Tuesday, September 27, 2022

Ý Nghĩa Cổng Nam Quan của TVBQGVN - Nguyễn Sanh K28

Nguyễn Sanh K28 (Tango Bui)
Kính thưa quý Niên Trưởng và các bạn, từ bài học Địa Lý đầu tiên của bậc Tiểu Học, chúng ta đã được biết: Nước Việt Nam kéo dài từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mâu. Ải Nam Quan là cửa ngõ chính để đi vào lãnh thổ Việt Nam từ phía Bắc. Như vậy ý nghĩa đầu tiên của Cổng Nam Quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) là tượng trưng cho Ải Nam Quan.
 -----------------------------------
 
 -------------------------------
Khi bước chân qua Cổng Nam Quan, chúng ta có thể tưởng tượng như đang bước vào một mãnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam, bắt đầu một cuộc hành trình phục vụ cho đất nước, cho dân tộc, mà một trong những nhiệm vụ của người lính là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ.
 
 
 
Dù rằng sau Hiệp Định Genève năm 1954, Ải Nam Quan và phần lãnh thổ phía Bắc Vỹ Tuyến 17 đã lọt vào tay Cộng Sản; nhưng giang sơn Việt Nam từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mâu thống nhất dưới một Chính Thể Tự Do, Dân Chủ, vẫn là mục tiêu tranh đấu tối thượng của người sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN.

Huy hiệu của TVBQGVN với con Rồng ngậm kiếm, uốn mình bao bọc mãnh đất Việt Nam hình cong chữ S cũng mang cùng ý nghĩa này.

Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Thỏa Ước Vịnh Hạ Long được ký kết, nền độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Khối Liên Hiệp Pháp được long trọng công nhận. Tháng 10 năm 1948, Trường Sĩ Quan Việt Nam tại Huế (tiền thân của TVBQGVN) được thành lập, khi đó lãnh thổ Việt Nam kéo dài từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mâu chưa bị chia cắt. Những sĩ quan xuất thân từ Trường Sĩ Quan Việt Nam, và sau đó là Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, từ Khóa 1 đến Khóa 9, có mặt ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.

Ngoài ý nghĩa về địa dư, lãnh thổ, Ải Nam Quan còn mang ý nghĩa lịch sử chống ngoại xâm từ Phương Bắc của Dân Tộc Việt Nam. Một trong những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ là câu chuyện đau thương của Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Khanh mà chúng ta còn gọi là “Hận Nam Quan”: Năm 1406, giặc Minh xâm chiếm nước ta, bắt Hồ Quý Ly và con là Hồ Hán Thương cùng nhiều quan chức Việt Nam giải về Tàu; trong số đó có Nguyễn Phi Khanh là cha của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đau buồn, khóc lóc, theo tiễn cha đến tận Ải Nam Quan. Trước giây phút biệt ly, Nguyễn Phi Khanh đã dặn dò Nguyễn Trãi: “Con là một đấng Nam Nhi, con nên trở về tìm kế báo thù cho cha, rửa hận cho Nước, chứ đi theo cha khóc lóc như bọn Nữ Nhi mà làm gì!”.

Nghe lời cha, Nguyễn Trãi quỳ lạy tiễn biệt cha, chôn chặt trong lòng mối Hận Nam Quan, nung nấu ý chí phục thù. Sau đó, ông đã đến hợp sức với Lê Lợi, dâng lên Lê Lợi “Bình Ngô Sách”, đem hết tài năng giúp Lê Lợi và Nghĩa Binh Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, dành lại độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam.

Như vậy, Cổng Nam Quan của TVBQGVN trước hết tượng trưng cho Ải Nam Quan, cửa ngõ biên giới phía Bắc của Việt Nam; nhằm nói lên lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ Ải Nam Quan, và một trong những nhiệm vụ của người sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ. Cổng Nam Quan của TVBQGVN còn mang ý nghĩa lịch sử của Ải Nam Quan trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm từ Phương Bắc của Dân Tộc Việt Nam.

Kính thưa quý Niên Trưởng và các bạn, trên đây là ý nghĩa Cổng Nam Quan của TVBQGVN mà tôi hằng ấp ủ từ khi bước chân vào TVBQGVN.

Trân trọng,
Nguyễn Sanh Khóa 28
 
More:

No comments:

Post a Comment