Wednesday, September 21, 2022

Phan Văn Thìn K19 - TRƯỜNG MẸ SAU 15 NĂM XA CÁCH

Người Lính Võ Bị Năm Xưa
- Phan Văn Thìn K19/SQ/CB/ĐĐA/SVSQ/TVBQGVN

(Tango Bui chuyển)

Tôi đứng đây thật lâu để nhìn về thành phố Đà Lạt, nhìn lên ngọn núi Lâm Viên sừng sững dưới ánh nắng hiền hoà, bầu trời xanh ngắt vào những ngày sắp Tết. Và tôi đã được đứng ở đây với 3 thời điểm khác nhau của một thời gian dài trong đời tôi ...

 ----------------------------------- 

 

Đại Uý Thìn K19

1. Vâng tôi đã đứng dưới cầu thang doanh trại giữa đại đội AB và CD (giữa 2 doanh trại cong cong) vào những ngày cuối tuần ứng chiến, để nhớ người mình yêu của thuở Sinh Viên Sĩ Quan bay bướm, hào hùng, để nhìn đỉnh Lâm Viên in trên nền trời Đà Lạt ngát xanh ... 

2. Tôi cũng đã đứng đây khi tôi là Sĩ quan cán bộ để nhìn, quan sát các Sinh Viên Sĩ Quan đàn em của tôi đang ca khúc quân hành sau giờ học Văn hoá về doanh trại, hay theo nhịp quân hành lần lượt bước vào Phạn xá dùng bửa cơm trưa.

 

 

SVSQ Diễn hành trưa giờ cơm trưa

3. Và bây giờ tôi cũng đứng ở đây để nhìn về thành phố Đà Lạt thân thương, nơi đó có vợ hiền của tôi đang vất vả kiếm ăn hàng ngày ngoài chợ trời đầy nắng bụi để nuôi đàn con còn nhỏ dại, và cũng nhìn đỉnh Lâm viên kiêu hùng mà tôi đã hơn 5 lần leo lên đó từ thuở học trò cho đến khi là một Sĩ Quan Cán Bộ của TVBQGVN. Lần này tôi đứng đây để chờ thằng con trai nhỏ hâm lon cơm đựng trong lon "guigoz" sau một buổi lao động mệt mỏi trong giờ nghỉ trưa.

Cầu thang ĐĐ C

Vâng bây giờ tôi đang làm một tên thợ sơn, để sơn vài căn nhà nhỏ cho trường Lục Quân 2 của VC - Trường Mẹ của anh em mình đã bị đổi tên ! Trưa nay trời Đà Lạt vẫn xanh, nắng Đà Lạt vẫn hanh vàng ấm áp, và thông Đà Lạt vẫn reo vi vu như ngày nào. Nhưng riêng tôi vẫn cảm được rằng mình đã không được như ngày trước khi đứng ở đây (dưới cầu thang doanh trại Đại Đội C). Cho nên tôi ao ước ... thật nhiều.

Đầu năm 1990, anh Bùi Văn Đoàn người bạn cùng khoá của tôi làm phụ tá cho một nhà thầu. Đoàn từ Saigon lên Đà Lạt thu xếp tìm nhân công, chuẩn bị để xây cất một căn nhà cho các SQ cao cấp của bộ đội BV về tu nghiệp. Nhân dịp này Đoàn đến thăm tôi, thấy tôi đang làm nghề thợ sơn (sơn xe đạp, cửa sắt, nhà cửa...) nên Đoàn nhờ tôi lãnh phần sơn cho công trình của nhà thầu mà Đoàn đang làm phụ tá.

Tôi mừng vì có việc làm, chia gánh nặng với bà xã và quan trọng nhất là sẽ được vào nhìn lại trường Mẹ sau 15 năm xa cách.

Mấy cái sân bóng chuyền sau doanh trại D và C gần phạn xá bên kia con đường nhựa, ngày xưa chiều chiều khi cơm nước xong, hay những ngày cuối tuần ứng chiến, Sinh Viên Sĩ Quan rỗi rảnh thường tụ tập tại đây đập vài đường banh cho đỡ buồn... Nay bọn chiếm trường muốn biến nơi đó thành khu vãng lai, xây 4 căn nhà nhỏ bằng ván lợp tôn. Tôi và đứa con trai thừ nhì lãnh phần sơn phết 4 căn nhà đó.

Tên Trung tá VC, quản lý quân trường, phụ trách công trình xây cất nhìn cái máy sơn do tôi lắp ráp và cái súng phun sơn củ kỹ của tôi, hắn rất thích và cho là dụng cụ cực kỳ tối tân, nên ngõ ý nhờ tôi sơn thêm vài chỗ khác của trường. Nhờ vậy hắn đã đưa tôi đi coi nhiều chỗ trong trường.

Lần này không có SQ khoá sinh về thụ huấn, công việc dễ dàng nên tôi có nhiều dịp quan sát quanh trường cũ.

Phạn xá

Tôi đã đến Phạn xá, nước sơn màu hồng ngày xưa vẫn còn đó, nhưng tường loan lổ nhiều nơi vì chả bao giờ được quét vôi lại. Cửa kính bị bể vỡ hay tháo gỡ đi một phần. Phạn xá vắng vẻ nghèo nàn, dơ dáy. Khu chính giữa kê vài dẫy bàn ăn, hai bên trống trơn, mấy trăm bàn ghế ngày xưa của anh em mình bọn chúng đã đem bán hết. Tấm màn nhung treo trên tường ngay khu giữa, nơi các Sĩ Quan trực Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan ngồi ăn, nơi đọc nhật lệnh hàng ngày, đã được VC mang may quần áo. Nhìn thấy cảnh trống vắng của khu Phạn xá tôi buồn và nhớ những ngày xưa vô cùng ... Biết bao hình ảnh từ Tân Khoá Sinh đi đứng ăn uống vuông góc, đến dạ tiệc mãn khoá mà lòng đau như cắt.

SVSQ Phan văn Thìn K19

Từ Phạn xá nhìn ra sân cỏ Alpha, tự nhiên nước mắt tuôn rơi. Sân cỏ không được chăm sóc nên cỏ mọc bừa bãi và lỗ chỗ như đám khoai lang.

Hai dãy doanh trại vẫn còn ngạo nghễ nhưng u buồn, ảm đạm, nơi đó biết bao chàng trai trẻ đã ngày đêm thụ huấn để trở thành những sĩ quan anh hùng với bao chiến công đi vào lịch sử của dân tộc. Nay tất cả đều cũ kỹ tối tăm, cửa đóng im lìm vắng lạnh. Sau Phạn xá mấy dãy nhà vòm thợ giặt cũng đã biến mất từ lâu.

Anh em mình còn nhớ 2 cái nhà tôn ở giữa 2 khu doanh trại không? - dành cho thợ giày, thợ hớt tóc và linh tinh ngày xưa đó. Bây giờ bên trong 2 căn nhà này bọn VC xây một bể nước thật to, chiếm gần hết căn nhà, cao chừng 1 mét, nơi SQ Việt cộng tắm rữa hàng ngày, vì trong doanh trại các hệ thống nước và WC đã đi vào lịch sử. Trong một phòng tắm của doanh trại(Đại Đội C) tôi vẫn còn thấy 2 phuy xăng dùng chứa nước, bây giờ doanh trại cũng không có nước để chứa.

Phía sau 2 nhà này họ dựng mỗi nhà 1 dãy cầu tiêu độ 20 cái. Loại nhà cầu chúng cho là hiện đại và tiết kiệm vì dùng phân và nước tiểu để làm phân bón cho rau cỏ và cây cối! Vì thế ngay sau doanh trại đầy những dẫy trồng khoai lang, dây sắn. Hệ thống giao thông hào ngày xưa nay trồng toàn rau muống "cải thiện". Nhìn mà tức anh ách chán chường!

Dưới gầm (Basement) của doanh trại, ngày xưa là phòng Văn Khang của 8 Đại Đội Sinh Viên Sĩ Quan, do các khoá từ 22 đến 31 đã bỏ bao công sức và giờ tuỳ quyền, cũng như những giờ phút quý báu cuối tuần để dựng nên mỗi Đại Đội một phòng Văn Khang rộng độ 2 hay 3 phòng ngủ. Phòng Văn Khang của 8 Đại Đội cái nào cũng thật đẹp, thật gọn gàng, ấm cúng và rất văn nghệ, để những lúc ứng chiến, cấm trại hay giờ tuỳ quyền Sinh Viên Sĩ Quan có nơi giãi trí. Ở đó có bích báo, có bánh kẹo, có cà phê, có hệ thống đèn màu chớp nháy và hệ thống nhạc thật hay, không thua gì nhạc và cà phê Tùng Đà Lạt. Tất cả đều do Sinh Viên Sĩ Quan làm, tự phục vụ, và do Sinh Viên Sĩ Quan ban 4 đảm trách. Nay đã bị tụi VC phá tan tành và lấy hết những đồ vật trong phòng làm của riêng (khi di tản toàn bộ của cải đó Sinh Viên Sĩ Quan để lại y nguyên). Bây giờ chỉ còn sót lại lờ mờ vài hình ảnh do các Sinh Viên Sĩ Quan vẽ ngày xưa!

Trước đó VC đã đặt tại nơi đây nhiều cầu tiêu tái tạo phân bón! Tôi đã đến phòng Văn Khang Đại Đội A đại đội của tôi ngày xưa và tim tôi đã đau nhói khi thấy trong đó vẫn còn dấu tích của loại nhà cầu đó, trên tường vẫn còn lờ mờ hình vẽ một Sinh Viên Sĩ Quan cầm kiếm... Thật não nề... Ôi cung kiếm bây chừ mi ở đâu!

Khu nhà Văn Hoá

Khu Văn Hoá vắng vẻ, nghèo nàn, đầy rác rến dơ dáy. Những bảng đồng trên ghi ý đẹp thanh cao ở khu Văn Hoá và ở những doanh trại khác được VC tháo gỡ và đem bán ký hết rồi. Trước nhà Văn Hoá cạnh Bộ  Chỉ  Huy bọn chúng để 1 cái xe tăng T54, trông thật kịch cỡm dễ ghét.

Hàng ngày tôi đi làm hay đi về phải đạp xe đạp quanh khu Vũ Đình Trường Lê Lợi, Miếu Tiên Sư, đổ dốc qua khu gia binh, leo dốc qua khu doanh trại bên Quang Trung, cổng trại Lý Thường Kiệt ra khu Chi Lăng.

Vũ Đình Trường Lê Lợi

Vũ Đình Trường  giờ đây thật tang thương, cũng như sân cỏ Trung Đoàn, cỏ mọc tới đầu gối và lỗ chỗ những lỗ đào để trồng khoai, sắn.

Đài Tử Sĩ vẽ hình HCM chiếm hết cả bức tường cong cong trên ghi mấy dòng chữ "Không có gì....".

Tôi đã nhiều lần đứng trước Đài Tử Sĩ, nhắm mắt lại để không thấy hình HCM, và cầu xin những người đã khuất phù hộ cho chúng tôi - Những người còn sống trong tủi hờn và mất mát. Phía sau Đài Tử Sĩ vẫn chỉ là khoai với sắn.

Đài Tử Sĩ

Hai dãy khán đài Lê Lai và Lê Lợi giờ đây trơ trụi, mái tôn đã bị bọn chúng tháo gỡ đem lợp nhà riêng hay đem bán, ngoại trừ một vài tấm cong quẹo đầy lỗ là còn lại. Ván lát khán đài cũng được tháo gỡ vô trật tự nên chỉ còn lại những tấm gẫy mục rêu phong.

Miếu Tiên Sư hoang tàn, đầy lau sậy cỏ dại vây quanh.

Khu Gia Binh ngày xưa được dùng làm khu gia binh VC bây giờ. Cư xá Sĩ Quan Lý Thường Kiệt ngày xưa bây giờ là chỗ trú ngụ của chúng. Đã thế chúng còn che chòi, che láng thêm ra trông thật lộn xộn để nuôi thên heo, gà, vịt. Trước sân đánh luống trồng khoai lang, bờ rào thì trồng sắn. Khu cư xá bên bờ hồ Than Thởcũng tương tự như vậy. Cổng Lý Thường Kiệt cũng thế, những cái nón cối được thay thế cho anh em Quân Cảnh ngày xưa.

Những cây Tùng trước doanh trại, mỗi Đại Đội 4 cây. Khikhoá tôi đang thụ huấn thì chỉ cao hơ đầu tôi một tí, và phải tưới nước hàng ngày, bây giờ đã cao lớn hơn nóc doanh trại, cành lá um tùm làm cho doanh trại tối tăm u buồn thêm. Hình như chúng cũng cảm thông được với trường Mẹ và không muốn cho ai nhìn thấy nước mắt Mẹ ngấn đọng lưng tròng. Dáng dấp Mẹ vẫn còn đó, nét kiêu hùng vẫn y nguyên, nhưng hoang tàn và man rợ đã làm cho lòng Mẹ rũ buồn!

Tóm lại trường Mẹ mỗi thứ đều bị cắt xén và không được tu bổ, chỉ có cỏ dại, giây lang và gốc mì, rau muống, là mọc thoải mái thêm thôi.

Hơn một tuần làm việc thì tên Trung tá VC phụ trách việc xây cất đã biết tôi và anh Đoàn là những Sĩ Quan tốt nghiệp ở đây (có thể những người làm chung nói lại, hay thấy chúng tôi hiểu biết quá nhiều về trường). Một hôm tôi và Đoàn bàn chuyện xây cất và nói chuyện tầm phào với hắn thì hắn mới nói rằng: "Tôi biết các Sĩ Quan tốt nghiệp ở trường này ra đều ghê lắm, đánh phá chúng tôi đến cùng. Sau khi chết vẫn còn đánh phá (nguyên văn)".  Không biết tên này thực lòng phục anh em mình hay hù dọa chúng tôi. Y kể rằng trường Võ Bị bây giờ có rất nhiều ma hiện về khuấy phá các Sĩ Quan VC về thụ huấn. Đó là anh hồn của những  Sinh Viên Sĩ Quan đã tốt nghiệp ở đây, thường về phá phách dữ dội, làm bọn chúng kinh sợ. Dữ nhất là hồn ma tự xưng tên là Anh Vũ luôn đuổi bọn chúng ra khỏi phòng. Nhiều tên ra Đà Lạt hỏi dân chúng và những người bán hàng kỳ cựu ở đây coi ông Vũ là ai?

Sau đó họ mua nhang đèn vàng bạc về phòng cúng bái, lập bàn thờ ngay ở trong phòng. Người dân Đà Lạt đâu có lạ gì cái tên Anh Vũ, Sinh Viên Sĩ Quan thủ khoa khoá 18. Họ biết, họ hiểu và ngấm ngầm ủng hộ hành động của hương hồn anh, và những hương hồn của các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị trở về làm chủ doanh trại mà Anh Vũ cùng huynh đệ ngày đêm canh giữ.

Nhân một buổi nghĩ trưa, tôi đã lén mở cửa một phòng ngủ đầu tiên của Đại Đội C cũ, ngay chỗ tôi đang nghĩ trưa. Tôi thấy trong phòng trang bị y như ngày xưa cho 2 người ngủ, cũng giường sắt, cũng tủ, cũng bàn ghế và kệ sách của anh em chúng mình dùng ngày trước. Nhưng trên kệ sách nào cũng đều có một lư hương nhỏ trong còn vài chân nhan mầu đỏ.

Trường Mẹ;
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam của chúng ta sau 15 năm đổi tên là thế đó!

Diễn hành cơm trưa mùa hè

Và cho đến bây giờ tôi vẫn luôn luôn ao ước được đứng nơi đây, dưới chân cầu thang  doanh trại thêm một  lần nữa. 

4. Lần thứ tư này tôi sẽ được nhìn các Sinh Viên Sĩ Quan con cháu của chúng ta đang ca khúc quân hành sau giờ học văn hoá để trở về doanh trại, rồi chuẩn bị đi diễn hành đến phạn xá dùng bữa cơm trưa. Cho dù lần này tôi phải chống gậy run run cố gắng để đứng nhìn, hay phải ngồi trên chiếc xe lăn do một đứa cháu ngoại hay cháu nội đẩy đưa ...

Và nếu lần thứ tư này tôi không được trọn niềm mơ ước, thì sau khi lìa đời, tôi sẽ tạ từ vợ con, vĩnh biệt các anh em bạn bè thân thương, rồi tôi sẽ bay vút về Đà Lạt để thăm quê hương, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, thăm mồ cha mẹ, bạn bè - Những người còn kẹt dưới bóng quân thù.

Tôi sẽ bay lên đỉnh Lâm Viên một lần nữa để nhìn về thành phố Đà Lạt. Xong tôi sẽ bay về trường Mẹ để cùng các niên trưởng, niên đệ của tôi tham gia đoàn quân Ma bảo vệ Mẹ và đánh phá kẻ thù để lấy lại những gì đã mất.

----------------------------------

Comments:
* Long Vo
Năm 1969 tôi ở đại đội A, đại úy Phan Văn Thìn là Sỹ Quan cán bộ đại đội trưởng. Ông rất yêu thương đàn em.
 
* Ha Hồng Suong
Đọc bài của Niên trưởng (xin phép được gọi như Ông xã gọi khoá đàn Anh) và tấm hình chụp Cổng Nam Quan mà rơi nước mắt... Giờ biết tìm đâu ? Còn đâu mà tìm !
TRƯỜNG MẸ KÍNH YÊU
Cảm ơn Niên trưởng thật nhiều ; kính chúc sức khoẻ , mọi sự bình an .
Nhìn lại trường MẸ mà quá ngậm ngùi. Những đứa con của Mẹ giờ đã tán lạc mọi phương trời. Đọc mới thấy NT Thìn còn may mắn được một tuần thăm lại trường Mẹ dẫu cõi lòng NT chắc đã quá héo hon.
Bây giờ mới thấy tại sao Trường VB dạy cách phân loại sách theo Dewey trong một học kỳ. Lúc học thì không thấy công dụng nhiều nhưng quên là khi đi tìm thì chỉ nhìn mấy con số đầu trên gáy sách thì biết ngay mình không đúng và cũng đoán phải đi ngược lại hay đi xa thêm để tìm được chủ đề muốn tìm. Thước tính, computer dạy giải phương trình vi phân khi phóng hỏa tiễn và phi đạn, thí nghiệm turbin khí, định phân tỷ số Octane của nhiên liệu, v.v. Thì ra Trường Mẹ đã chuẩn bị tỉ mỉ, rõ ràng cho các đứa con của mẹ. SVSQ không bao giờ choáng ngộp như vậy khi đi tìm sách. Có thể các trường đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp dân sự không được học phương pháp này rồi đó. Do đó ít ai chịu suy nghĩ những con số này có mục đích gì ?
Phuong Nguyen Thưa niên trưởng ! Dù chưa học được đến nơi đến chốn như các niên trưởng Khoá 27 trở về trước nhưng tôi nhận thấy chương trình văn hoá của trường VB mình sắp xếp rất tỉ mỏi khoa học. Trong một tháng SVSQ theo đổi thời gian tới mình sẽ học môn gì , bài gì để đọc trước hoặc thư viện mượn sách tham khảo về đọc thêm. Các giáo sư căn dặn số sinh viên năm thứ nhất của tôi phải nắm chương trình đại cương năm thứ nhất thật kỹ, nếu không bắt đầu lên năm thứ hai sẽ đuối. Nhiều niên trưởng năm hai , năm ba đi canh tuần cứ than thở là đa vào lính rồi mà còn phải cày văn hoá cực quá. Cuối năm thư nhất , trường chọn 25 SVSQ khoá 30 xuất sắc lập thành lớp Toán ƯU.Nếu chăm chỉ học sẽ giỏi và các giáo sư rất thân thiện .
Buon !
 
* Đinh Công Trứ
Được tin NT Phan Văn Thìn khóa 19 từ giả cõi đời tại Hoa Kỳ, không biết có phải NT Thìn vừa mất có phải là NT Thìn, tác giả bài này không. Khóa đàn em vẫn nhớ "Đại Úy Thìn" Sĩ quan cán bộ ĐĐ B và cảm khái tâm trạng của NT khi trở lại trường cũ sau 15 năm đổi phận trong bài viết này. Nếu NT đã ra đi, mong NT trở về nhìn Trường Mẹ lần nữa rồi hòa vào những anh linh ngự trên cao mà khóa đàn em tưởng niệm trong nững đêm truy điệu ở Đài Tử Sĩ.
 
* Thành Phan Văn
Đinh Công Trứ Bài viết này Niên trưởng Thìn viết từ năm 1990, có lẽ mới biết tin NT Thìn qua đời nên Kimquy Tran đã đưa bài viết lên (26/12/2020); Một tưởng niệm!
 
* Long Vo
Năm thứ 2 tôi ở đ/đ A của đại úy Thìn.
 
* Tiem Cao
NT chắc không tròn ước nguyên , nhưng nay cùng trở về với những anh linh của các CSVSQ VB. Sống không bảo vệ được thì thác cũng phải ra sức giữ gìn.
Đọc bài của NT mà nước mắt cứ rơi !
 
* Trần Tấn Rần
Đọc bài viết này của Nt mà tôi ngẹn ngào quá nhớ về trường mẹ
 
* Phung Mai
Đọc bài này sau cáo phó, thấy thương anh và nhớ Trường Mẹ. Anh là một SQCB dễ thương nhất thời k24.
Nay tiễn anh về nơi miên viễn, cầu mong anh an lạc, phù độ đất nước .
 
* Thach Nguyen Duc
Mấy ngày trước, thấy cáo phó của gia đình NT đăng, tôi đã mang về Facebook của mình để cho các anh em Cựu SVSQ trường VBQGVN biết. Nay lại được đọc bài viết này của NT sau thời gian đi tù về lòng lại càng buồn hơn. Nhớ mãi hình ảnh của anh thời làm ĐĐT,nhỏ nhắn,hiền lành, ít nói, ngày hai buổi đi về trên chiếc Vespa đời cũ và cái bê rê đen không lúc nào thiếu trên đầu.
Giờ chỉ còn biết cầu mong cho NT ra đi thanh thản và đạt được điều mong ước trong cỏi vĩnh hằng.
 
* Phuong Nguyen
Hai người tôi gặp gần như mỗi ngày là Niên trưởng Thìn, SQCB/ĐĐT/ĐĐ A SVSQ và Đại úy Thái, Trưởng khoa vũ khí vì tôi ở đại đội B. Người trước ở trên lầu, người sau ở dưới gầm đại đội A. Họ cùng đợt với Đại úy Hữu và Đại úy Ân, đều là những Niên trưởng đáng kính, không bao giờ dùng uy quyền để bắt nạt đàn em. Vậy mà kỹ luật lại tuyệt đối nghiêm minh hơn sau này. Cầu mong Niên trưởng Thìn ra đi trong thanh thản.
 
* Lưu Lạc
Dalat luôn nhớ Nt Thìn .
 
* Lan Le
Đọc xong ,,sao nước mắt chảy dài ,, buồn
 
* Nguyen The
Cùi út G31 đã 3 lần thăm Trường Mẹ nhưng chỉ đứng trước cỗng Nam Quan nhìn vào ... tháng 9/ 2020 
 
* Duc Lanh Nguyen
Nguyen The Nó cho mình vào tới cổng NQ sao? anh đi vào đó bằng đường nào? Thái Phiên?
 
* Nguyen The
Duc Lanh Nguyen : Đường Thái Phiên ... đến Hồ Than Thở ( nay là khu du lịch ) và chạy hết đường là gặp một cây Xăng ( sau này sau 1975 ) là cổng mới ( Học viện lục quân 2 ) . Nhìn xéo lên phía tay phải là cỗng Nam Quan cũ kỉ rêu phong chỉ còn cái dáng ... mà thôi 
 
* Duc Lanh Nguyen
Nguyen The họ cho mình vô tới cổng NQ ?
 
* Nguyen The
Duc Lanh Nguyen : cỗng mới sau 1975 ... nhìn xéo vào ... làm gì mà họ cho mình vào cỗng Nam quan .
 
* Duc Lanh Nguyen
Nguyen The TƯỞNG HỌ CHO mình vào tới cổng thì tôi sẽ đi vào thăm, Thái Phiên bây giờ ra sao anh, gửi anh tấm hình 2 anh K 31 TM Quân và LH Phong + tôi và 1 k 28 nữa là NV Xưa nguyên tiểu đoàn trưởng TKS 31 đợt 2.Mới chụp hôm qua.
 
* Nguyen The
Duc Lanh Nguyen :Cám ơn NT và Các bạn cùng khoá . Riêng tỉnh BRV Tàu AE nhà Cùi luôn Hạnh ngộ ... có NT Khoá 16 ( NT Kiệt ) đầu đàn luôn động viên và yêu thương ... ( Tình VB ... hể xuống núi là tìm nhau ) .
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

No comments:

Post a Comment