Friday, September 23, 2022

NHỚ “THÁNG BA GÃY SÚNG” - Trần Ngọc Toàn K16/TĐ4/TQLC

NHỚ “THÁNG BA GÃY SÚNG”
 
Trần Ngọc Toàn K16/TQLC
Thuận An đầy máu xương
Biển Đông tràn dậy sóng,
Miền Nam ngập đau thương.
Đoàn Thủy Quân Lục Chiến,
Tơi tả khắp nẻo đường.
Ai gây ra nông nỗi.
Ngơ ngẩn chiến trường xưa. (TNT)

 --------------------------------------------
Trích đoạn “Tháng Ba Gãy Súng” của Cao Xuân Huy (Trang 26).
…. Trưa ngày 19 tháng Ba, tôi ra đến Huế… Xuống xe tại sân Tiểu Đoàn, tôi gặp một thiếu tá rất lạ mặt đang đứng với Tiểu Đoàn Trưởng ở cửa lều ban Ba. Tôi trình diện. Ông thiếu tá lạ hoắc đó tên là Thành, cũng mang bảng tên màu đỏ của Tiểu Đoàn. Ông bắt tay tôi và hỏi Tiểu Đoàn Trưởng:
-“Ông sĩ quan này đây hả?”

Nghe câu này tôi biết chắc là hai người đã nói chuyện về tôi, và dĩ nhiên không phải là nói tốt. Nhằm nhò gì! Tiểu đoàn trưởng không trả lời, quay sang nói với tôi:
– “Ông về đại đội liền bây giờ.”
– “Đại đội tôi nằm đâu, Thiếu Tá?”
– “Không biết. Ông đi cho khuất mắt tôi đi!”

Tiếng chửi thề của ông rất nhỏ nhưng tôi biết ông chửi thề vì thấy môi ông mấp máy trước khi nói. Tôi chào và quay đi với một chút thích thú, đâu phải thằng nào cũng làm cho “Hitler ” chửi thề được, dù chỉ lẩm bẩm trong miệng. Ông đuổi tôi đi ngay lập tức, tức là tôi không phải trả lời ông về lý do trễ phép. Dĩ nhiên như vậy tôi đâu có bị phạt…

Cao Xuân Huy nguyên là trung úy, Đại Đội Phó Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 4 TQLC, vào tháng 3 năm 1975. Người thiếu tá “lạ hoắc” là Thiếu Tá Đinh Long Thành, xuất thân Khóa 19 Võ Bị Đà Lạt. Ngày 19 tháng 3 năm 1975, tôi đã nhận được công điện, gởi từ Bộ Tư Lệnh Hành Quân, trú đóng tại Đà Nằng, được lệnh mang 2 đại đội, xuống tàu Quân Vận, ở cửa biển Thuận An, Huế, di chuyển về Đà Nẵng, để gom quân lập Tiểu Đoàn 18 TQLC, trực thuộc Lữ Đoàn tân lập 468 TQLC.
Kế hoạch này đã được soạn thảo và chấp thuận năm 1974, với thỏa thuận của Phái Đoàn Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ, theo chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Ngày 19 tháng 3 năm 1975, Thiếu Tá Thành, từ Tiểu Đoàn 5 TQLC đến nhận bàn giao Tiểu Đoàn 4 TQLC, do tôi chỉ huy.

Do ham chơi, Cao Xuân Huy đã cố tình kéo dài ngày nghỉ phép, ở quanh Sài Gòn. Với tình hình đang biến động không ngừng, tôi lờ đi chuyện này, với thâm tâm biết lính tác chiến không biết sống chết ngày nào. Trước đó, vào ngày 16 tháng 3 năm 1975, Trung Đoàn Bình Trị Thiên VC đã bất chấp Hiệp Định Paris, bất thần mở cuộc tấn công, qua phòng tuyến của Tiểu Đoàn 4 TQLC, cùng với Tiểu Đoàn 101 Địa Phương Quân Huế biệt phái. Chúng âm mưu phá sập cầu An Lỗ, cây số 17 từ Huế. Nhờ tiên đoán tình hình, TĐ 4 TQLC đã tăng cường một trung đội giúp đơn vị ĐPQ Huế bảo vệ chiếc cầu xe lửa bằng sắt, do Công binh Mỹ dựng lên sau năm 1972. Mấy tên đặc công mang mìn bọc phá đã bị phát giác và bắn chết, xác trôi xuống tận Quảng Điền, Huế. Mũi tấn công bị đẩy lui.
Riêng tại ngọn đồi 51, nằm dôi ra trước phòng tuyến của Đại Đội 2, dưới quyền của Đại Úy Tô Thanh Chiêu, được một tiểu đội súng nặng 90 ly tăng cường, đã giữ vững vị trí. Kết quả tại mặt trận VC bỏ lại 12 xác chết với hàng chục vũ khí, có cả súng cối 61 ly dùng cho cấp đại đội. Bên TQLC tổn thất 5 chiến sĩ, với Thiếu Úy Nguyễn Văn Sáng, Trung đội Trưởng, và Hạ Sĩ Nguyễn Văn Hồng, thuộc khẩu đội 90 ly. Do tình hình biến động, sau ngày Ban Mê Thuột thất thủ, 11 tháng 3, nên chẳng ai buồn quan tâm đến trận chiến thắng cuối cùng của Tiểu Đoàn 4 TQLC, tại An Lỗ, Huế,
Khi thụ huấn trong trường Võ Bị, tại Đà Lạt, năm 1959, tôi đã được bạn cùng khóa đặt cho biệt hiệu “Cao Bồi Đà Lạt”. Khi ra đơn vị TQLC, tôi đã ứng dụng nguyên tắc lãnh đạo chỉ huy, dùng ngôn ngữ… lính tráng, để nói chuyện, dù tôi không có thói chửi thề. Tôi khám phá ra tục danh Hitler nhân một chuyến dừng quân ở phi trường Phú Bài, Huế. Được biết, lính TQLC rất nhanh nhẹn và hay quậy phá nên trong lúc chờ chuyển quân, tôi thả rong đi quanh vùng kiểm soát. Khi bước vào ngưỡng cửa Câu lạc bộ, tôi chợt nghe tiếng la lớn:
– “Hitler tới! Chạy đi tụi mày.”
Kế tiếp, một đám lính của đơn vị ào chạy ra cửa sau. Tôi hét lớn:
– “Tất cả đứng lại.”
Đám lính khựng lại. Trong đám lính ấy tôi thấy có cả Trung Úy Cao Xuân Huy. Tôi bảo họ rằng không việc gì phải chạy và phải trả tiền xong mới đi. Rồi tôi quay lưng thản nhiên bỏ đi. Sau này, khi dò hỏi, tôi được biết người đặt tục danh Hitler cho tôi chính là Trung Úy Cao Xuân Huy.

Rời Huế về Đà Nẵng, do cuộc chiến biến động quá nhanh, tôi không gom đủ quân để lập Tiểu Đoàn 18 TQLC. Với 2 đại đội, từ Tiểu Đoàn 3 và 4 TQLC, tôi được lệnh phòng thủ căn cứ Non Nước, từ ngày 22 tháng 3 năm 1975. Từ ngày đó cho đến ngày tan hàng mất nước, tôi chưa hề bao giờ nhận được lệnh chiến đấu. Chỉ có lệnh di tản và rút lui, đầy uất hận và thảm khốc, từ Đà Nẵng về Cam Ranh, rồi đến Vũng tàu, ngày 1 tháng 4 năm 1975. Quân số của Sư Đoàn TQLC, vào tháng 3 năm 1975, có gần 15 ngàn tay súng. Khi về đến Vũng Tàu chỉ còn khoảng 3 ngàn 200 người, kể cả Tướng Tư Lệnh.

Trước đó, từ trên đỉnh đèo Hải Vân, tôi đau đớn nhìn cả Lữ đoàn 147 TQLC, với các Tiểu Đoàn 3, 5, 7, và 4 TQLC ruột thịt của tôi bị bỏ rơi ngoài bãi biển Thuận An, Huế. Tôi đã tiếp nhận hai sĩ quan dưới quyền cũ tử thương và được chuyến tàu Hải Quân duy nhất chuyển về Đà Nẵng. Đó là Thiếu Tá Nguyễn Tri Nam, xuất thân Khóa 22 Võ Bị, và Đại Uý Tô Thanh Chiêu, Khóa 26 Thủ Đức. Số còn lại của Lữ Đoàn đều bị bắt làm tù binh, trong số có Trung Úy Cao Xuân Huy.

Sau gần 9 năm tù đày Cộng Sản, ba tháng sau ngày được thả, tôi vượt biên qua Mỹ, vào ngày 16 tháng 6 năm 1984. Mấy anh em TQLC khi gặp mặt hỏi tôi có bao giờ đọc cuốn tự truyện “Tháng Ba Gãy Súng” của Cao Xuân Huy. May mắn, tôi đã mua được một quyển, vì lúc đó sách bán chạy như tôm tươi.
Huy đã kể lại chuyện bị bỏ rơi rất thật và quá thật đến sống sượng. Nghĩ lại, chính Huy đã thay tiếng nói cho hàng ngàn người lính, đã nằm xuống, trong cuộc chiến đấu vô vọng, gìn giữ Miền Nam chống Cộng Sản. Hơn thế nữa, còn cả ngàn người lính trẻ TQLC, đã ngã gục ngoài chiến trường Việt Nam. Cần phải lên tiếng thay thế cho họ.

Cao Xuân Huy không phải là người lính ba gai, như nhiều người tưởng. Anh chỉ ham chơi vì tuổi đời còn trẻ, lại phải lao mình vào chiến trận gần kề sự sống chết. Anh vẫn còn giữ kỷ luật Quân đội, còn biết trên biết dưới. Tinh thần chiến đấu của anh luôn mãnh liệt, vào lúc bấy giờ. Hình như, những ai đã từng tình nguyện về Thủy Quân Lục Chiến cũng đều có máu ngang tàng và tiếu ngạo. Như Huy đã trả lời, còn đúng giọng Nhà Binh, câu phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh:
– “Hình như anh rất hãnh diện về binh chủng của mình, cũng như những điều anh đã làm được khi mặc bộ quần áo Thủy Quân Lục Chiến. Thế mà, trong “Tháng Ba Gãy Súng”, chỉ toàn thấy những cảnh đau thương, thua bại. Điều ấy có trái ngược với niềm hãnh diện của anh?”

Huy trả lời:
– “Chiến công của Thủy Quân Lục Chiến đứng hàng đầu của Quân Lực Việt Nam Công Hòa. Điều này không ai có thể chối cãi. Việt Cộng sợ nhất là “Lính Thủy Đánh Bộ”. Tôi, tôi là một thằng may mắn còn sống sót trong trận đánh cuối cùng, tôi kể lại để mọi người thấy rằng những thằng lính Thủy Quân Lục Chiến chúng tôi không thua trận, dù bị địch bắt. Tôi vẫn luôn luôn hãnh diện là một thằng lính của binh chủng này. Đâu có gì là trái ngược.”

Khoảng năm 1989, Huy từ California bay qua Virginia, dự đám cưới của đứa con gái đầu lòng của tôi. Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Đài Phát Thanh Á Châu Tự Do, đã tìm đến lấy thỏa thuận phiên dịch bút ký “Tháng Ba Gãy Súng” sang Anh ngữ. Huy từ chối, bất cần cả số tiền cần thiết cho việc làm lại cuộc đời, ở đất nước tự do Hoa Kỳ. Xin nghiêng mình ngưỡng phục Cao Xuân Huy, người lính Thủy Quân Lục Chiến có chí khí.
Trần Ngọc Toàn, K16
Cựu Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4/ TQLC.
(Nguồn: Tập san ĐA HIỆU số 118 – 1/2020)
----------------------------------

* Chiến thương - Trần Ngọc Toàn Khóa 16/VBĐL. 



No comments:

Post a Comment