Wednesday, September 21, 2022

Trần Công Đài K16 và NHỮNG MẨU CHUYỆN NGẮN (3/3)

TẬP 3/3 (2021- 2022)

LỜI NÓI ĐẦU 

Hai tập trước (1 & 2), tôi mượn lời nói đầu của cuốn hồi ức của tôi (viết xong và cho đem in, 2020).
  Những bài viết trên trang FB của tôi bắt đầu vào 2021 cho đến nay (July 13, 2022) gồm nhiều thể loại. Hai tập 1 & 2 đã chiếm 56 bài viết của tôi. Đủ dạng, chuyện mình chuyện người, chuyện xảy ra hằng ngày, chuyện thơ, văn có, triết lý có, thần học có, chuyện đời chuyện đạo… Mỗi chuyện, dài lắm thì có bài vài trang giấy - ngắn hơn thì có bài non trang. Phần nhiều là “tùy hứng”

-------------------------- 
 Không mục đích. Chỉ là tùy tâm tư, khi vui lúc buồn là để “có việc làm” cho đầu óc bớt những suy nghĩ vẩn vơ. Cho cá nhân là chính. Vẫn open cho public để tha nhân thích thì vào xem. Có ý kiến càng tốt, chỉ là để ghi nhận, cảm ơn. Không tranh cãi.
Không tha thiết nhận nhiều độc giả. Nếu có người đọc, có quan tâm chia sẻ thì cũng sẵn sàng trao đổi quan điểm, tâm tư, tình cảm với nhau.

Tôi hầu như mỗi tuần, ít nhất viết 1 bài. Đưa vào google.docs, giữ làm tư liệu. Collect 1 số bài đưa thành tập. Tư liệu này cứ vậy đã qua gần 1 năm nay và hình thành 2 tập. Nay tập 3 lại bắt đầu vào bài thứ 57.
Đa số bài viết dựa theo sự kiện. Không cường điệu hay hư cấu. Viết cho mình thì không cần khoe khoang. Không cần thách đố như Vương Sĩ Trinh. Ông ta thì :
“Cô vọng ngôn chi cô thính chi”, còn tôi, viết rất thật. Đều là những chuyện rất thật. Quan điểm đưa ra rất thật lòng, không quanh co. Tâm sự cũng thế.
Mong tập 3 có kết quả như 2 tập trước.
Tháng 7 ngày 13, năm 2022
Stone Mountain GA - DAITRAN
------------------------------------------

57. TIỄN MUỘN
Hai dịp biết về chị.
  - Một dịp cách đây ít năm, rảnh rỗi - tôi tìm cách liên lạc những bạn cũ từ 60 năm trước. Là hồi còn học sinh. Các website liên quan Quốc Học Huế về thời điểm đó hầu như không xuất hiện thêm. Rồi cũng tìm được, đó là bài viết của Thái Kim Lan nói về Phùng Thăng. (hình như trong phần góp ý, tôi muốn điều chỉnh lại niên khóa mà cô TKL viết về lớp Đệ Nhất C2 Quốc Học, mà các cô đang học, không phải niên khóa 1959-1960 - Nhưng lâu không thấy reply, nên tôi lướt qua).
  Phần muốn điều chỉnh là : năm đó, tôi là Trưởng lớp - tôi đã kể ra nhiều bạn nam sinh + nữ sinh cùng lớp [được nói rõ trong 2 bài viết của tôi “Toussaint 1959” và “Chuyện Mới Chuyện Cũ”]

  - Dịp thứ 2 vốn là năm ngoái thấy ảnh các cô Đệ Nhất C2, niên khóa 1960-1961, có Nga My, Thái Kim Lan … (và hình như có ghi chú : Phùng Thăng học cùng lớp).

Tôi lớn hơn chị 3 tuổi, hơn Nga My 1 tuổi. Chỉ là cách viết, khi đề cập đến tuổi tác. Không có chi quan trọng!

Hôm nay thoáng thấy trong FB “Trang Huế Online - HUẾ CỐ ĐÔ”, bài viết của Xanh Doan nói về chồng cũ của chị (trước khi gia đình tan vỡ), và chị.

“Bất quá tam đa” - Tên chị, Phùng Thăng, lại xuất hiện trước mắt tôi. Thế là tôi tìm đọc những tài liệu nói về chị. Nào Thái Kim Lan, Trần Hoài Thư, v.v…

  Nhưng tìm biết để làm gì?

(( Về Phùng Thăng - tôi vì 1 lần tìm cách liên lạc những bạn cũ Quốc Học của những năm cuối thập niên 50 (1959) trở về trước, mà đọc được bài nói về cô (là lời kể của Thái Kim Lan - bạn cùng lớp với Phùng Thăng). Một thiên tài, nhưng “yểu mệnh”. Mà thôi, thế là đủ. Sống lâu rồi cũng chẳng khác “ống bình vôi”, có gì mà “ao ước”?
((
(( Năm ngoái, tôi - nhân “sự ra đi vĩnh viễn” của 1 bạn cùng lớp cũ (của 62 năm trước) là “nữ sinh lớp Đệ Nhất C2 Quốc Học Huế, niên khóa 1959-1960”, tên Nguyễn Thị Nga My - mà có viết trên FB cá nhân mình bài viết kỷ niệm “Ngàn Năm Mây Trắng Bây Giờ Còn Bay”.
((
(( Rồi từ bài viết đó, tôi lại đọc được bài viết của Nguyễn Đắc Xuân từ FB của ông này. Có điều, FB của ông lại post bài viết của tôi khi kể chuyện liên quan Nga My. (Sau đó, vì không thể remove bài của mình từ FB của người khác, tôi đã có 1 comment trong FB tôi rằng, tôi chưa hề quen biết hay gặp gỡ NĐX, và tỏ ý không bằng lòng khi bài viết của mình lại share vào FB người khác. Thế là ít hôm sau, bài của tôi không còn ở FB của NĐX).
((
(( NĐX viết về Nga My, có post hình cô này và các bạn nữ sinh khác và ghi : Đệ Nhất C2 Quốc Học Huế, niên khóa 1960-1961. Bấy giờ tôi mới biết, Nga My hỏng Tú Tài 2 (năm trước, 1959-1960) - tôi rời khỏi lớp Đệ Nhất C2 (1959-1960) vào tuần cuối của tháng 11/1959, lên Đà Lạt. Năm tiếp theo, 1960-1961, Nga My học chung Đệ Nhất C2 với Thái Kim Lan + Phùng Thăng + Nguyễn Đắc Xuân.
((
(( Tấm ảnh Phùng Thăng chụp chung các bạn lớp Đệ Nhị C tại Đồng Khánh (cùng với thầy Phan Văn Dật - ông này là anh họ tôi. Mẹ ông là cô họ tôi) là niên khóa 1959-1960, thì đúng hơn. Vì năm sau, niên khóa 1960-1961, Phùng Thăng mới học Đệ Nhất C2 Quốc Học.
((
(( Có dịp, tôi sẽ viết riêng 1 bài nói về Phùng Thăng, khi gom nhiều hơn, những dữ liệu về cô này. Ít lâu trước đây, Thái Kim Lan muốn liên lạc nói chuyện với tôi (qua FB), nhưng tôi tiếc đã từ chối. Có lẽ tôi sẽ liên lạc với TKL để có thể có nhiều điều mình cần))

Nhưng tìm biết để làm gì?

Chuyện về chị, người ta viết quá đủ về cuộc đời, sự nghiệp. Theo lý thì như vậy. Nhưng tôi không thỏa mãn. Nếu xuyên qua những tác phẩm viết hay dịch của chị mà cho rằng ta biết về chị, ta hiểu chị, thì còn “võ đoán” và khá là “nông cạn”.

Cứ truyền đời từ những Plato, Socrate hay Kant, hay Kierkegaard, hay Sartre, v.v… rồi “thần tượng hóa”, rồi “thần thánh hóa” họ. Lại còn nói rằng “ta hiểu họ”, rồi bắt chước ..
  Thượng Đế cho con người 1 cách biệt nhau “không quá lớn” - chỉ tương đối. Đọc những tác phẩm của họ, mới thấy thất vọng. Không phải họ “dở, kém”, mà là không như đồn, thổi. Biết bao nhiêu thiếu sót, mà ta cứ “vô tình hay cố ý” cho qua? Định kiến thật tai hại!

63 năm trước, tập tửng học Triết. Cứ thấy câu “je pense donc je suis” của Descartes, là tự mình thấy như Triết-gia.
  “Thế nào là sự hiện hữu ? Thưa ông Descartes”. Chắc đây là sự hiện hữu của loài khỉ mà Darwin muốn cho nó bộ óc “tư duy” của loài người? Để chúng biến thành người?
   Cái gì mà đối nghịch với chủ nghĩa Kinh viện (Scholasticism)? Cái gì mà nhị-nguyên thuyết? Vật chất với tâm trí?
  Trường phái Kinh viện khiến Thần học Cơ đốc dẫm chân tại chỗ, lúng túng từ Origen mãi nhiều thế kỷ sau, đến nỗi Tertullian đã phải than phiền “Rô-ma có quan hệ gì với A-then”?
  Riêng tôi, đặc biệt tìm hiểu nhà toán học kiêm … triết gia Descartes này - nhân vật nòng cốt của phong trào Enlightenment. Phong trào này đã mãnh liệt đánh phá “thành trì giáo lý” Cơ đốc giáo. (Để mãi về sau, thế kỷ 20, Pannenberg mới “bình ổn” được. Và không lâu, Eldon Ladd mới giải thích rõ hơn về ý nghĩa của “History”).

Thảm cảnh đến với 2 mẹ con chị là tang chung của “người thiện” đối diện với “cái ác” thấm quá đậm vào “những kẻ điển hình” đó, để họ không còn “nhân tính”.
  Tôi không còn muốn đọc những dòng “ký thuật” về thảm nạn đó. Người viết những ký sự đó nên tìm việc ở các cơ quan điều tra (công an, cảnh sát) thì hơn. Thật là cách viết “tân thời”.

Chị Phùng Thăng! Không một ai hiểu chị. Chị tin Phật, thì chỉ có Phật hiểu chị, hiểu tâm sự chị. Tôi tin Chúa JC, và chỉ tin mình Ngài hiểu được từng cá nhân con người - có chị.

Cho rằng “cát bụi trở về với cát bụi” thì chị và bé gái đã trở về với cát bụi từ 44 năm trước. Người thân, sơ đều đã tiễn chị từ bao giờ, riêng tôi hôm nay, xin tiễn chị Phùng Thăng và con. Dù là lời tiễn muộn.

(Stone Mountain GA - July 11, 2022)
-------------------------------------

58. “TỰ DO” NHƯ THẾ NÀO ?
Tháng 6 - cuối hạ - mới qua, tháng 7 dù còn với sức nóng “hun đốt”, vẫn là chiếc cầu cho tháng 8 “nhập học” của các trường.
  “Kim thu diệp há nhan sắc cải - Minh thu hoàng diệp nhân hà tại?” (Thu nay lá rơi, nhan sắc đổi - Thu sau vàng lá người đi đâu?”

Đừng có ai mày mò tìm xuất xứ 2 câu Hán-Việt trên. Là tôi “lẩn thẩn” mượn ý 2 câu của Lưu Hi Di, nhà Đường, Trung Hoa “Kim niên hoa lạc nhan sắc cải - Minh niên hoa khai phục thùy tại” (Bạch Đầu Ông vịnh - Năm nay hoa rơi nhan sắc đổi - Năm sau hoa nở thì người đâu?)

Trở lại với đề tài “Tự Do Như Thế Nào?” - Đoạn vào đề trên không phải tả cảnh thu (sắp đến). Không ăn nhập gì với Đường thi. Không khóc lóc, sầu thảm với “mỹ nhân” phai sắc. Tôi muốn từ tháng 7 này, nói về 2 biến cố lịch sử thế giới liên quan 2 nước Mỹ và Pháp.
  Hai nước này có được “quyền Tự Do”, Mỹ (chống Anh), và Pháp (cách mạng dân chủ chống quân chủ). Có những phức tạp về cái gọi là “quyền tự do của con người” nói chung (cá nhân, đoàn thể, đất nước) - Còn tùy thời điểm, tùy đối tượng.

Tháng 7 bắt đầu. Tuần trước, vào chúa nhật, tôi có dịp nói chuyện với các tín hữu tại Hội thánh “Nguồn Sáng” (Luxomni, Lilburn, GA). Tôi đặt câu hỏi : “Các bạn có biết, tháng 7 có gì đặc biệt?”. Không ai trả lời. Tôi nói “Lịch sử thế giới có 2 kỷ niệm : 4/7/1776 của Mỹ và 14/7/1789 của Pháp”. Là Độc Lập và Tự Do, hai danh từ + khái niệm này thường đi đôi với nhau.

Là buổi thờ phượng hằng tuần vào ngày chúa nhật - là sinh hoạt tôn giáo - dĩ nhiên tôi không bàn về chính trị. Nhưng 2 thứ này, (tôn giáo và chính trị) vẫn thường liên quan nhau, hỗ tương nhau. Và tôi chủ ý hướng đề mục viết về mặt tôn giáo, thì đồng thời suy xét sâu hơn, về xã hội cũng có những điểm tương đồng.

Tôi vắn tắt nói về sự tự do mà con người đầu tiên theo Kinh thánh Cơ đốc có được từ Đức Chúa Trời. Thượng Đế ban cho con người quyền tự do - nhưng hữu hạn (có hạn chế). Và nhiều người vượt khỏi sự tự do “giới hạn” đó, mà tìm sự tự do theo ý muốn của mình : “giết người, cướp của, xa lánh Chúa, v.v…”. Bởi thế giáo lý Cơ đốc mới có 10 điều răn - có giáo lý “thưởng, phạt”.

Hạ hồi phân giải. Tôi sẽ đi sâu hơn về ý tưởng trên, vào các phần sau. Là những ý tưởng liên quan tôn giáo.

(( Hiện nay, tôi đang có 2 suy nghĩ phải xúc tiến :
   (1) Gom góp các bài mình viết, xem lại [và edit nếu cần], rồi dùng Google Docs mà viết thành tập. Tôi đã làm xong Tập 1 với 24 bài, và Tập 2 với 32 bài. Đang bắt đầu cho Tập 3. Hai Tập đầu có chiều dài là 170 trang khổ 8.5 in X 11 in (216mmX279mm). Các Tập đều lấy tiêu đề : FB CỦA TÔI VÀ NHỮNG MẨU CHUYỆN NGẮN (Tập 1,2,3 …).
  (2) Nội dung những bài viết “nên” có dung hòa với tính cách “tôn giáo”. Dĩ nhiên sẽ có ít người đọc. Nhưng vì đây là mục đích sắp tới của tôi, nên “buộc” lòng phải thực hiện. Hơn nữa, tôi sẽ - chỉ viết vào FB cá nhân - nhằm giữ làm tư liệu.
  Dù vậy vẫn ao ước có độc giả, nên tôi để “Public”, để có thể có người muốn đọc để tìm hiểu ))

Khả năng tôi có hạn, tôi không phải là nhà kinh tế, không phải là nhà tư tưởng, lại càng không phải là 1 chính trị gia.
  Với sự tiến bộ vượt bực của khoa học, giáo dục, v.v… nay lại xuất hiện quá nhiều “chính trị gia phòng trà”. Nghĩa của “phòng trà” khác ý nghĩa có từ những thế kỷ 17, 18 của Pháp. Nay đã khuếch trương từ “trong nhà” ra “ngoài đường”, “ngoài quán”, “trên xe”. Hết là “trà”, mà là “rượu”!

Vậy thì khi tôi đặt vấn đề “Tự Do Như Thế Nào?” thì đã “ám thị” khỏi tốn thì giờ với định nghĩa “Tự Do là gì?”. Tôi cũng loại trừ mình khỏi “tập hợp” những “chính trị gia phòng trà” trên.
  Tôi cũng không dựa trên nền tảng những kiến thức đem đến bởi các nhà xã hội học, chính trị gia, tư tưởng gia, v.v… Tự do có từ bao giờ? Thì tôi cũng có giải thích chút ít, dựa trên nền thần học Cơ đốc.

Trong Thánh kinh Cơ đốc, con người khi được Chúa tạo nên, đã được ban cho sự tự do rộng rãi (Sáng Thế Ký 1 : 28). Rộng rãi nhưng không “vô hạn”. Chỉ mỗi Thượng Đế mới có sự “Tự Do Vô Hạn”.

Con người suốt từ nguyên thủy đến nay, được mọi thứ tự do. Tự do mưu sinh (giết thú, trồng cây lương thực, hoa quả …), tự do đi lại (đến bất kỳ địa điểm nào trên quả đất - kể cả buồn tình mà đâm đầu xuống biển, xuống sông tìm “hà bá”). Nhưng tự do phải được hạn chế. Vượt qua hạn chế sẽ là “vi phạm”. Luật pháp được đặt ra để giải quyết việc này. Pháp luật trong nước thì có “tư pháp”, liên-quốc-gia thì có “công pháp”, …

Trở lại với ý định ban đầu, khi muốn nói về sự (quyền) tự do mà con người có được lúc nguyên thủy. Khi A-Đam và E-Và được phép ăn tất cả mọi thứ trái cây trong vườn Ê-Đen - trừ trái của “cây biết điều thiện, điều ác” - đã mặc định sự “sa ngã” của loài người.

(( Bắt đầu từ 11 năm trước, tôi soạn các giáo lý cho bộ “Thần học hệ thống” Cơ đốc giáo. “Giáo lý Tội Lỗi” tốn không ít thời gian với 75 trang chiều dài. Giáo lý chính yếu cho nền Thần học Cơ đốc có khoảng 60 giáo lý. Có giáo lý như “Sự Tạo Dựng Người” phải mất 116 trang - Giáo lý “Về Thân Vị Đấng Christ” mất 137 trang - Giáo lý “Ba Ngôi Đức Chúa Trời” phải tốn 121 trang - Giáo lý “Sáng Thế” mất 83 trang - Giáo lý “Sự Quan Phòng của ĐCT mất 105 trang - Mỗi giáo lý còn lại không dưới 50 trang ))

Bài viết này nói về “TỰ DO”. Khi loài người ban đầu chỉ có 2 người, là cặp vợ chồng A-Đam và E-Và thì hẳn không tìm ra “những loại tội lỗi như hiện nay”.
  Đơn thuần, “Tội” chỉ là sự vượt khỏi mức qui định của tự do (hữu hạn).

Tôi giới thiệu độc giả nào muốn hiểu sâu về sự tự do con người + sự sa ngã của loài người (khiến con người mắc tội - theo khuôn khổ Thần học Cơ đốc - xin đọc “Paul Tillich, Systematic Theology, vol.2, pp.29-47 ; vol.1, pp.186-208 [chapter II, Being and God]“). Dĩ nhiên còn hằng chục thần học gia nổi tiếng với các bộ Thần-học hệ-thống của họ (như Louis Berkhof, A.H. Strong, Pannenberg, M.J. Erickson, G.T. Shedd, …)

(( Phần tiếp theo là Paul Tillich áp dụng thuyết hiện sinh (existentialism) để giải thích sự Sa Ngã của loài người. Đó là Nguyên tội. Độc giả nào tò mò thì cứ việc đọc tiếp. Nếu không, bài viết tạm dừng nơi đây )).

Tillich nói về 2 trạng thái của con người : “yếu tính” (essence) và “hiện sinh” (existence - còn được gọi : sinh tồn, hiện hữu …). Ông viết :

“Bản chất yếu tính của con người hiện diện trong tất cả giai đoạn của sự phát triển con người, dù rằng trong sự “méo mó” thuộc hiện sinh. Trong huyền thoại và giáo điều, bản chất yếu tính của con người phản ánh trong quá khứ như là một “lịch sử trước lịch sử” được biểu hiện như là thời hoàng kim hay thiên đàng. Trong từ ngữ tâm lý học, người ta có thể giải thích tình trạng đó như là trạng thái của “sự vô-tội mơ tưởng” (dreaming innocence) - Xem ở trên, ST, vol.2, p.33 -

Giải thích lý do chuyển tiếp từ yếu tính sang hiện sinh, Tillich nói : “Việc Đức Chúa Trời cấm đoán, mặc định một sự tách rời giữa Đấng Tạo hóa và tạo vật (gọi là “sự ly khai”). Một sự tách rời khiến một chỉ thị là cần thiết, dù nếu chỉ thị được cho để thử nghiệm sự vâng phục của tạo vật.
  Sự phân cách (ly khai) này là điểm quan trọng nhất trong việc giải thích về sự “Sa Ngã”. Vì nó mặc định một “Tội Lỗi” - chưa là tội lỗi, nhưng cũng đã khiến “không còn vô tội” (p.35) - Đó là sự “khao khát phạm tội” (p.35). Tillich gọi trạng thái khao khát đó là “sự tự do trổi dậy”.
  Trong trạng thái “vô tội mơ tưởng” (nghĩa là đang còn trong “yếu tính”), sự tự do và định mệnh hài hòa với nhau, nhưng không cái nào được “hiện thực hóa” (nghĩa là chuyển sang “hiện sinh”). Sự thống nhất của chúng là yếu tính hay tiềm năng, nó hữu hạn và vì vậy mở lối cho sự căng thẳng và chia cách, giống như sự vô tội không được thách thức. Sự căng thẳng xảy ra trong lúc mà sự tự do hữu hạn trở nên ý thức về chính mình và hướng đến thành hiện thực (chuyển sang hiện-sinh - 1 ví dụ : khi bị cấm ăn “trái cấm”, thì E-Và có chút thắc mắc, tại sao Đức Chúa Trời lại cấm - điều này “mở lối cho sự căng thẳng và ly khai” - Chỉ “ý tưởng” muốn ăn thử, đã là sự “vượt khỏi giới hạn của sự tự do mình có”, và “tự do với định mệnh hết hài hòa nhau” - Yếu tính đã chuyển sang hiện-sinh).
  Đây là điều được gọi “thời điểm sự tự do trổi dậy”. Nhưng đồng thời một phản ứng bắt đầu, đến từ sự kết hợp yếu tính của sự tự do và định mệnh - sự “vô tội mơ tưởng” muốn tự duy trì. Phản ứng này được biểu hiện trong câu chuyện trong Kinh thánh Cơ đốc như là sự cấm đoán của Đức Chúa Trời, chống lại việc hiện-thực-hóa sự tự do “tiềm năng” của 1 người và chống lại sự thủ đắc “hiểu biết và quyền lực”. Con người đứng giữa “khao khát” của sự tự do hữu hạn của mình, “con người chọn lấy sự hiện-thực-hóa [hiện sinh].”

Cùng sự phân tích này, có thể được làm từ bên trong - rõ hơn - từ ý thức “lo lắng” về sự tự do hữu hạn của con người …Sự lo lắng này là trạng thái của sự “cám dỗ”, và con người quyết định “tự-hiện-thực-hóa”, vậy, sự “vô-tội-mơ-tưởng” chấm dứt [yếu tính nhượng bộ hiện sinh] (pp.35, 36).

(Stone Mountain GA - July 1, 2022, edited on July 14, 2022)
------------------------------------------
 
59. (18 B) NGÀN NĂM MÂY TRẮNG BÂY GIỜ CÒN BAY (2)
Tập 1 đã có viết bài này (Bài số 18). Bài 18 với tiêu đề NNMTBGCB viết vào tháng 11/2021 khi bạn cùng lớp - nữ sinh Nguyễn Thị Nga My - qua đời tại Nam Ca-li vào Nov. 4, 2021. Hôm qua (July 14, 2022) tôi đọc lại, edit một ít, và đổi thành bài số 59 (hay 18 B), với tiêu đề “NGÀN NĂM M Y TRẮNG B Y GIỜ CÒN BAY 2”.

(( Gần 1 năm qua …))
Tin buồn đến cho Group “Nữ Trung Học Quảng Ngãi” khi LTTHQN loan-báo rằng Cô Nguyễn Thị Nga My, cựu giáo sư trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi đã mệnh chung vào thượng tuần tháng 11/2021. Dĩ nhiên đó cũng là tin buồn cho thân-nhân của bà. Và cũng là tin buồn đến cho riêng tôi, một bạn học cũ cùng lớp của bà vào 62 năm trước. Bà mất vào tuổi 80.

Đó là cô nữ sinh 18 tuổi ít nói, hiền-hòa, và đẹp. Lớp Đệ Nhất C2 Quốc Học Huế niên-khóa 1959-1960 có trên 10 nữ sinh. Bàn đầu của dãy sát cửa vào lớp, thì Nga My ngồi giữa. Người đầu tiên là chị Kim Cúc (khoảng 25 tuổi - đã có chồng, con). Tường Nhi ngồi bên phải Nga My. Bàn đầu của dãy trái bên kia (từ bục giảng nhìn xuống), có Kim Hải (KH - hiện ở Nam Ca-li - nếu bạn đọc bài này, biết rằng tôi không nói sai).
  Hai bàn tiếp theo của 2 dãy đều là nữ. Bọn nam sinh chúng tôi chia nhau ngồi phía sau 4 bàn nữ đó. Tôi ngồi ngay sau cô Thanh (và Thanh cũng ngồi ngay sau Nga My). Cả lớp chừng 26 học sinh.
Đa số các cô đều xinh, và độ tuổi khoảng 18. “Các nàng” đều quyến-rũ. Nam sinh cùng lớp không phải “thánh”, nên “da-diết + cuồng điên” run after. (Mong các nam sinh cùng lớp đừng cho tôi bêu “tốt” - tôi có quan-niệm rằng “chạy theo” người đẹp là khuynh-hướng đàn ông, là điều tốt - thì trừ Tô Phạm Liệu đã mất vào 1997, còn các bạn khác : Phan Tường Tứ, Nguyễn Công Hào, Đặng Trần Chuyên, Đoàn Duy Hinh, Trương Thúc Cổn … thế nào? Ai còn ai mất?.

Cuốn hồi-ức “CHUYỂN BẾN” của tôi in tại VN (3/2020) trang 5 có viết : “Không dám chọc giận Kim Hải, vì cô này hở tí là nước mắt đầm-đìa. Nga My chắc cùng tuổi tôi - (bây giờ mới biết, cô còn nhỏ hơn tôi 1 tuổi)…, cô nghiêm-trang, da bánh mật, đẹp gái. Tôi âm-thầm mến, và tôn-trọng, thường lịch-sự chào hỏi, không dám quấy rầy”.

Dĩ nhiên tôi cũng không phải “thánh”, nhưng tôi đang có bạn gái, nên không dám “liếc ngang ngó dọc”, ngại ai phá bỉnh mà “nói oan” tôi đến tai “cô bé 16 tuổi” đang ở Phủ Cam, “thì thật không đáng”. Nhưng lòng tôi vẫn có ấn-tượng sâu-đậm về Nga My.

Tuổi già thường sống với quá-khứ. Oct. 20, 2021, tôi có viết vào trang FB cá nhân về kỷ-niệm cũ, chuyện của lớp học niên-khóa 1959-1960 nói trên. Quốc Học Huế có thông-lệ họp mặt qua đêm của mỗi lớp, vào 1 ngày cuối tuần cuối tháng 10 hay đầu 11 hàng năm. Tôi không nhớ rõ là dịp nào, nên tạm cho là dịp lễ Toussaint (là lễ của công-giáo, nhưng bấy giờ thời Đệ I VNCH, lại cho phép các trường công và tư nghỉ học mấy ngày). Bài viết có tiêu đề “Toussaint 1959”.

Trong bài viết có đoạn nói : ““Niên-khóa 1959-1960, tôi vẫn làm trưởng lớp (nghĩa là, tôi đã làm trưởng lớp năm ngoái, lớp Đệ Nhị C2, và rằng, tôi đã liên-tiếp có kết quả cuối năm học “ưu hạng” từ 2 lớp Đệ Tam C2 [1957-1958], Đệ Nhị C2 [1958-1959]) xét từ kết quả của năm trước””.

“”Và sau khi trường khuyến-khích mỗi lớp họp mặt qua đêm nhân lễ Toussaint, tôi kêu gọi các bạn cùng lớp thảo-luận … Ngày trường ấn-định là Thứ Bảy, 31/10/1959. Chúng tôi sau buổi học sáng Thứ Bảy, về nhà chuẩn-bị đồ ăn, bánh, trái, những thứ linh-tinh khác. Được lưu-ý về văn-nghệ, kể chuyện, ca hát, nhạc-khí, v.v… Hẹn có mặt tại lớp vào 6g chiều …””

Đêm họp mặt kỷ-niệm đó có trên 12 nam và nữ sinh. Nữ có cô Thanh, Nga My, Kim Hải, Tường Nhi, và 2 cô khác (xin lỗi 2 bạn - 62 năm mài mòn trí nhớ tôi, việc “không nhớ tên” mong tha thứ!).

Về nam-sinh thì đủ 7 tên như đã nói trên (đều là bạn thân nhất) - trong số này, đương nhiên có tôi. (Lưu ý 1 điều rằng, tôi viết tên các bạn theo thứ-tự độ cao - Tứ + Hào cao nhất [khoảng 1.8 mét], tiếp, Chuyên + Hinh + Cổn có chiều cao [ >1.7 mét], Liệu thấp hơn - và cuối cùng là tôi [chỉ 1.64 mét]. Các bạn “thương” tôi “thấp nhất” nên đều nghe lời tôi sắp xếp - hơn nữa, tôi là Trưởng lớp.

Lương-thực, thực-phẩm, trà, cà-phê, bánh ngọt, chè các loại, v.v… từ mỗi người đem đến, được giao cho ban “ẩm thực”, đứng đầu là Nga My. “Bọn trai tráng” lo sắp xếp bàn ghế, và phần tôi làm chân “chạy vặt” khi “các nàng” sai ra khỏi lớp, đến “préau” có vòi nước mà lấy nước, v.v…Các thủ tục lấy gạch, đá làm bếp + củi, lửa thì giao cho Liệu (vốn là Hướng-đạo-viên) thực hiện, và giao cho các cô nấu nướng.

Trong bài viết này, tôi có nói đến số-phận của “những” 13 học sinh tham-gia buổi họp mặt (xin xác nhận lại : 6 nữ sinh + 7 nam sinh). Tôi thì còn sống - là điều hiển nhiên. Liệu mất vào 1997. Các bạn nam sinh khác … nếu không lên tiếng, thì tôi coi như “thuộc về dĩ vãng”. Tôi có nhắc đến 2 nhân-vật - vốn đã in sâu trong tâm-tư tôi - là Nga My và Kim Hải. Thì, mấy năm trước, tình cờ thấy trên online cuộc sinh-hoạt của Cựu Học sinh QH&ĐK tại Nam Ca-li, có sự hiện-diện của 2 bạn cũ này. Tôi viết : “Lòng nôn nao. Mừng 2 bạn vẫn khỏe-mạnh, vui-vẻ với tuổi gần 80. Kim Hải “hay khóc” xưa, nay có còn “nhòe nước mắt”? Nga My nghiêm-túc có còn giữ dáng-dấp hôm nào?”

Nov. 13, 2021 từ Group “Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi” báo TIN BUỒN : Cô Nguyễn Thị Nga My vừa qua đời”. Đó là bài viết từ FB của cô Mỹ Anh, và phần chót, cô viết : “Hôm nay được tin cô Nga My qua đời, kỷ-niệm xưa hiện ra. Không còn khóc nữa, nhưng rất bồi-hồi thương nhớ…” Và 1 tấm hình chụp gần 60 năm trước được post lên.

Đọc tin này, tôi vội gọi phone cho 1 bạn học cũ hiện ở Nam Ca-li. Yêu cầu xác nhận, vì người này cũng quen thân với Nga My. Thì 1 người cháu của Nga My tên TH, Admin. Của Group LTTHQN cũng đã xác-nhận về sự ra đi của dì mình. Nga My mất vào Nov. 4, 2021.

Là bạn học cũ cùng lớp với Nga My, không thân, ngay cả lúc có dịp gặp nhau vào 1963, khi tôi đôi ngày ghé Quảng Ngãi. Bạn cùng lớp Đệ Tam C2 Quốc Học Huế là Phạm Hữu Trúc - cũng khá thân - đang dạy Anh văn lớp Đệ Nhị Trần Quốc Tuấn, báo tôi biết Nga My đang có mặt tại đây.
  Trúc biết tôi để ý VL (bài viết “Màu áo xưa thu vàng” nói về cô này), và VL cũng là bạn rất thân với 2 chị em Nga My và Kiều My. Trúc rủ tôi đến thăm Nga My. Tôi đã từ chối. Không hiểu sao. Không thân nhưng cứ vướng mắc. Tôi vẫn thường nghe ngóng tin tức các bạn cũ (đương nhiên có Nga My và Kim Hải).

Đời người vô thường! Vui đó rồi buồn đó. Vừa vui vì mới 2 hay 3 năm trước thấy có sự xuất-hiện của Nga My trong cuộc hội ngộ QH&ĐK tại Nam Ca-li. Rồi tháng trước, buồn khi biết VL đã qua đời tại Nam Ca-li (2019). Tôi biết Nga My và VL rất thân nhau. Định tìm cách hỏi Nga My về chuyện VL, cùng hỏi thêm tình hình của riêng Nga My. Thì bàng-hoàng với tin báo ngay đầu bài viết này.

Tôi đã mượn 1 câu dịch của Tản Đà từ bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu, nhà Đường, Trung Hoa. Người ta mô tả 1 cánh hạc vàng bay xa. Thì nay, tới tấp những cánh hạc vàng biến mất. Hết VL, thì nay NM. Nhưng tôi cả quyết, tôi không mất dấu bất cứ cánh hạc vàng nào : “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay”.

Tôi cũng mượn 4 câu thơ “Màu Thời Gian” của Đoàn Phú Tứ :
  “Màu thời gian không thanh - Màu thời gian tím ngát - Hương thời gian không nồng - Hương thời gian thanh thanh”.
  Tôi cho rằng “thanh thanh” không chịu “quản thúc” bởi định-luật thiên-nhiên, là sự đào-thải như những màu sắc, hay mùi hương. “Thanh thanh” gây trong tôi 1 sự “bất biến” của 1 ý-tưởng được nâng cao thành 1 sự-kiện tâm linh - nếu là tôi, thì tôi gán cho từ-ngữ này “tính thánh-khiết”. Dù Đoàn Phú Tứ có “giận” tôi, tôi xin cam chịu. Chắc nhà thơ không biết “thuyết hiện sinh”. Tôi đang mượn “tính chủ thể” (subjectivity) dành cho độc giả.
  Thì dù từ nghìn xưa, “tóc mây một món chiếc dao vàng” của Dương Quý Phi, cho đến thiếu nữ được nói đến trong tác phẩm của Đoàn Phú Tứ, hay là 2 năm trước, chuyện ra đi của VL, và mới nhất, Nga My lặng lẽ vĩnh biệt, thì “hương thời gian thanh thanh” của những người đàn bà này là “muôn thuở”.

Đặc biệt với Nga My, tôi viết riêng 1 bài “Vòng Tròn Sẽ Nối, Vết Đau Sẽ Lành”. Đây là vòng tròn vô hình, không theo toán học. Vòng tròn này tôi muốn nói đến 1 sự liên-hệ giữa người này với người khác.

Tôi là bạn cũ cùng lớp với Nga My từ 62 năm trước. Tôi quý-mến và trân-trọng Nga My. Tôi vốn xem sự liên-hệ này như 1 vòng tròn. Những “đứt quãng” của 62 năm qua dưới nhiều dạng, khiến tôi chưa hề nói thêm 1 lời nói, chưa hề viết cho cô 1 dòng chữ, và không hề gặp lại cô, thì nay trong 1 cảm-nhận khiến “một sự nối lại vô hình” đem vòng tròn hoàn-thiện. Sự nối lại là 1 chiều, vì Nga My đã theo lửa mà về với hư-vô.

Và cũng vì về với hư-vô, Nga My đã quẳng xa mọi thứ về đằng sau, kể cả mọi vết thương lòng. Tôi có thói quen cảm-nhận những buồn vui của tha-nhân. Tôi cũng thấy mình đau vì vết đau của người khác, huống gì của Nga My. Và cùng sự rũ bỏ mọi thứ từ nay của Nga My, trong tôi tựa hồ vết đau vô hình cũng biến mất!
(( Thời-gian qua nhanh! Thế mà Nga My đã vắng bóng gần 1 năm qua. Thì như tôi đã nói : “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay”, và đặc-tính “thanh thanh” của hương thời gian thì muôn thuở! ))(Stone Mountain GA - Nov.22, 2021, edited on July 14, 2022)
------------------------------------

60. VẪY TAY TIỄN NHAU LẦN CUỐI
Là cái chào vĩnh-biệt. Mình chào họ, và họ chào mình. Thường thì người ở lại, hay “chủ-động” chào tiễn người “ra đi”. “Ra đi” được dùng cho người vĩnh-biệt dương-thế. Hiếm khi người “ra đi” chủ-động. Suốt đời tôi chỉ 1 lần duy nhất được người “ra đi” nắm tay “an-ủi”.

Đúng 67 năm trước, bà nội già, 85 tuổi, biết “ngày mai” bà sẽ vĩnh-viễn ra đi. Con, cháu đều bận-rộn lo hậu-sự cho bà. Thật khuya, chỉ mình tôi bên cạnh bà. Bà vẫn mắt nhắm nghiền, hai tay bà nắm bàn tay tôi, đặt trên bụng bà. Bà vẫn tỉnh-táo, an-ủi + dặn dò tôi.

1944, bà rời Thanh Hóa mà vào Huế. Suốt 72 năm, từ lúc sinh ra đến giờ, bà - hầu như toàn bộ tuổi thơ sống cạnh 2 cụ cố ngoại tôi. Ngoại trừ 2 năm, 1883-1885, bà theo cố ngoại tôi là Đề Đốc Thanh Hóa vào Huế. Cụ được lệnh về kinh-đô chống Pháp, và khi phòng tuyến sau cùng tại cầu Đông Ba thất thủ, cụ tử-trận. Bà nội tôi bấy giờ mới 13 tuổi. Bà cưỡi ngựa, theo tàn quân đưa thi-hài cụ cố về Thanh Hóa (1885).
  Với tôi, chắc bà không “cường điệu” khi kể chuyện này. Bà học võ lúc thiếu thời. Khi còn là “tiểu thư”, bà vẫn phải học chữ Nho. Bà thuộc làu nhiều thi, từ Trung Hoa. Nhất là khi lấy chồng, thì người Thanh Hóa xưng ông, bà nội tôi là “ông bà Nghè”.

Mộ ông nội tôi cũng đã được “cô cả” (con lớn nhất) và bác ruột (thứ 4) bốc đem về Huế từ năm trước, được cải-táng trong khu mộ-địa họ Trần chúng tôi tại Châu Chữ (Hương Thủy, Thừa Thiên). Con cháu của bà khá đông, sống rãi rác khắp nơi.
  Không còn tự lo được nữa, bà phải “xa quê”, mà về sống dưới sự bảo bọc của 2 đứa con có điều kiện.

Hai năm sau, tôi gặp lại bà nội (1946). Và từ 1948 đến hôm nay (5/1955) - suốt 7 năm, bà cháu có nhau. Tôi còn chi để nói, chỉ biết khóc thôi!

Bây giờ khác trước. Xưa, đến tận nơi tiễn đưa linh-cửu người chết đến mộ phần, mới gọi là “đưa tiễn”. Nay văn-minh hơn, sớm muộn không quan-trọng - hình-thức cũng không quan-trọng (thư, thiệp đến, gửi đi) - người tham-dự tang lễ, có cũng được, mà không cũng không sao.

Mới nhất, bài viết “TIỄN MUỘN” của tôi - chỉ là tấm lòng nghĩ đến - là hình-thức duy nhất, để tiễn một người mà trước kia không hề quen biết. Muộn còn hơn không. Biết muộn, nhưng lòng mến phục thì có, nên tôi “tiễn muộn” chị Phùng Thăng và cô con gái 9 tuổi. Hai mẹ con bị “thảm sát” 44 năm trước (1978).

Rồi những bạn cùng khóa 16 VBQGĐL trong vòng 2 năm nay - đã có trên 20, tới-tấp “ra đi”. Nào Nguyễn Văn Cảnh, Thái Ồi Xiếng, .., Lê Minh Ngọc, Bùi Quyền, .. Và 1 lần duy nhất vào năm ngoái (2021), tôi đưa đến tận nơi, bạn tôi là Lê Hữu Tân. Tận nơi lại là ngọn lửa làm phương-tiện để bạn tôi bắt chước Lê Hữu Cương - là chuyện của 18 năm trước (2004).
  Những bạn khác chắc không so bì với Lê Hữu Tân, với Huỳnh Bá Vạn, với Hồ Văn Hòa? Là suốt 24 năm. Tôi ở đây (GA).

Lần này là Đinh Văn Mễ, bạn đã cùng với tôi năm 1960, thuộc Đại đội 1 Sinh Viên Sĩ Quan. Bạn cho tôi niềm hãnh-diện với tấm ảnh chụp năm 1972. Là thời-điểm đánh lớn tại Vùng 2 Chiến Thuật.
  Bức ảnh chụp Cựu Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu gắn huy chương cho 3 Trung đoàn trưởng, thuộc Sư đoàn 22 Bộ Binh.
  Cả 3 Trung đoàn trưởng đều là khóa 16 VBQGĐL : Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, Đại Tá Nguyễn Thiều, Trung Tá Đinh Văn Mễ.

Tin bạn mất vào ngày 14 tháng 7 (2022) vừa qua tại Dallas, TX do 1 niên đệ cung cấp. Bọn tôi không “bị khuấy động tâm tư” nhiều cho lắm. Ai là kẻ không đợi tàu? Bạn tôi thọ 88 tuổi. Bạn sinh năm 1934, lại khai 1940. Ai ở gần bạn, hội-đoàn nào ở gần bạn, hẳn “đưa bạn đến tận nơi”? Bọn tôi ở xa, thì chỉ trông-cậy 2 bạn : Tôn Thất Lăng (đại diện khóa 16), và Nguyễn Anh (truyền thông “quốc tế”). Hai bạn này sẽ làm những thủ-tục.
  Riêng tôi, lòng thì vẫn có, vẫn nhớ đến bạn mình. Người bạn ít nói nhất, hiền-hòa nhất, của Đại đội 1 SVSQ năm nào (1960). 62 năm qua, tôi vẫn còn hình dung những sinh hoạt của bọn mình.

Thế thì tôi cũng không cần lái xe ra ngã tư, hay đứng trên cầu (dành cho bộ hành), mà vẫy tay. Ai có hỏi, tôi hẳn sẽ trả lời : tôi “VẪY TAY TIỄN NHAU LẦN CUỐI”. Rằng tôi tiễn bạn mình, Đinh Văn Mễ. Hẹn gặp nhau. Mà giả thử, nếu lùi lại 62 năm trước, bọn mình có muốn làm lại cuộc đời - dống hay khác trước? Tôi khẳng-định : tôi vẫn duy-trì cuộc sống cũ - không ân hận, không nuối tiếc.

 
Nói vậy không hẳn vậy. Ai biết chuyện về sau ? Ai hiểu “CUỐN THEO CHIỀU GIÓ” là như thế nào?
  Tôi post bản copy tấm hình chụp Đại đội 1 SVSQ (VBQGĐL) năm 1960. Những dấu chấm đỏ trong hình là : (1) dấu đỏ gần nhất, người thứ 3 từ trái (giữa hàng đầu và hàng 2), là Đặng Phương Thành (Cựu Đại Tá, Trung đoàn trưởng Tr/đoàn 12, SĐ 7 BB - bị hành hạ chết trong lao tù CS) - (2) dấu đỏ thứ 2, người ở giữa hàng 2, là Đinh Văn Mễ (Cựu Trung Tá, Trung đoàn trưởng Tr/đoàn 47, SĐ 22 BB) - (3) dấu đỏ thứ 3, người số 1 hàng thứ tư, tính từ phải, là Nguyễn Văn Huy (Cựu Đại Tá, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kiến Tường) - (4) dấu đỏ ở trên đầu của người hàng sau cùng, tính từ phải, là Nguyễn Xuân Phúc (Cựu Trung Tá, Lữ đoàn trưởng LĐ 369 TQLC) - (5) dấu đỏ người đứng giữa hàng sau cùng, ngay cột, là Nguyễn Đằng Tống (Cựu Trung Tá, Lữ đoàn trưởng LĐ 4 TQLC - mất trong lao tù CS năm 1976, Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt).

Vĩnh biệt Mễ!
(Stone Mountain GA - July 16, 2022)
---------------------------------
 
61. MỖI NGÀY TÔI CHỌN MỘT NIỀM VUI
Nghĩa là tôi đang buồn? Và hơn thế, “ngày nào” tôi cũng buồn, nên tôi mới đi tìm “vui”? Hoặc giả, cả đời tôi “quá nhiều niềm vui” đến nỗi tôi không thể hưởng hết, và chỉ có thể “chọn lựa lấy một (1) mà thôi”?

Ngày xưa, người có chí cao, có tấm lòng rộng-rãi thì “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Không dễ kiếm.

Đem so sánh 2 “dạng” người trên, tôi :
(1) Hình như cũng thấy mỗi dạng trên có nhân vật điển hình - với suốt thời-gian tôi đã sống qua và có chút trình-độ “nhận-xét”, và không dưới 60 năm.
(2) Ao-ước, nhưng biết mình - lòng chưa đủ rộng để chỉ nghĩ đến tha-nhân. Chí chưa đủ lớn để “ôm” thiên-hạ! Và “dạng” thứ 2. Người dạng này không tìm niềm vui cho riêng mình. Niềm vui sẽ “tự nhiên” đến, khi “thiên-hạ” vui. Làm sao thiên-hạ vui?

Thiên-hạ đây thu hẹp lại là nước VN chúng ta. Suốt gần 80 năm qua, cuộc chiến tại VN, 1945-1975, “thời quá độ” (cách nói của Đảng CSVN), 1975-2022, ta thử suy-nghĩ …
  Bỏ đi thời-kỳ sau chiến-tranh xảy ra tại VN (1975-2022) - quá mới, là hiện-tại. Ai cũng thấy được, “xin rộng đường dư luận”!
  Những thảm-cảnh giết nhau của 2 tên “bù nhìn”, Bắc là làm tôi-mọi cho “cái gì” là thành-trì Xã Hội Chủ Nghĩa, với búa và lưỡi liềm, và các “đàn anh” Nga + Tàu. Nam thì với ý-chí sinh tồn, chống lại sự bành-trướng xâm-chiếm từ Bắc, mà phải bám lấy “thực dân mới” Mỹ.

Với dân-số chừng 16 triệu tại miền Nam VN trong các thập-niên 60, 70 cho đến 1975, chính-quyền VNCH thật-sự kiểm-soát khoảng 2/3. Ra đi khỏi VN dưới mọi hình-thức cho đến nay, không quá 3 triệu người Việt Hải Ngoại. Một phần trong đó, do áp-lực chính-trị trong chính-trường Mỹ, được định-cư tại Hoa-kỳ. Thế nhưng, “tình không được yên”. Sau gần nửa thế kỷ, đủ dạng người Việt ra xứ ngoài.

Vậy, suốt 1945-1975, VN đâu có thanh-bình? Cuộc chiến đã lấy đi sinh-mạng hằng triệu người. Đến nay, chính-quyền CSVN ra sức thay-đổi mặt ngoài đất nước, cố xóa đi những tàn-tích chiến-tranh. Nhưng “dân sinh, dân trí”?

Trở lại phần đầu. “Thiên-hạ” chết-chóc, nghèo đói, khốn khổ, ly tan, thì làm sao “vui”? Bậc trí-giả nói trên làm sao “vui sau cái vui của thiên-hạ”? Họ không cần-thiết phải tồn-tại! Và họ chỉ là thứ chướng-ngại mà kẻ thù + “bạn lớn” cần dẹp bỏ!

Miền Bắc chắc khó có người có tâm-tư của bậc trí-giả mà tôi đề-cập. Những vị lãnh-đạo miền Bắc hình như lấy tôn-chỉ “phải vui + hưởng” đi trước cái vui của người dân. Họ quan-niệm, mình có vui sống, có thụ-hưởng, mới yên-tâm “lo cho đại-sự”!
  (Không ngạc nhiên khi, các thập niên sau cùng cho đến nay, 2022, đa-số lãnh-đạo CSVN đã trở nên những nhà “tư bản đỏ”).

Tôi không chút nào là khía cạnh của “kẻ có tâm-sự” thuộc dạng đầu tiên đó. Tôi, có lúc đang buồn, nhưng không buồn mãi, và rằng vì nhiều lý-do (vợ, con, cháu, bạn bè, v.v…) khiến tôi không thể cứ ngồi ôm mãi “cục buồn”. Phải có sinh-khí. “Sinh khí” khác với niềm vui “ích-kỷ”. Nó là sự nhiệt-tình, sự hăng-hái - có pha lẫn chút vui sống. Không phải niềm vui “riêng tư” hay “ích-kỷ” như vừa nói qua.

Đây là nói đến sự biểu-lộ “thật-sự”, hay còn gọi là “chân tình”. Kẻ “chuyên dối-trá”, chuyên “diễn kịch” không có chỗ đứng trong bài viết này.

Khi biết người đã có lời nói (dưới hình-thức 1 bài viết, hoặc lời thơ, hay nhạc …) của dạng 1 trên, sau này được dư-luận, - ngoài số rất đông cuồng-tín đã “thần tượng hóa” - là phần khác đã đánh giá và “lên án” một thời. Thì tôi loại trừ người đó khỏi “cuộc chơi” này.

Tôi không vì lúc nào cũng buồn mà đi kiếm niềm vui - cũng không phải quá nhiều niềm vui để chỉ chọn 1 mỗi ngày. Tôi không thuộc dạng này.
  Và như đã nói ở phần đầu, tài + chí của tôi không hội đủ ở dạng 2. Cả 2 dạng đều “siêu”. Vì tôi là con người bình thường. Vui, buồn khi nào cũng có. Đương nhiên buồn khi người thân, bạn bè vĩnh-viễn ra đi. Cũng có những nỗi buồn “vô cớ” - thấy lá vàng rơi, cũng buồn - thấy mây mù giăng kín, cũng buồn. Cơn gió nóng-bức, cũng buồn, nhớ (khi nghĩ đến gió Hạ Lào năm xưa).

Và niềm vui đôi khi bất chợt - không tìm mà có. Con, cháu đến thăm, “biếu ít tiền”. Tôi và vợ tôi cũng đủ sống, không phải vì món tiền đó khiến cuộc sống vật-chất chúng tôi thoải mái - nhưng là cái “cớ gần” khiến tôi vui. Đơn giản vậy thôi! Vì chính niềm vui “đơn-giản”, đến không khó-khăn!

Tôi cũng không thích “cứ vui mãi”, mà cũng không muốn “cứ buồn hoài”. Vui luôn thì chỉ là “tiên, thánh”. Buồn mãi thì “đi quách” cho rồi! Đó là lý do tôi luôn có mặt trên FB, mỗi ngày. Có vui, buồn đủ cả!

Tôi không dám đi vào chi-tiết trên FB (quá nhiều - muốn dài, ngắn đều tha hồ “lướt qua” hay “thấm-thía”). Tha hồ! Trăm hoa đua nở là đây - trăm nhà lên tiếng là đây! (Bách hoa tề phóng - bách gia tranh minh).

Group, Trang, Cá nhân - rất nhiều! Muốn ngắm hoa, “tha hồ”! Dạng nghiên cứu hoa thì cả nam lẫn nữ đều thích. Nhất là “lan”.
  “Lan, huệ” không sầu đời, nên “lan, huệ” không bao giờ héo. Rất sợ héo, vì sẽ có người tranh chỗ mà post lên những nhánh hoa “từ dịu dàng đến sặc sở”, nhiều quyến-rũ, đủ sắc màu!
  Rồi còn du-lịch, đi “cruise”! Đúng là “trêu ngươi” : biết tôi già-cả, nghèo hèn, mà cứ post lên “tàu du lịch” đồ-sộ!
  Rồi ăn uống. Chỗ nào cũng “đầy món ăn”. Trên biển thì trong các tàu du-lịch. Bờ Đông Thái Bình Dương, thì hầu hết các Tiểu bang - nhất là những bang có đông người Việt. Bờ bên kia (phía Tây) không kém. Nhất Sài Gòn, nhì Huế…

Hóa ra, cần gì tìm niềm vui đâu xa? Cứ lên FB. Mỗi phút, giờ - cứ lướt ngón tay - là mọi “niềm vui” xuất-hiện. Tránh buồn cũng không được. Cạnh những lời chúc “Mừng Sinh Nhật”, cũng đã thấy “những lời chia buồn …” đó đây!

Câu trả lời cho : “Có cần mỗi ngày tìm một niềm vui không”? Xét không cần nhắc. Ngày xưa tôi quen nói láo, nên thích Vương Sĩ Trinh “Cô vọng ngôn chi cô thính chi”. Chừ, ân hận, vì khi muốn nói thật thì không ai tin. Là bài học cho tôi. Cũng là bài học của người “CSVN”!

Lời nói thật, là “tôi tầm thường, nên không siêu tuyệt hay đóng kịch quá hay”. Và tôi chỉ muốn cùng vui, buồn như thiên-hạ. Hãy cứ vui khi thiên-hạ vui - hãy cứ buồn khi thiên-hạ buồn. Nhưng hãy thật tình. Nếu làm không được, hãy làm thinh!

(Stone Mountain GA - July 21, 2022, edited on Sept. 8, 2022)
-------------------------------------------

62. TÌNH CÓ CÒN NỒNG ?
Thời-gian mới là thước đo. Thì “Tóc mây một món chiếc dao vàng” mà Dương Quý Phi gửi cho Đường Minh Hoàng làm sao mà đủ? Huống gì là “tình quân vương”? Và Lý Long Cơ (tên của Đường Minh Hoàng) - con người đầy thủ-đoạn. Giết con, giết cháu, rồi số-phận cũng không khá hơn, chạy về Thành-Đô (Thục) mà bị giết ở đấy!

Có say-đắm như chuyện tình Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, nhưng thời-gian chưa đủ dài, và “Chiêu Lỳ” chỉ vui với rượu, thì đó là “tình rượu”, không còn là “tình yêu xưa”.

Gặp lại Kim Trọng, tình cũ trong Kiều có còn nồng? Trao-đổi giữa Kiều và Kim Trọng ở đoạn kết, thật chỉ có “trong tiểu-thuyết”, mà trong hiện-thực, rất khó xảy ra. Còn nếu Nguyễn Du muốn đưa ra một “nhân-sinh-quan” của ông, thì lại là chuyện khác. Hơn nữa, “Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên-hạ thùy nhân khấp Tố Như?”

Những minh-họa trên là tình-yêu nam nữ. Một bài tôi viết ít tháng trước, “TÌNH”, đề-cập đến “tình yêu” nói chung (LOVE)

“Tình-yêu nói chung” này bao-gồm đủ loại tình-cảm. (1) Chỉ biết yêu lấy chính mình, là PHILAUTIA (Tiếng Hy-lạp / love of the self) - (2) Tình nhục dục, là EROS (Hy-ngữ / sexual passion) - (3) Tình gia-đình, là STORGE (Hy-ngữ / familial love) - (4) Tình bền lâu, là PRAGMA (Hy-ngữ / longstanding love - ta có thể cho là tình quê hương, đất nước, dân tộc, tình chiến hữu, huynh-đệ, v.v…)

Duy có 2 thứ tình mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây : (5) PHILIA (deep friendship). Là tình bạn, là tri âm tri kỷ … (6) AGAPÉ (love for everyone - selfless love). Là tình thánh-khiết, tình yêu tha nhân …

Tìm trên online, cơ bản có những giải-thích tương-đối nhưng không triệt-để. Đó cũng là cách giải-thích theo triết-học. Nếu tôi không lầm, thì trước kia đã từng nghe từ thời của Plato, đã xem AGAPÉ như là một thứ “platonic love”. Có người lại dịch ra tiếng Việt là “tình yêu thuần lý”. Cái gì mà “tình yêu” lại là “thuần lý” (rational)? Thật vô duyên!

Tìm-hiểu AGAPÉ, tôi phải dùng “Theological Dictionary of The New Testament, Editors : Gerhard Kittel & Gerhard Friedrich, Vol.I, pp.21-55 ; Vol.IX, pp.114-146”.
  Tôi mới biết được quá-trình hình-thành từ-ngữ trên với các ý-nghĩa khác nhau qua nhiều thiên-niên.

Tóm tắt, ý-nghĩa chính, là : thứ tình yêu AGAPÉ  từ giữa thế-kỷ 3 trước công-nguyên (BCE) trở về trước, chỉ nói lên quan-hệ 2 chiều, là giữa Thượng-Đế và con người. Khoảng sau 300 BCE, thì từ-ngữ đã được nhóm 70 Dịch-giả (Septuagint) giải-thích, cùng nói rõ mối quan hệ 2 chiều trước kia mà AGAPÉ duy-trì, nay chuyển-đổi thành 3 chiều : Thượng Đế, cá nhân, tha nhân.
  Chính vì ý-nghĩa này mà JC đã tóm-tắt 10 điều răn của Cựu-ước thành 2 điều răn lớn của Tân-ước : (1) Kính Chúa, (2) Yêu người khác (tha nhân).

Vậy thì “platonic love” do chính Plato giải-thích hay do người khác suy-diễn, vẫn là nông-cạn!

Tôi đã đi quá xa khỏi phạm-vi bài viết này. Ở đây, tôi chỉ nói chung chung về “tình yêu”, xuyên qua những minh-họa tôi muốn đưa ra, đến từ những diễn-biến xã-hội mà tôi kinh-nghiệm (thấy được, cảm nhận được) trong đời mình.
  Và chỉ với 1 câu hỏi duy nhất : TÌNH CÓ CÒN NỒNG?

Chuyện tình yêu nam nữ thì trăm, nghìn sắc-thái - không hoàn toàn dống nhau (lưu ý chữ “dống”, xác nhận bởi Từ-điển Hán-Việt của Đào Duy Anh). Ai có tâm-sự, hẳn tự hiểu. Tôi không đề-cập ở đây.

Tôi đã có những bài viết, nói qua về “tình”. Tôi cũng thường dùng câu nói của Trang Tử “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”. Chắc là cách nói đùa. Với 1 người bình thường, ta không thể từ 1 câu nói của họ, mà cho rằng mình hiểu họ, hiểu ý họ muốn nói gì. Lời nói thường “quanh co”. Ta cũng thường nghe “Nói vậy không phải vậy, mà là vậy đó”. Thật không khác chi “bẫy rập”!

  Mà với Trang Tử thì “rất không đơn-giản”. Và tôi cũng không nói thêm về tác-giả của “Nam Hoa Kinh”, ngại Nguyễn Duy Cần (tác-giả cuốn “Trang Tử Tinh Hoa”) kiện tôi tranh nghề!

Một bài viết trước đây “MỘT HỘI NGỘ”, tôi lược thuật cuộc gặp nhau hằng năm của Hội Cựu SVSQĐL tại GA. Tôi có câu nửa đùa nửa thật, rằng “tình tự Võ Bị đã LẠT nhiều”. Nếu ta ví cuộc tình như ánh trăng, thì trăng có lúc tròn, khuyết, tỏ, mờ. Thì tình đời có lần buồn, vui, tan, hợp. Là lẽ tất nhiên!

Không thể gượng ép. Mười mấy gia-đình chúng tôi từ NY xuôi nam. Sớm thì có những gia-đình đến GA vào 1996. Trễ hơn, gia-đình chúng tôi đến Atlanta vào cuối 1998.

  Để kỷ-niệm những tháng ngày bên nhau tại Rochester, NY - lo làm việc mưu sinh, cùng ở gần nhau, cùng vào hội “Cựu Tù Nhân Chính Trị”, cùng góp mặt phục-hồi “Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại” tại địa-phương, cùng tổ-chức họp mặt hằng tuần, v.v… - chúng tôi cũng theo thông-lệ đó, mà mỗi tuần đều gặp nhau. Hết Conyers, Duluth, đến Lawrenceville, v.v… cùng tổ-chức ăn uống, ca hát, nhắc chuyện xưa …

Chừng hơn 5 năm sau, con cái tương đối trưởng thành hơn - chúng thích sinh-hoạt riêng. Chúng không quen lối sinh-hoạt của người lớn. Thế là “nhóm chúng tôi” dần “rã ngũ”. 10 năm trở lại đây, hết còn gặp nhau. Thế là “duyên bao năm đứt đoạn”.

Có còn nồng? Hoa đã rụng tàn, thì ý-nghĩa gì của “thắm-thiết”? Rượu đã đổ xuống đất, thì không bằng nước lã, nói gì nồng?

Ý của 2 câu trên muốn nhắc đến một thực-tại. “Hết là duyên gặp-gỡ, mà chỉ là THÙ đấy thôi”. Đọc câu này, có người hiểu, có người không. Đó là chuyện buồn trong hằng trăm, ngàn chuyện buồn “Người Việt Hải Ngoại”.

Không biết đã bao nhiêu năm trước, khi xem video hay bài viết nói về Cựu (nay là Cố) Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu - hết đối diện lời “xỉa xói” của 1 người đàn bà … đến 1 Cựu sĩ quan (Thiếu hay Trung úy) QLVNCH “hạch sách” vị Cựu Tổng Thống kia. Mấy ngày đó, tôi không ngủ được. Thao thức mãi!

Ở Hải ngoại là vậy, còn trong nước thì “miễn bàn”. Chợt nhớ Thi sĩ Trần Tế Xương và mấy câu thơ : “Sông kia rày đã nên đồng - Bên thì ruộng lúa, bên trồng ngô khoai - Đêm nghe tiếng ếch bên tai - Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.
  “Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ”. Tang điền biến thương hải - hoàn cảnh đổi, con người đổi - TÌNH có còn không? Thì nhắc chi CÓ CÒN NỒNG?

(Stone Mountain GA - July 29, 2022 edited on Sept. 8, 2022)
----------------------------------------

63. TÌNH VẪN CHƯA YÊN
Đây chỉ luận về “tình” nói chung, là “sentiment, feeling (s)” - Có thể là “tình đời”, là “tình người”, “tình quê-hương”, “tình dân-tộc”, v.v…

Nghĩa là con người còn hơi thở thì còn chút cảm-nhận. Còn chút ưu-tư, quan-hoài. Khó - mà tôi tin là “không” - ai cho rằng lòng mình “thật yên-tĩnh”!

Hai tuần qua, tôi thử lòng mình. Vài việc mỗi ngày, mỗi tuần được thực-hiện một cách máy-móc. Trời không mưa thì ra sân tưới cây. Cắt những đóa hồng tàn, những lá hồng vàng úa (có hình kèm).

“Bà chủ nhà” bảo hôm nay đi chợ, thì trả lời “20 phút sau”. Đơn-giản, mau chóng. Bảo sửa-soạn đi thăm con, cháu. “20 phút sau”, vẫn là câu reply “muôn thuở”!

Giờ này, là 10 AM. Nghĩa là đã sau một số thủ-tục : (1) đi bộ trên máy đúng 25 phút - (2) 1 ly cà-phê sữa nóng + 1 ly trà nóng - (3) vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt v.v… (4) computer được mở (xem hình kèm theo)

Đã 23 năm đến và ổn-định tại tiểu-bang Georgia, Mỹ. Sau 8 năm vòng quanh nước Mỹ, từ cực Tây sang cực Đông, từ đầu Bắc (Rochester, NY) đến đuôi Nam (Atlanta, GA).
  Nay, GA là nơi ta chọn cho tuổi già.
  Nhưng từ 23 năm trước, với tuổi 60 - mà truyền thống Á-đông “xưa nay xuất xử thường hai lối” đã không còn được áp-dụng, nên tôi vẫn tiếp-tục “dấn thân” làm việc cho đến tuổi 70. Xin xác-nhận, tôi không liên-quan gì với André Malraux!

“TÌNH VẪN CHƯA YÊN”! Tình đời thì chỉ còn chút khuấy-động nhỏ khi nhìn vào cuộc sống + gia-đình con, cháu. Từ gần (Mỹ) đến xa (bờ kia của Thái Bình Dương).
  Suốt 10 năm từ khi nghỉ việc, lại là thời-gian “bận rộn” nhất.

Đã 7 lần về thăm VN. Cũng gần từng đó lần ra khỏi tiểu-bang GA. Và lần mới nhất, cách nay đúng 2 năm rưỡi, về thăm VN ngay cao-điểm của COVID-19. Đúng vào tuổi 80. Thế thì “yên-tĩnh” nỗi gì?

Từ 2 tuần qua, tôi muốn bắt đầu cho giai-đoạn “sau cùng” của đời mình - kể từ khi bài “TÌNH CÓ CÒN NỒNG?” được post lên.
  Nghĩa là “rửa tay gác kiếm” - nếu là hiệp-sĩ, hay “quăng bút vất nghiên” - nếu là nghiệp “văn”.

Điều tức cười là, “nghiệp lính thì súng gãy”, “mộng văn chương thì ‘ ống bình vôi ‘ đã đầy”, mà “yên sĩ phi lý thuần” bế-tắc!
  Chỉ còn là “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”! “TÌNH VẪN CHƯA YÊN” là lý-do cho bài viết này!

(Stone Mountain GA - August 13, 2022 edited on Sept. 8, 2022)

---------------------------------

64. THÁNG 9 DÒNG SÔNG (1)
Hôm nay, tháng 9 năm 2022 bắt đầu bước vào ngày 3. Độ nóng ban ngày vẫn ở mức trung-bình 85 độ F. Lẽ ra tôi muốn “tạp ghi” cho tháng 9 từ hôm qua, nhưng “thiển nghĩ” cách đây gần 80 năm, người ta đã huênh-hoang cái ngày này - thực chất chỉ là che-dấu một sự cướp-đoạt, một sự trắng-trợn lợi-dụng lòng yêu nước của đa-số thanh-niên VN bấy giờ. Lịch-sử đã đánh giá.

Tháng 9 tại Mỹ nói chung, tại Atlanta, GA nói riêng, đang nở nụ cười “bí hiểm”, thầm bảo : “Đừng nhìn + cảm cái nóng hầm-hập hiện nay mà đánh giá “sai” về ta”. “Mà chính các ngươi quá chủ-quan, đã không để ý vài dấu-hiệu - mới tựu trường tháng qua, - quyển động hạ nhật đích lôi vũ (cuốn đi sấm-sét mùa hạ)””

“”Nghĩa là mùa hè đã qua, đã qua tự lúc nào rồi. Và khi “có ai” có ý-tưởng đón “Thu”, thì “thu phong diệp há Động Đình ba”. Thu đến không hay, mà đi thì không nói lời “từ dả” (Lưu ý : “từ dả” có nghĩa, từ biệt mà đi [Đào Duy Anh/Hán-Việt Từ Điển])””

Tránh hết sức mà vẫn dính COVID-19. Từ hơn 3 tuần qua, dù hết bệnh nhưng “mũi miệng” vẫn sụt-sùi. Người già bệnh lâu, dù COVID-19 đã xuống cấp, nhẹ hơn Flu bình thường.

Tôi vẫn “sụt-sùi” - bây giờ tôi mới hiểu - là “Cảm Thu” (Không phải Thu trong “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển - Tác-giả nổi tiếng vì bài nhạc này, vội quên “nhân-vật chính” của bài hát - Cô nữ sinh Thu, thiếu-phụ tên Thu, và chắc là “góa phụ” tên Thu [không nghe gì thêm về người chồng, vốn là Sĩ quan Pháo Binh QLVNCH đã từng đóng quân tại Quảng Ngãi], và sau cùng, là lão-phụ Thu sống với kỷ-niệm, nơi gần ngôi trường mà mình từng được mến-chuộng tại Thăng Bình, Quảng Nam)

Thật tình thì lòng tôi luôn nghĩ đến “Mùa Thu”. Mới hết tháng 7, tôi đã hỏi con, cháu chừng nào trường “khai giảng”. Trước kia tại VN, tựu-trường thường vào cuối thu. Tại Mỹ, thời-tiết khác hẳn. Tháng 5 dương-lịch ở đây vẫn còn lạnh, không mang chút ý-nghĩa của “mùa hè”.

Định cho bài viết hôm nay với tiêu-đề “TẠP GHI THÁNG 9”, nhưng chỉ mới 3 ngày đầu thì không đại-diện cho cả tháng được. Nhân tiện nghe bài hát (tôi luôn mở nhạc khi đọc sách, truyện trên online, hay khi gõ phiếm computer) “Tháng 9 Dòng Sông” của Tuấn Khanh, do Vũ Khanh ca, nên dùng tên bài hát làm tiêu-đề bài viết.

Thích nhạc, thích ca hát, thì tên các nhạc-sĩ không thể không biết đến - có Tuấn Khanh. Các bài (Chiều Biên Khu, Dưới Giàn Hoa Cũ, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Nhạt Nhòa, Quán Nửa Khuya, Tháng 9 Dòng Sông, v.v…) tôi đều thuộc và tập hát nhiều lần.

Tỉ-mỉ hơn, tôi lên online. Nhạc sĩ Tuấn Khanh sinh năm 1933. Là bậc đàn anh (so về tuổi-tác) của tôi rồi.

1964, tôi còn nhớ 1 lần tại 1 bar ở Đà Nẵng, nghe qua máy thu thanh, tiếng hát của nam ca-sĩ Trần Ngọc. Chuyện bẳng đi khá lâu, mãi đến năm ngoái, khi có chuyện bàn cãi với 1 bạn, về các ca-sĩ nam của đầu thập niên 60 trở về trước. Chúng ta có : Anh Ngọc, Ngọc Long, Hùng Cường, Duy Khánh, Duy Trác, Nhật Trường. Tôi thêm tên Trần Ngọc, bạn tôi cho biết anh ta chưa hề nghe. Tôi giận quá, lên online tìm “Trần Ngọc”. Không thấy, nên give up!

Chuyện thắng thua không thành vấn-đề, mà vấn-đề là “tôi nghi-ngờ bộ nhớ của tôi”.

Tuấn Khanh cũng đã là 1 ca-sĩ. Ông trúng giải nhì (2) thi tuyển ca sĩ năm (?), lấy tên Trần Ngọc. Vậy, tôi đã không nhớ “sai”.

“Rồi tháng 9 gió sông lần đầu. Níu bờ vai nhau bước mau qua cầu”. Và thật tha-thiết với “Hỡi anh (em) dòng sông, có thương con đò. Tháng năm chờ mong, cuốn trôi theo dòng”.

Tháng 9 năm 2022 chỉ mới mấy ngày đầu. Chưa tạp ghi được nhiều chuyện. Tôi định tìm xem “những tháng 9” trong đời mình, tìm lại những điều “đáng nhớ” mà viết ra.
  Thế nhưng, điều nhớ ra lại không phải những sự-kiện của đời mình xảy ra vào những tháng 9. Tại sao ta cứ vây-hãm chính mình bởi những quy-định, những công-thức, những ràng-buộc? Sao không giải-phóng chính mình? Không thể không thay-đổi được hay sao?

Vương An Thạch, Bắc Tống, Trung Hoa, trong “Tam Bất Túc” nằm trong chính-sách “cách tân” của mình, viết : “Thiên biến bất túc úy - Tổ tông bất túc pháp - Nhân ngôn bất túc tuất” (Không cần sợ-hãi thiên-tai - Không thể mù-quáng làm theo pháp-quy của tiền nhân - Không cần băn-khoăn trước lời người [đồn-đãi]).

(Stone Mountain GA - Sept. 03, 2022 edited on Sept. 09, 2022)
----------------------------------

65. THÁNG 9 DÒNG SÔNG (2)
Có 2 việc : - (1) Edit lại bài trước, vốn đã viết “Tháng 9 Dòng Sông” thì hôm nay sửa-đổi lại là “Tháng 9 Dòng Sông (1)”
- (2) Từ việc (1) trên mà có việc (2) này. Đơn-giản vì bài “Tháng 9 dòng sông (2)” này có liên-quan chút chút với tác-giả bài nhạc mang tên “Tháng 9 dòng sông”, dù rằng chuyện chỉ xảy ra 1 phía, và có lẽ chính nhạc-sĩ tác-giả cũng không biết nội-tình.

Nhân-chứng cho “chuyện nhỏ” đó có 4 người. Một người đã vĩnh-viễn ra đi cách nay 18 năm (2004), là Lê Hữu Cương. Chuyện Cương “cưỡi lửa” mà đi thì Nam Ca-li với cộng đồng người Việt Hải-ngoại - nói riêng là nhóm “giang-hồ thứ thiệt” - thời-điểm đó, cũng khá bàn-tán xôn-xao.

Hai người khác, là Trần Ngãi và Nguyễn Văn Gioang. Ngãi còn sống, hiện ở San Jose, tuổi đã 89 (thế mà luôn khoe mình đã 90, mỗi lần nói chuyện với tôi qua phone. Y bảo, mình Á-đông phải tính theo tuổi ta). Còn Gioang, mới 84, vẫn còn sống, hiện ở Texas.

Bài trước (Tháng 9 dòng sông 1), tôi nhắc chuyện cũ (1964) tại 1 bar ở Đà Nẵng, tình cờ nghe nam ca-sĩ Trần Ngọc hát qua máy thu thanh. Chuyện mãi cách đây 4 ngày, tôi mới biết Trần Ngọc chính là nhạc-sĩ Tuấn Khanh.
Chẳng phải là “tình cờ” chút nào, là cách viết cho ra vẻ “văn nghệ” mà thôi. Bà chủ bar tên Bích Ngọc, tuổi bấy giờ khoảng 30. Lần nào bọn tôi đến bar của chị, thì - tôi không nhớ rõ - chị mở thu thanh (đúng lúc ca-sĩ Trần Ngọc trình-diễn) hoặc mở cassette (mà chị đã thâu tiếng hát của ca-sĩ này).
  Không cần bọn tôi đoán mò, chị nói thẳng quan-hệ giữa chị và Trần Ngọc…

Đó là khoảng tháng 9, năm 1964 - trước khi tôi nhận nhiệm-vụ tại Khe Sanh, Quảng Trị vào 2 tháng sau, và 4 tháng kế tiếp là cuộc hành-quân dài ngày tại vùng tam-biên Lào- Kontum-Quảng Nam.
Ngãi, Gioang, và tôi đều thuộc Lực Lượng Đặc Biệt. Ngãi đang là Trưởng Toán A/LLĐB tại Khâm Đức, Quảng Nam, và được gọi về Đà Nẵng chờ nhận nhiệm-vụ mới. Gioang là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 4 Biệt Cách Nhảy Dù (hiện đồn trú tại Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm, Quảng Nam). Đại đội do Trung Úy Nguyễn Quang Vinh (Khóa 14 VBĐL) làm Đại đội trưởng.
  Đại đội 4 này được đặt thuộc quyền sử-dụng của BCH/C1/LLĐB tại Đà Nẵng. Và Trung Úy Vinh hiếm khi rời đơn-vị. Ông là niên-trưởng của tôi. Năm 1959, ông là Đại niên trưởng - có 3 khóa, 14, 15, 16. Ông là SVSQ Cán Bộ Đại Đội Trưởng Đại đội 1 SVSQ mà tôi là Tân-khóa-sinh.
((Cuối năm 1966, khi tôi Xử Lý CHT/B20 LLĐB, dẫn đơn-vị này về Nha Trang, đã gặp ông - đang là SQ Trưởng Phòng An Ninh BTL/LLĐB. Tết Mậu Thân, ông là Tiểu đoàn phó TĐ 91 BCND, bị thương nặng [Tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Lê Như Tú tử trận]. Đầu năm 1970, tôi thay ông, trong chức-vụ CHP/B21 LLĐB tại Đà Nẵng))

Chiếc xe Jeep của đại đội 4 này được sơn ngụy-trang là xe dân-sự, mang số ẩn tế BP 746, thường được Gioang (xin phép Trung úy Vinh) dùng và chở bọn tôi “bát phố”.

Tôi lâu nay cũng thường gọi phone cho Ngãi và Gioang. Biết nhau vì cùng binh-chủng. Tôi có vất-vả đi xa hơn, như có mặt suốt dọc biên-giới Việt-Miên từ Hà Tiên đến Mộc Hóa (1967-69). Nghĩa là lội chán “vùng rừng tràm Trà Tiên”, tham-quan “7 núi” (có dịp hôn lên tảng đá lớn trước cửa động Châu Kem và Tác Chụp của núi Cô-Tô + dạo quanh đỉnh núi Cấm + bay dọc núi Dài), theo thuyền máy, xuồng bay, quanh quẩn vùng Đồng Tháp, thơ thẩn theo các con kinh - nhất là Bằng Lăng - từ Cái Cái, qua Mỹ An, tiếp giáp Mỹ Phước Tây, Bình Thạnh Thôn, v.v…

Thì cũng có lúc ghé thăm Nha Trang. Gặp lại Ngãi (1965). Lại gặp Ngãi, chiến-đấu bên nhau (Minh Long, Quảng Ngãi). Rồi, trôi nổi mà gặp nhau, chia nhau điếu thuốc lào khi cùng trong cảnh lưu-đày nghìn dặm (Trại 8 Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt, 1976-1978).
  Với Gioang, tại Gia Ray (Z 30A - 1983-1984)

Tôi chợt có suy-nghĩ : giả thử bài viết (2) này đến dưới mắt Tuấn Khanh, hoặc (a) Chị Bích Ngọc, bà chủ bar Đà Nẵng ngày ấy (1964) có thật lòng tâm-sự với bọn tôi hay không? Chị có cường-điệu mối quan-hệ giữa chị với ca sĩ Trần Ngọc không? (b) Có bao giờ nhà nhạc-sĩ 90 tuổi Tuấn Khanh lại xác-nhận “âu cũng là chuyện xưa của mình” - đã gần 60 năm qua rồi còn gì?
Và sau cùng, kết cho bài này : tôi cũng không cần gọi phone cho Ngãi hay Gioang để ướm hỏi các đương-sự … còn nhớ hay đã quên? Và tôi cũng không cần biết kết-quả rằng chuyện của chị Bích Ngọc có là thật? Tôi chỉ hoài-niệm bạn tôi, Lê Hữu Cương. Kèm theo là hình ảnh 2 đứa tôi của 60 năm trước.

(Stone Mountain GA - Sept. 7, 2022 edited on Sept. 9, 2022)
------------------------------------

66. NGƯỜI ĐI TRÀ LẠNH
… chữ Hán-Việt gọi là “Nhân Tẩu Trà Lương”.

Ngày 01-03-2020, vợ chồng tôi đến nhóm tại Hội Thánh Trưởng lão Thạnh Mỹ, Đơn Dương lúc 7:30 AM (giờ VN).
  Trưa hôm qua từ Sài Gòn đi máy bay, đáp phi-trường Liên Khàng, tôi có thì giờ lướt nhìn quanh. Phi-trường nhỏ, đơn-sơ so với những phi-trường khác. Dù vậy, cũng đã hiện-đại gấp hàng chục lần so với 1 “phi trường Liên Khàng của tháng 11/1959”, cách nay hơn 60 năm.

Mâu-thuẩn từ thực-tại lạnh-lùng so với cái cũ tồi-tàn mà ấm-áp, đến trong suy-nghĩ tôi.

Mục sư quản-nhiệm Nguyễn Ngọc Giao mời tôi chia-sẻ Lời Chúa. Đề tài “Yêu Chúa” dựa trên phân-đoạn Kinh thánh (Giăng 21 : 15-19) được trình-bày. Trưa, thông-công với hội-thánh. Hai Mục sư Giao và Thiện niềm-nở tiếp-đón chúng tôi.

Lần đầu đến với hội-thánh này đầu năm 2009. Vợ tôi và người em gái chung nhau mua đất làm nhà ở đây. Năm sau, vợ chồng tôi lại về VN, lên ở lại ngôi nhà vừa xây xong.

11 năm qua, giao-tình giữa chúng tôi và mọi con cái Chúa của hội-thánh này - dù rằng có ít người đã rời khỏi hội-thánh - vẫn ấm-cúng, thân-tình.
  Trang Tử viết “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”. Tôi không biết mình sẽ hiểu như thế nào câu nói nổi tiếng của tác-giả Nam Hoa Kinh này, nếu áp-dụng cho trường-hợp đang trình-bày trên đây.

Chúng tôi không dám vỗ ngực mà khoe mình là “quân tử”, và cũng rõ-ràng không xứng với 2 chữ “tiểu nhân”. Đọc 1 câu mà phải suy-nghĩ quanh-co, phải xét mình đoán người thì quả thật “vô tích sự”. Quên đi!

Mướn xe từ Đơn Dương đi Cam Ranh. Ở lại đây 1 ngày tại nhà con dâu. Những lần về thăm VN trước đây, có lần đi ngang qua tỉnh Khánh Hòa này - lúc thì tàu lửa, lúc thì xe thuê, lúc thì xe khách - nhưng chưa lần nào dừng lâu.

Thế thì lần này lại có dịp lui tới thăm một khung cảnh cũ, mà ở đây lần chót là đầu năm 1970, tôi từ đây đi Đà Nẵng mãi đến nay mới trở lại. Xe vốn đi từ Đơn Dương thẳng Ba Ngòi. Nhà con dâu ở khu Hòa Do trước kia. Đi về phía Bắc khoảng vài cây số, chú tài Thanh dừng trước 1 khu-vực rất xưa + cũ theo sự chỉ dẫn của cô con dâu.
  Tôi trích một đoạn từ bài viết “NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ” (Bài 14 - Tập 1) :

“”50 năm sau, tôi tần-ngần trước Đồng Ba Thìn, Cam Ranh. Là hoang-tàn, đổ-nát. Tuy nhiên còn hơn là sự thay-đổi toàn diện. Vì tôi hình như còn thấy “Sơn vi cố quốc chu tao tại - Triều đả không thành tịch mịch hồi” (Diễn ý : núi vây quanh chốn cũ - sóng biển vỗ vào bờ thành trống rồi lặng lẽ lui về). Cách biển cả cây số, tôi vẫn dường như thấy sóng triều âm thầm vỗ vào bờ tường cũ, rồi buồn-bả lui ra””

Đó là Trung Tâm Huấn Luyện / Lực Lượng Đặc Biệt / Đồng Ba Thìn, Nha Trang của những ngày thật xa lắc. Của đầu 1965 (khi tôi thụ-huấn khóa 3 LLĐB), đầu 1967 (khi tôi cùng với đơn-vị (BCH/B20/LLĐB) đồn trú tại đây 1 tháng trước khi chuyển về Đồng Tháp Mười, 1967), của bán niên sau 1969 (khi tôi là Trưởng Ban Kế Hoạch ở đây).

Từ Nha Trang lấy vé tàu lửa đi Quảng Ngãi. Là quê vợ tôi. Và hơn thế, suốt 13 năm kể từ ngày mãn khóa quân trường Đà Lạt, thì Quảng Ngãi là nơi tôi làm việc nhiều lần nhất, lâu nhất. Lần nào về VN, chúng tôi đều thăm và ở lại nhiều ngày tại đây.
  Bạn bè, người thân quen, nhất là phía vợ tôi, còn rất đông sinh sống. Đa số người quen biết tôi là những người cùng làm việc với tôi trước kia.

Đặc biệt các em. Tôi không viết tên các em, nhưng đa số các em đều vào FB, ắt biết chúng tôi muốn nói đến những ai. Các em đều là học trò của vợ tôi những năm cuối thập niên 60 và đầu 70, tại trường Tư Chánh B, Quảng Ngãi.
  Kể từ khi Dũng và các em thành-lập nhóm Cựu học-sinh Tư Chánh B, thì hằng năm tổ chức họp mặt đều có chúng tôi. Tình-cảm vẫn thắm-thiết. Cảm ơn các em.

Lần mới nhất về VN, 2020 là lần thứ 7. Lần này về đúng lúc cao điểm của COVID-19, nên vấn-đề thăm-viếng như trước không thể thực-hiện được. Chỉ còn 2 đối-tượng. Là Hội-thánh Trưởng Lão Thạnh Mỹ và các em.

Thật tình thì cũng còn những đối-tượng khác để thăm-viếng - dù trong cơn đại dịch. Nhưng tôi - khi lấy lý do đại dịch - là tự cảm thấy câu nói của Trang Tử cũng nên được xem lại, có lúc có nơi! Tôi chắc những người quen cũ đó, khi biết tôi lại xuất-hiện nơi đây, hẳn cũng có cùng suy-nghĩ như tôi.

Họ và tôi phải thẳng-thắn chấp-nhận một hiện-thực. Đó là, tôi mượn câu “Nhân tẩu trà lương” (người đi trà lạnh) làm câu kết cho bài này.

(Stone Mountain GA - August 26, 2021 edited on Sept. 9, 2022)
----------------------------------------
 
67. TRUNG TƯỚNG NGÔ QUANG TRƯỞNG
Tôi làm việc ở quận Đức Phổ từ tháng 4/1974. Hai năm qua, kể từ cuộc chiến tại miền Nam VN rõ nét khi CSVN dựng lên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) chính thức từ 1960, thì có thể vắn-tắt mà nói rằng : 1972 là năm mà CSVN bắt đầu cho giai-đoạn chót, song song với quyết-định bỏ Nam VN của Hoa-kỳ.

Chiến dịch Lam Sơn 719 (cuộc hành-quân Hạ Lào) rõ-ràng là cái thòng-lọng mà đồng minh Mỹ của VNCH đã tròng vào cổ chúng ta. Thay soái đổi tướng là chuyện phải có. Và Trung tướng Hoàng Xuân Lãm bị thay thế bởi Trung tướng Ngô Quang Trưởng sau cuộc hành quân Hạ Lào.
Dù rất bận trong cương-vị Tư Lệnh 1 đại đơn-vị trấn giữ vùng hỏa-tuyến, Tướng Trưởng vẫn thăm viếng thường xuyên các quận thuộc Vùng 1 Chiến Thuật (sau đổi là Quân Khu 1). Bấy giờ tôi đã ở Minh Long, Quảng Ngãi gần 3 năm (5/1971-4/1974).
  Cho đến nay, tôi vẫn chưa biết giới-chức nào đã “nhớ” đến tôi, và đã can-thiệp để tôi được điều-động về Đức Phổ vào 4/1974.
((Tôi loáng thoáng nghe có người nói Tướng Nhựt đề nghị việc trên. Cũng lại nghe có người cho là Đại Tá Lê Bá Khiếu, Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng Quảng Ngãi đã can-thiệp với Tướng Trưởng. Rồi lại nghe 1 đàn anh tại Đà Nẵng nói với tôi “Trung Tướng Trưởng appreciate toa đó”))

Chuyện về Tướng Trưởng thì rất nhiều. Thường thì ca-tụng. Chỉ chút phàn-nàn về việc ông để Vùng 1 - nhất là Đà Nẵng - thất thủ.

Tháng 8/1974, tôi nhận được công-điện từ Tỉnh/Tiểu Khu báo rằng trưa ngày XX, Tướng Trưởng sẽ đến quận Đức Phổ. Yêu cầu chuẩn-bị đón tiếp, thuyết-trình.

Phía sau hông trái của khuôn-viên quận-đường Đức Phổ có 1 bãi đất công tráng xi-măng, dùng làm bãi đáp trực-thăng. Dĩ nhiên để tránh những trở-ngại bất ngờ, tôi đặt những bảng giới-hạn, không cho dân chúng sinh-hoạt bên trong, nhất là phơi các loại ngũ-cốc, v.v…

Khoảng 11 AM, trực thăng đến. Tôi lái xe đón ông. Nhân-viên tháp tùng thì có 1 xe Dodge của quận chở. Chỉ mình ông trên xe tôi. Từ sân trực thăng vào quận-đường chỉ mất 5 phút.

Dọc đường ông bảo : “Tôi thấy gió cánh quạt làm bay lúa dân phơi. Anh liệu mà đền cho họ”. Tôi đáp : “Trung Tướng, Quận không có ngân-khoản đền vào những việc này. Huống gì sân làm bãi đáp đã có bảng quy-định cấm phơi. Vi phạm còn bị phạt tiền nữa”. Tướng Trưởng tiếp-tục : “Biết vậy. Cứ đền cho họ. Anh có cách mà!”.
  Ông biết rõ qua hồ-sơ của tôi. Suốt gần 4 năm trong chức-vụ hành-chánh này, tôi “không biết cách lấy tiền” từ công-quỷ, hay từ cấp dưới, hay từ dân chúng. Và cũng không hề tốn đồng nào cho cấp trên - tính cả suốt gần 16 năm lính của tôi.

Thuyết-trình tình hình tại đây, ông vừa lòng. Hầu như cả năm 1974, Đức Phổ tương-đối an-ninh so với tình hình cả nước. Khoảng nửa giờ sau, ông rời quận.

Hỏi qua về sự thất-thoát lúa, được báo cáo chỉ khoảng 10.000$VN thời giá. Tôi chịu bỏ tiền túi đền một nửa (5.000$), còn nửa kia, tôi giao cho 2 ông bạn là chủ các hàng vàng lo liệu. Cả 2 ông (Hòa và Cang) đều cười. Ông Cang nói, để mình ông thanh-toán tất cả, và yêu cầu tôi không được chi trả 1 đồng. Ngoài ra, ông Hòa còn muốn mời tôi đến nhà ông chiều nay “nhâm-nhi” chút rượu, mừng ông trúng mối!

(Stone Mountain GA - August 24, 2021 edited on Sept. 9, 2022)
------------------------------------------

68. TÀN CUỘC
Một ngày trong tháng 10/1974, tôi được báo rằng Đại Tá Lê Văn Ngọc, vị Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng mới thay Đại Tá Lê Bá Khiếu, sẽ đến thăm Quận, cùng phái-đoàn Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng do Tướng Francis cầm đầu.

Khoảng 2 PM hôm đó, đoàn xe từ Tòa Tỉnh Quảng Ngãi đến. Gần 20 người cả Mỹ + Việt. Tôi đã chuẩn-bị phòng thuyết-trình - phòng này sát với văn-phòng quận-trưởng. Đoàn xe đậu trước sân văn phòng quận, tôi đón Đại Tá Ngọc, Tướng Francis và hướng dẫn họ vào phòng thuyết-trình. Đại Tá Ngọc vắn-tắt nói nhỏ bên tai tôi, rằng Tướng Francis đều nghe và nói giỏi tiếng Việt, dặn tôi lưu-ý.

Tôi thuyết-trình bằng tiếng Việt, Đại Tá Ngọc dịch sang tiếng Anh cho Tướng Francis. Tướng Francis chỉ yêu-cầu tôi nói về kết-quả của Ủy Ban Phụng Hoàng Quận trong thời gian qua. Tôi kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban này.
  Ông cũng nhân-tiện hỏi tôi về tình-hình an-ninh của Quận hiện nay. Tôi cứ thật tình trình-bày.

Trước đó, tôi đã tìm hiểu về vị Tướng Mỹ này. Hình như ông là “con nuôi” của Cabot Lodge. Và suốt chặng đường từ Tòa Tỉnh Quảng Ngãi đến đây, phái đoàn đã ghé các quận Tư Nghĩa, Mộ Đức để vị Tổng Lãnh Sự Mỹ trực-tiếp nắm rõ tình-hình tại Quảng Ngãi. Ông mặc đồ dân-sự.

Hai hôm sau, Đại Tá Brood, Trưởng Lãnh Sự Quán Mỹ tại Quảng Ngãi đi cùng 1 thông dịch viên đến Đức Phổ và ở qua đêm tại Quận. Ông cũng mặc đồ dân-sự.

Thông dịch viên nói cho tôi biết cấp bậc của Brood. Ông mới từ Thái Lan đến Quảng Ngãi vài tháng trước để nhận nhiệm-vụ. Tôi hướng dẫn ông đi Sa Huỳnh xem-xét tình hình. Sa Huỳnh cách quận-lỵ Đức Phổ khoảng trên 20 km. Ông và thông dịch viên đi xe riêng - chiếc Land Rover, theo sau xe tôi.

Đường xá hoàn toàn an ninh. Dù vậy, tôi vẫn gửi công điện cho Thiếu tá Ba, Tiểu đoàn trưởng Địa phương quân đóng tại Sa Huỳnh, để bảo đảm an toàn khu vực trách-nhiệm.
  Đồng thời tôi cũng điện thoại cho Đại Tá Cẩm Ngọc Huân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 BB (căn cứ Mai Văn Hóa), để nhờ ông giúp báo cho Tiểu đoàn (?) thuộc Trung đoàn 5 BB cũng có mặt tại Sa Huỳnh, tăng cường việc giữ-gìn an-ninh tại đây.

Dọc đường, tôi thấy mấy nhóm RMK, vốn đã có mặt hơn tuần trước dọc quốc lộ 1 trong phạm-vi Đức Phổ. Họ suốt tuần qua đo đạc, vẽ trên mặt đường những vệt sơn trắng, thì nay, tất cả các nhóm đang thu-xếp dụng-cụ và đưa lên xe. Tuần trước, tôi có hỏi về sự hiện-diện của họ tại Đức Phổ. Họ trả lời, họ chuẩn-bị làm lại đoạn quốc lộ 1, phạm vi Đức Phổ (40 km từ Thạch Trụ đến đèo Bình Đê).

Tôi hỏi Brood việc RMK ngưng làm đường, thì ông nói mình không rõ. Nhưng người thông dịch (tôi quên tên), có gợi ý rằng, nếu chiến cuộc thay đổi, và miền Nam VN chịu 1 sự chia-cắt mới thì tôi sẽ có suy-nghĩ gì. Ví dụ, MTGPMN sẽ được chia từ Bến Hải đến Nha Trang, thì sao? Tôi cười bảo, làm sao có chuyện đó được.

Sau này, tôi biết Tướng Francis suýt chết vì tranh lấn khi di tản khỏi Đà Nẵng. Ông được cứu, và về Sài Gòn làm Tổng chỉ huy cuộc di tản Mỹ (+ Việt) từ những ngày cuối tháng 4/1975.
  Và tôi ngạc nhiên, rằng RMK là 1 hãng tư lớn Mỹ, vẫn không hay kế hoạch Mỹ bỏ VN cho đến tháng 10/1974.

Và chắc-chắn viên Lãnh sự Mỹ, Brood biết rõ việc Mỹ bỏ VN. Nếu câu chuyện người thông dịch nói với tôi về “giả thuyết” chia cắt, đã nói lên anh ta đã nghe-ngóng và ít nhiều đoán được số phận miền Nam VN, thì hậu-sự của VNCH hẳn không ít người không biết - nhất là các cấp cao của VNCH.

Tàn cuộc là điều không chối cãi. Nhưng sớm và muộn, dù chỉ trong năm 1975, chắc chắn sẽ khác nhau. Sớm thì đã xảy ra như từ 46 năm trước. Còn muộn hơn, sẽ ra sao? Có tránh được cả hàng mấy chục ngàn người tù cải tạo trên 3 năm (HO) + nửa triệu người vượt biên + vượt biển để 50% chết và mất tích? Có tránh được trên 50% gia đình ly tán, v.v…?

Ta chỉ trách “con tạo nghiệt-ngã” hay trách ai?

(Stone Mountain GA - Sept. 2, 2021 edited on Sept. 9, 2022)
-------------------------------------------

69. NGUYỄN XUÂN PHÚC, BẠN TA
Cựu Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Khóa 16 VBQGĐL, Lữ đoàn trưởng LĐ 369 TQLC. Ông đã cùng Cựu Trung Tá Đỗ Hữu Tùng, cùng khóa 16 VBQGĐL (Lữ đoàn phó LĐ trên) tử-trận tại Non Nước, Đà Nẵng ngày 29/03/1975.

Khóa 16 VBQGĐL hiện còn sống khoảng 80 người, trên tổng số gần 300, khi nhập học. Đều từ 80 tuổi trở lên. Rất tiếc, khi tôi vào xem 1 Group FB mới đây, thấy có bài viết ngắn nhắc lại Phúc cách hời-hợt. Họ đã già, viết không nỗi, hay quên Phúc rồi chăng? Mới có 46 năm từ ngày gãy súng, từ ngày Phúc, bạn ta vĩnh-viễn ra đi, tôi không tin Phúc dễ bị quên lãng.

Tôi cũng là bạn cùng quân trường, cùng khóa với Phúc. Đọc chủ-đề về Phúc, trên trang FB nêu trên, với nội-dung comment nghèo-nàn như đã nói, tôi thật buồn. Phải viết. Phúc, không đáng được người ta nhắc thêm (một cách trân-trọng) sao?

Viết bài này, tôi cũng ao-ước bạn tôi được nhắc mãi, muốn nhiều người chưa biết Phúc, thế-hệ sau chưa biết Phúc, sẽ đọc biết về 1 chiến-sĩ điển-hình của 2 nền Cộng Hòa của miền Nam VN - dù với kết-quả thảm thương sau cùng.

Tôi ao-ước nhiều người biết đến Phúc, không chỉ Phúc là bạn tôi, là cùng khóa 16 VBQGĐL với tôi, cùng ý chí + lý tưởng với tôi, là 1 chiến-sĩ gan dạ, …, mà hơn tất cả thứ đó, chính là cuộc sống liêm-khiết của Phúc, là tình chiến-hữu luôn tỏa rộng từ Phúc, là tình đồng-đội không phân cao thấp của cấp bậc, chức-vụ trong cách đối-xử của Phúc. Là tư-cách của Phúc.

Nhập học khóa 16 VBQGĐL, trong 8 tuần sơ-khởi huấn nhục, tôi và Phúc cùng là Tân khóa sinh của Đại đội 1 TKS. Bối cảnh chúng tôi đa dạng. Phúc đến từ 1 gia-đình khá giả. Bố Phúc là cụ Nguyễn Xuân Dương, Giám Đốc Nha Địa dư Đà Lạt. Phúc và các em đủ điều-kiện học cao hơn. Phúc đã có tiếng học giỏi.

Xong Tú Tài 2, Phúc lấy ngay Chứng chỉ Toán học đại cương (MG) - được xem cửa ải khó nhất cho việc hoàn-tất văn bằng “Cử nhân Giáo khoa Toán” (các chứng chỉ cho văn bằng này hình như gồm : - MG, - CDI [Calcul Differentiel et Integral], - MR [Mécanique Rationnelle], - PG hay CG [Physique Générale ou Chimie Générale]). Phúc chắc dễ dàng tiếp-tục việc học. Nhưng không, Phúc “xếp bút nghiên”, chọn binh-nghiệp.
  Hai anh em trai, Phúc và em là Nguyễn Phú Thọ đều nhập ngũ, cùng vào học khóa 16 VBQGĐL.

Học trong quân-trường VBQGVN (đổi tên vào 7/1959 từ tên cũ là Võ Bị Liên Quân Đà Lạt), môn Văn Hóa là chính với 9 tháng trong năm - và môn Quân-sự chỉ 3 tháng. Phúc rất xuất-sắc. Sau hơn 3 năm thụ-huấn, Phúc đỗ Á-khoa (Bùi Quyền là Thủ-khoa).

Võ Bị Đà Lạt đào-tạo sĩ-quan hiện-dịch. Nghĩa là suốt đời bọn tôi là “nghề lính”. Vinh cũng là lính, và nhục (mất nước) cũng là lính. Và sống cũng là lính (như bọn tôi còn sống hôm nay), và chết cũng là lính (là các chiến-hữu đã ra đi - có Phúc).

Sau 37 tháng quân-trường, chúng tôi vẫn còn nao-nức với nghề mình đã chọn. Tương lai chúng tôi là nghiệp lính + được un-đúc 1 lý-tưởng, vì vậy ai nấy đều chấp-nhận gian khổ, hiểm-nguy làm tâm-niệm cho con đường mình đang và sẽ đi.
  Quyền chọn Nhảy Dù, thì Phúc lại chọn Thủy Quân Lục Chiến.

Suốt 12 năm ra đơn-vị, Phúc từng bước đi lên bởi sức mình và đồng-đội, và bởi chính máu mình đã đổ. Huy chương đủ loại đều nghiều, nhưng Phúc chỉ nâng-niu những “Chiến Thương Bội Tinh”. Phúc từng nói rằng các huy-chương khác đều có thể “mua được” (tuy pha-trò nhưng cũng để ta có chút suy-nghĩ về 1 thực-trạng bấy giờ), nhưng chiến-thương-bội-tinh thì không ai “bán cho mình”, mà phải chính máu mình đổ ra mà mua lấy.

Với đàn em (tuổi lính), Phúc kiên-nhẫn dìu-dắt, nâng-đở (Tô Văn Cấp, khóa 19 VBQG ĐL đã có bài viết dài về Phúc vài thập niên trước). Với thuộc-cấp như HSQ, Binh sĩ, Phúc luôn hỏi thăm, chăm sóc - nhất là đời sống gia-đình họ, vật-chất cũng như tinh thần.

Biết rõ hơn về Phúc, nhất là khả-năng kinh-tế của Phúc, chắc-chắn có nhiều người (còn sống, khỏe mạnh). Tôi chờ tiếng nói của các bạn. (Các bạn, chúng ta đã không có cơ hội tiễn Phúc + Tùng khi 2 bạn chúng ta ra đi không lời từ dả vào ngày 29/03/1975, thì tiện bất cứ khi nào có thể, chúng ta hãy vinh-danh các bạn mình).

Phúc xứng-đáng được nhắc đến, và nhắc đến mãi. Rất mong. (9 bạn khóa 16 VBQGĐL họp mặt tại Quảng Trị, 1972 - Phúc ngồi hàng đầu , thứ 2 từ trái)

(Stone Mountain GA - Sept. 27, 2021 edited on Sept. 10, 2022)
------------------------------------

70. NHỮNG NGƯỜI BẠN, HỌ TIẾP-TỤC ĐI
Họ từ nhiều binh-chủng, đơn-vị khác nhau, nhưng cùng ở vùng hỏa-tuyến. Họ lại cùng xuất thân từ quân-trường VBQGVN tại Đà Lạt. Ai trong số họ cũng ít nhất 1 lần từng lên đỉnh Lâm-Viên (Langbian). Nói lên điều này chỉ để diễn-tả chung về những sĩ-quan hiện-dịch Đà Lạt. Khi chọn vào học quân-trường này, mỗi người đều ôm “giấc mộng lớn”. Họ muốn lên 1 đỉnh đồi núi cao để có thể nhìn quanh 4 phương trời.

Khi mãn khóa, vị Tân Sĩ-quan Thủ Khoa dùng cung bắn tên về 4 phương trời, cũng đã mang ý-nghĩa đó.

Năm 1972, họ gặp lại nhau. Họ họp mặt, bỏ đằng sau tiếng pháo đôi phe đang ầm-ì. Tình bạn khiến họ mỗi một cơ-hội thì cũng gắng nắm lấy để tìm gặp nhau hàn-huyên.
  Một chút rượu, chút bia, và chuyện trần ai. Họ không có vẻ long-trọng như trong :

 “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi - Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi - Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
(Lương Châu từ, kỳ 1 / Vương Hàn, Thịnh Đường, Trung Hoa)

Trần Trọng San dịch thơ : “Rượu bồ đào, chén dạ quang - Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi - Sa trường say ngủ, ai cười? - Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu”).

Suốt 13 năm sau khi mãn khóa quân trường, họ từng bước đi lên. Cấp bậc + chức-vụ sau cùng (trước 30/4/1975). Hàng 1 (trước) thứ tự từ trái :
(1) Cựu Trung Tá Nguyễn Phú Thọ, Trung đoàn phó [Trung đoàn ? , SĐ 1 BB], (2) Cựu Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Lữ đoàn trưởng [LĐ 369 TQLC], (3) Cựu Trung Tá Lê Minh Ngọc, Lữ đoàn trưởng [LĐ 4 Nhảy Dù], (4) Cựu Thiếu Tá Tôn Thất Chung, Quận trưởng kiêm Chi Khu trưởng [thuộc tỉnh Quảng Trị]. Hàng 2 (phía sau) thứ tự từ trái :
(5) Cựu Trung Tá Trần Văn Hiển, Trưởng Phòng 3 [SĐ TQLC], (6) Cựu Trung Tá Bùi Quyền, Lữ đoàn phó [LĐ 3  ND], (7) Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Cảnh, Tiểu đoàn trưởng [LĐ ?  TQLC],
 (8) Cựu Trung Tá Nguyễn Đằng Tống, Lữ đoàn trưởng [LĐ 4 TQLC], (9) Nghị viên Nguyễn Đăng Thục [Hội đồng Tỉnh Quảng Trị].

Họ chỉ lo chiến-đấu, không màng những thay-đổi chính-trị thế-giới và trong nước. Và chắc-chắn không thể lường trước được chuyện xảy ra vào 3 năm sau. Ngày ấy gặp nhau, chụp chung tấm ảnh, họ không tính được rằng gần 50 năm sau, tôi đang tần-ngần nhìn vào họ trong tấm ảnh này. Nếu họ biết được tương-lai ấy, họ sẽ nghĩ gì? Sẽ làm gì? Vì rằng ai biết được, cùng nhau vui gặp gở đó, chợt một chút sau khi xoay lưng, biết bao là biến-đổi. Ai mất ai còn?

Bức ảnh vô tình chỉ 9 người. Từ hơn 60 năm trước, khi họ cùng trường cùng khóa, nhiều người trong họ tự nhủ cũng như tâm-sự với nhau rằng, mai sau đường đời trăm lối, có được có mất, nhưng hãy ráng giữ cho nhau một mối liên-kết lâu dài.

Từ đó, những chàng trai Võ Bị Đà Lạt tiếp-tục cất bước ra đi. Họ đã đều chọn cho mình võ-nghiệp, thì các đơn-vị chiến-đấu chính là sự khát-khao, là niềm mong mà hàng trăm người bọn họ đều tình-nguyện chọn lấy.

Từng năm, chiến-cuộc mỗi sôi-động. Có lắm người rất sớm gục ngã giữa đường, bạn bè nhòa lệ lúc tiển đưa, và biến đau thương thành hận, thành sức mạnh, và quyết “TIẾP-TỤC ĐI”. Hàng hàng lớp lớp trai trẻ đó chỉ biết nhìn về phía trước.

Chừ, họ không còn sức mà tiếp-tục đi nữa! Ván cờ đã bị xóa sạch. Nửa đường “súng gãy”. Chỉ còn là “tiếc hận” khôn nguôi!

((9 người trong tấm ảnh, 1 người vẫy tay dả từ. Anh ngủ yên tại Non Nước, là Nguyễn Xuân Phúc, bạn ta. Ngày 29/3/1975. Nguyễn Đằng Tống thì sớm “vùi nông nấm mộ” tại Lào-Cai, 1976, trong “nghìn dặm lưu đày”. Mấy năm trước, 3 bạn ra đi : Nguyễn Phú Thọ, Tôn Thất Chung, Nguyễn Đăng Thục. Bùi Quyền chạy theo sau vào cuối 5/2020. Và Lê Minh Ngọc, sau khi tiển bạn, “ta tiển ta thôi” vào 2021. Nguyễn Văn Cảnh ra đi tìm các bạn đã mất, đánh dấu đầu năm 2022.
  Hôm nay đọc lại bài viết cũ - Thời-gian không chờ ai, cứ cuồn cuộn đi, mang theo nhiều thay-đổi : người và cảnh vật.
  Người trẻ nhất khóa 16 nay cũng là 80. Mới 1 năm thôi, “Cùi 16” đã rụng đi nhiều. Đã trên 20 bạn miên-viễn ra đi. Nay tấm hình chỉ còn mỗi Trần Văn Hiển. Cô đơn! Nên Hiển vừa phone cho tôi cách đây nửa giờ. Chừ là 3:31 PM (ET). Ngày 10/9/2022))

(Stone Mountain GA - August 7, 2021 edited on SEpt. 10, 2022)
------------------------------------------

71. YÊN SĨ PHI LÝ THUẦN
Viết lên 5 chữ này, tôi chắc sẽ gieo nhiều câu hỏi. Đây có phải là chữ Hán-Việt? Có ý-nghĩa gì? Dịch ra tiếng Việt, thì từng chữ có thể được hiểu với nghĩa đối-chiếu với từ-ngữ Hán-Việt. Ví dụ : yên là khói (YÊN ba giang thượng sử nhân sầu = KHÓI sóng trên sông khiến người ta buồn).
  Nhưng gộp chung 5 chữ thì đố 1 người “Hán rộng” có thể cắt nghĩa! Nghe trục-trặc thế nào ấy.

1960. Giờ Lý Đại Cương (trong chương-trình MPC, lớp Dự bị khoa-học của thập niên 60 trong chương-trình Đại Học Khoa Học VN), tôi ngồi bàn đầu (bàn ghế cá nhân cho mỗi người). Bài vở nhiều + sinh-hoạt nội-bộ liên-tục cả ngày, rồi giờ “Tự học đêm” kéo dài đến 10 giờ tối, hoặc khuya hơn + (dậy rất sớm, khoảng 6 giờ sáng), khiến tôi mỏi mệt. Buồn ngủ trong lớp là cái chắc!

Ngồi bàn đầu mà ngủ gục thì giáo-sư biết ngay. Đã hơn 2 lần xin phép ra ngoài lấy lý do vệ sinh cá nhân, tôi ráng làm mình tỉnh-táo với nước mát lạnh, tay gỏ mạnh vào đầu, rồi trở lại lớp học.

Giáo sư là Trung Tá Nguyễn Đắc Lộc, phụ-trách dạy Lý + Hóa đại-cương. Ông khá lớn tuổi. Ái ngại nhìn tôi cố chống mắt, gật gù, ông bảo tôi lui về bàn chót (trống), và cho phép tôi gục đầu trên bàn mà “ngủ”.
  Ông có 2 giờ sáng nay. Và tôi chỉ cần chợp mắt khoảng hơn 15 phút, là có thể “oai phong” ngồi thẳng, tiếp-tục nghe giảng.

Phần giáo sư giảng nửa giờ qua tính sau, vì rằng sinh viên sau giờ học, được phát tài liệu ngay. Từng tập giấy quay rô-nê-ô đã được đặt tại 1 vị-trí và sinh-viên có trách-nhiệm sẽ phát tại chỗ lúc nghỉ giải lao 10 phút sau 1 giờ học. Hơn nữa,  khi về đọc + học, và có gì không hiểu thì có bạn giúp. Nhiều bạn đã học xong năm Dự bị trước khi vào quân-trường này.

Giáo sư Lộc khi giảng, không đi 1 lèo khô-khan về khoa-học. Ông thêm-thắt ít nhiều câu chuyện. Ông cũng đã đang viết văn. Khi từ tỉnh dậy, tôi đang nghe ông nói về nguồn “cảm hứng”.
  “Cảm hứng” trong lĩnh vực văn chương, trong khoa-học, v.v… với nhiều mức độ khác nhau. Và chính ông đang đặt vấn đề về từ-ngữ Việt (dịch + dùng) cho đúng với tiếng Anh (hay Pháp) “inspiration”.
  Rồi ông nói đến chữ Hán-Việt mà người Tàu dịch, là “yên sĩ phi lý thuần”. Hóa ra chỉ là tiếng phiên-âm của người Tàu khi đọc tiếng Anh “inspiration”. Lâu ngày, nhiều người hiểu “yên sĩ phi lý thuần” có nghĩa là “cảm hứng”, chứ thực chất, gộp chung 5 chữ trên chẳng có ý-nghĩa gì cả.

Trung Tá Nguyễn Đắc Lộc, giữa thập niên 40 đã là du-học-sinh tại Pháp, là những người Việt đầu tiên có văn-bằng Cử nhân Khoa học Pháp. Ông cũng nhập ngũ rất sớm sau khi trở về nước. Trước 1954, ông đã có cấp bậc Trung Tá và nắm giữ nhiều chức-vụ quan trọng trong quân đội (Liên-hiệp Pháp). Và khi ông về Trường VBQGĐL là Chỉ Huy Phó, thì kiêm Giáo sư Lý và Hóa đại-cương.

Tôi không hiểu các bạn cùng khóa với tôi có hiếu kỳ như tôi không, mà riêng tôi, tôi đã xin ông những bài văn ông viết trên các loại báo. Ông cũng đã gom những bài viết của mình thành sách. Tôi cũng đã đọc bài viết tiếng Pháp của ông “Phê bình Thuyết Tương-đối của Einstein”. Dĩ nhiên là đọc cho vui, vì trình-độ khoa-học lúc ấy của tôi chỉ nặng hơn “lông ngỗng” chút xíu mà thôi!

Bấy giờ tôi đã có ít nhiều suy-nghĩ về ông. Về chức-vụ, cấp bậc - nói chung về quân-sự - ông trong quá khứ đã tự chứng minh khả-năng mình. Về học vấn, “miễn bàn”. Ông vẫn sống trong lặng-lẽ. Cuộc sống vẫn nghèo-túng. Bấy giờ tôi chưa nhận biết, nhưng sau này mới rõ. Ngoài giờ dạy, ông ít xuất-hiện ngoài khu Chi Lăng, nơi ông trú-ngụ. Ông chỉ có mặt tại các lớp vào giờ dạy có trong chương-trình. Ông chỉ có mặt vào sáng thứ hai mỗi tuần để làm lễ chào quốc-kỳ, nhất là khi thay mặt CHT (Trung Tá Trần Ngọc Huyến đi vắng)

10 năm sau, vào khoảng 11/1970. Tôi hay đến thăm bạn cùng khóa là Lê Hữu Cương tại khu Bàn Cờ, Sài Gòn. Chúng tôi đang học khóa V Quân Chánh.
  Thường mỗi buổi sáng, tôi đến Cương để cùng đi học. Cương rủ tôi ghé quán cà-phê “vỉa hè” cách nhà Cương khoảng 200 mét. Không tốn nhiều thì-giờ, chỉ chừng 20 phút, rồi rời quán. Học tại Trường Quân Y cũng không xa. Trường đã cho Cục Chính-huấn mượn 1 phòng họp lớn để tổ chức khóa V Quân Chánh này.

Trước mặt xe cộ tấp-nập qua lại, thì tôi và Cương đã ổn-định chỗ ngồi. Chỗ ngồi đã sắp không còn chỗ trống. Tuy vậy không có trở-ngại gì. Chỉ việc đến chồng ghế đẩu trong quán, xách ghế và tự mình chen vào bất cứ bàn nào. Không ai thắc-mắc.
  Đặc biệt sáng nay đông người mới khiến tôi để ý. Hóa ra là thứ bảy. Chúng tôi nghỉ học. Tôi và Cương có thì giờ hơn, ngồi tán láo và ngắm dòng người và xe qua lại.

Đang nhâm-nhi, chợt Cương đá chân tôi, bảo : “Trung Tá Lộc đến!”. Và tôi cũng chợt nhớ sáng nay là lần đầu ngày nghỉ, tôi cùng Cương uống cà-phê nơi đây. Mọi khi tôi và Cương, vì đi học, đến sớm hơn, và rời quán trước khi Trung Tá Lộc đến quán.

Trung Tá Lộc chậm-rãi vào quán. Người đông cách mấy, vẫn chừa ra 1 chỗ “muôn thuở” cho ông. Việc này không biết đã bắt đầu từ khi nào. Chắc hẳn đã là :

“Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ - Trầm trầm không-gian mới rung thành tơ - Vương vất heo may hoa yến mong chờ - Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ?”

Tôi nhìn ra sự cô-đơn “muôn thuở” của thầy tôi, Trung Tá Nguyễn Đắc Lộc, khi nghe tiếng hát bài “Trương Chi” (Văn Cao - do Ánh Tuyết ca).

Trong bài “NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ”, tôi chỉ dạo 1 khúc quanh ngắn. Chỉ nói mỗi nhân-vật có chút hay nhiều ảnh-hưởng đến đời sống tình cảm bạn bè,  nam nữ, v.v… trong 1 phần ngắn. Của 1 khoảng thời-gian nào đó. Nhưng nếu rộng và xa hơn, thì làm sao nói hết?
  Huống gì nếu “cô vọng ngôn chi cô thính chi” thì rất nhiều. Mình nói láo cho chính mình nghe, mãi cũng chán. Mà bắt người khác nghe “láo”, thì việc bị “ném đá” cũng có ngày xảy ra!

Nhưng chuyện tôi nói về thầy tôi là rất thật! Cương bảo tôi tính và trả trước tiền uống của Trung Tá Lộc. Lại bảo tôi mua 1 gói Bastos biếu ông. Cương đã thường làm vậy, và nói rằng, ông không bao giờ từ-chối nhã ý của thuộc-cấp cũ, nhất là học trò cũ của ông.
  Nhà Trung Tá Lộc ở trong khu Bàn Cờ, cách nhà Cương vài căn (Cương cũng hay sang thăm 2 ông bà). Ông bấy giờ đã trên 50 và đã về hưu với cấp bậc Trung Tá - cấp bậc mà ông đã có từ 1953, nghĩa là cấp Trung Tá nằm yên 16 năm cho đến khi ông về hưu năm 1969.
  Hai vợ chồng ông sống trong “thiếu thốn” - vợ ông hay đau-ốm. Không nghe Cương nói chi về con cái của 2 ông bà. Chữ “thiếu thốn” là theo nghĩa đen, và muốn cho là nghĩa bóng thì tôi nghĩ rằng Trung Tá Lộc cũng sẵn-sàng nhận.
  Nhớ về Thầy Lộc!

(Stone Mountain GA - Oct. 2, 2021 edited on Sept. 10, 2022)
--------------------------------------------

72. THỜI GIAN
Ai cũng biết giá-trị của thời-gian. Thời-gian là “bất cưỡng cầu”. Những cách nói “thời-gian tâm-lý” như “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, chỉ là miễn-cưỡng, chống-chế.
Lạnh lùng, thản-nhiên mà đi và không quay lại, thời-gian không hối-hận, không thương ai ghét ai. Dù vậy, thời-gian rất tác-động trên con người.

Vũ-trụ có 2 yếu-tố quan-trọng : thời-gian và không-gian. Yếu-tố nào prevail?

Tôi đọc một truyện tiên-hiệp. Một người có tài “di sơn hoán đảo”, có thể trong nháy mắt khiến mình cách xa địch thủ cả ngàn thước hay xa hơn tùy cấp-độ khả-năng đạt được. Cũng thế, có thể từ rất xa mà “đốt khoảng cách” tiến sát địch thủ để tranh cường.
  Chắc người này mà trốn chạy, thì e không ai có thể đuổi theo.

Một người có phép khiến thời-gian lui lại hay trôi nhanh hơn bình thường : ví dụ, biến chuyện đang xảy ra trở nên chậm lại và lui về trước mấy tiếng đồng hồ, hoặc ngay cả trở về khung-cảnh của ngày hôm qua..

Hai người có tài trên gặp nhau, đấu địch. Kẻ có phép “di sơn hoán đảo” vừa ra tài “đốt khoảng cách” tiến sat đối thủ để tấn công bất ngờ - chưa kịp “trổ tài” thì người kia đã biến “thời-gian lui lại” của 1 giờ trước đó, khi cả 2 đang còn cách nhau cả hàng trăm thước. Cứ thế, người có ưu-thế về thời-gian rút cuộc “hạ thủ” người kia.

Thời-gian quả vô cùng quan-trọng. Nhất là với chúng ta. Thật ra thời-gian rất công-bình đối với tất cả. Đối với người này, hay với người kia đều như nhau. Đều là 60 giây = 1 phút ; 60 phút = 1 giờ, … trong tốc-độ của ánh-sáng 300.000 km/giây. Nhưng tác-động của thời-gian trên mỗi người lại khác nhau, là do tâm-lý, lối sống, cách suy-nghĩ … của mỗi người. Nên mới có “thời-gian tâm lý”.

Cuộn chỉ thời-gian trong tay cô công chúa bé nhỏ, cứ kéo dài ngoằng “vô hạn” trong tuổi thơ. Lại thấy “hối hả”, “vùn vụt” như bóng câu qua khe cửa trong mắt “nữ hoàng” oai quyền, lớn tuổi.

Tuổi trẻ khí thịnh không biết đã đốt cháy mấy thập niên, cứ hớn-hở đi về trước. Chuyện năm 1945, chuyện năm 1954, rồi 1975. Đã từ nửa thế kỷ lùi về trước gần thế kỷ. Đã thành chuyện xưa lâu rồi. Người chủ-quan tiếc nuối, người khách-quan ngậm-ngùi thì cũng đành chịu. Biết rõ có sống trở lại thì cũng thế thôi, cũng không thể làm hơn được.
  Có người tự an-ủi rằng mình đã làm hết sức mình, còn kết-quả là do “thiên mệnh”.

Thành thử không trách được có những người âm-thầm và nín lặng. Bàn cờ khi tướng bị chiếu, thì “tốt” kia còn sống cứ mặc sức huênh hoang. Có thể mới thể hiện đen, trắng. Nhưng nó quên 1 điều là : tướng bị chiếu, bị trảm thủ, thì bàn cờ phải sắp lại mới. Và số-phận “tốt” cũng đã xong!

Từng lớp người lưu-vong từ nửa thế-kỷ. Họ biết “phận” mình. Chắc-chắn rất nhiều trong họ, hết còn “hối tiếc”, “oán trách”.
  “Thời gian” đã bị tôi chỉ-trích “oan”, rằng nó thản-nhiên, “vô tình”. Thì ra bây giờ tôi mới hiểu nó. Nó an-ủi chúng tôi. Nó giúp chúng tôi đúng lúc mà hiểu được “thế-gian đều là vật” cả. Ai cũng có lúc làm không theo ý mình, miễn-cưỡng hay chịu áp-lực. Ở đây không nói về đúng, sai - không bàn về “đạo-đức”. Thời-gian luôn song hành, nhưng mặc chúng ta “tự do” thao-túng.

Thời-gian trở nên “bình-thường-hóa” trong suy-nghĩ tôi. Đã không còn mau-chóng hay chậm-rãi trôi đi. Tôi đã không còn sắp-xếp thời-gian cho điều phải làm vào ngày mai. Tuần sau? Năm sau?

Trân-trọng với hiện-tại. Dĩ nhiên vẫn ấp-ủ quá khứ, nhưng không còn thương-tiếc, luyến-lưu. Mỗi ngày xem các trang FB, ngắm nhìn nhưng không buông sâu. Mọi thứ đều ngoài tầm tay. Con cháu có vui, buồn, có công việc, trách-nhiệm của chúng. Bạn bè có phần của họ. Nếu gặp-gỡ, chuyện trò thì cũng là “duyên”. Suy gẫm mới thấm-thía ý của Trang Tử “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”

Thời-gian sao? Cứ mặc nó trôi đi. Nhanh hay chậm thì còn ý-nghĩa gì khi ta không thiết-tha với?
  Cảm ơn sự nín-lặng, trầm-ổn của các bậc đàn anh đi trước. Không cần để ý đến thời-gian, nhưng phải cảm-tạ Thượng Đế đã ban cho vũ-trụ với nó, để có lúc (là thời-gian) để ta biết “mình”.

(Stone Mountain GA - Jan. 7, 2022)
-----------------------------------

73. THƯ ĐẦU THƯ CUỐI
3 ngày “ngược xuôi” cũng qua. Nghe “ngược xuôi” tưởng ghê-gớm lắm, nhưng không có gì. Quen “cường điệu” trong viết lách (khi nào rảnh sẽ phân-tích “viết” và “lách”), trong “nói năng”, nay cường-điệu luôn trong suy-nghĩ của mình.

20 miles đi, rồi về quanh co xa hơn vì tìm đường vắng để làm “dịu’ lòng. Cảm-xúc lên cao rất thích-hợp cho ý + lời trang-trải lên trang giấy (lại là thói quen viết! Là gỏ phiếm computer mà thôi). Nhưng lại quá tệ, vì bối-rối và ngỗn-ngang. Chữ hiện lên rồi xóa. Tôi nản, đành chờ đến hôm nay.

Lái xe từ chỗ tiễn bạn về điểm cuối, tôi vẫn để nhạc mở từ usb (với hơn 2500 bài nhạc) gài sẵn vào xe. Từ 5 năm trước, khi tự thực-hiện cách công-phu, là chọn bài hát, tác-giả, ca sĩ từ Youtube và đưa vào MP3 mà thâu vào computer, rồi usb.

Nhạc cứ được mở nghe khi ngồi vào tay lái suốt 5 năm nay, bất kỳ đi đâu, xa hay gần. Tôi yêu nhạc từ ấu thơ. Dĩ nhiên cũng yêu cả thơ, văn. Và nhiều thứ khác, kể cả “người”. Đây là đương nhiên, nhất là “khác phái”.

(Khoe-khoang đã thành cố hữu, xin đừng cười! Quen khoe đến mức-độ “nghiện”, khiến khi không có gì để khoe làm mình “mất ăn mất ngủ”. Suy-gẫm, tìm ra một ý-kiến sáng tạo : “khoe” giống như Vi-ta-min!)

Nhạc đang ở vần C (của ABC). Thường thì cứ để mặc usb tự-động “theo ý nó” đưa đẩy. Chỉ đôi khi thích, thì lướt ngón tay vào hàng chữ theo ý mình. Nếu thích mùa thu (như hôm nay, trời dần vào thu), thì vần T (ST) được nhấn.

Bài “Chị tôi” vang lên. Tôi thích giọng hát Thùy Dương hơn Trần Thu Hà (chỉ nói về bài này), nên thu từ Youtube. (Nói thêm, tác-giả là Trần Tiến - không nói rõ e ông giận - nghe đâu hình như ông bệnh nặng, sắp mất?)

Tháng 10/1975 tại Hóc Môn. Thư chị tôi gửi về địa-chỉ nhà tôi tại Sài Gòn, thì tôi đã ở Hóc Môn được 4 tháng. Vợ tôi viết cho tôi, kèm theo lá thư của chị tôi. Gia-đình cha mẹ tôi ở Thanh Hóa. Nay vẫn ở đó, có mẹ, chị và 1 em trai. Chị là chị cả. Anh trai kế và tôi đã lìa quê vào Huế từ cuối 1946.
  Đây là lá thư đầu tiên tôi nhận từ miền Bắc xa xôi, và nhất là từ chị tôi. Xa xôi cả về không-gian, thời-gian, lẫn tâm-tưởng.

Tôi chỉ còn những kỷ-niệm của cảm-nhận rằng chị tôi thương tôi lắm. Chị luôn bênh-vực tôi, dỗ-dành tôi, lúc ấu thơ.
  Những năm đầu của thập niên 40, tôi vẫn còn nhớ vài chi-tiết. Dịp bà nội tôi mừng thượng thọ thất tuần (70) vào 5/1942 (bây giờ đọc gia phả mới biết tháng, năm), tôi và 1 em họ (con cô ruột) - lớn hơn tôi 1 tuổi - chạy chơi đùa giỡn, tôi vô-tình rơi vào hố vôi trước sân nhà, tôi sợ hãi khóc lóc. Chị tôi bế tôi đi tắm gội và dỗ dành tôi. Chị hơn tôi 5 tuổi, bấy giờ chỉ khoảng 8 tuổi.

Những năm 1944, 1945, rồi ngay cả đầu 1946, nạn đói lan tràn các tỉnh miền Bắc. Lịch sử VN còn ghi lại cơn đói này. Chị tôi phải ở nhà giúp mẹ tôi. Bố tôi là tài xế xe hàng, khách, tuyến xe Thanh Hóa - Hà Nội. Xe nằm ụ hơn 1 năm, thất nghiệp. Anh tôi và tôi hết ở nhà dì ruột (rất giàu, cách nhà không xa lắm), rồi về quê ngoại nhờ bà ngoại, cậu, dì, xa khoảng 10 km, để bớt gánh nặng cho gia-đình. Cũng không nhờ lâu được, ít tháng cũng phải về nhà.

Anh tôi làm việc vặt trong nhà. Tôi mỗi ngày theo chị tôi đến những đám ruộng mới gặt lúa xong, để “mót lúa”. Thường con gặt luôn để sót lại trên nhóm rạ “ít nhánh ân-nghĩa”. Vẫn không dễ cho đám mót lúa, vì quá nhiều trẻ trong xóm và các nơi chung quanh cùng cảnh ngộ như chị em tôi.

“Chị tôi” trong bài hát nói lên hoàn-cảnh chung của những người chị cả ngày xưa. Tôi nghĩ rằng cho đến nay, chắc cũng vậy. Thời-đại có thay, nhưng tình người nhất định vẫn thế, nhất là tình chị em.

Chị tôi không thảm-thiết như trong bài hát. Gia-đình nghèo. Bố tôi mất sớm (1949). Giữa thập niên 50, lẽ ra anh tôi và tôi đã có thể giúp mẹ và 2 em, thì chúng tôi đã lìa xa gia-đình. Chị tôi lập gia-đình sớm. Rồi từ Đông Sơn, theo phía chồng mà về Triệu Sơn, Thanh Hóa, đem theo mẹ và 2 em trai.

Thế là chị tôi một tay quán-xuyến, giúp chồng nuôi con, lo cho mẹ và 2 em. Là cậu ruột của các cháu Loan, Hương, Ngọc, Diệp, tôi muốn từ lâu viết về chị tôi. Các cháu đã trưởng thành, thành công với sự nghiệp hiện nay, chắc biết rõ sự hy-sinh của mẹ mình hơn tôi.

Lá thư chị gửi cho tôi khi tôi ở Hóc Môn vào 10/1975 là lá thư chót. Vợ tôi nhắn thêm cho tôi, kèm thư đầu tiên của chị, rằng chị bị tai-nạn ít tháng trước mà qua đời.
  Lá thư gửi tôi, chị chỉ viết non trang giấy với mực tím. Nhưng tình chị em dành cho tôi chắc không chỉ phạm-vi này. Chị Hảo! Tưởng nhớ chị và viết về chị chỉ có từng này lời. Thư đầu chị viết không khác với thư cuối. Chúng chỉ là một, vì thư đầu cũng chính là thư cuối. Tình chị em mình nguyện còn mãi!

(Stone Mountain GA - Sept. 20, 2021 edited on Sept. 11, 2022)
-----------------------------------

74. CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM
Nghĩa email cho tôi, bảo tôi cứ viết những gì tôi đã biết về đương-sự. Y khá lớn tuổi hơn tôi, nay đúng 90 (là thượng thượng thọ). “Trời còn phạt” y, bắt y còn sống đến tuổi này - Nghĩa thường than-thở với tôi như thế. Gần 7 năm qua, Nghĩa sống không thoải mái. Đủ loại bệnh. Bệnh không khiến y chết, nhưng “dằn-vặt” y.
  Đủ thứ đau-đớn thể-xác. Y đôi lúc muốn “chết quách”, nhưng y sợ chết, dù rằng ngày xưa, xông-pha lửa đạn, trận-mạc suốt gần 20 năm chiến-chinh.

Vậy, những dòng này thì do tôi viết trên FB (cũng sẽ chép lại vào tư-liệu khác), nhưng hoàn-toàn là chuyện của Nghĩa, bạn tôi. Những hàng chữ tiếp theo, chữ “Tôi, tôi, TÔI” là lời Nghĩa kể.

((Đọc các bài viết của bạn (DAITRAN), có một bài “TẠI SAO C M NÍN?” Thế thì bạn hãy thông-cảm cho họ. Cũng là cho tôi. Bỏ đi những bài viết, những cuốn hồi-ức, như của “Trần Văn Đôn”, “Đỗ Mậu”, v.v…hằng hà vô số. Họ khoe-khoang, họ kể công, họ bào-chữa, họ đổ lỗi, họ lên án. Còn họ? Tội-nghiệp cho họ : họ vô-tội!

((cấp, chức không cao, nhưng cũng cảm thấy có trách-nhiệm về ngày 30/4/1975. Tôi buồn, tự trách thì họ (những đàn anh, những lãnh đạo cũ) càng nên tự trách, buồn, xấu-hổ hơn. Họ không có can-đảm “kể lại một chút gì đó trung thực”.

((Còn đúng 1 tuần nữa là 47 năm sau ngày 30/4/1975. Tôi biết bạn cũng như tôi. Chúng ta từng đánh dấu từng ngày, tháng, năm trong tù. Bọn mình, đứa ít nhất cũng 8 cuốn lịch. Bạn chỉ 9 cuốn, tôi cấp chức cao hơn, còn bị “cách-mạng” phê là “ác ôn”, nên phải bóc 13 cuốn.
((Nay ở nước ngoài, chúng ta lại “đếm tới” bằng nhau từ năm 1992. Cùng đếm nhé thứ 17 (1992 trừ đi 1975), 18, 19 …47. Tôi mệt quá, không còn muốn đếm nữa. Còn bạn, muốn đếm thì đếm tùy bạn.

((Đếm tới mệt nghỉ, chừ “kể lui”. Chuyện 30 năm trước tương-đối giống nhau. Ăn trợ cấp ít tháng, rồi tùy tuổi, tùy người mà nai lưng kiếm việc làm. Rồi vào quốc-tịch. Riêng tôi ăn tiền già rất sớm : qua Mỹ đúng 60 thì còn sức nào đi làm?
((Chuyện từ 1975 và tháng ngày trong tù cải tạo, thì người ta kể quá nhiều. Bỏ đi.

((Tôi muốn quên đi những tháng ngày từ 1975 đến nay. Chỉ là xấu hổ và tủi nhục, không đáng là “những kỷ-niệm”. Đó là phần tôi. Còn ý nghĩ của bạn, tùy bạn, và tôi “không phê phán”

((Chạy thoát từ Đà Nẵng ngày 29/3/1975, tôi đã không có 1 binh lính trong tay. Lính đường lính, quan đường quan.
((Tuần cuối trước 30/4/1975, cũng ngược xuôi tìm đường “ra nước ngoài”, nhưng không “tiền”, không “thế, quen biết”, nên đành theo con đường duy nhất “đi tù”.
((Trước kia còn uất-ức, trách trời trách đất khiến Miền Nam VN (VNCH) thua. Chừ thì khỏi “ý kiến”. Yếu-tố chủ-yếu là Mỹ bỏ VN. Cạnh đó, phải nói, do chính bên trong chúng ta : - địch lẫn lộn cạnh ta, trong quân-đội, trong chính-quyền quá nhiều - ngay cả “thượng tầng”. Nhiều tướng, tá “bất tài”, đa số lại quá “tham nhũng, hối lộ”, v.v…
((Có lẽ vì vậy mà đa số chức quyền cao khi ra nước ngoài “câm nín”

((Vậy thì bạn có 16 năm lính, tôi trên 20 năm, là điều khiến tôi xót-xa. Chúng ta có lý-tưởng. Chúng ta chiến-đấu vì lý-tưởng. Nhưng lý-tưởng quá xa, quá cao, ngoài tầm tay. Thật tình “lý tưởng” chỉ là cách nói. Kể từ sau 1885, khi Pháp chiếm kinh-đô Huế và chiếm toàn cõi VN, thì dân VN đã trong sự “đô hộ”, là “nô lệ”.
((Phần kế tiếp thì tôi không cần kể. Ai cũng biết. Vậy chính-nghĩa ở đâu?

((Hóa ra gần cả cuộc đời mình, ngoài trên 10 năm đi học, khoảng 6 năm ấu thơ ở với cha mẹ, còn lại là “khoảng trống”, “vô nghĩa”. Là đầy tớ của Nga, Tàu, Mỹ sau 1945. Thế thì “ôm ấp” làm gì? Không phải là kỷ-niệm để gắn-bó.

((Không có gì để kỷ-niệm, thì câu nói “Chỉ Còn Là Kỷ Niệm” rất thừa!))

Nghe bạn kể xong. Bạn tôi bỏ ngoài tai “CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM”. Tôi tôn trọng ý bạn.

(Stone Mountain GA - April 22, 2022 edited on Sept. 11, 2022)
-----------------------------------------------

75. NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN
Với Tân, chỉ lần này nữa thôi. Chiều nay, vừa đi chợ về, mới gần 2 PM, Niên-đệ Oánh gọi phone, báo Lê Hữu Tân (K16) đã mất hôm qua (Sept.16, 2021). Địa chỉ nhà Quàn được báo cho biết.


  Tân cùng tôi ở Đại đội 1 Tân khóa sinh. Rồi cùng ở Đại đội 1 SVSQ sau đó. Tân cung cấp tấm hình đại đội 1 (chụp khoảng tháng 9/1960). Tân là người số 1, hàng thứ 3 từ phải. Tôi là số 3, hàng thứ 2 từ trái.. Tính đến hôm nay (Sept. 11, 2022) đã có 45 bạn vĩnh-viễn ra đi, trong tổng số 71 SVSQ của đại đội 1. Còn lại 26 người, kể cả tôi - 2 tấm hình kèm theo, số 1 trái (đại đội 1 SVSQ gồm 71 SVSQ), số 2 phải (4 người từ trái : (1) là tôi, (2) Bùi Quyền, (3) Lê Hữu Tân, (4) Thái Ồi Xiếng - trừ tôi, cả 3 còn lại đều mất.

Tân ra tù tương-đối sớm hơn đa-số các bạn cùng khóa. Có lò làm bánh mì trên đường Cao Thắng, Quận (?), Sài Gòn. Sinh nhai khá, Bạn bè tù về, đói rách lắm người, được Tân giúp-đỡ, “đưa than sưởi ấm ngày tuyết lạnh”. Tình bạn thật đậm-đà.

Qua Mỹ sớm hơn nhiều anh em. Về Atlanta, GA, Tân sớm ổn-định. Tính hay thương người, hay giúp-đỡ. Bạn bè về đây sau, “trâu chậm uống nước đục”, cũng được Tân nhiệt-tình “xuôi ngược” giúp kiếm việc làm. Dù tôi chưa lần nào hỏi giúp từ bạn mình, nhưng thái-độ, cử-chỉ của Tân thật khiến tôi cảm-động.

Bạn cùng khóa về Atlanta có 8 người. Tôi lần-lượt tiễn, hết Hồ Văn Hòa gần 20 năm trước. Khoảng 10 năm sau, bạn Huỳnh Bá Vạn tiếp-nối. Nguyễn Minh Châu thì được vợ đưa về VN làm nơi yên nghỉ sau cùng. Trịnh Bá Long không muốn liên-lạc với ai cả. Thôi thì cứ để bạn tùy nghi. Tình-tự đồng-khóa muốn gần thì gần, muốn xa thì xa, cũng chẳng hề gì. Tùy tâm! Còn Lê Diêu, đôi lần gặp nhau cũng vui-vẻ, nhưng đã từ lâu vui trong “chuông sớm mõ chiều”.
  Thái Ồi Xiếng từ 10 năm trở lại, đã nhuốm bệnh “bất trị”, ra đi bất kỳ lúc nào (Tin update hôm nay, Thái Ồi Xiếng vĩnh-biệt bạn bè mà ra đi vào March 18, 2022, thọ 82).

Mai sáng lên nhà Quàn, thăm hỏi gia-đình Tân chương-trình tang lễ. Bạn đồng khóa từ xa nhắn tôi :

“Thôi thì ráng đi Đ. You mới 81, nếu đảo ngược con số, chỉ 18 cái xuân xanh, còn khỏe mạnh. Nghĩa tử là nghĩa tận, mà Đ. Nhớ order 1 vòng hoa tang với hàng chữ “Vô Cùng Thương Tiếc”, hàng dưới thêm “K16/TVBQGVN”

  Cao Yết, Nguyễn Anh ở San Jose, CA - nhóm Trần Ngọc Toàn, Trần Văn Hiển ở Houston, TX - Nam Ca-li có Tôn Thất Lăng + 1 số K16 khác, khuyến khích tôi.
  Với các bạn, với cá-nhân tôi, tôi đã làm xong yêu-cầu. Vĩnh-biệt Tân!

(Stone Mountain GA - Sept. 17, 2021 edited on Sept. 11, 2022)
------------------------------------
 
76. TỰ TÌNH VÀ GIỌT NƯỚC MẮT
Lần cuối nhìn mặt bạn. Là cái nhìn xem bạn nằm yên đó, hay 1 thoáng nhìn vào nhân-sinh? Lái xe về - phải mất hơn nửa tiếng - Dòng xe xuôi ngược, nếu có ai nhìn qua tôi, có biết tôi đang có tâm-sự? Lo lái nên chawrnh nhìn ai và chắc chẳng ai nhìn tôi. Thật nhiều cảm-xúc! Tôi trân quý chúng, chăm-chú lái nhanh về nhà để kịp giữ lại trong lòng tôi cho đến khi trang-trải hết trên computer, trang giấy.

Tự tình tôi viết, không như Cao Bá Nhạ. Ông lo-lắng, ẩn trốn, cuối cùng vẫn bị bắt, lưu đày mà chết nơi rừng sâu nước độc. Tôi công-khai viết, lại đưa lên FB. Ai cũng coi được. Chắc rằng, với Tự-tình-khúc của Cao Bá Nhạ, phải là 1 chum lớn mới chứa hết 8 năm lệ tuôn.

Xưa, Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê, dù nước mắt cạn rồi, “hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”, nhưng chủ-yếu, phần ông già yếu, phần phương tiện không đủ nhanh để ông lần cuối thăm bạn. Có khi mấy ngày (nếu ở gần), và nếu xa hơn, phải cả tuần, cả tháng. Nước mắt nào nhiều mà hễ tí là chảy ra?
  Không như Néron sắm-sẵn những ve (lọ) nhỏ nhằm giữ nước mắt khỏi khô đi. Tôi không thấy “nước mắt cá sấu” nhưng truyền-thừa ví nước mắt Néron như thế.

Tôi nay không cần khổ-sở như họ. Nửa giờ tới, nửa giờ về, chỉ sợ không khóa. Chứ nếu khóc, cũng đủ thì-giờ cho tang-quyến thấy mắt tôi ươn-ướt (nghĩa là đau thương lắm), và khi về, và khóc được, thì vợ con mình xuýt-xoa (chồng, cha nhiều tình cảm).

Hơn 10 năm, bạn tôi luôn sẵn bình ốc-xy bên cạnh. Bạn tôi vẫn thích nói nhiều. Chuyện xưa, chuyện nay liên miên.. Tôi vốn bị các bạn gán cho 1 nickname hết sức độc-đáo, chỉ vì khi tôi nói chuyện - e người khác tranh nói - nên tôi phải cướp thời-gian. Là tiêm nhiễm vì các bộ phim nói về những nhân-vật có tên Lý Tiểu Liên, Trần Đại Liên, mà bắt-chước.
  Thế mà tôi phải nhường bạn. Đó không phải là nể-nang. Mà chính là thương bạn.

Chừ, bạn tôi nhường tôi. Bạn chỉ nghiêm-nghị, nhắm mắt. Và chắc tai mở rộng. Tôi lại không nói được nhiều. Lẩm-bẩm vài câu. Tự-tình này thì chỉ mình tôi nghe thôi.

Thi nhân, văn sĩ, và nhất là đàn bà dễ có nước mắt. Cuộc chiến 30 năm (1945-1975), bọn tôi chiến trận ít nhất cũng trên 10 năm. Nhìn đồng-đội gục ngã. Nhìn người dân khốn-khổ, thê lương, chết-chóc. Ít nhiều người thân vĩnh-biệt. Có con tôi. Có mẹ, chị, em tôi. Và những thân-thuộc khác. Không riêng mình tôi “Yên Chi Lệ” (lệ quanh má).

Con dâu của bạn tôi hỏi tôi theo tôn-giáo nào - Gia đình bạn tôi theo Phật. Họ mời quan khách thắp nén hương trước bàn thờ Phật. Tôi đáp là theo Tin lành, và nói tiếp, không nề hà. Tôi nhận vài cây  hương, cô ấy châm lửa và không biết cháu nghĩ sao, lấy lại những cây hương đã đốt, và cắm vào bình hương.
  Chồng cô là con lớn nhất, cầm iphone chụp vài tấm theo yêu-cầu của tôi.

Tôi lẩm nhẩm thì không ai nghe. Tôi không khóc. Nhưng cảm-xúc trong lòng cũng lây lan đến đôi mắt, và tôi thấy mắt mình có chút nhòe. Tôi ngại 2 vợ chồng này thấy mà cho rằng tôi “quá già đến sinh yếu-đuối, dễ rơi nước mắt”.

Chỉ vì tôi chợt nghĩ đến “Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt - Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh”.
  Nghĩ về nhân-sinh, nghĩ về chính mình thì nhiều hơn. Cảm-xúc buộc phải có. Tôi nhìn ngọn nến sáng ngọn lửa. Tôi trao-đổi với nó : “Nến ơi, hãy cho tôi mượn bạn ít dòng”

Còn bạn tôi, đã xong. Vĩnh-biệt Lê Hữu Tân! (Kèm tấm hình chụp năm 2014, từ trái sang phải (1) tôi, (2) Bùi Quyền, (3) Lê Hữu Tân, (4) Thái Ồi Xiếng - Đến hôm nay, 3 bạn của tôi “đã rong chơi xa” chưa về)

(Stone Mountain GA - Sept.18, 2021 edited on Sept. 11, 2022)
-----------------------------------

77. NHÂN TẠI GIANG HỒ (Trước là KHÔNG ĐÁNG GHÉT)
…là 4 chữ đầu của câu Hán-Việt “NH N TẠI GIANG HỒ TH N BẤT DO KỶ” - xuất xứ vốn là câu nói từ các truyện võ-hiệp Tàu (xin miễn đi sâu tìm hiểu), có ý nghĩa “Người trong giang-hồ [nghĩa rộng là sống trong xã-hội con người] không phải lúc nào cũng làm theo ý riêng của mình, mà phải tùy hoàn-cảnh đưa đẩy”.

Tôi giận, tôi oán họ, chứ không phải ghét họ. Họ không có gì đáng ghét cả. Có lẽ tính tôi “khắc” với chữ “ghét”. Họ “không đáng ghét” tại sao tôi”đáng ghét”? Đối-xử phải công-bằng. Vậy thì ai có ghét tôi, tôi không quan-tâm, vì tôi tự cho mình “không đáng ghét”.

Khoảng 1943-1944, quê tôi vẫn yên-bình. Tuy Pháp-thuộc, và sinh-hoạt xã-hội đang còn trong chế-độ mà sau này người ta gọi là “phong kiến”. Thượng tầng thì mãi sau này lớn lên đi học mà biết được vua quan ta vẫn dưới sự quản-lý của người Pháp.

Trong thôn xóm tôi ở, cũng thật yên. Lâu lắm, chỉ tin đồn 1 người đi xe đạp, ngã xe và gãy xương ngón út, cũng đã kinh-động mọi người. Bàn tán suốt ngày. Chuyện 1 tên vì thù-oán mà đốt nhà người ta, bị vây bắt, không thoát được bèn thắt cổ chết. Bọn nhỏ tôi vây kín hiện-trường. Chuyện khiến làng xóm xôn-xao cả tuần. Chỉ ít vậy thôi cho cả năm.

Chuyện nhà, chuyện nước, chuyện người lớn xét không gì lớn, nhưng chuyện bọn nhỏ chúng tôi thì cơm bữa. Đánh lộn suốt ngày + kiện thưa. Tôi luôn yếu thế, dù thường là kẻ hay gây sự. Bị đánh sưng mặt, về nhà lại được bố phết roi vào mông. Tôi quen rồi, không hận bố tôi. Bấy giờ trong đầu tôi chưa có động-từ “ghét”. Tủi thân khóc thì chị tôi dỗ-dành.

Nhà tôi cùng nhà dì dượng có họ xa với mẹ tôi góp thành hình chữ L. Cùng ngó ra 1 sân rộng - làm sân bóng chuyền. Thanh-niên làng thường đến chơi bóng. Tôi giữ chân nhặt banh khi bóng rơi xa.

Một lần nhặt banh, tay tôi nhỏ nắm không vững quả banh và làm rơi xuống bãi cỏ chung quanh sân. Cứ thế, rơi rồi nhặt, lại rơi tiếp. Một thanh-niên - chắc sốt ruột, còn tưởng tôi cố tình - đến cho tôi 1 bạt tai.
  Nghĩ mình thật vô tội, đã hăng-hái nhặt banh giùm, còn bị đánh. Vừa khóc vừa chửi. Tôi học gì chậm, chứ học chửi thì khó ai qua tôi. Bố tôi từ trong nhà chạy ra, không phải 1 roi vào mông, mà liên-tiếp. Tôi giận anh Cao (người bạt tai tôi). Và thực-tâm, tôi cũng không giận, không hận bố tôi chút nào. Chỉ tủi thân và khóc. Thì việc tiếp theo là nhiệm vụ của chị tôi.

Chỉ giận anh Cao lúc đó, lát sau quên ngay. Anh là người lớn.
  Một ngày (sau này được biết chế-độ đã đổi) của khoảng tháng 8 /1945 (cũng sau này mới biết), thật sáng sớm, anh Cao lớn nhất trong đám thanh, thiếu, ấu đã tập họp gần 40 tên nhóc - đáng lẽ không có tôi, nhưng tôi hiếu-kỳ chạy theo chị và anh tôi mà tham-gia, và đứng cuối hàng - chia làm khoảng 20 hàng 2 người. Tập đi 1,2.

Cuối năm sau (1946), nhận-thức cao hơn, và tôi biết được rằng tôi “không đáng ghét” dưới con mắt bố tôi. Tôi được thương nhất nhà. Bố tôi luôn quan-niệm, con mình không cần biết phải trái, nếu có chuyện với người khác, đều không tốt. Chị tôi bảo tôi như thế. Và thực-tâm tôi không ghét ai. Giận kẻ gây sự với tôi, giận bố vì đánh tôi, chỉ chốc lát. Và xa quê hầu như vĩnh-viễn (Mãi 68 năm sau, tôi còn dịp về đây)

1949, Pellerin, Huế. La Quang Thanh, bạn cùng lớp Nhì (Moyen 2), đang chơi bong bóng (cao su thổi phình to như quả bóng chuyền), bóng bay xa xa, bọn tôi ùa theo bắt bóng. Tôi luôn nhanh-nhẹn, là người thứ nhất sắp bắt được bóng. Thật xui, bóng nổ. Thanh chạy tới đánh tôi. Dĩ nhiên tôi đánh lại. Hóa ra 2 anh em La Quang Ngọc (anh) và Thanh đều học bốc-xơ. Bị đánh ngã thì tôi cắn chân Thanh + chửi lớn. Tiếng chửi giọng Bắc khá văn-minh “Bố tiên-sư nhà …”

Sư-huynh (Frère) Alban đến ngay. Ông không cần biết ai đúng ai sai, liên-tiếp bợp tai tôi. Giận, còn “thù” nữa. Tôi biết 2 anh em Ngọc, Thanh được các sư huynh thích (vì nhà giàu - là suy-nghĩ của tôi bấy giờ). Tôi không “ghét” họ. Tôi biết họ không thích tôi, không phải vì “cái tôi đáng ghét” mà “địa-vị xã-hội, là giàu nghèo).

Chuyện thời học-sinh thì nhiều, nhưng không nhớ hết. Tôi ít để ý những người không thích tôi. Mà không bao giờ quên các bạn thường giúp tôi. Lê Hữu Cương không cao, mà to mập, gan lì, sẵn-sàng “nhập trận” với tôi đối đầu bọn nhóc khác. Xuân “sộp” hay Lê Đình Cự (các lớp đầu của trung-học / Pellerin) thì lúc nào cũng đưa tôi nửa ổ bánh mì xà-xíu, hay kẹo sô-cô-la. “Thù” thì không “dai”, mà việc các bạn giúp + cho tôi thì tôi nhớ mãi đến nay (đã hơn 70 năm rồi).

Đời binh-nghiệp rất đa-đoan. Và rất thăng-trầm. Chắc-chắn không tránh khỏi những người “không thích tôi”. Họ “đố kỵ” tôi. Nhưng tôi không ghét ai, là nói đến cá-nhân họ, cá-tính họ. Dĩ nhiên tôi không thích, kể cả phản-đối, “những việc làm của họ, cách thể-hiện của họ”. Cấp dưới tôi thường thương tôi. Tôi không mua tình-cảm họ qua tiền của, vật-chất hoặc thiên-vị họ. Nhưng tình-cảm họ đối với tôi thì tôi cảm-nhận được. Và lòng tôi đối với họ thì chính họ hiểu. Không đánh lừa được.

Với cất trên, nếu nói “ghét” thì chính là, tôi gây trở ngại cho họ. Không ai có thể “ghét chính con người tôi”. Vì chính tôi “không đáng ghét”. Một vị Tướng không thể “ghét tôi” khi trong thâm-tâm tôi + hành động không thỏa mãn chuyện riêng mà ông giao-phó tôi. Một cấp chỉ-huy đã bực mình, “không thích chứ không phải ghét” tôi, vì đã nghi-ngờ tôi muốn xen vào việc riêng của ông. Tôi tin người đó sau này biết chuyện. Và tôi cũng không cần 1 lời xin lỗi. Tôi “không ghét họ”.

“Xử thế nhược đại mộng - Hồ vi lao kỳ sinh” (Lý Bạch). Thi sĩ ta nói vậy không phải vậy. Chỉ chút đúng ở đoạn sau (với) thi-sĩ ôm trăng (bóng trên mặt sông), để chết đuối và …cười. Tôi may-mắn đạt tuổi già hơn Lý Bạch. Không làm thơ nhiều, nổi tiếng (đại thi hào) như ông, nhưng không kém thăng-trầm nơi trường đời - còn có thể là hơn nữa đó - Tối nay mưa nhiều, vùng Stone Mountain, GA. Trời chớm thu chưa?

(Stone Mountain GA - Sept. 20, 2021 edited on Sept. 12, 2022)
--------------------------------------

78. RIÊNG VIẾT VỀ ANH
(FB Nguyễn Trần Vương Thơ mới báo tin : Trung Tá Nguyễn Văn Tăng, Khóa 12 Đà Lạt đã mất tại Tây Ninh.
  Tin chi-tiết cho biết “Augustino Nguyễn Văn Tăng, Cựu SVSQ Khóa 12/TVBQGVN - từ trần ngày 08 tháng 12 năm 2021 tại Tây Ninh - hưởng thọ 91 tuổi)

Buổi tiệc tiễn đưa Đại Tá Ngô Văn Lợi, nguyên Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Quảng Ngãi, có sự chủ-tọa của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I / Vùng 1 Chiến Thuật, và sự góp mặt của những “đầu quận” xảy ra vào 1 ngày - sau những căng-thẳng của trận chiến Nam Quảng Ngãi (1972). Đại Tá Lê Bá Khiếu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, SĐ 2 BB, thay Đại Tá Lợi trong chức vụ trên (Tỉnh / Tiểu khu trưởng Quảng Ngãi).

Về lại BCH Tiểu khu Quảng Ngãi, tôi đã không nhìn thấy Trung Tá XXX, nguyên Tiểu khu phó, mà suốt hơn 1 năm qua tôi thường làm việc với. Và người thay thế trong chức-vụ này, nói giọng Huế, là 1 sĩ-quan rất cao, hơi ốm.
  Đó là Trung Tá Nguyễn Văn Tăng. Ông mới đến, nhậm chức Tiểu khu phó Quảng Ngãi.

Mười (10) năm trước đây (khoảng 2012), tôi có đọc tài-liệu “Biến động miền Trung, 1966” của Liên Thành, Cựu Thiếu tá Chỉ huy trưởng CSQG Huế (những năm đầu của thập-niên 70). Bài viết nói về việc Phật-tử Huế dưới sự lãnh-đạo của Thích Trí Quang, xuống đường (1966). Ngoài việc nói về hoạt-động của chính đương-sự, Liên Thành cũng đề-cập đến Đại úy Nguyễn Văn Tăng, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Quận Hương Thủy, Thừa Thiên (Huế). Đại úy Tăng đã ổn-định đơn vị dưới quyền, và khu-vực trách-nhiệm.

Suốt các năm 1973, 74 cường-độ chiến-sự cả nước thật khốc-liệt, anh thường bay thăm tôi, ghi-nhận những nhu-cầu cấp bách, lưu-ý những điều cần-thiết để kịp đáp-ứng tình hình (Minh Long, Quảng Ngãi, 1972, 1973). Hoặc trực-tiếp lái xe vượt trên 40 km đường (quốc lộ 1) để gặp tôi và trao-đổi công-việc tại Chi-khu (quận) Đức Phổ(1974).
  Nhất là những tháng ngày tại Đức Phổ, dưới sức ép “vô lý, vô cớ” của các đơn-vị đồn-trú - tiếng là “yểm trợ” nhưng chính lại gây ra bao khó-khăn cho tôi. Thì anh là tiếng nói, “vừa an ủi, vừa bênh-vực” tôi hơn hết trước cấp cao hơn. Một phần đánh giá cao về tôi của Tướng Trưởng và Đại Tá Khiếu đã dựa vào lời trình-bày của Trung Tá Tăng.

Nhớ 1 lần họp hành-quân tại Thạch Trụ (Mộ Đức, Quảng Ngãi), Tướng Nhựt xài-xể tôi sau khi tôi thuyết-trình về phạm-vi quận/chi khu Đức Phổ. Ông kể ra những việc cầu, cống luôn bị VC đặt mìn phá-hoại, các xã, ấp thiếu an-ninh, v.v…và qui trách-nhiệm cho tôi. Là đương nhiên. Nhưng so tổng kết thành-tích 1974, Quận Đức Phổ được cho là an-ninh chỉ đứng sau quận Tư Nghĩa (là quận sát Tỉnh). Trung Tá Tăng bênh-vực tôi, qua tổng-kết vừa trình-bày, đồng thời đưa ra những khó-khăn mà các “đàn em” của ông Tướng luôn gây ra cho tôi (các Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4(Đại Tá Liêm), 6(Đại Tá Lai).

Tôi rời Quảng Ngãi 1/1/1975, thì cũng được anh cho biết, rằng anh cũng đang được đổi đi nơi khác. Quá-trình làm việc của anh thì ngay những người không ưa anh, cũng phải đánh giá cao. Từ những năm sau 1966, anh lên cấp nhanh từ Đại úy lên Thiếu tá, rồi Trung tá chỉ 4 năm, và từ Quận/Chi khu trưởng lên Tiểu khu phó Quảng Trị (1971-72), và Quảng Ngãi (cuối 1972 đến hết 74).
  Và sau cùng, khi tôi rời Quảng Ngãi, thì anh cũng được điều-nhiệm về Quảng Tín. Chờ thăng cấp Đại Tá, và làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Quảng Tín, thay thế Đại Tá Đào Mộng Xuân, thì “gãy súng” tan hàng (30/4/1975).

Sau 30/4/1975, gặp nhau tại Sài Gòn. Mệnh nước nổi trôi, chỉ biết xót-xa mà cười. Tôi phải 9 năm, thì anh cũng qua 13 cuốn lịch. Cùng “nghìn dặm lưu đày”.
  1988, biết anh ra tù được ít tháng, đến nhà anh, được chị bảo rằng anh lên nhà anh Thiện (Lê Chí Thiện, Khóa 14 VBQGĐL, Cựu Trung Tá Tham Mưu Phó HQ, Tiểu khu Quảng Ngãi, 1974). Đến nhà anh Thiện, được người nhà “bật mí” cả 2 anh “Zulu” rồi!

Hôm nay, vừa nhận được tin anh mất, tôi gọi thăm 1 niên trưởng cùng khóa với anh. Là anh Ngô Như Khuê, Cựu Trung Tá Pháo-Binh QĐ I. Với anh Khuê thì tôi cũng có ít nhiều kỷ-niệm khi cùng ở Đội 1 tù cải tạo tại Trại 8 Hoàng Liên Sơn (cùng Ngô Văn Xuân, Khóa 17 VBQGĐL, Cựu Trung Tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44, SĐ 23 BB), 1976-1978. Hỏi anh Khuê thêm 1 số chi-tiết, vì anh Khuê đang đại diện khóa 12 VBĐL.

Tôi xin chia buồn với chị (còn ở Nam Ca-li) - chia buồn cùng con, cháu của anh tại Mỹ và VN. 91 tuổi là quá thọ. RIP, anh Tăng! Anh tin Chúa mới đây. Rồi chúng ta cũng sẽ mau chóng gặp lại nhau, với tất cả ý nghĩa của sự gặp gỡ đó.
  Nguyện linh hồn anh tạm yên nghỉ trong cánh tay toàn-năng đầy yêu-thương của Chúa JC. Nguyện sự bình an thiên thượng và sự yên-ủi của Chúa đến với tất cả thân-nhân của anh!

(Stone Mountain GA - Dec. 11, 2021 edited on Sept. 12, 2022)
-----------------------------------

79. HOÀN TOÀN BỊ XÓA
Cố viên hoàng diệp mãn thanh đài
Mộng phá thành đầu hiểu giác ai
Thử dạ đoạn trường nhân bất kiến
Khởi hành tàn nguyệt ảnh bồi hồi   (Thính giốc tư quy - Cố Huống, Đường, Trung Hoa)

Là chuyện thời xưa. Người xưa đi xa 5 năm, 10 năm hay lâu hơn, để rồi có lần về lại chốn cũ. Vườn xưa chỉ thấy lá vàng phủ đầy trên lớp rêu xanh. Như một giấc mơ đem ta về lại với ngày xa xưa trước, thì tiếng điểm canh đã giục-giã ngoài đầu thành. Là Thành Cố Đô Huế hay Thành Tây Đô (Thành Nhà Hồ, Thanh Hóa)?

Mộng dở-dang, khách lại phải ra đi. Không ai thấy, nhưng đêm nay dời bước, rõ-ràng là lòng quặn đau. Làm bạn chỉ mỗi là ánh trăng tà. Khách tha phương lòng có bồi-hồi, nhưng vẫn tìm thấy mình ngày xưa trong đó.

Tôi về lại những chốn xưa. Đi qua thành-phố Ban-mê-thuột, tôi dù không tham-dự, nhưng biết rõ các trận chiến ở đây. 1972, với Đại Tá Lê Đức Đạt không bỏ chạy (SĐ 22 BB), và Trung Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 cố bám giữ (ông được vinh-thăng cấp Đại Tá ngay sau đó). Và 1975, vào những ngày đầu của tháng 3, chiến cuộc bắt đầu từ đây đi đến sự sụp đổ hoàn toàn của VNCH.

Nhưng tôi tìm không ra những dấu vết nào của  cuộc chiến cũ. Bà Huyện Thanh Quan dù đau lòng “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường - Đến nay thấm-thoắt mấy tinh sương …”, nhưng Bà vẫn được thấy tàn-tích : lối xưa xe ngựa, nền cũ lâu đài, đá lót đường + làm nền lâu đài, nước hồ, v.v… - còn nóng hổi - của 1 thời Lê chỉ mới lui về trước vài chục năm thôi. Bà “hoài Lê”, tìm được sự ấm-áp trong đau-thương, đứng trước những đổ-nát của thành Thăng Long cũ.

Tôi đi qua Huế và Quảng Trị. Năm 1970 về lại đây, chưa mất đi những dấu tích của biến-cố Mậu Thân 68, thì sự đổ nát của Cổ thành Quảng Trị của các năm 1972-1974 e sẽ rất lâu về sau vẫn chưa phục-hồi.

Không như tôi nghĩ. Nhà cửa san-sát, dinh-thự cao tầng, ở khắp nơi mọc đầy. Không có cổ-kính để đập vỡ tìm bóng, không tìm đâu ra tàn-y để “xếp dành hơi” như vua Tự Đức. Tất cả đã “bị cố tình” xóa-bỏ! Tôi muốn tìm lại vườn xưa, tôi muốn nhìn lại thành-quách cũ!

(Stone Mountain GA - Aug. 13, 2021 edited on Sept. 12, 2022)
------------------------------------
HẾT TẬP 3 (CUỐI) FACEBOOK CỦA TÔI  VÀ NHỮNG MẨU CHUYỆN NGẮN 
Thành thật cảm ơn độc-giả
----------------
 
 





                 
 

 



 
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment