Binh
sĩ của tôi không phục, thì làm sao tôi phục. Tôi thà bị đầu rơi, máu đổ. Tôi nhất định không phụ lòng kính yêu của họ. Dù tôi có làm được gì to lớn hay không, tôi phải là một Sĩ Quan Đà Lạt, xứng đáng mà họ đã từng mong ước. Lệnh
đầu hàng là trò chơi của kẻ hèn nhát, kẻ ham danh, ham lợi,
ham sống, sợ chết. Đó là trò chơi của những tên chính trị gia bất lương.
Tôi đi mãi không biết bao lâu. Mệt lã người,
và ngồi xuống bên lề đường bên phải của một con đường lớn. Không
biết đây là con đường mang tên gì. Người, xe tấp nập như muốn dành
phần gì đó sau cơn khủng hoảng của đất trời.
Tôi ngước mặt nhìn ông, và trả lời trong chua chát, thất vọng: - Dạ. Tôi người miền Trung. - Cậu là lính Cộng Hòa phải không? Tôi nhìn ông và không trả lời. Ông tỏ vẻ cảm thông, nói: - Tôi có 2 người con trai lớn. Một đứa là Đại Úy Thuỷ Quân Lục Chiến. Còn thằng nhỏ là Trung Úy Biệt Động Quân. Ông ngồi sát gần tôi, và dựa lưng vào bức tường, cạnh tôi. Nói trong đau đớn, nghẹn ngào; - Không biết bây giờ anh em chúng nó ở đâu?
Tôi đưa mắt nhìn vào cặp mắt đỏ hoe của người cha đáng thương. Ông đã khóc. Ông khóc không ra lời. Những giọt nước mắt của bậc sinh thành thật đáng yêu. Có lẽ má tôi ở ngoài Trung cũng đang nằm trong tình cảnh của ông lão này. Tôi thở dài, nói: - Xin bác chớ đau lòng. Rồi từ từ 2 anh sẽ tìm về với bác.
Tôi thở dài. Một hơi thở dành cho ông lão, dành cho 2 người sĩ quan anh dũng của tôi, cũng là hơi thở dành cho chính bản thân mình. Tôi ngước nhìn về bên kia đường, và rồi nhìn về phía xa xa. Không biết phía xa kia là nơi nào. Ông đưa tay phải lên, và chùi vội mấy giọt nước mắt; như không muốn cho ai nhìn thấy. Ông hỏi nhỏ bên tai tôi: - Cậu có phải là sĩ quan Đà Lạt không?
Bỗng tôi giật nẩy mình. Nhìn ông lão mà lòng buồn khó tả. Tôi đưa tay trái lên, và nhìn vào chiếc nhẫn còn sót lại sau cuộc chiến. Tôi nói: - Sao bác biết được tôi là sĩ quan Đà Lạt? Ông nói trong sự thương cảm: - Đứa con lớn của tôi đi khóa 23 Đà Lạt.
Trời đất mênh mông, ông lão và tôi trở thành 2 kẻ cùng chung số phận, một số phận đau lòng. Trong khi chúng tôi nhỏ to với nhau, một chiếc xe Hồng Thập Tự chạy chậm chậm và dừng lại bên cạnh lề đường. Nhân viên Hồng Thập Tự kéo ra khỏi xe nhiều thùng đồ. Và sau đó, dân tị nạn kéo đến vây quanh chiếc xe. Ông lão bỗng đứng dậy, vừa đi về phía xe Hồng Thập Tự, vừa nói với tôi: - Để tôi xem việc gì xảy ra. Một lúc sau, ông về bên cạnh tôi và nói: - Nhân viên Hồng Thập Tự phát đồ ăn, đồ uống. Cậu đi với tôi không?
Ông vừa đi về phía chiếc xe vừa quay lại nói: - Đi. Đi. Cậu đi không? Tôi lắc đầu, nói nhỏ: - Dạ. Không.
Mười lăm phút sau, ông trở lại với 3 bịch gạo sấy và một ít nước uống trên tay. Vừa vui mừng vừa nói: - Cậu hãy lại đó. Người ta sẽ cho gạo sấy và nước uống. Đi. Đi. Tôi nhìn ông lão, lắc đầu: - Cảm ơn bác.
Tôi nhìn ông ngầm cảm ơn, và im lặng, mắt nhìn về phía xa xa.
Bây giờ là lúc ông lão nhìn 2 cô bé bên cạnh tôi một cách ngạc nhiên. Ông dúi bịch gạo sấy vào tay một cô bé, không nói, nhưng tỏ vẻ như:
- "Lấy đi. Cả 3 người cùng ăn."
Cô bé tiếp bịch gạo sấy từ tay ông lão, kèm theo ánh mắt cảm ơn.
Hai cô bé đi xin nước và đổ vào bịch gạo sấy. Thế là 3 chúng tôi có 1 bữa ăn thần tiên. Chúng tôi chỉ có 1 cái muổng nhựa nhỏ. Tôi đưa muổng cơm sấy vào mồm mà lòng như muốn khóc. Nhưng làm sao tôi khóc được. Tôi chẳng còn nước mắt để khóc. Tôi đưa cái muổng ấy cho 1 cô bé, và rồi cái muổng đến phiên cô bé kế tiếp.
Chiếc muổng nhỏ thó đến tay tôi. Tôi cầm chiếc muổng, và có cảm giác như chiếc muổng nặng ngàn cân. Tôi đưa chiếc muổng vào bịch cơm sấy. Tôi ngần ngà, ngần ngừ, rồi đưa qua cho cô bé bên kia mà lòng trĩu nặng ưu tư. Cả 2 cô ngạc nhiên, nhưng chẳng mở lời. Họ đưa mắt nhìn nhau rồi nhìn tôi như van lơn, khuyến khích. Tôi dúi chiếc muổng vào tay họ.
Bữa cơm thần tiên và đạm bạc cũng xong. Tôi tiến về phía bên kia con đường. Tôi lục lội trong đống rác tại 1 gốc cây cổ thụ và tìm được 1 tấm chăn rách nát. Tấm chăn nhỏ thó, cỡ khổ 1 thước và 1 thước rưỡi.
Ba chúng tôi đến với nhau trong vô tình vì chinh chiến. Chúng tôi không hề nói với nhau lời chào hỏi nào khi gặp mặt. Chúng tôi cùng nhau ăn chung 1 bịch cơm sấy.
Đêm hôm ấy, 30 tháng 4 năm 1975, ba chúng tôi cùng ngủ chung trên tấm chăn nhỏ bé, trên sàn đất, cạnh bờ tường của một nhà thương nào đó mà tôi không biết tên. Tôi nằm giữa, 2 cô nằm 2 bên. Chúng tôi cảm ơn Trời Đất vì giữa 3 chúng tôi có 1 thứ tình cảm trong sạch và tinh khiết mà Trời Đất đã ban cho loài người. Ấy là tình người. Tình giữa người và người trong cơn loạn lạc. Và đây cũng là một kỷ niệm đẹp; khó quên của đời người.
Và rồi chúng tôi chia tay nhau cũng trong vô tình, không một lời từ biệt. Cho đến bây giờ, tôi không có cơ hội gặp lại 2 cô bé dễ thương ấy nữa.
Không
biết giờ này, năm 2022, hai cô khỏe mạnh hay không? Chồng con
thế nào? Còn ở quê nhà hay lưu lạc chân trời góc biển nơi nao? Tôi chỉ mong 2 cô sống trong hạnh phúc gia đình.
Tôi bước về phía trước, nhưng chẳng biết mình đi đâu. Làm sao để xuôi Nam tìm gặp tướng Nguyễn Khoa Nam, trong khi không còn một xu dính túi.
Nhớ lại thời kỳ huấn luyện 8 tuần huấn nhục cho khóa 31. Thật là khó khổ. Có bỏ công sức huấn luyện đàn em, tôi mới hiểu được công lao của khóa 25 đã bỏ ra cho chúng tôi; khóa 28.
Hành xác khóa 31 là để giúp họ có cơ hội trở thành 1 sĩ quan xứng đáng, và hữu dụng cho dân tộc sau này. Muốn như thế, không phải là điều dễ dàng. Khóa 31 chạy bao nhiêu, thì tôi chạy bấy nhiêu. Họ lắc la lắc lư, thì tôi có kém gì. Họ chạy nhừ tử, thì tôi cũng nhừ tử như họ. Không biết họ có hiểu cho không?
Họ hiểu, hay không hiểu không quan trọng lắm. Điều quan trọng là; tôi phải hoàn thành bổn phận của một Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ Tân Khóa Sinh; một cách xuất sắc mà tôi có thể. Tâm hồn và thể xác của tân khóa sinh khóa 31 nát như tương. Nhưng được bồi thường bằng cơm Phạn Xá, và tình yêu thương và trách nhiệm mà chúng tôi, khóa 28, 29 và 30 dành cho họ. Còn tôi, chỉ có mỗi ông ba râu tiếp sức. Cứ mỗi lần thăm ông, là bị ông móc túi. Thế là bao nhiêu tiền dành dụm cả nửa năm, để về phép, không cánh mà bay.
Bây giờ làm sao đây? Làm sao đi tìm tướng Nguyễn Khoa Nam. Thật là thiên nang vạn nang.
Tôi tiếp tục rảo bước theo đoàn người, nhưng tôi không biết là họ đi về đâu. Tôi cứ lần mò theo họ, và rề rà bên cạnh một cô bé 14 hay 15 tuổi, bắt chuyện:
- Anh muốn đến xa cảng miền Tây, nhưng anh không biết đường. Em có thể chỉ giúp cho anh được không?
Vừa đi cô bé vừa trả lời:
- Anh đi lộn đường rồi. Anh quày lại, và quẹo trái.
Tôi đi ngược lại con đường tôi đang đi, và quẹo trái. Tôi đúng là một tên ngáo, vừa ngáo, vừa mù. Theo sự chỉ dẫn của một vài người, tôi đã lò mò đến chợ An Đông. Trước mặt tôi là chợ An Đông. Qua khỏi chợ An Đông, tôi tiếp tục rảo bước, nhưng lòng không chắc chắn là đúng đường.
Tôi không còn nhớ tôi đã dùng bao nhiêu thời gian để lội bộ và tìm đường đi đến xa cảng miền Tây. Khi tôi đến đó, mặt trời đã xuống thấp.
Chiếc xe lăn bánh rời khỏi xa cảng miền Tây với một cảm giác nặng nề, mệt mỏi. Tôi gục đầu ngồi phía sau cùng; như kẻ chết rồi; chết nhưng chưa được chôn. Trong xe có trên dưới 10 người. Mặt mày họ hốt hoảng, lo âu, trao đổi nhau những tin tức chiến sự. Một bà tuổi vào khoảng 50; phía trước mặt tôi, ra vẻ giận dữ, quát tháo:
Những âm thanh than vãn, lo âu, nguyền rủa, lo sợ như rên siết, ... bỗng im bặt khi chiếc xe vừa qua khỏi một chiếc cầu nhỏ, và dừng lại. Ông tài xế xuống xe, và nói lớn:
- Xuống xe đi bà con ơi. Không đi tiếp được. Phía trước người ta chận lại rồi.
Tôi đưa mắt nhìn quanh bến xe Mỹ Tho. Đây là một bến xe nhỏ; nằm bên trái cạnh con đường lộ xuôi Nam. Tôi nhìn bà và cười mỉm cho qua chuyện.
Bà bảo cô cháu nhỏ đi mua một ít thức ăn, nước uống, và hướng về tôi hỏi:
- Cậu ăn uống gì chưa?
Tôi không trả lời và chỉ lắc đầu nhè nhẹ. Bà nhìn tôi như cảm thông cho một kiếp người. Không hiểu sao bà lại muốn làm thân với tôi, ngay giữa cơn đại hồng thủy đang trút xuống đầu bà.
Cô cháu bé mang 3 ổ bánh mì thịt và nước trà đá về đến. Bà chia cho mỗi người một ổ. Tôi không nhận ổ bánh mì; đầy tình thương mà bà dành cho tôi; như dành cho đứa con lưu lạc của bà. Tôi chỉ lắc đầu khi tay bà vẫn còn giữ ổ bánh mì ở trước mặt tôi. Hai cô cháu ngạc nhiên trước sự từ chối lòng tốt của họ. Bây giờ cô bé mới mở lời từ khi gặp tôi:
- Anh cố gắng ăn chút gì đi. Việc gì còn có đó. Anh đừng lo nhiều quá.
Sau một vài câu thăm hỏi đơn sơ, tôi đứng dậy và đi theo hai cô cháu người miền Tây.
Họ đưa tôi đi về phía bên kia con lộ, và đi dọc theo con sông mà tôi không biết tên. Chừng 70 hay 100 thước, họ rẽ trái và đưa tôi vào một ngôi chùa. Tôi cứ lầm lì theo họ như kẻ mất hồn. Bà thở nhẹ và đặt túi hành lý đơn sơ xuống một khoảnh đất nhỏ; được tráng lớp xi măng, nói:
Tôi nhã nhặn trả lời cho sự lo lắng của bà: - "Dạ. Tôi là lính Cộng Hòa." Bà tiếp với niềm kính mến: - "Cậu là sĩ quan Đà Lạt phải không?" Tôi đi từ sự kinh ngạc này, đến sự kinh ngạc khác. Tôi hỏi: - "Sao cô biết tôi là sĩ quan Đà Lạt?" Bà đưa mắt nhìn tôi, lòng đầy cảm phục, lo lắng: - "Tôi không biết." Bà đưa mắt về phía cô cháu, và nói một cách chắc chắn: - "Nó biết." Cô gái nhìn tôi, rồi đưa tay chỉ vào tay trái của tôi, cô nói vớ sự ngưỡng mộ: - "Chiếc nhẫn trên tay anh đó." Tôi nhìn bà cô mà lòng đầy ưu tư: - Dạ. Phải
Bà cô nhìn tôi tỏ vẻ lo lắng: - "Cậu đang muốn đi đâu?" Tôi nhìn bà mà lòng không ổn, trả lời: - "Tôi muốn đi Cần Thơ." Bà nói tiếp như lo lắng cho đứa con trai lưu lạc của bà: - "Cậu đi Cần Thơ làm gì? Quê cậu ở ngoài Trung mà. Sao không về tìm gia đình?"
Bà hỏi liên tiếp chẳng cần tôi trả lời. Tôi gục đầu nói nhỏ: - "Tôi muốn tìm tướng Nguyễn Khoa Nam." Bà giật mình, và nói nhỏ bên tai tôi: - "Tìm tướng Nguyễn Khoa Nam làm gì?"
Người thiếu phụ ngồi bên cạnh, im lặng một lúc lâu, nhưng chị bỗng lên tiếng khi nghe chúng tôi nói đến tướng Nguyễn Khoa Nam: -"Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát rồi."
Tôi như từ trên trời rơi xuống. Một nguồn tin làm tim tôi tê lạnh. Thế thì còn gì? Hết rồi. Hết đường cho tôi rồi. Tôi bình tĩnh và nhã nhặn hỏi chị:
- "Chị nghe tin này từ đâu?" Người thiếu phụ nhìn tôi, kính cẩn nói: - "Dạ em chạy ra từ trại gia binh của quân đoàn bốn ở Cần Thơ." Tôi hỏi: - "Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát lúc nào?" Chị trả lời trong đau khổ: - "Dạ. Sáng nay." Có nghĩa là tướng Nguyễn Khoa Nam ra đi sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Tôi hỏi: - "Chồng chị đâu? sao chị bồng cháu đi một mình?" - "Dạ. Chồng em bị thất lạc. Bây giờ em cũng không biết anh ấy ở đâu."Người thiếu phụ quay lại dỗ con ngủ.
- "Hay là cậu theo chúng tôi về quê của cháu tôi. Ba nó ở trong ruộng, cách Mỹ Tho khoảng 5 hay 7 cây số. Tôi gả nó cho cậu. Cậu thấy thế nào?"
Đúng là một chuyện lạ đời. Bà đã đưa tôi đi từ sự ngạc nhiên này đến một sự ngỡ ngàn khác. Tôi nhìn cô cháu. Ánh mắt của cô thoáng qua tôi thật nhanh nhưng tôi cảm giác được má cô đang rực đỏ dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn cầy sắp tắt. Tôi chưa trả lời câu hỏi của bà cô, thì cô gái mạnh miệng:
- "Anh đi không? Về với em đi?" Tôi thầm cảm phục lòng yêu thương của họ, nhưng làm sao tôi có thể theo họ được. Tướng Nguyễn Khoa Nam là người tôi cần, và phải gặp cho chuyến đi này. Không thể vì nguồn tin của người thiếu phụ mà tôi bỏ cuộc. Tôi nói nhỏ nhẹ, như muốn không làm buồn lòng cô cháu họ:
- "Dạ. Cảm ơn lòng yêu thương của cô. Tôi không thể theo cô và em được. Tôi chưa quyết định điều gì cả." Tôi nói nhỏ vào tai cô gái:
- "Cảm ơn. Anh không thể đi với em được."
Đêm hôm ấy, đêm ngày 1 tháng 5 năm 1975, cả ba chúng tôi không ngủ. Hai cô cháu khuyên tôi mãi, nhưng không được... Tôi nghĩ nếu giữ chiếc nhẫn trên tay thì khó mà lọt qua những chốt chận của quân du kích trên đường về Cần Thơ. Thế là tôi đứng dậy, và ra phía trước nhà chùa. Nơi đây có một số chậu hoa. Tôi bỗng có ý nghĩ là chôn chiếc nhẫn nơi đây để tránh những điều phiền phức xảy ra không cần thiết. Tôi lập tức moi một lỗ nhỏ kế chân cây hoa, và bỏ chiếc nhẫn mà tôi coi là sự sống vào chậu hoa và lấp đất.
Sáng
hôm sau, ngày 2 tháng 5 năm 1975, tin tướng Nguyễn Khoa Nam tự
sát loan truyền khắp bến xe Mỹ Tho. Thế là hết. Thật sự hết.
Và đời tôi được bao phủ bỡi một màng đen u tối từ đây.
Hôm nay là 47 năm sau cái ngày chôn chiếc nhẫn ấy. Không hiểu chậu hoa; mà tôi đã chôn chiếc nhẫn tại chùa có còn nguyên vẹn hay không? Hay đã có một sự đổi thay nào đó? Và ai đã có duyên thấy được vật qúy này. Tôi xin tặng nó cho người có duyên, như là kỷ niệm của một thời chinh chiến. Một chiếc nhẫn có ghi rõ: "TRƯƠNG VO BI QUOC GIA VIET NAM - Nguyễn Văn Thành - 28 - (71-75)".
Cảm tạ ngôi chùa; nơi đã một lần cho một sĩ quan trẻ Đà Lạt ngủ nhờ.
Tôi cũng cảm ơn lòng yêu thương của hai cô cháu, mà tôi không còn nhớ tên. Cầu mong hai cô cháu vạn phúc an khang, cho dù còn ở quê nhà, hay trôi dạt nơi đâu.
Các anh em binh sĩ Nhảy Dù thuộc trung đội 1, Đại Đội 151 thân mến;
Tôi đã làm điều mà tôi đã nói với anh em, trong lúc chia tay năm nào, một cách nhiệt thành. Tôi đã làm hết sức. Tôi đã dùng hết khả năng của mình. Tôi đã tận nhân lực. Bây giờ, các anh đã thành ông nội, hay ông ngọai rồi. Tôi chỉ mong ơn trên chăm sóc cho anh em và gia đình. Chúc Vui và hạnh phúc.
*****
Cứ vào mỗi tháng 3 và tháng 4 mỗi năm là tôi có cảm giác không yên. Tim tôi đau nhói, dù rằng áp suất huyết của tôi hiện tại đo được 117/79. Đó là áp suất huyết lý tưởng cho một người khỏe mạnh. Bụng tôi cồn cào. Nhất là năm nay, tháng 3, và 4/2022. Sau khi thưởng thức món ăn thức uống mà vợ tôi lo lắng, tôi vào phòng, và đóng cửa lại. Vợ tôi nhìn tôi mà lòng xót xa:"Thôi đi anh. Lâu rồi mà. Mình cũng được. Không cần tự hành hạ mình nữa đâu." Tôi biết chứ. Có ai lại khờ khạo đến mức tự hành hạ mình đâu. Tôi vẫn còn tráng kiện và tỉnh táo mà. Tôi cứ mãi đi ra, đi vào; thẩn thờ như kẻ mất hồn. Tự tìm kiếm và hỏi cao xanh, nhưng tôi vẫn không tìm ra PHƯƠNG THUỐC để chữa VẾT THƯƠNG năm xưa. Vết Thương gì mà không tìm được thuốc chữa, dù rằng cơ thể của tôi vẫn còn nguyên vẹn, và đã qua 47 năm rồi?
Hôm nay Chủ Nhật 10/4/22 đi thắp nhang giỗ bạn lần thứ 47: Nguyễn Văn Nhành K27 (TĐ1/Dù) - Tử trận 21/4/1975 tại Long Khánh (Nhành mất sau TTAnh 1 tuần lễ). Ngày 21/4/75 trùng với ngày 10/3 Âm Lịch, là ngày giỗ tổ Hùng Vương. Năm nay ngày Âm Lịch và Dương Lịch trùng nhau.
Thương
tiếc người bạn cùng khoá 27. Ra trường cuối cuộc chiến; nhưng đã có 5
người chết ngoài mặt trận, 6 người chết trong tù cải tạo, 26 người chết
vì tai nạn bệnh tật; vô cùng thương tiếc cho các bạn đã ra đi sớm
Hình nầy là hai thầy trò Đích Thân Ngọc Trọng ĐĐtrưởng/ĐĐ91/TĐ9/ND! Anh Trọng hiện ở Houston TX. NDCG
***
Khoảng 8 giờ sáng ngày 1/5/1975, tôi đi từ bến Bạch Đằng lên bến Chương Dương
Sau lưng tôi là đoàn quân CSVN chỉa súng dọc hai bên đường. Họ với tôi đi cùng hướng Gần tới bến Chương Dương Tôi hoảng hồn khi thấy hai anh lính Nhảy Dù ngược chiều trên đường Quân phục thẳng nếp: một Trung Sĩ Nhứt và một Hạ Sĩ
Có vài người đi trước và sau tôi la lên báo động cho hai anh lính Nhảy Dù:
- “Tụi nó tới rồi đó... Tụi nó đang đi đằng sau kìa...!”
- “Việt Cộng ở đằng sau kìa...!”
Hai anh lính Nhảy Dù hơi ngẩng cao đầu một chút rồi thản nhiên bước tới...với vẻ mặt như cười cười...Tôi lạnh người...khi chợt hiểu ra hai anh toan tính gì...Nhiều người cũng chợt cùng ý nghĩ...
Một phụ nữ đi trước tôi níu tay anh lính:
- “Đừng!...Đừng làm vậy...!!”
Anh lính Nhảy Dù gở tay chị ra rồi tiếp tục bước tới...
Chị khựng lại bật khóc:
- “Trời đất ơi!... Trời đất ơi!...”
Mắt tôi mờ đi...và chạy vội về phiá trước...để khỏi nghe thấy những cái hãi hùng...
Thế là,
LÍNH NHẢY DÙ !!
Hai anh lính Nhảy Dù
Lẫm liệt vào...thiên thu...
Rồi,
Những năm dài...”cải tạo”
Hốc hác đói chao dao
Lao nhọc dưới đòn thù
Hình ảnh bi hùng tráng...
Hai anh lính Nhảy Dù
Chúng tôi cùng... lang thang...!!
Trải qua lắm trại tù...
Đêm mơ... chờ trời sáng...!!
Sư Đoàn Nhảy Dù
Lính Nhảy Dù
Áo anh hoa màu máu
Chiến trường lên cơn bão
Nón sắt đội mưa pháo
Lính Nhảy Dù nhảy vào
Diệt thù... ngưng đạn đạo
Bến Hải... đến Cà Mau
Giữ an cho đồng bào
Em thơ vui đi học
Những cặp tình yêu nhau...
Sư Đoàn Nhảy Dù
Lính Nhảy Dù
Thế cờ... vào cơn bĩ...
Nợ nước còn nặng mang
Hải hồ chưa thỏa chí
Lã chã... mưa... tan hàng...!!
Ngùi... giã từ vũ khí
Trăng khuyết... sầu mang mang
Khói thuốc vờn... suy nghĩ
Chiến hữu... thời dọc ngang
Tây Nguyên chiều... chiến lũy
Sương trắng bay ngút ngàn...
Sư Đoàn Nhảy Dù
Lính Nhảy Dù
Mất Nước
Mất Sư Đoàn Nhảy Dù
Trường Sơn nghiêng... điạ chấn
Xót... Sư Đoàn Nhảy Dù...!!
Cửu Long cau mặt sóng
Khóc... tử sĩ Nhảy Dù...!!
Hỡi ôi...!!
Núi Sông hồi mạt vận
Chiến mã hoài... công phu
Bao năm trời lận đận
Sông Núi chuỗi... mịt mù
Trắng mây về... vô tận...
Trường hận...ngùi... thiên thu...!!
Nguyễn Minh Thanh
(Cảm xúc theo “Hai Người Lính Dù...” tác giả - Bùi Anh Trinh)
No comments:
Post a Comment