Friday, September 23, 2022

21. MÙA XUÂN NÀO EM CÒN NHỚ ? Huỳnh Văn Lượm K17/LĐPhó/TQLC

30/04/1975. Theo âm-lịch thì ngày này vẫn còn là mùa xuân. Câu hỏi được làm đề tựa cho bài viết này, ai cũng đoán ra là mùa xuân 1975. Xuân thường ý-nhị, tươi thắm, tình nồng-nàn. Nhưng xuân 1975 mang nhiều bộ áo khác nhau. Tôi thì nghĩ rằng, mỗi bộ áo đó không phản ảnh những khía cạnh của 1 mùa xuân nói chung. Mà rằng, mỗi bộ áo chính nó là một mùa “xuân”, và nhiều bộ áo thì có nhiều ý xuân khác nhau trong cái
“xuân chung 1975”.

 ------------------------------------------




Mùa xuân 75, với “Bên Thắng Cuộc” đương nhiên là tưng-bừng, hả hê. Tuy thế, hãy cẩn-thận. Vui đậm thì buồn cũng phải đến (là thế xoay vần của trời đất), và hẳn cũng buồn đậm, buồn thảm! Vay trả có luật của nó.

Người di-tản 75 + kẻ vượt biển, vượt biên từ đấy đến nhiều năm sau, lúc đầu thật thổn-thức. “Em còn nhớ mùa xuân”, bài ca nhạc của Ngô Thụy Miên cũng đã khiến người rơi lệ. Thế nhưng mươi năm sau thôi, tình-tự có khác trước. Xuân xưa trong ta chỉ là cảm-xúc nhất thời.
Thời-gian qua, cuộc sống bon-chen xứ người cuốn hút lấy ta. Một số gặp lại người thân, thì ca bài ca “hội ngộ, đoàn tụ”. Kẻ mà thời-gian và không gian là yếu tố chính cho những cuộc tình của họ, thì phần đông mất-mát, cay-đắng. Thế là những bài hát sau thành phong-trào : “10 năm tình cũ”, “10 năm yêu em”, “10 năm đợi chờ” .. đã thay thế “em còn nhớ mùa xuân”. Xuân đi qua, và “xuân đó không hề trở lại”, chỉ có “xuân mới” đang đến, sắp đến .. e xa lạ.

Người ở lại, còn trong nước : - kẻ đi tù cải tạo thì cứ tự nhiên mà đi, - những thiếu nữ còn trong yêu đương thì chờ đợi ngày về của bạn tình, - phụ nữ thì chờ chồng, và có thêm con dại, phải bươn-chải mưu sinh, - (còn ai thỏa hiệp) thì cứ đường ta đi tới. Khỏi bàn đến dạng sau cùng.

Nhưng “bên thắng cuộc” không để “kẻ bại” được yên. Áp-chế, bạo lực, cướp-đoạt .. nhận chìm “kẻ thù” xuống tận đất đen. Biết bao chuyện đau thương được kể. Là những thảm cảnh, mất mát, ly tan, chết-chóc, tù đày ..

Niềm đau thì không thể so sánh. (Anh bất hạnh hơn tôi sao?). Tuy vậy, người từ nửa vòng trái đất xa khơi, hay nói rõ hơn, từ bên kia bờ Thái Bình dương, có than-thở thì cũng “dễ thở”. Mà kẻ ở tù chắc khác : “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Ai từng ở tù, mới cảm-thông với câu nói trên. Tôi có 1 người bạn đồng tù. Từng đêm không ngủ, từ miếng nhôm pha thép cứng rắn, mài thành những chiếc lược. Cò chạm khắc lên miếng nhôm-thép những hàng chữ : “Đương quân hoài quy nhật. Thị thiếp đoạn trường thì”.

Bạn tôi, Huỳnh Văn Lượm, Cựu Trung Tá chế độ cũ (VNCH, khóa 17 VBQG ĐL, Lữ Đoàn Phó 1 LĐ TQLC) + 1 bạn cùng khóa 16 VBQG ĐL với tôi, PVN + tôi, 3 người hay tụ-họp vào chúa nhật tại Trại Giam Vĩnh Quang A. Tôi không có quà, chạy chân sai vặt, nhóm bếp, coi lò, nấu nướng. Nói thì nói vậy, Lượm không mặc tôi lăng xăng, mà nhiệt tình tiếp tay, dù phần lớn quà thăm nuôi đều đến với Lượm, giữa 3 chúng tôi.

Ăn uống, trò chuyện. Rất tế nhị không hỏi sâu về tình-trạng gia đình của nhau. Đều là vu-vơ cho chóng qua ngày tháng. Tên PVN thì từng học piano, phong cầm, nên thích nói về nhạc. Ở đây không có các phương tiện, nhạc khí. Lượm thì cũng giống tôi, thơ văn “đầu môi cuối mắt”. Thế mà cũng qua được 7 năm.

1982, chúng tôi chuyển Trại, từ Bắc xuôi tàu về Nam. Tôi không cùng chung xe, toa với 2 bạn trên. Về Nam, dù hình thức nào cũng là niềm vui cho đại-đa-số tù nhân. Không ai cô đơn. Hai người chung với nhau 1 “cái còng”. Ăn uống bên nhau. Đại, tiểu-tiện có nhau. Bị dân (tại Đồng Hới khi tàu ngang qua ban ngày) ném đá, ráng tránh, nhờ cửa tàu nhanh chóng được đóng lại, nhưng đều “hốt hoảng” chung.

Cùng ở Trại Z30A, Gia Ray Long Khánh. Lượm ở đội nhà bếp. Tôi thuộc đội 19. Có lẽ PVN ở đội 21. Chúa nhật được nghỉ, tự do họp mặt, tự do nấu nướng. 3 người chúng tôi cũng thường chung nhóm. Nay thêm người này, mai thêm người khác. Không còn bị giám sát chặt chẽ như lúc còn ở ngoài Bắc.

Một hôm, tôi gặp PVN (2 đội ở gần nhau - có khi cùng ra ngoài “cuốc đất lật cỏ” trên những thửa đất gần cạnh nhau), nghe N. nói rằng vợ + con của Lượm đến thăm chồng. N. nói “Có điều thấy nó có vẻ buồn”. Thăm nuôi mà buồn. Chắc gia đình có người đau ốm nặng, hay không may, có người “..”. Chỉ N. xuống nhà bếp, gặp và tâm sự với Lượm mới biết nội-tình.

Hai hôm sau N. mới nói cho tôi biết, nhờ gạn hỏi Lượm. Lượm không muốn than-vãn chuyện mình. Vợ Lượm đến báo tin cho chồng biết mình sẽ đi xa, không trở lại. Sơ khởi, con được giao cho bà nội, và trong tương lai sẽ tạo điều kiện đón nó (nội dung để lộ chuyện cô ta sẽ chính thức đi Pháp - không hiểu vì sao chỉ mỗi mình cô, và con phải giao cho mẹ Lượm). Theo N. thì bên trong không đơn giản. Ly-biệt là đây.

Ít ngày sau, Lượm gặp tai nạn. Chảo lớn nước sôi, trước khi đổ gạo vào, thì Lượm vào trước. Lượm chết. Vĩnh biệt cũng là đây.

Chuyện kể về tình xa của 2 bên bờ đại dương, rồi chuyện tình đời - thường là phụ nữ xa chồng, trong áp lực hay cám dỗ từ những đàn ông chế độ mới - hay chuyện người trong tù .. đã thành vô hạn, chồng chất những trang thơ, nhạc, các loại văn phẩm .. dưới mọi hình thức. Nhưng chuyện của Lượm thật quá thê thảm.

Tôi chỉ nói về mùa xuân 75. Tôi chỉ muốn hỏi “mùa xuân nào em còn nhớ?” “Là bộ áo nào em còn nhớ của mùa xuân 75?” Là xuân ly biệt? Quá nhiều cuộc ly biệt. Xuân uất hận? Đại đa số ai mà không uất hận. Xuân đau thương? Quá đau thương đi chứ - ai mà không đau thương? Hay xuân tái ngộ? Cũng không đơn giản. Không lắm cuộc tái ngộ yên lành đâu. Nếu không là chua xót, ngỡ ngàng, rồi đau thương.

Hay, cuối cùng là xuân vĩnh biệt? Chắc khi bước chân vào tù kể từ 6/1975, thì Lượm đã linh tính nghĩ đến 1 xuân “vĩnh biệt” rồi! Để lòng nhớ bạn, Huỳnh Văn Lượm!

(Stone Mountain GA - Aug.28, 2021 edited on Jan.19, 2022)

No comments:

Post a Comment