Saturday, September 24, 2022

CHIẾC LÁ BAY XA - HMV LNguyen (Nguyễn Thành Liên K26/TVBQGVN/BĐQ)

CHIẾC LÁ BAY XA - HMV LNguyen (Nguyễn Thành Liên K26/TVBQGVN/BĐQ)
(fb Nguyễn Nam Phương)
 “Viết để nhớ lại một người bạn cùng khoá 26 VBQGVN, Phạm truy Phong, đã bỏ mình trong lao tù Cộng sản, tháng tư đen năm 1975”.
Phong được nghỉ phép một tuần về thăm mẹ bệnh ở Nha trang. Hôm ấy một buổi chiều mùa hè, gió biển thổi vào thành phố, nên khí hậu trở nên êm diu hơn.
Con đường Độc lập nhộn nhịp xe cộ, hai bên đường phố người đi càng lúc càng tấp nập khi thành phố bắt đầu lên đèn.  
--------------------------------
Ra khỏi phi trường, Phong ngồi xe lam về nhà. Xuống xe Phong đi bộ vào, vì nhà Phong chỉ cách vài căn nhà từ đầu con hẻm. Ánh đèn từ chiếc xe honda ngược chiều làm Phong chóa mắt. Anh tránh sang một bên, nhưng không kịp nữa, chiếc xe honda tránh ổ gà mất thăng bằng đã đâm thẳng vào Phong và hất anh ngã trên mặt đường. Người thanh niên lái xe honda vội vã đỡ Phong ngồi dậy.
– Xin lỗi anh, tôi bất cẩn quá. Anh có sao không?
– Tôi không sao, tai nạn nhỏ thôi. Anh đi được rồi.
Người thanh niên đỡ chiếc xe Honda lên và hỏi Phong,
– Nhà anh ở đâu? Tôi đưa anh về.
– Cảm ơn anh, nhà tôi gần đây thôi. Nếu có dịp mình sẽ gặp lại.

Phong không thể ngờ câu từ giã anh vừa nói ra lại là một định mệnh cho cả anh và cho người thanh niên xa lạ kia. Tiếng máy xe Honda xa dần. Phong đưa tay gõ nhẹ cửa. Mọi người trong nhà mừng rỡ khi thấy Phong về, nhất là mẹ Phong, bà ngồi bật dậy như người không hề bị bệnh. Đó là bản năng tự nhiên của người mẹ, bản năng thiên bẩm, luôn quên mình vì con. Đêm đó Phong thấy mẹ ngủ ngon, anh vui mừng tự hứa sẽ về thăm mẹ thường xuyên hơn. Nghĩ tới đây, bất chợt Phong cảm thấy mắt mình cay cay, thương mẹ quá.
Phong mở cửa sổ, ánh nắng đầu ngày ấm áp tràn vào nhà, không khí buổi sáng của thành phố biển làm Phong cảm thấy thoải mái hơn. Anh thấy thèm một ly café. Phong rón rén mở cửa đi bộ ra đầu con hẻm. Quán café bình dân của bác Tâm đã mở cửa từ bốn giờ sáng. Các anh xich lô ngồi tán đủ thứ chuyện trên đời. Sôi nổi nhất là câu chuyện hoà đàm Paris, giành dân lấn đất. Bác Tâm ngạc nhiên khi nhìn thấy Phong.
– Con về hồi nào?
– Con về tối qua, thưa bác. Bác khỏe không?
Bác Tâm đưa ly café cho Phong vừa mỉm cười vừa nói, – Bác là chứng nhân của cái thành phố này, không khoẻ làm sao được. À, mẹ con ra sao rồi?
– Thưa bác mẹ con khoẻ lại rồi, cảm ơn bác.
Bác Tâm hạ thấp giọng,
– Thời buổi chiến tranh người mẹ nào không lo buồn cho những đứa con đang lao mình ngoài mặt trận. Con được về thăm mẹ là bác mừng cho gia đình con còn có ngày mẹ con đoàn tụ. Cứ như bác đây, từ ngày anh Thân của con bỏ mình ở hạ Lào, bác như con ngựa già cô đơn trên con đường vắng. Nếu không có mấy chú xích lô hằng ngày tới lui trò chuyện, bác nghĩ làm sao bác có thể sống nổi cho đến ngày hôm nay.

Phong chào bác Tâm quay về. Vừa tới nhà, anh nhìn thấy người thanh niên lái chiếc xe Honda tối qua chờ Phong trước cửa. Người thanh niên tên Phương, nhà anh ta ở đường Võ Tánh. Phong cũng giới thiệu tên mình. Hai người chỉ nói với nhau vài câu thì Phương rồ máy xe Honda mất hút cuối con hẻm, chỉ để lại môt lớp bụi mờ.

Phong vào nhà cho mẹ ăn cháo và uống thuốc. Mẹ Phong hôm nay trông rất tươi khỏe. Bà dặn Phong:
– Con có ra ngoài nhớ mua cho mẹ ít trái cây tươi để mẹ tạ ơn ông bà tổ tiên.

Phong vào thay quần áo đi đến chỗ hẹn với Phương. Hôm nay trời đẹp quá. Nắng trải dài trên con đường Duy tân, đong đưa trên những cành dương liễu, nhẹ nhàng vuốt ve những con sóng trườn mình trên bãi cát mịn, và đưa Phong về với những kỷ niệm thời ấu thơ.

Gia đình Phong về sống nơi thành phố biển này từ ngày chia đôi đất nước. Cũng giống như hàng triệu người dân miền Bắc đã phải rời xa quê cha đất tổ vào Nam tìm tự do. Cuộc sống yên bình ở miền Nam chưa được bao lâu, chiến tranh lại bắt đầu. Núp dưới chiêu bài “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”, Hà nội đã xua quân vào Nam bắn giết đồng bào mình cho tham vọng đỏ hóa vùng Đông Nam Á. Những người Cộng Sản Việt Nam, đứng đầu là Hồ chí Minh, bất chấp mọi thủ đoạn, mua chuộc và đánh lừa dư luận quốc tế, bất chấp sinh mạng dân chúng hai miền Nam Bắc.
Nếu họ không chủ mưu gây ra cuộc nội chiến, thì làm gì có chuyện miền Bắc phải gánh đạn bom của Mỹ, thanh thiếu niên miền Bắc đâu phải chịu cảnh sinh Bắc tử Nam, và dân miền Nam đâu bị họ tiêu diệt hàng loạt bằng trăm ngàn loại súng đạn Nga Tàu, qua những biến cố Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, và chiến cuộc tiếp diễn ngày đêm đau thương ngút ngàn vô tận.

Phong gặp Phương, hai người bắt tay nhau, thả bộ dài theo bờ biển nơi những con dã tràng bị sóng đuổi chui vội vào những hang sâu bỏ lại phía sau chúng những bong bóng nước. Dấu chân hai người bị phả bằng bởi những làn sóng đua nhau trườn mình trên bờ cát trắng. Tuy mới quen, nhưng hai người rất tâm đắc, bởi vì hai người họ đều là lính pháo binh. Phương Một căn cứ hoả lực tại Cạo nguyên Trung phần Việt Nam (hình Frank Baker) là trung úy pháo binh sư đoàn 23BB, còn Phong là trung úy pháo binh 175 chiến thuật Quân Đoàn II. Đơn vị họ đều đóng quân ở gần căn cứ Hàm Rồng Pleiku. Họ trở thành đôi bạn thân sau vài giờ trò chuyện.

Phương về phép dự tiệc mừng cô em gái vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài gòn và được về dạy tại trường trung học Võ Tánh Nha trang, vào đầu niên học năm nay. Phương ngỏ ý mời Phong tối mai ghé nhà chung vui với gia đình anh ta. Không dám hứa trước, Phong bảo:
– Nếu không gì trở ngại, tối mai tôi sẽ đến.
Hai người tiếp tục trò chuyện, vài phút sau họ chia tay nhau.

Khách tham dự tiệc mừng hầu hết là bạn thân của Vân, em gái Phương. Họ vui vẻ hồn nhiên như những cô cậu học trò trung học ngày nào. Chỉ có Phương và Phong có vẻ già dặn hơn, mặc dù họ không chênh lệch tuổi tác nhau mấy. Một vài cô tinh nghịch tìm cách chọc hai ông lính trẻ, làm cho Phương và Phong càng lung túng hơn. Phong nhìn tổng quát tất cả những cô gái, chỉ có Vân là người ăn khách nhất. Nàng có thân hình cân đối, khuôn mặt chữ điền đẹp nhẹ nhàng phúc hậu, đường mũi thẳng, đôi mắt và nụ cười chứa đựng cả một trời thơ. Qua ý nghĩ, Phong mỉm cười một mình, khe khẽ ngâm:
Em cười như nắng sớm
Như nụ hồng ngất ngây
Ấm nồng hơn men rượu
Ngây ngất lòng ta say

Phương và Phong trở lại đơn vị cùng ngày. Hôm đó Vân cùng một cô bạn tiễn hai người ở phi trường Nha trang. Họ nhìn nhau không nói một lời. Cho đến khi máy bay cất cánh. Hai cô gái quay về, Vân nghe một chút hoang vắng trong lòng.

Phong về tới doanh trại lập tức viết thư về nhà ngay, nhưng địa chỉ thư đến ngoài phong bì không phải nhà mình mà là nhà của Vân. Phong nghĩ thế nào Vân cũng sẽ mang thư đến cho mẹ anh. Đây là cách giới thiệu gián tiếp Vân với mẹ mình, và để hai người có dịp gặp gỡ quen biết nhau. Đúng như anh dự đoán, hai tuần sau Phong nhận được thư nhà. Trong thư, mẹ Phong rất ưng ý cô gái tên Vân và bà ước ao Vân sẽ trở thành đứa con dâu quí mến của gia đình họ Phạm. Phong và Vân tiếp tục thư thăm hỏi nhau. Dần dần những bức thư thăm hỏi kia biến thành những bức thư tình đầy thương nhớ.

Lần về phép thứ nhì, hai người hò hẹn quấn quít bên nhau. Lần phép thứ ba họ đính hôn và đầu năm 1975 họ tổ chức đám cưới, đám cưới đầu xuân. Mẹ Phong vui mừng hơn bao giờ hết vì bà có được đứa con dâu vừa ý. Phong và Vân thì khỏi nói, họ vui vẻ hạnh phúc bên nhau giống như cõi đời này chỉ dành cho hai người họ.

Ngày vui nào cũng qua mau, khi Phong trở về đơn vị thì cuộc chiến bắt đầu khốc liệt. Phong đau buồn nhận được tin một số bạn bè cùng khóa 26 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đã anh dũng hy sinh trên nhiều mặt trận.
Căn cứ hỏa lực của Phong cũng bị địch pháo kích nhiều lần. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II bắt đầu đưa ra những kế hoạch nhằm thích nghi với tình hình chiến sự mới. Đơn vị pháo binh 175 của Phong ngày đêm tác xạ vào những tử giác điều quân cấp sư đoàn của địch. Nhiều Liên đoàn Biệt Động Quân Tổng Trừ Bị được tăng phái đến Kontum và Pleiku. Một lữ đoàn Dù sẽ được điều động đến Đơn Dương phía Đông Ban Mê Thuột.

Nhiều sư đoàn quân chính qui Bắc Việt đang mở những mũi tiến quân cấp tập. Sư đoàn 320 của địch xuất hiện ở Thuận Mẫn, một vị trí chiến lược, vì từ đây địch có thể cắt đứt Quốc Lộ 14, cô lập và tiến chiếm Ban Mê Thuột. Nhiều đơn vị cấp trung đoàn của địch mở mặt trận nghi binh và cầm chân Sư đoàn 22 BB ta ở đèo An Khê, trên Quốc lộ 19 nối liền Pleiku –Qui Nhơn phía tây tỉnh Bình Định. Đồng thời địch dàn quân trên tỉnh lộ 7 để tiêu diệt đại quân triệt thoái của Quân Đoàn II về Phú Bổn và Phú Yên.Tất cả những diễn tiến xảy ra gần như dự đoán của Phòng 2 Quân Đoàn, và một số Sĩ Quan chỉ huy mặt trận thuộc Quân Đoàn II. Nhưng nội bộ ta bắt đầu bất ổn, làm cho cao nguyên bị rơi vào tay địch một cách tức tưởi.Phong theo đơn vị di tản đến Phú Bổn, và bị địch bắt làm tù binh cuối tháng ba 1975. Anh và một số sĩ quan được đưa đến trại tạm giam Tống Binh, trong đó có Đại tá Đồng, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh.

Phong và một số anh em bị nhiễm bệnh sốt ác tính, đã gục ngã giữa cảnh tù đày rừng đen nước độc. Mấy tuần sau vợ Phong đến thăm. Hai người bạn cùng khóa đã đưa Vân đến bên phần mộ chồng. Nàng ngất lịm vì quá đau thương. Trong cơn mê bất tỉnh, Vân đã nhìn thấy Phong vẫy tay và từ từ rời xa nàng.Khi tỉnh dậy, trong lòng bàn tay là Vân tấm thẻ bài vương đầy nước mắt cuả nàng. Vân ôm vào lòng kỷ vật yêu thương của người chồng vắn số và nghe đâu đây tiếng Phong từ trong gió vọng về.

Khi em đến anh không còn nữa
Người yêu ơi dịu bớt cơn đau
Tấm thẻ bài anh xin gởi lại
Kỷ vật cho em hẹn kiếp sau
Mộ phần anh bên bờ con suối
Cỗ quan tài những chiếc lá rừng
Tấm mộ bia một cành cây gãy
Hai thằng cùng khóa mắt rưng rưng
Anh sung sướng chết trên tay bạn
Anh đau buồn vận nước đảo điên
Anh thương em giờ thành góa phụ
Giữa cảnh đời đen tối triền miên
Thôi vĩnh biệt nhau em phải sống
Đau thương nào rồi cũng phôi pha
Tình son sắc nhưng tình không vẹn
Anh giờ như chiếc lá bay xa
thương tiếc Vân đưa mắt nhìn cảnh rừng núi bao quanh trùng điệp, nơi có những chiếc lá âm thầm lìa cành, và một chiếc lá bị gió cuốn bay đi càng lúc càng xa…


No comments:

Post a Comment