Thursday, October 6, 2022

Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc K16 - Phạm văn Tiền K20

Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc K16

Phạm văn Tiền K20

Sư đoàn Thủy quân lục chiến có rất nhiều tiểu đoàn tác chiến, nhưng ai cũng ao ước mình là một chiến sĩ trong Tiểu đoàn Trâu Ðiên. Tiểu đoàn Trâu Ðiên cũng đã được chỉ huy qua rất nhiều vị tiểu đoàn trưởng xuất sắc để trở thành một đơn vị ưu tú nhất của QLVNCH. 

 --------------------------------

Nguyễn Xuân Phúc là một trong những vị chỉ huy xuất sắc đó, anh đã tốt nghiệp á khoa khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Ngay trong thời gian thụ huấn anh đã là tiểu đoàn trưởng trong Hệ thống tự chỉ huy, được khóa đàn em nể phục với biệt danh Robert Lửa.

Ai đã từng một thời là người lính Mũ Xanh thì không thể nào không biết hoặc không nghe về người hùng Nguyễn Xuân Phúc. Anh là một cấp chỉ huy đạo đức, thông minh, tài ba tại chiến trường và cũng là chiến hữu thân thiết nhất đối với tất cả mọi thuộc cấp, anh đã dành trọn cuộc đời cho binh nghiệp, đã chọn và sống hết mình cho quân đội và cho tổ quốc Việt Nam.

Từ lâu đã có quá nhiều bài viết nói về anh. Những bài viết của nhà văn Phan Nhật Nam, của Mũ Xanh Nguyễn văn Phán, của Trần văn Loan và đặc biệt nhất là bài viết mới đây của nhà văn nữ Ngọc Thủy được đăng tải trên các webside Thủy quân lục chiến. Chị Ngọc Thủy đã trải hết tấm lòng biết ơn của người em gái hậu phương về các anh chiến sĩ tiền tuyến, trước đây đối với người hùng Lê Hằng Minh và gần đây nhất về chiến sĩ Lý Tống. Riêng bài viết về Nguyễn Xuân Phúc được chị sưu tầm một cách rất công phu và đã mang đến cho người đọc những chi tiết thích thú bất ngờ. Lẽ dĩ nhiên mỗi bài viết có cách nhìn khác nhau, tùy theo kỷ niệm và sự trân trọng của các tác giả đối với anh.

Là một chiến sĩ Mũ Xanh và cũng là người sống nhiều năm cùng Tiểu đoàn 2/TQLC với anh, tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa về việc làm vô cùng cao quí của tất cả những vị nói trên.

Nhiều bạn bè xa gần đã hỏi tôi tại sao bạn là người dành hết đời binh nghiệp của mình tại Tiểu đoàn 2/TQLC từ khi mới ra trường cho đến khi là thiếu tá tiểu đoàn phó, đã từng là đại đội trưởng, là trưởng ban 3 suốt nhiều năm trời; đặc biệt nhất là thời gian niên trưởng Nguyễn Xuân Phúc làm tiểu đoàn trưởng mà lại không có một kỷ niệm nào để viết về anh.

Sự thật thì tôi là một trong những người hiếm muộn còn lại đã sống và đã từng có quá nhiều điều để viết về anh. Bên cạnh những hào quang sáng chói của một cấp chỉ huy gan dạ tài ba, niên trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng có một đời sống bình thường như bao nhiêu người khác, anh đã sống hết lòng với anh em, chiến hữu, bạn bè, biết nghĩ đến những nỗi khó khăn của thuộc cấp. Có những lúc thật uy nghiêm, trang trọng, xa cách, nhưng cũng có lúc thật thân mật, gần gũi như anh em trong gia đình.

Bài viết nầy xin gửi đến tất cả chiến hữu xa gần cũng không ngoài mục đích và ý nghĩa đó. Ðể tôn trọng sự vắng mặt của một người đã khuất và cũng để ghi lại những kỷ niệm trong những năm tháng sống và làm việc dưới quyền của anh, tôi sẽ kể lại những sự việc có thật mà tôi đã từng biết hoặc liên hệ ít nhiều như là một sự tưởng nhớ về người niên trưởng đáng kính nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Cuối tháng 11 năm 1965, khóa 20 Ðà Lạt ra trường, 25 tân sĩ quan tình nguyện về phục vụ binh chủng Thủy quân lục chiến. Tất cả được phân bổ cho các đơn vị tác chiến, trong đó 5 anh em chúng tôi gồm Tiền, Chính, Minh, Kiệt, Liêm, về trình diện hậu cứ Tiểu đoàn 2 tại Tam Hà Thủ Ðức. Lúc bấy giờ tiểu đoàn vừa mới hành quân Ðức Cơ về, Thiếu tá Lê Hằng Minh cũng vừa nhận chức vụ tiểu đoàn trưởng sau khi đã theo học khóa Tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ. Nguyễn Quốc Chính nhỏ nhất về Đại đội 4 do Trung úy Nguyễn Xuân Phúc khóa 16 làm đại đội trưởng, Trung úy Trần văn Hợp khóa 19 đại đội phó, Nguyễn Tuấn Kiệt về Đại đội 3 do niên trưởng Nguyễn Ngọc Ðiệp khóa 17 đại đội trưởng, tôi, Phạm văn Tiền về Đại đội 2 do Đại úy Nguyễn văn Hay tự “Hay Chùa” làm đại đội trưởng kiêm tiểu đoàn phó, Nguyễn Quang Minh và Hoàng Như Liêm, 2 tên tuổi lớn nhất về Đại đội 1 do Trung úy Trần Kim Hoàng khóa 17 làm đại đội trưởng. Bọn tôi thường cho rằng Chính là người may mắn nhất vì được 2 ông khóa đàn anh giúp đỡ hết mình, chiều nào cũng vậy, mỗi lần có phép về Sài Gòn Chính thường được ngồi chễm chệ trên chiếc xe Jeep do chính đại đội trưởng lái, còn bọn tôi thì phải vất vã bám vào các chiếc xe “lam chiều”, nhiều khi phải cuốc bộ vài ba cây số.

Sau hơn tháng trời dưỡng quân tại hậu cứ, tiểu đoàn có lệnh hành quân bảo vệ vòng đai thủ đô Sài Gòn vùng Tân Thuận Ðông Long Kiển. Thiếu úy Nguyễn Quang Minh đã tử thương đầu tiên tại mặt trận nầy, còn Thiếu tá Lê Hằng Minh thì bị một viên đạn xuyên qua đỉnh của chiếc nón sắt tuy nhiên vẫn bình yên, và cũng từ đây lệnh bắt buộc phải đội mũ sắt khi đi hành quân được áp dụng triệt để, chúng tôi không còn dịp đội nón “bo vành” rất cao bồi như kiểu cao bồi Texas khi đi hành quân nữa. Mặc dầu vậy hình ảnh một Trung úy Nguyễn Xuân Phúc với chiếc nón bo đội trên đầu lúc đơn vị ở hậu cứ hoặc đi phép về Sài Gòn vẫn là hình ảnh ăn khách nhất đối với anh em chúng tôi.

Cuối tháng 2, 1966 Tiểu đoàn 2 tham dự hành quân với Chiến đoàn A do Trung tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy, trong cuộc xung phong vào An Quý, Cự Tài tại vùng Bồng Sơn Tam Quan, tiểu đoàn đã bị thiệt hại khá nặng về số binh sĩ tử vong cũng như bị thương. Trung úy Ðiệp đại đội trưởng Đại đội 3 đã tử thương tại trận nầy, riêng Đại đội 4 do anh Phúc chỉ huy đã chiếm mục tiêu bên sườn phải, buộc địch phải chém vè tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị còn lại ồ ạt xung phong giành chiến thắng. Danh xưng Trâu Điên cho đơn vị cũng phát xuất từ trận đánh lịch sử nầy.

Chỉ 2 tháng sau đó tiểu đoàn lại có mặt tại Quảng Ngãi cùng với Tiểu đoàn 3/TQLC truy kích địch tại núi đồi Ba Gia và lần hành quân nầy anh đã phải lòng một người đẹp tại thành phố nhỏ bé nầy, và một cuộc tình “anh tiền tuyến, em hậu phương” đã bắt đầu, kết quả cháu Ðức con anh chị đã được ra đời, cháu rất đẹp trai có cái đầu thật to và đôi mắt sáng giống bố được mang về cho ông bà nội săn sóc, còn anh chị chẳng bao giờ tiến đến hôn nhân. Thỉnh thoảng sau nầy chị thường hay đến thăm anh tại hậu cứ sau mỗi lần hành quân về. Nghe nói chị đã lập gia đình với một anh dược sĩ nào đó, còn anh vẫn là một cấp chỉ huy độc thân thứ thiệt ở vậy nuôi con.

Trong biến cố Phật giáo miền Trung 1966, anh vẫn là một trong những vị đại đội trưởng giỏi của tiểu đoàn được đặc cách đại úy tại mặt trận, sau đó anh đã bị thương trong trận độn thổ phục kích của tiểu đoàn tại cây số 23 quận Phong Ðiền vào ngày 29-6-1966, cùng lúc với Thiếu tá Lê Hằng Minh đã tử thương với nguyên trung đội cảm tử của mình.

Năm 1967 anh về làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5/TQLC, sau khi mãn khóa học tham mưu tại Ðà Lạt. Anh đã nổi tiếng trong trận chiến thắng Rạch Ruộng để rồi tháng 4 năm 68 lên thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6/TQLC tham dự mặt trận Tết Mậu Thân đợt 2 tại Sài Gòn, anh lại bị tai nạn, sau thời gian điều trị lại về làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công vụ. Đến tháng 6 năm 1969 về lại Tiểu đoàn 2 thay thế chức vụ tiểu đoàn trưởng từ Trung tá Ngô văn Ðịnh bị thương.

Thời gian nầy tôi vắng mặt tại tiểu đoàn vì đang theo học khóa Basic School tại Hoa Kỳ. Về trình diện lại tiểu đoàn vào tháng 8 trong lúc đơn vị đang hành quân tại Chương Thiện.

Chiếc trực thăng Chinook mang tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất vào vùng hành quân Gò Quao, kinh Xáng Cụt với hơn 20 tân binh để bổ sung cho các đại đội vì tiểu đoàn vừa chạm địch nặng trước đó mấy ngày. Gặp lại anh sau nhiều năm tháng xa cách lòng tôi cảm thấy sung sướng và an tâm vô cùng vì rồi đây tôi sẽ được chỉ huy bởi một đàn anh đáng kính. Anh cho tôi biết là chính anh đã xin cho tôi về lại tiểu đoàn để chuẩn bị nhận chức vụ đại đôi trưởng. Trong buổi cơm chiều hôm đó, tôi có tâm sự rằng các bạn khác của tôi may mắn quá, được về “khối bổ sung” để chờ đợi huấn luyện Tiểu đoàn 7/TQLC tân lập, tụi nó có thời gian du hí ở Sài Gòn quá đã!

Câu chuyện đang vui vẻ tôi liền bị phản ứng của anh: “Nếu ông muốn thì ông cứ làm đơn xin về, tôi không ngờ tôi có một đàn em quá tệ như ông”. Chiều hôm đó mặc dầu trời đang nắng nóng mà tôi cảm thấy lạnh cả người. Là một sĩ quan trẻ còn ham chơi, vả lại người miền Nam tánh tình bộc trực nghĩ sao nói vậy chắc chắn đã làm buồn lòng anh vì đã chờ đợi tôi về!

Những ngày kế tiếp tôi vẫn ở tại bộ chỉ huy tiểu đoàn, chiều nào cũng vậy tôi được anh cho ăn cơm chung và những khi rỗi rảnh anh thường hay hỏi về hoàn cảnh gia đình tôi, về Minh, về Kiệt, về Chính, những thằng bạn cùng khóa đã hi sinh; đặc biệt nhất mỗi lần nhắc đến Chính là tôi thấy đôi mắt anh đỏ hoe hình như muốn khóc. Chính đã hi sinh trong cuộc hành quân trực thăng vận vào trưa ngày 31-12-67 khi giữ chức vụ đại đội phó Đại đội 1, trong lúc điều động các trung đội tiến chiếm mục tiêu tại kinh Cái Thia quận Giáo Ðức tỉnh Ðịnh Tường, thời gian đó anh đã rời khỏi tiểu đoàn rồi. Còn Nguyễn Tuấn Kiệt thì mất trước trận tiểu đoàn bị phục kích 2 tuần lễ tại mặt trận Gia Ðẳng bắc Quảng Trị. Giàn đại đội trưởng của Tiểu đoàn 2 bây giờ toàn là những anh em cũ. Trung úy Lâm Tài Thạnh Đại đội 1, Đại úy Vũ Đoàn Doan Đại đội 2, Đại úy Trần văn Hợp Đại đội 4, Đại úy Trần văn Thương Đại đội 3, Trung úy Chung văn Nghiêm Đại đội chỉ huy, Thiếu tá Nguyễn Kim Ðể tiểu đoàn phó.

Một đêm tối trời cánh B do thiếu tá tiểu đoàn phó chỉ huy bị tấn công dữ dội, ngay loạt pháo kích bằng súng cối 82 ly đầu tiên của địch đã có 5, 7 binh sĩ bị thương, anh Nguyễn Xuân Phúc đang xin hỏa lực yểm trợ pháo binh của chi khu Gò Quao. Chẳng biết phải làm gì tôi vào phòng trực của Trung úy Nguyễn Kim Thân ban 3 để theo dõi tình hình, thiếu tá cố vấn Mỹ thì ngơ ngác cứ ôm máy truyền tin chờ lệnh để báo cáo qua hệ thống cố vấn lữ đoàn. Ông ta cứ đi qua đi lại muốn biết những gì xảy ra mà sao nghe nhiều tiếng súng nổ từ hướng các đại đội, còn bọn tôi và Thân chẳng dám nói một lời nào nếu như chưa có lệnh.

Sau đó vài phút bầu không khí có vẻ dịu dần khi anh ra lệnh cho bọn tôi nhờ cố vấn Mỹ giúp đỡ liên lạc tản thương. Như được nhắc nhở tới, ông ta mừng lắm, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ sau thì những chuyến tản thương được bắt đầu, mọi việc đều bình thường trở lại vào sáng ngày hôm sau.

Chỉ ít ngày sau tôi được lệnh đi thực tập với Đại đội 1 của Trung úy Thạnh. Chuyến hành quân kỳ nầy không chạm trận lớn, nhưng đa số bị thiệt hại vì mìn bẫy và bị du kích bắn tỉa hơi nhiều. Tiểu đoàn lại được lệnh về nghỉ dưỡng quân hậu cứ sau đó, tôi được lên đại úy vào tháng 10 trong danh sách thăng thưởng thường niên của Bộ Tổng tham mưu và được tiểu đoàn cho lệnh đứng ra thành lập đại đội mới, lấy tên là Đại đôi 5, được góp nhặt lại từ mỗi đại đội khác trong tiểu đoàn 1 trung đội, còn Đại đội 3 Tiểu đoàn 2 sẽ do Trung úy Nguyễn Xuân Quang khóa 19 Thủ Ðức dẫn về trình diện Tiểu đoàn 7 tân lập, Đại úy Trần văn Thương thuyên chuyển về thành lập Đại đội Viễn thám sư đoàn.

Tháng 5 năm 1970 tiểu đoàn được tăng phái hành quân vùng mật khu Năm Căn quận Cái Nước. Ðây là vùng sông nước chằng chịt được phối hợp di chuyển bằng lực lượng hải chiến Hoa Kỳ, chúng ta đã khám phá và tịch thu khá nhiều kho vũ khí cùng vô số tài liệu mật của địch, địch đã cố tình né tránh nên suốt mấy tuần hành quân mà chẳng có cuộc chạm súng nào, tiểu đoàn được lệnh di chuyển gấp lại Cần Thơ bằng GMC và từ đây về Châu Ðốc, bằng những chiếc HQ của Hải quân mang chúng tôi thẳng tới Neak Lương, Campuchia vào sáng sớm ngày hôm sau. Lần hành quân nầy chúng tôi trực thuộc Lực lượng đặc nhiệm thủy bộ 211. Tư lệnh phó kiêm lữ đoàn trưởng Lữ đoàn A do Đại tá Hoàng Tích Thông chỉ huy từ ngày 9 tháng 5 đến 30 tháng 6 năm 1970, cùng tham dự còn có 2 Tiểu đoàn 4 và 7/TQLC, nhiệm vụ giải tỏa áp lực đang đè nặng tại thị trấn Preyveng.

Tiểu đoàn 2 đổ bộ thẳng vào phía tây thị trấn bằng trực thăng, thành phần còn lại di chuyển bằng xe từ Ban Nam lên để tiến chiếm mặt đông và đông bắc, Đại đội 1 của Lâm Tài Thạnh và Đại đội 5 của tôi được đổ bộ cùng với bộ chỉ huy cánh B đầu tiên vào giữa một cánh đồng trống đối diện với dinh tỉnh trưởng khoảng cách chừng hơn 1 km. Bộ chỉ huy của thành phố vẫn còn cố thủ mặc dầu bị bao vây nhiều ngày. Để tiện liên lạc chúng tôi được tăng cường thêm khoảng 1 tiểu đội lính Miên. Ðịch từ các cao ốc phía bắc thành phố bắn ra dữ dội, ta chỉ là những bia di động trên cánh đồng trống, có một vài anh em bị thương, còn lính Miên chưa quen chiến trường nên bò lê lết chắp tay cầu nguyện. Tiểu đoàn đã liên lạc một số phi cơ võ trang bao vùng và nhiều phi tuần hỏa lực yểm trợ, lệnh từ tiểu đoàn trưởng với ám danh đàm thoại Thái Dương là bằng mọi giá phải chiếm mục tiêu trước khi trời tối, áp lực địch yếu dần sau những lần không kích của ta, Đại đội 5 và Đại đội 1 dùng khói màu xung phong hàng ngang, và cuối cùng chúng tôi đã chiếm được bờ thành, bắt tay được với lực lượng trú phòng vào lúc trời nhá nhem tối; để rồi sau đó toàn bộ tiểu đoàn đã hoàn toàn di chuyển hết vào trong, ngủ qua đêm tại đây với nhiều trận pháo kích dữ dội của địch đã có thêm một ít thiệt hại.

Sáng hôm sau tiểu đoàn đã bắt tay được với Tiểu đoàn 4 và 7 ở hướng đông, tiếp tục bung rộng mục tiêu về hướng bắc, chúng ta bắt sống được một số tù binh của các sư đoàn chính qui CSBV đa số là các thanh thiếu niên còn quá trẻ bị lùa vào chiến trường, số còn lại đã rút lui, tiểu đoàn có lệnh truy kích địch đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ vòng đai thành phố nầy. Việt kiều của ta tại đây đã bị bọn Khmer Đỏ cáp duồn nhốt dưới các căn hầm tối om từ nhiều tháng đã được cứu thoát, đa số được chuyển vận về các trại tiếp cư của ta ở Châu Ðốc. Lệnh từ tiểu đoàn được ban ra chặt chẽ, các vị đại đội trưởng phải kiểm soát binh sĩ của mình đừng để xảy ra những điều không tốt. Anh đã nhiều lần đích thân xuống tại các trung đội để theo dõi và kiểm soát, nhờ vậy mà giảm đi rất nhiều tình trạng lính tráng ba gai vô kỷ luật. Bây giờ Đại úy Hợp đã là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 rồi, còn Đại đội 4 bàn giao cho đàn em Trung úy Kiều Công Cự.

Ðại đội 5 chúng tôi vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm phòng thủ án ngữ mặt bắc của thành phố Preyveng có 1 trung đội nằm tiền đồn tại một ngôi chùa kiên cố. Theo dự đoán anh biết thế nào chúng cũng sẽ tấn công vị trí then chốt nầy, anh đã ra lệnh cho tôi hãy phối hợp với sĩ quan đề lô để dự trù những tác xạ tiên liệu trước, rồi đánh dấu những hỏa tập ấy cẩn thận trên bản đồ khi cần thì sử dụng cho nhanh, qua mấy ngày chẳng thấy động tịnh gì. Vả lại do sự hời hợt không cẩn thận của mình nên các điểm được ghi trên bản đồ đã bị mờ hết.

Khoảng 1 tuần sau, vào một đêm tối trời địch đã điều động nguyên tiểu đoàn để tấn công vào Trung đội 1 của Thiếu úy Minh đang cố thủ tại đây. Ðúng theo điều dự đoán của anh, tôi gọi máy báo cáo về để xin hỏa lực pháo binh yểm trợ, anh vào máy hỏi tôi: “Thế các hỏa tập tiên liệu của ông đâu rồi”. Tôi ú ớ chẳng biết đường nào mà mò, cứ chấm đại các tọa độ mà tôi nhớ mang máng chế ngự chung quanh vị trí đóng quân. Anh tức giận lắm, lẽ dĩ nhiên tôi phải hứng chịu những danh từ “cay đắng nhất” mà anh đã dành cho tôi, tôi chỉ biết “Nhận rõ đại bàng, Nhận rõ Thái Dương 5/5”. May mắn cho tôi là các binh sĩ trong trung đội tiền đồn đã chiến đấu dũng mãnh nên giữ vững tuyến phòng thủ suốt đêm để chờ tăng viện vào sáng ngày hôm sau, và cũng nhờ mát tay nên chỉ có vài anh em bị thương nhẹ, còn địch buộc phải rút lui để lại nhiều vũ khí và xác chết. Anh đã đến thăm khi tan trận và tỏ vẻ hối tiếc về những lời lẽ nặng nề đã dành cho tôi từ tối hôm qua, còn tôi chẳng biết nói gì hơn xin nhận lỗi về phần mình. Tiểu đoàn tiếp tục nhiều cuộc hành quân đổ bộ bằng trực thăng vào các căn cứ địch, nhiều cuộc chạm súng đã xảy ra và cũng bị thiệt hại khá nhiều.

Về lại hậu cứ sau gần 2 tháng trời hành quân tại Campuchia, để rồi vào tháng 7 năm 1970 tiểu đoàn được không vận ra Ðà Nẵng, bắt đầu những ngày tháng hành quân liên tục ở miền địa đầu giới tuyến, qua các căn cứ Sarge, Bá Hô, Holcom, Cùa, Mai Lộc… để rồi sau đó tăng cường cho biệt khu Quảng Ðà hành quân vùng rừng thiêng nước độc Ðức Dục, Quảng Nam.

Tháng 2 năm 1971 từ phi trường Biên Hòa Tiểu đoàn 2 được chuyển vận ra Phú Bài, rồi di chuyển vào vùng Khe Sanh tham dự giai đọan cuối của cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào. Trong khi chờ đợi, tiểu đoàn hành quân lục soát an ninh toàn bộ vùng núi đồi quanh khu vực, sau đó chính thức tham dự vào những ngày đầu tháng 3 năm 1971. Lữ đoàn 147 do Đại tá Hoàng Tích Thông chỉ huy gồm các Tiểu đoàn 2, 4, 7, được trực thăng vận vào Căn cứ Delta. Ðây là một dãy đồi có thế yên ngựa ở độ cao 550 m gồm 2 mõm nhỏ, mặt bắc đặt bộ chỉ huy lữ đoàn, còn phía nam chỉ có khả năng đủ chỗ cho một pháo đội hỗn hợp gồm 2 khẩu 155 ly và 6 khẩu 105 ly thuộc Tiểu đoàn 2 Pháo binh. Mặt tây là một triền dốc đá thẳng đứng, còn phía đông là những rẫy hoang cùng nhiều đường mòn chi chít.

Lữ đoàn 258/TQLC cũng được trực thăng vận vào đỉnh Koroc cùng với 1, 3, 8 và Tiểu đoàn 3 Pháo binh. Nhưng mặt trận chính vẫn là vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 147. Tiểu đoàn 4/TQLC được thả xuống và bung rộng về hướng đông bắc, Tiểu đoàn 2/TQLC chịu trách nhiệm mặt tây bắc, trong khi đó Tiểu đoàn 7 bảo vệ bộ chỉ huy lữ đoàn.

Ðại úy Nguyễn Hoa khóa 20 Ðà Lạt trưởng ban 3 bị tử thương cùng nhiều binh sĩ khác trong loạt pháo kích đầu tiên của địch vào căn cứ hỏa lực. Tiểu đoàn 2 có 4 đại đội trưởng thì 2 người đã bị loại khỏi vòng chiến trong tuần lễ đầu tiên. Trung úy Kiều Công Cự đại đội trưởng Đại đội 4, Ðại úy Nguyễn Kim Thân đại đội trưởng Đại đội 2, Trung úy Bùi Ngọc Dũng đại đội phó Đại đội 2 cũng bị thương rất nặng cùng Thiếu úy Trần văn Loan. Tất cả đã được tải thương kịp thời nhưng Dũng đã bị chết dọc đường, sau nầy được ghi nhận là mất tích.

Như cục đường bỏ vào hang kiến, địch cứ thế mà bu vào. Sau khi rảnh tay ở mặt trận phía bắc, địch dùng tất cả mọi nỗ lực hầu uy hiếp tràn ngập căn cứ. Hai trực thăng của ta trong chuyến tiếp tế tải thương đã bị phòng không địch bắn hạ nhưng vẫn cố gắng đáp xuống căn cứ, phi hành đoàn an toàn, pháo binh cơ hữu tại căn cứ bị kiệt quệ hoàn toàn, mọi sự yểm trợ nhờ vào Lữ đoàn 258 tại Korock và các phi vụ yểm trợ của Không quân Hoa Kỳ. Tiểu đoàn 2 bị địch chận đánh khi hoạt động cách căn cứ khoảng 3, 4 km. Trong một phi vụ yểm trợ, một quả bom đã lạc vào ngay vị trí Đại đội 5 làm bị thương một số binh sĩ, mọi thương bệnh binh đều phải tải về ứ đọng tại bộ chỉ huy lữ đoàn không còn chỗ chứa, nên lệnh là phải tiết kiệm xương máu của binh sĩ tối đa.

Sáng nào cũng vậy các đại đội trưởng đều phải về họp để nhận lệnh những việc cần làm trong ngày, anh Phúc thường hay dặn dò bọn tôi tỉ mỉ là phải cố sức theo dõi và khuyến khích tinh thần binh sĩ, sớm muộn chúng tôi cũng được về vì tình hình không cho phép ở đây lâu. Chưa bao giờ tôi thấy anh buồn và đăm chiêu bằng lúc nầy, anh hút thuốc liên tục và thường hay bói bài một mình. Với khả năng Anh văn lưu loát anh đã điều động tất cả mọi phi vụ yểm trợ cho tất cả đơn vị thuộc lữ đoàn, Tiểu đoàn 4 và 7 cũng không tránh số phận như Tiểu đoàn 2 chúng tôi, tất cả đã co cụm về chung quanh bộ chỉ huy lữ đoàn. Ðại bàng Thái Dương của chúng tôi đã được điều động về bộ chỉ huy lữ đoàn cùng trợ giúp cho đại tá lữ đoàn trưởng. Kể từ giờ phút nầy anh đã lên máy thường xuyên trong việc phụ tá cho vị lữ đoàn trưởng chỉ huy toàn bộ lữ đoàn.

Một trung đội đặc công cảm tử địch đã bất ngờ tấn công và chiếm được một số vị trí của đơn vị phòng thủ với ý định cắt đứt mọi tiếp viện từ ngoài vào hầu làm bàn đạp cho lực lượng còn lại tung quân tràn ngập bộ chỉ huy lữ đoàn. Từ tiền đồn phía bắc được chính anh ra lệnh đem quân về giải tỏa khẩn cấp, tôi điều động 2 trung đội từ ngoài đánh vào, trong khi đó lực lượng của Tiểu đoàn 7 từ trong đánh ra, địch lúng túng ngơ ngác nên bị chúng tôi thanh toàn dễ dàng. Một số đã bị bắt sống và chết ngay tại các căn hầm chúng chiếm được bằng những quả lựu đạn thật chính xác của ta. Tất cả bọn chúng thuộc Sư đoàn 324B có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ chỉ huy Lữ đoàn 147.

Chuyện gì đến thì sẽ đến, không thể nằm chần chờ chịu trận để quân số cứ hao hụt dần dần, lữ đoàn đã có lệnh di tản chiến thuật từ quân đoàn, nhưng lệnh nầy chỉ phổ biến đến cấp tiểu đoàn trưởng mà thôi, lý do thật giản dị là cố gắng duy trì tinh thần binh sĩ hầu đủ thời gian sắp xếp cho kế hoạch rút lui. Anh hầu như có mặt trên máy vô tuyến thường xuyên ngày cũng như đêm để giữ vững tinh thần của anh em binh sĩ, Tiểu đoàn 4/TQLC hoạt động xa về hướng đông bắc bị thiệt hại khá nặng đã rút lui ào ạt băng qua vị trí đóng quân của Đại đội 5 chúng tôi. Cá nhân tôi có yêu cầu họ hãy nằm lại vị trí để giúp đỡ chúng tôi, nhưng tất cả đều vô vọng vì họ trong tình trạng không còn kiểm soát chỉ huy. Anh vẫn theo sát tình hình và thường xuyên khuyến khích chúng tôi, Đại đội đã bị cô lập ngoài vị trí tiền đồn suốt hơn tuần lễ không tải thương, không tiếp tế, tất cả các điểm có nước dưới chân đồi đều bị địch bao vây và chế ngự. Trời tháng 3 với cái nóng như thiêu như đốt miền Hạ Lào đã gây khốn đốn cho chúng tôi, vừa đói lại vừa khát, đó là vào những ngày 21, 22 tháng 3, 1971.

Vào buổi trưa sau khi họp các trung đội trưởng lại để báo cáo tình hình, ai nấy cũng vui mừng vì nghe tin là sẽ được rút, một cơn mưa bất chợt rất ngắn vào giữa buổi trưa hè đã được mọi người vổ tay mừng rỡ, tất cả nước đầy bi đông cùng đỡ lòng bằng những bao gạo sấy, nhưng rồi “phúc bất trùng lai”, một trận mưa pháo thật ác liệt của địch vào ngay vị trí đóng quân nhất là ban chỉ huy đại đội, Thiếu úy Nguyễn Kim, trung đội trưởng vũ khí nặng đã tử thương cùng Hạ sĩ Ngạch hiệu thính viên, nhiều người khác bị thương rải rác. Tôi vẫn liên lạc thường xuyên về tiểu đoàn nhưng mọi chuyện đều ngoài khả năng giải quyết của vị tiểu đoàn trưởng vào lúc nầy.

Vào khoảng 6 giờ chiều ngày 23-3-71 có tiếng rồ máy của chiến xa địch từ xa, tôi báo cáo về anh thì anh cho biết đó là tiếng gầm gừ của máy bay đến yểm trợ cho mình, không sao đâu cứ an tâm, khoảng nửa giờ sau thì chúng đã mon men vào tuyến, và khi đó cũng là lúc tôi nhận được lệnh rút quân từ tiểu đoàn.

Thiếu úy Ðinh Hồng Lạc người sĩ quan trẻ nhất và cũng gan dạ nhất trong đại đội đã bị tử thương ngay đợt tác xạ đầu tiên của địch, có vài chiếc bị khựng lại và bốc cháy do những quả đại bác SKZ 57 ly từ Trung sĩ nhất Nguyễn Tế. Giọng anh vang vang trong máy “Tiền Giang phải cho con cái move down south gấp”

Bật chạy ra khỏi hầm trú ẩn vừa chạy vừa hô to: “Ðại úy Tiền đây, các anh hãy theo tôi”. Cứ thế tôi lải nhải vào tận phía trong. Bộ chỉ huy trống vắng, mùi hôi thúi của các tử thi nơi những chiếc poncho bọc kín không được tải thương trong nhiều ngày, vài ba chục trong toán lính bị thương còn lại đang hờn trách cấp chỉ huy, tôi vẫn hô to: “Ðại úy Tiền đây, các anh hãy theo tôi”. Giọng Hạ sĩ Báu người lính gan dạ của đại đội bị thương vào chân trong mấy ngày trước khóc to nhất: “Chân em bị gãy làm sao chạy được ông thầy!” Nước mắt tôi tuôn chảy, miệng lẩm bẩm cầu nguyện ơn trên, trong khi đèn chiến xa địch bắt đầu soi sáng bắn nã theo lên đồi căn cứ. Không thể chần chờ được nữa, có tiếng hô to của giặc phía sau: “Hàng sống chống chết”. Tôi và 2 hiệu thính viên Ðặng Phước Thành và Nguyễn văn Chúc cùng nắm dây leo trên đỉnh dốc đá thẳng đứng tuột dù, chiếc dây quá tải bị đứt nửa chừng, thầy trò rớt chồng lên nhau trên mặt đất, tay mò mẫm khắp nơi trên cơ thể, đứng lên ngồi xuống, mới yên tâm là mình còn đủ sức thoát hiểm mưu sinh. Tập hợp lại tại chỗ dưới chân đồi được vài ba chục mạng thuộc nhiều đơn vị khác nhau, tôi ra lệnh tất cả hãy theo tôi và tuyệt đối giữ kỷ luật khi di chuyển. Thỉnh thoảng cũng có giọng của Ðại úy Hợp tiểu đoàn phó còn hầu như mọi sự điều động đều từ niên trưởng Nguyễn Xuân Phúc, anh đã làm cho anh em chúng tôi cảm thấy thật an tâm, mặc dầu trong tình thế thật nguy kịch như lúc nầy, chúng tôi theo sự chỉ dẫn đó mà đi suốt đêm đến trưa ngày hôm sau mới trèo lên đỉnh dốc của một ngọn đồi cao nơi có Tiểu đoàn 3/TQLC chờ sẵn để tiếp cứu. Vài binh sĩ vì quá kiệt sức đã lăn ra chết ngay tại chỗ, tất cả thương bệnh binh được anh ưu tiên trong những chuyến tải thương đầu tiên, nhưng chỉ nửa giờ sau thì bãi bốc không còn an toàn nữa, địch trên đà chiến thắng xông lên tấn công mặc dầu trước sức phản công mạnh mẽ của các chiến sĩ Sói Biển, nhưng để tránh thêm thiệt hại, toàn bộ được lệnh di chuyển đến một nơi an toàn khác. Các chuyến trực thăng vận lại tiếp tục làm nhiệm vụ của mình ở bãi bốc mới, các sĩ quan tham mưu lữ đoàn, các Ðại Bàng lần lượt ưu tiên trong những chuyến bay đầu, nhưng anh vẫn là người bình tĩnh nhất ở lại điều động cho hết toàn bộ các đơn vị thất lạc. Niên trưởng đã thể hiện được trách nhiệm của một cấp chỉ huy đáng khâm phục, gần phân nửa tiểu đoàn bị hao hụt khi về lại Khe Sanh.

Một cuôc diễn hành rầm rộ mừng chiến thắng sau đó tại Phú Văn Lâu vào ngày 12 tháng 4 năm 1971, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu duyệt binh trước các đơn vị đã tham dự hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào, anh được thăng cấp trung tá cùng nhiều vị chỉ huy khác, Ðại úy Hợp lên thiếu tá, còn tôi và Lâm Tài Thạnh mỗi người được ân thưởng Ðệ ngũ đẳng Bảo quốc huân chương với nhành dương liễu. Sau đó được không vận về lại hậu cứ bổ sung quân số và tái trang bị rồi lại tiếp tục lên đường chiến đấu sau thời gian 2 tháng huấn luyện bổ túc tại Trung tâm huấn luyện quốc gia Vạn Kiếp, Bà Rịa, Vũng Tàu.

Tháng 10 năm 1971 tôi được lệnh bàn giao Đại đội 5 cho Trung úy Huỳnh văn Trọn vừa du học Mỹ trở về để đảm nhận chức vụ trưởng ban 3. Do kinh nghiệm qua cuộc hành quân Hạ Lào vừa qua trong việc bảo mật truyền tin, anh đã ra lệnh cho anh em chúng tôi là phải tìm một con số ngụy hóa tên của mình, anh khóa 16 nên có danh xưng là 216, Thiếu tá Hợp khóa 19 là 819, còn tôi là 324, Đại úy Liễng là 414. Từ đấy mỗi lần nói chuyện với nhau phải được ngụy hóa bằng những ám danh đàm thọai đàng hoàng, không còn những tên gọi “thẩm quyền, đại bàng, thái dương, mặt trời” như trước kia. Trong cuộc tấn công ào ạt của Cộng sản vào Mùa hè đỏ lửa 1972, Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên chỉ có mặt vào những ngày cuối cùng tháng 4-72, khi sắp diễn ra cuộc lui binh ở mặt trận bắc Quảng Trị, 2 Lữ đoàn 147 và 258 đã bị tổn thất nặng nề, Sư đoàn 3/BB cùng các liên đoàn Biệt động quân hầu như tan rã toàn diện. Lữ đoàn 369 gồm các Tiểu đoàn 2, 5, 9 do Đại tá Phạm văn Chung chỉ huy là đơn vị còn lại mạnh nhất để tiếp cứu đồng đội và chặn đứng sức tấn công dũng mãnh của quân Cộng sản, một phòng tuyến mới được thiết lập ngay sát bờ nam dòng sông Mỹ Chánh. Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên chịu trách nhiệm giữ an ninh con đường từ Căn cứ Nancy sát quốc lộ 1 đến tận cùng về phía Trường sơn, Đại đội 4 do Đại úy Liễng chỉ huy trấn giữ căn cứ đồi Barbara ở độ cao 300 m, đây là điểm chiến lược quan trong nhất còn lại để bảo vệ tuyến phòng thủ phía nam, bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng tại khu rừng trên nửa đoạn đường, các đại đội còn lại hoạt động chung quanh vị trí, với tầm nhìn xa của một cấp chỉ huy đầy kinh nghiệm, anh biết thế nào Đại đội 4 cũng sẽ bị chịu ăn pháo và tấn công, một cuộc lui binh nữa để bỏ căn cứ rồi cũng sẽ được diễn ra trong tương lai không biết xảy ra bất cứ lúc nào, anh đã ra lệnh cho Ðại úy Liễng là hàng ngày phải có một toán xuống núi hoạt động chung quanh, cố gắng mở được một con đường thoát bí mật ăn thông với bộ chỉ huy tiểu đoàn để khi cần thiết sử dụng hoặc để tiếp tế tải thương, khi khoảng 5 km đường rừng được khai thông cũng là lúc địch tập trung nhiều hỏa lực pháo kích uy hiếp hầu tràn ngập căn cứ. Lệnh cho Đại đội 4 được lui binh rời bỏ căn cứ bất ngờ vào ban đêm để trống mục tiêu hầu dễ dàng cho không quân oanh kích đúng như tiên liệu của anh, nhờ vậy mà Đại đội 4 đã về được bộ chỉ huy tiểu đoàn an toàn, tránh được cuộc phục kích nằm chờ sẵn của địch được chúng tiên liệu theo trục tiến quân. Sau đó tiểu đoàn được điều động thay thế tiểu đoàn bạn để phòng thủ tuyến Mỹ Chánh, bộ chỉ huy được đặt trên một ngọn đồi nhỏ tại một nhà thờ vừa mới được cất, đây là thời gian sôi động nhất của cuộc chiến 72, hầu hết các hãng thông tấn ngoại quốc thường hay đến săn tin, cứ mỗi buổi chiều khi họ về thì đó là lúc địch tập trung pháo kích, nhờ có tiền sát viên bám sát nên chúng pháo thật chính xác vào vị trí ta, mỗi lần nghe tiếng depart là anh gióng hướng phương giác nghịch tìm đọc trên bản đồ để rồi ước lượng khoảng cách xin phi cơ quan sát tìm cách phản pháo, nhờ vậy mà mỗi ngày cường độ địch pháo kích bớt đi.

Ðêm nào cũng vậy các đại đội phòng thủ ở tuyến đầu bị tấn công liên tục, nhờ tinh thần chiến đấu cao và hỏa lực yểm trợ dồi dào nên địch chẳng làm gì được ta, anh thức rất giỏi mỗi lần nghe nơi nào chạm địch là anh vào máy theo dõi tình hình liền, thay vì đó là công việc của sĩ quan ban 3.

Làm sĩ quan tham mưu dưới quyền anh cũng khổ, cái gì anh cũng giành làm, vì chẳng ai làm vừa ý được như anh, cuối tháng 5-72 khi bắt đầu có lệnh phản công tái chiếm lại thị xã Quảng Trị cũng là lúc anh nhận được lệnh về làm lữ đoàn phó 147, bàn giao Tiểu đoàn 2 cho Thiếu tá Trần văn Hợp, còn cá nhân tôi làm tiểu đoàn phó. Trong những ngày đầu tiên của hiệp định ngưng bắn sau trận Cửa Việt ngày 28 tháng giêng, 1973, anh đã thường xuyên có mặt ở tuyến đầu trách nhiệm việc trao trả tù binh cũng như giải quyết các đơn vị Cộng sản còn kẹt lại bên trong vùng trách nhiệm của ta về bên kia chiến tuyến.

Vào những ngày đầu năm dương lịch 75, trước sức tấn công ào ạt của quânCộng sản, Sư đoàn Thủy quân lục chiến thành lập thêm Lữ đoàn 468, anh đã đảm nhận chức vụ lữ đoàn trưởng 369 cùng với Trung tá Ðỗ Hữu Tùng lữ đoàn phó, cả hai anh đã mất tích trong những ngày di tản cuối cùng vào những ngày tháng cuối tháng 3-75.

Bên cạnh những hào quang sáng chói của một cấp chỉ huy mẫu mực, gan dạ, thông minh, hết lòng với thuộc cấp, anh cũng có một đời sống thật phong sương đầy hào hùng nhưng cũng không kém phần vui nhộn của người lính tác chiến. Anh là một tay nhậu cừ khôi ít ai địch nổi, có thể ngồi uống suốt đêm nếu có ai đó cùng nhậu tán gẫu hợp “gout” mình. Ðêm ở nhà thờ Mỹ Chánh với Phan Nhật Nam vào mùa hè đỏ lửa 72, có lẽ là một kỷ niệm khó quên khi người cố vấn quá say trốn đi ngủ sớm, chỉ còn anh và người niên đệ Phan Nhật Nam, chén anh chén em tâm sự trong khi những tràng đạn pháo kích địch rải rác khắp đó đây. Mỗi lần như vậy anh thường hay kêu tên chửi đổng từ Hồ chí Minh đến Võ Nguyên Gíáp, Lê Duẩn, Trường Chinh…

Lúc cao hứng nhất thì anh lại hát những bài hát được sửa lời theo ý mình, 2 bản ăn khách nhất mà anh thích nhất là Trấn thủ lưu đồn và Tình thư của lính. Anh là một tay tiếu lâm có hạng. Vì là sĩ quan độc thân nên anh xem đơn vị cũng như gia đình, luôn luôn giải quyết những trường hợp khó khăn của thuộc cấp, mỗi lần tiểu đoàn về hậu cứ là anh ra lệnh các đại đội trưởng phải thường xuyên viếng trại gia binh, theo dõi khẩu phần ăn của binh sĩ mỗi ngày, nếu có ai đó đụng chạm đến quyền lợi của binh sĩ, anh sẽ trừng trị thẳng tay. Làm đơn vị trưởng nhiều năm nhưng chẳng có gì riêng cho mình, con nhà giàu độc thân thứ thiệt thì tiền bạc chẳng có nghĩa gì đối với anh. Là một người từng du học Hoa Kỳ nhưng anh cũng là người không bao giờ cầu cạnh hoàn toàn vào người Mỹ.

Anh cũng là tay cờ bạc có hạng, biết chơi tất cả các loại bài mà lại cũng là tay cao thủ từ mạt chược, tứ sắc, tổ tôm, xì phé, xập xám đến cờ tướng, bài cào cắc tê, nhưng tất cả chỉ là để giải trí cho qua hết thời giờ nhàn rỗi chứ không có ý sát phạt.

Cuộc chiến rồi cũng qua, đời người rồi cũng hết, hôm nay ngồi ghi lại những dòng nầy như một trổi dậy từ ký ức của một đứa em đã từng có những ngày vui buồn với anh; những ngày hành quân gian khổ cùng chia nhau những giờ phút sinh tử tại chiến trường, hay những giờ phút thật cô đơn của đời lính lạc lỏng bơ vơ nơi hậu cứ, bên ngoài những ào ạt nóng bỏng của đời sống hằng ngày, tôi đã tìm được nơi anh những khoảng trống tinh thần của một kiếp người vô vị mà những cái chết thật tình cờ hầu như đang rình rập quanh đây, mỗi ngày mỗi giờ ở những người bạn đã lần lượt ra đi! Ðời sống con người chỉ là những quán trọ bên đường, còn đó, mất đó, anh đã sống hết cho tha nhân, chẳng có gì của riêng mình dù là một tí hạnh phúc nhỏ bé. Sự mất tích của anh cũng như nhiều sự ra đi khác trong khung cảnh triệt thoái không được chuẩn bị trước, đành rằng “cổ nhân chinh chiến kỷ nhân hồi”, nhưng sự mất tích nầy của anh cũng như anh Ðỗ Hữu Tùng là niềm đau chung cho những người lính Thủy quân lục chiến chúng tôi.

Niên trưởng đã ngủ yên một nơi nào đó mà không ai thấy, không ai nghe, không ai biết! Mặc dầu tuyệt vọng hoàn toàn, nhưng trong tâm khảm của mỗi người lính Mũ Xanh đều ao ước một sự trở về của anh dù chỉ trong tưởng tượng của những giấc ngủ về đêm.
Phạm văn Tiền (khóa 20 Đà Lạt)

No comments:

Post a Comment