49 NĂM … THÁNG 4 LẠI VỀ :
10 THIÊN THẦN MŨ ĐỎ KHÓA 26 VÕ BỊ ĐÀ LẠT, AI MẤT ? AI CÒN ?
10 THIÊN THẦN MŨ ĐỎ KHÓA 26 VÕ BỊ ĐÀ LẠT, AI MẤT ? AI CÒN ?
Người viết:
Mũ Đỏ HÀ MAI TRƯỜNG
Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù
Không là gió mà bay trên cánh gió
Không là mây mà ngạo nghễ đỉnh mây
Một Ngày Mũ Đỏ, Một Đời Mũ Đỏ
Giữa không gian còn lưu lại dấu giầy.
Thơ HÀ HUYỀN CHI
Mũ Đỏ HÀ MAI TRƯỜNG
Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù
Không là gió mà bay trên cánh gió
Không là mây mà ngạo nghễ đỉnh mây
Một Ngày Mũ Đỏ, Một Đời Mũ Đỏ
Giữa không gian còn lưu lại dấu giầy.
Thơ HÀ HUYỀN CHI
Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 năm nay, chúng ta không quên đốt lên nén hương lòng để tưởng nhớ đến các bạn đồng Khóa 26 thuộc các Quân Binh Chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh cho đại nghĩa. Nhân dịp này tôi tình nguyện làm trưởng toán điểm danh lại 10 bạn Khóa 26 về Binh Chủng Nhảy Dù, sau hơn 50 năm kể từ ngày chúng ta chia tay nhau lên đường phục vụ Dân Tộc và Tổ Quốc.
Cách đây khá lâu trên diễn đàn KBC4027 Hải ngoại, Niên Trưởng Nguyễn Tiến Việt Khóa 23 (Đại đội trưởng Đại đội E, Tân Khóa Sinh Khóa 26, đợt 1) có viết về kỷ niệm nhảy dù biểu diễn của Khóa 23 ở sân cù cạnh bờ hồ Xuân Hương cho dân chúng Đà Lạt xem trong dịp lễ Mãn Khóa 22 B vào cuối tháng 12 năm 1969. Trong bài viết này, Niên trưởng Việt đã bùi ngùi tưởng nhớ đến những anh em Khóa 26 được về binh chủng Nhảy Dù. Niên Trưởng Nguyễn Tiến Việt viết rằng :
"Thật đau lòng khi những người đàn em mà tôi đã huấn luyện trong thời kỳ tân khóa sinh, tất cả các Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 26 về Nhảy Dù đều bị loại khỏi chiến trường. Tất cả đều hy sinh hoặc bị thương tật vĩnh viễn, lúc cường độ của cuộc chiến trở nên ác liệt nhất vào thời kỳ Cộng Sản phản bội lệnh ngưng bắn theo hiệp định Paris.
Trong số những người con của Trường Mẹ hy sinh vì Tổ Quốc có Lê Hải Bằng, người giữ đàn bass trong ban nhạc của tôi hồi đó; Lê Phan Vương, anh chàng thấp nhưng chắc người, gương mặt lầm lì ít vui nhưng đượm vẻ trẻ thơ rất dễ thương và nhiều đàn em thân yêu khác mà tôi rất quen tên nhớ mặt nhưng không còn nhớ ra những ai ...”
Những lời của Niên trưởng Nguyễn Tiến Việt nói trên không hoàn toàn đúng khi sự thật chưa đến nỗi bi thảm như vậy! 10 Thiên Thần Mũ Đỏ Khóa 26 đã không bị loại khỏi vòng chiến hết vì đến những ngày đầu của tháng 4 năm 1975, tôi và ba người bạn Mũ Đỏ Khóa 26 còn lại ở đơn vị vẫn đứng vững trên chiến tuyến để ngăn chặn và tiêu diệt Cộng quân.
Chúng tôi lúc đó là những cấp chỉ huy trên các chiến trường thuộc vùng 2 và vùng 3 Chiến Thuật, với :
- Trung úy Phạm Đức Loan, đại đội trưởng 113, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù ở chiến trường Phan Rang
- Trung úy Tô Thành, đại đội trưởng 52, Tiểu đòan 5 Nhảy Dù ở chiến trường Khánh Dương.
- Trung úy Vũ Hoàng Oanh, sĩ quan Tham Mưu, Tiểu đòan 7 Nhảy Dù ở chiến trường Biên Hòa.
- Trung úy Hà Mai Trường, đại đội trưởng 80, Tiểu đòan 8 Nhảy Dù ở chiến trường Xuân Lộc.
Khóa 26 Sĩ Quan Hiện Dịch Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam nhập học ngày 24-12-1969 với quân số 196 Tân Khóa Sinh, mãn khóa ngày 18-1-1974 với 175 Tân Sĩ Quan, cấp bậc Thiếu uý.
Điểm son của Khóa 26 là khóa đầu tiên của chương trình 4 năm tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được cấp phát văn bằng Cử-Nhân Khoa-Học Ứng-Dụng. Ngoài ra Khóa 26 còn là khóa 2 Liên-Quân-Chủng có 22 người đi Hải Quân, 15 người đi Không Quân.
Số Tân Sĩ Quan còn lại là 138 Lục Quân được chia cắt thành 3 toán, lần lượt theo thứ hạng tốt nghiệp của mình để chọn lựa các đơn vị gồm có : Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Biệt Cách Nhảy Dù, Nha Kỹ Thuật, Thiết Giáp, Pháo Binh và 11 Sư Đoàn Bộ Binh trên 4 vùng Chiến thuật. Tôi, Hà Mai Trường tốt nghiệp với thứ hạng 75 của Khóa 26, có may mắn thuộc vào hàng đầu của toán 2 nên rất hãnh diện là một trong số 10 người được vinh dự chọn binh chủng Nhảy Dù.
Sau hai tuần nghỉ phép Mãn Khóa, chúng tôi 10 Tân Thiếu úy Khóa 26 vào trình diện Bộ Tư Lệnh Hậu Cứ của Sư Đoàn Nhảy Dù ở trại Hoàng Hoa Thám, Gia Định. Chúng tôi được đưa về Khối Bổ Sung để ôn tập nhảy dù hơn một tuần lễ và nhẩy thêm 4 saut bồi dưỡng trước khi ra tăng cường cho các tiểu đoàn tác chiến Nhảy Dù đang đóng quân ở tuyến đầu của Vùng 1 Chiến Thuật - Quân Đoàn I.
Vào đầu năm 1974, Sư Đoàn Nhảy Dù có 9 tiểu đoàn nhảy dù nên Bộ Tư Lệnh Hành Quân đã chia đều cho mỗi tiểu đoàn một Thiếu úy; riêng Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù vì thiếu sĩ quan nên được nhận thêm người cuối cùng của toán.
Dưới đây là danh sách 10 Mũ Đỏ Khóa 26 về các tiểu đoàn:
QUÁCH AN, Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù
LÊ HẢI BẰNG, Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù (*)
TRẦN ĐẠI THANH, Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù (*)
TÔ VĂN NHỊ, Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù (*)
TÔ THÀNH, Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù
NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù (**)
VŨ HOÀNG OANH, Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù (***)
HÀ MAI TRƯỜNG, Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù
LÊ PHAN VƯƠNG, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù (*)
PHẠM ĐỨC LOAN, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù (*)
Như các bạn đã biết, Khóa 26 chúng ta ra trường vào một thời điểm khó khăn nhất của đất nước nên đã thiệt hại nặng nề về nhân mạng, Khoá 26 đã mất đi 32 người bạn trong thời gian 15 tháng kể từ ngày ra trường. Oan nghiệt thay là ở Sư đoàn Nhảy Dù của chúng tôi trong tháng 9 và tháng 10 năm 1974 tại chiến trận Thường Đức, thiếu úy Lê Hải Bằng, thiếu úy Trần Đại Thanh ở Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù, và thiếu úy Tô Văn Nhị ở Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đã đền nợ nước trên ngọn đồi đẫm máu 1062 của quận Thường Đức, tỉnh Quảng Nam.
Cùng tham chiến trong trân Thường Đức, thiếu úy Quách An, Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù, thiếu úy Nguyễn Văn Trường, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, và thiếu úy Hà Mai Trường, trung đội trưởng Trung đội 2 của Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đều bị thương nặng trong lúc anh dũng chỉ huy các Thiên Thần Mũ Đỏ của trung đội mình giao chiến quyết liệt với Cộng quân.
Trong đầu năm 1975, 2 Mũ Đỏ nữa cũng đã vĩnh viễn xa chúng ta :
- Trung úy Lê Phan Vương, đại đội trưởng Đa Năng, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, đã tử thương vì đạp trúng mìn ở vùng ngoại ô Quảng Nam vào tháng 2-1975.
- Trung úy Phạm Đức Loan, đại đội trưởng 113, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, là người anh hùng Mũ Đỏ quyết không hàng giặc Cộng khi bị vây hãm, và anh đã tuẫn tiết trên chiến trường Phan Rang vào hạ tuần tháng 4-1975.
- Trung úy Nguyễn Văn Trường; Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đã biệt tích sau khi vượt khỏi trại tù Cải Tạo của Cộng quân.
- Trung úy Vũ Hoàng Oanh, Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, vì không hội đủ tiêu chuẩn của chương trình H. O. nên kẹt lại ở quê nhà và đã qua đời vào tháng 6-2015.
3 người trong số 10 người về binh chủng Nhảy Dù may mắn còn tồn tại sau cuộc bể dâu là :
- Trung úy Quách An - Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù và Trung úy Tô Thành - Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù; sau thời gian dài bị Cộng Sản giam cầm trong các trại tù Cải Tạo đã cùng gia quyến định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1994.
- Về phần tôi, sau thời gian dưỡng thương ở Quân Y Viện Duy Tân (Đà Nẵng), đầu tháng 11-1974, tôi đã trở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu.
Hạ tuần tháng 3-1975, Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù được chuyển vận bằng đường hàng không từ Thừa Thiên về bảo vệ Thủ đô Sài Gòn. Khi Cộng Quân tập trung lực lượng đánh chiếm thị xã Xuân Lộc, sáng ngày 12 tháng 4, 1975 Tiểu Đoàn 8 thuộc Lữ đoàn 1 Nhảy Dù (gồm 3 Tiểu đoàn 1, 8, 9) được trực thăng vận vào tiếp viện cho Sư đoàn 18 Bộ binh ở chiến trường Xuân Lộc hầu ngăn chặn sự tiến binh của Cộng quân vào Sài Gòn.
Đoàn quân Mũ Đỏ của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù (****) đã làm chủ chiến trường ngay từ ngày đầu lâm trận và liên tục gây nhiều tổn thất lớn lao cho địch quân trong gần hai tuần lễ khiến giặc Cộng vô cùng khiếp đảm và điêu đứng.
Trong lúc chiến trận vẫn còn đang sôi động thì Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được lệnh của thượng cấp rời Xuân Lộc về trấn giữ tỉnh Phước Tuy và Vũng Tầu vào cuối tháng 4-1975. Khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội đầu hàng vô điều kiện vào buổi sáng ngày 30 tháng 4, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù cho toàn thể quân nhân dưới quyền giải tán để về với gia đình.
-------------
----------------
Cá nhân tôi quyết định ra đi tìm tự do và tôi đã dìu dắt đại đội 80 Nhảy Dù với hơn 100 chiến binh cũng tình nguyện ra đi từ Vàm Láng, Gò Công vượt đại dương cùng với đoàn tầu đánh cá của những dân chài.
Sau hai ngày và hai đêm, đoàn tầu của chúng tôi đã được chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ thuộc Đệ Thất Hạm đội tiếp cứu và đưa về vịnh Subic ở Phi Luật Tân. Một ngày sau, chúng tôi được không vận về đảo Guam làm thụ tục xin tỵ nạn trước khi chuyển sang các trại tỵ nạn tại Hoa Кỳ.
Sau gần 2 tháng ở trại tỵ nạn Fort Chaffee (tiểu bang Arkansas), ngày 16 tháng 7-1975, tôi đã được một gia đình người Mỹ ở tỉnh Madison, tiểu bang Wisconsin bảo trợ; và cuộc đời mới và công việc mới của tôi trên miền đất hứa bắt đầu từ ngày đó ...
Thân chúc các bạn Khoá 26 một ngày 30 tháng 4 an bình trong tâm tưởng để nhớ về những khuôn mặt thân yêu của tất cả các bạn đồng khóa 26 dù còn hay đã mất, cùng với những kỷ niệm đẹp của một thời Alpha Đỏ nơi quân trường Võ Bị Đà Lạt trong suốt thời gian 4 năm và những ngày tháng oai hùng ở đơn vị tác chiến trên một năm dài cùng 3 tháng lẻ.
Chúng ta hãy tự hào rằng Khóa 26 được vinh dự mang tên cố Trung tướng Nguyễn Viết Thanh đã giữ trọn được lời thề :
TRUNG THÀNH VỚI TỔ QUỐC,
TẬN TỤY VỚI NHÂN DÂN
trong ngày Lễ Mãn Khóa 26 Sĩ Quan Hiện Dịch Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Vũ đình trường Lê Lợi ngày 18 tháng 1 năm 1974.
Thân chào Đoàn Kết và Tự Thắng.
Cựu Trung úy HÀ MAI TRƯỜNG
Nguyên Đại đội trưởng Đại Đội 80
Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù
————
PHẦN GHI CHÚ :
(*) Anh dũng hy sinh cho Tổ Quốc Việt Nam trước ngày 30-4-1975.
(**) Biệt tích sau khi trốn khỏi trại Cải Tạo của Cộng quân sau ngày 30-4.
(***) Qua đời tại Việt Nam, tháng 6-2015.
(****) Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù hành quân với 3 Tiểu đoàn Nhảy dù cơ hữu gồm :
Tiểu đoàn 1 Nhảy dù, Tiểu đoàn 8 Nhảy dù, Tiểu đoàn 9 Nhảy dù, và Đại đội 1 Trinh sát Nhảy dù; được yểm trợ bởi Tiểu đoàn 3 Pháo binh Nhảy dù, Đại đội 3 Công binh Nhảy dù, và Đại đội 1 Quân y Nhảy dù.
No comments:
Post a Comment