Saturday, September 24, 2022

KÝ SỰ XE THỒ - Thuc Thai Le

KÝ SỰ XE THỒ
Thuc Thai Le
Khoảng năm 1980, tỉnh Bình Trị Thiên có lệnh cấm dân thường đi xe máy, chỉ có cán bộ nhà nước được đi. Tương tự như chính sách đưa dân đi kinh tế mới, đã giúp cán bộ, bộ đội ngoài Bắc vào, mua nhà đất với giá rẻ mạt, rẻ như cho, hay rẻ như ăn cướp. Cho nên, hồi đó có những ông bà già phản kháng thụ động bằng cách đi bán rong hai món vật dụng đũa tre và quạt giấy, ngày nào tôi cũng nghe rao: “Đũa quạt không, ai đũa quạt không…”. 
  

Xin mở ngoặc để chú thích cho những ai không quen với ngôn ngữ xứ Huế: “đũa quạt” nói lái là “đoạt của” nghĩa là cướp đoạt tài sản. Lệnh cấm dân thường đi xe máy cũng giúp cán bộ mua sắm xe máy dễ dàng hay đổi xe đạp lấy xe máy.
 
Anh bạn hàng xóm của tôi, trước kia là giáo viên, có được chiếc Honda 67, nhờ cẩn thận gởi lại xe ở quê trước khi nhanh chân chạy vào Sài gòn, nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, Sài gòn cũng thất thủ, sau 30 tháng tư cón nấn ná ở chơi, không lo về sớm, nên khi trở lại Huế, chiếc xe thì còn, chỗ dạy thì mất, anh phải đi xe thồ kiếm ăn. Bây giờ, có lệnh cấm, không đi thồ được, xe để nằm nhà lâu ngày dễ hư, nên khi nghe người anh chú bác ngoài Bắc vào, gạ đổi chiếc Honda 67 lấy chiếc xe đạp Phượng hoàng TQ có tuổi đời như xe máy, anh bạn tôi suy nghĩ mấy ngày, hỏi ý kiến vợ, cuối cùng đồng ý đổi, và ngày hôm sau anh hành nghề xe đạp thồ. 
 
Mới đầu, thiên hạ thấy hơi lạ, chưa mấy ai đi, nhưng Honda thồ không có, xe Lam thì phải chờ lâu mới có một chuyến, mà không phải tuyến đường nào cũng có, giá xe đạp thồ lại rẻ, chỉ bằng nửa giá Honda, xích lô, nên dần dần xe đạp thồ phát triển nhanh trở thành phương tiện giao thông phổ biến, khách đi xe cũng nhiều mà người hành nghề cũng đông vì xe đạp nhà nào cũng có.
 
Nhân sự đạp xe thồ hầu hết là những người “thất cơ lỡ vận”, không vốn liếng, không nghề chuyên môn như những người học tập cải tạo trở về, những giáo viên “mất dạy”, lớp trẻ rất ít. Ngoài ra, những công nhân viên lương thấp, không có bỗng lộc, sau giờ bãi việc chiều, cũng tham gia để kiếm thêm thu nhập, sống qua ngày.
 
Nhận thấy anh bạn hàng xóm sống được với nghề xe đạp thồ, tôi cũng thôi phụ thợ nề ở hợp tác xã xây dựng, sửa sang lại chiếc xe đạp để theo chân anh ấy. Cảm nhận đầu tiên của tôi là đạp xe thồ không vất vả, cực nhọc như phụ thợ nề nhưng quá bi thảm vì phải đứng đầu đường, góc chợ, chường mặt ra nơi chốn đông người, thấy ai phải đon đả mời, tranh nhau mời, không mời thì ế khách, không đủ tiền mua gạo, đi chợ. Anh em thường cay đắng bảo nhau là nghề “dân biểu”, ai biểu (sai bảo) đi đâu thì chở đi đó. Một hôm, tôi đang đứng chờ khách, trước cửa chợ Đông Ba, thì găp người quen, bác ôm chầm lấy tôi và khóc, tôi chảy nước mắt và lúng túng không biết phải làm gì, rồi bác bảo tôi chở về, sau khi mời vào nhà uống nước, hỏi han mọi điều, bác lấy hai đồng bạc nhét vào túi tôi, tôi xin nhận 5 hào, đúng giá cuốc xe, vì nhà bác còn nghèo hơn nhà tôi, nhưng bác nhất quyết không chiụ vì bác biết tôi từ nhỏ, con một, nhà khá giả, chỉ biết đi học, rồi ra làm thầy giáo, không biết lao đông chân tay là gì, nay giữa trưa nắng gắt phải đạp xe thồ vất vả, dưới mắt bác vô cùng tội nghiêp, thảm thương, cuối cùng, tôi phải nhận một đồng, bác mới để tôi đi. Tình cảm sâu đậm này tôi vẫn nhớ mãi như là một kỷ niệm đẹp, ấm áp tình người, thời buổi cơm độn khoai sắn, bo bo.
 
Rong ruổi trên mọi nẻo đường xứ Huế, tôi gặp rất nhiều “đồng nghiệp bất đắc dĩ”: các thầy giáo dạy tôi thời trung học, các bạn cùng học ỏ đại hoc, các bạn dạy cùng trường, và cả lứa học trò của tôi, tất cả đều kinh qua mấy năm học tập cải tạo trở về nên phải đạp xe thồ.
 
Suốt ngày lông bông ngoài đường, bạn bè dễ gặp nhau, có tin tức gì mới đều truyền cho nhau rất nhanh. Ngày đầu tiên báo đăng về chương trinh H.O. là ngày phấn khởi nhất của anh em xe thồ ở Huế, anh em tụm năm, tụm ba, đọc đi, đọc lai các mẫu tin trên các báo, bàn tán xôn xao, người tin tưởng, kẻ nghi ngờ. Kinh nghiệm xương máu sau 30 – 4 - 75 còn đó: “cấp tá trình diện học tâp 10 ngày, cấp úy 7 ngày”. Người đa nghi bảo rằng: nhà nước cho đăng tin như vậy để thử xem ai còn “trông chờ, vọng tưởng Mỹ” thi bắt đi cải tạo lại. Nhưng giới xe thồ, sau 15 năm dưới chế độ mới chỉ còn “thượng xỉ, hạ đạn” (trên răng, dưới dế) chẳng còn gì để mất, vượt biên thì không có vàng, cơ hội ngàn năm một thuở đã tới, cho nên ngày phòng xuất nhập cảnh công an Bình Trị Thiên bắt đầu bán đơn làm hồ sơ H.O. thì từ ba, bốn giờ sáng, anh em đã có mặt, xếp hàng đông cả trăm người, nhìn mặt nhau cũng chẳng xa lạ gì, cùng cảnh ngộ cả, nên xếp hàng rất trật tự, chẳng ai dám chen lấn xô đẩy, khác hẳn cảnh xếp hàng mua vé xe, vé tàu thường thấy.
 
Trong cả nước, Đồng Nai và Bình Trị Thiên là 2 tỉnh xúc tiến làm hồ sơ H.O. sớm nhất. Lẽ ra, có nhiều người xe thồ ở Huế phải được xếp vào danh sách HO1, HO2 … Nhưng ngành công an lại nghĩ ra cách làm tiền béo bở: mở dịch vụ làm hồ sơ HO. Những người chậm chân có của, vội bỏ ra năm ba chỉ vàng làm dịch vụ để hồ sơ được ký và chuyển ra Bộ Nội vụ nhanh hơn. Thậm chí, những người giàu có còn bỏ cả chục cây vàng, ra thẳng Hà nội chạy chọt “siêu dịch vụ” để được đi trước. Xem ra còn rẻ và an toàn hơn đóng tàu vượt biên nhiều.
 
Chậm, rồi cũng đến, một số đông anh em xe thồ lần lượt ra đi đến miền đất hứa cùng với gia đình vợ con. Cũng có những người kém may mắn bị từ chối vì cải tạo chưa tròn 3 năm hay vài lý do khác. Tôi có người bạn, anh L., chung trại cải tạo với tôi ở Trảng Lớn, Tây Ninh, được gọi phỏng vấn khá sớm, HO7, anh bán xe, bán căn nhà nhỏ, hy vọng “một đi không trở lại” , nhưng bị từ chối vì chưa đủ 36 tháng. Quá bức xúc, anh phản ứng quyết liệt: “Được các ông gọi, tôi phải bán cả nhà, cả phương tiện làm ăn, mới đủ tiền đưa vợ con đi Sài gòn phỏng vấn với niềm tin sẽ được tái định cư ở Mỹ, nay các ông không cho gia đình tôi đi, cũng như các ông đã giết gia đình tôi, vì tôi không còn nhà ở, không còn phương tiện làm ăn”. Cuối cùng quyết định vẵn không thay đổi, anh L. không về Huế nữa, bám trụ lai Sài gòn làm nghề bán báo. Từ đó, tôi hết nóng lòng trông chờ giấy gọi phỏng vấn vì biết trước kết quả thế nào cũng giống anh L.
 
Một anh bạn khác, anh Tâm, cựu đại úy bộ binh, cải tạo trên 5 năm cũng bị từ chối, người Mỹ hỏi đến giấy tờ quân đội cấp, hình ảnh mặc quân phục chứng minh anh là Sĩ quan, anh không có gì cả, lúc anh đi cải tạo, chị vợ ở nhà sợ quá, đã đốt hết. Anh lại đạp xe thồ và lo thủ tục khiếu nại. Ngày đi tái phỏng vấn, gặp tôi anh chỉ vẫy tay chào,nét mặt căng thẳng, lo lắng, chị vợ phấn khởi: “Anh ở lại mạnh giỏi”, tôi chúc anh chị gặp may mắn. Nhưng anh không có số đi Mỹ, nên anh lại thất vọng trở về. 
 
Chương trình HO, như chiếc đũa thần kỳ đã giúp rất nhiều gia đinh cựu SQ đạp xe thồ đổi đời nơi xứ lạ quê người, một số chuyển sang thồ Honda hay ngành nghề khác, số còn lại bỏ nghề vì lý do sức khỏe hoặc con cái đã trưởng thành, sắp dựng vợ gả chồng hay có công ăn việc làm, không nở để cha phải gò lưng trên chiếc xe đạp. Tôi cũng trở lại với nghiệp gõ đầu trẻ tại nhà. Riêng anh Tâm, người cải tạo hơn 5 năm, qua hai lần phỏng vấn thất bại, năm 2006, chương trình HO mở lai, đổi tên thành HR, anh kiên nhẫn khiếu nại lần thứ ba, nhưng kết quả chỉ nhận đươc thư trả lời “chúng tôi rất tiếc …”, nên đến hôm nay anh vẫn miệt mài với chiếc xe đạp thồ, hằng ngày có mặt trước cổng chợ Đông Ba, nhưng không còn chở khách, vì thời nay ai thèm ngồi sau xe đạp mà chở. Anh đứng đó, bên cạnh chiếc xe, công việc của anh bây giờ là thồ những lẳng hoa, lẵng trái cây chuyển đến các đám cưới, đám tang … và những giỏ thức ăn chay cho khách. Ở Huế, cúng giỗ thường làm chay, gia chủ bận nhiều việc, nên gọi điện thoại đặt hàng, các sạp bán đồ chay trong chợ, khi hàng nhiều thì người ta gọi Honda, hàng ít thì gọi anh cho rẻ. Thỉnh thoảng anh giúp thông dịch mấy câu tiếng Anh đơn giản khi có khách Tây hỏi mua hoa tươi, trái cây. Tôi thắc mắc không hiểu anh nghèo, không có năm bảy triệu để mua một chiếc Honda cũ, hay mắt mờ, tay chân chậm chạp không thi nổi cái bằng lái xe máy 100 phân khối.
Gần đây, một buổi tối, tôi đi bộ tập thể dục, tình cờ gặp lại anh H. trước thuộc thành phần đảng phái, làm xây dựng nông thôn, cải tạo về, đạp xe thồ, rồi đi HO, anh bảo hai vợ chồng đã về sống ở VN hơn một năm rồi, con cái ở lai bên Mỹ. Tôi nói: “Anh quá sướng, được lựa chọn hai lần, lần trước, tay không anh chon đi Mỹ, lần này trong túi rủng rỉnh đô la anh chọn đem tiền Mỹ về VN sống. Tôi chỉ mong được lựa chọn một lần mà không được”. Về nhà, tôi nhớ đến anh Tâm, ba lần, bước không qua số phận, nên bây giờ du khách đến Huế, ghé chợ Đông Ba vẫn còn thấy một ông già đen đủi, hom hem, bên cạnh chiếc xe đạp thồ cũ kỹ.
Giá như trời cao có mắt, giá như những người Mỹ phỏng vấn sáng suốt hơn, công bằng hơn, chấp thuận cho gia đình anh Tâm đi Mỹ, tôi chắc rằng anh không bao giờ lựa chọn lần thứ hai như anh H.
 

No comments:

Post a Comment