Wednesday, September 21, 2022

Trần Công Đài K16 và NHỮNG MẨU CHUYỆN NGẮN (1/3)

LỜI NÓI ĐẦU              

(Tôi dùng đoạn “Thay cho lời tựa” của cuốn hồi-ức CHUYỂN BẾN, làm “Lời nói đầu” của tập “FB của tôi và những mẩu chuyện ngắn” )

Có người hỏi tôi : “ Anh nghĩ thế nào về những hồi-ức mà anh đã đọc qua? Mà anh đã nghe-biết? Đã nghe những lời bình-phẩm? Chỉ nói về tính chân-thực mà thôi “. 

----------------------------------------
 
 

Tôi hỏi lại : “ Khi Trang-tử cùng Huệ-tử ngắm đàn cá tung-tăng, và Trang-tử bảo rằng cá đang vui-thích. Vậy Trang-tử nói thật hay nói đùa?”

Mấy ai đọc những hồi-ức mà tin rằng đó là do người viết thật lòng viết ra? Có ai viết hồi-ức mà phủ-nhận tính chân-thực của những chuyện mình kể?
  Khi trăng soi trên mặt nước, khi ta soi mặt trước gương, thì tuy chỉ là ảnh nhưng ảnh thật. Những suy-tưởng thường đưa đến ảnh ảo.
  Người viết hồi-ức, nếu dùng hồi-ức mình làm mặt nước hay tấm gương cách thuần-túy, cũng có khả-năng tạo nên những ảnh thật. Nhưng mấy ai? Vì chưng mấy ai khi hồi-tưởng và kể lại mà không đắn-đo, nghĩ-suy? Ở đây không nói đến tưởng-tượng. Dĩ nhiên không có viển-vông.

Những bài hồi-ức tôi viết này có các dạng trên, nhưng không quá xa. Nếu có ai cho rằng có hư-cấu, thì tôi thú nhận rằng thật đúng như vậy, nhưng có hạn-chế nhằm hỗ-tương cho những chi-tiết chân-thực khác được thuận-lợi hơn.

Tôi tin Trang-tử không đùa khi đưa ra ý-tưởng của mình trong câu chuyện trên. Ông thực-tâm. Tôi cũng cho rằng mình đã thực-tâm khi viết những hồi-ức này.
                                    

                        1. NHÂN CHỨNG THỜI ĐẠI
Họ là nhân chứng của 30 năm của thế kỷ 20 về chiến tranh Việt Nam, từ 1945-1975. Cuộc chiến thật vô nghĩa! Bây giờ nếu còn sống, thì kẻ trẻ nhất đã 80 tuổi. Người trẻ nhất này - dù còn rất nhỏ - với những năm từ 1942 đến 1946, đã có cảm giác về một sự chuyển đổi, từ cảnh sắc thanh bình của những năm 1944 về trước, đến sự rộn-rã náo động của chiến tranh vào 2 năm sau, 1945, 1946.

  Còn nhỏ, chưa đi học, lại ở thôn quê, trẻ con chỉ tụ tập bắt bướm, bắt chuồn chuồn, hái hoa nuôi dế, chơi bi, đánh đáo. Đình đám, các ngày lễ, hội hè quanh năm - và nhất là Tết Nguyên đán, là niềm vui của chúng. Thật an bình, không chút nghĩ suy nào về chính trị. Không phải chỗ nào cũng có người Pháp. Mà có lúc thấy họ, chỉ là hiền-hòa.

  Rồi cuối 1944 tới những năm sau, tiếng bom đạn rền vang. Những tháng ngày này, mỗi chút tin “từ bất kỳ ai” cũng khiến dân làng tôi phải chạy tránh bom. Từ nhà đến “núi Nhồi” khoảng 6 km, gia đình tôi lại theo dân làng di tản. Mẹ, 1 gánh nặng lương-thực với nồi niêu, vật dụng linh tinh - bà ngoại, 1 gánh với mỗi đầu 1 cháu nhỏ : 1 ba tuổi, 1 một tuổi. Chị tôi khoảng 9 tuổi thì tay xách nách mang, phụ bà ngoại tôi đem theo quần áo, chăn mền. Anh tôi và tôi cắm cúi chạy theo.
  Bố tôi thì “chịu trận” tại thành phố Thanh Hóa với chiếc xe hành khách, nằm ụ từ mấy tháng qua vì tình hình, từ chuyển đổi Pháp qua Nhật, rồi từ Nhật qua chính quyền kế tiếp.

  Người Nhật cũng đã có mặt tại xóm tôi ở. Ngựa cột vào thân các cây cau, lính thì rải-rác quanh vườn hằng đêm. Cách nhà tôi vài trăm thước là khu nghĩa địa, là nơi tôi luôn thấy lính Nhật chết được hỏa thiêu. Bọn nhỏ chúng tôi luôn được lính Nhật cho kẹo, bánh. Hai tiếng “Zô-tô và zô-tô-nay” luôn được nghe từ miệng họ.

  Và nạn đói. Tôi được gửi cho 1 cô ruột tôi tại tỉnh lỵ. Chú Ch. - chồng cô - đang là 1 viên chức lớn, với 1 biệt thự rộng rãi, và bấy giờ lui tới là các quan chức, sĩ quan Nhật.

Cũng không lâu, Nhật bị giải giới (sau này tôi mới hiểu), cô chú phải dời đi chỗ khác, và tôi được trả về nhà. Nạn đói cũng đang giảm.
(Riêng chú tôi - về sau mới biết - bị truy tầm, phải chạy về Huế, rồi tiếp tục bị đuổi bắt bởi chính quyền mới, trốn về Hà Nội. Ông bị bắt và bị hành-quyết tại đây. Ông là Ủy Viên Kinh Tài Trung Ương của VNQDĐ).

  Những thanh toán đẫm máu ít thấy tại thôn quê, nhất là làng xóm tôi ở. Tuy gần suốt 1946, không nghe thêm tiếng bom, và cũng vắng tiếng súng ở đây, nhưng không khí sinh-hoạt của dân chúng vẫn có khác. Mỗi sáng thật sớm, thanh-thiếu-niên trong làng đã phải thức dậy, tập đi “một hai”. Tôi không thuộc loại tuổi này, nhưng hiếu kỳ theo chị, anh mà nhập bọn. Dĩ nhiên tôi xếp hàng chót. Mà hàng chót có bất lợi là chỉ biết chạy theo. Các anh lớn chân dài, bước mau khiến tôi và mấy đứa cùng tuổi chỉ biết chạy.

Huế của 1947-1954 cũng không khá hơn. Hàng tuần, tôi đi lại giữa 2 lằn ranh. Lấy Bến Ngự làm ví dụ. Chỉ biết đi học, và nghe. Loa phóng thanh thông tin ra rả suốt. Hết địch đến ta. Không khác gì 1 tiết mục trên báo (không nhớ tên) “Người Do Thái lang thang”, đại ý như truyện dài “Nhân dân tự vệ” sau này (VNCH). Cuối tuần, lên chăm sóc bà nội, cách Nam Giao chỉ khoảng 700 mét đi về hướng Tây, đã thấy sự lặng lẽ khác thường. Vì đồn Tây thì ở Nam Giao, mà các đơn vị tuần tiễu cũng không dám đi xa hơn khỏi đường vào chùa Từ Hiếu. Ban đêm không nghe tiếng súng nổ, nhưng sự đi lại của dân chúng cũng bị giới hạn, nhất là ban đêm.

  Một ngày của tháng 7/1954, (sau này thì tôi biết khoảng 1 tuần, sau hiệp định đình chiến Genève ký kết) tôi từ Trần Tộc Từ Đường la lên : VM, VM, khi thấy từng đoàn người đi bộ từ phía Tây về thành phố. Sau, được biết tình hình chung. Đó là số người tập kết ra Bắc.

1955-1959 là cả 1 giai-đoạn “thanh bình” dưới con mắt đa-số người dân bình thường. Rồi những tháng ngày tiếp theo, sau khi tôi vào Quân trường cuối 1959, chính thức vào binh nghiệp. Thì đã được nghe, biết, và tìm hiểu thêm cho đến 15 năm sau, là 1975.

Lứa tuổi bọn tôi từ nhỏ khi biết cảm nhận, rồi lớn lên với tri-thức và kinh nghiệm, thì “tang điền thương hải” 30 năm (1945-1975) đã khiến chúng tôi thành “nhân chứng thời đại”. Ngậm ngùi không chỉ vì sự “vô nghĩa” của chiến tranh tại VN, của tất cả xáo trộn, thảy đem đến thảm cảnh vô cùng tệ hại cho bao thế hệ chúng tôi - mà còn là những tủi nhục cho thế đứng “nhược tiểu” của VN mình. Có thể khóc được khi nghĩ đến cảnh nô lệ, tù đày “truyền kiếp” ngay từ khi Công-nguyên bắt đầu. Không phân biệt giới tuyến, những chiến sĩ VN đều là anh hùng. Họ là tốt thí dưới những tay chơi “siêu cường”.

Cổn cổn Trường giang đông thệ thủy
Lãng ba đào tận anh hùng
Thị phi thành bại chuyển đầu không
Thanh sơn y cựu tại
Kỷ độ tịch dương hồng
Bạch phát ngư tiều giang chữ thượng
Quan khán thu nguyệt xuân phong
Nhất hồ trọc tửu hí tương phùng
Cổ kim đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung”” (LÂM GIANG TIÊN - Dương Thận, đời Minh, Trung Hoa)

Trường giang cuồn cuộn chảy về đông
Sóng thời gian cuốn sạch anh hùng
Thành bại đúng sai đều huyễn mộng
Vẫn núi xanh vẫn ráng chiều hồng
  Ngư tiều tóc bạc trên sông ngắm
  Chỉ vẫn là thu nguyệt xuân phong
  Một vò rượu nhạt cùng vui nhắm
  Sá chi nào thế sự đục trong””   (DT, Stone Mountain, Georgia 2019 - Tôi dịch thoát)

Cũng chẳng bao lâu nữa, những nhân chứng thời đại đó sẽ như các viên sỏi được ném
trên mặt hồ. Chút âm ba rồi biến mất.
 
2. NHÌN LẠI
(Tâm sự một thời gởi các bạn đồng lứa)
Ba năm nhào nắn ở quân trường
“Dệt thắm lòng ai mộng viễn phương
“Nam nhi hề tang bồng hồ thỉ
“Bước chinh nhân đạp vạn nẻo đường
“Những ai hiện tại nhắp tương lai
“Bước đường xa vui mộng viễn hoài
“Là hồ điệp hay là thực cảnh
“Mấy mươi năm một thoáng trần ai
“Đã mấy thập niên ngày súng gãy
“Bao năm rồi lận đận tha phương
“Đều vô nghĩa thị phi thành bại
“Trí lực tàn còn lại đau thương
“Vinh nhục đủ còn chi luyến tiếc
“Ván cờ kia xóa sạch lâu rồi
“Dồn dập bạn xưa lời vĩnh biệt
“Tiễn bạn rồi ta tiễn ta thôi
“Tám mươi năm thật đã đủ dài
“Nhìn lại mình nhìn lại những ai
“Ôm ước vọng không bao giờ thỏa
“Chút niềm riêng có chút u hoài””
(DAITRAN, Stone Mountain, GA 30087 / May 17, 2021)

 
  3. HUẾ VÀ TÔI
1948, khi học lớp 3 (élémentaire) trường Pellerin, Huế, tôi và anh tôi bị loại khỏi các cuộc chơi. Từ Bắc Trung-Việt vào Huế 2 năm trước, tôi lớn hơn so với tuổi đi học. Ở quê (Thanh hóa), gần Thành Nhà Hồ (Tây Đô), cách xa gần 5 km từ nhà. Không học hành, chỉ biết đùa chơi với bạn cùng lứa trong làng.
Chỉ vì giọng nói, Bắc không ra Bắc, hơi chút nặng mùi “Thanh-Nghệ-Tĩnh”, để bạn học lại cười : “Bắc-kỳ ăn thịt …”.
1955-1956, vào Quốc-học Huế, lớp Đệ Lục. Từ đàn Nam Giao đi về hướng lăng Tự Đức khoảng non cây số là nhà thờ họ Trần. Tôi ở phía sau, cách 200 mét.

Ngày 2 buổi đi học. Đi bộ. Con đường Nam Giao “thẳng mà không bằng” (Xuân Diệu - Phấn Thông Vàng) đi, về không xa. Khoảng cách từ nhà đến trường không quá 5 km. Niềm vui của chàng học sinh mới lớn, mới biết yêu là … đi theo các cô học sinh. Tôi rất yêu đời đi theo từng dòng áo trắng buổi sáng đến trường.

Không lâu, tôi có một chọn lựa. Nàng có mái tóc buông dài rất nên thơ. Thường “nữ sinh xưa nhờ áo mà thấy eo đẹp”. Tôi cứ thế luôn theo phía sau nàng, chưa hề chạm mặt. Chắc tuổi nàng trạc tuổi tôi, 16.
Và cũng cứ thế thời gian thật chóng đến với khoảng 2 tháng sau. Tôi tan học chiều, vội đi mau về (vì Đồng Khánh vào lớp sớm, bải sớm, trước Quốc-học khoảng 15 phút hay nửa giờ). Qua khỏi đường rầy xe lửa (con đường rẽ phải đi qua chùa Bảo Quốc), thì bắt gặp dáng nàng phía trước. Không thể nhầm lẫn, dù chưa lần nào thấy mặt.

Tôi không vội dù từng lớp áo trắng phía trước không chậm bước về nhà. Qua khỏi chùa Từ Đàm (bên trái) non 300 mét xa hơn, là con đường đất bên phải về Dương Xuân Hạ (có chùa Tường Vân).
Ngã ba đường, trái về chùa Tường Vân, nàng đi về mé phải. Những tà áo trắng tách dần, đến đây chỉ mỗi nàng. Nhưng con đường này không xa lạ với tôi. Bạn của anh tôi, và học trên tôi 2 hay 3 lớp, là Lê Hữu Bôi. Con đường nàng đi cũng hướng đến nhà anh Bôi. Anh cũng hay đến chỗ tôi ở, mượn sách đọc (vì tôi đang thừa hưởng những chồng sách do chú họ tôi để lại). Và tôi cũng cùng anh ruột tôi đến nhà Bôi, có lúc để đòi sách, có lúc mượn sách của riêng anh. Đặc biệt mới 2 tuần trước, tôi có đến nhà anh Bôi đòi lại cuốn sách “Bến Nước Ngũ Bồ” mà anh đã mượn hơn tháng trước.

Tôi vẫn tiếp tục theo chân nàng. Dĩ nhiên nàng biết. Con gái “tinh ranh như …”. Đến trước nhà anh Bôi, tôi dừng lại. Anh đang đứng trước nhà. Ở đây nhà nào cũng có vườn rộng. Từ ngoài đường, có cổng vào nhà với 2 hàng chè tàu 2 bên, là thông dụng. Cô nữ sinh bước vào nhà bên cạnh nhà anh Bôi. Anh chắc phát giác sự đến “bất bình thường” của tôi. Tôi hay đi xe đạp khi đến tìm anh. Xe mượn. Anh vẫn lên tiếng hỏi tôi, cười và liếc nhìn cô hàng xóm. Cô cũng quay mặt ngang, chào và lí nhí nói với anh Bôi (tôi không nghe rõ). Và miệng cũng tinh quái cười + chút liếc mắt về tôi.

Chỉ vậy thôi. Tình học trò mau quên. (Hôm nay nhắc lại, tôi nhắn : cô nữ sinh năm xưa ơi, nếu còn sống thì cũng là bà lão 81 rồi - “Cô” nếu còn sống và không bị Alzheimer, và đọc được đoản văn tôi viết hôm nay, ắt biết rõ tôi là ai. Tình nhẹ, nhưng tôi suốt 65 năm qua không quên. Tôi trân trọng nó).

(Stone Mountain GA - Jul.17, 2021)
------------------------------------------
4. YÊU CHỈ MỘT LẦN
Không phải tôi “Yêu Chỉ Một Lần”. Mà tôi cũng không tin người ta “yêu chỉ một lần”. Con người chỉ có 1 trái tim. Nhưng trái tim không chịu ở yên một chỗ. Tôi nhớ đã lâu lắm, có đọc tập truyện dịch từ văn phẩm của Quỳnh Dao (nhà văn Đài Loan). “Tình Buồn”. Tựa đề, tôi không nhớ có phải do người dịch hay chính tôi “cảm đề” mà viết mấy dòng thơ lục bát. Tôi còn nhớ 2 câu : “Tim ai rụng bay muôn phương. Ai nhặt được ủ vào lòng thiên thu”.
Vậy tim có ngủ yên đâu? Nó có cánh bay. Mà thôi, trọng tâm không phải bàn về “tính cách muôn mặt” của con tim.

Bài viết này cũng có chút liên quan đến 1 bài viết trước “Huế Và Tôi”. Từ “một chuyện tình vu vơ” lại nhắc đến anh Lê Hữu Bôi. Dù anh đã mất thật sớm ở tuổi 30, dù Khe Sanh từng là nơi yên nghỉ của anh, dù anh còn thiếu tôi cuốn “Bến Nước Ngũ Bồ”, thì gió Hạ Lào cũng đã bức thiết vượt Trường Sơn, băng trùng dương đến với tôi hôm nay, cùng với chân tình cùng sự ngưỡng mộ, tôi xin thắp nén hương lòng tưởng niệm anh.

Cho tôi một chút cảm-khái mà nhớ lại sự say-mê đọc sách của mình “Dừng đây nghe sóng Ngũ Bồ. Dừng đây uống cạn dăm vò rượu đau. Rưng rưng tiếng hát nghìn câu. Hoài công giặt lụa cho nhau một đời”. Tác giả là Hoàng Công Khanh. Ông cũng viết cuốn “Yêu Chỉ Một Lần”. Các sách của ông vốn không được tôi đánh giá cao trong “rừng sách” mà tôi đã đọc. Văn, thơ hồn-nhiên, mộc mạc đúng vào thời-điểm tôi khao-khát những thứ tình cảm đó, loại tình yêu đó, nên tôi “yêu” chúng.

“Màu áo tím ôi sao mà quyến rũ. Màu mắt nào, ai tóc quấn vành mây. Người đi đâu cho thẹn những đường cày. Đây với đó có bao lăm sông núi …”. Tuổi yêu của tôi. Tình yêu trong tôi. Cô bạn “hàng xóm” của Lê Hữu Bôi trong bài viết trước, là vu-vơ, dịu nhẹ. Nhưng tiếp mới là trọng tâm về một cô bé người Bắc vào Nam 1954, theo gia đình đến Huế. Tôi rất thân với gia-đình này, vì bạn rất thân của tôi cùng lớp, là anh ruột cô, là con trai trưởng trong nhà.
Cô thua tôi 4 tuổi. Xinh xắn, hát hay, nên tôi “Lá chiều hôm ấy rung xao-xác. Như nắn lòng tôi mấy nhịp tơ. Ra về tôi thấy lòng man-mác. Và đem thương nhớ dệt thành thơ”.

Trước sân nhà thờ họ Trần chúng tôi, có cây ngọc lan xum xuê, mà hoa cũng rất nhiều và thơm ngát. Chái phải nhà thờ cũng là nơi tôi yên tĩnh học đêm. Lấy một chiếc hoa lan, ép vào một cuốn sách, tôi đưa và bảo bạn tôi : “Đ. Nhớ trong sách có hoa lan ép, toa về đưa giùm”. Đưa cho ai, bạn tôi biết rõ. Bạn tôi lẳng lặng nhận, không hỏi thêm.
Ít hôm sau, sách được giao lại. Tôi giở xem, hoa ép vẫn còn. Thấy tôi buồn, bạn tôi gắt “Vớ vẩn. Elle không nhận”.

Chuyện lòng tôi cứ vậy theo dòng đời. Dù rằng từ khoảng 40 năm sau, cô bé ấy đã cùng chồng, con đều qua Mỹ. Tôi cũng đã gọi nói chuyện. Tình xưa chỉ thế thôi. Tôi nhớ 1 đoạn thơ của Thanh Nam “Mai mốt thôi em về phương ấy. Nói làm chi em của phương xa. Cầu cho đôi mắt em trong mãi. Tóc vẫn xanh màu như thuở xưa”. Tuổi trẻ mau quên, tình yêu một thuở!

Hai năm sau cùng của Trung học, từ Đệ Nhị C2, lớp ở trên lầu - cuối dãy và sát với khu nhà vệ-sinh trường. Không hiểu đối-diện với lớp tôi, bên kia đường cũng là tầng trên, là lớp mấy Đồng Khánh? Thơ tình cũng vu-vơ, bọc đá được ném (hay dùng ná cao su bắn) qua. Tội-nghiệp con đường nhỏ, ngăn-cách 2 trường, chứng-kiến bao cuộc tình “vô danh” qua lại. Không được gì, lại mang tiếng chim xanh :

“Tương kiến thời nan biệt diệc nan. Đông phong vô lực bách hoa tàn. Xuân tàm đáo tử ti phương tận. Lạp chúc thành hôi lệ thủy can. Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải. Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn. Bồng lai thử khứ vô đa lộ. Thanh điểu ân cần vị thám khan”

(Lý Thương Ẩn - nhà Đường, Trung Hoa). Ôi con đường nhỏ thân yêu ơi, của một thời là “thanh điểu” trong tim tôi đó!

Bài viết này chắc Tue Ton đọc, hẳn sau này bạn có dịp hỏi Hiếu hay Đương, thì 2 tên này sẽ nói cho bạn biết rõ.

Rồi chuyện tình Phủ Cam, 1958, 1959. Để từ nơi này, thời-gian này tôi từ-giả Huế. Ai bảo “Yêu Chỉ Một Lần”?
----------------------------------------

 
5. NGHÌN DẶM LƯU ĐÀY
Đội tù cải tạo đầu tiên ra miền Bắc. Chúng tôi từ Suối Máu, rời miền Nam vào ngày 13/03/1976 (sau gần 1 năm “tù cải tạo” tại miền Nam). Đi tàu thủy đến Bến Thủy (Vinh, Nghệ An), từ đây lên tàu lửa bít-bùng đến Hà-Nội, rồi đổi tàu, đi Nghĩa Lộ, Yên Báy.

Tại Nghĩa Lộ hơn 1 tháng, lại vượt Thác Bà, lập Trại 8 Hoàng Liên Sơn. Trước thời-gian di-chuyển này, có vụ trốn trại do nhóm 5 người gồm : Trần Đăng Khôi (Cựu Trung Tá, Lữ đoàn trưởng LĐ3 ND, Khóa 16 VBQG ĐL) - Trần Đăng Khoa (Cựu Thiếu Tá Quận trưởng 1 quận tại Phước Tuy, khóa 16 VBQG ĐL, em ruột của Trần Đăng Khôi) - Hồ Văn Hòa (Cựu Thiếu Tá, Quận trưởng 1 quận trong Nam, khóa 16 VBQG ĐL) - Trần Tấn Hòa (Cựu Thiếu Tá, Tiểu đoàn trưởng ND, khóa 20 VBQG ĐL), và 1 sĩ quan cấp Tá khác (không nhớ tên). Tất cả bị bắt lại sau 2 tuần.

Hình ảnh trên, hàng đầu từ phải qua trái, tôi số 2. Số 1 là Trần Toán (Cựu Thiếu Tá, Tiểu đoàn trưởng ND, khóa 18 VBQGĐL). Nhiều người, tôi còn nhớ tên, có mặt trong đội tù này : Lê Hữu Chiêu (Cựu Thiếu Tá, Sở Liên Lạc) - Đinh Xuân Lãm (Cựu Thiếu Tá, TQLC, khóa 17 VBQGĐL) - Lê Đình Bảo (Cựu Thiếu Tá TQLC) - Trần Quốc Ba, Nguyễn Ban, Võ Văn Quyền (các Cựu Thiếu Tá Hải Quân) - Những cấp Tá khác thuộc Nha Quân Pháp, Không quân, CTCT (cấp sư-đoàn trở lên), Quân báo 101, ANQĐ, Phòng 2 (cấp sư đoàn trở lên). Đa số là Thiếu Tá, một ít là Trung Tá.

Doanh trại này trước thuộc Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt, đã cũ nát. Đội tù chúng tôi phải xây dựng lại. Đây thuộc Lào-Kay, cách biên-giới Việt-Trung khoảng 20 km đường chim bay.


ĐOẠN ĐƯỜNG MƯA GIÓ
Mưa khuya, mưa sáng nay, vẫn mưa lớn (5/10/2021) và Stone Mountain GA có nhắc ai điều gì? Riêng tôi, trong cảm-khái lại liên-tưởng đến cuốn sách nổi danh Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind). Là cuộc nội chiến Mỹ, và Tiểu Bang Georgia bấy giờ đang thuộc lực-lượng của Nam-quân và “một sự trùng hợp” khi ẩn-sĩ Tue Ton lại chọn 1 địa danh rất nổi tiếng làm nơi ẩn cư. Chattahoochee River. Địa điểm này là “thành đồng vách sắt” của Nam-quân. Mà cuối cùng, chiến-lũy cũng theo số-phận với Georgia rơi vào tay quân Bắc (9/1864).
Hai vai chính trong truyện, Scarlett O’Hara (Vivien Leigh) & Rhett Butler (Clark Gable) cùng phim, truyện đạt nhiều giải thưởng. Đề tựa cũng là nội dung. Ai dám bảo cuộc đời mình do chính mình quyết-định?

Mùa mưa 1976, Hoàng Liên Sơn. Thế là đội tù cải tạo từ Nam ra Bắc, sau 1 tháng ở Nghĩa Lộ, lại về Lào-Kay (vượt Thác Bà) lập Trại 8 Hoàng Liên Sơn. Hình ảnh trên là đợt đầu từ Nghĩa Lộ đến, khoảng trên 100 tù. Hai đợt khác trong vòng tuần sau khiến tổng số tù cải tạo lên đến 400 tù-nhân. 5 tháng đầu ở đây, tù-nhân có 3 việc :

(1) “Chém tre đẵn gỗ” sửa chữa lại “lán”trại. Dựng 1 hội-trường lớn, rộng (đủ chỗ cho khoảng 500 người hội-họp học-tập)
(2) Các đội được phân-chia khu-vực rừng để phát quang, chờ khô sẽ đốt và rãi giống trồng lúa (nương).
(3) Mỗi sáng chúa nhật, tất cả lên rừng chặt củi đem về nhà bếp trại.

Từ cổng trại, đi vào trong theo thứ tự từ gần : a/ Hội-trường (chưa hoàn-tất) ngang khoảng 40 mét và sâu khoảng 20 mét. Bên trái là “lán” ở của Đội nhà bếp + bếp, lò, kho. b/ Tiếp theo hội trường là chiếc sân, kích thước bằng hội trường. Bên phải sân là dãy “lán” ở của Đội 3, nằm dọc từ ngoài vào trong khoảng 50 mét. Tiếp theo sân là “lán” ở của Đội 2 theo chiều ngang khoảng 40 mét. Sát mé trái của “lán” Đội 2 là con đường với những bậc đá từ thấp lên cao. Phía trái của Đội 2, bên kia đường là “lán” Đội 1 - chạy theo chiều ngang cũng khoảng 40 mét.

Cổng trại 8 sát con đường chạy dọc bờ Thác Bà từ phía đông đi về phía Thị xã Lào-Kay (phía tây). Trại là nửa ngọn đồi, từ chân đồi phía nam đi dần lên cao về phía bắc.

Rảo 1 vòng tìm bạn. Chúng tôi chỉ có hơn nửa ngày của chúa nhật để tự do “đi quan hệ”, vì sáng chúa nhật, mỗi tù cải tạo đều phải làm “overtime” kiếm củi. Đội 3, thấy nhiều bạn. Có Bùi Quyền (Lữ đoàn phó LĐ3 ND, khóa 16 VBQG ĐL). Có Trần Ngãi (trước cùng ở LLĐB, quen nhau từ đầu 1964. Về sau, là Tiểu đoàn trưởng TĐ 68 BĐQ tại quận Minh Long, Quảng Ngãi). Thấy Trần Kim Hoàng (TQLC, khóa 17 VBQGĐL). Nguyễn Đằng Tống (Lữ đoàn trưởng LĐ 4 TQLC, khóa 16 VBQG ĐL) … Đội 2, thấy Tô Văn Cấp (TQLC, khóa 19 VBQGĐL). Phan Bát Giác (khóa 18 VBQGĐL), Trương Đình Ty (Quận trưởng Tam quan, Bình Định) … Đội nhà bếp, có Kỉnh (Liên đoàn trưởng Địa phương quân tại Quảng Tín - bạn thân của anh ruột tôi), Nhỏ (ND, khóa 20 VBQG ĐL), Cao Giai (em ruột của Cao Yết [khóa 16 VBQG ĐL]).

Khoảng tháng 9/1976, từ đâu chuyển đến 1 số tù-nhân. Đội 1 nhận khá nhiều : Ngô Như Khuê (Pháo Binh QĐ I, khóa 12 VBĐL), Ngô Văn Xuân (Trung đoàn trưởng Tr/đoàn 43, SĐ 23 BB, khóa 17 VBQGĐL). Đội 1 có Đội trưởng là NVM (Quận trưởng 1 quận V2CT), Đội phó NXH (Không quân), và khoảng 7 tổ trưởng - tôi chỉ nhớ, Xuân, Khiêm, Toán, và tôi.

Tổ tôi có : Tôi (tổ trưởng), Khiêm (Quận trưởng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi - khóa 14 VBĐL - mất chức tổ trưởng vì hay “cải thiện”, về làm tổ phó cho tôi), Nguyễn Văn Tư (khóa 16 VBQG ĐL), Đinh Xuân Lãm (Tiểu đoàn trưởng TQLC, khóa 17 VBQGĐL), Đồng Đăng Khoa (khóa 19 VBQGĐL), Lê Xuân Sơn (Quận trưởng Củ Chi, Hậu Nghĩa, khóa 21 VBQGĐL), … Cẩn (Liên đoàn phó Công Binh, khóa 4 Thủ Đức), Lầu Chí Phấn (khóa 11 VBĐL), Hồ Như Lăng (Tham Mưu Trưởng TK/Quảng Nam, khóa 4 Thủ Đức), 3 Thẩm phán : Bùi Văn Chấn, Lê Đắc Lân, Nguyễn Thái Thường (Nha Quân-pháp), Nguyễn Ban (Hải Quân).

Nếu nói thời-gian tù cải tạo là 1 phần đắng cay, khổ sở cả 2 mặt vật-chất và tinh-thần, tâm-lý cho cựu quân, cán, chính VNCH, thì tôi muốn thêm rằng những tháng đầu tiên “nghìn dặm lưu đày” này quả thật hết sức gian-nan, ngậm-ngùi!

Ngoài trời vẫn mưa. Hẳn là những cơn mưa thu, đang muốn trở mình để cuối tháng sau (11/2021) nhường Đông chớm? Hình như tính “thực dụng” Mỹ ở đây khiến “yên sĩ phi lý thuần” (inspiration) sẽ chợt đến chợt đi nếu ta không vội nắm bắt. Khác gì khi ta chưa kịp ôm lấy mùa Thu thì lá cây đã mau vàng úa, rồi chưa kịp thổn-thức thì mưa gió đã nhạt nhòa chờ Đông với tim giá lạnh! Mà Xuân thì còn xa.

Mưa gió đến với Lào-Kay. Đội tù chúng tôi vẫn phải chặt bương nứa, đốn cây để kịp hoàn-tất hội-trường trước Xuân 1977 (theo yêu cầu). Về đốn cây để làm cột, tổ nào cũng phải theo tiêu chuẩn thực-hiện. Tổ tôi 13 người, phải chặt 6 cột. Tôi phân chia 2 người thực hiện 1 cột đúng tiêu chuẩn (6m dài X 0m3 đường kính). Ba đàn anh (Cẩn, Phân, Lăng đều trên tứ tuần) phụ-trách 1 cột. Tôi và Lãm làm 1 nhóm.

Cặp nào cũng đã hoàn-tất sớm. Mãi vẫn không thấy 3 ông “già”. Tôi và Lãm đã xong trách-nhiệm. Tôi nhờ Lãm cùng với tôi vào rừng tìm-kiếm 3 bậc “tiên-bối”. Vẫn mưa lớn, đường trơn-trượt. Nhìn 3 người, đi từng bước, cây gỗ dài trên vai. Trượt té, cây rơi xuống, lại cùng nhau khuân lên, rồi bước đi rồi trượt té, rồi khuân lên ...Thấy anh Lăng có vẻ lười biếng, người hơi rùng xuống khiến cả cây đè nặng vai 2 người kia. Dù bất kỳ vị-trí nào (trước, sau hay ở giữa) Lăng vẫn thế. Tôi lớn tiếng quát-nạt.
Rốt cuộc, tôi và Lãm phải thay thế 3 đàn anh, mà mau chóng khiêng cây gỗ về trại, báo cáo tổ đã hoàn-tất.

Tôi còn sống-sót. Còn viết, ghi lại tháng ngày. Đói thì đã rất nhiều bài viết “rên la” dữ-dội. Khổ, vất vả thì không thiếu tài-liệu đưa ra. (Trên online có ngàn, vạn chuyện). Nhưng ái-ngại nhìn bạn đồng tù, lớn tuổi - có lẽ là lần đầu trong đời, họ chịu thảm-cảnh này - tôi thiếu ngôn-từ diễn-tả.

Anh Hồ Như Lăng cũng trên 45, lại đang bị ung-thư tiền-liệt-tuyến. Đã đến 1 mức độ anh không thể “nín” tiểu tiện. Chỉ kịp ngồi dậy khỏi chiếc giường tập thể đan tre, là anh tiểu-tiện tại chỗ. Ít lâu sau, anh được đưa về Bệnh xá (Trại 2) chữa bệnh.
Rồi không còn nghe về anh. Cuối 1976, hay đầu 1977, tôi chỉ nghe nói lại. Bạn cùng khóa với tôi, Nguyễn Đằng Tống, vết thương cũ trong bụng nhiễm trùng, sinh mũ. Được chở đi cứu cấp. Và không lâu sau, anh Nguyễn Đỗ Tước (Truyền Tin/BTL/LLĐB - khóa 14 VBĐL) bị tiêu chảy, cũng được cứu cấp. Không rõ về anh Lăng dù bệnh anh gần như thời kỳ cuối. Nhưng 2 người sau thì chỉ 2 tuần sau được báo là đã qua đời.

Gần 20 năm trước (khoảng 2002), anh Lầu Chí Phấn không hiểu làm sao có được số phone của tôi, anh gọi thăm - anh đang ở Alabama. Người ta nói “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”, vậy ai dám khoe mình “thân do kỷ” quyết-định. Cuốn sách cùng truyện phim thực-hiện, nêu ở trang đầu bài này thật thấm-thía! “CUỐN THEO CHIỀU GIÓ”.
-----------------------------------

6. ĐÔI NGÃ
“Đôi ngã”, nghĩa của 2 chữ này chắc-chắn đem lại cho người đọc, ấn-tượng của sự chia-ly. Sự chia-ly có ngắn hạn hay dài hạn, hoặc đưa đến “vĩnh viễn” thì “Đôi Ngã” sẽ tùy mức-độ mà đi từ “tạm chia tay” đến “vĩnh-biệt”
Ở đây, tôi chỉ muốn đề-cập đến 2 hướng đi. Hoặc 2 cách đi. Và điều đáng nói là tình-cảm mà người đi mang theo. Rất đa dạng.

Ta nghe “Sổ thanh phong địch ly đình vãn. Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần”. Sông Tiêu và sông Tương là 2 nhánh rẽ của Dương Tử giang (hay Trường giang), Trung hoa. Một về Tây, một hướng Đông. Tưởng là nghịch hướng, nhưng cũng còn có thể gặp nhau lần nào đó, khi nhập vào Trường giang. Vì đi không có nghĩa là không quay về. Trường giang phía Nam Trung hoa. Tần, nếu lấy Nam Kinh (Kim Lăng cũ) làm chuẩn, thì nằm phía Tây. Thời Chiến-quốc, 2 nước chiếm đất lớn nhất là Tần (phía Tây), Sở (phía Đông), còn 5 nước kia đều ở phương Bắc : Yên xa nhất (chính Bắc), cạnh có Triệu, Tề, Ngụy và tiếp cận 2 nước lớn (Tần, Sở) là Hàn.

Trọng tâm đều đặt vào 2 nước lớn, nên lấy Dương Tử giang làm tuyến đi lại giữa 2 cường quốc Tần và Sở. Cực Đông của Trường giang này là biển, và cực Tây của con sông đến Tây Tạng, Tân Cương (ranh giới Tần chỉ tới Tứ Xuyên và Thanh Hải). Đông-Tây là cả 4000 km. Vậy thì từ nguồn của Tiêu, Tương (gần Vũ Hán) đến cực Tây là minh-họa khoảng cách “xa thẳm”.

Thời xưa, dù là hàng vạn dặm, người ta cũng có thể tìm đến nhau (vài tháng, cả năm). Ngày nay, phương tiện hiện đại, người ta chỉ mất khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ. Vậy thì, về không-gian dù có thật xa, ta cũng còn cơ-hội gạt bỏ khoảng cách, mà tìm gặp nhau. Nhưng về tình-cảm? Quả là mấu-chốt thì cũng là trở ngại rất lớn. Và cũng nhiều khi “đâu lưng” nhưng “nghìn trùng cách xa”.

1992, tôi và gia đình vừa xong mọi thủ-tục, và đã có vé hàng-không đi Mỹ vào tuần sau. Thì tin-tức từ ngoài Bắc (Thanh Hóa) báo rằng mẹ tôi qua đời, thọ 85. Tôi và anh ruột tôi từ Thanh Hóa, theo người bác ruột, vào Huế bán niên sau của 1946. Toàn dân kháng chiến chống Pháp bắt đầu từ bấy giờ. Nam Bắc muôn trùng, suy nghĩ của 2 đứa bé, một 8 tuổi, một 6 - chưa có. Thế nhưng lòng nao nao, xa cha mẹ, chị và 2 em trai. Có chút hiếu-kỳ trước cảnh thanh-niên đầy ắp các toa - súng đeo vai (không biết súng gì, nhưng chúng tôi biết đó là súng), và gậy tầm vông. Về sau được người lớn giải-thích, đó là chuyến tàu lửa sau cùng, chở thanh-niên từ ngoài Bắc vào Nam tăng-viện đánh Tây (Pháp).

Rồi được cho đi học ở Huế. Rồi trưởng-thành. Rồi tham-gia cuộc chiến (vốn lại bắt đầu từ ngay sau đình-chiến Giơ-neo). Hiểu biết của tôi lúc này nhiều và cao hơn. Đã chọn cho mình 1 hướng đi, tôi nghĩ rằng quê cũ đã quá xa vời. Quê ơi, ta sẽ gặp lại mi vào “ngày chiến-thắng, đoàn quân sẽ tiến về sông Hồng”.

Ước-vọng con người hiếm khi được thỏa. Những người như tôi - tôi và các chiến-hữu “Ôm ước-vọng không bao giờ thỏa”, là của gần 100.000 “kẻ bị lưu-đầy ra Bắc”, và trong tôi, hai chữ “đôi ngã” thật dị-hợm với đớn-đau. Thì tôi đã đi ngang qua đó, Thanh Hóa, quê cũ thân-yêu! Chuyến tàu lửa bít-bùng (có tù chết ngộp), từ Bến Thủy (Nghệ An) đi qua Thanh Hóa, tạm dừng ở Ninh Bình để tù giải-quyết vệ-sinh. Ùa xuống từ những toa, tù đi vệ-sinh chỗ nào tiện cho mình. Bấy giờ khoảng ? giờ. Vừa sáng. Dân-chúng trên đường (trước mặt) ngơ-ngác nhìn chúng tôi. Tù lại nhào xuống các thửa ruộng ngập nước ven đường. “Khát vô-biên uống mấy cũng không vừa”. Đổ đầy nước vào các bọc ni-lông luôn sẵn bên hông. Quá khát.

Lên tàu, mới có thì-giờ nhìn kỹ : bọc nước có nhiều đĩa. Nước được trút đổ ngay. Thế là móc họng để nôn cho hết nước đã uống. Nôn không được.

Quê ta đó. Người dân - có thân-nhân ta đó - ngẩn-ngơ, xa lạ. Đáp tàu từ Hà-nội đi Yên Bái, và đi qua cầu Long Biên. Là những viên đá đón-tiếp bọn tù chúng tôi, kèm hàng loạt tiếng chửi mắng thậm-tệ. “Đôi ngã” đã nhập lại. Quê cũ thế này sao? Một bạn cạnh tôi mắt long lanh lệ.

1980. Người trực Trại giam Vĩnh Quang A báo tôi có thân-nhân thăm nuôi. Là mẹ tôi và em trai tôi. Chúng tôi gặp nhau tại phòng Tiếp-tân, phía ngoài và cách trại giam khoảng 700 mét. Một Công An (không nhớ cấp-bậc) ngồi đầu bàn. Mẹ tôi và tôi ngồi đối-diện nhau, giữa là chiếc bàn gỗ dài, chuyện-trò. Tôi im-lặng, chỉ mẹ tôi lên tiếng. Em trai tôi (kém 2 tuổi - là bộ-đội phục-viên), đang làm gà + nấu xôi-nếp tại gian bếp phía sau.

Tôi cũng đã nghe nội-dung nói chuyện của thân-nhân từ những cuộc thăm nuôi của các bạn tù khác. Cũng vậy, mẹ tôi khuyên tôi “học tập tiến bộ”. 34 năm xa quê, xa gia-đình, sao mắt tôi vẫn khô? Mẹ tôi của những năm xa cách từ 1946 đến nay có chính là mẹ tôi mà tôi hằng thương nhớ, đang ở trước mặt tôi?

Ngồi nghe chán, tên Công an ra ngoài sân vươn vai cho giãn gân-cốt. Tôi lợi-dụng cơ-hội, nói với mẹ “Mẹ, mẹ đừng khuyên con. Con không xấu-hổ vì đã cầm súng chống lại chính-quyền này. Giả thử có quay lại dĩ-vãng, con vẫn làm y như trước. Con không hối-hận”. Mẹ cho biết rằng bố tôi đã mất từ lâu (1949) tại Thanh Hóa.

Tháng sau, cô ruột tôi lại đến thăm. Bấy giờ tôi còn 3 cô ruột : 1 cô trưởng (chị của bố tôi) ở Hà nội, 1 ở Vĩnh Yên, 1 ở Hải Phòng (cả 2 cô sau đều là em bố tôi). Họ đều giống nhau. Và dân miền Bắc nói chung đều giống nhau. Chị ruột tôi (mất vào 1975) và chồng con của chị, cũng như gia-đình em trai tôi, gia-đình con, cháu của các cô tôi đều giống nhau. “Giống nhau” ở đây nói về suy-nghĩ, lập-trường, cách sống kể cả tình-cảm.

2014. Tôi có dịp về VN. Lần đầu thăm quê cũ sau 68 năm xa cách. Mẹ tôi đã mất từ 1992, như đã nói ở trên. Các cô tôi cũng đã mất. Được người em họ (con cô) hướng dẫn đến thăm gia-đình em trai - đứa đã có lần theo mẹ thăm nuôi tôi vào 1980. Đứa em út của tôi là bộ-đội phòng không, tử trận tại Khe Sanh (Quảng Trị) vào 1968. Anh em ruột từ 2 phía đối-địch nhau “giết nhau” cũng đã có nhiều trước giờ và từ Á sang u, Mỹ. Mẹ tôi nhờ con là “liệt sĩ” mà được hưởng trợ cấp.

Lòng tôi đối với những thân-nhân nói trên, làm sao không có tình-cảm? Làm sao không thương yêu? Họ cũng vậy. Nhưng cường-độ có khác, cách bày-tỏ cũng khác, rất nhiều “cái khác” mà ai có dùng “từ điển bách khoa” vẫn không tìm ra hết. “ĐÔI NGÔ có phải là muôn trùng cách biệt? Chắc-chắn không phải là vĩnh biệt. Vậy cách nào để hiểu được “ĐÔI NGẪ” đây? (DT, Stone Mountain GA, 07/22/2021).
----------------------------------

7. CHUÔNG GỌI HỒN AI
Mấy ngày hạ tuần tháng 8/1992, gia-đình chúng tôi vừa xong thủ-tục dọn vào ở khu apartment trên đường California St, Mountain View, CA - thì 1 bạn cùng khóa quân trường đến thăm. Là Bùi Quyền, mà tôi đã từng nói về bạn ta.

Ngập-ngừng trước building (1), chính là nơi tôi ở gần 9 năm trước, khi là tân-khóa-sinh. Rõ-ràng căn phòng thứ 3 mặt trước, từ ngoài nhìn vào và từ trái sang phải.

“Tưởng chừng như giọng nói rít qua kẽ răng của Phạm Viết Dzũng đang dội tiếng. Dzũng nằm giường ngoài cùng, dãy phải. Mỗi dãy có 5 giường. Giường Bùi Quyền áp chót. Cuối cùng là giường của Phạm Kim Đan. Tôi nằm ở dãy trái (cũng có 5 giường), đối mặt với Bùi Quyền. Những người tôi nêu tên vốn là những “đại-nhân-vật” - Nguyễn Tự Chi cùng nằm dãy trái với tôi, không nhớ giường thứ mấy.

“Dzũng to cao, mạnh-mẽ. Tôi không dám dùng chữ “hung-hăng” để nói về Dzũng. Không nên dùng tĩnh-từ “xấu, không hay” nói về bạn. Đối với Dzũng, tôi trăm bề chịu phép. Chỉ một chút to tiếng với Dzũng thì y như là bàn tay thép, hộ pháp của bạn ta đã xiết cứng cổ tôi rồi. Chắc-chắn là đau. Tôi nghĩ không cần diễn-tả chi-tiết. Không phải Dzũng thích ức-hiếp những người nhỏ con như tôi. Phạm Kim Đan còn cao to hơn Dzũng, thế nhưng …

“Tôi còn nhớ như in, mà không dám viết lên sự thật, e bạn ta giận tôi chăng. Chắc Đan còn nhớ, hãy để Đan “ôn cố tri tân” làm quà câu chuyện cho các bạn “Ấp Chiến Lược”. Nếu bạn nào thắc-mắc muốn hỏi, xin trực-tiếp hỏi Đan. Về Bùi Quyền, “kính nhi viễn chi”. Sorry nghe Quyền, kính-trọng bạn nhưng tôi nhát gan, lỡ bạn giận thì tôi dễ ăn đòn lắm, phải tránh xa xa.
“Dĩ nhiên ai gây với ai thì gây, nhưng chẳng dám chọc giận Bùi Quyền. Nhu đạo đai đen (Kodokan) đó nghe! Cũng cao lớn. Tôi không dám gọi tên “nickname” của Quyền, vì một khi bạn ta mà giận lên, thì khoảng-cách Ca-li và Giọt-gi-a có là Tây-Đông vạn dặm, mặt trời thức bên này mà ngủ bên kia, thì bạn ta cũng chẳng ngại tổn-phí bay qua thăm tôi đậm-đà đấy. Đùa đủ rồi”” (CHUYỂN BẾN, trang 207, 208).

Đoạn hồi-ức trên kể lại lần tôi thụ-huấn khóa 4 Chỉ-Huy và Tham Mưu tại Đà Lạt giữa năm 1968. Cũng chính tại 2 building (1) và (2) tôi tạm trú, lại là nơi đầu-tiên vào 23/11/1959 tôi nhập học khóa 16 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (Đệ Nhất VNCH). Và kỷ-niệm cũ của 2 tháng đầu Tân-khóa-sinh (với 8 tuần sơ-khởi), tôi nhớ đến các bạn cùng phòng.

Rồi suốt bao thăng-trầm, kẻ còn người mất, một số chúng tôi định-cư tại Mỹ. Kẻ đã đến từ 4/1975, người có mặt vào các năm đầu thập niên 90 của thế-kỷ 20, một số bạn khác … vượt biên vào các thập niên cuối 70, cả thập niên 80.

Hôm ấy, chỉ sau ít ngày đến Mountain View, CA thì Quyền đến thăm gia-đình chúng tôi. Đoạn chở tôi về chỗ đương-sự trú-ngụ tại San Jose, CA. Dọc đường tiện thể ghé thăm 1 bạn cùng khóa, là Chu Trí Lệ. Chút nước trà, vài điếu thuốc lào (ống thuốc lào là kỷ-niệm tù lưu-đày không bỏ được!). Chúng tôi không nói nhiều nhưng cùng suy-nghĩ. Tuổi 18, 20 ngày cũ - thì nay phong-trần, đứa nào cũng trên 50.

Sáng nay, “phát ngôn viên” của khóa 16 chúng tôi - Nguyễn Anh - loan tin. Không phải tin vui, mà là “hung tin”. Phạm Kim Đan (bạn cùng khóa như nói ở trên), định-cư tại Virginia, mới mất vào chúa nhật Nov.28, 2021 vừa rồi. Đan nối-tiếp Lệ đúng 1 tuần. Chu Trí Lệ qua đời tại San Jose, CA vào Nov.21, 2021.

Các bạn K16, bọn mình ôn chuyện cũ nhé! Tôi viết lại bài (2) NHÌN LẠI :
Ba năm nhào-nắn ở quân-trường
Dệt thắm lòng ai mộng viễn phương
Nam nhi hề tang bồng hồ thỉ
Bước chinh nhân đạp vạn nẻo đường

Những ai hiện tại nhắp tương lai
Bước đường xa vui mộng viễn hoài
Là hồ-điệp hay là thực-cảnh?
Mấy mươi năm một thoáng trần ai

Đã mấy thập-niên ngày súng gãy
Bao năm rồi lận-đận tha-phương
Đều vô-nghĩa, thị-phi thành-bại
Trí lực tàn, còn lại đau-thương

Vinh nhục đủ, còn chi luyến-tiếc?
Ván cờ kia xóa sạch lâu rồi
Dồn-dập bạn xưa lời vĩnh-biệt
Tiễn bạn rồi, ta tiễn ta thôi!

Tám mươi năm thật đã đủ dài
Nhìn lại mình, nhìn lại những ai
Ôm ước-vọng không bao giờ thỏa
Chút niềm riêng có chút u-hoài! 
(May 17, 2021)

Hai người bạn cùng khóa mà tôi, chỉ ít ngày sau đặt chân lên đất Mỹ, gặp đầu-tiên - trong số các bạn đồng khóa, còn sống và ở tại Mỹ bấy giờ - là Quyền và Lệ.

Năm ngoái, 1 ngày cuối tháng 5/2020, Bùi Quyền vĩnh-biệt bạn bè. Quyền được nhiều người biết đến vì, đương-sự là Thủ-khoa của khóa 16 VBQG ĐL chúng tôi. Kẻ được Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm gắn cấp-bậc Thiếu-úy cho. Là người đại-diện khóa 16, dùng cung + tên bắn đi 4 phương trời. Quyền cũng đã nổi tiếng khi phục-vụ trong Sư-đoàn Nhảy Dù. Là anh-hùng trong trận Khánh Dương 3/1975, khi chỉ huy 1 Tiểu-đoàn Nhảy Dù chống lại hơn 1 Trung-đoàn + 1 Tiểu-đoàn pháo, chiến xa của địch, và triệt-thoái thành công, ít tổn thất. Thành công giữ nút cuối cùng cho lực-lượng ta triệt-thoái từ Cao nguyên ra quốc lộ 1 (3/1975).

Chu Trí Lệ bạn ta. Trông văn-vẻ, ốm, hiền-hòa mà “rất gan dạ”. Tại trại tù cải-tạo số 4 Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt, nằm trong nhóm tù trốn trại. Bị bắt lại. Số phận những tù trốn trại bị bắt lại thì ai cũng biết. Thường thì ai cũng bị gãy ít nhất vài xương sườn do dân-quân đánh-đập tàn-nhẫn.

Tôi rời San Jose 2 năm sau. Và từ đó, dồn-dập những hung-tin. Phạm Thái, Nguyễn Kỳ Vọng, Trương Ngọc Châu, Võ Đăng Diệu …
Số thứ-tự ra đi vĩnh-viễn chưa được nhấn mạnh vào 30 năm trước, thì nay được trân-trọng nhắc-nhở.

Đoạn hồi-ức trên nhắc đến các bạn cùng phòng của 62 năm trước. Phạm Viết Dzũng được nhắc trước tiên. Với Dzũng, tôi duy nhất 1 lần gặp gỡ năm 1968 tại phi-trường Trà Nóc, Cần Thơ. Là Phi-đoàn-trưởng trực-thăng, qua Mỹ cuối 4/1975. Không lâu sau, Dzũng qua đời vì ung thư máu. Sự ra đi của Quyền cũng đã được nhắc đến ở trên.

62 năm trước, cũng tuần cuối của tháng 11 mà chúng tôi được chỉ-định cùng phòng. Phạm Kim Đan là 1 trong 3 bạn cao nhất khóa - 2 người kia là Bảo Sung và Tôn Thất Chung. Luôn vác quốc-kỳ, quân-kỳ, và cờ trường VBQGĐL.

“Súng gãy” thì lấy gì bảo-vệ “cờ”? Vậy cả 3 bạn cao nhất khóa 16, vốn đã thường vác cờ, thì nay cũng không cần “góp mặt trên nhân thế”. Tiếng chuông gọi hồn đã rung 142 lần rồi. Từ lúc quỳ trên “Vũ Đình Trường” ngày 22/12/1962, con số khóa 16 là 226 Sinh Viên Sĩ Quan. Họ đứng dậy khi đã được gắn xong cấp-bậc Thiếu-úy, và 226 Sĩ-quan này sẳn-sàng được tung ra chiến-trường.

Các bạn K16 còn lại, 84 vị, tôi cũng mệt lắm rồi, không còn muốn thách-thức các bạn, ai là kẻ sau cùng tiễn bạn! 
(Stone Mountain, GA - Dec.1, 2021)
------------------------------------------------
 
  8. TRƯỜNG TƯƠNG TƯ

Đề tựa là bài “Trường Tương Tư”, loại thơ cổ-phong (cổ-thể), tác-giả là Lương Ý Nương thời Ngũ Đại, Trung Hoa (907-960), có 7 đoạn thơ. Tôi chỉ xin trích :

Ngã tại Tương giang đầu
Quân tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy

Một FB friend tên Trần Kim Ngân có post trên 2 Group FB (Trang Huế Online CỐ ĐÔ HUẾ - và Nhớ Huế) bài thơ “Tương Tư”. Tôi xin chép lại sau đây (nếu tác-giả không đồng ý mà lên tiếng, thì tôi sẽ delete) :

Chàng ở đầu sông thiếp cuối sông
Thơ xưa ai viết buốt cả lòng
Người Tương giang vĩ có còn nhớ
Kẻ Tương giang đầu .. ở đầu sông !!!
Mỗi ngọn triều dâng sóng ngập lòng
Bâng khuâng tấc dạ những hoài mong
Bảng lảng triền sông, sương khói lạnh
Hỏi người nơi ấy .. nhớ nhiều không ..???
Một thuở tao phùng ta vẫn mong
Đường tiên đầy đặn ánh trăng rằm
Lầu hoa ghi dấu xưa tình tự
Cái thuở yêu đầu .. biết chờ mong !!!
Gió đã cuốn thu để sang đông
Lạnh của gió đông thua lạnh lòng
Nào có sá chi mùa đông lạnh
Sợ lạnh hai đầu một con sông !!! (Trần Ngân 28/10/2019)

Tác-giả xưa và tác-giả nay đều là nữ. Xưa thì tôi không nắm rõ tình-hình, nên không dám comment. Dù rằng đã hơn 1000 năm, tôi cũng phải tôn-trọng bà Lương Ý Nương. Nay, tôi đã viết comment (Group Nhớ Huế), và xin viết lại :

“Cảm đề bài thơ của TKN, tôi chỉ biết viết lại bài thơ của Trịnh Cốc, nhà Đường, Trung Hoa : “Dương Tử giang đầu dương liễu xuân - Dương hoa sầu sát độ giang nhân -
Sổ thanh phong địch ly đình vãn - Quân hướng Tiêu tương, ngã hướng Tần”

Sông Tiêu, sông Tương đều ở phía nam Trung Hoa. Người đầu sông Tương, kẻ cuối sông này, muốn gặp lại nhau thì quá dễ. Sông Tương là nhánh phía Tây, muốn gặp nhau thì kẻ theo thuyền xuôi dòng, người đi ngược lại.
Khi 2 thuyền sắp gần nhau, yêu cầu cả 2 phải dùng iphone 13 (sắp ra) mà liên-lạc. Nhớ mỗi thuyền đều có dấu-hiệu nhận nhau. Tiếp cận, nhớ la to “Hello!”.

Sông Tiêu là nhánh phía Đông. Hai người từ 2 con sông, 1 Tiêu, 1 Tương, khỏi cần làm dấu trên thuyền, chỉ cần ôm phone (tệ nhất là iphone 12 Pro Max), 2 thuyền sẽ : - một xuôi dòng (trên sông Tương từ tây về đông) và cứ đi mãi, - một ngược dòng (trên sông Tiêu từ đông về tây), và cứ đi mãi.

Chỗ hợp-lưu (cuối dòng của 2 con sông) là quận Linh Lăng. Nhớ gặp nhau, nếu đều là đàn ông, thì mé trái bến hợp-lưu có quán rượu, vậy cùng nhau “Khuyến quân cánh bạn nhất bôi tửu”. Còn nếu cùng là nữ, thì mé phải (bến hợp-lưu) có “siêu thị” mỹ-phẩm, 2 nàng tha-hồ mua sắm.

Mà nếu khác phái, nghĩa là có 1 nam và 1 nữ, xin chờ ý-kiến độc-giả. Vì rằng trước chỗ cập bến, có rất nhiều khách-sạn, từ 5 sao đến 3 sao đều có đủ.

Vậy, tác-giả bài thơ (là người của thế-kỷ 21) chớ “đa sầu đa cảm”. Dù xa hơn, như kẻ Bắc (Tần - gần với Bắc-kinh) và người phía Nam, gần với 2 con sông Tiêu, Tương - cạnh Trường giang (Dương Tử giang), cũng sát với Vũ Hán bây giờ, chỉ cách xa khoảng 1000km. Đi máy bay cái vèo, chỉ mất 1 tiếng rưỡi mà thôi. Nhớ ghi chép điều tôi dặn ở trên. Công-phu tìm kiếm lắm đó! (Stone Mountain GA, Oct.11, 2021)
----------------------------------

9. CÂU TRẢ LỜI ĐƯỢC NHẮC ĐẾN
Một câu chuyện cũ được kể, tưởng cứ thế - vốn nó đã chìm thật sâu vào quá-khứ - chợt bâng-quơ được nhắc lại, và sẽ tiếp-tục chôn sâu hơn dưới mồ “dĩ-vãng”.

Ba tuần trước, chuyện này được làm sống lại. Hóa ra nó không vĩnh-viễn biến mất, mà chỉ tiềm-tàng. Nó đã không lạnh-giá, và nay không cần “hâm nóng” lại, vì nó còn âm-ỉ cháy - ít nhất trong tôi. Mấy tuần trước, tôi có viết :

Sông Hàn không gió ngàn khơi
Bạch Đằng? Miền Bắc xa vời sông kia
Non Nước, An Hải mong về
Ngày vàng cũ thu-phong hề còn không?
Tháng năm phai-nhạt tấm lòng
Tình quê lạc lối, mất trong mơ-hồ
Năm không đợi tháng không chờ
Lão-nhân bạch phát hai bờ đại-dương
Cũng qua một kiếp vô thường
Tay chào vẫy, ôi quê-hương ngàn trùng .. (Sept.27, 2021)

Rằng thưa là quả đất tròn
Rằng ta còn sống ắt còn gặp nhau
Qua rồi mấy cuộc bể dâu
Vòng tròn sẽ nối, vết đau sẽ lành
Ngổn-ngang hồ-điệp Trang-sinh
Là thực hay mộng hay tình vương tơ?
Cảm đề viết mấy dòng thơ .. (Sept.27, 2021)

Một bạn FB tên Nguyễn Anh Điệp hết chuyện xa đến chuyện gần. Chuyện gần, khi bạn ta cùng một cháu gái (Vanna Nguyen - con gái cưng của “xếp” tôi ngày xưa) nhắc lại kỷ-niệm cũ tại Đà Nẵng. Bạn ta nói về sông Hàn, nào là “gió lộng ngàn khơi”, nào là bến Bạch Đằng (hình như là doanh-trại của Hải-quân tại Đà-Nẵng trước 1975). Họ còn nhắc đến An-Hải.
Và tôi xen vào, với đoạn thơ trên. Ai cũng biết sông Bạch-Đằng tại miền Bắc VN - dĩ nhiên không liên-quan gì đến “quang cảnh” đang được nói đến. Nhưng ý tôi thì muốn ám chỉ rằng : “Bạch Đằng của Đà Nẵng, hay là Sơn Trà, An Hải, Non Nước .. thì cũng xa-xôi như Bạch-Đằng-Giang mà thôi”.
Chìm trong dĩ-vãng. Đã không còn “ngày vàng cũ với gió thu” - những tháng ngày chiến-trận liên-miên, và các địa-danh trên mà tôi đã sống năm 1970 tại Đà Nẵng.

Thì bạn Điệp bây giờ mới “bật mí” những liên-quan về câu chuyện cũ. Là chuyện xa xưa (tưởng đã chìm vào vô-thức).

Tôi có lần viết về ít sinh-hoạt tại 2 lớp Tam C2 (1957-1958) và Đệ Nhị C2 (1958-1959) tại Quốc Học Huế.
Trong số các bạn tương-đối thân của tôi từ Đệ Tam đến Đệ Nhị, có Lâm Hưng. (Nhân tiện, đa tạ Group Trang Huế Online HUẾ CỐ ĐÔ, đã tạo điều-kiện cho tôi nối lại quan hệ với thân-nhân của 1 bạn tôi, Tôn Thất Cử. Bạn tôi đã mất từ 1965, và nay các em của bạn tôi đang xem tôi như là anh Lớn của họ).

Vì nhiều lý-do, dù thân với Lâm Hưng, nhưng tôi chỉ 1 lần đến nhà bạn. Trước 1968, gia-đình bạn tôi ở trong Thành Nội Huế. Thật rất xa cho sinh-hoạt của tôi (không có xe đạp) để thăm bạn bè, khi tôi lúc thì ở trên Nam Giao, lúc thì ở Phủ Cam ..

Lần duy nhất đến nhà Hưng - dù thân - tôi đã gặp và nói chuyện với mẹ và 2 cô em gái của bạn. Tôi được đón-tiếp niềm-nở. Hai em gái đều nhỏ tuổi, và tôi cho rằng 1 em khoảng 16, còn em kia khoảng 14. Hai cô chơi vũ cầu ngoài sân. Nói chuyện với mẹ bạn xong, tôi ra sân ngắm 2 cô đánh vũ cầu. Cô chị thách tôi đấu, và cô em nhường vợt. Chuyện chỉ có vậy, đã gần 65 năm qua.

Gần 65 năm sau, ít tháng trước, Nguyễn Anh Điệp trong 1 comment, xác nhận với tôi rằng cô em chỉ mới 12, chứ không phải 14 như tôi đã viết. Tôi ngạc-nhiên, sao Điệp lại biết rõ như thế. Và “C U TRẢ LỜI ĐƯỢC NHẮC ĐẾN”, đó là, cô em là vợ của Điệp.

Còn cô chị? Đã là góa phụ từ 3/1975. Người góa phụ này đang đếm tháng ngày còn lại - như tôi, như bao “lão nhân” khác đã trên 70. “Lão nhân bạch phát hai bờ đại dương” không chỉ riêng tôi.

Đồi Quảng Tế, như tôi từng mô-tả trong các bài trước, thì phía nam và tây là thôn Dương Xuân Thượng (cũ), và phía bắc và đông là Dương Xuân Hạ (cũ). Đồi Quảng Tế với chùa Châu Lâm, với nhà máy nước. Dương Xuân Thượng với những ngày thơ-ấu của tôi. Dương Xuân Hạ phía bắc là những cánh đồng lúa bát ngát. Nhắc lại kỷ-niệm khó quên của 1 lần của “màu vàng” rực, của lúa chín, của “áo nàng vàng” trên 2 cô bạn, là Vân Linh - Đệ Nhất A, và Liên Ba - Đệ Nhất C (1958-1959). Sẽ có những bài viết nói rõ kỷ-niệm này.

Người góa-phụ trong bài viết này đang sống với gia-đình con trai lớn tại ven đồi Quảng Tế, Dương Xuân Hạ. Trong bài “NHỮNG CƠN MƯA RÀO (Phần 2)”, trao đổi giữa tôi và Nguyễn Anh Điệp khi nói đến người quả-phụ đó - Lâm Thị Nguyên Ngọc :

Mai mốt anh có về Dương Xuân Hạ
Nhớ bước lên đồi Quảng Tế năm xưa
Trên triền dốc, cô mười lăm thuở trước
Giờ quả-phụ buồn trầm-mặc cơn mưa (Nguyễn Anh Điệp)

Quảng Tế trong tôi niềm thương nhớ
Hai lưng đồi là kỷ-niệm xưa
Em đến đây sống đời quả phụ
Lệ tà dương mắt đẫm cơn mưa (Dai Tran - Stone Mountain GA, Sept.14, 2021)
-----------------------------------
10. NHỮNG CƠN MƯA RÀO (Phần 1, 2, 3, 4)

Tôi vẫn chưa hiểu giá-trị của cơn mưa rào. Nguyễn Trải có than-phiền “Đã buồn vì trận mưa rào…”. Có phải là cơn mưa rào, không những không làm giảm đi sự oi-bức mùa hè, lại còn gây cảm-tưởng khó chịu?

Ấp Phú Hà, thuộc xã Mỹ Xuân - Bà Rịa, Vũng Tàu các năm 1988-1990. Đã 4 năm, sau 9 năm lao-lung, tôi về lại khoảnh đất đã mua từ cuối 1974. Quán cà-phê “Hai Cây Dương” được vợ tôi mướn thợ làm từ bao giờ (có lẽ vào các năm cuối thập niên 70, hay đầu 80 - tôi quên).

Mệt-mõi, tổn-phí quá nhiều sau những chuyến “hành hương” không theo mong-ước, vợ tôi và bầy con nhỏ đến cư-ngụ nơi đây. Những năm đầu, quán tấp-nập giúp ổn-định đời sống kinh-tế cho khoảng 13 người. Nhưng từ 1985 về sau, khách thưa-thớt dần.

Những sớm mai - khác với những năm trước - quán vắng. Tôi cũng dậy sớm, ông nhạc đã ngồi tại quán từ lúc nào, ly cà-phê trước mặt. Vợ tôi và một cháu gái trên 20, thay phiên nhau dậy sớm lo quán. Tôi chỉ thích cà-phê đen, và thật nóng. Vùng phía nam (Sài Gòn) 2 mùa mưa nắng. Nhưng dù là mùa “nắng”, tháng 12 dương-lịch - như mấy hôm nay - vẫn có mưa bụi lất phất.

Vị thành triêu vũ ấp khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh bạn nhất bôi tửu
Tây xuất Dương-quan vô cố nhân”” (Vương Duy)

Tôi muốn thay mấy chữ trong bài thơ trên. “Phú Hà” thay cho “Vị thành”, và “Quán vắng” thay “khách xá”, cho đúng với địa danh và quang-cảnh nơi đây. Sorry nghe bác Vương Duy!

Từ 1988, đã bắt đầu chương-trình HO. Người người tấp nập tại các cơ-quan Tỉnh, thành-phố Sài Gòn, làm đơn. Kéo dài từ cuối 1988 đến hết những tháng đầu 1989 mới vơi dần. Im lặng lại như cũ trong khoảng 2 năm, từ đó. Thì từ cuối 1990, không-khí khắp nơi “sôi nổi” trở lại, bắt đầu khi những giấy từ Bộ Nội vụ gửi đến địa-phương báo cho những cá-nhân liên-quan, được lập hồ-sơ xuất-cảnh theo thủ-tục. Chạy ngược xuôi như chong chóng, có người ra đến tận Hà Nội chạy trực-tiếp (khỏi trung-gian). Tôi cũng muốn làm như họ, nhưng tài-chánh không cho phép.

Lại khoai, sắn với cuốc, cày. Có đôi bò (mua từ 1/1975) làm bò cày đến nay, thì phần tài chánh eo-hẹp, phần bò đã già (trên 10 tuổi) nên bò được bán để trang-trải nợ-nần, nuôi ăn gần 13 người.

Thiếu nhiều phương-tiện, nên thu-hoạch không bù với công sức bỏ ra. Gia đình tôi chia 2 nhóm : - vợ tôi + vài đứa con về lại Sài Gòn (ở tạm nhà em vợ), may thuê, - tôi + 1 con ở lại. Quán được giao cho 1 cháu gái của vợ tôi (tự biên tự diễn). Tôi và đứa con trai + ông bà nhạc ở ngôi nhà sau quán (khoảng 50 mét). “Phong trào sắn lát” đang thông dụng. 3 mẫu đất (nhà + vườn) trồng khoai, sắn. Thì giờ còn lại dành “sắc lát” sắn, đem phơi trên mặt đường nhựa trước nhà. Thường chỉ cần nắng lớn thì 2 nắng đủ làm khô. Trời mưa, ít nắng, thì phải nhiều ngày. Cứ thế, sáng thật sớm đem sắn lát phơi, chiều hốt bỏ bao …

Mùa nắng vẫn sợ mưa rào. Dấu hiệu mưa rào là những đám mây đen ngùn-ngụt từ xa vụt đến. Thiên hạ vội vã hốt mì (sắn lát) vào bao, vác vào nhà. Mưa rào ích lợi gì chưa thấy, chỉ biết sắn lát bị mưa có thể hư-hỏng hàng tạ. Nếu những người dân quê kém học, sống bằng nghề “sắn lát phơi khô”, biết rằng Nguyễn Trải “buồn vì trận mưa rào”, chắc họ thông-cảm với ông vô cùng.

Thời nào mà không có mưa rào? Mùa nắng vẫn có mưa rào, mùa mưa thì khỏi cần - vì mưa cứ dầm-dề, như mưa Huế. Mưa ngoài trời, mưa trong tâm-tư. Nếu mưa rào đem khốn khổ cho những người bán “sắn lát phơi khô”, và mưa rào của những dạo làm đơn xin xuất cảnh, chạy giấy cho phép xuất cảnh, đã không ít làm buồn lòng tôi. Nhưng giá-trị của mưa rào chỉ là làm khó ta sao?

“Trời thì vào thu, mà năm học (nhắm mắt cũng biết) đang bắt đầu. Tháng đầu tấp-nập, rộn-ràng chọn bạn, chọn chỗ ngồi. Đệ Tam C2 của 1957-1958. Tôi vốn giỏi Toán, làm đơn xin vào lớp B Quốc Học. (Quên tên ông nào nhận đơn), ông ? bảo các lớp B hết chỗ, chỉ còn ban C. Tôi cằn nhằn, tại sao mấy người kia vừa nộp đơn 1 lần với mình lại được nhận lớp B? Ông giám thị nhận đơn bảo : “Vì cậu (thi băng) từ Đệ Ngũ, còn mấy trò kia chính-thức từ Đệ Tứ (thi đậu) lên”. Lý sự cùn!

Bạn từ đệ Tứ Quốc Học chọn nhau. Việt Anh (Nguyễn Tri Phương) chọn nhau. “Giang hồ” (từ các trường tư chọn nhau). Tôi chỉ biết Tô Phạm Liệu. Liệu được nói nhiều trong các bài viết khác của tôi. Riêng với giờ Quốc-văn thì Liệu ngồi sát tôi. Còn tất cả các môn khác, tôi ngồi sau cùng với Phạm Hữu Trúc. Hai đứa đều học riêng chương trình đệ Nhị C để thi băng Tú Tài 1.

Ngoài kia vào thu, Huế cũng đã bắt đầu tiếp sức với những tỉnh miền Trung, nhận những cơn bão lụt hằng năm, và mưa dầm “cố hữu”. Đầu niên khóa học, cơn mưa rào cũng là “cố hữu”, phải có. Easy come, easy go! Cơn mưa rào này tuy chóng qua nhưng để lại ấn-tượng trong tôi đến giờ. Những tháng cuối niên-khóa, tôi hội-nhập lại với không khí sinh-hoạt trong lớp. Ngoài Liệu, Trúc, tôi làm quen với Tôn Thất Cử ”.

Một đề tài “Ếch Ngồi Đáy Giếng” có đôi dòng viết về 1 ý “tôi cần xét lại mình, và phải mất 8 năm cho điều đó”.Và sau 8 năm, tôi ra nước ngoài. Dù tuổi đã 53, tôi bắt đầu cho 1 đoạn đời mới. Mưu sinh để sống, lo cho gia đình, phải phấn đấu. Phải đụng chạm.

Rất tiếc 8 năm xét mình vừa qua chỉ như cơn mưa rào. 16 năm từ “bắt-đầu-lại” cho đến nghỉ hưu vào tuổi 70, cũng bao là thăng-trầm. Chỉ 7 lần thay đổi jobs. Có đoạn thời-gian 2 năm, tôi làm 2 jobs full-time - trừ 16 giờ làm việc + không dưới 4 tiếng cho những việc lặt-vặt và di chuyển, tôi chỉ còn khoảng 4 tiếng để ngủ mỗi ngày. Ngủ gật trong công việc. Nóng-nảy, sinh sự. Thế là chủ-trương + quyết-chí “xét mình” có vẻ như hoang tưởng.

Từ 2009 đến nay - xáo-trộn tâm-tư thì lúc nào cũng có - tôi lại đi vào hành-động cho việc “xét mình”. Cơn mưa rào này kéo dài đã 12 năm nay. Có thăng giảm, nhưng theo tiến-trình đi lên.

Năm trước, tôi đã cho in tại VN cuốn hồi-ức “CHUYỂN BẾN” của mình (chỉ để tặng). Trong hồi-ức nói chuyện thăng-trầm việc đời, tâm-tư, tình-cảm. Và ân-nghĩa với oán hận. Không nói chi về “xét mình”. Vậy thì trong biểu-đồ đi lên của “xét mình” có chao đảo. Vậy, lòng hẹn lòng, tôi quyết giữ vững tay lái để biểu-đồ phải đi lên.

Và một mùa hè chấm dứt niên-khóa 1957-1958 dần đến. Tôi cũng hay theo Cử về nhà đương-sự vào chiều thứ bảy (sáng thứ bảy vẫn có giờ học). Lần nào mượn được xe đạp, thường theo Cử đến Cầu Lòn, nơi Cử thuê, thời gian học trong tuần. Hình thức nhà sàn, nửa trên đất bờ, nửa dô ra sông. Cử ở một mình, hình như tự làm bếp, nấu nướng. Có chiếc ghe nhỏ cột phía sau nhà, và Cử tập cho tôi biết chèo ghe, và hay loanh quanh chèo đến chân cầu Bạch Hổ.

Xế chiều tôi về Từ-đường họ Trần tại Nam Giao (cuối tuần). Ngày học thì tôi về căn biệt-thự “Maison De France”, cách Chaffanjon vài trăm thước, ăn ngủ tại đây để kèm Văn Đình Tùng. Anh rễ của Tùng là 1 viên-chức ngoại giao Pháp, là chủ căn biệt-thự này. Tùng học đệ Tứ trường Nguyễn Tri Phương. Tôi kèm 2 môn : Toán và Pháp Văn. Mẹ và anh trai của Tùng ở trên Dương Xuân Hạ, nơi anh ruột tôi trú-ngụ để đi làm tại Nha Bảo An. Anh tôi vừa đi Bảo An, cấp Hạ sĩ. Anh nhận mẹ Tùng làm mẹ nuôi.

Cử rủ tôi về nhà tại Vân Thánh. Tôi đã 2 lần ở qua đêm. Là căn nhà xây gạch, lợp ngói, khang trang, rất thoáng. Quanh là những khoảnh vườn trồng đậu phộng, và các loại khác (khoai lang, đậu xanh, …), cách bờ sông không xa. Tôi chỉ gặp 1 lão phụ không già lắm. Ban đầu tôi tưởng đó là mẹ của Cử (và khi viết những dòng này, mới biết chỉ có bà nội của Cử ở đấy, và 1 dì họ - cha mẹ và các em Cử đều ở Đà Nẵng).

Cử rất ít nói. Không nói về mình, và chỉ trả lời khi tôi hỏi. Mà tôi cũng tế nhị, cứ nghĩ hoàn-cảnh Cử cũng như tôi, “cô đơn cô độc”, nên không tìm hiểu xa hơn, và không hỏi thêm. “Nên không biết gì hết”. Cũng có thể do sự “vô tình”.
Tôi không thấy ai tiếp-xúc thân-tình với Cử. Có thể nói cuộc sống của Cử rất riêng biệt. Sống nhiều về nội-tâm.

Năm học 1958-1959.
Tôi làm trưởng lớp do cuối niên-khóa trước, lấy ưu hạng của Đệ Tam C2. Tôi cũng từng có thành-tích năm Đệ Ngũ lấy ưu-hạng, nhưng thi băng nên không được làm trưởng lớp Đệ Tam. Thi băng hỏng Tú Tài 1 kỳ 1, tôi không tiếp-tục thi kỳ 2, vì thiếu tài-liệu, thiếu người hướng-dẫn, và điều cần nhất là thiếu thời-giờ. Tôi phải dạy kèm Tùng, phải dạy kèm 2 cháu của bạn tôi là Tôn Thất Kỳ. Cần tiền, cần mưu-sinh.

Tùng thi đậu Trung học Đệ Nhất Cấp, và lên Đệ Tam Quốc Học Huế. Tôi hết dạy kèm Tùng và không còn ăn ở tại nhà anh chị của Tùng. Tôi cũng hết dạy kèm 2 cháu gái của Kỳ. Thật may, tôi gặp và kết bạn với đám Vĩnh Đương, Huỳnh Văn Hiếu. Đương là bạn cùng lớp 5 ème A trường Pellerin Huế (1953-1954). Năm sau, Đương qua Providence (Thiên Hựu) Huế, rồi qua Quốc Học Huế, và học trên tôi 1 lớp. Với Hiếu, tôi cùng học từ Tam C2, Nhị C2.
Hiếu cho tôi biết rằng mẹ của Hiếu - là bà cụ Trí - mời tôi dạy kèm Hân, em út của Hiếu. Kèm Toán. Đồng thời, Thầy Thông - em ruột bà cụ Trí - cũng mong tôi dạy kèm Giáo (con Thầy) và cô Yến (cháu Thầy). Cả 2 đang học Đệ Tứ trường Nguyễn Du, nơi Thầy Thông là giáo-sư Pháp văn. Thầy cũng dạy thêm 2 trường khác. Thầy rất nổi tiếng. Vậy là tôi “đóng đô” tại Phủ Cam. Ở nhà bà cụ Trí. Cụ Trí đã mất 2 năm trước. Cụ là thân-sinh của ông Huỳnh Văn Trọng (ông Trọng từng là cố vấn chính trị cho Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, những năm 1969-1972). Tôi cũng kèm Toán cho 2 bạn cùng lớp là Hiếu và Hiến (em kế Hiếu). Hiếu học Nhị C2, Hiến học Nhị C1.

Lại “1 cơn mưa rào” đổ ập vào lớp Đệ Nhị C2.

Lớp học trên lầu, là căn chót, dãy phía trái (từ cổng trường nhìn vào), sát với con đường “môi giới”. Chắc sứ thần Nguyễn Trường Tộ sẵn-sàng cách vui lòng vun-đắp “tình trăm năm” Đồng Khánh - Quốc Học? Nếu tôi không quên, hẳn hơn 1 lần “thư bọc sỏi” mà “Thanh điểu ân cần vị thám khan” (Lý Thương Ẩn) ném qua (hoặc bắn ná - tôi không nhớ rõ) bên kia đường. Gần vừa tầm tay, không cần ráng sức, thư xanh chắc chắn sẽ rơi gọn vào tầng lầu đối-diện. Và ngấp-nghé nhìn cho đến khi có bóng áo trắng “thơ ngây mộng trắng trong” cúi xuống từ lầu bên kia đường, tôi mới yên tâm. Mà chỉ vậy thôi, không có bước tiếp theo. Cũng đã đủ ấm lòng mình rồi!

Cuối dãy là khu nhà vệ sinh. Trúc đã lên Đệ Nhất C (không biết C nào).

Lớp mới là 1 hội-ngộ “4 phương”. Bạn cũ từ Đệ Tam C2 có Liệu, Cử, “chú tiểu” Thuận, Lâm Hưng, Lê Ngọc Quỳnh, Huỳnh Văn Hiếu, v.v… Nói thêm về Lâm Hưng. Tôi đoán Hưng là Hoa-kiều.

(Nguyễn Anh Điệp cho biết thêm : Hưng có ông cố nội gốc người Phúc Kiến, Trung Hoa sang VN thời nhà Minh suy-vi - trú quán làng Minh Hương, Thừa Thiên Huế - Vị tiền-bối này lấy vợ người VN).

Nhà ở trong Thành Nội. Từ cửa Thượng Tứ đến con đường ngang thứ 2 rẽ trái khoảng vài trăm thước, là 1 con đường song song với đường từ Thượng Tứ (trong óc chỉ mường tượng như thế, chưa hẳn chính-xác). Theo con đường này 1 đoạn ngắn, không xa về phía Đại Nội, bên trái đường là nhà Hưng. Vườn khá rộng.

Tôi gặp mẹ và 2 cô em gái của Hưng. Nói chuyện với mẹ Hưng chốc lát, tôi ra sân xem 2 chị em chơi vũ cầu. Cô chị khoảng 16 và cô em khoảng 14. Hai chị em không đẹp lắm, nhưng ý-nhị và có duyên. Cô chị thách tôi đấu, cô em nhường vợt.

Cả nhà rất thích tôi. Mẹ Hưng dặn tôi hãy thường-xuyên đến chơi, khi tôi chào từ-giả.

Lần đầu cũng là lần chót, tôi không hiểu sao. Tôi ngượng ngùng với Hưng. Y rất nhát, và hiền, cũng ít nói. Dĩ nhiên khi vào lớp Đệ Nhị, cùng vui-vẻ gặp chào nhau. Nhưng không thân-tình như năm trước. Chú tiểu Thuận lại cứ bám lấy tôi. Chú như con gái, nhỏ-nhắn, da trắng, môi lúc nào cũng hồng. Còn Cử “không xa mà cũng không gần”, lặng im, và hay đến bên tôi khi có dịp.

Bạn mới có Huỳnh Kim (từ trường Pháp qua). Có Nguyễn Hữu Thông từ Providence. Đặc biệt là Bùi Cao Hoành từ Nha Trang đến. Thơ của bạn ta, bút hiệu Cao Hoành Nhân được tán-dương suốt 1957, 1958 (trên nhiều tuần báo, đặc san, nguyệt san các nơi). Lê Ngọc Quỳnh (bạn bè gọi là “thi sĩ”) bám ngay Hoành. Hai tên này cần 1 nhân vật thứ 3, gọi là “bộ ba” - là tôi. Làm thơ thì 2 bạn dành hết, và tôi chỉ có nhiệm vụ “thưởng thức”, và phải lên giọng phê-bình (thường là “khen”).

Tôi thuê 1 căn phòng tại Phủ Cam, chung với anh tôi. Anh tôi bỏ học từ lớp Đệ Nhị B vào 2 năm trước, và đi lính Bảo An (như đề cập ở trên). Tôi rất bận-bịu. Thời- gian, ngay cả tâm sự với Cử, cũng không có. Trong lớp, Cử ngồi dãy trái, tôi dãy phải, hướng lên bảng đen. Tôi hay ngủ gật trong lớp, nên chọn bàn cuối (dãy phải).

Tôi còn nhớ Thầy Cao Xuân Duẩn dạy Anh Văn, Thầy Ngô Đốc Khánh dạy Pháp Văn, và Thầy Thế dạy Toán. Thầy Thế rất “mệt” vì tôi. Không 1 bài toán đại số, hình học không gian nào mà Thầy đưa ra cho học-sinh giải, mà không phải tôi là người giơ tay đầu tiên đáp ứng. Vì vậy, Thầy ngầm đồng ý tôi ngồi cuối bàn, dù để “ngủ gật”. (Bài CHUYỆN MỚI CHUYỆN CŨ kể về thời-gian tôi học Đệ Nhị C2, 1958-1959).

Ngày 31/1/2010
Bước chân xuống phi-trường Tân Sơn Nhất, là lần 2 tôi về thăm quê-hương. Sẽ ở lại VN 2 tháng, muốn coi lại 1 Tết âm-lịch cổ truyền - vốn khá lâu từ trong tôi vắng bóng.
Còn đúng 2 tuần nữa là mùng 1 Tết âm-lịch Canh Dần (phải dùng online để search). Trần Công Điền, anh họ (con bác ruột) trao đổi trò chuyện qua phone. Anh mời 2 vợ chồng tôi tham dự buổi sinh-hoạt - vừa tất niên vừa “hội ngộ cựu học sinh Quốc Học”.

Nhà anh tại quận Bình Thạnh. Là 1 biệt thự. Nhà xây, 1 tầng lầu và vườn rộng. Nhà + đất vuông-vắn 25 m X 50 m. Anh từ trước 1975 đều là dân-sự, chưa 1 ngày làm lính. Chức vụ trước và sau 1975 là Phó Giám Đốc Điện Lực Sài Gòn. Ít năm trước khi về hưu (khoảng 2000) là Tổng Giám Đốc. Buổi sinh-hoạt nói trên được tổ-chức tại nhà.

Rất đông thực khách. Hầu hết là bạn cùng lớp với Điền, các lớp B từ 1957-1960, và 1
số bạn của anh khi học Kỹ sư Phú Thọ các năm sau.

Tôi được Điền giới thiệu với thực khách. Một số biết tôi khi họ là bạn học với Điền những năm Trung học Đệ Nhất Cấp, vì bấy giờ tôi và Điền ở chung nhà. Tôi kèm học cả nhà - kể cả kèm Điền. Có 2 bạn cùng học với tôi : Trần Đăng Hoàng, lớp Đệ Ngũ Quốc Học, 1956-1957 (Hoàng sau này nhập ngũ, bị thương - cụt 1 chân), và Võ Văn Nhuận, bạn cùng lớp 2 niên-khóa 1957-1958 (Tam C2) và 1958-1959 (Nhị C2). “Kình địch” của tôi suốt 2 năm đó, nhưng Nhuận luôn là người số 2.

Có khoảng 5 bàn tròn, mỗi bàn 10 người. Điền xếp tôi vào những bạn học vốn quen biết tôi, và có Nhuận. 51 năm xa nhau, nay gặp lại với những ngỡ-ngàng. Nhuận sau Tú Tài 1 thì lên học Nhất A. Xong Tú Tài 2, Nhuận là tuyển sinh số 2 du học Nhật. Vì tuyển sinh số 1 (lý do lý-lịch) cuối cùng bị loại bỏ, mà Nhuận được đôn lên. Sau 7 năm du học, Nhuận lấy bằng Master về Hóa, trở về nước, được nhiều công-ty hóa chất trong nước mời giữ các chức-vụ quan trọng. Sau 1975, vẫn đảm-nhiệm giám-đốc 1 công ty hóa chất lớn, cho đến vụ cháy lớn của công ty (cách đây ít năm), tuy Nhuận vô-can, nhưng cũng nhân-tiện mà về hưu.

Chúng tôi ôn lại kỷ-niệm. Mi tau với nhau mà cười hề hề những điều ngớ-ngẩn, tranh giành nhau ngày xưa. Nhuận nhắc tôi 1 chuyện.

Huỳnh Kim ỷ mình trước giờ học trường Tây (Pháp), hỗn-hào với Thầy Khánh. Kim nói tiếng Pháp. Thầy Khánh cũng “quạt” lại 1 tràng tiếng Tây, nội dung bảo Kim là “ếch ngồi đáy giếng”... Như tôi đã viết trong đoạn trước, rằng lớp Đệ Nhị C2 là “4 phương” hội tụ. Giờ Pháp văn, giơ tay xin trả lời, làm bài luận mỗi tuần, tháng .. những “đại tướng” từ Lycée Francais, từ Providence, Pellerin, Collège d’ Adran (Đà Lạt), .. hùng hổ coi thiên hạ bằng “0”, vung bút.

Thầy Khánh yêu cầu tôi - là Trưởng lớp - đứng lên đọc bài luận tiếng Pháp của 1 học sinh mà Thầy vừa chấm và cho điểm cao nhất (12/20). Nghĩa là với tổng số trong lớp khoảng trên 40 học-sinh, thì con số dưới điểm trung bình hẳn không ít. Là bài luận của Tôn Thất Cử. Một “vô danh tiểu tốt”, các “đại tướng” trên rủa thầm.
Tội nghiệp bạn tôi, Tôn Thất Cử, ráng thu nhỏ người dù vốn gầy ốm, nhưng không làm sao nhỏ hơn, trước hơn 40 cặp mắt đổ về.

Lớp học qua mau. Tôi quá bận. Dạy kèm 2 nơi : - tại nhà bà cụ Trí, - tại nhà Thầy Thông. Lại còn lo chuyện Văn nghệ toàn trường (chuyện được kể chi tiết trong bài CHUYỆN MỚI CHUYỆN CŨ). Và với vai trò “Trưởng ban Kịch, Vũ”, tôi quen Vân Linh (Đệ Nhất A)
Xong Tú Tài 1, tôi vẫn kèm cháu Thầy Thông. Giáo đậu, còn Yến thi hỏng. Kỳ thi ban C Tú Tài 1 năm nay chỉ lấy 1/10 cho kỳ 1. Cả Phủ Cam, với khoảng vài chục, chỉ 3 người ban C đậu : tôi, Võ Nguyên Thị, và cô Ngọ Thu. Cả Huế với 400 thí sinh thi Tú Tài ban C, kỳ 1, chỉ khoảng 40 thí sinh đậu.
Tôi lên Đệ Nhất C2, là Trưởng lớp. Lớp học ở tầng trệt, căn chót.

Toussaint 1959. Đây cũng là đề tựa cho 1 bài viết khác. Lớp học khoảng 30 học sinh, nữ chiếm 12. Bạn thân còn lại chỉ thấy Tô Phạm Liệu, Nguyễn Công Hào. Tôi chú ý 2 bạn nữ : Kim Hải và Nga My. Tôi nhớ nhà trường có tổ chức 1 buổi họp mặt qua đêm cho mọi lớp, vào tuần lễ cuối tháng 10 và đầu 11, làm sao rơi vào ngày thứ bảy. Tôi tìm trên online và thấy 1 ngày khả-dĩ là Thứ bảy 31/10/1959, là ngày lễ Toussaint (Các Thánh - lễ lớn công-giáo - thời Đệ I VNCH, trường học được nghỉ qua ngày thứ ba tới mới đi học lại).

Sau ít tháng của năm học mới, tôi thôi kèm dạy tại nhà Thầy Thông, hết kèm con bà cụ Trí. Chị Như Tường, con cụ Trí (bà lớn đã mất gần 20 năm trước), giới thiệu tôi dạy kèm tại nhà bạn của chị gần Cầu Kho Rèn. Lại thiếu-thốn. Chỗ dạy kèm không ưng ý. Và tôi cũng muốn cắt đứt 1 chuyện tình. Tình “trai gái” thật phiền phức. Tôi quyết định rời Huế. Và chọn binh-nghiệp.

Tôi gặp lại Cử. Là lời chia tay. Ghi vội địa chỉ bạn để duy trì liên-lạc. Cử vẫn không nói nhiều nhưng nhắc tôi viết ngay khi đến chỗ mới. Lời giả-biệt chỉ đến với ít người. Với cô ruột tôi. Cô tôi vẫn ở 10 Trần Thúc Nhẫn, Bến Ngự. Thiếu thời (1949-1951) tôi ở với cô.

Từ-giả bà cụ Trí + 3 anh em Hiếu, Hiến, Hân và chị Như Tường. Good-bye Tô Phạm Liệu, Nguyễn Công Hào.
Từ-giả Cô (vợ của Thầy Tạ Đình Cung - Thầy mất ít năm trước). Giả-biệt LC và 2 em BC, BV. Là An Cựu, là Bến Ngự, Phủ Cam, là Nam Giao, là Văn Thánh, là con đường “hàng đoát” với những tối hẹn hò với HM, là đồi Quảng Tế với Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ, là cả 1 vùng trời phía Tây của Huế …”Time to kill, time to heal - Time to lose, time to gain - Time to love, time to leave”.

Rời Huế
Hai hôm trước, lần 2 đọc “Chân Trời Cũ” của Hồ Dzếnh, thấy buồn chi lạ. Lần đầu đọc (1952), chỉ buồn vu-vơ mà học thuộc lòng mấy câu trích từ Beaudelaire (thi sĩ Pháp) :

Il me semble parfois que mon sang coule à flots
Ainsi qu’une fontaine aux rythmiques sanglots
Je l’entends bien qui coule avec un long murmure
Mais je me tâte en vain pour trouver la blessure ..”

Hồ Dzếnh dịch “Đôi lúc hình như máu tưới nguồn.Tựa như dòng suối tiếng đau thương. Ta nghe máu chảy sầu vời vợi. Khốn nỗi không tìm thấy vết thương”.
Ông khắt-khe lên án “cái tôi” của quá khứ mình. Ông quá cường điệu trong phần chót về cái chết thê-thảm của người anh cả.

Tôi không muốn nói chuyện mình theo cách đó. Tôi không muốn nói hơn, cũng không coi tất cả diễn-biến ngày cũ như những cơn mưa rào theo đúng nghĩa đen của chúng, theo đúng vị-trí vốn có của chúng, chợt đến chợt đi rồi vĩnh-viễn biến mất.

Tôi chút hiểu và đồng-cảm với Quách Tấn “Nhưng xóa-bỏ cái gì đây? Đêm xóa-bỏ ngày. Cái chết xóa-bỏ đời sống. Quên xóa-bỏ nhớ. Danh-lợi ..”. Và nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận-xét về ông “.. người ta bỗng thấy cái tịch-mịch, lặng-lẽ trong thơ ông, thấm qua mình như một sự “xóa-bỏ không cưỡng lại được”” . Mùa Cổ Điển hết sức níu kéo, mà chút tồn-tại cũng không.

Vài tháng đầu tại Đà Lạt còn trao đổi thư-từ với nhau, tôi và Cử thân-thiết trở lại. Hai “nghịch-đảo” gần nhau khó hợp : 1 tôi hiếu-động, không bao giờ chịu khuất-phục trước nghịch-cảnh, - 1 Cử, hết sức “tĩnh”. Hồi đó tôi không hiểu. Cái “tĩnh” đó có vẻ yếm-thế, tiêu-cực.
Bạn tôi viết khuyến-khích tôi. Muốn giới-thiệu em gái là B.Y. cho tôi, kèm ảnh cô bé (bấy giờ mới khoảng 15, 16). Tôi cũng có viết 1 thư cho cô, nhưng không nhận được hồi-âm. Hơn nữa, tôi tin là Cử an-ủi tôi mà làm thế. Tôi vẫn cho rằng Cử là con một. Biết nhau gần 2 năm, có bao giờ Cử “khai” về mình cho tôi nghe đâu.

Cuối năm 1960, bạn ta chợt lò-dò góp mặt. Bất ngờ, vì đã hơn nửa năm tôi không nhận được thư của bạn, mà tôi thì quá căng-thẳng vì chương-trình học “đổi mới” của quân-trường này. Tháng trước, 52 trong số 300 SVSQ khóa 16 bọn tôi đã bị loại khỏi trường. Tôi mừng với kết-quả của mình, vị thứ 14/300, nhưng cũng ái-ngại, buồn nhìn một số bạn thân + toàn bộ vật-dụng cá-nhân lên xe GMC rời trường (hướng về Đồng Đế, Nha Trang). Có Lê Ngọc Quỳnh, Đoàn Đình Thuyên, Võ Trị Hà …

Thế là có cơ-hội gặp nhau. Ngoài Cử, tôi còn gặp người anh họ (Trần Công Điềm - con bác ruột), và Thân Trọng n (bạn thân khi cùng học tại Pellerin). Vĩnh Đương cũng góp mặt trong khóa 17 (hết còn bay-bướm! Phủ Cam còn ai thương nhớ, VĐ?). Từ giữa năm 1961, khóa 16 bọn tôi rỗi-rãi hơn, đã quen với những khó-khăn từ thể-chất đến tinh-thần, từ môn văn-hóa đến quân-sự, và khóa 16 đang là đại-niên-trưởng.

Cuối 1961, khóa 18 nhập cuộc, lại Văn Đình Tùng không dám toe-toét cười khi đứng trước mặt tôi. Tôi không đành lòng phạt bất cứ ai, là Cử, là n, là Điềm, là Tùng, … nhưng 1 SVSQ khóa 16 khác không tha. Họ sẵn-sàng hành-hạ đàn em (đó là qui luật).

22/12/1962 khóa 16 chúng tôi mãn khóa. Ra đơn-vị, coi như “nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”. Tôi và Cử đã không liên-lạc qua lại tiếp. 3 tháng sau thì khóa 17 cũng vì chiến-sự mà ra trường sớm. Từ 1963 trở đi, chiến-sự leo thang. Mỗi người chỉ lo phận mình, không thì-giờ để ý đến ai.

Rồi cũng quen với những cơn mưa rào trong đời, cả 2 nghĩa đen và bóng. Thoạt đến thoạt đi, những cơn mưa rào vô-tình, nhưng cho đến nay, chúng lại ăn sâu khiến niềm cảm-hoài cứ quấn lấy ta không dứt được cho đến cuối đời!

Bài viết “NHỮNG CƠN MƯA RÀO” tưởng đã chấm hết, thì chuyện cũ lại thêm “chuyện mới”. Sau khi bài viết được post trên FB, cứ nghĩ một Văn Đình Tùng của Phú Thọ, Cổ Lũy Quảng Ngãi 1965 nằm yên, 1 Trần Công Điềm của núi Nón, Sơn Tịnh Quảng Ngãi 1965, ngủ yên, … thì cũng 1965, Tôn Thất Cử và 1968, Thân Trọng n được nhắc lại.
Cảm ơn các em KO, HLH, Thiếu Lang và con cháu của mấy em cho anh biết thêm về bạn của anh, Tôn Thất Cử.

Cử ơi, RIP. Cơn mưa rào ngày nào đổ xuống chúng ta tạo nên tình bạn, vẫn chưa, vẫn không thể kết-thúc. Nó vô-tình, nhưng con người không vô-tình.

(Stone Mountain GA - Sept.15, 2021 - Riêng tặng các em Kim Oanh, và Hoàng Lan Hương).
----------------------------------------------
 
11. TOUSSAINT 1959
Tôi không biết nên chọn một đề tựa nào cho mẩu chuyện sau. Cũng không thể viết “Gặp nhau rồi để mãi chia tay”, vì rằng có người tôi gặp lại ít nhất mấy năm sau. Hay “Gặp nhau để nói lời từ-giả” thì cũng không nói lên trọng-tâm của câu chuyện, vì các bạn tôi không biết quyết-định “ra đi” của tôi, và tôi cũng không phải nhân-vật chính cho sự tụ-họp này.
Nhưng thời-điểm thì rõ-ràng. Tôi không nhớ lễ gì vào tuần cuối tháng 10 kéo dài đến đầu tháng 11 mỗi năm, mà các trường học công, tư của thập niên 50 được nghỉ học. Tôi chỉ nhớ lễ đó là 1 lễ lớn công-giáo. Giáng-sinh (Noel) thì mãi đến 2 tuần cuối tháng 12. Tôi thấy “Toussaint” là khả-dĩ. Vậy tựa-đề được chọn là thế.

Trong 1 bài viết trước, khi bàn đến “số phận” học-sinh Quốc Học của tôi, thì lớp Đệ Nhất C2 là căn trệt chót, nằm dãy trái (nhìn từ cổng trường vào) - tiếp nối là dãy nhà vệ sinh, cũng sát với hội-trường (có thể dùng từ-ngữ Pháp “préau”).
Niên-khóa 1959-1960 tôi vẫn làm Trưởng lớp, xét từ kết quả năm trước, và sau khi trường khuyến-khích mỗi lớp họp mặt qua đêm nhân lễ .. Toussaint, tôi kêu gọi các bạn trong lớp cùng thảo-luận. Việc gì khó, chứ việc sinh-hoạt thanh-niên thì Tô Phạm Liệu hăng-hái nhất. Đương-sự vốn đang hoạt-động trong đoàn Hướng-đạo Huế. Tôi bán cái cho Liệu, giao Liệu (mồm mép cũng khá) vận động các bạn nam, nữ trong lớp tham-gia càng đông “càng vui”.

Ngày trường ấn-định là ngày thứ Bảy, 31/10/1959 (nhân lễ Toussaint công-giáo, và các trường học được nghỉ ngày thứ hai 2/11/1959, thứ ba 3/11 mới đi học lại). Chúng tôi sau buổi học sáng thứ bảy (như thường lệ), về nhà chuẩn-bị đồ ăn, bánh trái, những thứ linh tinh khác. Được nhà trường lưu ý, trọng tâm là sinh-hoạt văn-nghệ. Ai nấy chuẩn-bị phần đóng góp như kể chuyện, ca hát, đàn, sử-dụng nhạc-khí, v.v… Hẹn có mặt tại lớp vào 6 giờ chiều.

Nữ khá đông, khoảng 7 cô (hơn ½ số nữ-sinh lớp Đệ Nhất C2). Có mấy cô mà tôi khó quên cho đến nay : Nguyễn Thị Thanh (cô ngồi giữa bàn số 2 bên dãy phải, sát cửa vào), chỗ tôi sát sau lưng cô - và Thanh cũng ngồi ngay sau lưng Nguyễn Thị Nga My (ngồi giữa bàn 1 dãy phải). Tường Nhi, ngồi kế tay phải Nga My. Có Kim Hải, ngồi giữa bàn 1 dãy trái.

Lẽ ra nên có chị Kim Cúc (lớn tuổi nhất, khoảng 25 tuổi, đã có chồng là bác-sĩ ? , có 1 con và nay sắp có đứa con thứ 2 vì chị đang mặc áo “đình chiến”). Chị rất vui tính, niềm nở. Chị báo tôi rằng chị quá bận việc chồng, con nên không thể tham-gia họp mặt. Chị Cúc ngồi số 1, ngay cửa vào lớp (bàn 1 dãy phải, cạnh chị là Nga My). Xin lỗi 3 cô còn lại. Hơn 60 năm đã mài-mòn trí nhớ của tôi làm tôi quên lửng tên 3 người “đẹp”.

Nam-sinh đều cao ráo, trừ tôi thấp, xấu-xí nhất. Nguyễn Công Hào, Phan Tường Tứ cao đến 1 mét 80 - Đặng Trần Chuyên và Đoàn Duy Hinh trông cũng “đồ sộ”. Tô Phạm Liệu cũng cao mập như Trương Thúc Cổn, nhưng đứng hàng thứ 6 so với 5 người trên. Thói đời là vậy, đứa nhỏ bé, “quanh co” nhất như tôi lại là đứa “chỉ huy”.

Trong số các bạn, chỉ mỗi Liệu biết lần họp mặt này là lần tôi âm-thầm nói câu giả-từ. Sẽ giả-từ các bạn có mặt hôm nay. Giả-từ cả lớp. Giả-từ trường. Tôi đã được nhận vào học khóa 16 VBQG ĐL, sẽ khởi-hành vào 23/11/1959.

Ai cũng đến sớm, trước khoảng 15 phút. Giờ hẹn là 6 PM. Sau cuộc hội-ý ngắn ngủi, đám thanh-niên kéo bàn ghế sát quanh bục giảng, đủ chỗ cho việc sinh-hoạt của 14 học-sinh. Chỗ nghỉ đêm của nữ, chỗ cho bọn nam-sinh chúng tôi, mọi việc xê-dịch bàn ghế kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ.
Lương-thực, thực-phẩm, trà, cà-phê, v.v… từ mỗi người được giao cho ban Ẩm-thực do Nga My đại-diện. Tôi cũng không rõ các cô làm thế nào để nấu-nướng, pha trà, linh tinh các thứ, v.v…
Chương-trình sẽ là cùng ăn chiều - tiếp, tráng miệng với bánh trái, chè, và các thức uống. Vừa ăn vừa nói chuyện linh tinh kéo dài khoảng 1 giờ. Thêm ít thời-gian dọn-dẹp, thứ gì cần để, thứ gì cần xếp bỏ vào bao. Cũng đến khoảng 9 giờ tối mới bắt đầu cho sinh-hoạt văn-nghệ.

Thầy Hiệu-đoàn-trưởng Văn Đình Hy đặc-trách Thể dục thể thao, Thanh-niên học-đường - Ông chốc chốc lại ló mặt. Lớp nào cũng tổ chức. Các lớp Đệ Tam là “yêu đời” nhất, “loạn” nhất. Thầy Lê Hữu Mục đặc trách Văn-nghệ toàn trường, cũng rất hăng-hái. Cũng có thêm vài Thầy trẻ khác tham-gia.

Chúng tôi xong buổi cơm chiều. Trà nước, chè, bánh ngọt nhẩn-nha. Chỉ có 1 cây đàn guitar (tôi không nhớ nhà nghệ-sĩ là ai), tôi đem theo 2 khẩu-cầm (1 Butterfly, 1 Piccolo). Ai cũng phải là ca-sĩ, nhất là các nữ-sinh. Ai hát dưới 2 bài thì bị phạt (tôi cũng quên hình-thức phạt là gì). Và kể chuyện. Phải có chuyện để kể. Kể mà không khiến khán-thính-giả cười thì bị phạt…

Tháng 3/1960

Liệu gửi cho tôi 1 Đặc-san của lớp Đệ Nhất C2 Quốc Học. Bấy giờ tôi đã ở Đà Lạt được 4 tháng. Trong đặc-san, người viết dài (vốn cũng hay nói dai) và nhiều đề-mục là Tô Phạm Liệu. Các bạn khác, nam cũng như nữ, thì chỉ vài dòng, coi như “lưu bút ngày xanh”. Liệu nhắc lại “đêm họp mặt Toussaint”.

Liệu đại-diện các bạn còn lại của lớp, nói lời chia tay “muộn” với tôi. “Muộn còn hơn không”! Và nhất là cô Thanh. Cô nói rằng “Chiều Tô Châu” sẽ là 1 lần nào đó sau này khi cô có dịp sẽ viếng thăm (chắc cô tiên-tri sẽ dễ dàng qua Tàu, qua Nhật để du-lịch). Khó hiểu khi cô có ý-định trên, nhưng Liệu gạn hỏi, thì cô trả lời rằng đó là bài hát mà tôi dùng khẩu-cầm Piccolo độc-tấu trong đêm họp mặt kỷ-niệm khó quên.

Ngày rời Huế, chỉ mình Liệu tiển tôi. Tháng 6/1961 tôi có dịp về Sài Gòn thi vấn-đáp Tú Tài 2. Tôi phải bỏ kỳ thi năm 1960, vì chương-trình thụ-huấn năm đầu tại quân-trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt rất nặng kể từ khóa 16 chúng tôi trong 4 năm. Lơ là sẽ bị loại.

Liệu đang học năm Dự bị Y khoa tại Sài Gòn. Và đương-sự cũng để ít thì-giờ hộ-tống tôi thi vấn-đáp. Tại Đà Lạt chỉ open thi Viết mà thôi. Tôi còn nhiều dịp gặp lại Liệu về sau (trước 1975). Tôi đã viết nhiều bài, đều có đề cập Liệu.

Với Nguyễn Công Hào, tôi gặp lại năm 1969 tại Nha Trang. Hào và tôi đón Lê Ngọc Quỳnh, đang là giáo-sư Trung-học ở đây, cùng vui hội-ngộ 1 đêm. Say quên trời đất! Hào xong cử nhân luật, đang làm việc tại Tòa án Nha Trang.

Tôi cũng gặp Đoàn Duy Hinh năm 1969 khi Hinh đang là Ty trưởng CSQG tại Quảng Ngãi. Và với Trương Thúc Cổn, thì cùng đi lính, cùng binh chủng. Đương-sự trước sau đều làm việc tại Phòng CTCT/LLĐB.

Năm 1963-1965, tôi có dịp làm việc tại Quảng Ngãi. Biết Nga My về dạy Nữ Trung-học tại Tỉnh, và dù bạn thân tôi là Phạm Hữu Trúc cũng dạy Trung học Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi. Y nhiều lần rủ tôi đến thăm Nga My, tôi đều từ-chối (vì 1 lý do riêng).

Năm trước, tìm trên online “Hội Ngộ Cựu HS/QH-ĐK” tại Nam Ca-li, thấy có ảnh Nga My và Kim Hải. Lòng nao nao. Mừng 2 bạn vẫn khỏe mạnh, vui vẻ với tuổi (bấy giờ) gần 80. Tôi lớn tuổi hơn 2 bạn. Kim Hải “hay khóc” xưa, nay có còn “nhòe lệ”? Nga My “nghiêm-trang” xưa, nay có còn giữ dáng-dấp hôm nào?

14 bạn cùng lớp họp mặt năm đó, riêng Liệu thì sớm ra đi (1997), mới đây biết thêm về Nga My, Kim Hải còn vui sống. Còn lại những ai, và ra sao thì “Đãn khứ mạc phục vấn. Bạch vân vô tận thì”.

(Stone Mountain GA - Oct.20, 2021)
------------------------------------------------------
 
 12. CHUYỆN MỚI CHUYỆN CŨ
Chuyện mới, thì bắt đầu vào thời-điểm nào? Ở đâu? Nhiều chuyện quá khiến tôi lúng túng. Mà lúng túng thì dễ vào “Mê Hồn Trận”, dẫn-dắt tôi hết đi theo “đường quanh” lại vướng “ngõ hẹp”. Và bài viết hẳn sẽ là “lê thê”. Tại sao gọi là “lê thê”? Họ “Lê” dài nhất trong lịch-sử VN, và càng “Thê-thảm” khi Lê Chiêu Thống đi trước Hoàng Văn Hoan, và theo sau Trần Ích Tắc, Trần Di Ái …
Nói thì nói vậy, nhưng “ĐÚNG, SAI, CHÍNH, TÀ” thì dù từ bao thế-kỷ trước cho đến nay, ta cần “C N NHẮC”.

Tôi xin nói trước, rằng có những đoạn mà tôi trích-dẫn qua ngôn-ngữ khác với tiếng Việt, thì độc-giả :
- muốn hiểu, thì qua Google chuyển qua tiếng Việt
- muốn đọc tiếp mà không cần hiểu những đoạn “rắc-rối” này, thì cũng có thể “phớt lờ” bỏ qua và đọc tiếp, không sao cả.

Nói về “Lịch Sử” (History), thì trong “Faith and History”, George E. Ladd, Ph.D. viết (tôi chỉ trích vài dòng) :
[ The question of the nature of history has been raised in a recent article in the bulletin* which demands further discussion. In this article the present writer was quoted because he refuses “ to accept the resurrection as objective Historie “ ]
( * là bulletin viết bởi J.W. Montgomery : Karl Barth and Contemporary Theology of History ).
Karl Barth, thì hễ ai học Thần-học ở trình-độ Doctorate mới tìm hiểu về “ Church Dogmatics ” của ông được. Chiều dày của toàn tập này là 9000 trang. Nguyên bản tiếng Đức, dịch ra tiếng Anh thành 36 volumes. Hiện, bộ sách đồ sộ này được rút gọn còn 14 volumes. Tôi đã order 14 cuốn này gần 8 năm trước để đọc, học.

Nhưng Karl Barth vẫn không làm thỏa mãn những thần-học-gia khác khi giải-thích về “History” - tôi có tham-khảo phần đó. Ladd, giáo sư Thần-học-viện tại Pasadena, California, phải mất gần 6 trang giấy để định-nghĩa “Lịch Sử” (History). Ông dùng 2 chữ [tiếng Hòa Lan] “Historie” và “Geschichte” để phân-biệt 2 loại “Lịch Sử”, và định-nghĩa “Lịch Sử là gì?”

Và khi tôi nói về “con người” và “lịch sử”, dù từ những thời-gian xa xưa trước, tôi rất cân-nhắc khi phê-phán.

Trở lại “chuyện mới”, chuyện của gần 2 năm qua thật “lắm chuyện”. Chuyện bệnh dịch “toàn thế giới”, tôi xin miễn bàn, vì có quá nhiều chứng-nhân, và nhất là nạn nhân + thân nhân của họ. Tôi đang ở Hoa-kỳ, vậy chuyện xảy ra tại Mỹ cũng đang là đề-tài nóng hổi. Thì tôi cũng xin miễn bàn, vì ngại “đụng chạm”. Mỹ là xứ tự do. Vợ chồng cũng thường xảy ra chuyện “khác chính-kiến nhau”, dĩ nhiên giữa cha mẹ, con cái, anh em …là cơm bữa. Tôi chợt nghĩ đến Pháp của thế kỷ của George Sand, Chopin … mà “chính trị” là đầu câu chuyện hằng ngày. Từ đó có câu nói “chính trị phòng trà”. Thật văn-minh tiến-bộ có khác : “phòng trà chính trị” ngày đó của Pháp đã lan rộng hôm nay. “Chính trị” không còn là “cơm bữa” mà biến thành “hơi thở”.

Vậy “chuyện mới” cũng “đừng bàn”. Không nói chuyện mới, thì ta kể chuyện xưa. Chuyện xưa thì “nay” đã là “phong trào”. Nhiều Group, Page FB từ “Nhạc Vàng” đến “chiến trận, anh hùng, ..” luôn đầy ắp. Rồi bao nhiêu hình ảnh, hoa hòe hoa sói, món ăn đủ loại, …, rồi “câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An” đầy tràn FB. Tha hồ bàn hưu tán vượn, không sợ kiện-cáo. Tự do thả cửa!

Chuyện người ta thì tôi cũng biết ít nhiều, cũng có đề-cập một số người hoặc tôi biết rõ, hoặc tôi từng tiếp-xúc. Nhưng rất dè-dặt. Chỉ có chuyện riêng mình với những yếu-tố khác có liên-quan (thời-gian, không-gian, người, biến-cố, v.v…) thì tôi mới mạnh-dạn viết. “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Bài viết gần nhất kể về chuyện của Đệ Nhất C2 Quốc Học Huế sau 3 tháng đầu của niên-học 1959-1960. Bài đó tôi chỉ kể lại cuộc họp mặt qua đêm vào mấy ngày nghỉ lễ trong 2 ngày : cuối tháng 10 và đầu tháng 11 của năm 1959. Vì chỉ chú-ý trọng-tâm câu chuyện, nên tôi không nói lên những yếu tố khác về lớp ấy. Các Thầy thì tôi chỉ nhớ rõ : Thầy Nguyễn Quới (Pháp văn), Thầy Dương Thiệu Tống (Anh văn), LM Cao Văn Luận (Tâm lý học, Đạo đức học, Triết học Đông phương), Thầy Nguyễn Văn Trung (Luận lý học), Thầy Lê Tuyên (Siêu hình học), Thầy Nguyễn Hữu Thứ (Sử), không biết có nhớ đúng các Thầy Hồ Viết Lợi (Vạn Vật), Bùi Ngoạn Lạc + Tôn Thất Tắc (Toán, Lý Hóa) ..

Lớp học nhiều nữ-sinh (12), nam-sinh cũng không nhiều (khoảng trên 15). Cả lớp chưa tới 30. Bổ khuyết cho bài viết trước, phải cảm ơn bạn Tue Ton đã cho tôi biết thêm tin-tức.

Sau Tết âm-lịch 1959, thoáng đã qua vài tháng đầu của Lục cá nguyệt thứ 2. Tiếng là mỗi năm có 2 lục cá nguyệt, nhưng thực-tế, mỗi lục cá nguyệt chỉ có 4 tháng. Trong 9 tháng học, thì 1 tháng đã tốn cho các ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ. Đệ Nhị C2 thì vẫn sôi-nổi : - cả lớp chuẩn-bị cho kỳ thi Tú Tài 1, - cá nhân tôi thì vẫn chạy đua với Võ Văn Nhuận tranh chức “vô địch”. Mỗi tháng từ lúc bắt đầu niên-khóa đến nay + lục cá nguyệt 1, thì Nhuận vẫn luôn là kẻ đến sau (diễn-viên đóng vai phụ).

(Nhuận hiện ở Sài Gòn với gia-đình con gái. Có email nhưng không vào FB. Rời VN cuối 1960, du học Nhật 7 năm, lấy Master Hóa-học, sau này [khoảng năm 2000] làm Giám-đốc 1 công-ty hóa chất lớn tại Sài Gòn - Công ty bị hỏa hoạn lớn - Nhuận không bị làm rắc-rối nhiều, nhưng công-việc không như trước. Về hưu sớm. Gặp lại tôi tại Sài Gòn năm 2010 trong dịp Hội ngộ Cựu HS/QH tại Sài Gòn. Hai bạn già tâm-sự, và kể chuyện xưa).

Và bắt đầu từ đây mới là trọng-tâm câu chuyện. Các nhà phê-bình văn-học “khó tính” ngày trước, chắc thòng mấy chữ mực đỏ to-tướng “lung-khởi dài lê thê - không đáng được phê bình. Vứt vào xó bếp”.
Nhưng không ai vất bài này vào xó bếp được. Ngoài Owner của FB. Riêng tôi có dự-phòng, đã chụp ảnh toàn bài, đang được đánh vào computer để lưu giữ. Và xin nói thêm, tất cả bài viết của tôi đang được lưu giữ, sẽ được đưa vào 1 usb làm tài-liệu.

Hàng năm vào thời-điểm này, phong-trào “Văn Nghệ” lại sôi trào, chuẩn-bị cho cuối năm học, vào hạ, hoặc tạm chia tay nhau chờ năm tới, hoặc từ-biệt + “nếu đường đời còn gặp nhau” sẽ là cơ-duyên hội-ngộ. Thì 1 đêm văn-nghệ ắt phải có để lưu-niệm.
Đặc-biệt lần này lại nổi-bật vì “nghe rằng” có Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến dự. Thầy Lê Hữu Mục, 1 cây violon, là Giáo-sư Đặc-trách Văn-nghệ toàn trường, cũng vì lý-do “chính” đó mà hết sức tích-cực. Ông yêu- cầu phổ-biến 1 cuộc họp tất cả các học-sinh có tên trong Ban Văn nghệ mỗi lớp - chỉ Đệ nhị cấp. Để bầu ra 1 Trưởng ban Văn nghệ toàn trường và các phân ban khác (kịch, vũ, âm thanh, ánh sáng, v.v…)

Vào ngày N giờ G, học sinh mỗi lớp đã chọn nhân-tuyển vào ban văn nghệ, 3 người mỗi lớp. 6 lớp đệ Nhất (2A, 2B, 2C) + 8 lớp đệ Nhị (2A, 4B, 2C) + 8 hay 9 lớp đệ Tam, tổng cộng trên 50 học-sinh. Thầy Lê Hữu Mục chủ-tọa buổi họp. Lớp tôi, tôi với tư cách Trưởng lớp, tôi vận-động Lê Ngọc Quỳnh đại-diện cho lớp, và cá nhân tôi “đành hy sinh thời giờ” làm phó cho Quỳnh. Chọn thêm Tô Phạm Liệu cho đủ 3 người.

Phe ta khá đông, hơn nữa, phe Nhuận càng muốn tôi và Quỳnh đắc-cử để tôi vì phải lo chuyện “công” (văn nghệ trường) mà lơ-là chuyện “riêng” (tranh vị trí số 1 của lớp trong kết-quả cuối năm). Sorry nghe Nhuận. Đây là tôi đoán thế, không có ý xấu gì đối với bạn. Ai mà vô-duyên “bốc thơm” đồn-đại nói xấu tôi với bạn, thì mong nó .. như thế nào hề? Không lẽ bịt mồm nó, thì làm sao nó ăn-uống được? Không lẽ mong nó câm, thì làm sao nó tỏ tình với người yêu? Thật khó xử!

Phòng họp náo-nhiệt. Chúng tôi đến trước, chờ giáo-sư Mục. Trong khi chờ-đợi, anh Vịnh, cũng 1 cây violon, (hình như) Cựu Trưởng ban văn nghệ toàn trường năm ngoái, điểm danh + ghi tên mọi người có mặt. Tôi lân-la khắp nhóm. Nhóm đệ Tam cũng quen 1 số (nhất là Văn Đình Tùng) - tôi rỉ tai với họ bỏ phiếu cho Quỳnh. Tôi tán-dương Quỳnh hết ý. Mà Quỳnh cũng nổi danh “thi sĩ”, là cặp bài trùng với Bùi Cao Hoành (Cao Hoành Nhân). Cứ thế nhóm bạn của anh họ tôi (Nhị B) thì quá quen biết. Với nhóm đệ Nhất, thì có Phạm Hữu Trúc, Vĩnh Đương làm cơ-sở tôi quen những học-sinh khác (đệ Nhất).

Kết quả phiếu bầu, Lê Ngọc Quỳnh được chọn làm Trưởng ban Văn nghệ toàn trường. Lẽ ra anh Vịnh do nhiều người đề-nghị “lưu dụng”, nhưng anh đã từ chối trước khi bỏ phiếu với nhiều lý do. Cũng có vài học-sinh đệ Nhất khác có uy-tín, nhưng nói chung, họ hứa chỉ phụ giúp mà thôi. Lo thi Tú Tài 2 và thi vào các ngành Đại học khiến những học-sinh này không còn tâm-trạng lo văn-nghệ của trường.

Quỳnh nhận trách-nhiệm, và đề cử tôi làm Trưởng ban Kịch + Vũ - đồng thời chọn 1 số học-sinh khác chuyên về âm-thanh, ánh sáng, nhạc, ca hát, v.v… Mọi phân ban đều được bỏ phiếu thông qua.

Giờ giấc sinh-hoạt để họp bàn, tập dợt đã được Thầy Mục phê-chuẩn và gửi đến văn phòng Hiệu-trưởng Đinh Qui, tổng giám-thị, giám-thị, hội-đồng giáo sư, v.v…để các học-sinh chính-thức trong ban văn-nghệ toàn trường được thuận-lợi. Liệu được làm Phó ban kịch. Ban nhạc, ca hát có anh Vịnh giúp đỡ, cố vấn. Ban vũ có Thạch Trúc cố vấn. Về kịch, trực-tiếp Thầy Mục cố-vấn tôi. Trong ban vũ, tôi nhớ có các cô Thạch Trúc, Vân Linh, Liên Ba .. (chính vì có nhiều thì-giờ tập dợt chung mà tôi quen với VL và LB).

Tôi định chọn “Bến Nước Ngũ Bồ” cho vở kịch, nhưng Thầy Mục bảo rằng quá dài, và nhiều nhân-vật chính, khó tập-dợt chỉ trong 3 tháng. Cuối cùng tìm mãi và chọn được vở kịch .. (tôi quên mất tên) với nội dung là kịch Ngô Thì Nhậm vs Đặng Trần Thường, với câu đối để đời “Ai công hầu ai danh tướng trong trần ai ai dễ biết ai” (ĐTT), và “Thế Chiến Quốc thế Xuân Thu gặp thời thế thế thời vẫn thế” (NTN).

Nhiều bạn tình nguyện đóng vai chính, nhưng tôi quyết-định dành ưu-tiên cho bạn thân của mình. Tô Phạm Liệu đóng vai Ngô Thì Nhậm. Quả nhiên, Liệu diễn-xuất quá tuyệt.

Cuối năm, có TT Diệm tham-dự. Buổi trình-diễn hết sức thành công (trước giờ chưa từng được nhiệt liệt hoan hô như thế). Đặc-biệt với vở kịch, tuy chỉ chiếm ⅓ thời gian, nhưng nhờ nó mà buổi trình-diễn được TT Diệm khen-ngợi, là niềm vinh-dự cho cả trường. (Hy vọng cho đến nay, vẫn còn 1 số chứng-nhân - đã là khán-thính-giả của buổi trình-diễn cuối năm học của Quốc Học 1958-1959).

Thời-gian tập-dợt đã là vất-vả. Việc tìm mượn các loại y phục cổ-truyền lại rất là khó khăn. Cảm ơn Khải, Đệ Nhất A, cũng giúp ban văn-nghệ, giới-thiệu tôi với mẹ bạn. Gia đình của Khải vốn có truyền-thống từ ông bà là owner của 1 gánh hát “Bộ”. Tôi, Liệu, và vài bạn trong ban kịch, đã đến nhà Khải để nhận các trang-bị. Cảm ơn mẹ của Khải và Xuân Mai, em gái Khải (còn học Đồng Khánh - chắc đệ Tứ) giúp bọn tôi khuân-vác trang-bị, dụng-cụ (áo, quần, hia, mão, gươm giáo, đao, v.v…) từ căn phòng tối-tăm “ngủ yên đã hàng chục năm”. Nhà Khải gần chùa Diệu Đế, Gia Hội.

6 năm trước (2016) tôi có dịp về VN. Ra Huế, đi dọc đường bờ sông, từ phía đông cầu Gia Hội. Bấy giờ có nhiều quán cà-phê dọc theo. Tôi đi bộ, ráng tìm con hẻm vào nhà Khải năm xưa. Quá thay-đổi. Đường xá, nhà cửa còn thay đổi lớp lớp, huống gì người?
“Sóng lớp phế hưng nghe đã rộn. Chuông hồi kim cổ lắng càng mau” (Bà Huyện Thanh Quan), để rồi bà than “Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”. Xuân Mai cũng khá xinh, nay thế nào, đã gần 60 năm?
Bà Huyện Thanh Quan chỉ vài chục năm sau, trở lại Thăng-Long thành, thành cũ nát nhưng còn vết-tích. Tôi dài hơn, gần 60 năm trở lại. Xóa cả rồi!

(Stone Mountain GA - Oct.22, 2021)
------------------------------------

13. ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG
Đó là tôi. Khi tôi thấy mình “vĩ đại”, đã từ lúc 10 tuổi. Thấy mình nghênh-ngang ở tuổi 12, nghĩ rằng không lâu, ta sẽ khác-biệt hẳn “những tên” cùng lứa. Thì đùng 1 cái, với tuổi 15, chợt thực-tế bấy giờ “lôi” tôi xuống đất đen (Đất đen còn đỡ, là đất sỏi đá miền Trung đó!). Một thoáng thôi. Tôi ngoi dậy, vươn trở lại lúc 18.

Thời-gian qua mau. Tuổi 20. Rồi 30, thấy mình cao-ngạo với địa-vị đang có, cùng kiến thức “hỗn-tạp” khiến tôi “coi thường trên, thương hại dưới”. Gần 10 năm lao lung, mới biết “đời vô thường”, cần xét lại mình. Thế là xét lại mình của 8 năm.

Thật buồn cười! Trí thật cao, lại phải bươn-chải ở tuổi trên 50 đến gần cuối đời. 17 năm khổ-nhọc mưu-sinh. Tôi muốn tiếp-tục học dù tuổi đã 70. Thiên-hạ so với tôi thua xa, nay bằng cấp này nọ, mũ áo xênh-xang, nhận văn-bằng trao tay, máy ảnh lia-lịa chụp. Hình ảnh có khắp nơi, nhan-nhản trên FB.
Tôi không chỉ sống vì vật-chất, nhưng vật-chất là cơ-bản cho cuộc sống của tôi (và tôi nghĩ rằng cũng là cơ-bản cho đời sống của con người nói chung).

Về hưu ở tuổi 70. Con cái cũng đã ổn-định. Vật-chất cá nhân cũng tương-đối. Tôi lại tiếp-tục việc học suốt 8 năm. Tôi đã quên mất rằng khi nhìn lại mình - tuổi đã 80.
Tôi đã làm được gì? Và tôi còn lại gì? Và với cái tôi còn gì thì để làm gì?

Suốt 2 năm, từ 8-10 tuổi, ngoài giờ đi học, tôi từ Bến Ngự (phía giáp cầu ván lên Từ Đàm), chạy qua nhà bạn cùng lớp Tiểu-học là Thân Trọng n, bên kia sông (hình như sau là đường Phan Chu Trinh). Qua khỏi cầu ván, rẽ trái chừng 100 mét.
Hình như ông nội (hay cố nội) của n từng là Thượng Thư thời ?. Và chắc căn phòng ngoài cùng là phòng khách (cũng là 1 thư-viện với những giá đầy sách). Một ông cụ khoảng lục tuần đã ngồi tự bao giờ trong phòng. Tôi nghĩ là ông nội của n.
Chào ông cụ xong, tôi cũng không thèm nói chuyện với n, tự-động lục-soạn, chọn sách đọc. Hầu hết là sách dịch từ những chuyện Tàu.

Chỉ đọc mà không được mượn đem về nhà, ông cụ long-trọng nhắc-nhở khi thấy tôi có ý-định hỏi xin phép mượn khi đọc dang-dở.
Thế là với anh em, bà con, bạn cùng lứa, “sự hiểu biết của tôi” rất chi là rộng. Đứa nào cũng tròn xoe mắt. (Tội nghiệp những anh có mắt ti-hí, thì làm sao mà tròn. Trợn lắm chỉ khổ làm rách mí mắt!). Nào Tam Quốc Chí, nào Hán Sở tranh hùng, nào Anh hùng náo Tam môn nhai, Tiết Nhân Quý .. Tiết Đinh San… Nếu nặn óc mà kể ra hết, chắc phải tốn giấy bằng 1 cuốn sách.

Lên Trung-học, từ 6A lên lớp 5 ème A Pellerin (chương trình Pháp), 1953-1954 không dễ gì, tôi vẫn ngon trớn, 1 đường thẳng ta đi, không ở lại lớp, không phải qua lớp 6B, 5B. Chỉ lớp A thẳng tiến. Và lẽ ra, chuẩn-bị vào 4A năm 1954-1955, thì phải “tuân lệnh đình chiến Genève” mà tạm nghỉ học. Người ta đánh nhau, nghỉ đình-chiến đã đành. Còn tôi mắc-mớ gì? (Chuyện sẽ được nói rõ trong 1 bài viết khác “BẠN TÔI”).

Tiếng Pháp biết vài chữ, thế là tìm đối-tượng để “giải buồn”. Dưới phố có nhiều bạn cùng trình-độ, khó mà khoe. Cuối tuần lên Nam Giao làm tên “sai vặt” cho bà nội của tôi, thì những tên “paysant” (nhà quê) chăn trâu, làm ruộng quanh xóm Dương Xuân Thượng đều coi tôi như vua, như bác học.

Thuộc cả hơn 100 bài thơ Hán, đủ các đời, từ Ly Tao của Khuất Nguyên, đến Đào Tiềm đời Tấn, mà Đường-thi thì vô số, Tống thi với Tần Quán, Lý Thanh Chiếu, và đồ sộ hơn cả là Tô Đông Pha (là Tô Thức với cha và em), Minh thi .. Đọc “Quá Tần luận” mà thấy thương hại trước lối văn hùng-biện đời nay. Đương, Cự, Tụng, Hứa .. bạn cùng lớp nghe tôi khoe mà cảm thấy “tự ti”, “nghẹn ngào khó thở”.

1954-1955, hết học bổng + tình-trạng kinh-tế gia-đình bác ruột suy-kiệt, khiến tôi không thể tiếp-tục học tại Pellerin, lớp 4A (tương đương đệ Ngũ trường Việt). Không thể vào học các trường tư thục khác tại Huế, một em họ - giám thị trường Lycée Francais Huế, xin cho tôi vào học 6 ème (tương đương đệ Thất trường Việt), nghĩa là tôi tự nhiên mất 2 năm. Dù sao đây cũng là trường công của Pháp. Và tôi nếu cần, có thể chuyển sang trường công-lập Việt Nam. Năm sau, 1955-1956 tôi chuyển qua Đệ Lục Quốc Học.

Tôi rất rảnh-rỗi trong niên-khóa này. Có nhiều thì-giờ chăm-sóc bà nội trên Nam Giao. Bà ở chái trái của nhà thờ họ Trần, thì tôi ở chái phải. Học 6 ème trường Pháp, tôi dễ dàng qua các môn, kể cả tiếng Pháp. Cuối năm đứng thứ 2, chỉ sau cô Nguyễn Thị Hảo (sau này nghe nói cô làm cho Đài Phát Thanh Sài Gòn). Ở chái phải của nhà thờ họ Trần, vô tình tôi nhận “di sản” từ chú họ tôi là Trần Thanh Mại. Từ sau khi nhà thờ được chuyển từ Tiên Nộn (đối diện Bao Vinh) lên Nam Giao, và được xây cất khang trang hơn vào năm 1938, thì chú họ tôi “chiếm” chái phải.

Nhiều sách tặng từ các tác-giả đương thời : Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lan Khai, Nguyễn Tuân, …Tôi đọc tất. Xoay qua những sách khảo luận, triết-học. Tôi đọc nhiều về các sách dịch, nói về Trang tử, Mặc tử, …Tôi cũng không tha “Triết học đi về đâu” của Trần Đức Thảo.
Đọc cho đã, mà không hiểu chút nào. Mãi sau này học ban Triết, mới thấy “xấu hổ vì vốn kiến-thức của mình”. Ếch ngồi đáy giếng thấy trời bằng vung!
Ra đời, vào binh-nghiệp. Không thể không học, đọc những học-thuyết quân-sự Đông, Tây. Tuổi 30 “tam thập nhi lập” đúng là để ngạo-nghễ với kiến-thức “đồ sộ”. Đối với cấp thấp hơn thì “miễn bàn”. Săm-soi lệnh-lạc từ cấp trên, từng chữ “đều thấy có vấn đề”. Vấn đề lại không ở chỗ đó, mà chính là hệ quả. Trong 16 năm lính, hơn 20 lần chuyển đơn-vị. Không trách mình, chỉ trách người. Mà không dại như Khuất Nguyên để “chết đuối” trong sông Mịch La (là nhảy sông tự tử).
Kiêu-ngạo cũng rất nguy-hiểm, đón nhiều tổn-hại. Vì vậy, ếch “dễ phối-hợp với gia-vị và nấm” bị bạn ta xào món ăn nhậu. Chỉ vì cái tội “xem trời bằng vung”. Ai cũng ghét!

Đã 80 tuổi rồi.Tôi đã có nhiều bài viết về hồi-ức của mình. Bạn cùng lứa có, già hơn thì chưa, trẻ hơn (bạn trẻ, con cháu) khen tôi còn trí nhớ rất tốt. Tôi tự hào.
Chỉ mấy ngày trước, tôi cố nặn óc tìm tên của 1 người rất quen, nhưng không cách nào nhớ. Vừa vào giấc ngủ, lại chợt nhớ ra.

Hôm nay tôi chợt nghĩ ra 1 câu hỏi “suốt gần 1 đời người của tôi cặm-cụi tìm cho mình 1 số vốn tri-thức, vậy để làm gì?”. Xét mình từng chặng thời-điểm với từng chặng kiến thức thu-nhận, tôi đã được gì? Không cần đợi thêm thời-gian, chỉ mấy hôm trước thôi, tôi đã thấy đầu-óc tôi có chút vấn-đề.

Rồi, kiến-thức từng chặng tôi thu nhận cho đến nay “có là đỉnh điểm”? Tôi nghĩ ai cũng thấy rõ điều đó khi xét mình. Là “bọt biển” trong biển học. Hóa ra chẳng có 1 chiều sâu nào, chỉ là vỏ ngoài nhằm hư-vinh. Tầng cao có tầng cao hơn. “Ếch ngồi đáy giếng” chỉ có 1 lợi-ích duy nhất là “làm vừa khẩu-vị” người ta qua tay đầu bếp khéo léo!
(Stone Mountain GA - Sept.10, 2021)
------------------------------

14. NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ
Hồn ở đâu bây giờ? “Đà Lạt ơi ! Từng đó đã đủ cho tôi rồi. Trời vào thu, trở lạnh. Tôi cảm ho. Và nặng hơn, sưng phổi. Phải về Nha Trang nhập viện ..” (Hồi ức CHUYỂN BẾN của tôi, trang 230).

Thời-gian đó tôi lên Đà Lạt học khóa 4 Chỉ Huy và Tham Mưu, tháng 6/1968. Sẵn dịp tìm thăm Sương - 1 bạn gái cũ. Lẽ ra tôi đã có dịp gặp lại, nhưng ngại-ngần, mà ngập ngừng tránh né, bỏ đi. 6 năm trước, chỉ cần 1 cái gật đầu, có lẽ số-phận tôi cũng sẽ thay đổi, nhất là về đời sống tình-cảm.

Dĩ nhiên không có gì để ân-hận, nhưng có chút hoài-niệm “Ngày vàng cũ, thu-phong hề còn không?”. Đó là một cuộc hẹn “2 năm sau” của Sương, nếu tôi trở lại từ sau 12/1962. Tôi đã thất hứa. Chỉ mới rời khỏi Đà Lạt hơn 1 tuần, thì tôi đã gặp KL - trở thành “người tình trăm năm” cho đến hôm nay.

Và từ sau 2 lá thư trong vòng 2 tháng gởi Sương, tôi đã không còn can-đảm tiếp-tục liên-lạc, để không trở lại Đà Lạt suốt 6 năm qua.

Tôi đã gặp lại Thuận, Oanh - và ngay cả Ngọc Anh. Thực tế không như mong muốn. Vợ chồng Oanh-Thuận trên đà tan-vỡ, không thể vãn hồi. Ngọc Anh từ sau tai nạn biến thành người thực-vật suốt 2 năm, chừ hầu như quên hết chuyện cũ. Tôi vốn coi em như em gái, thế nhưng em đã thổn-thức khóc khi chia tay tôi. Em ở lại, anh đi. Và để 6 năm sau gặp lại thì em đã như thế này?

23/02/2020 - tôi về VN, ngay lúc dịch bệnh bộc phát. 3 ngày sau lên thăm Đà Lạt. Quyết tìm tòi lần chót những người mà từ hơn 50 năm qua không còn tung-tích, dù tôi đã từng hỏi thăm.

Với Thuận, bạn thân, thì trong tang lễ năm 1970 của bạn, tôi và 1 bạn thân khác là Lê Hữu Cương có đến tham dự. Tuy muộn, vẫn có mặt và chìm lòng trước ngôi mộ mới đắp. Hỏi thăm Hiệu, 1 cháu họ - vốn sống liên-tục tại Đà Lạt hơn 70 năm qua. Hiệu đã 74. Hiệu biết vợ chồng Oanh-Thuận. Biết rõ khi Thuận mất, thì gia đình Oanh + 2 con + em gái là Ngọc Anh đã rời Đà Lạt ít năm sau, và nay tất cả biệt tăm.

Hiệu thế mà không biết Sương. Chúng tôi đi bộ quanh rạp Ngọc Lan (cũ), bến xe Minh Trung (cũ), cà-phê Tùng (cũ), các quán phở nổi tiếng (cũ) để tìm các khách sạn cũ hỏi thăm về Sương (chỗ 3 mẹ con ở suốt 11 năm từ 1957-1968). Không ai biết. Nhà cửa, đường xá thay đổi, người cũ không thấy ai.

Riêng về Kim Chi, cháu gọi tôi bằng cậu, lại là dì ruột của Hiệu, thì cô này đã bị Alzheimer đã 2 năm qua. Cô bấy giờ 80.
Tôi ngõ ý đến thăm, thì Hiệu ngăn-cản, bảo KC không biết gì, quên tất cả. Chị tôi là bà ngoại của Hiệu thì đã mất vài chục năm trước. Một chị khác (Công Tôn Vân Lộc - con cô ruột tôi) mà Hiệu gọi là bà dì, thì cả gia đình đã đi Mỹ từ 1976.

Cả 3 mục-tiêu thì 2 thất tung. Bài viết TÌM KHÔNG THẤY của tôi đã vẽ lại 1 vòng tương-đối bao-quát của Huế sau 4 năm về thăm (2017). Tôi có nhắc đến Phủ Cam. Chỉ thoáng qua, không sâu hơn.

Tôi đã viết, chỉ còn nhà thờ Phủ Cam, còn nhà chung công giáo (bên kia đường là nhà bà cụ Trí), và 1 dòng sông. Tôi biết tôi tự dối. Dòng sông theo thời-gian, đã không còn cái cũ. Chiếc cầu vẫn còn, nhưng hoàn toàn đổi mới. Tất cả đổi thay. Có cái biến mất. Người cũng không còn, là bà cụ Trí, chị Như Tường, Hiến.

Dòng sông này, “tân Trương Chi” ngang nhiên trên thuyền “cậu Cẩn”, khẩu cầm thay ống sáo, và Hoàng Mai thay Mỵ Nương. Nhà cô sát chân cầu Phủ Cam. Bên kia đường là “xóm vắng” của Võ Nguyên Thị và Ngọ Thu. Nghe Hiếu kể lại rằng Thị đã vĩnh-viễn đi chơi xa. (Hôm qua, Hoàng Lan Hương, em gái bạn tôi, cho biết Ngọ Thu còn sống tại Sài Gòn - đã 80, 2 người là chị em dì ruột. Đúng là “Tòng kim tứ hải vi gia nội”).

Nàng tên Bạch Mai. Trang 68, cuốn Chuyển Bến của tôi viết : “Mai cảm động. Càng cảm-động hơn nữa, khi nghe tôi cắt nghĩa và khen hai chữ “Hoàng Mai”. Từ đó nàng muốn mọi người đừng gọi tên cũ của nàng là “Bạch Mai”, và bảo anh ấy - là tôi - không thích tên đó, mà chỉ thích “Hoàng Mai”. Vậy, tên Hoàng Mai có từ đó, dù tại trường, tại nhà, không ai nhọc lòng sửa lại tên cho nàng”.

Chuyện xưa nhưng đẹp như 1 bài thơ. Người con gái thăng trầm bao phen, chồng chết sớm (bị giết trong Mậu Thân 1968 tại Huế). Rồi tái-giá. Rồi phiêu-bạt. “Còn biết về đâu?”.
Rồi Quỳ. Em 16 tuổi, học Đệ Tam Đồng Khánh. Cuốn hồi-ức tôi viết “Không đẹp lắm, chỉ vừa mắt, nước da ngăm ngăm, có duyên. Mạnh khỏe, cao hơn 1 mét 60. Thi thể dục : ưu. Leo dây số 1. Cứ thoăn-thoắt là chạm xà ngang rồi. Chạy dai sức. Chạy nhanh. Nhảy cao, hơn cả nam học-sinh .. Mẹ và các anh chị Quỳ đều thích tôi .. Bọn bạn học : Hiếu, Hiến, Thị, Đương .. bàn ra quá, khiến tôi không còn dám tới nhà Quỳ. Thế là hết. Duyên phận!”.

Không phải “Plaisir de douleur” như Beaudelaire thích. Cũng không phải “Vũng lầy của chúng ta” như Lê Uyên Phương muốn thể hiện trong âm nhạc của mình. “Vũng lầy” là danh từ nói lên vị-trí, hoàn-cảnh, tâm-tư .. mà ta “bất đắc dĩ” sa vào. Ta đến với tình yêu, với bạn trai, gái là tự nguyện. Đó là “thiên đàng ái ân”!
50 năm sau, tôi tần ngần trước Đồng Ba Thìn, Cam Ranh. Là hoang-tàn, đổ nát. Tuy nhiên còn hơn là sự thay đổi toàn diện. Vì tôi hình như còn thấy “Sơn vi cố quốc chu tao tại. Triều đả không thành tịch mịch hồi”. Cách bờ biển cả cây số, tôi vẫn dường như thấy sóng triều âm thầm vỗ vào bờ tường cũ, rồi buồn bã lui ra.
Sao Quách Tấn khan giọng gào thét “Xóa bỏ cái gì đây? Đêm xóa bỏ ngày. Cái chết xóa bỏ đời sống. Quên xóa bỏ nhớ”, để rồi bất lực trước 1 sự xóa bỏ không cưỡng lại được. Để rồi tuyệt-vọng khi nhìn “Mùa Cổ Điển” mất hút vào dĩ vãng?
Sao Hồ Dzếnh chỉ luẩn-quẩn với “Chân” Trời Cũ? Với “Chân” ngày (Chiều chậm đưa chân ngày)?
Mà tôi ao-ước cả bầu trời. Vòng tay tôi có ngắn, nhưng tâm-tư tôi đủ rộng. Nhường các bạn sở-đắc “hiện tại và tương lai”. Còn tôi, tôi chỉ muốn và chắc làm được, là ôm cả “quá khứ”.
Tôi tìm được “hồn ở đâu bây giờ”. Và tôi cũng ôm được “những người muôn năm cũ”.

(Stone Mountain GA - Sept.17, 2021)
-----------------------------------------------
 
15. ĐOÀN TỤ VỚI CHIA LY
Xưa trong đời lính và trong khói lửa chiến tranh - chinh nhân hiếm ai “không bận tâm” với gia đình và những người, cảnh, vật thân-thuộc. Cha mẹ, vợ con, anh em .. thôn cũ, quê nhà .. đình làng góc chợ .. bạn bè. Chữ “chinh-nhân” còn bao hàm ý-nghĩa về “biệt-ly”. Mà “biệt-ly” nếu không là “vĩnh-biệt” thì người ta cũng đã phải nghĩ đến “hội-ngộ, tương-phùng”.

Chúng ta hãy vào các FB về Nhạc (nhạc vàng, nhạc Pháp, nhạc Hoa, nhạc ngoại, nhạc trẻ, nhạc vàng xưa, nhạc tiền chiến ..Quán Nhạc Vàng), sẽ thấy không thiếu mọi lối diễn-đạt. Rất là phong-phú. Là tâm-trạng những “chia-ly và đoàn-tụ”. Ta nghe “Biệt Ly” của Dzoãn Mẫn qua các giọng ca nam, nữ như Anh Ngọc, Thái Thanh, Khánh Ly, Mai Hương .. (thật mùi!). Và “Tiễn Đưa” của Song Ngọc (lời Nguyên Sa) với các giọng hát Thái Châu, Khánh Ly, Thanh Tuyền .. Rồi “Khúc Nhạc Ly Hương” của Lâm Tuyền khiến “thổn-thức” lòng ai.

Cảnh biệt-ly “sao mà buồn vậy”! Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa với cảnh người trên bờ tiễn người xuống thuyền, với câu kết trên khiến đám học trò nhỏ bọn tôi cứ khóc mãi. Người lớn cũng rơm-rớm nước mắt trước cảnh vợ tiễn chồng “trấn thủ lưu đồn”. “Thùng thùng trống đánh ngũ liên. Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”. Vì rằng “Chém tre đẵn gỗ trên ngàn. Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai?”, rừng thiêng núi độc nên đi dễ khó về, thì nói chi ngày trở lại.

Với bối-cảnh trên, thường là người đàn bà tiễn đối tượng là chồng, người yêu. “Hai phương trời cách biệt” của Hoàng Trọng. Chúng ta thử nghe, để biết tâm-sự từ 2 nơi.

Thơ và nhạc thường bước đôi để diễn bày tình-tự đó. Hãy cùng đọc “Xuân Tứ” của Lý Bạch : “Yên thảo như bích ty. Tần tang đê lục chi. Đương quân hoài quy nhật. Thị thiếp đoạn trường thì..”. Lúc chiến chinh, người trai cũng không có thì giờ “Đương quân hoài quy nhật”, nhưng khi tù lưu đày, không chỉ 5 hay 7 năm, mà hơn thế, kéo dài từ 9, 10 năm đến cả 20 năm, làm sao tả nỗi?

(Phần này thì tôi không dám kể lên những bài thơ, nhạc viết lên những oán-khúc - cũng có vài ví dụ như Tô Vũ bị đày đi chăn dê hằng mấy chục năm. Các bạn hãy đọc lại bài viết “8 Trường Tương Tư” mới hiểu đôi chút tâm-tư, nỗi lòng của Lương Ý Nương. “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngắt một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”. Chinh phu ra đi, mấy ai trở về? Lòng chinh phụ sắt-se.

Ngày xưa chúng tôi học “Chinh phụ ngâm”, thầy giáo bắt học thuộc lòng nhiều đoạn. Đến nay vẫn còn nhớ. Và càng nhớ lại, đọc lại - những thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, khi hầu hết chúng tôi là chiến-sĩ nơi sa-trường - thì mới thấy thật thấm. Thì mới thấy thương cho vợ mình, ái-ngại cho những chinh phụ hằng trông tin chồng. Hòn Vọng Phu không phải là câu chuyện cổ-tích. Không đọc thì không hiểu được cảnh tuyệt-vọng của người cung nữ. “Cung Oán Ngâm Khúc” được dạy cho chúng tôi thời trước không vô-ích. “Bạch đầu cung nữ tại. Nhàn tọa thuyết Huyền tông” không đơn giản. Từ tuổi đôi tám sống vô-vọng đến cuối đời không thảm sao?)

Những thiếu phụ xa chồng, dù 1 ngày hay vạn ngày, 1 năm hay 20 năm, đều là những “nhớ thương” không thể đo bằng thước “thời gian”. Dĩ nhiên, thời-gian càng dài thì nhớ thương càng tích-lũy. Nhớ thương và hoài mong như nguồn suối vô tận.
“Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ” của Lý Thương Ẩn nói lên tâm-trạng đó. Rồi “ Tự thị tầm phương khứ giảo trì. Bất tu trù trướng oán xuân thì” của Đỗ Mục. Than-thở cũng muộn. Hứa gặp lại sang năm, nhưng mãi 10 năm mới trở lại. Và “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” của Hàn Mặc Tử. Là cái giá của chia ly, hứa hẹn và chờ mong.

Hình ảnh trong tấm hình dưới đây là của cô KL. Hè 1970, cô và 2 con từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng thăm chồng. Cô là giáo viên, và 1 con lớn 6 tuổi đã bắt đầu đi học. 1 trai khác mới 4 tuổi.
Họ đến hậu-cứ của chồng. Doanh trại nằm sát bờ biển, gần Non Nước, Đà Nẵng.
Khi gặp chồng, thì chồng cùng đơn vị đi hành quân. Hè 1970 đang nóng sốt với các trận tấn-công của địch. Ta bị thiệt-hại nặng tại Thường Đức, Quảng Nam và Cùa, Mai Lộc, Quảng Trị.
Thăm chồng mà không thường-xuyên gặp chồng. Chồng cô luân-phiên với Chỉ Huy Trưởng (Liên Đoàn Trưởng), mỗi người mỗi tuần, dẫn 2 Tiểu đoàn Biệt Kích Quân Tiếp Ứng Nhảy Dù thuộc Bộ Chỉ Huy 21 Lực Lượng Đặc Biệt tại Đà Nẵng, hết giải-tỏa quận Thường Đức (6-8/1970) đến Mai Lộc (9-10/1970).
Mỗi ngày, mấy mẹ con ra biển tắm, bắt nghêu sò …

Mấy hôm trước, cô KL gặp tôi, nhờ tôi chụp lại mấy tấm hình - có tấm kèm sau.
(Lẽ ra tấm hình là video 1 bài hát mà cô yêu cầu tôi dùng “giọng già” trình-bày để đưa lên FB. Bài viết này vốn viết lại bài đã đưa lên FB)
(Stone Mountain GA - Dec.28, 2021)
—--------------------------------

16. TÔI MUỐN NÓI VỀ HỌ
Hôm qua, ngày 16/01/2022, từ Paris, Pháp lúc 1h45, 1 tin buồn đến với nhiều chiến hữu, nhất là những cựu chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cựu Đại Tá Mai Viết Triết, Cựu Tham Mưu Trưởng LLĐB (1964) và Biệt Khu 44 (1967- ?) đã vĩnh viễn ra đi.
Trên Group FB Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Dân Việt đã share và đăng tin buồn trên sáng hôm nay - 17/01/2022. Tôi đã viết lời phân ưu gửi đến tang quyến, đồng thời có đôi lời tâm-sự với người “Anh” đáng kính và thân thương của cá nhân tôi :

Kính thưa anh - Rồi anh, cũng như bất kỳ ai - là con người - cũng phải đến lúc rời khỏi “nhà tạm” - là chính thế-gian này. Về anh, trước đây trong các bài viết của tôi đều có nhắc đến. Và tôi không quên “Lá Thư Tham Mưu Trưởng” của anh viết gửi các đơn vị LLĐB trước khi anh rời khỏi chức-vụ TMT/LLĐB cuối 1964.

Bẳng đi hơn 2 năm, tôi dẫn B20 LLĐB từ Quảng Ngãi đi suốt 1 chiều dài Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ để chỉnh-trang đơn-vị gần 2 tháng, rồi sau cùng đóng quân tại Cao Lãnh, và gặp lại anh. Mừng mừng tủi tủi. Mừng vì anh làm việc ưng ý với Tướng Phú và Đại Tá Trần Khắc Kính tại Biệt Khu 44. Lực lượng B20 LLĐB với 3 Tiểu đoàn cũng hợp-tác tốt đẹp với BK 44, cũng là qua tình LLĐB giữa 3 đàn anh “Lớn” trên, đối với “đàn em” như tôi.

Tôi sống xa gia-đình, ngày ngày qua Bộ Tư Lệnh BK 44 đón anh, nào cà-phê sáng, nào cùng nhấm-nháp chút bia khi cùng rảnh - rượu nào có thể làm ta say được, ngoài tình LLĐB cũ? Mỗi lần B20 tổ chức Nhảy Dù biểu diễn, anh đều tham-gia.
Tháng ngày của các năm 1967-1969 tại Cao Lãnh thật xáo-trộn vì tình hình - nhất là sau Tết Mậu Thân 1968 - nhưng sự qua lại giữa anh và tôi rất êm thấm với tình anh em “chiến hữu”.

Sau này, mươi năm trước, tôi rất ngạc nhiên vì “hùng tâm” vẫn mãi duy-trì trong anh. Mặc những đàm-tiếu, nhưng anh vẫn thẳng bước. Ít người hiểu anh.

Anh hãy yên nghỉ, RIP - 1 đàn em của anh, DT

Tôi có 1 bài viết “VƯỚNG MẮC”, câu chuyện cũ được nói đến từ 1967, nhắc tên 1 đàn anh của tôi : Thiếu Tá Mai Viết Triết. Chuỗi ngày bán niên sau 1967 và vài tháng đầu năm 1968, chúng tôi gặp nhau luôn, trong công-việc cũng như lúc rảnh. Từ lúc lần đầu rời Cao Lãnh, 4/1968 thì tôi không còn gặp ông - dù rằng tôi có trở lại Cao Lãnh, ở lại đây hơn 1 tháng rồi xa hẳn (không biết ông Triết có còn làm việc với BK 44 chăng). Về sau nghe ông đã lên Đại Tá. Thân với ông, nhưng thời-gian ông biết tôi quá ngắn.

Với Tướng Phú, thì khi về lại B20 LLĐB vào 1/1969, tôi hay gặp, khi ông từ Cao Lãnh bay đến Bộ Chỉ Huy Tây-Biên (B20/LLĐBVN) tại Thất Sơn, Châu Đốc. Tướng Nguyễn Viết Thanh cũng thường-xuyên đến đây mỗi khi BCH chúng tôi mở cuộc hành quân lớn. Trung Tá Nguyễn Quốc n, CHT và tôi là CHP. Phạm vi trách nhiệm của B20 LLĐB kiêm Chiến đoàn Tây Biên là chiều dài từ Hà Tiên đến Châu Đốc với bề rộng là 15 km từ biên giới Việt-Miên vào nội-địa VN.

Lực lượng sử dụng thường-xuyên, luôn có mặt trong phạm vi trách nhiệm trên gồm : - 4 Tiểu đoàn cơ-hữu (Thường Thới, Ba Xoài, Vĩnh Gia, Tô Châu [Hà Tiên]) - 1 Tiểu đoàn BKQ/TƯND do B19 LLĐB tăng phái hoặc 1 Tiểu đoàn tương đương do BTL LLĐB tại Nha Trang tăng phái - 1 Tiểu đoàn BĐQ do LĐ4 BĐQ tăng phái (thường là Tiểu đoàn 40 và 41 luân phiên) - 1 Pháo đội 155 ly tăng phái đặt tại Chi Lăng, Thất Sơn, Châu Đốc - 1 chi đội M113 tăng phái, đặt tại Chi Lăng, Thất Sơn - 1 phân đội Trực thăng chiến đấu Hoa Kỳ, có mặt mỗi ngày tại Chi Lăng, Thất Sơn.

Khoảng 7/1969, tôi từ B11 LLĐB tại Chu Lai, Quảng Tín, với chức vụ CHP, rời đơn vị này, về trình-diện BTL/LLĐB tại Nha Trang. Được gặp Tướng Lam Sơn tại tư dinh. Ông vừa nhậm chức Tư Lệnh LLĐB, thay Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng. Tướng Lam Sơn giao tôi 1 nhiệm vụ đặc-biệt (tôi không nêu rõ, nhưng hết sức không bằng lòng).

Chờ Phòng TQT/BTL/LLĐB làm Sự Vụ Lệnh, tôi gặp Đại Tá Hồ Tiêu, Tư Lệnh Phó LLĐB. Qua trao đổi, ông rất thích tôi và muốn tôi làm Phụ tá cho ông để cùng tháp tùng ông bay thăm các BCH/ C/LLĐB. Tôi trình bày với ông rằng tôi cũng ao-ước được làm việc trực-tiếp với ông, tuy nhiên Tướng Lam Sơn hình như đã giao công-tác cho tôi rồi.
Đại Tá Hồ Tiêu vẫn bảo Phòng TQT lựa hồ sơ lý lịch của tôi đem cho ông xem.

Hôm sau, tôi đến BTL, hỏi đàn anh là Thiếu Tá Tôn Thất Chiêm, Trưởng Phòng TQT (anh là khóa 10 VBĐL, rất thân với tôi). Anh Chiêm lén cho tôi xem kết quả tờ trình của Đại Tá Hồ Tiêu chuyển lên Tư Lệnh. Tướng Lam Sơn phê vài chữ lớn “Th/Tá Đ. đã được tôi giao công-tác. Nếu Đ/Tá TLP cần 1 phụ tá, y/c PTQT chọn và trình lên)

Tôi về TTHL/LLĐB tại Đồng Ba Thìn, Nha Trang. Là lần thứ 3 về đây. Hai lần trước, lần 1 (1965, thụ-huấn khóa 3 LLĐB trong 3 tháng), lần 2 (B20 LLĐB trú tại đây, chỉnh-trang chờ phương tiện đi Cần Thơ - 1 tháng chờ đợi). Tôi giữ chức-vụ Trưởng Ban Kế-hoạch (mặt nổi - còn mặt chìm thì có công-tác đặc-biệt). Trung Tá Trần Hữu Tác là CHT. Một loạt quyết định lại về, 2 đàn anh của tôi đều vinh thăng Thiếu Tá : Nguyễn Văn Kính, khóa 11 VBĐL, Trưởng Ban Huấn luyện - Mai Văn Tư, khóa 13 VBĐL, Trưởng Ban 3. Bấy giờ Đại úy Vũ Mạnh Cường là CHP. Dưới quyền có 3 cấp tá, nên ông được BTL/LLĐB điều-động đi nơi khác. 3 người chúng tôi các năm trước đều giữ chức-vụ CHP/B, nay đôn lên cấp Liên-đoàn (LĐT cấp Đại Tá, LĐP cấp Trung Tá), do đó các cấp LĐP hay B Phó đều mang Thiếu Tá nhiệm chức. Riêng tôi nhiều lần Xử Lý CHT/B.
Qua đầu năm 1970, Tướng Phú về thay Tướng Lam Sơn. Tướng Phú theo yêu cầu của tôi, thuận cho tôi về Đà Nẵng, gần gia đình (Quảng Ngãi). Tôi làm CHP/B21/LLĐB. Trung Tá Cẩm Ngọc Huân, CHT (ông là niên trưởng khóa 10 VBĐL).
Hai anh em luân phiên nắm 2 Tiểu đoàn Biệt Kích Quân Tiếp Ứng Nhảy Dù còn lại của B21/LLĐB, hết giải-tỏa Thường Đức, Quảng Nam (6-8/1970) đến Cùa, Mai Lộc, Quảng Trị (9-10/1970). 1 Tiểu-đoàn đã bị giải-thể đầu năm, đưa lên phân-tán cho các Sư đoàn và Tiểu Khu thuộc Quân-đoàn II và Quân-khu 2. Đây là chương trình rút lui của CIA Mỹ, vì suốt từ các năm qua, Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) đôn lên thành BKQ đều do CIA trực tiếp trả lương.
Đại Tá Huân là 1 tín đồ Tin lành trung-kiên. Ông sống đơn-giản. Không tham-nhũng, hối lộ. Rất ghét chuyện trộm, cắp.

Tháng 5/1970 Tướng Phú ra thăm C1/LLĐB tại Đà Nẵng. Đại Tá Khoái, CHT/C1/LLĐB giao cho tôi lo tiếp đón, vì biết sự thân tình giữa Tướng Phú và tôi. Thật ra, khi coi B20 LLĐB tại Cao Lãnh, tôi nhiệt tình giúp BK 44 kể từ sau Mậu Thân 68, sẵn sàng điều động lực lượng của các Tiểu đoàn BKQ tại Đồng Tháp Mười theo nhu cầu của BK 44, chẳng qua vì giao-tình giữa tôi và Đại Tá Mai Viết Triết (bấy giờ là Thiếu Tá Tham Mưu Trưởng BK 44).

Tháng 9/1970, Đại Tá Hồ Tiêu thay Tướng Phú, làm Tư Lệnh LLĐB. Ông ra Đà Nẵng thăm C1 LLĐB và các cuộc hành quân chống trả địch - đặc biệt là lực lượng của B21 LLĐB đi giải-tỏa Thường Đức và Mai Lộc. Thầy trò lại gặp nhau, tình “chiến hữu” anh em giữa Đại Tá Hồ Tiêu và tôi thật đậm. Mọi tiện nghi mà tôi dành cho vị Tân Tư Lệnh này kể từ bước chân ông đặt xuống Đà Nẵng đến khi lên máy bay đi Nha Trang, đều luôn có mặt tôi (chỉ khoảng 3 ngày).

“TÔI MUỐN NÓI VỀ HỌ” chính là các cấp chỉ huy trực tiếp của tôi, vừa được nhắc đến phần trên. Với Tướng Lam Sơn, người ta đề cao ông. Tiếp xúc ông, tôi cũng đã cảm được tính nhã-nhặn, lịch-sự của ông. Ông mời tôi cà-phê. Hỏi han nhỏ nhẹ. Dù rằng qua trung gian của cháu ruột ông (1 Trung sĩ, thuộc cấp của tôi) với thơ giới thiệu, thì tôi vẫn cảm ơn ông.

Với Tướng Phú, khi chuyện trò với ông, lời ông thật mềm-mỏng, cái bắt tay thật mềm (chút đượm mồ hôi - ông bệnh kinh niên), khiến tôi ngạc nhiên : vị anh hùng tại Điện Biên Phủ 1954 .. sao như thế này? Ông sống nặng về tình cảm. Sau này, vì cho rằng mình trách-nhiệm về việc bỏ mất Ban-mê-thuột, về cuộc triệt thoái thất bại từ Cao nguyên, rồi bất mãn về cách đối xử của ông Thiệu khiến ông bi-quan .. Tôi thì cho rằng, bệnh tật đã làm ông thiếu bình tỉnh để đối diện tình hình bấy giờ. Phần khác, cũng do khả năng giới hạn của ông.

Về Đại Tá Hồ Tiêu. Cả chiều dài của ông về tình-báo đều được đánh giá cao. Tài bất phùng thời. Cuộc chiến tại VN suốt 30 năm (1945-1975) không thuần-túy là 1 cuộc chiến quân-sự. Mặt ngoài cũng vậy, còn mặt trong đủ dạng. Những tranh-chấp quyền lực, tiền-tài là chính. Sự “thua cuộc” của miền Nam, ngoài chiến lược của Mỹ thay đổi và quyết định, phần lớn là do sự phân-hóa nội-bộ Miền Nam VN. Tham-nhũng, hối-lộ quá nhiều. Đấu-đá, tranh-chấp quyền-lực không ngừng. Hai chữ “Đoàn Kết” vắng bóng, chỉ là “kết bè, kết phái”.

Với Đại Tá Khoái, tôi không biết rõ sinh-hoạt của ông. Tuy nhiên, làm việc với ông từ 1964, rồi đi đi về về, lại làm việc dưới quyền ông nhiều lần, thì quả ông đã giúp đỡ, khuyến khích tôi nhiều. Lần gặp nhau sau cùng tại Minh Long, Quảng Ngãi (1973), ông mới tâm-sự với tôi, giải-tỏa những nghi-ngờ trong tôi khi nghĩ về ông.

Với Đại Tá Huân, tôi kính phục ông mọi mặt. Cùng tín ngưỡng với tôi. Tôi chỉ biết thầm cầu thay cho ông nhận nhiều ơn phước từ Cha trên cao, từ Chúa Cứu Thế Giê su. Nguyện sự bình an thiên thượng luôn đến trên ông và gia-đình.

Với đàn anh Mai Viết Triết, thì ngay từ đầu - nhân tang lễ ông - tôi dành nhiều tâm sự với ông rồi. RIP, anh Triết

(Stone Mountain GA - Jan.17, 2022)
------------------------------------------------


17. MÀU ÁO XƯA THU VÀNG
“Màu áo xưa thu vàng. Mùa ấy hoa sim tàn”. Là 2 câu trong bài hát “Đường Về” của Vũ Đức Sao Biển, tôi mượn cho chủ-đề bài viết này. Trong bài viết trước “CHUYỆN MỚI CHUYỆN CŨ” (Bài 12 ), tôi kể lại chuyện Trường Quốc Học Huế tổ chức Văn Nghệ cuối năm học 1958-1959, tôi được chọn làm Trưởng Ban Kịch, Vũ của trường và có cơ hội biết các nữ sinh trong ban Vũ. Có Vân Linh và Thạch Trúc (Đệ Nhất A), có Liên Ba (Đệ Nhất C), và vài cô khác để tổng cọng ít nhất cũng khoảng 6 cô trong ban múa tập thể (như múa nón, ..).
Vì tôi để ý Vân Linh và cô này hay đi chơi chung với Liên Ba, nên hay nói chuyện cùng, những khi ban văn nghệ trường họp, tập dợt mỗi tuần, suốt 3 tháng trước khi kết thúc năm học.

(Về VL, tôi có đề cập nhiều đến cô, vì bạn thân tôi là Tô Phạm Liệu - ngày xưa cùng học chung các lớp Đệ Tam C2 [1957-58], Nhị C2 [1958-59], Đệ Nhất C2 [59-60] - hay có ý kiến về VL qua giao tình giữa 2 gia đình)

Xuống dốc đồi Quảng Tế, tôi dắt xe đạp theo đường ruộng, vào thôn Dương Xuân Hạ (Bắc). Nắng cuối thu trên thảm ruộng lúa kéo dài đến bờ sông Hương. Cầu Bạch Hổ xa xa. Và Cầu Lòn.
Hai bóng áo vàng giữa cả một không-gian vàng của lúa chín. Cảnh thật đẹp. Đến gần, người cũng đẹp. LB và VL. Một cô ban C, một cô ban A sao lại đi chơi với nhau? (Vài tháng sau thì biết họ. Đều trong ban Văn Nghệ (Kịch, Vũ) của trường, mà tôi là Trưởng ban.
(Trong vòng tháng qua, Tue Ton nói chính-xác rằng Vân Linh qua đời năm 2019 vì ung thư máu. Cô cũng là bạn thân của Nga My. NM khuyên VL dùng hóa-trị để chữa bệnh, nhưng VL không muốn. VL chấp nhận số mệnh. Riêng Liên Ba còn rất khỏe mạnh, tuổi đã 80, hiện ở Canada)

Về trường gặp Tô Phạm Liệu, cùng lớp, tôi tâm sự “Liệu, moa thấy yêu VL”. Liệu trố mắt nhìn tôi. Tôi “Hôm qua gặp VL giữa đồng lúa vàng, mới biết mình yêu VL từ lâu”. Liệu “Toa yêu cảnh đẹp hay yêu người?”. “VL”, tôi trả lời dứt-khoát.
Thế là Liệu cười ha hả. Liệu bảo, VL costaud, cao lớn thế kia mà tôi cũng yêu được, thật quái-dị. Tôi bảo Liệu rằng tình yêu không phân-biệt .. thân-xác. Liệu “Đùa với toa. VL không thọ hết năm nay. Bố của VL là bác sĩ ở Huế, đã hết cách. Cô đang bị gan, bệnh đang phát-tác”.

Rồi trôi qua niên-khóa 1958-1959. Tôi và Liệu lên Đệ Nhất C2. VL, LB, TT, KM (chị của NM) đều xong Tú Tài 2. Tôi quá bận-bịu vì mưu-sinh để có thể tiếp tục việc học. Không còn để ý đến chuyện trai, gái yêu-đương “vẩn vơ” nữa. Rồi cũng quên lửng VL.
Thế là vào binh-nghiệp. Lại có thì giờ. Thư từ với Liệu, hỏi thăm chuyện loanh quanh, nhắc đến VL. Liệu bảo tình-trạng sức khỏe của VL không thay đổi, vẫn bị đe-dọa bởi cơn bệnh “bất trị”, và còn đoan-chắc rằng VL không qua khỏi năm nay (1960).
Tôi không nhớ mình có buồn, có thầm ái-ngại mà “nhỏ lệ” không. Thì khung cảnh mới, người mới - tuổi trẻ mau quên, tình cũng mau đi.

Khi viết cuốn hồi-ức CHUYỂN BẾN, tôi nhớ lại chuyện xưa. Nhớ đến VL. Đinh ninh rằng bấy giờ, chắc “cỏ mồ” không chỉ xanh um, mà còn che khuất người thăm-viếng. 60 năm, xương cốt e đã thành cát bụi từ lâu rồi. Tôi tuy lính chiến nhưng mau rơi nước mắt. Nhớ tình cũ, dù chỉ 1 chiều. Tình yêu trong tôi nếu thăng cấp, chắc Platon biết được, sẽ ghi chú để kiện-toàn giải-thích của ông về thứ tình yêu, mà đời sau cho 1 danh xưng “amour platonique”. Người đời có lối suy nghĩ nào thì tôi mặc, nhưng nếu là chính suy nghĩ của Platon, thì tôi thật ái-ngại cho vị “đại-triết-gia” này. Làm sao mà có thể có được 1 “agapé” đến từ con người?

J’ai cueilli ce brin de bruyère - L’automne est morte souviens-t’en - Nous ne nous verrons plus sur terre - Odeur du temps brin de bruyère - Et souviens-toi que je t’attends (Apollinaire). Mượn thơ Bùi Giáng dịch + thay đổi vài chữ theo ý tôi : Ta đã hái, này nhánh cây thạch thảo. Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi. Chúng ta chẳng nhìn nhau trên đất nữa. Hương thời gian nhành thạch thảo em tôi. Và nhớ đấy, ta chờ nhau em nhé”

Đồi Quảng Tế thân yêu của tôi. Cả 1 chuỗi thiếu thời, 1946-1956, tôi gắn-bó với nó. Đồi ngày xưa là đồi thông - qua bao tháng năm, thông bị đốn làm củi, nay trơ trọi, chỉ còn 2 thứ cây : sim và cây làm chổi rành. Cuối thu thì hoa tàn từ lâu, và trái sim cũng hết. Nhưng những năm về sau, khi có dịp tới nơi đây các năm 1970, 1972 thì đồi Quảng Tế vẫn như xưa, vẫn trơ trọi. Mút đầu này là chùa Châu Lâm, mút đầu kia là nhà máy nước Vạn Niên. Dòng Hương xa xa vẫn lững lờ.

Nhạc sĩ VĐSB giúp tôi tìm được bài hát, nhưng không phải Thu, mà là “VL hát cho người”. Và nhạc sĩ này cũng giúp tôi tìm lại được “Màu áo xưa thu vàng”. Tôi thấy được màu áo vàng năm đó, có thể thấy rõ “Vạt tóc VL bay”. Thấy rõ “Tà áo em bay trong một chiều gió thu phai “.
(Stone Mountain GA - Nov.7, 2021 - Edited on Jan.17, 2022)
----------------------------------
 
18. NGÀN NĂM MÂY TRẮNG BÂY GIỜ CÒN BAY
Và có thể thêm một dòng phụ :CÔ GIÁO TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC QUẢNG NGÃI, 1963-1965

Tin buồn đến cho Group “Nữ Trung Học Quảng Ngãi”, khi LTTHQN (Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi) loan báo rằng Cựu Nữ Giáo sư Nguyễn Thị Nga My đã mệnh chung vào thượng tuần tháng 11/2021 này. Dĩ nhiên đó cũng là tin buồn cho thân nhân của bà. Và cũng là tin buồn đến cho riêng tôi, một bạn học cũ cùng lớp của bà vào 62 năm trước. Bà mất vào tuổi 80.

Đó là cô nữ-sinh 18 tuổi ít nói, hiền-hòa, và đẹp. Lớp Đệ Nhất C2 Quốc Học Huế niên khóa 1959-1960 có 12 nữ-sinh. Bàn đầu của dãy phải, sát cửa vào lớp, thì Nga My ngồi giữa. Người số 1 là chị Kim Cúc (khoảng 25 tuổi - đã có chồng con). Tường Nhi ngồi số 3, bên phải Nga My. Bàn đầu của dãy bên kia (trái), có Kim Hải (KH hiện ở Nam Ca-li - nếu bạn đọc bài này, biết rằng tôi không nói sai).
Hai bàn tiếp theo của 2 dãy đều là nữ. Bọn nam-sinh chúng tôi chia nhau ngồi phía sau 4 bàn nữ đó. Tôi ngồi ngay sau cô Thanh (giữa bàn), và Thanh cũng ngồi ngay sau lưng Nga My. Cả lớp có khoảng 28 học-sinh.

Đa số các cô đều xinh, và độ tuổi khoảng 18. “Các nàng” đều quyến-rũ. Nam-sinh cùng lớp không phải “thánh”, nên “da-diết, điên-cuồng” run after. (Mong các nam-sinh cùng lớp đừng cho tôi bêu “tốt” - tôi có quan-niệm rằng “chạy theo” người đẹp là khuynh hướng đàn ông, là điều tốt - thì trừ Tô Phạm Liệu đã mất vào 1997, còn các bạn khác : Phan Tường Tứ, Đặng Trần Chuyên, Nguyễn Công Hào, Đoàn Duy Hinh, Trương Thúc Cổn ..thế nào? Ai còn ai mất?).

Cuốn hồi-ức CHUYỂN BẾN của tôi in tại VN (3/2020) trang 5 có viết : “Không dám chọc giận Kim Hải, vì cô này hở tí là nước mắt đầm-đìa. Nga My chắc cùng tuổi tôi, nếu có lớn hơn thì chỉ 1 tuổi là cùng - cô nghiêm-trang, da bánh mật, đẹp gái. Tôi âm-thầm mến, và tôn-trọng, thường lịch-sự chào hỏi, không dám quấy-rầy”.
Dĩ nhiên tôi cũng không phải “thánh”, nhưng tôi đang có bạn gái, nên không dám “liếc ngang ngó dọc”, ngại ai phá-bỉnh mà “nói oan” tôi đến tai “cô bé 16 tuổi” đang ở Phủ Cam “thì thật không đáng”. Nhưng lòng tôi vẫn có ấn-tượng sâu-đậm về Nga My.

Tuổi già thường sống với quá-khứ. Oct. 20, 2021 tôi có viết vào trang FB cá-nhân về kỷ-niệm cũ. Là chuyện của lớp học niên khóa 1959-1960 nói trên. Quốc Học Huế có thông-lệ họp mặt qua đêm của mỗi lớp, vào 1 ngày cuối tuần cuối tháng 10 hay đầu 11 hàng năm.
Tôi không nhớ rõ là dịp nào, nên tạm cho là lễ Toussaint (là lễ của công-giáo nhưng bấy giờ thời Đệ I VNCH, lại cho phép các trường công + tư nghỉ học mấy ngày).

Trong bài viết đó, có đoạn nói : “Niên-khóa 1959-1960, tôi vẫn làm Trưởng lớp, xét từ kết-quả năm trước, và sau khi trường khuyến-khích mỗi lớp họp mặt qua đêm nhân lễ Toussaint, tôi kêu-gọi các bạn cùng lớp thảo-luận .. Ngày trường ấn-định là Thứ Bảy, 31/10/1959. Chúng tôi sau buổi học sáng thứ bảy, về nhà chuẩn-bị đồ ăn, bánh trái, những thứ linh tinh khác. Được lưu-ý về văn-nghệ, kể chuyện, ca hát, nhạc khí, v.v… Hẹn có mặt tại lớp vào 6g chiều ..”.

Đêm họp mặt kỷ-niệm đó có khoảng 14 người (7 nam + 7 nữ). Nữ có cô Thanh, Nga My, Kim Hải, Tường Nhi, ..(xin lỗi 3 “người đẹp” còn lại - 60 năm lâu quá đã mài mòn trí não tôi, làm tôi quên lửng tên mấy cô. Đừng giận, đừng trách “nếu ai hửng-hờ”).

Lương-thực, thực-phẩm, trà, cà-phê, v.v… từ mỗi người đem đến, được giao cho ban “ẩm-thực”, đứng đầu là Nga My. Nam-sinh có 7 tên : tôi, Liệu, Cổn, Hinh, Chuyên, Hào, Tứ. Đây là thứ tự chiều cao và sức vóc đồ sộ từ thấp, nhỏ đi dần lên.
Hóa ra tôi nhỏ, ốm, “xấu-xí” nhất.

Trong bài viết, tôi có nói đến số-phận của 14 học-sinh tham-gia buổi họp mặt. Tôi thì so far còn sống - là điều hiển nhiên. Liệu mất vào 1997. Các bạn nam-sinh khác .. nếu không lên tiếng, thì tôi coi như “thuộc về dĩ vãng”.

Tôi có nhắc đến 2 nhân-vật, vốn in sâu trong tâm-tư tôi, là NM và KH. Thì mấy năm trước, tình cờ thấy trên online cuộc sinh-hoạt của Cựu Học sinh QH&ĐK tại Nam Ca-li, có sự hiện-diện của 2 bạn cũ đó. Tôi viết : “Lòng nao nao. Mừng 2 bạn vẫn khỏe mạnh, vui vẻ với tuổi (bấy giờ) gần 80. Tuổi tôi cũng xê-xích tuổi 2 bạn. Kim Hải “hay khóc” xưa, nay có còn “nhòe lệ”? Nga My nghiêm-trang có còn giữ dáng-dấp hôm nào?”

Nov. 13, 2021 từ Group “Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi” báo TIN BUỒN : Cô Nguyễn Thị Nga My, Cựu Giáo-sư Nữ Trung Học Quảng Ngãi vừa qua đời”. Đó là bài viết từ FB của cô Mỹ Anh, và phần chót, cô viết : “Hôm nay được tin cô Nga My qua đời, kỷ-niệm xưa hiện ra. Không còn khóc nữa, nhưng rất bồi-hồi thương nhớ ..”.Và 1 tấm hình chụp gần 60 năm được post lên.

Đọc tin này, tôi vội gọi cho 1 bạn học cũ hiện ở Nam Ca-li. Yêu cầu xác-nhận , vì người này cũng quen thân với Nga My. Thì 1 người cháu của của Nga My tên TH, Admin. của Group LTTHQN cũng đã xác-nhận về sự ra đi của dì mình. Tôi là bạn học cũ cùng lớp với Nga My, không thân.

Ngay cả lúc có dịp gặp nhau vào 1963, khi tôi đôi ngày ghé Quảng Ngãi. Bạn cùng lớp Đệ Tam C2 Quốc Học Huế là Phạm Hữu Trúc - cũng khá thân - đang dạy Anh văn lớp Đệ Nhị Trần Quốc Tuấn, báo tôi biết Nga My đang có mặt tại Quảng Ngãi. Trúc biết tôi để ý VL (bài viết “Màu áo xưa thu vàng” nói về cô này), và VL cũng là bạn thân của 2 chị em KM và NM, nên rủ tôi đến thăm NM. Tôi đã từ-chối. Không hiểu sao. Không thân nhưng cứ vướng-mắc. Tôi vẫn thường nghe-ngóng tin-tức các bạn cũ - có Nga My và Kim Hải.

Đời người vô-thường. Vui đó rồi buồn đó. Vừa vui vì mới 2 hay 3 năm trước thấy có sự xuất-hiện của Nga My trong cuộc hội-ngộ QH&ĐK tại Nam Ca-li. Rồi tháng trước, 1 bạn cũ cùng cư-ngụ tại Tiểu bang Georgia minh-xác việc ra đi của VL. Dù rằng chỉ 1 chiều giữa tôi và VL, nhưng “nước mắt” cũng đã có, khi tôi rời Huế cuối 11/1959, cùng nghe sự quả-quyết của TPL rằng VL không thọ qua năm sau vì “ung thư gan”.

Tin VL mất vào 2019, chắc vào tuổi 80, chỉ khiến tôi “còn chút ngậm-ngùi”. Có điều, VL là 1 trong vài người bạn thân của Nga My. NM đã từng khuyên VL chịu “hóa trị” 2 năm trước vì ung thư máu, nhưng VL không chịu. Cô chấp-nhận định-mệnh. QH ở Florida, 1 bạn rất thân của NM - tôi không rõ những năm sau này, họ có còn thường-xuyên trao-đổi, an-ủi nhau chăng. TT ở Pháp? Tôi vẫn thường nghe-ngóng về NM.

Tôi đã nói, với NM thì tôi không thân. Chỉ là bạn học cũ cùng lớp. Nhưng tôi trân-trọng tình-cảm mình dành cho cô. Tôi cũng bàng-hoàng khi nghe bạn cũ “đột ngột” ra đi. Là câu nói cũ “sinh ký tử quy” để làm dịu tâm-tư mình. Từ sau sự ra đi của NM, tôi có viết 2 bài trong trang FB cá nhân : “Ngàn Năm Mây Trắng Bây Giờ Còn Bay”, và “Vòng Tròn Sẽ Nối, Vết Đau Sẽ Lành” để, với hình-thức nào đó, chuyển gởi đến NM - và cũng ít nhiều ao-ước độc-giả chia-sẻ nỗi-niềm.

Hạc vàng dù đã bay đi, từ thời Đường, Trung Hoa - theo ‘ Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ’ mà Thôi Hiệu kể. Hoàng Hạc Lâu chắc chỉ kể lại “1 cánh hạc vàng”, nhưng đó là Thôi Hiệu. Tôi kể khác. Hạc vàng từng cánh biến mất. Hết VL, thì nay NM. Nhưng tôi không mất dấu : “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay”.

Tôi cũng đã mượn 4 câu thơ của Đoàn Phú Tứ trong “Màu Thời Gian”. Đó là “Màu thời gian không xanh. Màu thời gian tím ngát. Hương thời gian không nồng. Hương thời gian thanh thanh”. Tôi cho rằng “thanh thanh” không chịu “quản thúc” bởi định-luật thiên-nhiên, là sự đào-thải như những màu-sắc, hay mùi hương. “Thanh thanh” gây trong tôi 1 sự “bất biến” của 1 ý-tưởng được nâng cao thành 1 sự-kiện tâm-linh (spiritual fact) - nếu là tôi, thì tôi gán cho từ-ngữ này “tính thánh-khiết”. Dù Đoàn Phú Tứ
có “giận” tôi, tôi cam chịu. Chắc nhà thơ không biết “thuyết hiện-sinh” (existentialism) theo quan-điểm thần-học (theological view). Tôi đang mượn “tính chủ-thể” (subjectivity) dành cho độc-giả.

Thì dù từ nghìn xưa, “tóc mây một món chiếc dao vàng” của Dương-quý-phi (Dương
Ngọc Hoàn), cho đến thiếu nữ được nói đến trong tác-phẩm của Đoàn Phú Tứ, hay là 2 năm trước, chuyện ra đi của VL, và mới nhất, Nga My lặng-lẽ vĩnh-biệt, thì “hương thời gian thanh thanh” của những người đàn bà này là “MUÔN THUỞ”.

Đặc-biệt với Nga My, tôi viết riêng 1 bài : “Vòng Tròn Sẽ Nối, Vết Đau Sẽ Lành”. Đây là vòng tròn vô hình, không theo toán-học. Vòng tròn này tôi muốn nói đến 1 sự liên-hệ giữa người này với người khác. Tôi là bạn cũ cùng lớp với Nga My từ 62 năm trước. Tôi quí-mến và trân-trọng Nga My, Tôi vốn xem sự liên-hệ này như 1 vòng tròn. Những “đứt quãng” của 62 năm qua dưới nhiều dạng, khiến tôi chưa hề nói thêm 1 lời nói, chưa hề viết cho cô 1 dòng chữ, và không hề gặp lại cô, thì nay trong 1 cảm-nhận khiến “1 sự nối lại vô hình” đem vòng tròn hoàn-thiện. Sự nối lại là 1 chiều, vì Nga My đã theo lửa mà về hư-vô.

Và cũng vì về với hư-vô, Nga My đã quẳng xa mọi thứ về đằng sau - kể cả mọi vết thương lòng. Tôi cũng cảm thấy mình đau vì vết đau của người khác, huống gì của Nga My. Và sau cùng sự rũ bỏ mọi thứ từ nay của Nga My, trong tôi tựa hồ vết đau vô-hình cũng biến mất!

(Stone Mountain GA - Nov.22, 2021, edited on Jan.17, 2022)
----------------------------------

19. THUỞ HỌC TRÒ VÀ BẠN CŨ
HUẾ, mùa mưa 1958
Một chiều mưa tháng 10, tôi đến thăm Liệu. Là Tô Phạm Liệu, bạn học cùng lớp Đệ Nhị C2 Quốc Học Huế. Năm trước, Đệ Tam C2, thì chúng tôi đã là bạn cùng lớp.
Mấy năm trước, Liệu còn ở chung nhà với Đạt. Gia đình Đạt quen thân với bác ruột của Liệu. Mấy gia đình này đều từ Bắc di cư vào Nam, 1954. Gia đình bác của Liệu về Đà Nẳng, và gởi Liệu ra Huế học. Liệu chỉ còn mẹ và 2 em, ở chung với gia-đình bác. Bố Liệu đã mất mấy năm trước.

Gia-đình Đạt đã đổi chỗ ở, vì bố của Đạt đã đổi về Sài Gòn từ năm ngoái. Nhận việc, thu-xếp xong sẽ đón gia-đình về Sài Gòn sau. Bùi Văn Đạt cũng là bạn rất thân của tôi. Sẽ nói về bạn ta ở phần sau. Vì vậy Liệu phải thuê chỗ ở mới.

Trọ cùng với Liệu là Đỗ Hữu Tùng. Tùng học Đệ Nhị B. Đến gặp Liệu ngay tại bàn học. Tùng thì còn nằm ở phòng trong. Căn phòng thuê được ngăn đôi : trong là chỗ ngủ, ngoài là bàn học.

Trên bàn học vương-vãi mấy mẩu giấy cắt từ báo. Liệu nhặt 1 mẩu báo. Là 1 bài thơ của Thanh Nam. Tôi chỉ nhớ ít câu “Mai mốt thôi em về nơi ấy. Nói làm chi em của phương xa. Cầu cho đôi mắt em trong mãi. Tóc vẫn xanh màu như thủa xưa”. “Tùng thất tình”, Liệu bảo.

Mà Liệu cũng buồn buồn. Y đang gói-ghém ảnh, thư để trả lại “nàng”. Chàng và nàng giận nhau, cãi vã nhau, cuối cùng tuyệt-giao. Những gì trao tặng, giờ đều hoàn trả. Đương-sự cũng đưa tôi 1 mẩu giấy. Giấy trắng viết mực, không biết Liệu làm hay chép từ 1 tác-giả khác, là bài thơ : “Nghĩ đến mối tình tan vỡ. Tình xưa đã trót vương hoài. Tôi vội viết bài DANG DỠ. Trách nàng và dịu hồn tôi” (lại không dịu lòng mà dịu hồn).

Trường hợp của Tùng thì tôi không biết. Đây là lần đầu-tiên gặp Tùng biết Tùng. Riêng Liệu, tôi biết rõ “nàng” của Liệu là ai. TP là tên của cô bé (tôi gọi “bé”, vì bấy giờ cô chỉ chớm 15. TP là em gái Đạt. Tôi sẽ nói về cô ta sau + chuyện của Đạt).

Năm 1972, mùa hè đỏ lửa. Charlie nổi tiếng với cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, khóa 14 VBĐL. Chuyện này thì văn, thơ, nhạc, ca-tụng nhiều. Riêng Liệu đã góp mặt ở đó. Chịu
trận bao nhiêu là đạn pháo, nhưng sau cùng theo trực-thăng thoát được. Cũng là “anh hùng ở Charlie”.
Đỗ Hữu Tùng, nhập học khóa 16 VBQG ĐL cùng với tôi, 23/11/1959. Năm thứ 3, chúng tôi cùng ở Đại đội 8 SVSQ (năm cuối đổi thành chữ H). Chúng tôi mãn khóa vào 22/12 năm 1962. Tùng về Thủy Quân Lục Chiến.

29/03/1975, Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Lữ Đoàn Trưởng LĐ 369 và Trung Tá Đỗ
Hữu Tùng, Lữ Đoàn Phó LĐ này, cả 2 cùng khóa 16 VBQG ĐL, không cùng ngày sinh, nhưng chết cùng ngày. Họ tử-trận. Hai bạn tôi hy-sinh vì lý-tưởng chung như bọn tôi : “Bảo vệ Miền Nam VN của VNCH khỏi Cộng-sản”. Cho đến nay thân-nhân 2 bạn tôi vẫn chưa tìm được hài cốt. Sự quả-cảm, tinh-thần chiến-đấu, trách-nhiệm, tư-cách của các bạn tôi đã tốn nhiều trang sách về sau. Tô Phạm Liệu qua Mỹ vào 30-04-1975.
Liệu ở Louisiana, Mỹ. Mất năm 1997.

Tôi nhớ lại ngày Liệu tiễn tôi đi phi-trường Huế, để nhập học khóa 16 VBQG ĐL ngày 23/11/1959. Dúi vào tay tôi 40$VN, Liệu nói : “Moa chỉ còn từng này tiền. Toa dùng chi-phí dọc đường”. Phi-cơ C47 cất cánh chỉ vài tiếng bay từ Phú Bài Huế, sẽ mau chóng đến phi-trường Liên-Khương, Đà Lạt, không dừng dọc đường cho tôi kịp lấy 40$VN làm lộ phí. Và chắc số tiền này cũng không khiến tôi biến sự tiễn đưa thành sâu đậm.

Lý Bạch thừa chu tương dục hành
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh
Đào hoa đàm thủy thâm thiên xích
Bất cập Uông Luân tống ngã tình

(Lý Bạch ngồi thuyền đang muốn đi. Chợt nghe từ phía trên tiếng ai vừa bước vừa ca hát. Ao Đào-hoa kia, nước có sâu ngàn trượng. Sao bằng tình Uông Luân tiễn ta?)
u là tình bạn Uông Luân - Lý Bạch đã hơn 1000 năm trước, vẫn còn, và còn mãi.

Năm 2001, nhân đám cưới con trai thứ 3 của tôi, tổ chức tại Lawrenceville, GA - tôi gọi phone báo cho Đạt. Phần trên có nhắc đến người bạn thân này của tôi. Là Bùi Văn Đạt. Đạt qua Mỹ giữa thập niên 80, ở Florida, là bác-sĩ chuyên về khoa mắt. Tôi vẫn thư từ, phone qua lại. Ông cụ đã mất từ đầu thập niên 70 tại Sài Gòn. Bà cụ, mẹ Đạt, cũng qua Mỹ, ở Milpitas, CA với gia-đình người con gái thứ 2 tên Như Mai.

Khi học chung với Đạt 2 niên-khóa (1955-1956, 1956-1957) tại Quốc Học Huế, chúng tôi rất thân. Phần học-vấn của tôi trồi-sụt bất thường. Sau đình-chiến 1954, thì tôi bắt đầu học lớp 4 ème A tại Pellerin (Huế - tương đương Đệ Ngũ trường Việt), nhưng đột nhiên học bổng bị cắt (mấy năm qua tôi học tại Pellerin là nhờ học bổng toàn phần - mỗi tháng được 300$VN - lý do gia cảnh nghèo, không có cha mẹ [khai chết] ), đồng thời tình-trạng kinh-tế của gia-đình bác ruột tôi suy-sụp trầm-trọng, không thể cưu mang 2 anh em chúng tôi (từ Bắc vào).
Rời Pellerin, tôi tạm nghỉ ở nhà hơn 1 tháng dù các trường đã vào niên-khóa mới. Một người em họ của tôi đang làm giám-thị tại trường Trung-học công lập Pháp tại Huế, nhờ sĩ số lớp 6 ème còn thiếu, đã xin nhà trường cho tôi vào học. Đây cũng là cơ hội cho tôi, dù mất 2 năm, vẫn có thể xin chuyển vào trường công Việt sau 1 năm trường Pháp. Thế là năm sau, khi trường Pháp đóng cửa tại Huế mà nhập chuyển vào Đà Nẵng, tôi được chấp-thuận chuyển trường vào Quốc Học Huế (lớp Đệ Lục, 1955-1956).

Anh ruột tôi đang học Đệ Tam B tại Quốc Học Huế (1955-1956), cũng vì thiếu-thốn mà phải bỏ học, xin vào Bảo An Huế. Rời khỏi nhà bác tôi, anh tôi “Tung Cánh Giang Hồ”. Còn tôi, chưa đủ sức.

Học Đệ Lục Quốc Học, rồi Đệ Ngũ với sức học của tôi dễ-dàng qua. Nhận ưu-hạng mỗi năm. Tôi đã bắt đầu dạy kèm kể từ học lớp Đệ Ngũ. Thi băng đậu, tôi lên Đệ Tam C2 (1957-1958).Thì kể từ năm này, tôi rời gia-đình bác. Phải mưu-sinh.
“Giang hải tương phùng khách hận đa. Thu phong diệp há Động-Đình ba. Tửu hàm dạ biệt Hoài- m thị. Nguyệt chiếu cao lâu nhất khúc ca”.

Cũng từ năm này, tôi vừa đi dạy kèm để kiếm tiền trang-trải mọi phí tổn cá-nhân, vừa đi học. Là gió thu đem lá quyện xuống mặt hồ Động Đình. Tôi theo dòng nước. Tôi chưa đủ lớn để làm khách giang-hồ với nỗi hận lòng, chưa đủ cao-ngạo làm quen với ly rượu, giả-biệt chợ Hoài m, hay ngất-ngưỡng cất vang giọng hát .. để “Khởi hành tàn nguyệt ảnh bồi hồi”.

Đạt vội gọi phone trả lời tôi rằng đương sự sẽ đi bằng xe từ Miami, FL đến GA tham dự lễ cưới con tôi. Thiệp mời gửi đi, thiệp tang do vợ Đạt đáp trả. Đạt mới qua đời. Bệnh gan mà Đạt bị lây-nhiễm khi còn làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa 30 năm trước, đã phát-tác không đúng lúc cho sự tái-ngộ của chúng tôi.

1955, khi vào lớp Đệ Lục Quốc Học, thì người ngồi sát tôi trong lớp là Đạt. Dãy trái từ bảng đen nhìn xuống, và bàn thứ 3, tôi ngồi ngoài cùng, sát lối đi giữa 2 dãy. Đạt ngồi trong, sát tôi. Thầy Phiên dạy Quốc văn, lấy làm lạ về chúng tôi : một đảo-nghịch điển hình. Đạt ít nói, hiền lành - còn tôi, sớm trổ tài nghịch-ngợm, hiếu-động, hay tranh cãi, lý luận. Tuy nhiên mỗi tháng suốt năm, bài luận của tôi lúc nào cũng có điểm cao nhất, và được đọc trước cả lớp.

Tôi vốn tích-cực, sẵn sàng gác lại những chuyện buồn, những điều “bất đắc chí” .. mà vươn về phía trước. Giữa 1954, hiệp-ước đình-chiến Genève ký kết xong không lâu, khi tôi không hy-vọng tiếp-tục học, lúc các trường chuẩn-bị khai-giảng cho niên-khóa mới, thì 2 bạn cũng khá thân là Lê Bá Hứa và Lê Bá Hà (bạn cùng lớp năm trước) rủ tôi một chuyến về nhà họ tại Phú Bài Huế.
Họ cùng người anh là Lê Bá Hi, thừa hưởng gia tài là 5 mẫu đất (ruộng + vườn) gần Phú Bài. Mẹ của họ vừa mất, cần người cai-quản, coi-sóc. Lê Bá Hi vừa xong Tú Tài 1, liền xin dạy tại trường ở Phú Bài (không rõ Trung hay Tiểu học). Họ mất cha từ lâu.

Hứa và Hà chỉ học với tôi năm ngoái, nhưng chưa đến cuối niên-khóa thì bỏ học về giúp mẹ làm nông. Nay 2 anh em trở lại tìm tôi với 1 đề-nghị. Họ làm không xuể với số ruộng (lúa), vườn (trồng dâu nuôi tằm), và nhà cửa, sân lớn rộng. Họ rủ tôi, và sẵn lòng nhượng tôi 1 mẩu (hec-ta) ruộng và vườn tự do canh tác và thu hoạch.
Lên xuống đôi lần quan sát, nhưng lòng tôi không dừng ở đây. Ý, chí tôi không chấp nhận. Nhìn 2 bạn (họ đều lớn hơn tôi vài tuổi) 17 tuổi vui thú điền viên, thật khôi hài với thế kỷ 20!

Từ chối ý tốt của 3 anh em họ Lê Bá, tôi gẩm suy mình. Từ bán niên đầu của 1955 về trước, khi bà nội tôi còn sống, tôi đều vô-tư. Bà thương tôi, thương 2 anh em tôi xa quê xa cha mẹ từ nhỏ. Gia đình bác tôi dù kinh tế có lúc xuống thấp, bà cũng áp lực để chúng tôi không bị hắt-hủi. Bà mất vào khoảng đầu tháng 7/1955, thì anh ruột tôi cũng bắt đầu rời khỏi gia đình bác tôi.

Khi bà tôi còn sống, tuy tôi vẫn dưới sự cấp-dưỡng của bác tôi, tôi luôn ở cạnh bà để được sai vặt. Bà ở tại từ đường họ Trần. Bà dạy tôi nhiều thứ. Dạy đánh cờ vây với cả trăm con, trắng đen (bà vẫn luôn đem theo bên mình suốt từ thời con gái đến nay đã hơn 70 năm, bộ cờ này), tôi không muốn học, bà dạy thứ khác. Dạy chữ Nho. Làm sao tôi nhét nỗi vào đầu thứ chữ rắc-rối này, tôi từ-chối.
Nản quá, bà kiếm chuyện khác. Bà bắt tôi học thuộc những bài thơ Tàu, từ Hán, Tấn, Tùy Đường, Tống, Minh hằng trăm bài. Bà kiểm-soát và “dò bài”. Đọc và giải-nghĩa ra tiếng Việt. Là một cực hình đối với tôi. Thương bà, tôi phải ráng học. Thơ thì được, nhưng cổ-văn Trung Hoa thì tôi cương quyết không chịu, viện lý do phải học bài của nhà trường.
Tôi không hiểu bà tôi vốn đã học từ hơn 70 năm trước, sao đầu óc bà nhớ “dai” thế! Bà kể chuyện hồi nhỏ của bà (thời vua Tự Đức), khi cố ngoại tôi còn là Đề Đốc Thanh Hóa.
Đã từ 50 năm trước (1905), tại Thanh Hóa, bà nội tôi vẫn được dân ở đây xưng hô là “bà Nghè”. Không biết có phải chồng (là ông nội tôi) đỗ-đạt hay vì lý-do khác mà có danh xưng trên?
Bà nội tôi mất vào tuổi 84. Cũng đúng vào mùa khai-giảng năm học mới. Tôi vào Đệ Lục Quốc Học Huế (1955-1956). Đám tang bà, ai cũng khóc, nhưng mắt tôi vẫn khô, tôi tự hỏi tại sao? 9 năm qua, tôi là con cháu sống gần bà nhất.
Bà nội tôi thật tình không phải dòng khoa-bảng (cố ngoại tôi là võ-cử mà trở nên Đề Đốc). Là do phía chồng và cha chồng. Bà làm dâu nguyên Thượng Thư triều Tự Đức, và chồng được tập-ấm, sau này theo dòng khoa-bảng mà nên. Cố ngoại tôi do vua Tự Đức triệu về Huế chống Pháp. Hai năm sau khi vua Tự Đức chết, cố ngoại tôi tử trận tại cửa Đông Ba Huế năm 1885, cũng là lúc kinh-đô Huế vào tay người Pháp. Bà nội tôi bấy giờ 13, 14 tuổi, có mặt tại chỗ, cưỡi ngựa chạy theo binh lính, thoát về cửa Tây (chuyện được chính bà tôi kể cho nghe - nghĩ bà tôi không cần cường-điệu)

Trở lại chuyện về Đạt. Nhà Đạt nằm trên con đường phía sau Quốc Học, Đồng Khánh, cách khoảng 700 mét. Đường này chạy ngang qua đường Khải Định (cũ), rồi về Bến Ngự hay Phủ Cam (tôi không nhớ rõ). Bố Đạt là quan chức ngành Hỏa xa (kỹ-sư điện) nên được cấp ở trong 1 building lớn, 2 hay 3 tầng lầu và có nhiều phòng.
Cùng ở chung building này là gia đình ông Nguyễn Vỹ, Giám đốc Nha Học chánh Trung Nguyên Trung phần - có con là Thầy Nguyễn Quới dạy Pháp văn các lớp đệ Nhất (ở cùng gia đình bố)

Tôi ngày nào cũng đi học sớm, đến nhà Đạt trước khi đến trường. Rủ Đạt cùng đi. Ngoài bố mẹ, Đạt là anh trưởng, có TP là em gái kế, khoảng 12 tuổi - đang học Đệ Thất Đồng Khánh. Sau TP là 2 em trai. Một em gái mới sinh được ít tháng tên Như Mai, mà ngày nào tôi cũng bế-bồng. Hai năm đầu, Liệu ở chung với gia-đình Đạt.

Đến nhà Đạt rất sớm, và phải bế bé Như Mai dỗ dành. Không hiểu tôi thương bé Mai vì lý do nào khác hay là bồng bế mãi khiến thâm-tình.

Đến nỗi sau này từ 1992 ở Mỹ, tôi vẫn thường thư từ + gọi phone, hoặc đến nhà (mẹ của Đạt ở với Như Mai), và cứ theo thói quen mà gọi “bé Mai”, nếu không có 1 lần, không nhớ lúc nào, Như Mai gắt lên với tôi qua phone. “Anh Đ ơi, Mai năn-nỉ anh đừng gọi em là bé nữa. Chồng em nó đang cười em đây này. Đã có chồng + 2 con mà cứ bé, bé ..Bé cái nỗi gì mà bé. Em đang lên cân, gần 150 pounds mập ú lên, mà bé cái gì?”. Giận “bé” quá, tôi cúp phone. Thế nhưng mấy ngày sau rảnh, lại lò-mò đến nhà Mai. Thăm bà cụ, thăm các cháu nhỏ, con của Mai. Vợ chồng Mai đều là kỹ-sư điện tử, luôn làm việc tại hãng, khó gặp mặt.

TP là nhân vật chính yếu. Cô khá xinh và hát hay. Một lần, tôi thắc-mắc về tên của cô, có chút lạ tai : Tiểu Pha. Câu trả lời : TP sinh ở Đà Lạt cuối 1943. Không biết ai vì thích Đà Lạt mà gọi Đà Lạt là “Tiểu Ba-Lê” (Tiểu Paris), Mẹ của Đạt lấy tên đó mà đặt tên cho con gái, không hiểu sao lại từ Tiểu Ba-Lê biến thành Tiểu Pha.
Tên Tiểu Pha vốn là như vậy. Bố của Đạt là kỹ sư đặc trách kiểm tra và tu bổ hệ thống tàu lửa, đường rầy, nên phải thường xuyên lên xuống Bắc-Nam VN, nên có dịp ở Đà Lạt thời gian sinh con gái.

Thế là 1 năm học êm ả trôi qua. Niên-khóa 1955-1956 tôi có 2 bạn thân là Bùi Văn Đạt và Tôn Thất Kỳ. Có người em kết nghĩa là Văn Đình Tùng. Tùng đang học Đệ Thất trường Bán công. Bước qua niên-khóa 1956-1957, kèm Tùng Pháp và Toán. Mẹ của Tùng là mẹ nuôi của anh ruột tôi. Rời gia đình bác, anh tôi ở với gia đình bà Sáu (mẹ của Tùng). Ở đây, anh tôi bắt đầu làm việc cho Nha Bảo An, mà anh của Tùng là Văn Đình Quế, y-tá của Nha Bảo An.

Tùng có 1 chị lấy 1 quan chức ngoại giao Pháp. Người Pháp này ở tại 1 biệt-thự của bộ ngoại-giao Pháp mang tên “Maison De France”, cách không xa Chaffanjon, gần Ty Bưu điện Huế. Khi kèm Tùng học, tôi thường ở lại nhà này (mỗi tuần 1 ngày - thường là chiều thứ Bảy)
Lên Đệ Ngũ, quan hệ với Đạt càng thân-thiết. Tôi càng để ý TP. Gần cuối năm học, phượng đã bắt đầu nở. Và cây ngọc lan trước sân từ-đường họ Trần thật xum-xuê. Tôi ở từ-đường họ Trần năm này. Ngọc lan ngát hương. Tôi ngắt 1 đóa và ép trong sách. Đưa sách cho Đạt, tôi nhờ bạn chuyển đến 1 người. Đạt biết là ai, nể tình tôi, gắng
thực hiện. Vài hôm sau, Đạt trả sách. Giở sách, hoa vẫn còn.Tôi buồn. Đạt gắt “Vớ vẩn, elle không nhận, biết làm thế nào?”.

( Đây là ảnh TP. Năm 1965, khi tôi đang thụ-huấn khóa 3 LLĐB tại TTHL/LLĐB, Đồng Ba Thìn, em gửi tôi 2 tấm hình. Bây giờ em đã 79 tuổi, chắc em cũng không sợ chồng (Trí) ghen nữa, phải không? Nên bây giờ tôi mới dám post hình “bà lão 79 tuổi”. Bà lão ơi, hơn 20 năm trước gọi phone thăm bà và Trí, rất là “thản nhiên” và “lịch sự”.
Nay thì ai cũng thấy “đời là vô thường” có còn ngại chi? Nhắc bà lão những kỉ niệm của bán-niên sau của 1963, và đầu 1964. Không bao giờ quên được )

Ít hôm sau tìm hiểu, tôi biết được Liệu và TP thân nhau từ hồi nào còn ở Bắc. Họ là “thanh mai trúc mã”. Bây giờ TP mới 13. Bỏ chuyện tình “vớ vẩn” đằng sau lưng, tôi lo học thi băng Trung học đệ nhất cấp. Thi đậu. Tôi vào Đệ Tam C2 niên-khóa tới.
Vẫn kèm Tùng. Tôi phải sắp xếp vì còn dạy kèm 2 cháu gái của Tôn Thất Kỳ. 1 cháu 12 tuổi, học lớp Supérieur trường “Soeur”, 1 cháu 9 tuổi, học Élémentaire, cùng trường với chị. Tôi dạy tiếng Pháp (chủ yếu về Grammaire).

Năm Đệ Tam qua mau, tôi nhận phần thưởng ưu hạng.Tôi lên Đệ Nhị C2, 1958-1959. Tôi thôi kèm Tùng. Cũng hết dạy 2 cháu gái của Kỳ. Tôi dạy cuối tuần cho Giáo, con Thầy Thông, và cô Yến cháu Thầy (cả 2 đều học Đệ Tứ Bán công, tôi dạy Toán, 2 buổi, chiều thứ bảy và sáng chúa nhật). Tôi kèm Hân (cũng học đệ Tứ Bán công) buổi tối, 3 lần mỗi tuần, cũng về Toán. Cuối niên-khóa, tôi lấy Tú Tài 1 ban C.
Lên Đệ Nhất C2, thì đã có nhiều bài viết nhắc đến, nhất là Toussaint 1959.

Về các bạn tôi. Kỳ và Đạt đều sau tôi 1 năm (vì tôi học băng), dù khác lớp, tôi vẫn thường xuyên gặp mặt. Một số bạn khác, thì tôi cũng đã có những bài viết riêng (Tôn Thất Cử, Lâm Hưng, Lê Ngọc Quỳnh, Nguyễn Công Hào, v.v…)

Sau khi tôi theo binh-nghiệp kể từ 23/11/1959, thì năm sau (1960), Cử, Điềm (anh con bác ruột tôi), n “thò lò” vào khóa 17. Năm tiếp (1961), Tùng vào khóa 18, rồi (1962), Hưng vào khóa 19. Ai có số phận nấy.

Vĩnh Đương vào khóa 17, học được 1 năm thấy không theo nỗi về Toán, xin về lại dân-chính (gia-đình phải trả lại học-phí), tiếp tục học, đỗ Cao-học Luật .. cuối cùng nhập ngũ vào Thủ Đức, ít năm sau được chuyển về dạy tại Trường VBQG ĐL (dạy sinh-ngữ và luật cho SVSQ).
Hiến vào Sài Gòn, dạy học, mất năm 1995. Đến nay, bạn cũ vắng bóng hơi nhiều.
Còn liên-lạc tâm sự, chỉ mỗi Vĩnh Đương (Nam Ca-li), Hiếu (San Jose).

Về Kỳ, bài viết “Đôi Ngã” nói nhiều. Tôi đã đánh mất 1 tình bạn. Chỉ còn là u-hoài đến với người già khi hướng lòng về ngày cũ.

(Stone Mountain GA - Aug.3, 2021 edited on Jan.18, 2022)
----------------------------------

20. VƯỚNG MẮC
Lawrenceville GA, 1 chiều thứ bảy, 2005, tôi mở danh sách bạn cùng khóa, gọi phone trao đổi chuyện trò cùng các bạn ở xa. Gọi Vọng ở Michigan. Khóa tôi có hai (2) Vọng : Nguyễn Kỳ Vọng ở San Jose CA, và Nguyễn Văn Vọng ở Grand Rapids, MI. Vọng (Bastos) ở Ca-li đã qua đời. Vọng Michigan không thân lắm, cấp bậc sau cùng là Trung Tá Không-Quân. Cả 2 Vọng đều qua Mỹ cuối tháng 4/1975.
Không thân lắm với Vọng (KQ), nhưng có chung kỹ-niệm khó quên.

Tôi : “Vọng, Đ. đây. Toa còn nhớ chuyện ở Cao Lãnh không?” - “Hồi đó toa làm moa lo quá. May mà không sao”, Vọng trả lời. Đoạn 2 bạn cũ hỏi thăm nhau, vì đây là lần đầu nói chuyện, hỏi thăm nhau kể từ sau câu chuyện năm 1967. Nói chuyện dài nửa tiếng.

Tôi và BCH B20 LLĐB đi 1 vòng dài gần 2 tháng. Rời Quảng Ngãi tháng 12/1966 khi còn đang coi 1 Tiểu-đoàn BKQ/BP tại quận Sơn Hà, Quảng Ngãi - vừa qua 1 trận chiến khi địch tấn công quận-đường và trại LLĐB (đóng tại xã Hà Thanh). Từ tháng 10/1966, nhờ không-yểm bởi Không-lực Hoa Kỳ, chúng tôi đẩy lùi địch và truy-kích suốt tháng 11/1966. BCH B20 LLĐB thành lập và đóng tại Quảng Ngãi, coi 5 Tiểu đoàn BKQ/BP (Gia Vực, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng) từ giữa bán niên 1965, khi tình hình chiến-sự ở đây xấu lên trong năm 1965. Nay vì chiến-trường tại Đồng Tháp Mười chợt nóng, nên B20 LLĐB được điều động đến đó.

B20 LLĐB vốn do Thiếu Tá Tôn Thất Thuận làm CHT. Nay ông được bổ nhậm làm Phụ Tá Quân Trấn Nha Trang (Quân Trấn Trưởng do Chuẩn Tướng Đoàn Văn Quảng đảm nhiệm. Tướng Quảng là Tư Lệnh LLĐB, BTL đóng tại Nha Trang). Tôi vốn từ khi B20 LLĐB được thành lập, đã là Sĩ quan Phụ tá đơn vị này (tương đương CHP). Nhờ chiến công tại Sơn Hà nên được đặc cách lên Đại úy kể từ 1/1/1967. Tôi nhận quyết định Xử lý CHT B20 LLĐB, thay thế Thiếu Tá Thuận.

Từ Quảng Ngãi, tôi dẫn BCH B20 về Đà Nẵng, chờ phương-tiện đi Nha Trang. Khoảng 2 tuần sau, chúng tôi được không vận về Nha Trang (bởi C130). Trình diện P3/BTL, tôi được hội-kiến với Tướng Quảng + P3 BTL, nhận quyết định bổ nhậm, được P3 nói qua về nhiệm-vụ mới. Tạm thời đóng ở TTHL/LLĐB tại Đồng Ba Thìn, Nha Trang, chờ chỉnh-trang quân-số, trang-bị. 1 tháng ở đây, thì nhận lệnh di-chuyển.

Đến Cần Thơ đúng mùng 1 Tết âm-lịch 1967. Được đôi ngày, chúng tôi bay về Cao Lãnh. BCH đồn trú chung compound với BCH B LLĐB Mỹ tại Cao Lãnh.
Lực lượng cơ hữu của B20 LLĐB tại Vùng Đồng Tháp Mười gồm - 1 Tiểu đoàn BKQ/BP đang đóng tại Quận Thường Thới, Kiến Phong - 1 Tiểu đoàn khác, đóng tại Quận Cái Cái, KP. Chúng tôi có nhiệm vụ tuyển mộ, huấn luyện thêm 1 Tiểu đoàn tân binh, và mở trại LLĐB tại quận Mỹ An, KP. B20 sẽ hợp tác với Biệt Khu 44 cũng mới được thành lập.

Từ “bắc” Cao Lãnh đến thành phố Cao Lãnh khoảng 8 km. Nửa đường, bên phải là phi trường Cao Lãnh. Chúng tôi được không vận xuống đây, và có xe chở về thành phố, Dẫn vào thành phố là 1 chiếc cầu.
Thành phố có 2 đường chính thẳng góc. Đường qua cầu thẳng phía trước 500 mét, gặp đường thẳng góc. Rẽ phải theo đường ngang là phố Cao Lãnh. Rẽ trái suốt (dài khoảng 1 km) là khu vực chính-quyền và doanh trại quân sự.
Thứ tự : Doanh trại BK 44, ít khuôn viên quân-sự thuộc BK 44, Tòa hành chánh Tỉnh Kiến Phong, các cơ cấu thuộc Tỉnh, Compound chung cho Cố vấn Mỹ cho Tỉnh, BCH B LLĐB Mỹ, BCH B20 LLĐB VN, 1 khoảng trống dài gần 300 mét, sau cùng là doanh trại 1 Tiểu đoàn BB thuộc SĐ 9 BB. Đi thêm vài trăm thước, là khu vực dân chúng sinh sống, cách “Thành Bắc” không xa, lối đi về quận Hồng Ngự.

Con đường qua cầu Cao Lãnh chạy thẳng, qua khỏi khu vực doanh trại BK 44, là khu vực dân chúng sinh hoạt, trái có Trường Trung học Công lập Cao Lãnh, phải có nhà thờ Tin lành, các quán, tiệm ăn, v.v…

Cuối tháng 2/1969, tôi về lại Cao Lãnh, làm việc với Thiếu Tá Trần Kim Đại, CHT/Tiền trạm BCH C4 LLĐB. Một buổi sáng, Hạ-sĩ-quan trực vào văn phòng tôi báo có người ngoài cổng doanh trại muốn gặp tôi. Anh ta nói : “Đại úy, có cô Thủy xưng là em của Đ/úy, xin vào gặp”. Ít giây ngạc nhiên, tôi đâu có em gái nào ở đây. Tôi bảo viên HSQ dẫn cô ta vào phòng đặc-biệt để xét người. Có nữ thông-dịch-viên Trịnh Hoài Phương giúp xét nữ.
Một cô gái khoảng 17, 18 được dẫn vào văn-phòng tôi. Mời cô ngồi trên ghế trước bàn làm việc, tôi hỏi : “Cô là ai, sao dám nhận là em gái tôi”. Cô trả lời : “Em tên Thủy. Đại úy chắc quên em”. Cô ta mới nhắc lại chuyện 2 năm trước. Việc dù tôi vướng trên bụi cam trước sân Trường Nữ Trung học tư thục cấp 1 thì làm sao quên được. Nhưng bấy giờ có nhiều nữ sinh ra gỡ dù giúp, thì tôi không thể nhận diện bất kỳ ai.

3/1967. Đến Cao Lãnh đã hơn 1 tháng, B20 có nhiệm-vụ yểm-trợ BK 44, phạm vi trách nhiệm là dọc biên-giới Việt-Miên, kéo dài từ liên ranh Châu Đốc-Kiến Phong đến Kiến Phong-Kiến Tường, rộng 15 km từ biên giới vào nội địa. Tại Kiến Tường đã có B18 LLĐB trách nhiệm.
Thời gian tháng qua, tôi và Trung Tá Callahan, CHT B LLĐB Mỹ bay quan sát khu vực dự trù làm căn-cứ cho 1 Tiểu đoàn tân lập ở quận Mỹ An. Xã Mỹ Đa, cách quận-đường Mỹ An khoảng 10 km về phía bắc đã được chọn, và sơ đồ cùng “bản báo cáo đánh giá khu-vực” đã được trình lên trên, chờ quyết-định.
Tiểu đoàn tân lập với quân số tối thiểu là 300 binh-sĩ. 1 Sĩ quan + 1 HSQ ban 1 B20 được đưa đến quận Mỹ An để lập văn-phòng tuyển mộ. Tại Cao Lãnh, B20 cũng mở văn-phòng tuyển mộ, đồng thời yêu cầu BK 44 và Tiểu khu Kiến Phong vận động tuyển mộ giúp.
Hổ trợ việc tuyển mộ, BCH C4 LLĐB tại Bình Thủy, Cần Thơ đồng ý cho B20 tổ-chức 2 cuộc Nhảy Dù biểu-diễn : - 1 tại Cao Lãnh, - 1 tại quận Mỹ An.

Một sáng giữa tháng 3/1967, cuộc nhảy dù biểu-diễn được tổ-chức tại Cao Lãnh. Chỉ có 1 trực thăng H34 từ BCH/Không đoàn 4 VN tại Cần Thơ do Trung úy Nguyễn Văn Vọng (Trưởng phi cơ), và 1 SQ (phi công phụ) lái đến, khoảng 10 AM. Toán B Hoa Kỳ không tham dự. Thiếu Tá Mai Viết Triết, Tham Mưu Trưởng BK 44 gọi máy báo tôi biết rằng ông muốn tham-gia. Ông vốn là cựu Tham Mưu Trưởng LLĐB vào 3 năm trước (1964).

Có 23 quân-nhân tham-gia nhảy dù. 19 quân-nhân thuộc B20 + Thiếu Tá Triết + 3 Nữ quân nhân được BCH C4 gửi đến để nhảy “thử gió”. Gồm 1 Thượng sĩ và 2 Trung sĩ. Trong đó tôi quen biết Nữ Trung sĩ Đức, mới khoảng 20 tuổi, rất xinh.

(Chị Đức bây giờ là 1 quả phụ - Chồng là Thiếu Tá Hoàng đình Đốc đã mất. Chị năm nay cũng trên 75. Chị hiện ở với gia đình đứa con trai tại San Jose. Bạn tôi là Cựu Thiếu Tá LLĐB Trần Ngãi, ở gần nhà chị và đã nói chuyện với chị về tôi. Bảo tôi rằng chị sẽ cho tôi số phone để trò chuyện. Đã hơn nửa năm qua, tôi vẫn chưa được Ngãi gửi tôi số phone của chị. Thôi, có lẽ vì 1 lý do nào đó mà ngại ngần. Mong chị khỏe mạnh và bình an - Nếu chị đọc được bài viết này).

Chiếc H34 đảo vài vòng rồi đáp xuống sân cỏ trước mặt Tòa Hành Chánh Tỉnh. 20 người chúng tôi đã có mặt.
Phi cơ sẽ thả 4 chuyến. (1) chuyến đầu sẽ do 3 nữ quân nhân “nhảy thử gió”.
(2) chuyến 2 sẽ có 7 quân nhân - trong đó có Thiếu Tá Triết. (3) chuyến thứ 3 này cũng có 7 người. (4) chuyến 4 sau cùng chỉ có 6 người - có tôi nhảy sau cùng.

Có lẽ đây là lần đầu mà người dân ở đây thấy trực tiếp nhảy dù. Dân chúng trên đường, dừng lại, mặt ngước nhìn trên không, xem những cánh hoa dù nở. Quân nhân tại các doanh trại quân-sự ùa ra sân xem. Cán bộ, công chức từ các cơ quan hành chánh, dân sự các nơi cũng đổ ra sân ..

Các chuyến sẽ được thả dọc phi đạo sau lưng các doanh trại, bắt đầu từ giáp mối phi đạo với con đường đi qua Trường Trung học công lập (là từ Đông-Nam) bay theo hướng Tây-Bắc về hướng quận Hồng Ngự. Phi đạo dài khoảng 1 km 5, cách con đường ngang chính khoảng 800 mét. Cuối phi đạo cách doanh trại của Tiểu đoàn BB khoảng 500 mét.

Từ bãi trực thăng trước mặt tòa Tỉnh, chúng tôi theo dõi chuyến 1 “thử gió” của 3 nữ quân nhân. 3 chiếc dù nở hoa trên không trung. Có thể nói, cả thị xã Cao Lãnh đều đang nhìn lên. Gió từ Tây-Bắc hướng về Đông-Nam. Phi cơ thả ngược lại hướng gió. 15 phút sau, máy bay trở lại chỗ ban đầu, đón chuyến 2, khi toán “thử gió” báo cáo gió nhẹ, cuộc thả dù có thể tiếp-tục. Xong nhóm 2, rồi nhóm 3 đều hoàn tất an toàn.

Nhóm 4 gồm 6 người, có tôi tiếp-tục được thả. Vọng không cần đảo nhiều vòng. Đã quen, và tiếp tục chuông rung, từng người nhảy ra khỏi cửa máy bay. 5 người đã nhảy, tôi vịn cửa và buông tay, nhảy ra. Cũng trong chưa được 1 giây, thì đèn đỏ báo động nguy hiểm chợt sáng, thì tôi đã nhảy ra khỏi cửa.
Vọng chợt phát hiện thời tiết chợt thay đổi về hướng gió. Gió xoay chiều và thổi mạnh. Từ ngược gió thành theo chiều gió. Khi dù đã mở, thì tôi nhận thấy mình gần xuống cuối phi đạo, có khả năng rơi xuống phía sau doanh trại của Tiểu đoàn BB, là “bãi mìn”. Vọng muốn tôi ngừng nhảy, thì quá muộn.

Tôi vội kéo tối đa dù thuận gió, kéo mạnh 2 dây trước để hoa dù ôm trọn gió, mong cố vượt khỏi phạm vi bãi mìn. Thấy đã qua khỏi phía sau doanh trại quân-sự, tôi thả tay dây, nhẹ người. Dù hạ xuống cách doanh trại Tiểu đoàn khoảng 400 mét về phía Tây-Bắc. Rơi xuống trước sân Trường Nữ Trung học cấp 1, mà bên kia đường là chỗ thuê rửa xe mà tôi rất quen-thuộc. Cách “Thành Bắc” đi Hồng Ngự không xa.

Trước sân trường học là vườn cam. Dù rơi trên 1 bụi cam, dây dù kéo dài vướng trên nhiều bụi cam khác.Tôi loay hoay cố ra khỏi bụi cam. Khỏi nói cũng biết số lượng gai cam tấn công toàn thể thân hình tôi, trừ mặt, vì sức nặng của thân tôi đã đem lại chỗ trống từ ngực trở lên.
Một nhóm khoảng 4, 5 cô nữ-sinh chạy ra gỡ dù cho tôi. Và chưa được 1 phút kế tiếp, cả đám nữ sinh nhỏ hơn, không dưới 20 em chạy ùa ra. Các em, lớn thì khoảng 15, 16 tuổi và nhỏ thì trung bình 13 tuổi.
Xuýt-xoa cạnh bụi cam làm bạn với tôi gần nửa giờ tháo gỡ, tôi quan sát. Mấy cô giáo thấp thoáng tại các cửa lớp, không khuyến-khích cũng không ngăn cản các em gỡ dù giúp tôi.
Nữ sinh phần đông là các “cô nhí”. Nhiều “cháu” quá, nên tôi không thể cảm ơn và hỏi tên mỗi cô, nên chẳng hỏi, chỉ luôn miệng 2 chữ “cảm ơn”. Các em gỡ dù thật nhanh.

Xếp dù, bỏ vào túi dù (mang theo khi nhảy) thì Hạ sĩ tài xế xe tôi đã có mặt tại cổng trường. Việc dù vô tình rơi trên 1 bụi cam, trước sân trường cũng không dễ thấy. Cảnh kêu réo ầm ỉ của các “cô nhí”, vừa nô-đùa vừa gỡ dù, thật không khác đám chim non ríu-rít, thật dễ thương. Là một ấn tượng suốt đời không quên.

( Tôi chợt có 1 suy nghĩ rằng, bài viết này - dù hình thức nào được nhiều người đọc - hẳn có thể có 1 em nữ-sinh năm ấy gỡ dù cho tôi. Các em nếu còn sống, thì 55 năm trôi qua, em lớn tuổi nhất cũng khoảng 71, và em nhỏ tuổi hơn cũng khoảng 68. Tôi năm nay 82, niềm ao ước rằng có thể cách nào đó gặp, hay nói chuyện với 1 chứng nhân của sự việc ngày đó. Thì thật là nỗi ấm-áp khó thấy trong đời! )

Thủy kể tôi nghe chuyện của cô. Hè 1967, cô phải về Sài Gòn. Hóa ra căn nhà cạnh trường nữ trung học là nhà dì của cô. Cha mẹ cô tại Sài Gòn, đông con, túng thiếu, nên gửi cô cho dì nuôi ăn học mấy năm trước tại Cao Lãnh.
Dì cô buôn bán thất bại, bán vườn nhà, trở về quê Long-Xuyên, trả cô về với gia đình. Suốt 2 năm tại Sài Gòn, cô bị rủ rê ăn chơi, nghiện hút, mãi dâm. Tuần trước theo bạn trai là lính BĐQ về lại Cao Lãnh. Lại bị bỏ rơi. Bạn học cũ xa lánh, cô chợt nghĩ đến tôi, hỏi thăm, và biết tôi cũng mới vừa về lại đây.
Khuyên cô trở về gia đình. Ráng kiếm việc làm, cai nghiện và hoàn lương. Giúp cô ít tiền, tôi chở cô ra bến xe Cao Lãnh-Sài Gòn, mua vé cho cô. Tài xế xe khách biết tôi, hứa cam đoan sẽ đưa cô đến tận nhà (Sài Gòn).

Tôi không qui cho chiến tranh VN 20 năm (55-75), vì thời nào mà không có những thảm cảnh? Nhưng chắc chắn rằng, với 20 năm đó, thảm cảnh chắc nhiều hơn. Thủy là tên tôi đặt cho cô khi viết những dòng này. Nhưng nếu cô còn sống - vẫn khoảng 70, chắc chắn biết mình là người mà tôi nói đến, nếu cô còn sống và đọc được bài viết này. Dĩ nhiên cô biết tôi là ai.
Hôm nay viết về cô như 1 chuyện bình thường, trình làng trên FB, vẫn không tránh được chút cảm hoài. Nguyện cô đã từ lâu về sau có một cuộc sống như tôi từng khuyên cô. Nguyện sự bình an thiên thượng ban cho cô.
( Xem lại bài viết và edit hôm nay. Cũng là bài viết có nói về 1 nhân vật mà tôi rất kính mến. Là Cựu Đại Tá Mai Viết Triết. Ông đã mất vài hôm trước, và tôi - trong 1 comment trên FB - đã nói lên sự thương tiếc, và chia buồn cùng tang quyến. Comment viết dài, đã đủ nói lên tấm chân tình của “đàn em” với “đàn anh” trong tình chiến hữu LLĐB)

(Stone Mountain GA - Aug.24, 2021 edited on Jan.19, 2022)
---------------------------------
• Việt Gian Nguyễn Hộ (30 tháng 4 năm 1975): 
"Nhà ngụy, ta ở. Vợ ngụy, ta xài. Con ngụy, ta đày làm NÔ LỆ. Còn ngụy, ta NHỐT cho đến CHẾT. Những thằng chết, ta ĐÀO LÊN; ĐẬP PHÁ nó đi."
 
 -------------------------
30/04/1975. Theo âm-lịch thì ngày này vẫn còn là mùa xuân. Câu hỏi được làm đề tựa cho bài viết này, ai cũng đoán ra là mùa xuân 1975. Xuân thường ý-nhị, tươi thắm, tình nồng-nàn. Nhưng xuân 1975 mang nhiều bộ áo khác nhau. Tôi thì nghĩ rằng, mỗi bộ áo đó không phản ảnh những khía cạnh của 1 mùa xuân nói chung. Mà rằng, mỗi bộ áo chính nó là một mùa “xuân”, và nhiều bộ áo thì có nhiều ý xuân khác nhau trong cái
“xuân chung 1975”.

Mùa xuân 75, với “Bên Thắng Cuộc” đương nhiên là tưng-bừng, hả hê. Tuy thế, hãy cẩn-thận. Vui đậm thì buồn cũng phải đến (là thế xoay vần của trời đất), và hẳn cũng buồn đậm, buồn thảm! Vay trả có luật của nó.

Người di-tản 75 + kẻ vượt biển, vượt biên từ đấy đến nhiều năm sau, lúc đầu thật thổn-thức. “Em còn nhớ mùa xuân”, bài ca nhạc của Ngô Thụy Miên cũng đã khiến người rơi lệ. Thế nhưng mươi năm sau thôi, tình-tự có khác trước. Xuân xưa trong ta chỉ là cảm-xúc nhất thời.
Thời-gian qua, cuộc sống bon-chen xứ người cuốn hút lấy ta. Một số gặp lại người thân, thì ca bài ca “hội ngộ, đoàn tụ”. Kẻ mà thời-gian và không gian là yếu tố chính cho những cuộc tình của họ, thì phần đông mất-mát, cay-đắng. Thế là những bài hát sau thành phong-trào : “10 năm tình cũ”, “10 năm yêu em”, “10 năm đợi chờ” .. đã thay thế “em còn nhớ mùa xuân”. Xuân đi qua, và “xuân đó không hề trở lại”, chỉ có “xuân mới” đang đến, sắp đến .. e xa lạ.

Người ở lại, còn trong nước : - kẻ đi tù cải tạo thì cứ tự nhiên mà đi, - những thiếu nữ còn trong yêu đương thì chờ đợi ngày về của bạn tình, - phụ nữ thì chờ chồng, và có thêm con dại, phải bươn-chải mưu sinh, - (còn ai thỏa hiệp) thì cứ đường ta đi tới. Khỏi bàn đến dạng sau cùng.

Nhưng “bên thắng cuộc” không để “kẻ bại” được yên. Áp-chế, bạo lực, cướp-đoạt .. nhận chìm “kẻ thù” xuống tận đất đen. Biết bao chuyện đau thương được kể. Là những thảm cảnh, mất mát, ly tan, chết-chóc, tù đày ..

Niềm đau thì không thể so sánh. (Anh bất hạnh hơn tôi sao?). Tuy vậy, người từ nửa vòng trái đất xa khơi, hay nói rõ hơn, từ bên kia bờ Thái Bình dương, có than-thở thì cũng “dễ thở”. Mà kẻ ở tù chắc khác : “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Ai từng ở tù, mới cảm-thông với câu nói trên. Tôi có 1 người bạn đồng tù. Từng đêm không ngủ, từ miếng nhôm pha thép cứng rắn, mài thành những chiếc lược. Cò chạm khắc lên miếng nhôm-thép những hàng chữ : “Đương quân hoài quy nhật. Thị thiếp đoạn trường thì”.

Bạn tôi, Huỳnh Văn Lượm, Cựu Trung Tá chế độ cũ (VNCH, khóa 17 VBQG ĐL, Lữ Đoàn Phó 1 LĐ TQLC) + 1 bạn cùng khóa 16 VBQG ĐL với tôi, PVN + tôi, 3 người hay tụ-họp vào chúa nhật tại Trại Giam Vĩnh Quang A. Tôi không có quà, chạy chân sai vặt, nhóm bếp, coi lò, nấu nướng. Nói thì nói vậy, Lượm không mặc tôi lăng xăng, mà nhiệt tình tiếp tay, dù phần lớn quà thăm nuôi đều đến với Lượm, giữa 3 chúng tôi.

Ăn uống, trò chuyện. Rất tế nhị không hỏi sâu về tình-trạng gia đình của nhau. Đều là vu-vơ cho chóng qua ngày tháng. Tên PVN thì từng học piano, phong cầm, nên thích nói về nhạc. Ở đây không có các phương tiện, nhạc khí. Lượm thì cũng giống tôi, thơ văn “đầu môi cuối mắt”. Thế mà cũng qua được 7 năm.

1982, chúng tôi chuyển Trại, từ Bắc xuôi tàu về Nam. Tôi không cùng chung xe, toa với 2 bạn trên. Về Nam, dù hình thức nào cũng là niềm vui cho đại-đa-số tù nhân. Không ai cô đơn. Hai người chung với nhau 1 “cái còng”. Ăn uống bên nhau. Đại, tiểu-tiện có nhau. Bị dân (tại Đồng Hới khi tàu ngang qua ban ngày) ném đá, ráng tránh, nhờ cửa tàu nhanh chóng được đóng lại, nhưng đều “hốt hoảng” chung.

Cùng ở Trại Z30A, Gia Ray Long Khánh. Lượm ở đội nhà bếp. Tôi thuộc đội 19. Có lẽ PVN ở đội 21. Chúa nhật được nghỉ, tự do họp mặt, tự do nấu nướng. 3 người chúng tôi cũng thường chung nhóm. Nay thêm người này, mai thêm người khác. Không còn bị giám sát chặt chẽ như lúc còn ở ngoài Bắc.

Một hôm, tôi gặp PVN (2 đội ở gần nhau - có khi cùng ra ngoài “cuốc đất lật cỏ” trên những thửa đất gần cạnh nhau), nghe N. nói rằng vợ + con của Lượm đến thăm chồng. N. nói “Có điều thấy nó có vẻ buồn”. Thăm nuôi mà buồn. Chắc gia đình có người đau ốm nặng, hay không may, có người “..”. Chỉ N. xuống nhà bếp, gặp và tâm sự với Lượm mới biết nội-tình.

Hai hôm sau N. mới nói cho tôi biết, nhờ gạn hỏi Lượm. Lượm không muốn than-vãn chuyện mình. Vợ Lượm đến báo tin cho chồng biết mình sẽ đi xa, không trở lại. Sơ khởi, con được giao cho bà nội, và trong tương lai sẽ tạo điều kiện đón nó (nội dung để lộ chuyện cô ta sẽ chính thức đi Pháp - không hiểu vì sao chỉ mỗi mình cô, và con phải giao cho mẹ Lượm). Theo N. thì bên trong không đơn giản. Ly-biệt là đây.

Ít ngày sau, Lượm gặp tai nạn. Chảo lớn nước sôi, trước khi đổ gạo vào, thì Lượm vào trước. Lượm chết. Vĩnh biệt cũng là đây.

Chuyện kể về tình xa của 2 bên bờ đại dương, rồi chuyện tình đời - thường là phụ nữ xa chồng, trong áp lực hay cám dỗ từ những đàn ông chế độ mới - hay chuyện người trong tù .. đã thành vô hạn, chồng chất những trang thơ, nhạc, các loại văn phẩm .. dưới mọi hình thức. Nhưng chuyện của Lượm thật quá thê thảm.

Tôi chỉ nói về mùa xuân 75. Tôi chỉ muốn hỏi “mùa xuân nào em còn nhớ?” “Là bộ áo nào em còn nhớ của mùa xuân 75?” Là xuân ly biệt? Quá nhiều cuộc ly biệt. Xuân uất hận? Đại đa số ai mà không uất hận. Xuân đau thương? Quá đau thương đi chứ - ai mà không đau thương? Hay xuân tái ngộ? Cũng không đơn giản. Không lắm cuộc tái ngộ yên lành đâu. Nếu không là chua xót, ngỡ ngàng, rồi đau thương.

Hay, cuối cùng là xuân vĩnh biệt? Chắc khi bước chân vào tù kể từ 6/1975, thì Lượm đã linh tính nghĩ đến 1 xuân “vĩnh biệt” rồi! Để lòng nhớ bạn, Huỳnh Văn Lượm!

(Stone Mountain GA - Aug.28, 2021 edited on Jan.19, 2022)
---------------------------------

22. NHỮNG ĐÀN ANH
Hình trên là 1 đàn anh lớn. Khi tôi còn là Trung úy Căn cứ trưởng tại TaKo, Quảng Nam, chỉ huy 1 tiểu đoàn Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) đầu năm 1965, thì anh đã là Thiếu Tá Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt hơn 1 năm. Anh thôi chức vụ này, vì lý do riêng cuối năm 1964. “Lá Thư Tham Mưu Trưởng” của anh gửi đến các đơn vị, và tôi đã nhận được. Thật cảm động!
2 năm sau tôi đem B20 LLĐB về Cao Lãnh, lại gặp anh. Điều này được viết trong các bài trước, Tôi Muốn Nói Về Họ, Vướng Mắc .. và trên FB đã có comment, nhân được tin anh mất tại Pháp mấy ngày trước. Vĩnh biệt anh!

Nhiều vị vừa là “đàn anh” trong binh chủng LLĐB vừa là “bậc thầy” như Tướng Phạm Văn Phú (thì đã được vinh danh rất nhiều), như Đại Tá Hồ Tiêu, thì cũng đã được nhiều trang web đề cao - tôi không dám lạm bàn.

Tôi đã có 2 bài viết : (1) Một người anh, (2) Riêng viết về anh. Bài 1 nói về một Niên-trưởng của tôi, Thiếu Tá Phan Tấn Mỹ, 1 Tiểu đoàn trưởng, thuộc SĐ 18, vốn khóa 13 VBĐL. Giờ phút chót trước 30/04/1975 vẫn còn cùng đơn vị chiến đấu. Tính anh thẳng thắn, nóng nảy, cương trực. Vì vậy đường đời không khoảng-khoát, khiến cấp bậc và chức vụ vẫn rất “khiêm nhường” khi “tan hàng”.
Bài 2 viết về Trung Tá Nguyễn Văn Tăng, Cựu Tiểu Khu Phó Tiểu Khu Quảng Ngãi. Tháng 1/1975, anh rời nhiệm vụ, về Tiểu Khu Quảng Tín chờ giấy tờ chính thức, sau khi có quyết định của Tướng Ngô Quang Trưởng, bổ nhậm anh thay thế Đại Tá Đào Mộng Xuân trong chức vụ Tỉnh / Tiểu Khu Trưởng Quảng Tín. Anh Tăng, khóa 12 VBĐL, cũng là niên-trưởng của tôi.
Anh PTM mất gần 7 năm trước. Anh NVT mất tháng trước.

Anh Phan Tấn Mỹ hay làm thơ, lấy bút hiệu Ý-Yên. Giữa năm 2013, khi Bùi Quyền, bạn cùng khóa với tôi, có việc về Atlanta và ở lại nhà tôi, đã chuyển 1 tập thơ tay của Ý-Yên theo yêu cầu của tôi. Tôi cũng đã đọc nhiều bài thơ của anh, và yêu-thích thơ anh, nói chung. Tôi thích bài sau đây của anh, bài 11 trong MỘT LỜI THU GỌI :

Qua rừng chợt thấy rừng vàng ối
Thảm cỏ loang màu triền núi xa
Cây hỏi ráng chiều, chiều chẳng nói
Này thu sang đó tự bao giờ?
Từ lúc mây dâng xám nẻo trời
Ngỡ ngàng theo lá úa rời ngôi
Buồn đi xa vắng về lay gọi
Tà áo thu qua chẳng trả lời
Ơi một tình thu hay ý thu
Xôn xao trên ngưỡng cửa sang mùa
Từ ly hoàng cúc len hồng cũ
Để biết quen nhiều cuộc tiễn đưa
Qua rừng chợt thấy rừng vàng ối
Cỏ đã che mờ vết chiến xa
Khói lửa đã tàn, thu vẫn đợi
Vẫn một hành trang : nỗi nhớ nhà (Ý-Yên - Một Lời Thu Gọi, Bài 11)

Bài này vốn anh làm bằng tiếng Anh, rồi viết sang tiếng Việt. Chúng tôi biết nhau khi cùng có đóng góp comment trên Đàn Chim Việt Online khoảng 2013. Cùng góp bài trên diễn đàn này. “Tri âm, tri kỷ” không đợi nghe giọng, quen thân cả đời hay thật lâu năm như vợ chồng, anh em, bạn thân .. Tôi với anh chỉ 1 lần qua phone, rồi trao đổi trên diễn đàn.

Qua chuyện trò, mới biết anh cũng đến Nghĩa Lộ, Yên Bái vào 13/3/1976 một lần với tôi, nhưng sau thì khác Trại Giam. Anh cũng cùng HO 13 với tôi. Cùng ở San Jose, 1992 với tôi. Thế mà không gặp nhau. Có lẽ tôi chỉ ở đấy trên 2 năm rồi rời đi Tiểu bang khác. Ở Mỹ phải lo kiếm việc làm, tôi ít tụ họp cùng bạn bè, nên ít gặp mặt người này người kia cũng lẽ thường.
Qua lại với nhau trên diễn đàn, tôi hiểu anh hơn. Và nhân cũng nghe nói về anh sau này, trước sau anh “ngang như cua”. Một comment ngày 11/05/2013 trên ĐCV tôi viết “Thơ anh có hồn .. Mong anh thêm những bài thơ. Bỏ đi những chuyện thời sự, mà đi sâu vào văn chương, thi ca”. Cùng ngày, 2 tiếng sau anh reply “Cảm ơn bạn. Tôi như đang còn đứng trên đỉnh Langbian, nhìn ra bốn phương. Cũng như đang ngồi bên song nhà giam :Hiện tại” nhìn.
(Từ cửa nhà giam “Hiện tại” nhìn. Ngoài kia trời lặng nắng hoàng kim. Tâm tư ào sóng lan vòng rộng. Bắt gặp “Tương lai” chính lúc tìm - Ý-Yên - 11/05/2013)

Hai năm sau, 27/05/2015 comment tôi viết trên ĐCV “Các bạn .. là những người đọc được bài Khóc Ý Yên của NTD. Bạn NTD khóc Ý Yên bằng 1 bài thơ, là những người sớm muộn có mối thân tình với Ý Yên. Tôi đọc từng chữ của những comments của các bạn, không văn-vẻ nhưng thấm thía trong tôi …”.
Tôi sau đó gọi phone Bùi Quyền. Quyền ở gần nhà PTM. Quyền xác-nhận anh PTM đã qua đời trung tuần tháng 5/2015. Anh là tín đồ công giáo.

Những dòng này viết lên, thì lá vàng quanh nhà tôi đã đang rụng, chắc do “Thu phong”. Bài thơ 4 đoạn của anh viết 8 năm trước, nhắc tôi 1 “tình thu”. Anh không cần phải viết “Vẫn một hành trang : nỗi nhớ nhà”. Anh đã trở về tự bao giờ. Là “sinh ký tử quy”!
(Stone Mountain GA - Sept.23, 2021 edited on Jan.19, 2022)

FB Nguyễn Trần Vương Thơ mới báo tin : Trung Tá Nguyễn Văn Tăng, khóa 12 Đà Lạt đã mất tại Tây Ninh.
Tin chi tiết cho biết “Augustino Nguyễn Văn Tăng, Cựu SVSQ Khóa 12/TVBQGVN - từ trần ngày 08 tháng 12 năm 2021 tại Tây Ninh, Việt Nam - hưởng thọ 91 tuổi”

Buổi tiệc đưa Đại Tá Ngô Văn Lợi, nguyên Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng Quảng Ngãi, có sự chủ-tọa của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh QĐ I / Vùng 1 Chiến Thuật, và sự góp mặt của những “đầu quận” xảy ra vào 1 ngày - sau những tháng căng-thẳng của trận chiến Nam Quảng Ngãi (1972). Đại Tá Lê Bá Khiếu thay Đại Tá Ngô Văn Lợi trong chức-vụ trên.
Về lại BCH Tiểu Khu, tôi đã không thấy Trung Tá XXX, nguyên Tiểu Khu Phó, mà suốt hơn 1 năm qua, tôi thường làm việc với. Và người thay thế trong chức vụ TKP này là 1 vị Trung Tá rất cao, hơi ốm, nói giọng Huế. Đó là Trung Tá Nguyễn Văn Tăng, cũng vừa mới đến.

Mười năm trước đây, tôi có đọc tài liệu “Biến Động Miền Trung 1966” của Liên Thành, Cựu Thiếu Tá CHT CSQG Huế những năm đầu của thập niên 70. Bài viết nói về việc Phật tử Huế dưới sự lãnh đạo của Thích Trí Quang, xuống đường (1966). Ngoài việc nói về hoạt động của chính đương sự, Liên Thành cũng đề cập đến Đại úy Nguyễn Văn Tăng, Quận kiêm Chi Khu Trưởng Hương Thủy, Thừa Thiên. Anh đã ổn định được địa phương trách nhiệm.

Suốt các năm 1973, 1974 cường độ chiến sự cả nước thật khốc-liệt, anh hay thăm tôi, ghi nhận những nhu-cầu, lưu-ý những điều cần-thiết để đáp-ứng tình-hình (Minh Long, 1973), hay trực-tiếp lái xe vượt trên 40 km đường để gặp tôi (Đức Phổ, 1974).
Nhất là những tháng ngày tại Đức Phổ, dưới sức ép “vô lý, vô lối” của các đơn-vị đồn trú, tiếng là “yểm trợ” nhưng lại đòi hỏi quá đáng, gây bao “khó khăn” cho tôi, thì anh là tiếng nói vừa an ủi tôi vừa “bênh-vực” tôi hơn hết, ngoài Tướng Trưởng và Đại Tá Khiếu.
Nhớ 1 lần họp hành-quân tại Thạch Trụ, Mộ Đức, Tướng Nhựt (Tư Lệnh SĐ 2 BB) “xài xể” tôi, thì chính anh lên tiếng bênh-vực tôi, đưa ra những khó-khăn mà các “đàn em” của ông Tướng gây cho tôi.

Rời Quảng Ngãi 1/1/1975, thì tôi cũng được anh cho biết, rằng anh cũng đang được đổi đi nơi khác. Quá trình làm việc của anh thì ngay những người không ưa anh, cũng phải đánh giá cao. Anhnh đặc cách lên Thiếu Tá cuối năm 1966, 3 năm sau lên Trung Tá làm Tiểu khu phó đến giờ. Từ Quận trưởng (kiêm Chi khu trưởng) lên Tiểu khu phó Quảng Trị 3 năm, đổi về Quảng Ngãi, vẫn Tiểu khu phó. Cuối 1974, Tiểu khu bãi bỏ chức vụ Tiểu khu phó, chỉ giữ lại chức Tham Mưu Trưởng, thì anh được Tướng Trưởng quyết định để anh thay thế Đại Tá Đào Mộng Xuân, nguyên Tỉnh / Tiểu khu trưởng Quảng Tín, và anh cũng cũng trong danh sách lên cấp Đại Tá vào bán niên sau của 1975. Thì tan hàng! 30-04-1975.

Sau 30-04-1975, gặp lại anh tại Sài Gòn. Mệnh nước nổi trôi, chỉ biết xót-xa nhìn nhau mà cười. Tôi mất 9 năm, thì anh cũng qua 13 năm “nghìn dặm lưu đày”.
1988. Anh vừa ra tù ít tháng. Tôi đến thăm anh, được chị bảo rằng anh lên nhà anh Thiện. Là Trung Tá Lê Chí Thiện, khóa 14 VBQG ĐL, cùng làm việc với anh và tôi tại Quảng Ngãi, với chức-vụ Tham Mưu Phó Hành Quân và Tiếp Vận. Đến nhà anh Thiện, người nhà “bật mí” 2 anh “Zulu” rồi.

Hôm nay vừa được tin anh mất, tôi gọi thăm 1 niên trưởng cùng khóa với anh, là Trung Tá Ngô Như Khuê (Pháo Binh Quân Đoàn I). Anh Khuê cũng ở Trại Giam số 8 Hoàng Liên Sơn với tôi (1976-1978). Anh Khuê cho thêm một số chi-tiết về anh.
Xin chia buồn với chị (còn ở Nam Ca-li), chia buồn cùng các con, cháu của anh tại VN và Mỹ.
91 tuổi là quá thọ. RIP, anh Tăng. Anh tin Chúa. Rồi chúng ta cũng sẽ mau chóng gặp lại nhau, với tất cả ý-nghĩa của sự gặp-gỡ đó. Nguyện linh hồn anh tạm yên nghỉ trong cánh tay toàn năng đầy yêu thương của Chúa JC. Nguyện sự bình an thiên thượng và sự yên-ủi của Chúa đến với tất cả thân-nhân của anh!
(Stone Mountain GA - Dec.11, 2021 edited on Jan.20, 2022)
-------------------------------------

 23. MÁI NHÀ XƯA
MÁI NHÀ ở nước ngoài - nhất là ở Mỹ, có tính cách thực-dụng. Gia đình chúng tôi qua Mỹ vào 18/8/1992, ở California (1992-1994). Hai tháng đầu với thủ-tục nhập cư + nhận trợ cấp tạm sống trong 1 căn nhà thuê tại Mountain View, Ca. Quy chế cho phép chúng tôi nhận trợ-cấp trong vòng 8 tháng. Nhưng phần đông đều kiếm việc làm, tự túc sớm hơn thời gian trên.

Tôi có việc làm vào cuối 1992, và vợ tôi cũng có việc qua nhận đồ may gia công. Chủ business bán trả góp 1 chiếc máy may công-nghiệp. Các con xin financial aid, vừa học thêm vừa làm part-time. Cả nhà cũng bỏ thêm thì giờ học ESL. Tôi thi lấy bằng lái xe đầu tiên. Các con đều thì học lái xe (trả học-phí). Tất cả 5 con trai (1 đứa vượt biên từ 1982), đều độc thân - lớn nhất 28 tuổi, nhỏ nhất 18 - và 2 vợ chồng chúng tôi thuê chung 1 duplex house. Tiền thuê chia đều mỗi người.
Để tiện sinh-hoạt, chúng tôi di chuyển về San Jose vào 2 tháng sau.

Vậy là 1 “Mái Nhà”. Dù là nhà thuê, cũng qua đi những thàng ngày đầu bở-ngở trên đất khách. Cái duplex house của người Mễ trên đường Alumn Rock khá dơ bẩn, chật chội, nên chỉ sau vài tháng, gia-đình chúng tôi tiến gần hơn đến thành-phố San Jose khi thuê 1 ngôi nhà 3 phòng của chủ người Việt.

Từ 30 năm trước, tôi bây giờ mới nói lên 1 chuyện ẩn-kín của “phe thắng-cuộc”. Chỉ là người Việt chủ nhà khá trẻ, dễ thương. Đương sự là con của 1 vị Đại tá trong “Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” trước khi chế độ này đổi thành “Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Chuyện thì có tính cách riêng-rẽ của gia đình của vị Đại tá này, nhưng lại thể hiện “cách làm giống nhau” của tập-đoàn cán-bộ CSVN. Đại khái - có lẽ nhờ vào việc đánh phà tư sản mại bản, các thành phần giàu có của chế độ VNCH .. - mà đa số các kẻ có chức-quyền CSVN đều giàu. Vị Đại tá đó đã tính trước cách sử-dụng số tiền (dĩ nhiên chính là vàng, đô la Mỹ đổi thành ..), có bao nhiêu con - nhất là con trai - cho đi nước ngoài du học. Việc chính của chúng, nếu có đứa nào thích “học” thì càng tốt, còn thì “mua nhà, mua shops [phần lớn là tiệm hớt tóc, nail ..]”.

Người cho chúng tôi thuê nhà, đã là sở-hữu-chủ của mấy căn nhà, các shops nói trên, rãi-rác các Tiểu bang Mỹ. Vắn tắt vậy thôi, là chuyện của người khác - cũng chẳng lạ gì.
Ngôi nhà mới thuê này sạch sẽ, khang trang, và gần những nơi cần đến. Giá chỉ 1000$USD/tháng.

Đó là những “mái nhà” chỉ làm đầy trang “nhà cho thuê”, ngoài ra không còn ý-nghĩa nào khác. Thế rồi, một cuộc họp gia đình do vợ tôi yêu cầu. Ở xứ dân chủ, gia đình tôi - nhất là vợ tôi và các con - mau mắn hấp-thụ “tinh thần dân chủ” đáng khen này. Gia đình có 7 người lớn (đều 18 tuổi trở lên - có quyền bỏ phiếu).
Tôi không theo “đảng” nào cả, nên chỉ có 1/7 “không tán thành”, còn tất cả 6/7 theo “đảng” của vợ tôi, “nhất trí đi xuyên bang”. Tôi rất buồn phiền : công việc ổn định, mỗi tuần trên 20 giờ overtime. Vậy quyết định được thi hành mau chóng. Sẽ di chuyển về New York. Nhân tiện một chị họ (con bác ruột) có shop may gia công (khá lớn), cần nhân công, chị gọi cho vợ tôi bàn chuyện. Sau đó đi đến quyết định trên.

Bán tống bán tháo những thứ đã mua sắm suốt gần 2 năm qua : xe, máy may .., con thì đứa nào bỏ túi riêng “không kiểm soát được”. Riêng 2 vợ chồng chúng tôi chỉ có 5000$ USD (tiền mang theo + bank account).
Chiếc xe thuê U-HAUL duy nhất, 3 người ngồi trước (kể cả người lái), số còn lại ngồi sau với vật dụng. Không có đồ đạc nhiều, chỉ 1 chiếc nệm Queen + mỗi người 1 va-li. Hành trang chưa bao giờ thấy nhẹ hơn.
Tài xế, trừ vợ tôi, là 6 người thay phiên nhau lái, kể cả tôi. Suốt 3 ngày và 3 đêm lái xe liên-tục chỉ tạm dừng ở Rest Area và Gas Station. Chỉ ngủ 1 đêm duy nhất tại Chicago, để mọi người tắm rửa, lấy sức, vì gần tới NY. Qua khoảng 11 Tiểu bang Mỹ, chưa tính California và New York. Hành trình tính ra là 2,800 miles (hơn 1/10 vòng trái đất - 40.000 km).

Trên đường đi, vợ tôi liên lạc với gia đình 2 người em họ (con chú ruột). Họ yêu cầu gia đình chúng tôi ghé lại đôi ngày. Họ ở Rochester, NY, cách Bronx (là nơi chị họ tôi ở) khoảng 350 miles.

Gặp bà con, vợ tôi thích chí, đòi ở lại đây luôn. Lại bỏ phiếu “dân chủ”. Tôi lại thua, phải gọi phone báo cho chị họ tôi ở Bronx, NY biết. Và thuê một căn apartment 2 phòng. 600$ USD/tháng. Trong vòng 1 tháng đều có việc. Đều làm trong hãng may Hickey Freeman. Chỉ 2 vợ chồng tôi + 2 con. Ba đứa khác trở về Ca-li, cần giải quyết ít việc.
Vẫn cũng là nhà thuê. Thấm thoắt đã 4 năm ở đây. Hay đi xem thác Niagra, nhân tiện qua thăm Toronto (Canada).

Lại 1 cuộc họp bỏ túi. Nhân số là 5 người. Hai đứa lớn nhất vẫn còn nấn ná Ca-li. 5 người chúng tôi đều ổn định việc làm. Lương giờ bấy giờ đều trên 10$/giờ, lại thêm nhiều giờ overtime, vào các năm sau của 90, thật cũng “dễ thở”. Năm chót, 1998, thì nhân số tăng 2 gồm 1 dâu + 1 cháu nội. Cháu nội chỉ 1 tuổi, không có quyền bỏ phiếu, thì trong 6 người lớn, tôi lúc nào cũng thua -thiệt. Hết thất bại này đến thất bại khác, tôi chỉ biết thầm than “hổ xuống đồng bằng, .. chúng khinh”.

Hai xe cá nhân + 1 U-Haul thuê trực chỉ Georgia. Nghe “Atlanta”, mấy đứa con háo-hức. Sở dĩ phải rời Rochester, NY vì ở đây thời tiết quá lạnh về đông - không tiện cho tuổi già. Mùa đông kéo quá dài. Xa NY, chỉ tiếc “mùa thu NY” (Autumn in NY).
Mới 4 năm mà đồ đạc lỉnh kỉnh chiếm hết chỗ cả 3 xe. Lái xe 1 lèo 12 tiếng. Các xe khác đổi tài xế, riêng 2 vợ chồng tôi 1 chiếc với duy nhất 1 “chú tài”.

Nhà Ca-li, nhà New York vẫn thế, ra đi không tiếc thương, không vấn vương. Đến Georgia vào cuối tháng 10/1998. Thuê apartment 3 phòng, vì có “tiểu gia đình” con trai thứ 3 tại Norcross, mọi người “túa” đi kiếm việc. Cũng dễ có việc ở đây, lúc này (1998).
Vậy, suốt 6 năm qua, mộng làm owner 1 ngôi nhà riêng chưa được thực-hiện, khiến vợ và mấy con chúng tôi khó chịu.

Ít tháng sau, vào 1/1999, mua nhà. Down 5%, không sẳn tiền, nên tôi dùng credit card trả với lãi suất thấp 3%. Hồi xưa tai “điếc” vì quen nghe đạn, bom. Nay có chi mà sợ? Hóa ra, trả tiền nhà mỗi tháng lại cao hơn thuê apartment. Còn thêm những tổn-phí khác. Mà nợ thì 30 năm sau mới trả hết. (Đây là căn nhà đầu tiên mua được ở Mỹ - 2364 Mulliston Ln, Lawrenceville GA 30044 - Hình đầu tiên từ trái)
Nhà mua, có hơn chăng chỉ là chút “tự do, thoải mái” + danh xưng “owner” thay thế “renter” mà thôi. Mua rồi bán, không luyến tiếc. Từng năm trôi qua, con cái đều lập gia đình. Nhiều bất tiện khi ở chung với gia đình chúng. Tôi thích yên tĩnh. Thế là mua 1 căn mobile home (Hình thứ 2 từ trái)


Thật ra chính nó là 1 “Manufactured Home”, thích hợp với túi tiền, nhất là khi về hưu. Rồi gần 4 năm với chiếc nhà MH đầu tiên, để rồi bán đi, để sống gần con. Con trai thứ 2 năn-nỉ cha mẹ ở chung với gia đình nó. Tôi phải mua căn nhà 4 phòng (Hình 3 và 4).

Đàn bà hay cảm tính, vẫn không muốn xa con. Thích là 1 đằng, nhưng giải-quyết những phức-tạp tế nhị với dâu là chuyện khác. Hơn nữa cháu nội gái đã lớn, sắp có chồng, tôi quyết định giao nhà cho con, cháu. Dù tôi down khá cao (15% với giá nhà là 160.000$ USD năm 2006). Chiếc nhà MH thứ 2 của hai vợ chồng chúng tôi, mua đã 5 năm nay (Hình 5, sau cùng ở trên).

30 năm qua tại xứ người, những “Mái Nhà” - tôi tạm cho chúng cái tên này, chỉ theo thói quen đối với những tiện nghi ăn ở, tránh nắng che mưa. Chỉ thế thôi. Hằng chục “Mái Nhà” trong suốt từng đó năm - có thuê có mua, có khiến chúng tôi là renter hay owner chăng nữa, thì từng cái, có được dùng lâu hay mau, đều đi qua và dường như mất hút. Chúng là đám lục bình âm thầm theo dòng nước trôi mà bị lãng quên tự lúc nào không hay. Chút tình cảm lưu luyến nhất thời. Rồi quên.

Trong 1 bài viết trước với đề tựa “NHÀ ĐỔI CHỦ”, tôi kể lại chuyện trở về thăm ngôi nhà cũ đã có từ 1971. Năm 2020 về thăm lại nhà này, thì cũng được biết nhà đã qua tay nhiều ban bệ của chính quyền Tỉnh. Tôi được người chủ quản ngôi nhà cho phép chụp tấm ảnh kỷ-niệm (Hình phía trái là nhà cũ chụp năm 1971 - Hình bên phải đã thành cơ-quan của chính quyền Tỉnh, chụp năm 2020)

Tôi thích các bài hát : - “Trở Về Mái Nhà Xưa”, “”Về Mái Nhà Xưa”, “Trở Về”, “Trở Về Thôn Cũ”, … Đó là nền văn hóa nước Việt, từ ngàn xưa đến ngàn sau, vẫn không thay đổi. u, Mỹ không giống vậy. “Mái Nhà” mà tôi muốn nói đến là “tình quê hương” luôn ấp ủ trong tim người Việt xa xứ. Dù rằng quê hương lắm đổi thay, nhà cũ có chủ mới, dù bề ngoài coi như xóa sạch, nhưng “hồn quê” còn đó. Không ai có thể lấy mất khỏi tim ta được!

(Stone Mountain GA - Oct.29, 2021 edited on Jan.20, 2022)
---------------------------------------------
 
24. MY BIRTHDAY
Hành trình từ Atlanta - kể luôn các cities Dacula, Snellville, Lawrenceville, Stone Mountain - của đại-gia-đình chúng tôi đi Florida bắt đầu 7AM, Dec.24, 2021.

Chúng tôi đến thăm gia-đình con trai út hiện cư ngụ tại Sarasota, FL. Gia đình này đã chuẩn bị cả tháng trước, muốn mời cha mẹ và những gia đình của các anh (đang ở các thành phố nêu trên của GA).

Vậy, ngoài 1 gia đình của con thứ 3 + gia đình của cháu nội gái đều ở GA, và 2 gia đình của 2 gái còn ở VN + 6 cháu nội lớn ở xa, thì có thể gọi đây là 1 họp mặt lớn của đại-gia-đình chúng tôi.

Các con, cháu chúng tôi muốn mừng Xmas, nhân tiện “sinh nhật” tôi được “ăn ké” theo. Khoảng 4PM, người từ GA lần lượt đến nơi. Khoảng 8PM thì mọi việc chuẩn-bị đã hoàn-tất. Có khoảng 20 người, già nhất là tôi (đã 81), trẻ nhất là 1 cháu nội gái 3 tuổi.

Mọi người đều mặc áo đỏ (ai không mặc áo đỏ là “lập dị”, và “chơi trội”). Tất cả cùng hát Thánh ca mừng Noel. Các cháu đến trước ông nội chúc mừng sinh-nhật. Cùng hát “Happy Birthday”. Tiếp, 1 con dâu cầu-nguyện bắt đầu cho buổi chia-sẻ của tôi về sự Giáng-sinh của Chúa JC. Thời-gian 25 phút. Cùng hát Karaoke đến nửa đêm.

Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể ( II Cô-rinh-tô 9:15 ).

(Stone Mountain GA - Dec.30, 2021) - edited on Jan.20, 2022

---------- HẾT TẬP 1---------

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment