng trả lời và gọi đúng cấp bậc nhà binh chớ không có ông anh ông iếc gì cả. Phải giữ đúng nguyên tắc như khóa 17 đã dạy: “Tôi chứ không có em! Các anh xưng em cả với mấy bà thợ giặt!” (Không ai phịa chuyện giỏi như mấy ông cán bộ niên trưởng)

Anh ra lệnh chuẩn bị di chuyển với chi tiết rõ ràng hơn, còn dặn thêm “phải cẩn thận” và lờ đi như không để ý đến cử chỉ khó chịu của tôi. Ðây là lần đầu tiên anh trực tiếp ra lệnh, những lần trước chỉ qua các hiệu thính viên. Thái độ thân thiện nầy làm dây thần kinh tôi bớt căng thẳng, tự ái được vuốt nên nhìn lại bản thân mình: đen như củ… thục, cái mặt như hình tài tử ở tấm bia trên thềm bắn lại còn để râu chữ bát như mấy anh Tàu gian thì xếp nào ưa. Nhất là lý lịch với 15 củ trọng cấm vì tội “đả thương thượng cấp”. Nhà binh mà vấp phải lỗi nầy coi như đời tàn, gặp người dưng khác họ thì coi như bị đì chết bỏ. Anh tiếp đón thế là nhân đạo lắm rồi. Tình anh em bắt đầu chớm nở…

Sáng 29-6-1966, tiểu đoàn rời Ngả Ba An Hòa đi Quảng Trị. Ðoàn xe vừa qua khỏi cầu Phò Trạch, Phong Ðiền thì bị phục kích. Ðịch từ hai bên đường độn thổ lên cận chiến ngay. Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Lê Hằng Minh cùng hơn 40 quân nhân tử trận, gần 120 người bị thương trong đó có anh Phúc bị bắn xuyên từ ngực ra sau lưng. Hợp bị bắn bắp vế và tôi bị bắn vào khuỷu tay phải, Chính – khóa 20 – bị tét… bao thuốc trên túi áo ngực. Trận chiến chỉ kéo dài chừng 30 phút, địch bỏ chạy. Ðơn vị bạn đuổi theo, ta tải thương.

Tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tôi và Hợp được bông băng thuốc đỏ qua ngày rồi về đơn vị, riêng anh phải nằm lại để các thầy lang nghiên cứu. Ðạn xuyên từ ngực trổ ra sau lưng phá một lỗ bằng cái đồng trinh, không mẻ một tí xương, tim gan phèo phổi vô sự thật là may mắn hi hữu. Nhưng anh không cho là may mắn mà “nói phét” là anh có tài né và chửi tụi Việt Cộng bắn dở. Ðúng là khôi hài kiểu Nguyễn Xuân Phúc.

… Sát bên hông trại là hồ tắm Ngọc Thủy, ra đó cà phê thuốc lá rửa mắt và ai bơi ai tắm cứ việc thoải mái còn Phúc ta thì không, Thủy quân lục chiến mà không biết bơi. Ðã có lần chúng tôi khiêng anh vất xuống hồ nhưng lóp ngóp uống nước rồi bò lên, không chịu học bơi vì sợ lộ cặp giò ống điếu…

Ðược sống gần và sinh hoạt chung, tôi vẫn thấy thấp hơn anh một cái đầu. Anh luôn tự tin, khẳng khái, không bao giờ xun xoe với thượng cấp. Ðàn em học được nơi anh kinh nghiệm tác chiến và xử thế, nhất là tình huynh đệ.

Vui không được bao lâu thì đường binh nghiệp của anh phát, anh được làm xếp tiểu đoàn khác. Trước khi đi, anh khuyên nhủ và gần như cảnh cáo tôi:
– Tao đi rồi chú mầy phải cẩn thận với ông tân tiểu đoàn trưởng. Trước kia ông ta là tiểu đoàn phó tiểu đoàn nầy. Hơi khó đấy!
– Có hắc ám bằng cựu đại đội trưởng Đại đội 4 của tôi không?
– Mầy học thói móc lò ở đâu vậy? Tao và thằng Hợp muốn thử lửa mầy chơi. Ðất dụng võ ở Thủy quân lục chiến hẹp lắm nghe em. Mầy đã phạm một lỗi lầm lớn. Còn nhớ ông ta nói gì khi tao trình diện sĩ quan tiểu đoàn cho ông ta không?
– Quên sao được. Nhưng Võ Bị là phải ngước mặt lên. Lính chuyên nghiệp mà!

Tuy là xếp mới nhưng ông ta đã ở Tiểu đoàn 2 khá lâu nên biết mặt gần hết sĩ quan cũ. Khi đến tôi, anh giới thiệu là ở Tiểu đoàn 5 mới về lại còn nhấn mạnh: “Ðược lắm!” Ông ta liếc qua tôi bằng 1/4 trên 1/4 con mắt rồi quay qua nói với anh Phúc vừa đủ nghe:
– Ðược thì tại sao họ lại nhả ra?

Anh Phúc vừa đủ nghe nhưng lại quá dư chói tai người khác. Anh đưa mắt lừ tôi.

Tuy chỉ mới sống với anh một thời gian ngắn, từ một thằng cha lùn hắc ám, nay anh cao hơn nhiều. Tôi hiểu ý anh, ngậm bồ hòn làm ngọt, cục bồ hòn còn mãi cho tới khi anh trở lại Tiểu đoàn 2.

Anh làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6. Trong trận Mậu Thân đạn lại xuyên cổ, pháo cào rách mặt. Ði bệnh viện. Về làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Yểm trợ nơi có nhiều con cha cháu ông, dễ bị dòm ngó vì béo vì dầu mỡ nhưng anh không cần và cũng chẳng “khe”. Nguyễn Kim Thân khóa 21 hướng dẫn anh nhảy đầm sao cho có vẻ khiêu vũ một tí thì anh lại cứ nhẩy kiểu khiêu… khích bố thiên hạ, mặt trời, mặt trăng hay mặt… gì đi nữa mà thấy cũng phải nóng mặt. Thân nhắc khéo: “I can you…” thì anh xổ nho: “No star where. Sugar me, me go!”

Ðúng, chỗ của anh không phải ở nơi nhiều dầu mỡ, anh trở lại nắm Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên năm 1969. Thân cũng đi theo về làm trưởng ban 3. Tiểu đoàn phó là bạn đồng khóa. Ðại đội trưởng là 3 tên khóa 19. Ðại đội phó là mấy tay tổ khóa 20 và khá đông các trung đội trưởng là khóa 22 và 23. Ðiều đáng buồn là đứa em út Nguyễn Quốc Chính của anh không còn nữa.

Với giàn cán bộ như vậy thì xếp Phúc khỏe re và cũng là thời gian vui nhất, cùng làm cùng chơi vì đại đa số còn độc thân, nhiều đào, nhậu ào ào nhưng vào việc thì đâu ra đó, không la ó. Khi đụng trận mới thấy cái bình tĩnh của anh. Ða số các xếp lớn khi nghe súng nổ là đòi gặp “thẩm quyền, đích thân” ngay. Những lúc như thế hai tay, hai tai, hai máy, máy trên nhận lệnh máy dưới ra lệnh nên nhiều khi chửi thề lộn vào ống liên hợp là bình thường! Anh thì không, cứ để mặc cấp dưới thoải mái giải quyết, không hối thúc, thỉnh thoảng chỏ vô tần số nội bộ nói ngắn gọn: “Cần gì không?” Thuộc cấp nào cũng thích kiểu chỉ huy nầy thay vì sốt sắng quá, kiểu pạc ti dăng: “Bằng mọi giá phải chiếm cho được, không thì tôi đưa ông ra tòa án quân sự!” Bố khỉ! Chỉ huy kiểu chày đánh đục, thượng đội hạ đạp.

Khi ông tiểu đoàn phó bạn cùng khóa đi làm xếp đơn vị mới thì anh được quyền đôn 1 trong 3 thằng khóa 19 lên trám chỗ. Cả 3 đều đại úy và “cà chớn” như nhau, hơi khó chọn nên anh cứ “thả nổi”. Tới khi tiểu đoàn chuẩn bị đi hành quân ở Chương Thiện thì anh gọi tôi lên:
– Chú mầy giao Đại đội 1 lại cho Lâm Tài Thạnh, lên coi cánh B.
– Sao lại tôi? Còn 2 thằng Hợp và Doan đâu? Tụi nó là dân kỳ cựu Tiểu đoàn 2, nhất là Hợp, nó lên trung úy trước tôi và làm đại đội phó cho anh từ lâu…
– C.! Bàn giao đại đội ngay. Ði hành quân về tính sau.

Chẳng phải quân tử Tàu. Ðã chọn nghiệp lính mà được đàn anh nâng đỡ thì còn gì bằng nhưng cũng phải “khách sáo” một chút cho phải phép vì Hợp vốn là xếp của tôi. Nó gốc Tiểu đoàn 2, học trò cưng của anh Phúc. Kẹt một sợi tóc, chỉ tại cái đại úy của tôi thâm… hơn nó mà anh chọn tôi đi cánh B thì ngượng với bạn bè quá.

Mưu sự tại anh, thành sự tại thằng Việt Cộng, tôi bị trọng thương. Anh chọn Hợp thay tôi và đưa Doan đi làm phó cho một ông niên trưởng ở tiểu đoàn khác. Nhưng thằng phải gió nầy nó không chịu đi để tiến thân mà cứ đòi mài sừng làm Trâu… Ðiên rồi sau đó nó cũng cùi luôn và giã từ vũ khí.

Ở Thủy quân lục chiến lúc đó (1969) chỉ có 9 tiểu đoàn tác chiến, các khóa đàn anh đàn em dồn một cục nên việc chen vai thúc cùi chõ để được làm đại đội trưởng đã là vất vả huống chi tiểu đoàn phó, vậy mà nó uống thuốc lắc cũng chỉ vì ham ở với anh.

Trong thời gian hơn 1 năm tôi nằm bệnh viện, hễ có dịp là anh ghé thăm với vỏn vẹn 1 cây thuốc Ruby Queen và vài câu quen thuộc:
– C.! Mầy làm tao thất vọng. Chú mầy làm tao mất hứng!

Bị anh sỉ vả mà tôi vẫn vui và nhớ mãi đến nay, sau hơn 30 năm, nụ cười chúm chím rất đểu và có duyên với cái sẹo ngang mặt. Khi tôi bị hội đồng y khoa phân loại 3 cũng tìm đến anh can thiệp cho tiếp tục ở lại binh chủng. Xếp chúa chấp thuận, còn hứa cho ngồi chỗ nào tùy ý. Và rồi sau đó tôi cứ như con thoi, chỗ nào không có chó thì bắt con mèo què nầy ăn. Ba ngày chỗ nầy, bẩy ngày nơi khác. Nhờ vậy mà tôi được gặp anh lần cuối cùng trên bờ biển…

Sáng 29-3-1975, anh Phúc, lữ đoàn phó Ðỗ Hữu Tùng, Trâu đầu đàn Trần văn Hợp và tôi đứng nói chuyện trước cửa trung tâm hành quân sư đoàn trong Căn cứ Non Nước kế bên bờ biển. Khoảng 7 giờ sáng, phòng 3 chúng tôi được lệnh bơi ra tàu, các anh ở lại điều động đơn vị. Từ đó tôi không bao giờ gặp lại hai anh Phúc, Tùng nữa. Có người nói thấy hai anh lên trực thăng, có người nói hình như lên tàu, có bố (láo) nghe tiếng anh kêu gọi rút lên đỉnh Sơn Chà tử thủ! Không ai thấy tận mắt chuyện gì xảy ra, nhưng một điều chắc chắn là không người nào gặp lại hai anh sau 1975 ở bất cứ nơi đâu.

Trong bài Trận chiến sau cùng của Tiểu đoàn 9/TQLC, trưởng ban 3 Tân An Ðoàn văn Tịnh khóa 22 viết:

7 giờ sáng ngày 29-3-1975, gần 11 giờ trưa cánh A mới tới được bờ sông Hàn. Tôi gọi Trung tá Tùng. Tiếng nói của Tùng trong ống liên hợp và chiếc loa nhỏ gắn trên máy PRC-25 không được rõ ràng, lẫn lộn với một loạt âm thanh thực quen thuộc, hình như tiếng cánh quạt của trực thăng hay tiếng sóng biển vỗ vào mạn tàu.
– Thái Dương đang ở đâu? Trên máy bay hay tàu thủy?
– Sao Tân An lại hỏi vậy?
– Vì tôi nghe có tiếng quạt đập gió hay tiếng oằm oặp của sóng.
– Không tàu cũng chẳng máy bay. Ðó là tiếng sóng vỗ bên bờ biển.

Tôi nghe tiếng la rất lớn của Trung tá Phúc:
– Cho Tân An ngay tần số của Hợp, và Hợp có bổn phận đón Tiểu đoàn 9.
– OK, OK! Tân An đây Thái Dương. Hãy ghi tần số nầy và liên lạc với Hà Nội để Hà Nội thu xếp đón Tiểu đoàn 9 lên tàu.
– Ðáp nhận. Ðại Bàng!
– Chúc may mắn.

“Ầm!”
Bỗng tôi nghe trong máy một tiếng nổ rất lớn cắt ngang tiếng nói của anh Tùng và chấm dứt cuộc đối thoại. Ðó là lần nói chuyện sau cùng của chúng tôi với Trung tá Ðỗ Hữu Tùng…
(Tô văn Cấp khóa 19 – Ða Hiệu số 71)

***

… Tôi còn nhớ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào tại mặt trận phía bắc đồi 550, Sau khi tiến chiếm vị trí phòng thủ đầy tre gai rừng chằng chịt của địch, tôi bị thương khá nặng mà nếu không có anh Năm Nguyễn Xuân Phúc la hét trên máy là chính mình bị thương để trực thăng Mỹ xâm mình bay đến tản thương trong hỏa lực phòng không dầy đặc của Việt Cộng thì có lẽ tôi đã bỏ xác tại Hạ Lào mất rồi!

… Ðối với cố vấn Mỹ của tiểu đoàn thì anh Năm Nguyễn Xuân Phúc rất giữ khoảng cách để cho “cái thằng mọi” gọi anh Năm bằng sir và buộc cố vấn Mỹ phải chịu khó nghe tiếng Việt.

Cố vấn Mỹ luôn được anh Năm mời nhậu nhẹt nhưng “đừng để cho lính Trâu Ðiên đói đấy nhé. Nếu lính tao đói là mày phải đói theo luôn và tao sẽ không cho mày ăn cơm với tao nữa đâu nghe rõ chưa!” Cho nên bất cứ thời tiết nào, cố vấn cũng phải gọi máy bay tiếp tế hay tải thương cho con cái là tiên quyết chứ anh Năm không bao giờ nhờ vả cố vấn mua giúp cái gì ở PX đâu.

Ðó là lý do tại sao sau khi xuống núi, cố vấn Mỹ phải xin phép anh Năm Nguyễn Xuân Phúc lái xe Jeep về Phú Bài, Huế mua đủ thứ đồ nhậu mang ra hành quân để đáp lễ những cảm tình mà anh Năm đã dành cho họ.
(Trần văn Loan – khóa 23 Võ Bị)
----------------------------------------------

… Vốn tính vui nhộn và cởi mở, anh tham gia vào các hoạt động của tuổi trẻ và vui vẻ đứng ra tổ chức trình diễn vũ điệu Trấn thủ lưu đồn rất sống động khiến các bạn cùng khóa khó ai quên. Với óc khôi hài và vui tính, chính anh sau này khi hành quân dài ngày trên các mặt trận, đã tự sáng tác ra những bài hát theo điệu dân ca khiến bạn bè, đàn em, lính tráng ai nghe cũng cười đến chảy nước mắt.

Sau năm 72, chiến thắng tái chiếm cổ thành Quảng Trị đã nảy sinh ra khúc ca Cờ bay cũng được anh chuyển ngữ sang Anh ngữ để cười đùa với mấy người bạn Hoa Kỳ, như “flag flies” cho “cờ bay”… Mấy cố vấn Mỹ sau này lên tướng ở Hoa Kỳ vẫn vui vẻ nhắc nhở lại như một kỷ niệm khó quên.

Từ những năm học tập trong Trường Võ Bị, Phúc tốt nghiệp á khoa khóa 16, rồi cùng 9 bạn đồng khóa tình nguyện về phục vụ trong binh chủng Thủy quân lục chiến. Khác với trước đây, những sĩ quan tốt nghiệp hạng cao đã chọn về phục vụ ở các văn phòng tham mưu hoặc đơn vị yểm trợ, tiếp vận… trong suốt hơn 10 năm chinh chiến không lúc nào anh rời khỏi binh chủng chiến đấu dù 2 lần bị thương ngoài mặt trận.

Ðầu năm 63, khi cùng 9 người bạn về trình diện tại Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến, anh đã được bổ nhiệm về làm trung đội trưởng ở Tiểu đoàn 2/TQLC. Mở đầu cho binh nghiệp lẫy lừng về sau của Phúc là chiến thắng Ðầm Dơi của Tiểu đoàn 2/TQLC.

Ðầu năm 65, khi làm đại đội trưởng anh đã cùng đơn vị dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Lê Hằng Minh đánh tan tiểu đoàn cơ động của Việt Cộng ở Tam Quan, Bồng Sơn. Cuộc giáp chiến nửa đêm ác liệt và dữ dội đã khiến cho kẻ thù đã gọi đơn vị của anh là “Trâu Ðiên”. Từ đó, Tiểu đoàn 2/TQLC đã nổi danh với hỗn danh Trâu Ðiên.

Cuối năm 65, khi chuyển quân từ Huế ra tăng cường cho mặt trận Quảng Trị, là đại đội trưởng, anh đã cùng cả Tiểu đoàn Trâu Ðiên đánh một cuộc phản phục kích tuyệt vời hiếm có trong quân sử, cùng với lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trú đóng gần đó, tiêu diệt cả trung đoàn Việt Cộng địa phương, dù vị tiểu đoàn trưởng đã xả thân đền nợ nước. Chính Phúc cũng bị trúng đạn xuyên qua ngực phải và chỉ chịu tản thương sau khi quân ta đã làm chủ chiến trường.

Năm 68, từ mặt trận miền Tây, Phúc đã cùng Tiểu đoàn Trâu Ðiên được trực thăng vận về giải tỏa cứu nguy Bộ Tổng tham mưu rồi đánh đuổi địch quân ra tận thành Cổ Loa, Gò Vấp, và chuyển quân sang tiêu diệt Cộng quân xâm nhập vào Chợ Lớn từ đường Hậu Giang, đuổi ra Bà Hom, Bình Chánh.

Từ cấp bậc trung úy lên đến trung tá, anh đều được đặc cách thăng cấp ngoài mặt trận. Ngoài 16 Anh dũng bội tinh với nhành dương liễu tích lũy từ các công trận lập nên từ hàng trung đội trưởng lên đến lữ đoàn trưởng, vào năm 1974, anh còn được ân thưởng 2 Chiến thương bội tinh và Ðệ tứ đẳng bảo quốc huân chương. Về phía Hoa Kỳ, anh còn được tặng thưởng 1 Silver Star và 2 Bronze Star với huy hiệu chữ “V” dành cho chiến công ngoài mặt trận. Anh vẫn thường chỉ ngón tay lên tấm Chiến thương bội tinh với 2 ngôi sao đỏ mang trên ngực áo, nói đùa: “Chỉ có cái này là không thằng nào dám lèo. Còn lại tụi nó mang lèo nhiều quá nên tao không thèm đeo những huy chương khác nữa”

Phúc là người chí tình chí cốt với bạn bè, đồng đội và đàn em. Lúc nào cũng chỉ mày với tao, nhưng khi anh đổi giọng xưng hô có nghĩa là tình bạn hay tình anh em đã chấm dứt. Anh không bao giờ nịnh bợ cấp trên, chà đạp đổ lỗi cho cấp dưới. Luôn hết lòng nâng đỡ dẫn dắt đàn em. Vốn tính trung trực, bình dị và liêm khiết, suốt bao năm chỉ huy đơn vị vốn tự trị về tài chánh và tiếp liệu, anh không có gì ngoài mấy bộ chiến phục rằn ri xếp trong hòm gỗ làm bằng thùng đạn pháo binh phế thải cho đến ngày cuối đời. Là một người lính chiến kiệt xuất uy dũng nhưng cũng đầy mưu lược và giỏi phán đoán, nhạy bén với mọi tình huống ngoài chiến trường, anh đã lập nên nhiều chiến công hiển hách như những chuyện thần kỳ truyền khẩu. Người anh hùng có một không hai này đã một lòng một dạ với quân đội. Từ đó, đã nổi trôi theo dòng sinh mệnh của tổ quốc. Lúc đứng đã đứng đầy dũng liệt làm cho quân thù khiếp sợ thất kinh hồn tán, lúc nằm xuống cũng bi hùng hoành tráng như một chiến sĩ da ngựa bọc thây, giữa đồng đội, bạn bè và đàn em thân thiết, giữa cảnh tang thương máu đổ thịt rơi của đồng bào và đất nước quê hương. Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc sẽ còn sống mãi trong lòng bạn bè, đồng đội, chiến hữu và đồng bào miền Nam.

Trong cuộc di tản chiến thuật, tại Ðà Nẵng, sáng ngày 29 tháng 3 năm 75, anh đã cùng Trung tá Ðỗ Hữu Tùng, vừa là lữ đoàn phó và là bạn cùng khóa Võ Bị, lên chiếc trực thăng của Không quân Việt Nam tại phi trường Ðà Nẵng sau khi đã điều động cả lữ đoàn rút quân an toàn về căn cứ Non Nước với lòng tràn đầy phẫn uất vì không đánh mà chỉ lui quân.

Xin hãy thắp lên một nén hương với lời cầu nguyện anh linh của người hào kiệt “hãy dẫn lối đưa đường” cho anh em chúng tôi. Xin tất cả hãy bình tâm để tưởng niệm một vị anh hùng xuất chúng.
(Trần Ngọc Toàn – khóa 16 Võ Bị)
---------------------------------

… Khoảng đầu tháng 5, 1968, Ðại úy Nguyễn Xuân Phúc, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên được chỉ định về nắm Tiểu đoàn 6/TQLC. Ðại úy Nguyễn Xuân Phúc, ngay tuần lễ đầu tiên đã chứng tỏ khả năng chỉ huy, tương lai hứa hẹn là một trong những tiểu đoàn trưởng đầy đủ phong độ, kích thước của binh chủng.

Vào một đêm khuya sau khi bàn giao tiểu đoàn vài ngày, 1 tiểu đoàn Cộng sản Bắc Việt được tăng cường các đơn vị đặc công đã tấn công ngay vào đầu cầu phía nam cũng là nơi đặt Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 6 Thủy quân lục chiến. Sau ít giờ giao tranh, đại đội phó Ðại đội 1, đơn vị có trách nhiệm chận địch ngay khu dừa nước phía đông cầu, bị tử thương. Và từ chỗ yếu đó địch bắt đầu khai thác.

Ðang trong hầm chỉ huy, Ðại úy Phúc nhìn thấy các tổ đặc công địch đeo đầy chất nổ chạy lăng xăng sát đầu cầu. Anh phản ứng nhanh chóng bằng cách đưa ngay 1 trung đội thuộc tuyến phòng thủ bộ chỉ huy tiểu đoàn ra tiêu diệt các tổ đặc công này và bắt tay được với Ðại đội 1, ép địch chạy dồn vào khu dừa nước rậm rạp. Sau đó anh điều động các đại đội khác đẩy địch xa dần về phía đông. Rêng hơn 1 đại đội địch bị anh khóa chặt trong khu dừa nước phía nam cầu Bình Lợi.

Trời sáng lần, địch quân không thể nào thoát được. Các toán Tâm lý chiến đã phải dùng loa phóng thanh kêu gọi đầu hàng, trên trời trực thăng bay quần gây áp lực tinh thần địch. Sau nhiều giờ kháng cự lẻ tẻ, tất cả khoảng 150 cán bộ, binh sĩ (gần 2 đại đội Cộng sản Bắc Việt) đầu hàng, ta tịch thu toàn bộ vũ khí, trên trận địa địch bỏ lại hơn 40 xác nữa, vũ khí nặng nhẹ vứt ngổn ngang.

Chiến công đầu tay của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng là chiến công đầu của Tiểu đoàn 6 Cọp Biển…
(Ðại tá Phạm văn Chung)
---------------------------------------

Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc, niềm hãnh diện của Mũ Xanh Thủy quân lục chiến
Xuất thân khóa 16 Võ Bị Ðà Lạt, 4 năm tôi luyện từ văn hóa, quân sự, đạo đức, ra trường với một lý tưởng vời vợi. Có tên trong thủ khoa đoàn nhưng vóc dáng không đủ tiêu chuẩn để chọn làm thủ khoa, nhưng Phúc có sá gì, dù cho đó là vinh dự đầu đời của một sĩ quan xuất thân từ ngôi trường nổi tiếng nhất Ðông Nam Á.

16 Ðà Lạt là một trong những khóa phải huấn luyện 4 năm, được đào tạo bởi một vị đàn anh sáng ngời – nếu tôi không lầm – là Ðại tá Huyến, chỉ huy trưởng. Ông ta rất hãnh diện với khóa 16 nầy vì những đứa em đã đáp lại sự mong ước của ông. Như Huy Biệt động quân, Thông Sư đoàn 22/BB, Phúc, Toàn, Tống, Tùng Thủy quân lục chiến, Bùi Quyền, Minh Ngọc, Khôi Nhảy Dù… và còn nhiều nữa. Nhưng đây là những vị cùng chiến đấu chung với tôi hay là những người tôi đã từng tiếp xúc và được nghe danh. Họ đã thực sự làm rạng danh cho ngôi Trường Võ Bị Ðà Lạt, họ đã đóng góp thật đúng đắn để làm sáng danh cho quân đội.

Khóa 16 đi đủ các quân binh chủng, như Không quân có Tâm, Hải quân có Thu, có Lòng. Các anh đã biểu tượng đúng cho châm ngôn của Trường: “Ða năng đa hiệu” và “Tự thắng để chỉ huy”

Cùng khóa với Robert Lửa tức Nguyễn Xuân Phúc có người em ruột là Nguyễn Phú Thọ tức Thọ Râu, một sĩ quan nổi tiếng của Sư đoàn 1, một tiểu đoàn trưởng lẫy lừng mà tất cả quân dân Huế và Vùng I không ai không biết qua những trận đánh sáng chói của Sư đoàn 1.

Robert Lửa, tên do anh em trong đơn vị đặt, vì đối đầu với trận mạc, ông ta là lửa để đốt cháy địch và ông ta là một sức nóng để sưởi ấm cho đồng đội. Phan Nhật Nam, một thiên tài bút ký chiến trường, đã hãnh diện khi dùng tên nầy để nói đến Nguyễn Xuân Phúc.

Trình diện Tiểu đoàn 2/TQLC tại Cà Mau, làm đại đội phó Ðại đội 3 cho Trung úy Bảo (sau này là Ðại tá Bảo). Với sự hòa mình mau chóng, với óc thông minh và một khả năng thiên phú, Phúc đã lấy được cảm tình và sự kính nể của tất cả bạn bè, đồng đội và cả cấp chỉ huy. Tiểu đoàn nghỉ dưỡng quân cạnh nhà máy gạo trên con đường dẫn về Năm Căn đã bị bỏ hoang nhiều năm. Ðêm đó trời Cà Mau không lạnh nhưng có cái buồn của buổi chiều hôm, Phúc và tôi lang thang ra phố uống rượu. Hai giờ khuya tối mịt mùng, trở về đại đội qua cây cầu sắt khá cao có toán Ðịa phương quân đang gác cầu và nghe văng vẳng giọng hát một ca sĩ nào đó trong bản Trăng rụng xuống cầu. Hai thằng say ngất ngưỡng bèn cầm tay nhau làm… trăng rụng xuống cầu! Cả toán Ðịa phương quân nhốn nháo la to: “Có người tự tử…” rồi nổ súng lia chia. Tôi và Phúc lội vào bờ ngửa mặt lên trời cười lớn. Sau cùng mấy ông Ðịa phương quân mới biết đó là 2 ông thiếu úy Thủy quân lục chiến đóng ở bên kia cầu.

Quận Ðầm Dơi mất trong đêm hôm sau, tiểu đoàn nhảy tiếp viện. Tất cả 4 đại đội khi nhảy xuống đều bị cầm chân nằm chịu chết tại chỗ. Hỏa lực địch quá mạnh. Hai tiểu đoàn U Minh và Cửu Long phục kích và chận đường tiếp viện.

Tại sân bay Cà Mau, Phúc và tôi được lệnh nhảy đợt chót, chúng tôi là thành phần sau cùng. Trước khi vào mục tiêu, trên trực thăng tôi nhìn xuống thấy một chiếc B-57 bị bắn rớt nằm xoải cánh, khói mịt mù trong quận.

Tôi và Phúc được thả xuống khoảng 4 giờ chiều. Ðịa thế trống trải, ruộng nước sâu cỡ đầu gối, không tìm được chỗ che thân. Các đường mương không đủ che lằn đạn địch đang nổ xối xả vào cánh quân của tôi và Phúc.

Hai thằng gom con cái lại thành một hàng ngang giữa ruộng trống đầy nước. Phúc bò sát tôi và nói: “Ê Phán! Ðíu có đại đội nào vào chiếm bìa làng được. Nằm yên tại chỗ chỉ chờ chết thôi. Tối đến mà tụi vẹm ủi ra là đi đoong”. Tôi nói vậy bây giờ mầy tính sao? Hay xung phong bừa đi, mình tìm một con đường sống trong con đường chết. Phúc nói rất bình tĩnh và chậm rãi lúc hai thằng ngâm mình dưới nước: “Tao gom lính chiếm đám dừa bên tay mặt, xong yểm trợ cho mầy dzọt vào. Mầy chiếm được bìa làng thì tao chuyển xạ. Như vậy mới cứu được tiểu đoàn, nếu không cứ nằm tại đây thì chết hết”. Phúc thật nhạy và sắc bén, hai thằng đồng ý và làm liền.

Nhìn Phúc điều động quân mà tội nghiệp và thương xót cho một thằng thiếu úy đại đội phó, người đã làm nghiêng hẳn cả một mặt trận lớn nhất từ xưa đến giờ. Phúc đã rơi rụng thật nhiều con cái. Nhưng Phúc đã hiên ngang, hùng dũng dẫn đầu, xung phong chiếm được hàng dừa và mở hỏa lực ào ạt vào bìa làng ngay. Không cần nói chuyện trong máy, Phúc ra dấu cho tôi dọt vào thật nhanh. Hình ảnh của Phúc quá tuyệt vời và anh em của tôi vừa bắn vừa chạy dưới nước vừa la xung phong. Ðứa nào rớt mặc kệ. Thượng sĩ Hò bị thương kêu lên quằn quại cũng mặc kệ. Khí xung thiên đã bốc ngập đầu, căm hờn đã nổi dậy. Tôi chụp cây trung liên BAR của một người lính bên cạnh nhả đạn, vừa chạy vừa la lớn, hết băng nầy đến băng kia. Bắn không cần trúng, chỉ cần tiếng nổ để áp đảo tinh thần địch.

Bảy thầy trò lên sớm nhất đã bám được bìa làng. Sau đó tôi thấy tất cả tiểu đoàn đều xung phong như vũ bão. Việt Cộng không ngờ chúng tôi lại mau chóng và tấn công thần tốc như thế, chém vè không kịp bị sông Ðầm Dơi ngăn cản, chúng nó toán thì dùng ghe, toán thì lội bằng tay cố gắng băng qua sông thật nhanh, thoát được toán nào thì thoát. Những cây bia thịt rụng dần xuống dòng sông. Hai tiểu đoàn khét tiếng của Việt Cộng ở vùng 4 đã bị Tiểu đoàn 2/TQLC xóa tên.

Tôi và Phúc nhận vị trí phòng thủ qua đêm. Kiểm điểm tại chiến trường thu rất nhiều vũ khí, đặc biệt có 2 khẩu 75 ly không giật. Ðây là vũ khí lớn nhất mà lần đầu tiên Việt Cộng sử dụng tại chiến trường miền Nam. Và đây cũng là trận chiến lớn nhất và là chiến thắng vĩ đại nhất của QLVNCH cho đến cuối 1963. Cả nước đều nghe thấy, cả Vùng IV và Sài Gòn đều rúng động. Ngày hôm sau tiểu đoàn tái chiếm quận, nhìn chợ Ðầm Dơi tan nát, tất cả phải xây dựng từ đầu. Dân chúng ngơ ngác trở về, héo hắt nhìn nơi làm ăn nuôi sống của mình giờ đây phải làm lại tất cả…

Bốn ngày sau xác Việt Cộng sình thúi nổi đầy trên dòng sông, mùi hôi nồng nặc không đóng quân được phải đổi vị trí. Tiếp theo đó ngày nào phi cơ cũng thả báo chí tường thuật về trận đánh Ðầm Dơi cho cả tiểu đoàn xem. Tất cả quân dân thành phố Cà Mau đã hân hoan đón chào Tiểu đoàn 2/TQLC tại vận động trường. Tôi và Phúc cũng có mặt trong hàng quân đó. Ðêm đó hai thằng lại ra phố và say bất kể trời đất.

Một cuộc đón rước thật rầm rộ từ Cà Mau đến Sài Gòn. Dân chúng cả vùng Thị Nghè đổ xô ra đường để chào mừng và đón tiếp, tiếng kêu la vang động cả vùng, tiếng kêu tên ơi ới vì biết chắc rằng những người thân thương của họ còn sống trong đoàn quân chiến thắng trở về. Thị Nghè là nơi đồn trú của Thủy quân lục chiến vì vậy sôi sục và mãnh liệt hơn. Buổi lễ trình diện tiểu đoàn lên tổng thống và chính phủ tại bến Bạch Ðằng, huy chương được trao tặng từng người cũng như cho đơn vị và binh chủng.

Trước một chiến thắng như vậy, ngoài vị tiểu đoàn trưởng tài ba, ngoài các đại đội trưởng can đảm và kinh nghiệm cộng với truyền thống binh chủng mà tất cả các cấp trong tiểu đoàn đã tạo được chiến thắng vẻ vang đó, còn sự bén nhạy, thông minh gan dạ và thật quả cảm của Phúc. Thật vậy, nếu Phúc không quyết định sớm thì giờ đây trên mảnh đất lạc loài nầy tôi chưa chắc đã còn được ngồi đây để viết lên mấy dòng thật khiêm nhường cho Phúc. Cho tôi xin một đóa hoa hồng riêng gởi cho Phúc.

Những tháng năm gian nan, hiểm nguy, cuộc đời chỉ có sông nước và mây trời, cuộc chiến càng ngày càng mãnh liệt. Phúc thật sự đã trưởng thành trong khói lửa, đã thật sự già dặn với kinh nghiệm của chiến trường. Ðiều nầy Phúc đã minh xác thật rõ ràng trong trận Mậu Thân đợt 2 với chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6/TQLC. Sau khi Việt Cộng đã làm chủ toàn vùng ở Gia Ðịnh, đặc biệt Việt Cộng đã chận đứng và làm chủ cầu Bình Lợi. Một lần nữa Phúc đã thật sự làm rạng danh cho Thủy quân lục chiến với sự thông minh, mưu lược và số kinh nghiệm sẵn có đã chiếm lại cầu Bình Lợi, kiểm soát toàn vùng và chận tất cả các đường rút lui của Việt Cộng. Nhờ sự nhanh nhẹn đó, Tiểu đoàn 1/TQLC đã thanh toán các đơn vị Việt Cộng tại Ngả Ba Cây Thị và Ngả Năm Bình Hòa thật mau chóng, và điều đáng kể là Việt Cộng bị bí lối nên đã ra đầu hàng hàng trăm tên với Tiểu đoàn 1/TQLC.

Kết quả của trận chiến, Phúc nhận 2 viên đạn, một viên xuyên ngực, một viên xuyên cổ và một mảnh pháo làm rách mặt. Robert Lửa phải rời khỏi chiến trường gần 6 tháng. Công của ai? Danh vọng của ai? Phúc vẫn là Phúc, vẫn hào khí ngất trời. Ðối với Phúc điều đó không cần thiết, đó chỉ là hư danh vụn vặt. Và Phúc vẫn ngày trời tháng phật, vẫn lang bạt mây trời…

Ở nhà thương ra với chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Yểm trợ thủy bộ, không thích hợp, nhưng Phúc vẫn làm tròn bổn phận, và Phúc đã chứng tỏ thật xuất sắc khả năng của mình ở mọi môi trường, kể cả môi trường không thích hợp. Ở điểm nầy không ai thấy được, cho tôi thay mặt Phúc để minh xác. Tiểu đoàn Yểm trợ thủy bộ toàn là những cán bộ quen thuộc hay là đệ tử ruột của các cấp lớn, dựa vào thế và lực của “quí vị” nên các cán bộ trong tiểu đoàn xem thường các sĩ quan trẻ. Ngoài ra còn có một số hạ sĩ quan già nua đã mọc rễ trong binh chủng, họ tự xem họ là những kẻ có công với binh chủng thành ra rất khó khăn cho ông đơn vị trưởng. Nhưng Phúc đã tuyệt vời tái tổ chức đơn vị đúng với ý Phúc, và với một lý tưởng sáng ngời, với bộ óc tổ chức đầy kỷ cương, Tiểu đoàn Yểm trợ thủy bộ đã vào khuôn phép, xây dựng đúng nghĩa một đơn vị yểm trợ.

Vì ông ta quá trong sạch, vì ông ta quá sáng, tất cả các cán bộ phải kính nể phải sợ hãi đó là điều hẳn nhiên. Tôi nghĩ làm được chuyện nầy chỉ có Phúc, vì nó còn khó hơn một trận đánh quyết định. Phúc đã thành công thật xứng đáng, xin cho phép tôi được vinh danh cho Robert Lửa.

Nhưng Tiểu đoàn Yểm trợ thủy bộ đâu phải là nơi dừng chân thích hợp với mẫu người của Phúc, vì Phúc có lần nói với tôi ở hồ tắm Ngọc Thủy, Thủ Ðức: “Xuất thân từ Võ Bị Ðà Lạt, là khóa 16 moa không thể nằm ở đây. Moa phải xin ra tác chiến!”

Sau lần tâm sự nầy Phúc đã đạt được nguyện vọng. Tiểu đoàn 2/TQLC hỗn danh là Tiểu đoàn Trâu Ðiên, tiểu đoàn đầu đời của Phúc, tiểu đoàn đã vang danh từ Nam ra Bắc. Thật sự các đơn vị Việt Cộng đã run sợ khi đụng với Trâu Ðiên. Bằng chứng là khi bắt tù binh họ đều hỏi “các anh có phải là Trâu Ðiên không?” – Trâu Ðiên thật sự là do Cộng sản đặt sau một trận đánh ở Tam Quan, Bồng Sơn. Và tất cả các đơn vị bạn của QLVNCH đều hãnh diện với tiểu đoàn nầy. Phúc đã nghiễm nhiên trở thành con chim đầu đàn của Trâu Ðiên.

Những chiến thắng của Trâu Ðiên do Robert Lửa chỉ huy đã sơn thêm thật sáng, thật chói cho quân sử của đại đơn vị Thủy quân lục chiến và cho tôi thêm một lần nữa được ghi ra đây để trải lòng với bạn hữu mà tôi rất kính phục: Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc.

Chiến trường Hạ Lào đã diễn ra thật qui mô. Chiến trường thử lửa một mất một còn với Hà Nội. Trâu Ðiên của Phúc đã nhập trận cùng với Tiểu đoàn 7 của Thiếu tá Nhã, Tiểu đoàn 4 của Thiếu tá Kình, Tiểu đoàn 2 Pháo binh của Thiếu tá Ðạt, đặt dưới quyền chỉ huy của Lữ đoàn A do Ðại tá Thông chỉ huy và Trung tá Thắng làm tham mưu trưởng. Lữ đoàn thiết lập căn cứ hỏa lực nằm phía nam của quốc lộ 9 và Tchépone. Trâu Ðiên bảo vệ bộ chỉ huy lữ đoàn và pháo binh. Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 4 mở các cuộc hành quân nới rộng vị trí lữ đoàn, chuẩn bị cho mục tiêu Tchépone.

Áp lực địch mỗi ngày mỗi nặng, một vài đơn vị bộ binh, thiết giáp đã tan hàng. Lữ đoàn 3 Dù của Ðại tá Thọ ở phía bắc quốc lộ 9 đã anh dũng và hiên ngang giữ vị trí cho đến cùng, không lùi bước, không bỏ vị trí, không đầu hàng. Với tình hình đó, Lữ đoàn A/TQLC cũng bị bao vây bốn phía. Việt Cộng tiếp tục tấn công hàng loạt ngày cũng như đêm với đủ mọi vũ khí, đặc công được tung ra tối đa để đột kích bộ chỉ huy lữ đoàn. Nhưng lữ đoàn với sự bảo vệ của Phúc đã đánh bật được các cuộc tấn công và đã bắt sống cũng như tiêu diệt rất nhiều Việt Cộng ở trong vòng rào bộ chỉ huy. Các Tiểu đoàn 7 và 4 cũng không kém, quần thảo không có thì giờ để nghỉ ngơi, hết tiền pháo lại hậu xung, tình hình thật nóng bỏng.

Trong lúc đó Tiểu đoàn 8 của tôi đang nằm ở Cô Rốc. Tiểu đoàn 3 của Trung tá Bảo nằm giữa đường tôi và bộ chỉ huy lữ đoàn. Tất cả các đơn vị đều bị vây khốn và pháo đổ xuống hàng ngày hàng đêm. Chúng cố cầm chân tôi và Trung tá Bảo bằng cách bám thật chặt, vây quanh các điểm nước.

Hỏa châu sáng rực cả một vùng trời, phi cơ Mỹ yểm trợ tối đa. Phúc vẫn hiên ngang chống trả mọi cuộc tấn công của địch. Trong cuộc hành quân Hạ Lào không có một cố vấn Mỹ nào được đi theo. Tất cả mọi phi tuần quan sát và đánh bom đều phải liên lạc về Khe Sanh để nơi đây hướng dẫn đánh. Từng loạt B-52 trải thảm, Phúc đã bảo vệ bộ chỉ huy lữ đoàn vững vàng.

Thương vong của các đơn vị càng ngày càng cao. Ðây là mối lo âu lớn nhất của các cấp chỉ huy với cố gắng tối đa để tải thương kể cả bằng lưới đạn của pháo binh. Tuy vậy vẫn không đủ để đưa hết thương binh và xác chết về được.

Sau khi Lữ đoàn 3 Dù của Ðại tá Thọ đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, căn cứ hỏa lực của ông bị bộ binh và chiến xa tràn ngập. Còn lại một cái gai chính, đó là Lữ đoàn A/TQLC. Tất cả các mũi dùi địch đều quay cả về phía Lữ đoàn A. Chúng làm một trận địa pháo khủng khiếp như là địa ngục của trần gian. Trong máy tiếng ra lệnh của Phúc vẫn rổn rảng, vẫn bình tĩnh, chậm rãi và thật rõ ràng, điều động các con cái của ông ta trám vào những chỗ bị chọc thủng. Tiếng Phúc dõng dạc ra lệnh luôn cho pháo binh trực xạ vào biển người.

Tình hình quá khẩn trương, tụi tôi chỉ biết theo dõi máy, thật nóng ruột và lo sợ cho họ. Cố tìm mọi cách làm sao để chia sẻ với Phúc và con cái ông ta trong hoàn cảnh đó, chính tụi tôi cũng đang trong tình trạng không thua gì Phúc, chỉ trừ chúng chưa dùng biển người.

Ðêm đó trời tối mịt mùng, không khí u buồn thê lương. Tôi không biết là đêm thứ mấy của cuộc hành quân Hạ Lào. Tiếng kêu trong máy bỗng báo cáo loạn lên, Tiểu đoàn 7 và 4 mất liên lạc. Súng hai bên dồn dập không ngừng, hỏa châu được soi sáng tới tấp, những tiếng nổ xé trời liên tục. Cả một khu núi rừng thâm u rung chuyển, lửa lóe lên mịt trời, không còn phân biệt được tiếng súng nào của địch. Các đơn vị đang đụng kịch liệt, tiếng Phúc liên tục gọi Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 4.

Bỗng tiếng của Ðạt hớt hãi báo cáo thật gấp: “Cua của tụi nó đã sát bờ rào”. Vẫn giọng thật ấm trầm và bình tĩnh ra lệnh cho pháo binh hạ nòng bắn thẳng. Chận đứng đợt thứ nhứt, đợt thứ hai nối tiếp và cứ thế liên tục. Ðạt vẫn báo cáo đều: “Biển người tụi nó được sử dụng sau hai đợt chiến xa…” Phúc hét lớn trong máy ra lệnh cố giữ vị trí không cho địch tràn vào và ra lệnh cho Ðạt rất ngắn nhưng rất sắc: “Ðạt! Còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu không cần xin lệnh nữa!” Mặt khác vẫn cố gắng kêu Tiểu đoàn 7 và 4 tiếp viện, nhưng trong thâm tâm Phúc biết chắc chắn rằng Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 4 đã bị nặng nề lắm rồi.

Từ đầu đến cuối chỉ một mình Phúc ra lệnh và chỉ huy toàn diện. Mặt khác Phúc vẫn cố gắng gọi máy bay Mỹ xin thả trái sáng và yểm trợ cho ông ta chung quanh căn cứ. Vẫn chậm rãi bình tĩnh một cách khác thường, ông ta cho biết sơ qua tình hình và xin được yểm trợ gấp, tối đa. Ðây mới thật sự là giờ phút lịch sử của Phúc. Ðạt báo cáo khẩn cấp: “Cua và biển người đã tràn ngập các pháo đội, chúng đang tiến vào bộ chỉ huy lữ đoàn”. Phúc trả lời: “Ðạt, còn cây pháo nào chơi cây đó, chơi tụi nó tới cùng” và từ đó mất liên lạc với Ðạt.

Bộ binh Bắc Việt tràn ngập vị trí lữ đoàn, trận cận chiến trong đêm tối bắt đầu. May thay, Phúc đã tiên liệu sẵn ám hiệu của đơn vị: cánh tay mặt được xắn thật cao, cánh tay trái thả xuống. Mặt khác ông gọi tất cả các đại đội bên ngoài về cứu bộ chỉ huy lữ đoàn.

Trận chiến tôi không nhìn thấy nhưng nghe con cái của Phúc báo cáo đều đặn. Lửa ngút trời làm sáng tỏ cả một khu núi rừng rộng lớn. Hỏa châu tiếp tục soi sáng, tiếng máy bay vẫn bao vùng trên không phận.

Hình như trận chiến đã quá khốc liệt, địch và chiến xa đã tràn ngập vị trí lữ đoàn. Bỗng tôi nghe Phúc dùng tiếng Anh yêu cầu đánh bom thẳng vào vị trí ông ta, lặp đi lặp lại hai ba lần:
– I’m Crazy Buffalo Battalion commander!

Một hai phút sau giọng Phúc có vẻ gấp và lớn, vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh:
– Ð.m, I’m ground commander. Go ahead, do it, please!

Từ đó tôi và Tiểu đoàn 3 cố gắng theo dõi lữ đoàn nhưng tất cả đều im lặng, một sự im lặng đáng run sợ. Chúng tôi cố gắng gọi Phúc và Tiểu đoàn 7 và 4 nhưng tất cả vẫn im lặng. Căn cứ đã bị bỏ ngõ…

Mãi đến khoảng 4 giờ sáng, âm thoại viên của tôi báo cáo có tiếng Thiếu tá Phúc, tôi liền chụp máy thật nhanh và theo dõi. Giọng Phúc quá nhẹ và quá chậm có lẽ vì quá mệt mỏi. Ông ta đã liên lạc được với Tiểu đoàn 7 và 4. Tôi nói: “Tôi sẽ cố gắng thắp đèn cầy cho các ông, cứ theo hướng đèn cầy mà đi thì sẽ gặp được Tiểu đoàn 3 và 8”. Thật tình mà nói trong giờ phút nầy ông ta vẫn còn sáng suốt và thông minh để liên lạc được với Tiểu đoàn 3 và tôi để thắp những ngọn đèn cầy cho ông ta đi. Hỏa châu bắt đầu đánh dấu cho các đơn vị bạn. Sau chữ cám ơn nhẹ nhàng, ông ta tắt máy.

9 giờ sáng hôm sau gặp cánh tiền đồn của Tiểu đoàn 3, Phúc cùng đi với Ðại tá Thông và bộ chỉ huy lữ đoàn. Một lúc sau nghe báo cáo gặp được Ðạt và lần lượt các Tiểu đoàn 7 và 4. Họ cố gắng đi thêm vài cây số để tìm bãi đáp. Trung tá Bảo Tiểu đoàn 3 làm an ninh bãi đáp, sau đó trực thăng lần lượt đáp xuống để mang những đứa con thân yêu còn lại trở về Khe Sanh.

Phúc, ông đã làm được tất cả những gì mà ông phải làm trong tình hình và hoàn cảnh bi đát như vậy. Thật sự ông đã làm được những việc mà không ai làm được. Ðã tròn với bổn phận, đã hết nhiệm vụ, ông không cần ai khen ngợi, ca tụng, ông không cần huy chương, ông cũng chả cần lon lá. Ông đang đau xót, đau xót tận cùng trong lòng của ông, khi nghĩ tới những thằng em, đồng đội của ông đang cô đơn, lạnh lẽo nằm rải rác đâu đó trên chiến trường Hạ Lào. Nhân danh một người bạn, cho tôi được nghiêng mình kính phục ông.

Vẫn bộ rằn ri bạc màu không bao giờ chải chuốt, vẫn bình dân như một người lính một buổi tối mênh mang trên khách sạn Hương Giang nhìn xuống dòng sông hiền từ. Trời không trăng, một vài vì sao nhỏ lấp lánh, trán của ông nhăn lại, sự quặn thắt tận cùng của ông, vết thẹo căng dài ra trên má ông. Ông đã nuốt hàng hàng lớp lớp đắng cay trong từng ly rượu của ông. Cắp mắt ông nhíu lại và ông gục xuống ở bàn mà không hay…

Ðầu năm 1975, Phúc nhận Lữ đoàn 258. Với kinh nghiệm đầy mình, với già dặn của chiến trường, Phúc đã dẫn lữ đoàn đi thay Lữ đoàn Dù ở đồi 1062, ngọn đồi lịch sử của các chiến sĩ Dù bách chiến bách thắng. Tùng, cùng khóa với Phúc, làm lữ đoàn phó, một Ðỗ Hữu Tùng, người đã làm lịch sử cho Thủy quân lục chiến. Tùng với Tiểu đoàn 6/TQLC đã hạ hàng chục chiến xa và bắt sống 5 chiếc để mang về tận Sài Gòn và Huế triển lãm cho cả nước.

Tuy nhiên lịch sử xoay vần. Ðà Nẵng mất, Phúc, Tùng và binh sĩ của các ông đã cùng chung số phận. Binh chủng mất các ông, quân đội mất các ông như mất những viên trân châu quí giá nhất. Mẹ Ðà Lạt đã mất đi đứa con thân yêu được nuôi dưỡng bằng một lý tưởng vượt thoát. Khóa 16 đã mất đi một người bạn mà anh ta đã làm sáng rực và vinh danh cho khóa. Ðâu đây trên đời sống lưu vong này vẫn còn vang vang tiếng Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc.

Cho tôi được hâm nóng bầu rượu này để sưởi ấm phần nào cho Phúc và cũng để được đền đáp ơn tri ngộ giữa tôi và Phúc đã cùng chiến đấu dưới cùng một màu cờ và sắc áo Thủy quân lục chiến.
Trung tá Nguyễn văn Phán
(Tiểu đoàn trưởng TÐ 8/TQLC)
-------------------------------------------

… “Tiệc” đang đến hồi gay cấn, Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc, con Trâu Ðiên đầu đàn đang ngồi ở thế “ngất ngư con tàu đi”, người ngồi ở ghế xa lông bằng tác phong “văn minh miệt vườn”, hai chân bỏ lên ghế, đầu gối ép sát mang tai, áo thun, quần trận, mang dép, mở đôi mắt đỏ trông ra phía đồi cát tàn tạ. Người đang “vô”, men bia đang ngấm vào máu, da mặt đỏ từng khoảng…

– A! Ð.m… Tiên sư, bố khỉ, lại mầy! Một lô danh từ quí phái tung ra ào ào. Quan Năm Phúc hay ông niên trưởng khủng khiếp nhất của khóa 16, người đã từng phạt nguyên khóa tôi chạy băng đồng từ đồi Bắc về Trường và đoạn chót miếu Tiên sư – Phạn xá gần 500 thước đường đồi trong vòng… 1 phút! Người nghiêm khắc đình huỳnh của 10 năm trước không còn nữa. Bây giờ niên trưởng chửi nghe ngon lành, niên trưởng không áo quần thẳng nếp, dây nịt đánh bóng, bây giờ cũng không còn đôi giày đánh bằng nước soi rõ mặt. Quan Năm đánh đôi dép da nhặt đâu đó của dân chạy loạn.

Phúc lắc, đánh, đá và chửi để chào mừng thằng đàn em khốn nạn! Lại thêm Liễng nữa, thằng bạn thân hơn năm nay không gặp. Tôi bị vây kín bởi một hàng rào tiếng cười và men rượu.
– Uống! Uống! Tìm ông như thể tìm chim… A ha! Sài Gòn thì rộng nhưng nước ta thì hẹp. Một năm rồi mới gặp được, uống đi…

Tôi nâng hộp bia không đá, chất lỏng ngọt và nồng đậm trong người. Những phóng đãng ngày xưa trở lại, tôi đấu hót ào ào, phanh ngực áo, cởi giày, gió từ Trường sơn thổi qua nóng hừng hực.

Trời chiều thẫm và bóng tối đến, hai cây đèn cầy lớn được thắp lên, ánh sáng vàng lung linh, ngôi nhà thờ vắng khẽ rung theo nhịp B-52 đánh ở hướng núi. Im lặng. Tiệc đến độ cao nhất bỗng chùng lại, radio đọc sắc lệnh bổ nhiệm tư lệnh quân khu mới…

Bữa rượu kéo dài thật hào hứng trong đêm. Chẳng biết đây là Mỹ Chánh hay Phong Ðiền, bên kia con sông rộng không hơn 50 thước lính ông Giáp đang bố trí, đào hầm, liên lạc… Chiến tranh được quên đi, xem như trò chơi, một trò chơi độc ác và cường bạo bị ép buộc phải diễn cho hết màn chót. Bên kia sông trên quốc lộ 1, 19 cây số nữa là Quảng Trị, địa ngục trần gian có thật trên 19 cây số đường dài và trên thành phố.

Toán viễn thám ở bên kia sông báo cáo phát hiện được tiếng động của xe GMC di chuyển về phía Hải Lăng…
– Hỏi nó ước tính được bao nhiêu cái? Phúc nói với người giữ máy truyền tin.
– Khoảng hơn 10 cái, tụi nó để đèn chạy về phía mình.
– Như vậy là nó di chuyển bộ binh, nó không dám kéo pháo đi khơi khơi vậy đâu… Smith, gọi máy bay Mỹ cho bom xuống đây… Việc này Tây làm được thì thích lắm… Mầy đi gọi máy bay, bao giờ có bảo tao… Bây giờ thì tao uống cái đã…

Uống, quan Năm lim dim đôi mắt để thưởng thức men bia, nhưng vẫn lắng nghe thằng Tây báo cáo.
– Smith, nếu có bom thì bom cho chính xác, đừng như hôm mồng 5 mầy ném ngay chỗ đóng quân thì tao “phơ” mầy đấy!
– Hôm mồng 5 có chuyện gì anh Năm?
– Bảo jet ném bom bên kia sông vì tụi nó bám sát bờ, chẳng biết sao nó thả ngay lên trên tuyến của mình gần 10 trái, cày nát tuyến đại đội thằng Liễng bay đến chỗ chợ. Chục chết, mười sáu bị thương. Chơi ở đây phải chơi bằng bom, súng tay và cối hay pháo của mình là đồ bỏ… Mầy hỏi làm gì? Viết báo hả?
– Không có, hỏi chơi, tôi viết cái quái gì!
– Mầy thấy, lực lượng căn bản cho một mũi dùi của tụi nó bây giờ là trung đoàn, dù quân số có đủ hay thiếu cũng là một trung đoàn… Trong khi bên mình kế hoạch hành quân vẫn giữ nguyên ở cấp tiểu đoàn và đại đội… Ð.m… chơi kiểu Mỹ mà lấy bài Tây để đánh giặc Tàu thì sống sao nổi! Chiến tranh nầy phải đánh en mass mới có hiệu quả và kỷ luật chiến trường phải giữ tối đa, lính chạy là sĩ quan bắn, tao hoàn toàn chịu trách nhiệm, sĩ quan để phần tao, kể cả Tây nữa, phải không Smith?

Anh cố vấn chẳng hiểu gì cũng toét miệng cười.
Cửa sổ đóng kín, giọng cười vang động ngôi nhà thờ. Ngoài cửa, Mỹ Chánh im lặng trong bóng đêm, bên kia bờ sông 80 thước là Bắc quân, chúng tôi cách địch trong một tầm súng bắn thẳng.

Mọi người im lặng, ngôi nhà thờ rung rinh theo nhịp đều đặn, B-52 dội bom ở trong núi.
– Tốt, đánh đúng line buổi chiều mình đưa. Anh Phúc đưa mắt nhìn Hợp, tiểu đoàn phó.
– Ðúng vậy, Trung tá!

Cơn đùa ngừng, Phúc nghiêm trang bảo viên cố vấn đưa tấm bản đồ.
– Bom đánh ở line nầy, bao lâu có thêm phi tuần nữa?
– Khoảng 1 giờ nữa, phi tuần thứ hai sẽ đánh tiếp, Smith nghiêm nghị trả lời sau khi đã check một hồi với November. Chẳng biết November ở đâu chỉ nghe thằng cha nầy OK ầm ĩ…

Phúc chìa bản đồ qua tôi chỉ vào dãy đồi phía tây chân Trường sơn chạy dài từ Camp Caroll, Hương Hóa xuống.
– Tụi nó chuyển pháo đi ở đường nầy, chắc chắn như thế. Chiều ngày 9 tụi nó pháo xuống đây và Phong Ðiền nghe rõ 5 tiếng départ ở vùng La Vang. Quan sát thấy hơi khói của nòng súng, jet đánh tan ngay sau khi tụi tao bắn được 3 phùa 15 trái.
– Như vậy pháo đâu đã xuống sâu, có thể nó không muốn đánh xuống nữa.
– Sao được, vì vào Quảng Trị quá sớm, quá dễ, đường tiếp vận và tiếp liệu từ Bắc chưa xuống kịp nên tụi nó chưa đánh mình. Rồi mầy xem, nó sẽ kéo pháo xuống bằng đường núi. Chỉ cần ngang Hải Lăng là đủ sức bắn đến Phong Ðiền, An Lỗ. Mỹ Chánh nầy sẽ nằm trong cái túi cho tụi nó xóc lô tô! Mục tiêu của chiến dịch sắp đến là Phong Ðiền, An Lỗ, tao chắc như thế… Thôi dẹp chuyện nầy lại, bộ binh nó qua sông được một thằng thì tao biệt phái ngay thằng đó về nước thiên đàng. Yên chí, 5 năm làm tiểu đoàn trưởng tao chưa thua. Hạ Lào, Pleiven và cú vừa rồi ở Barbara tao cũng đem tiểu đoàn de lui được an toàn. Thôi, uống đi, hết bia, tao và mầy đánh tiếp thằng Johnny Walker.

Ðêm khuya, bia hết, anh Phúc quơ chân tìm chai rượu, chai rượu vỡ đổ lênh láng. Có tiếng vỡ trên gạch.
– Bỏ mẹ, rượu bể rồi, cắt cổ không bằng đổ rượu. Phúc bật quẹt đốt ngọn lửa trên vũng rượu, anh mở mắt nhìn ngọn lửa vàng xanh nhảy múa. Ðẹp!
– Lửa đẹp thật! Ð.m… có 2 xác Biệt động quân chết mấy ngày tao phải đem chôn. Chiến tranh mẹ gì như c… Anh lẩm bẩm một câu không ăn nhập gì với câu chuyện, mắt mở lớn nhìn ánh lửa chập chờn. Thôi đi ngủ…
Phan Nhật Nam
(Mùa hè đỏ lửa)
------------------------------------------

… Trong số bạn bè ra trường tình nguyện về Thủy quân lục chiến, chỉ có mình Tùng là thích kéo dài cuộc sống ngoài chiến trường, đi khắp các trận tuyến dầu sôi lửa bỏng, từ lúc còn thiếu úy cho đến ngày mang lon trung tá ngoài mặt trận. Rất may mắn là Tùng chưa một lần bị thương tích, dù Tùng luôn luôn có mặt tại các mặt trận nóng bỏng trong cuộc chiến tại Việt Nam. Ngày Tùng về làm lữ đoàn phó cho người bạn đồng khóa Nguyễn Xuân Phúc, trong binh chủng ai cũng biết đây chỉ là giai đoạn chuyển tiếp để Tùng sẽ còn giữ những chức vụ cao hơn.

Phúc cũng là một sĩ quan đã từng vào sinh ra tử trong binh chủng, tính tình rất bộc trực, thanh liêm, nhưng lại có tiếng là ngang ngạnh với những cấp chỉ huy bất tài, lem nhem, không có đủ tư cách lãnh đạo chỉ huy. Phúc luôn hết lòng với bạn bè và đàn em, thuộc cấp. Phúc đã lấy tình chiến hữu là động lực gắn bó những người lính chiến đấu thành một khối bất dịch. Riêng Tùng và Phúc là hai con hổ của binh chủng đã gắn bó với nhau trong mọi thử thách…

Ngày 28 tháng 3 năm 1975, khi được lệnh rút bỏ phòng tuyến tây bắc Ðà Nẵng, Phúc và Tùng đi chung một chiếc xe Jeep đến Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy quân lục chiến ở bãi biển Non Nước, khi các đơn vị dưới quyền đã rút đến nơi an toàn. Lúc ấy đã hơn 10 giờ đêm. Hai người vào trung tâm hành quân để xem lại tình hình chung và để nhận lệnh kế tiếp. Nhưng đến nơi, Phúc chỉ gặp đại tá tư lệnh phó và được biết tất cả được lệnh án binh để chờ tầu Hải quân ủi bãi vào đón sáng sớm ngày 29 tháng 3 năm 1975. Còn tư lệnh binh chủng thì được biết đã đáp trực thăng an toàn ngoài chiến hạm HQ 5 ngoài khơi. Tức giận, Phúc quay lưng đi ra và lớn tiếng nguyền rủa những kẻ hèn nhát đã trốn tránh trách nhiệm.

Tùng và Phúc ngồi chung một chiếc Jeep để bàn luận kế hoạch và theo dõi các đơn vị đang điều quân. Chiếc xe của hai người dừng lại ở một bãi trống của phi trường, trong đêm tối với những ánh hỏa châu lập lòe đong đưa. Gần sáng, tên phi công phản phúc Nguyễn Thành Trung còn ghé ngang phi trường Non Nước thả một trái bom chót trước khi bay theo bọn Cộng sản.

Giữa trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975, người hạ sĩ quan thân tín của Phúc lên chiến hạm HQ 40, cho mọi người biết “hai ổng không chịu lội ra biển, mà lên xe Jeep do ông Tùng lái thẳng vào lại Ðà Nẵng. Tôi có nghe hai ông bàn nhau là vào phi trường tìm người anh ruột của ông Tùng đang làm việc ở trạm tiếp liệu để lấy trực thăng bay vào Phù Cát…”

Người hạ sĩ quan đã theo chân Phúc từ khi còn mang cấp binh nhì ở Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên, mắt rưng nói tiếp như phân minh: “… Hai ông biểu tôi xuống xe tìm đường ra tàu như mấy anh em Thủy quân lục chiến còn kẹt trên bãi biển Non Nước. Tôi năn nỉ xin theo hai ông, nhưng không được. Chắc có lẽ họ sợ không an toàn cho tôi”

Khi lực lượng Cộng sản Bắc Việt đã làm chủ tình hình ở Ðà Nẵng, tất cả lính và sĩ quan còn lại đều bị bắt giải về Phú Sơn. Tất cả những người có mặt trong khu tập trung này không ai thấy mặt của Phúc và Tùng. Rồi tất cả số tù binh này được giải ra phi trường Ái Tử trước khi được chuyển vào Khe Sanh với cả ngàn quân bị bắt ở mặt trận Quảng Trị, Huế. Không có bóng dáng và tin tức của hai vị trung tá trẻ tuổi hào hùng này.

Sĩ quan Pháo binh lữ đoàn, Ðại úy Trần văn Tỷ kể lại: “Tôi vào phi trường Ðà Nẵng thấy có Trung tá Phúc và Tùng lên một chiếc trực thăng đã có khá đông người. Tôi chạy theo xin lên, nhưng cả hai ông cản lại và bảo tôi ra căn cứ Non Nước nhập với sư đoàn đang đóng quân ở đó. Tôi không biết sau đó trực thăng có cất cánh hay không và tình trạng hai ông ra sao”. Sau đó, Ðại úy Tỷ thay bỏ quân phục và lẩn vào dân chúng tị nạn, bám xe đò, vào đến được Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của miền Nam.

Sau ngày lấy được Sài Gòn, Việt Cộng dùng quân xa gom tất cả sĩ quan của Thủy quân lục chiến và các đơn vị khác bị bắt ở Ðà Nẵng và Huế tập trung về Khe Sanh lập trại lao động cải tạo tại đây. Vẫn không ai gặp hay có tin tức gì về Phúc và Tùng. Mọi người đều nghĩ có lẽ hai người đã thoát vào Nam.

Ðến tháng 6 năm 1976, các sĩ quan được phân loại “ác ôn và nguy hiểm” bị đưa xuống tàu ra miền Bắc và cuối cùng phân tán khắp các miền thượng du Bắc Việt, từ Sơn La, Yên Bái đến Cao Bằng, Lạng Sơn, để thực hiện mưu đồ tiêu diệt lần mòn trong kín đáo những người cùng chủng tộc bị Cộng sản lên án là “phản động”. Một lần nữa, bạn bè và đàn em của Phúc và Tùng không gặp và cũng không có tin tức gì của hai ông.

Nhân một đêm thao thức ở trại cải tạo Yên Bái vì đói rét và sức tàn hơi kiệt, một sĩ quan Không quân kể chuyện di tản ở phi trường Ðà Nẵng ngày 29 tháng 3 năm 1875, cho biết đã thấy một chiếc trực thăng quân đội chở đầy người di tản bị bắn rơi ngay khi vừa cất cánh. Chính mắt ông đã thấy xác hai ông “trung tá Thủy quân lục chiến” trong những số người đó. Ông chỉ nhớ là mang cấp hiệu trung tá, nhưng không còn thì giờ để nhìn thấy bảng tên mang trên ngực áo.

Trong khi đó, năm 1976, lực lượng phục quốc của Công giáo qui tụ nhiều hạ sĩ quan và binh sĩ Thủy quân lục chiến đã tung tin Robert Lửa tức Trung tá Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ huy lực lượng kháng chiến ở vùng Long Khánh. Tại trại cải tạo Hàm Tân 230C, Bình Tuy, vào năm 1981, một hạ sĩ quan Thủy quân lục chiến khác theo lực lượng phục quốc cho biết anh chỉ nghe nói tin “Trung tá Phúc chỉ huy lực lượng kháng chiến, nhưng chưa bao giờ gặp” cho đến ngày anh bị Việt Cộng bắt tại Hố Nai.

Vào những ngày cuối của tháng 4 năm 1975, toàn bộ gia đình của Phúc đã di tản an toàn khỏi Việt Nam và định cư tại Canada với người con du học và làm việc tại quốc gia này. Ngoại trừ người em ruột của Phúc, đồng thời là bạn đồng khóa Võ Bị, bị kẹt lại. Gần 10 năm bị cải tạo từ Nam ra Bắc, người em đã cố dò tìm tin tức của Phúc, nhưng vẫn vô vọng.

Trong bài văn tế chiến sĩ trận vong bất hủ đầy truyền cảm và hào hùng của Trường Võ Bị, trong mỗi đêm truy điệu truyền thống có câu: “Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng, mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm…”

Cuộc đời chinh chiến của Nguyễn Xuân Phúc đã phản ảnh rất rõ rệt và đích xác nhất với đoạn văn tế truy điệu trên. Phúc tốt nghiệp hạng á khoa của khóa 16, anh đã không chọn nơi nào để phục vụ quân đội hơn là binh chủng Thủy quân lục chiến. Suốt 12 năm phục vụ trong đơn vị tác chiến, anh chưa hề lập gia đình và tài sản của anh là những bộ đồ tác chiến rằn ri. Ðến những ngày cuối cùng của vận mệnh đất nước, định mệnh đã đưa đẩy hai người bạn cùng khóa Võ Bị, hai người sĩ quan đồng môn, đồng khóa đến với nhau. Hai người sĩ quan hào hùng với những chiến công hiển hách. Và cả hai người đã tạo dựng một huyền thoại bất tử về người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Lê Phong – (Ða Hiệu)
------------------------------------------

Anh thuộc khóa 16 Võ Bị Ðà Lạt, khóa đầu tiên huấn luyện theo chương trình 4 năm của Trường Võ Bị West Point, Hoa Kỳ. Lẽ tất nhiên chương trình có phần lớn thay đổi để phù hợp với tình hình, điều kiện chính trị, xã hội, quân sự một nước chậm tiến vừa thoát khỏi ách ngoại thuộc, đang phải chuẩn bị chống trả cuộc chiến tranh lật đổ tinh vi, ma độc. Ðây cũng là khóa sĩ quan được chuẩn bị kỹ, tốt nhất của 30 khóa sĩ quan hiện dịch kể từ ngày trường thành lập, 1951 đến ngày tàn cuộc 1975.

Sự chuẩn bị tốt đã đưa lại kết quả đáng tự hào, những sĩ quan tốt nghiệp khóa 16 trong 13 năm có mặt ở chiến trường đã dựng nên những kỳ tích lẫy lừng… Nguyễn văn Huy ở Biệt động quân, Ðại tá Nguyễn Hữu Thông trung đoàn trưởng xuất sắc nhất của Sư đoàn 22/BB, lực lượng chính trấn giữ Tây nguyên, Lê Minh Ngọc, Phạm Kim Bằng, Trần Ðăng Khôi… những tiểu đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng Nhảy Dù không hề thua sút khi phối hợp với những sĩ quan đồng cấp bậc, chức vụ của những đại đơn vị quân lực Mỹ.

Và binh chủng hàng đầu, đơn vị trụ cột của quân lực miền Nam, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, những sĩ quan khóa 16 Trần văn Hiển, Nguyễn Kim Ðể, Nguyễn văn Sắc, Nguyễn văn Kim, Nguyễn Ðằng Tống, Trần Ngọc Toàn, Ðỗ Hữu Tùng… từ một thỏa thuận “ngầm” nào đó (kết ước bởi tình huynh đệ, bằng hữu) do anh điều động, đã tạo nên một huyền thoại có thật. Những tiểu đoàn Thủy quân lục chiến là những đơn vị không hề thua trận. Những tiểu đoàn nầy có một thời do “băng” khóa 16 chỉ huy.

Thật ra đây là một cách nói quá độ để tuyên dương khóa 16 nầy, vì ở đấy còn có những “tay” cự phách khác – Sinh đi lính, sống nhậu không tỉnh! cỡ như Phán, Hòa hoặc những người khóa sau như Hợp khóa 19, Nghiêm, Liễng khóa 20, Bổn khóa 21…

Nhưng dù xuất thân Thủ Ðức hay Ðà Lạt, những sĩ quan trẻ ở các tiểu đoàn Thủy quân lục chiến đều một lòng đồng ý tôn vinh – Ông ấy, ông Robert “Lửa” Nguyễn Xuân Phúc là một sĩ quan ngoại hạng. Người chỉ huy kiệt xuất.

Ðau đớn thay, anh không hề thua trận chống giữ miền Nam. Lợi “Râu”, đại úy trẻ nhất của quân lực miền Nam, đại đội trưởng Tiểu đoàn 8/TQLC hằng đêm nằm ở trại giam Lam Sơn Thanh Hóa cứ mãi ngậm ngùi… Lính mình mà có độ vài ông như anh Phúc thì đâu đã mất nước dễ như thế… Chúa phạt mình thôi!

Anh chết ở một nơi nào đó trên quê hương, em anh, Nguyễn Phú Thọ, cũng cùng khóa 16 (tiểu đoàn trưởng lừng danh của Sư đoàn 1/BB, đơn vị trấn giữ vùng địa đầu cực bắc đất nước, đơn vị tái chiếm Huế trong mùa xuân Mậu Thân, đơn vị treo cờ vàng lên Bastogne, cứ điểm quân sự tây nam Thừa Thiên mùa hè 1972, nơi mà Bộ binh, Thủy quân lục chiến Mỹ đã một lần chiếm giữ và bỏ đi bởi áp lực địch quá nặng…) phải nát thân với 10 năm tù nơi núi rừng đất Bắc, chỉ trở về được với đời sống, với gia đình sau lần vượt ngục tưởng như chỉ có trong chuyện trinh thám võ hiệp. Và nỗi đau lớn của gia đình, mối tiếc thương của bằng hữu, đến hôm nay vẫn luôn mới, kết thực với tên anh – Người vắng mặt luôn hằng sống.

Cũng đúng ra anh đã có vinh dự trở nên thủ khoa đầu tiên của chương trình Võ Bị (với điểm văn hóa, quân sự ưu hạng), nhưng bởi thiếu ngoại hình cần thiết cho vai trò người thủ khoa (ở vị trí hành lễ), hoặc vì một lý do chính trị nào đó, anh nhường vinh dự kia cho bạn… Có hề gì, đi lính đánh giặc đâu cần phải mặc đại lễ, bắn cung tên… Ðược như thế cũng vui, không thì thôi… Thiếu úy trẻ tuổi tập họp đơn vị trình diện đại đội trưởng với những cung cách cần thiết đủ để giữ quân phong quân kỷ… Nhằm nhò gì những điều lẻ tẻ, nay mai nhảy trực thăng mới biết đá biết vàng. Chưa hề một lần anh có chút “mặc cảm” do vóc dáng gầy, nhỏ của mình. Thật ra chính nó đẩy anh cao lên, anh sử dụng câu nói “đùa nhưng rất thật” của Napoléon một cách chính xác… Tiên sư, các anh chỉ “dài” hơn tôi thôi, sức mấy các anh cao hơn tôi được… Và anh dẫn chứng thêm luận cứ… Cứ xem Napoléon, Hitler, Stalin, và bên Tàu, Án Anh, Ðặng Tiểu Bình, phe ta có Ngô Quang Trưởng… Ðâu cần đẹp trai cao lớn mới đáng mặt lên tướng, làm lãnh tụ. Ðẹp trai thì đi làm kép hát thôi, bự con, nếu còn bé thì đi thi trẻ em đẹp, lớn lên cởi trần, gồng bắp thịt cho người ta chụp hình… Anh thường nói thế với cái nhìn tóe lửa. Bạn bè nào đã cãi lại cùng anh. Và quả tình khi những dòng chữ nầy được viết thì anh đã vượt đi rất cao rất xa. Không mấy ai đủ sức một lần theo kịp.

Tiến quân vào khu phi quân sự năm 1965; giải phóng Bồng Sơn, Tam Quan; lạnh mặt nghiến răng xung phong vào chùa tỉnh hội Ðà Nẵng của lần miền Trung ly khai 1966; chịu trận phục kích oan uổng, uất hận nơi cầu Phò Trạch, Phong Ðiền, Thừa Thiên 1967. Một đơn vị lừng danh chịu gẫy đỗ từ những kẻ nội thù! Mắt anh vốn sáng ánh giận dữ nay bừng bừng thêm nỗi bi phẫn không thể nói. Mậu Thân, anh trút mối căm hờn kia lên đầu giặc. Ðơn vị anh đóng ở Hàng Xanh, khóa chặt vùng Ðồng Ông Cộ, đánh bật toàn thể lực lượng Cộng sản bám giữ cầu Bình Lợi. Anh luôn luôn ở tuyến đầu cùng binh sĩ, theo người lính đánh thẳng, đánh thốc vào các chốt cố thủ của giặc. Hơn 100 cán binh Cộng sản không đường rút lui, cùng thế, cột cờ trắng lên nòng súng, xếp hàng một xin đầu hàng Tiểu đoàn 6/TQLC. Anh trả giá chiến thắng của đơn vị với một viên đạn xuyên qua cổ, viên thứ hai xé lồng ngực và mảnh pháo vạch một đường sâu dài theo sống mũi. Tất cả những viên đạn, mảnh đạn đều đi ngọt qua thân, chứng tỏ súng bắn gần, sát mặt. Anh rời khỏi chiến trường trong 6 tháng. Vinh quang chiến thắng Mậu Thân, chiến dịch Trần Hưng Ðạo bẻ gẫy công kích đợt một của Việt Cộng, tiếp chiến dịch Toàn Thắng thanh toán tàn binh địch sau tổng công kích đợt 2 thuộc về phần những người còn lại… Anh không có, vì đã buộc phải rời chiến trường nơi giờ phút chót.

Anh Nguyễn Xuân Phúc thân kính!
Ðến hôm nay tôi vẫn không tin, không thể nghĩ ra được sáng mồng 2 Tết 1974 qua 1975 kia là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau. Anh đánh mạt chược với tiền của ai đấy chia ra… “Tao chưa hề có đến trăm ngàn đồng dù làm tiểu đoàn trưởng mấy năm… Ðôi giày nầy ông Giao vừa mới mua cho đấy”. Anh đưa đôi giày lên, hai mắt ửng đỏ như sắp “lột” người ta, lăm lăm nhìn tôi khi tôi tỏ ý thắc mắc về đôi giày.

Nhưng thật sự không phải như thế. Ðằng sau những lời nói gầm gừ, nhát gừng ấy, sau nhãn quan sáng lửa cuồng nộ ấy… anh có một điều gì khác. Ðiều không hề nói ra. Như đêm rượu u uất ở nhà thờ Mỹ Chánh, đêm 1 tháng 5, 1972, khi anh đã cạn hết két bia không đá và làm vỡ chai Johnny Walker. Rượu đổ lênh láng loáng ánh đèn cầy, anh soi mặt vào vũng lửa im lặng nói câu đứt khúc “… Chiến tranh gì như c. còn mấy cái xác Biệt động quân nằm bên kia bờ không ai chôn…” Bên kia là bờ sông Mỹ Chánh, Bắc quân dàn 3 sư đoàn có xe tăng yểm trợ. Bên nầy là Tiểu đoàn 2/TQLC của anh. Toàn bộ thế trận miền Nam, vùng hỏa tuyến được quyết định trên 70 thước bề ngang nầy – Tất cả nằm trên vai anh và một tiểu đoàn quân số 500 người. Và cũng như bữa đó, giữa tiếng rung của núi oằn mình bởi thảm bom B-52 đánh “full box”, dưới tầm đại pháo từ Hạm đội 7, lẫn trong tiếng nổ bục của đạn 130 ly Bắc quân từ La Vang bắn xuống… Giữa âm thanh, sức nổ và sự chết, vượt quá hơi men của rượu, anh bứt thoát đi xa hơn, cao hơn. Và rõ ràng hơn anh chìm xuống với cơn đau riêng. Nỗi đau một mình anh đương cự.

Quả thật anh vẫn dấu kín một điều gì.
Như trong lần rượu ở khách sạn Hương Giang, Huế. Anh tì tay lên lan can, nhìn xuống dòng sông đêm loáng ánh điện, phía Vỹ Dạ cuối sông, trời u uất, mờ đục không trăng sao. Vết sẹo trên mặt nâu bóng lại, thẫm mầu hơn, anh cạ mép đáy ly lên đó, ngồi im lặng, đơn độc. Ðêm quá khuya… Anh gục xuống. Người chủ quán đi báo Quân cảnh “… Có anh lính ngồi ở quán tôi, anh ta ngồi một mình, say quá… Hình như anh đang khóc…” Vâng, có thể anh đã khóc một mình. Không ai biết được, kể đến hôm nay.

Sau đây là câu chuyện nhỏ, có thể anh không nhớ, có nhớ chăng anh cũng không nói cùng ai. Buổi chiều mưa tháng 6 năm xưa, của 23 năm trước, ở quán 222 Thủ Ðức. Trời mưa lớn, thứ mưa dầm giữa mùa miền Nam. Mưa cuốn hết đất trời ra thành nước và trút xuống như tuôn chảy hết chất chứa oán hờn. Tôi ngày ấy cũng đang tang thương lang bạt, không gia đình, không đơn vị, một thân vô định theo trời mưa trôi qua Thủ Ðức. Anh ngồi ở góc quán, phía cực phải cạnh hàng rào cây lá. Quán vắng, anh là người khách độc nhất. Thường ngày, có lẽ anh cũng như tôi, thế nào cũng nhập vào sinh hoạt ồn ào của quán rượu với đối tượng sống động, bà chủ M… Nhưng chiều ấy, trong vũng mưa sũng ướt phiền muộn, cách thế bề ngoài ồn ào sống động kia cũng đã trôi theo dòng lũ cuồn cuộn chảy qua mặt nhựa đường ngập sâu trước quán. Hai anh em ngồi im như mối quạnh hiu trần truồng không thể che dấu. Uống đến chai Martell thứ hai. Không một lời trao đổi. Này… Uống đi! Anh chỉ có những tiếng ngắn ghìm ghìm trong cổ. Mắt anh ráo hoảnh nhìn trừng trừng ra màn nước mù mù…. Sao ông ấy buồn ghê thế?! Tôi nghĩ thầm vì biết nói ra sẽ là điều ngu xuẩn vô duyên.

Ngày 29 tháng 3, 1975 tôi ở Nha Trang, từ cao độ của trực thăng nhìn đoàn tàu thuyền bương chải vượt sóng xuôi Nam. Nghe trong máy truyền tin không lục âm vang đau thương của những máy bay bị nạn.

Ông ấy có việc gì không? Ðằng Giao hỏi câu đầu tiên khi tôi về tới Sài Gòn… Không biết, không nghe thấy… Bên Thủy quân lục chiến cũng không ai hay… Thế anh ở đâu, đã ra sao trong dòng bão lũ tan vỡ quê hương, nát rời Ðà Nẵng, hở anh Phúc?
(Phan Nhật Nam)
-------------------------------------------

Sư đoàn Thủy quân lục chiến có rất nhiều tiểu đoàn tác chiến, nhưng ai cũng ao ước mình là một chiến sĩ trong Tiểu đoàn Trâu Ðiên. Tiểu đoàn Trâu Ðiên cũng đã được chỉ huy qua rất nhiều vị tiểu đoàn trưởng xuất sắc để trở thành một đơn vị ưu tú nhất của QLVNCH. Nguyễn Xuân Phúc là một trong những vị chỉ huy xuất sắc đó, anh đã tốt nghiệp á khoa khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Ngay trong thời gian thụ huấn anh đã là tiểu đoàn trưởng trong Hệ thống tự chỉ huy, được khóa đàn em nể phục với biệt danh Robert Lửa.

Ai đã từng một thời là người lính Mũ Xanh thì không thể nào không biết hoặc không nghe về người hùng Nguyễn Xuân Phúc. Anh là một cấp chỉ huy đạo đức, thông minh, tài ba tại chiến trường và cũng là chiến hữu thân thiết nhất đối với tất cả mọi thuộc cấp, anh đã dành trọn cuộc đời cho binh nghiệp, đã chọn và sống hết mình cho quân đội và cho tổ quốc Việt Nam.

Từ lâu đã có quá nhiều bài viết nói về anh. Những bài viết của nhà văn Phan Nhật Nam, của Mũ Xanh Nguyễn văn Phán, của Trần văn Loan và đặc biệt nhất là bài viết mới đây của nhà văn nữ Ngọc Thủy được đăng tải trên các webside Thủy quân lục chiến. Chị Ngọc Thủy đã trải hết tấm lòng biết ơn của người em gái hậu phương về các anh chiến sĩ tiền tuyến, trước đây đối với người hùng Lê Hằng Minh và gần đây nhất về chiến sĩ Lý Tống. Riêng bài viết về Nguyễn Xuân Phúc được chị sưu tầm một cách rất công phu và đã mang đến cho người đọc những chi tiết thích thú bất ngờ. Lẽ dĩ nhiên mỗi bài viết có cách nhìn khác nhau, tùy theo kỷ niệm và sự trân trọng của các tác giả đối với anh.

Là một chiến sĩ Mũ Xanh và cũng là người sống nhiều năm cùng Tiểu đoàn 2/TQLC với anh, tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa về việc làm vô cùng cao quí của tất cả những vị nói trên.

Nhiều bạn bè xa gần đã hỏi tôi tại sao bạn là người dành hết đời binh nghiệp của mình tại Tiểu đoàn 2/TQLC từ khi mới ra trường cho đến khi là thiếu tá tiểu đoàn phó, đã từng là đại đội trưởng, là trưởng ban 3 suốt nhiều năm trời; đặc biệt nhất là thời gian niên trưởng Nguyễn Xuân Phúc làm tiểu đoàn trưởng mà lại không có một kỷ niệm nào để viết về anh.

Sự thật thì tôi là một trong những người hiếm muộn còn lại đã sống và đã từng có quá nhiều điều để viết về anh. Bên cạnh những hào quang sáng chói của một cấp chỉ huy gan dạ tài ba, niên trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng có một đời sống bình thường như bao nhiêu người khác, anh đã sống hết lòng với anh em, chiến hữu, bạn bè, biết nghĩ đến những nỗi khó khăn của thuộc cấp. Có những lúc thật uy nghiêm, trang trọng, xa cách, nhưng cũng có lúc thật thân mật, gần gũi như anh em trong gia đình.

Bài viết nầy xin gửi đến tất cả chiến hữu xa gần cũng không ngoài mục đích và ý nghĩa đó. Ðể tôn trọng sự vắng mặt của một người đã khuất và cũng để ghi lại những kỷ niệm trong những năm tháng sống và làm việc dưới quyền của anh, tôi sẽ kể lại những sự việc có thật mà tôi đã từng biết hoặc liên hệ ít nhiều như là một sự tưởng nhớ về người niên trưởng đáng kính nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Cuối tháng 11 năm 1965, khóa 20 Ðà Lạt ra trường, 25 tân sĩ quan tình nguyện về phục vụ binh chủng Thủy quân lục chiến. Tất cả được phân bổ cho các đơn vị tác chiến, trong đó 5 anh em chúng tôi gồm Tiền, Chính, Minh, Kiệt, Liêm, về trình diện hậu cứ Tiểu đoàn 2 tại Tam Hà Thủ Ðức. Lúc bấy giờ tiểu đoàn vừa mới hành quân Ðức Cơ về, Thiếu tá Lê Hằng Minh cũng vừa nhận chức vụ tiểu đoàn trưởng sau khi đã theo học khóa Tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ. Nguyễn Quốc Chính nhỏ nhất về Đại đội 4 do Trung úy Nguyễn Xuân Phúc khóa 16 làm đại đội trưởng, Trung úy Trần văn Hợp khóa 19 đại đội phó, Nguyễn Tuấn Kiệt về Đại đội 3 do niên trưởng Nguyễn Ngọc Ðiệp khóa 17 đại đội trưởng, tôi, Phạm văn Tiền về Đại đội 2 do Đại úy Nguyễn văn Hay tự “Hay Chùa” làm đại đội trưởng kiêm tiểu đoàn phó, Nguyễn Quang Minh và Hoàng Như Liêm, 2 tên tuổi lớn nhất về Đại đội 1 do Trung úy Trần Kim Hoàng khóa 17 làm đại đội trưởng. Bọn tôi thường cho rằng Chính là người may mắn nhất vì được 2 ông khóa đàn anh giúp đỡ hết mình, chiều nào cũng vậy, mỗi lần có phép về Sài Gòn Chính thường được ngồi chễm chệ trên chiếc xe Jeep do chính đại đội trưởng lái, còn bọn tôi thì phải vất vã bám vào các chiếc xe “lam chiều”, nhiều khi phải cuốc bộ vài ba cây số.

Sau hơn tháng trời dưỡng quân tại hậu cứ, tiểu đoàn có lệnh hành quân bảo vệ vòng đai thủ đô Sài Gòn vùng Tân Thuận Ðông Long Kiển. Thiếu úy Nguyễn Quang Minh đã tử thương đầu tiên tại mặt trận nầy, còn Thiếu tá Lê Hằng Minh thì bị một viên đạn xuyên qua đỉnh của chiếc nón sắt tuy nhiên vẫn bình yên, và cũng từ đây lệnh bắt buộc phải đội mũ sắt khi đi hành quân được áp dụng triệt để, chúng tôi không còn dịp đội nón “bo vành” rất cao bồi như kiểu cao bồi Texas khi đi hành quân nữa. Mặc dầu vậy hình ảnh một Trung úy Nguyễn Xuân Phúc với chiếc nón bo đội trên đầu lúc đơn vị ở hậu cứ hoặc đi phép về Sài Gòn vẫn là hình ảnh ăn khách nhất đối với anh em chúng tôi.

Cuối tháng 2, 1966 Tiểu đoàn 2 tham dự hành quân với Chiến đoàn A do Trung tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy, trong cuộc xung phong vào An Quý, Cự Tài tại vùng Bồng Sơn Tam Quan, tiểu đoàn đã bị thiệt hại khá nặng về số binh sĩ tử vong cũng như bị thương. Trung úy Ðiệp đại đội trưởng Đại đội 3 đã tử thương tại trận nầy, riêng Đại đội 4 do anh Phúc chỉ huy đã chiếm mục tiêu bên sườn phải, buộc địch phải chém vè tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị còn lại ồ ạt xung phong giành chiến thắng. Danh xưng Trâu Điên cho đơn vị cũng phát xuất từ trận đánh lịch sử nầy.

Chỉ 2 tháng sau đó tiểu đoàn lại có mặt tại Quảng Ngãi cùng với Tiểu đoàn 3/TQLC truy kích địch tại núi đồi Ba Gia và lần hành quân nầy anh đã phải lòng một người đẹp tại thành phố nhỏ bé nầy, và một cuộc tình “anh tiền tuyến, em hậu phương” đã bắt đầu, kết quả cháu Ðức con anh chị đã được ra đời, cháu rất đẹp trai có cái đầu thật to và đôi mắt sáng giống bố được mang về cho ông bà nội săn sóc, còn anh chị chẳng bao giờ tiến đến hôn nhân. Thỉnh thoảng sau nầy chị thường hay đến thăm anh tại hậu cứ sau mỗi lần hành quân về. Nghe nói chị đã lập gia đình với một anh dược sĩ nào đó, còn anh vẫn là một cấp chỉ huy độc thân thứ thiệt ở vậy nuôi con.

Trong biến cố Phật giáo miền Trung 1966, anh vẫn là một trong những vị đại đội trưởng giỏi của tiểu đoàn được đặc cách đại úy tại mặt trận, sau đó anh đã bị thương trong trận độn thổ phục kích của tiểu đoàn tại cây số 23 quận Phong Ðiền vào ngày 29-6-1966, cùng lúc với Thiếu tá Lê Hằng Minh đã tử thương với nguyên trung đội cảm tử của mình.

Năm 1967 anh về làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5/TQLC, sau khi mãn khóa học tham mưu tại Ðà Lạt. Anh đã nổi tiếng trong trận chiến thắng Rạch Ruộng để rồi tháng 4 năm 68 lên thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6/TQLC tham dự mặt trận Tết Mậu Thân đợt 2 tại Sài Gòn, anh lại bị tai nạn, sau thời gian điều trị lại về làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công vụ. Đến tháng 6 năm 1969 về lại Tiểu đoàn 2 thay thế chức vụ tiểu đoàn trưởng từ Trung tá Ngô văn Ðịnh bị thương.

Thời gian nầy tôi vắng mặt tại tiểu đoàn vì đang theo học khóa Basic School tại Hoa Kỳ. Về trình diện lại tiểu đoàn vào tháng 8 trong lúc đơn vị đang hành quân tại Chương Thiện.

Chiếc trực thăng Chinook mang tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất vào vùng hành quân Gò Quao, kinh Xáng Cụt với hơn 20 tân binh để bổ sung cho các đại đội vì tiểu đoàn vừa chạm địch nặng trước đó mấy ngày. Gặp lại anh sau nhiều năm tháng xa cách lòng tôi cảm thấy sung sướng và an tâm vô cùng vì rồi đây tôi sẽ được chỉ huy bởi một đàn anh đáng kính. Anh cho tôi biết là chính anh đã xin cho tôi về lại tiểu đoàn để chuẩn bị nhận chức vụ đại đôi trưởng. Trong buổi cơm chiều hôm đó, tôi có tâm sự rằng các bạn khác của tôi may mắn quá, được về “khối bổ sung” để chờ đợi huấn luyện Tiểu đoàn 7/TQLC tân lập, tụi nó có thời gian du hí ở Sài Gòn quá đã!

Câu chuyện đang vui vẻ tôi liền bị phản ứng của anh: “Nếu ông muốn thì ông cứ làm đơn xin về, tôi không ngờ tôi có một đàn em quá tệ như ông”. Chiều hôm đó mặc dầu trời đang nắng nóng mà tôi cảm thấy lạnh cả người. Là một sĩ quan trẻ còn ham chơi, vả lại người miền Nam tánh tình bộc trực nghĩ sao nói vậy chắc chắn đã làm buồn lòng anh vì đã chờ đợi tôi về!

Những ngày kế tiếp tôi vẫn ở tại bộ chỉ huy tiểu đoàn, chiều nào cũng vậy tôi được anh cho ăn cơm chung và những khi rỗi rảnh anh thường hay hỏi về hoàn cảnh gia đình tôi, về Minh, về Kiệt, về Chính, những thằng bạn cùng khóa đã hi sinh; đặc biệt nhất mỗi lần nhắc đến Chính là tôi thấy đôi mắt anh đỏ hoe hình như muốn khóc. Chính đã hi sinh trong cuộc hành quân trực thăng vận vào trưa ngày 31-12-67 khi giữ chức vụ đại đội phó Đại đội 1, trong lúc điều động các trung đội tiến chiếm mục tiêu tại kinh Cái Thia quận Giáo Ðức tỉnh Ðịnh Tường, thời gian đó anh đã rời khỏi tiểu đoàn rồi. Còn Nguyễn Tuấn Kiệt thì mất trước trận tiểu đoàn bị phục kích 2 tuần lễ tại mặt trận Gia Ðẳng bắc Quảng Trị. Giàn đại đội trưởng của Tiểu đoàn 2 bây giờ toàn là những anh em cũ. Trung úy Lâm Tài Thạnh Đại đội 1, Đại úy Vũ Đoàn Doan Đại đội 2, Đại úy Trần văn Hợp Đại đội 4, Đại úy Trần văn Thương Đại đội 3, Trung úy Chung văn Nghiêm Đại đội chỉ huy, Thiếu tá Nguyễn Kim Ðể tiểu đoàn phó.

Một đêm tối trời cánh B do thiếu tá tiểu đoàn phó chỉ huy bị tấn công dữ dội, ngay loạt pháo kích bằng súng cối 82 ly đầu tiên của địch đã có 5, 7 binh sĩ bị thương, anh Nguyễn Xuân Phúc đang xin hỏa lực yểm trợ pháo binh của chi khu Gò Quao. Chẳng biết phải làm gì tôi vào phòng trực của Trung úy Nguyễn Kim Thân ban 3 để theo dõi tình hình, thiếu tá cố vấn Mỹ thì ngơ ngác cứ ôm máy truyền tin chờ lệnh để báo cáo qua hệ thống cố vấn lữ đoàn. Ông ta cứ đi qua đi lại muốn biết những gì xảy ra mà sao nghe nhiều tiếng súng nổ từ hướng các đại đội, còn bọn tôi và Thân chẳng dám nói một lời nào nếu như chưa có lệnh.

Sau đó vài phút bầu không khí có vẻ dịu dần khi anh ra lệnh cho bọn tôi nhờ cố vấn Mỹ giúp đỡ liên lạc tản thương. Như được nhắc nhở tới, ông ta mừng lắm, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ sau thì những chuyến tản thương được bắt đầu, mọi việc đều bình thường trở lại vào sáng ngày hôm sau.

Chỉ ít ngày sau tôi được lệnh đi thực tập với Đại đội 1 của Trung úy Thạnh. Chuyến hành quân kỳ nầy không chạm trận lớn, nhưng đa số bị thiệt hại vì mìn bẫy và bị du kích bắn tỉa hơi nhiều. Tiểu đoàn lại được lệnh về nghỉ dưỡng quân hậu cứ sau đó, tôi được lên đại úy vào tháng 10 trong danh sách thăng thưởng thường niên của Bộ Tổng tham mưu và được tiểu đoàn cho lệnh đứng ra thành lập đại đội mới, lấy tên là Đại đôi 5, được góp nhặt lại từ mỗi đại đội khác trong tiểu đoàn 1 trung đội, còn Đại đội 3 Tiểu đoàn 2 sẽ do Trung úy Nguyễn Xuân Quang khóa 19 Thủ Ðức dẫn về trình diện Tiểu đoàn 7 tân lập, Đại úy Trần văn Thương thuyên chuyển về thành lập Đại đội Viễn thám sư đoàn.

Tháng 5 năm 1970 tiểu đoàn được tăng phái hành quân vùng mật khu Năm Căn quận Cái Nước. Ðây là vùng sông nước chằng chịt được phối hợp di chuyển bằng lực lượng hải chiến Hoa Kỳ, chúng ta đã khám phá và tịch thu khá nhiều kho vũ khí cùng vô số tài liệu mật của địch, địch đã cố tình né tránh nên suốt mấy tuần hành quân mà chẳng có cuộc chạm súng nào, tiểu đoàn được lệnh di chuyển gấp lại Cần Thơ bằng GMC và từ đây về Châu Ðốc, bằng những chiếc HQ của Hải quân mang chúng tôi thẳng tới Neak Lương, Campuchia vào sáng sớm ngày hôm sau. Lần hành quân nầy chúng tôi trực thuộc Lực lượng đặc nhiệm thủy bộ 211. Tư lệnh phó kiêm lữ đoàn trưởng Lữ đoàn A do Đại tá Hoàng Tích Thông chỉ huy từ ngày 9 tháng 5 đến 30 tháng 6 năm 1970, cùng tham dự còn có 2 Tiểu đoàn 4 và 7/TQLC, nhiệm vụ giải tỏa áp lực đang đè nặng tại thị trấn Preyveng.

Tiểu đoàn 2 đổ bộ thẳng vào phía tây thị trấn bằng trực thăng, thành phần còn lại di chuyển bằng xe từ Ban Nam lên để tiến chiếm mặt đông và đông bắc, Đại đội 1 của Lâm Tài Thạnh và Đại đội 5 của tôi được đổ bộ cùng với bộ chỉ huy cánh B đầu tiên vào giữa một cánh đồng trống đối diện với dinh tỉnh trưởng khoảng cách chừng hơn 1 km. Bộ chỉ huy của thành phố vẫn còn cố thủ mặc dầu bị bao vây nhiều ngày. Để tiện liên lạc chúng tôi được tăng cường thêm khoảng 1 tiểu đội lính Miên. Ðịch từ các cao ốc phía bắc thành phố bắn ra dữ dội, ta chỉ là những bia di động trên cánh đồng trống, có một vài anh em bị thương, còn lính Miên chưa quen chiến trường nên bò lê lết chắp tay cầu nguyện. Tiểu đoàn đã liên lạc một số phi cơ võ trang bao vùng và nhiều phi tuần hỏa lực yểm trợ, lệnh từ tiểu đoàn trưởng với ám danh đàm thoại Thái Dương là bằng mọi giá phải chiếm mục tiêu trước khi trời tối, áp lực địch yếu dần sau những lần không kích của ta, Đại đội 5 và Đại đội 1 dùng khói màu xung phong hàng ngang, và cuối cùng chúng tôi đã chiếm được bờ thành, bắt tay được với lực lượng trú phòng vào lúc trời nhá nhem tối; để rồi sau đó toàn bộ tiểu đoàn đã hoàn toàn di chuyển hết vào trong, ngủ qua đêm tại đây với nhiều trận pháo kích dữ dội của địch đã có thêm một ít thiệt hại.

Sáng hôm sau tiểu đoàn đã bắt tay được với Tiểu đoàn 4 và 7 ở hướng đông, tiếp tục bung rộng mục tiêu về hướng bắc, chúng ta bắt sống được một số tù binh của các sư đoàn chính qui CSBV đa số là các thanh thiếu niên còn quá trẻ bị lùa vào chiến trường, số còn lại đã rút lui, tiểu đoàn có lệnh truy kích địch đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ vòng đai thành phố nầy. Việt kiều của ta tại đây đã bị bọn Khmer Đỏ cáp duồn nhốt dưới các căn hầm tối om từ nhiều tháng đã được cứu thoát, đa số được chuyển vận về các trại tiếp cư của ta ở Châu Ðốc. Lệnh từ tiểu đoàn được ban ra chặt chẽ, các vị đại đội trưởng phải kiểm soát binh sĩ của mình đừng để xảy ra những điều không tốt. Anh đã nhiều lần đích thân xuống tại các trung đội để theo dõi và kiểm soát, nhờ vậy mà giảm đi rất nhiều tình trạng lính tráng ba gai vô kỷ luật. Bây giờ Đại úy Hợp đã là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 rồi, còn Đại đội 4 bàn giao cho đàn em Trung úy Kiều Công Cự.

Ðại đội 5 chúng tôi vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm phòng thủ án ngữ mặt bắc của thành phố Preyveng có 1 trung đội nằm tiền đồn tại một ngôi chùa kiên cố. Theo dự đoán anh biết thế nào chúng cũng sẽ tấn công vị trí then chốt nầy, anh đã ra lệnh cho tôi hãy phối hợp với sĩ quan đề lô để dự trù những tác xạ tiên liệu trước, rồi đánh dấu những hỏa tập ấy cẩn thận trên bản đồ khi cần thì sử dụng cho nhanh, qua mấy ngày chẳng thấy động tịnh gì. Vả lại do sự hời hợt không cẩn thận của mình nên các điểm được ghi trên bản đồ đã bị mờ hết.

Khoảng 1 tuần sau, vào một đêm tối trời địch đã điều động nguyên tiểu đoàn để tấn công vào Trung đội 1 của Thiếu úy Minh đang cố thủ tại đây. Ðúng theo điều dự đoán của anh, tôi gọi máy báo cáo về để xin hỏa lực pháo binh yểm trợ, anh vào máy hỏi tôi: “Thế các hỏa tập tiên liệu của ông đâu rồi”. Tôi ú ớ chẳng biết đường nào mà mò, cứ chấm đại các tọa độ mà tôi nhớ mang máng chế ngự chung quanh vị trí đóng quân. Anh tức giận lắm, lẽ dĩ nhiên tôi phải hứng chịu những danh từ “cay đắng nhất” mà anh đã dành cho tôi, tôi chỉ biết “Nhận rõ đại bàng, Nhận rõ Thái Dương 5/5”. May mắn cho tôi là các binh sĩ trong trung đội tiền đồn đã chiến đấu dũng mãnh nên giữ vững tuyến phòng thủ suốt đêm để chờ tăng viện vào sáng ngày hôm sau, và cũng nhờ mát tay nên chỉ có vài anh em bị thương nhẹ, còn địch buộc phải rút lui để lại nhiều vũ khí và xác chết. Anh đã đến thăm khi tan trận và tỏ vẻ hối tiếc về những lời lẽ nặng nề đã dành cho tôi từ tối hôm qua, còn tôi chẳng biết nói gì hơn xin nhận lỗi về phần mình. Tiểu đoàn tiếp tục nhiều cuộc hành quân đổ bộ bằng trực thăng vào các căn cứ địch, nhiều cuộc chạm súng đã xảy ra và cũng bị thiệt hại khá nhiều.

Về lại hậu cứ sau gần 2 tháng trời hành quân tại Campuchia, để rồi vào tháng 7 năm 1970 tiểu đoàn được không vận ra Ðà Nẵng, bắt đầu những ngày tháng hành quân liên tục ở miền địa đầu giới tuyến, qua các căn cứ Sarge, Bá Hô, Holcom, Cùa, Mai Lộc… để rồi sau đó tăng cường cho biệt khu Quảng Ðà hành quân vùng rừng thiêng nước độc Ðức Dục, Quảng Nam.

Tháng 2 năm 1971 từ phi trường Biên Hòa Tiểu đoàn 2 được chuyển vận ra Phú Bài, rồi di chuyển vào vùng Khe Sanh tham dự giai đọan cuối của cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào. Trong khi chờ đợi, tiểu đoàn hành quân lục soát an ninh toàn bộ vùng núi đồi quanh khu vực, sau đó chính thức tham dự vào những ngày đầu tháng 3 năm 1971. Lữ đoàn 147 do Đại tá Hoàng Tích Thông chỉ huy gồm các Tiểu đoàn 2, 4, 7, được trực thăng vận vào Căn cứ Delta. Ðây là một dãy đồi có thế yên ngựa ở độ cao 550 m gồm 2 mõm nhỏ, mặt bắc đặt bộ chỉ huy lữ đoàn, còn phía nam chỉ có khả năng đủ chỗ cho một pháo đội hỗn hợp gồm 2 khẩu 155 ly và 6 khẩu 105 ly thuộc Tiểu đoàn 2 Pháo binh. Mặt tây là một triền dốc đá thẳng đứng, còn phía đông là những rẫy hoang cùng nhiều đường mòn chi chít.

Lữ đoàn 258/TQLC cũng được trực thăng vận vào đỉnh Koroc cùng với 1, 3, 8 và Tiểu đoàn 3 Pháo binh. Nhưng mặt trận chính vẫn là vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 147. Tiểu đoàn 4/TQLC được thả xuống và bung rộng về hướng đông bắc, Tiểu đoàn 2/TQLC chịu trách nhiệm mặt tây bắc, trong khi đó Tiểu đoàn 7 bảo vệ bộ chỉ huy lữ đoàn.

Ðại úy Nguyễn Hoa khóa 20 Ðà Lạt trưởng ban 3 bị tử thương cùng nhiều binh sĩ khác trong loạt pháo kích đầu tiên của địch vào căn cứ hỏa lực. Tiểu đoàn 2 có 4 đại đội trưởng thì 2 người đã bị loại khỏi vòng chiến trong tuần lễ đầu tiên. Trung úy Kiều Công Cự đại đội trưởng Đại đội 4, Ðại úy Nguyễn Kim Thân đại đội trưởng Đại đội 2, Trung úy Bùi Ngọc Dũng đại đội phó Đại đội 2 cũng bị thương rất nặng cùng Thiếu úy Trần văn Loan. Tất cả đã được tải thương kịp thời nhưng Dũng đã bị chết dọc đường, sau nầy được ghi nhận là mất tích.

Như cục đường bỏ vào hang kiến, địch cứ thế mà bu vào. Sau khi rảnh tay ở mặt trận phía bắc, địch dùng tất cả mọi nỗ lực hầu uy hiếp tràn ngập căn cứ. Hai trực thăng của ta trong chuyến tiếp tế tải thương đã bị phòng không địch bắn hạ nhưng vẫn cố gắng đáp xuống căn cứ, phi hành đoàn an toàn, pháo binh cơ hữu tại căn cứ bị kiệt quệ hoàn toàn, mọi sự yểm trợ nhờ vào Lữ đoàn 258 tại Korock và các phi vụ yểm trợ của Không quân Hoa Kỳ. Tiểu đoàn 2 bị địch chận đánh khi hoạt động cách căn cứ khoảng 3, 4 km. Trong một phi vụ yểm trợ, một quả bom đã lạc vào ngay vị trí Đại đội 5 làm bị thương một số binh sĩ, mọi thương bệnh binh đều phải tải về ứ đọng tại bộ chỉ huy lữ đoàn không còn chỗ chứa, nên lệnh là phải tiết kiệm xương máu của binh sĩ tối đa.

Sáng nào cũng vậy các đại đội trưởng đều phải về họp để nhận lệnh những việc cần làm trong ngày, anh Phúc thường hay dặn dò bọn tôi tỉ mỉ là phải cố sức theo dõi và khuyến khích tinh thần binh sĩ, sớm muộn chúng tôi cũng được về vì tình hình không cho phép ở đây lâu. Chưa bao giờ tôi thấy anh buồn và đăm chiêu bằng lúc nầy, anh hút thuốc liên tục và thường hay bói bài một mình. Với khả năng Anh văn lưu loát anh đã điều động tất cả mọi phi vụ yểm trợ cho tất cả đơn vị thuộc lữ đoàn, Tiểu đoàn 4 và 7 cũng không tránh số phận như Tiểu đoàn 2 chúng tôi, tất cả đã co cụm về chung quanh bộ chỉ huy lữ đoàn. Ðại bàng Thái Dương của chúng tôi đã được điều động về bộ chỉ huy lữ đoàn cùng trợ giúp cho đại tá lữ đoàn trưởng. Kể từ giờ phút nầy anh đã lên máy thường xuyên trong việc phụ tá cho vị lữ đoàn trưởng chỉ huy toàn bộ lữ đoàn.

Một trung đội đặc công cảm tử địch đã bất ngờ tấn công và chiếm được một số vị trí của đơn vị phòng thủ với ý định cắt đứt mọi tiếp viện từ ngoài vào hầu làm bàn đạp cho lực lượng còn lại tung quân tràn ngập bộ chỉ huy lữ đoàn. Từ tiền đồn phía bắc được chính anh ra lệnh đem quân về giải tỏa khẩn cấp, tôi điều động 2 trung đội từ ngoài đánh vào, trong khi đó lực lượng của Tiểu đoàn 7 từ trong đánh ra, địch lúng túng ngơ ngác nên bị chúng tôi thanh toàn dễ dàng. Một số đã bị bắt sống và chết ngay tại các căn hầm chúng chiếm được bằng những quả lựu đạn thật chính xác của ta. Tất cả bọn chúng thuộc Sư đoàn 324B có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ chỉ huy Lữ đoàn 147.

Chuyện gì đến thì sẽ đến, không thể nằm chần chờ chịu trận để quân số cứ hao hụt dần dần, lữ đoàn đã có lệnh di tản chiến thuật từ quân đoàn, nhưng lệnh nầy chỉ phổ biến đến cấp tiểu đoàn trưởng mà thôi, lý do thật giản dị là cố gắng duy trì tinh thần binh sĩ hầu đủ thời gian sắp xếp cho kế hoạch rút lui. Anh hầu như có mặt trên máy vô tuyến thường xuyên ngày cũng như đêm để giữ vững tinh thần của anh em binh sĩ, Tiểu đoàn 4/TQLC hoạt động xa về hướng đông bắc bị thiệt hại khá nặng đã rút lui ào ạt băng qua vị trí đóng quân của Đại đội 5 chúng tôi. Cá nhân tôi có yêu cầu họ hãy nằm lại vị trí để giúp đỡ chúng tôi, nhưng tất cả đều vô vọng vì họ trong tình trạng không còn kiểm soát chỉ huy. Anh vẫn theo sát tình hình và thường xuyên khuyến khích chúng tôi, Đại đội đã bị cô lập ngoài vị trí tiền đồn suốt hơn tuần lễ không tải thương, không tiếp tế, tất cả các điểm có nước dưới chân đồi đều bị địch bao vây và chế ngự. Trời tháng 3 với cái nóng như thiêu như đốt miền Hạ Lào đã gây khốn đốn cho chúng tôi, vừa đói lại vừa khát, đó là vào những ngày 21, 22 tháng 3, 1971.

Vào buổi trưa sau khi họp các trung đội trưởng lại để báo cáo tình hình, ai nấy cũng vui mừng vì nghe tin là sẽ được rút, một cơn mưa bất chợt rất ngắn vào giữa buổi trưa hè đã được mọi người vổ tay mừng rỡ, tất cả nước đầy bi đông cùng đỡ lòng bằng những bao gạo sấy, nhưng rồi “phúc bất trùng lai”, một trận mưa pháo thật ác liệt của địch vào ngay vị trí đóng quân nhất là ban chỉ huy đại đội, Thiếu úy Nguyễn Kim, trung đội trưởng vũ khí nặng đã tử thương cùng Hạ sĩ Ngạch hiệu thính viên, nhiều người khác bị thương rải rác. Tôi vẫn liên lạc thường xuyên về tiểu đoàn nhưng mọi chuyện đều ngoài khả năng giải quyết của vị tiểu đoàn trưởng vào lúc nầy.

Vào khoảng 6 giờ chiều ngày 23-3-71 có tiếng rồ máy của chiến xa địch từ xa, tôi báo cáo về anh thì anh cho biết đó là tiếng gầm gừ của máy bay đến yểm trợ cho mình, không sao đâu cứ an tâm, khoảng nửa giờ sau thì chúng đã mon men vào tuyến, và khi đó cũng là lúc tôi nhận được lệnh rút quân từ tiểu đoàn.

Thiếu úy Ðinh Hồng Lạc người sĩ quan trẻ nhất và cũng gan dạ nhất trong đại đội đã bị tử thương ngay đợt tác xạ đầu tiên của địch, có vài chiếc bị khựng lại và bốc cháy do những quả đại bác SKZ 57 ly từ Trung sĩ nhất Nguyễn Tế. Giọng anh vang vang trong máy “Tiền Giang phải cho con cái move down south gấp”

Bật chạy ra khỏi hầm trú ẩn vừa chạy vừa hô to: “Ðại úy Tiền đây, các anh hãy theo tôi”. Cứ thế tôi lải nhải vào tận phía trong. Bộ chỉ huy trống vắng, mùi hôi thúi của các tử thi nơi những chiếc poncho bọc kín không được tải thương trong nhiều ngày, vài ba chục trong toán lính bị thương còn lại đang hờn trách cấp chỉ huy, tôi vẫn hô to: “Ðại úy Tiền đây, các anh hãy theo tôi”. Giọng Hạ sĩ Báu người lính gan dạ của đại đội bị thương vào chân trong mấy ngày trước khóc to nhất: “Chân em bị gãy làm sao chạy được ông thầy!” Nước mắt tôi tuôn chảy, miệng lẩm bẩm cầu nguyện ơn trên, trong khi đèn chiến xa địch bắt đầu soi sáng bắn nã theo lên đồi căn cứ. Không thể chần chờ được nữa, có tiếng hô to của giặc phía sau: “Hàng sống chống chết”. Tôi và 2 hiệu thính viên Ðặng Phước Thành và Nguyễn văn Chúc cùng nắm dây leo trên đỉnh dốc đá thẳng đứng tuột dù, chiếc dây quá tải bị đứt nửa chừng, thầy trò rớt chồng lên nhau trên mặt đất, tay mò mẫm khắp nơi trên cơ thể, đứng lên ngồi xuống, mới yên tâm là mình còn đủ sức thoát hiểm mưu sinh. Tập hợp lại tại chỗ dưới chân đồi được vài ba chục mạng thuộc nhiều đơn vị khác nhau, tôi ra lệnh tất cả hãy theo tôi và tuyệt đối giữ kỷ luật khi di chuyển. Thỉnh thoảng cũng có giọng của Ðại úy Hợp tiểu đoàn phó còn hầu như mọi sự điều động đều từ niên trưởng Nguyễn Xuân Phúc, anh đã làm cho anh em chúng tôi cảm thấy thật an tâm, mặc dầu trong tình thế thật nguy kịch như lúc nầy, chúng tôi theo sự chỉ dẫn đó mà đi suốt đêm đến trưa ngày hôm sau mới trèo lên đỉnh dốc của một ngọn đồi cao nơi có Tiểu đoàn 3/TQLC chờ sẵn để tiếp cứu. Vài binh sĩ vì quá kiệt sức đã lăn ra chết ngay tại chỗ, tất cả thương bệnh binh được anh ưu tiên trong những chuyến tải thương đầu tiên, nhưng chỉ nửa giờ sau thì bãi bốc không còn an toàn nữa, địch trên đà chiến thắng xông lên tấn công mặc dầu trước sức phản công mạnh mẽ của các chiến sĩ Sói Biển, nhưng để tránh thêm thiệt hại, toàn bộ được lệnh di chuyển đến một nơi an toàn khác. Các chuyến trực thăng vận lại tiếp tục làm nhiệm vụ của mình ở bãi bốc mới, các sĩ quan tham mưu lữ đoàn, các Ðại Bàng lần lượt ưu tiên trong những chuyến bay đầu, nhưng anh vẫn là người bình tĩnh nhất ở lại điều động cho hết toàn bộ các đơn vị thất lạc. Niên trưởng đã thể hiện được trách nhiệm của một cấp chỉ huy đáng khâm phục, gần phân nửa tiểu đoàn bị hao hụt khi về lại Khe Sanh.

Một cuôc diễn hành rầm rộ mừng chiến thắng sau đó tại Phú Văn Lâu vào ngày 12 tháng 4 năm 1971, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu duyệt binh trước các đơn vị đã tham dự hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào, anh được thăng cấp trung tá cùng nhiều vị chỉ huy khác, Ðại úy Hợp lên thiếu tá, còn tôi và Lâm Tài Thạnh mỗi người được ân thưởng Ðệ ngũ đẳng Bảo quốc huân chương với nhành dương liễu. Sau đó được không vận về lại hậu cứ bổ sung quân số và tái trang bị rồi lại tiếp tục lên đường chiến đấu sau thời gian 2 tháng huấn luyện bổ túc tại Trung tâm huấn luyện quốc gia Vạn Kiếp, Bà Rịa, Vũng Tàu.

Tháng 10 năm 1971 tôi được lệnh bàn giao Đại đội 5 cho Trung úy Huỳnh văn Trọn vừa du học Mỹ trở về để đảm nhận chức vụ trưởng ban 3. Do kinh nghiệm qua cuộc hành quân Hạ Lào vừa qua trong việc bảo mật truyền tin, anh đã ra lệnh cho anh em chúng tôi là phải tìm một con số ngụy hóa tên của mình, anh khóa 16 nên có danh xưng là 216, Thiếu tá Hợp khóa 19 là 819, còn tôi là 324, Đại úy Liễng là 414. Từ đấy mỗi lần nói chuyện với nhau phải được ngụy hóa bằng những ám danh đàm thọai đàng hoàng, không còn những tên gọi “thẩm quyền, đại bàng, thái dương, mặt trời” như trước kia. Trong cuộc tấn công ào ạt của Cộng sản vào Mùa hè đỏ lửa 1972, Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên chỉ có mặt vào những ngày cuối cùng tháng 4-72, khi sắp diễn ra cuộc lui binh ở mặt trận bắc Quảng Trị, 2 Lữ đoàn 147 và 258 đã bị tổn thất nặng nề, Sư đoàn 3/BB cùng các liên đoàn Biệt động quân hầu như tan rã toàn diện. Lữ đoàn 369 gồm các Tiểu đoàn 2, 5, 9 do Đại tá Phạm văn Chung chỉ huy là đơn vị còn lại mạnh nhất để tiếp cứu đồng đội và chặn đứng sức tấn công dũng mãnh của quân Cộng sản, một phòng tuyến mới được thiết lập ngay sát bờ nam dòng sông Mỹ Chánh. Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên chịu trách nhiệm giữ an ninh con đường từ Căn cứ Nancy sát quốc lộ 1 đến tận cùng về phía Trường sơn, Đại đội 4 do Đại úy Liễng chỉ huy trấn giữ căn cứ đồi Barbara ở độ cao 300 m, đây là điểm chiến lược quan trong nhất còn lại để bảo vệ tuyến phòng thủ phía nam, bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng tại khu rừng trên nửa đoạn đường, các đại đội còn lại hoạt động chung quanh vị trí, với tầm nhìn xa của một cấp chỉ huy đầy kinh nghiệm, anh biết thế nào Đại đội 4 cũng sẽ bị chịu ăn pháo và tấn công, một cuộc lui binh nữa để bỏ căn cứ rồi cũng sẽ được diễn ra trong tương lai không biết xảy ra bất cứ lúc nào, anh đã ra lệnh cho Ðại úy Liễng là hàng ngày phải có một toán xuống núi hoạt động chung quanh, cố gắng mở được một con đường thoát bí mật ăn thông với bộ chỉ huy tiểu đoàn để khi cần thiết sử dụng hoặc để tiếp tế tải thương, khi khoảng 5 km đường rừng được khai thông cũng là lúc địch tập trung nhiều hỏa lực pháo kích uy hiếp hầu tràn ngập căn cứ. Lệnh cho Đại đội 4 được lui binh rời bỏ căn cứ bất ngờ vào ban đêm để trống mục tiêu hầu dễ dàng cho không quân oanh kích đúng như tiên liệu của anh, nhờ vậy mà Đại đội 4 đã về được bộ chỉ huy tiểu đoàn an toàn, tránh được cuộc phục kích nằm chờ sẵn của địch được chúng tiên liệu theo trục tiến quân. Sau đó tiểu đoàn được điều động thay thế tiểu đoàn bạn để phòng thủ tuyến Mỹ Chánh, bộ chỉ huy được đặt trên một ngọn đồi nhỏ tại một nhà thờ vừa mới được cất, đây là thời gian sôi động nhất của cuộc chiến 72, hầu hết các hãng thông tấn ngoại quốc thường hay đến săn tin, cứ mỗi buổi chiều khi họ về thì đó là lúc địch tập trung pháo kích, nhờ có tiền sát viên bám sát nên chúng pháo thật chính xác vào vị trí ta, mỗi lần nghe tiếng depart là anh gióng hướng phương giác nghịch tìm đọc trên bản đồ để rồi ước lượng khoảng cách xin phi cơ quan sát tìm cách phản pháo, nhờ vậy mà mỗi ngày cường độ địch pháo kích bớt đi.

Ðêm nào cũng vậy các đại đội phòng thủ ở tuyến đầu bị tấn công liên tục, nhờ tinh thần chiến đấu cao và hỏa lực yểm trợ dồi dào nên địch chẳng làm gì được ta, anh thức rất giỏi mỗi lần nghe nơi nào chạm địch là anh vào máy theo dõi tình hình liền, thay vì đó là công việc của sĩ quan ban 3.

Làm sĩ quan tham mưu dưới quyền anh cũng khổ, cái gì anh cũng giành làm, vì chẳng ai làm vừa ý được như anh, cuối tháng 5-72 khi bắt đầu có lệnh phản công tái chiếm lại thị xã Quảng Trị cũng là lúc anh nhận được lệnh về làm lữ đoàn phó 147, bàn giao Tiểu đoàn 2 cho Thiếu tá Trần văn Hợp, còn cá nhân tôi làm tiểu đoàn phó. Trong những ngày đầu tiên của hiệp định ngưng bắn sau trận Cửa Việt ngày 28 tháng giêng, 1973, anh đã thường xuyên có mặt ở tuyến đầu trách nhiệm việc trao trả tù binh cũng như giải quyết các đơn vị Cộng sản còn kẹt lại bên trong vùng trách nhiệm của ta về bên kia chiến tuyến.

Vào những ngày đầu năm dương lịch 75, trước sức tấn công ào ạt của quânCộng sản, Sư đoàn Thủy quân lục chiến thành lập thêm Lữ đoàn 468, anh đã đảm nhận chức vụ lữ đoàn trưởng 369 cùng với Trung tá Ðỗ Hữu Tùng lữ đoàn phó, cả hai anh đã mất tích trong những ngày di tản cuối cùng vào những ngày tháng cuối tháng 3-75.

Bên cạnh những hào quang sáng chói của một cấp chỉ huy mẫu mực, gan dạ, thông minh, hết lòng với thuộc cấp, anh cũng có một đời sống thật phong sương đầy hào hùng nhưng cũng không kém phần vui nhộn của người lính tác chiến. Anh là một tay nhậu cừ khôi ít ai địch nổi, có thể ngồi uống suốt đêm nếu có ai đó cùng nhậu tán gẫu hợp “gout” mình. Ðêm ở nhà thờ Mỹ Chánh với Phan Nhật Nam vào mùa hè đỏ lửa 72, có lẽ là một kỷ niệm khó quên khi người cố vấn quá say trốn đi ngủ sớm, chỉ còn anh và người niên đệ Phan Nhật Nam, chén anh chén em tâm sự trong khi những tràng đạn pháo kích địch rải rác khắp đó đây. Mỗi lần như vậy anh thường hay kêu tên chửi đổng từ Hồ chí Minh đến Võ Nguyên Gíáp, Lê Duẩn, Trường Chinh…

Lúc cao hứng nhất thì anh lại hát những bài hát được sửa lời theo ý mình, 2 bản ăn khách nhất mà anh thích nhất là Trấn thủ lưu đồn và Tình thư của lính. Anh là một tay tiếu lâm có hạng. Vì là sĩ quan độc thân nên anh xem đơn vị cũng như gia đình, luôn luôn giải quyết những trường hợp khó khăn của thuộc cấp, mỗi lần tiểu đoàn về hậu cứ là anh ra lệnh các đại đội trưởng phải thường xuyên viếng trại gia binh, theo dõi khẩu phần ăn của binh sĩ mỗi ngày, nếu có ai đó đụng chạm đến quyền lợi của binh sĩ, anh sẽ trừng trị thẳng tay. Làm đơn vị trưởng nhiều năm nhưng chẳng có gì riêng cho mình, con nhà giàu độc thân thứ thiệt thì tiền bạc chẳng có nghĩa gì đối với anh. Là một người từng du học Hoa Kỳ nhưng anh cũng là người không bao giờ cầu cạnh hoàn toàn vào người Mỹ.

Anh cũng là tay cờ bạc có hạng, biết chơi tất cả các loại bài mà lại cũng là tay cao thủ từ mạt chược, tứ sắc, tổ tôm, xì phé, xập xám đến cờ tướng, bài cào cắc tê, nhưng tất cả chỉ là để giải trí cho qua hết thời giờ nhàn rỗi chứ không có ý sát phạt.

Cuộc chiến rồi cũng qua, đời người rồi cũng hết, hôm nay ngồi ghi lại những dòng nầy như một trổi dậy từ ký ức của một đứa em đã từng có những ngày vui buồn với anh; những ngày hành quân gian khổ cùng chia nhau những giờ phút sinh tử tại chiến trường, hay những giờ phút thật cô đơn của đời lính lạc lỏng bơ vơ nơi hậu cứ, bên ngoài những ào ạt nóng bỏng của đời sống hằng ngày, tôi đã tìm được nơi anh những khoảng trống tinh thần của một kiếp người vô vị mà những cái chết thật tình cờ hầu như đang rình rập quanh đây, mỗi ngày mỗi giờ ở những người bạn đã lần lượt ra đi! Ðời sống con người chỉ là những quán trọ bên đường, còn đó, mất đó, anh đã sống hết cho tha nhân, chẳng có gì của riêng mình dù là một tí hạnh phúc nhỏ bé. Sự mất tích của anh cũng như nhiều sự ra đi khác trong khung cảnh triệt thoái không được chuẩn bị trước, đành rằng “cổ nhân chinh chiến kỷ nhân hồi”, nhưng sự mất tích nầy của anh cũng như anh Ðỗ Hữu Tùng là niềm đau chung cho những người lính Thủy quân lục chiến chúng tôi.

Niên trưởng đã ngủ yên một nơi nào đó mà không ai thấy, không ai nghe, không ai biết! Mặc dầu tuyệt vọng hoàn toàn, nhưng trong tâm khảm của mỗi người lính Mũ Xanh đều ao ước một sự trở về của anh dù chỉ trong tưởng tượng của những giấc ngủ về đêm.
Phạm văn Tiền (khóa 20 Đà Lạt)
-------------------------------------

No comments:

Post a Comment