Wednesday, October 5, 2022

“ROBERT LỬA” Nguyễn Xuân Phúc K16/TQLC – Trần Ngọc Toàn K16

Với mục tiêu tái lập an ninh lãnh thổ, những lực lượng xung kích của Miền Nam Việt Nam đã mở chiến dịch tràn qua địa phận Cao Miên, nằm sát ngã ba biên giới Việt-Miên-Lào, năm 1970, dưới quyền Tư-lệnh Hành-quân là Trung-tướng Đỗ Cao Trí, đương nhiệm Tư-lệnh Quân-đoàn 3. 
------------------------
 
 -----------------------------------------
Tiểu-đoàn 2 Trâu Điên (TQLC) dưới quyền chỉ huy của Thiếu-tá Nguyễn Xuân Phúc, đã tung hoành ngang dọc trên lãnh thổ Miên suốt từ Neak Luong đến Prey Veng. Đơn vị đã tiêu diệt hàng trăm quân Việt-cộng đang trấn giữ vùng đất an toàn của chúng, tịch thu hàng trăm vũ khí nặng nhẹ và góp công phá hủy toàn bộ hậu-cần của địch trên địa giới của nước Cao Miên trung-lập dưới thời của nhà vua Sihanouk. Đây cũng chính là một trạm tiếp-vận của Ha-nội với cảng Sihanouk ở vịnh Thái Lan và đường mòn Hồ Chí Minh nằm phía tây rặng núi Trường Sơn, dọc biên giới Lào-Việt. Từ mặt trận Kumpuchia trở về, chỉ một thời gian ngắn sau, Tiểu-đoàn 2 TQLC cùng với toàn bộ Sư-đoàn được không vận ra vùng địa đầu giới tuyến tham dự cuộc hàng quân Lam Sơn 719, năm 1971, bên kia biên giới Việt-Lào, với trục quốc lộ 9 từ Quảng Trị đâm thẳng sang Tchépone của đất Lào. Chiến dịch nhằm phá vỡ hậu-cần của địch và đường chuyển quân từ Miền Bắc vào Nam Việt Nam với đường ống dẫn dầu từ Trung Cộng tiếp tế cho đại pháo và chiến xa viện trợ của Nga Sô.

Ngoài sự bất lực của Tướng Tư-lệnh chiến trường cùng các bộ tham mưu các đại đơn vị tham chiến lần đầu tiên mở một cuộc hành quân cấp quân-đoàn, việc thống nhất chỉ huy cũng vô hiệu lực từ việc Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tu-lệnh Quân-đoàn I, không đủ tư cách chỉ huy Tướng Lê Nguyên Khang của Sư-đoàn TQLC và Tướng Dư Quốc Đống của Sư-đoàn Nhảy Dù, đã đưa đến hậu quả tai hại gây tổn thất lớn cho quân đội trên đường rút quân trở về lãnh thổ sau khi đã phá vỡ toàn bộ hệ thống quân cụ, binh lính của Cộng-sản miền Bắc Việt Nam tại trạm tiếp-vận lớn này.

Tại Huế, trong cuộc diễn binh tưởng thưởng công lao các đơn vị tham chiến cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua Lào, Thiếu-tá Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu-đoàn 2 TQLC đã được đặc cách thăng cấp Trung-tá tại mặt trận. Nhưng từ đây, vị trung-tá mới 28 tuổi đã từng lăn lộn trên khắp chiến trường nóng bỏng, từ Đầm Dơi, Cà mâu ra đến Đông Hà, Quảng Trị, vào sinh ra tử với hai lần chiến thương trên người, đã trở nên ưu tư và bừng bừng nộ khí xung thiên. Anh là biểu tượng của lớp thanh niên yêu nước của thế hệ trẻ đầu tiên trên mảnh đất của quốc gia Việt Nam lần đầu dành được độc lập, tự do và dân chủ, sau cả trăm năm thuộc địa Pháp được giáo dục bằng chương trình học tiếng Việt. Ngay chính trong cuộc hành quân qua Lào, trên đỉnh cao điểm 450, phía nam quốc lộ 9, bên kia thung lũng nổi tiếng Khe Sanh, là lực lượng đoạn hậu cho cuộc rút quân của Lữ-đoàn 258 TQLC, anh đã gào trên hệ thống máy liên lạc vô tuyến với không lực của hạm đội Hoa Kỳ: “I am Crazy Buffalo batalion commander. Go ahead! Drop your bombs…!”
 
Với chiến thuật biển người, Sư-đoàn 324 cộng-sản Bắc Việt đã xua quân tràn ngập lên cao điểm căn cứ hỏa lực yểm trợ hành quân, trong đêm tối, do Tiểu-đoàn Trâu Điên chống giữ tập hậu. “Robert Lửa” Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân gọi vô tuyến cho máy bay dội bom xuống ngay trên đầu mình để tiêu diệt cộng quân bu quanh đông như kiến cỏ. Với ám hiệu một tay áo bỏ dài và một tay áo xăn cao, anh đã cùng cả tiểu-đoàn với hơn 750 quân sĩ mở đường máu, cận chiến với địch, trong bom đạn loé nổ không ngừng, rút quân về lại Khe Sanh trong đường tơ kẽ tóc, với cả ngàn quân thù bám sát như bầy thú dữ.

Anh đã trở về, không suy suyển nhưng đau lòng nhìn lại đoàn quân với bao nhiêu đàn em mất mát, ngã gục ở chiến trường. Từ đó, anh nuôi ý chí phải chấn chỉnh lại quân đội, từ dưới lên trên, để từ rày về sau, chỉ có thắng chứ nhất quyết không thể để thua nữa. Anh đã hãnh diện vỗ ngực nói: “Một thằng tiểu-đoàn-trưởng Việt-cộng làm sao giỏi bằng tao được. Một tiểu-đoàn VC làm sao đánh lại tiểu-đoàn Trâu Điên của tao. Mẹ bố chúng nó chỉ có chết thôi.”

“Robert Lửa” đầu đàn Trâu Điên không bao giờ thua, dù Cộng-sản có treo giá sinh mạng của anh hàng triệu bạc. Anh chỉ hi sinh ngoài mặt trận, với đồng đội, anh em và chiến hữu, cho dân tộc và tổ-quốc.

Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1938 tại Phú Thọ, Hưng Yên, trong một gia đình vọng tộc danh thế, với nhiều anh chị em mà trong ấy có một người em trai đã cùng nhau tình nguyện vào Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt. Thân sinh là một kỹ sư tốt nghiệp từ Pháp về. Những năm hai anh em Phúc thụ huấn ở Trường Võ Bị, ông cụ là Giám-đốc Nha Địa-dư Quốc-gia tại Đà Lạt. Theo gia đình từ bắc di cư lánh nạn Cộng-sản vào Nam năm 1954, Phúc theo học ở trung học Chu Văn An rồi lên Đại-học Khoa-học Sai-gòn. Sau ngày lấy chứng chỉ MPC (Toán Lý Hóa), anh đã tình nguyện nhập học khóa 16 của Trường Võ Bị Quốc Gia, lúc ấy vừa cải tổ theo chương trình 4 năm đại học theo mẫu Trường West Point của Hoa Kỳ, dưới thời Tổng-thống Ngô Đình Diệm. Từ sau năm thứ nhất, anh đã nổi lên với thành tích cao cả về văn-hóa lẫn quân-sự và đảm nhiệm chức vụ Sinh-viên Sĩ-quan Cán-bộ Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu-đoàn Sinh-viên Sĩ-quan.
 
Vốn tính vui nhộn và cởi mở, anh tham gia vào các hoạt động của tuổi trẻ và vui vẻ đứng ra tổ chức trình diễn vũ điệu “Trấn Thủ Lưu Đồn” rất sống động khiến các bạn cùng khóa khó ai quên. Với óc khôi hài và vui tính, chính anh sau này khi hành quân dài ngày trên các mặt trận, đã tự sáng tác ra những bài hát theo điệu dân ca khiến bạn bè, đàn em, lính tráng ai nghe cũng cười đến chảy nước mắt. Sau năm 72, chiến thắng tái chiếm cổ thành Quảng Trị đã nảy sinh ra khúc ca “Cờ Bay” cũng được anh chuyển ngữ sang Anh ngữ để cười đùa với mấy người bạn chiến đấu Hoa Kỳ, như “Flag flies” cho “Cờ bay”… Mấy cố vấn Mỹ sau này lên tướng ở Hoa Kỳ vẫn vui vẻ nhắc nhở lại như một kỷ niệm khó quên. Từ những năm học tập trong trường Võ Bị, cuối năm 1959, với khí thể của một thế hệ thanh niên độc lập, tự do mới, Phúc tốt nghiệp Á-khoa khóa 16, rồi cùng 9 bạn đồng khóa tình nguyện về phục vụ trong binh chủng TQLC. Khác với trước đây, những sĩ quan tốt nghiệp hạng cao đã chọn về phục vụ ở các văn phòng tham mưu hoặc đơn vị yểm trợ, tiếp vận… Từ đó, không lúc nào, trong suốt hơn 10 năm chinh chiến, anh rời khỏi binh chủng chiến đấu dù hai lần bị thương ngoài mặt trận. Đầu năm 63, khi cùng 9 người bạn về trình diện tại Bộ-tư-lệnh TQLC, anh đã được bổ nhiệm về làm trung-đội-trưởng ở tiểu-đoàn 2 TQLC, theo thứ tự A,B,C của tên họ những tân sĩ quan của khóa, do quyết định của phòng nhân viên. Mở đầu cho binh nghiệp lẫy lừng về sau của Phúc là chiến thắng Đầm Dơi của tiểu-đoàn 2 TQLC với những vũ khí nặng tịch thu như đại bác 75 ly được cộng sản chuyển vận tiếp tế từ Hà-nội vào nam bằng đường biển.

Đầu năm 65, khi làm đại-đội-trưởng anh đã cùng đơn vị dưới quyền chỉ huy của Thiếu-tá Lê Hằng Minh, đã đánh tan tiểu đoàn cơ động của Việt-cộng ở Tam Quan, Bồng Sơn. Cuộc giáp chiến nửa đêm ác liệt và dữ dội đã khiến cho kẻ thù đã gọi đơn vị của anh là “trâu điên”. Từ đó, Tiểu-đoàn 2 TQLC đã nổi danh với hổ danh Trâu Điên. Cuối năm 65, khi chuyển quân từ Huế ra tăng cường cho mặt trận Quảng Trị, là đại đội trưởng anh đã cùng cả tiểu đoàn Trâu Điên đã đánh một cuộc phản phục kích tuyệt vời hiếm có trong quân sử, cùng với lực lượng cơ động của TQLC Hoa Kỳ trú đóng gần đó, đã tiểu diệt cả trung đoàn Việt-cộng địa phương, dù vị tiểu-đoàn-trưởng đã xả thân đền nợ nước. Chính Phúc cũng bị trúng đạn xuyên qua ngực phải và chỉ chịu tản thương sau khi quân ta đã làm chủ chiến trường.

Năm 68, từ mặt trận Miền Tây, Phúc đã cùng tiểu-đoàn Trâu Điên được trực thăng vận về giải tỏa cứu nguy Bộ Tổng Tham Mưu, rồi đánh đuổi địch quân ra tận Thành Cổ Loa, Gò Vấp, và chuyển quân sang tiêu diệt Cộng quân xâm nhập vào Chợ Lớn từ đường Hậu Giang đuổi ra Bà Hom, Bình Chánh.
 
Từ cấp bậc trung-úy lên đến trung-tá, anh đều được đặc cách thăng cấp ngoài mặt trận. Ngoài 16 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu tích lũy từ các công trận lập nên từ hàng trung đội trưởng lên đến lữ đoàn trưởng, vào năm 74, anh còn được ân thưởng 2 Chiến Thương Bội Tinh và Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Về phía Hoa Kỳ, anh còn được tặng thưởng một Silver Star và hai Bronze Star với huy hiệu chữ “V” dành cho chiến công lập ngoài mặt trận. Anh vẫn thường chỉ ngón tay lên tấm chiến thương bội tinh với hai ngôi sao đỏ mang trên ngực áo, nói đùa: “Chỉ có cái này là không thằng nào dám làm lèo. Còn lại tụi nó mang lèo nhiều quá nên tao không thèm đeo những huy chương khác nữa.” Phúc tuy là người học giỏi với trình độ đại học khoa học, nhất là môn toán, nhưng lại là người chí tình chí cốt với bạn bè, đồng đội và đàn em. Lúc nào cũng chỉ mày với tao, nhưng khi anh đổi giọng xưng hô có nghĩa là tình bạn, anh em đã chấm dứt. Anh không bao giờ nịnh bợ cấp trên, chà đạp đổ lỗi cho cấp dưới. Luôn hết lòng nâng đỡ dẫn dắt đàn em. Vốn tính trung trực, bình dị và liêm khiết, suốt bao năm chỉ huy đơn vị vốn tự trị về tài chánh và tiếp liệu, anh không có gì ngoài thân với mấy bộ chiến phục rằn ri xếp trong hòm gỗ làm bằng thùng vỏ đựng đạn pháo-binh phế thải cho đến ngày cuối đời. Là một người lính chiến kiệt xuất uy dũng nhưng cũng đầy mưu lược và giỏi phán đoán, nhạy bén với mọi tình huống ngoài chiến trường, anh đã tạo lập nên nhiều chiến công hiển hách được ghi vào quân sử Miền Nam Việt Nam như những chuyện thần kỳ truyền khẩu. Người anh hùng có một không hai này đã một lòng một dạ với quân đội. Từ đó, đã nổi trôi theo dòng sinh mệnh của Tổ-quốc. Lúc đứng đã đứng đầy dũng liệt làm cho quân thù khiếp sợ thất kinh hồn tán, lúc nằm xuống cũng bi hùng hoành tráng như một chiến sĩ da ngựa bọc thây, giữa đồng đội, bạn bè và đàn em thân thiết, giữa cảnh tang thương máu đổ thịt rơi của đồng bào và đất nước quê hương. “Robert Lửa” là hỗn danh do một người khóa đàn em Võ Bị làm phóng sự chiến trường năm 72 đã đặt cho, nay đã gắn liền với tên tuổi của anh. “Robert Lửa” Nguyễn Xuân Phúc sẽ còn sống mãi trong lòng bạn bè, đồng đội, chiến hữu và đồng bào ruột thịt ở Miền Nam.

Trong cuộc di tản chiến thuật, tại Đà Nẵng, sáng ngày 29 tháng 3 năm 75, anh đã cùng Trung-tá Đỗ Hữu Tùng, vừa là Lữ-đoàn-phó và là bạn cùng khóa Võ Bị, lên chiếc trực thăng của Không-quân Việt-nam tại phi trường Đà Nẵng, trong cảnh hỗn loạn binh biến, dưới đạn pháo 130 ly của Cộng-sản miền Bắc từ đỉnh đèo Hải Vân bắn xuống, đã bị trúng đạn địch rơi xuống tử thương sau khi đã điều động cả lữ-đoàn rút quân an toàn về căn cứ Non Nước với lòng tràn đầy phẫn uất vì không đánh mà chỉ lui quân. Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Người chiến binh dày dạn lửa đạn luôn sổng lưng đứng thẳng một mất một còn với quân thù sẽ không bao giờ chịu hèn chịu nhục.

“Thà chết vinh còn hơn sống nhục” (Trần Bình Trọng). Xin hãy thắp lên một nén hương với lời cầu nguyện anh linh của người hào kiệt “hãy dẫn lối đưa đường” cho anh em chúng tôi. Xin tất cả hãy bình tâm để tưởng niệm một vị anh hùng xuất chúng.

Trần Ngọc Toàn K16

Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc.
Ông sinh năm 1938 tại Phú Thọ, Hưng Yên, trong gia đình vọng tộc danh giá. Khi đất nước bị chia đôi theo Hiệp Định Geneve 1954, cậu học trò Trường Nguyễn trãi, Hà Nội theo gia đình di cư vào Nam để lánh nạn cộng sản. Ông là học sinh giỏi của Trường Chu Văn An Sài Gòn, dù cha là một công chức cao cấp và thành tích học tập của bản thân dễ dàng cho ông xuất ngoại du học nhưng thấy cảnh đất nước lâm nguy dưới dã tâm của cộng nô Bắc Việt, ông cùng người em kế tình nguyện vào Khóa 16 Trường VBQG trong khi đang theo học Chứng Chỉ Toán - Lý - Hóa (hay MPC là Mathematics, Physics, Chemistry) tại Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn.

1963, khi ra trường ông tình nguyện về TQLC, làm trung đội trưởng ở TĐ2 TQLC. Từ đó ông đã được tôi luyện và trở thành một trong những cấp chỉ huy xuất sắc, dũng mãnh nhất của Quân Đội Quốc Gia. Tên tuổi của ông gắn liền với những chiển công lừng lẫy của TĐ2 mà năm 1965, bọn vẹm khiếp sợ và gọi là TĐ Trâu Điên, Từ đó cái tên Trâu Điên đi đến đâu là cộng sản tránh né giao tranh hay "chém vè" tới đó vì nếu ở lại kháng cự thì chắc chắn một trăm phần trăm chuốc lấy thất bại thảm hại!

Trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, TĐ2 Trâu Điên do ông làm TĐT đi đoạn hậu để 2 TĐ bạn rút lui và gây cho SĐ324 cộng sản Bắc Việt thiệt hại nặng nề bởi chiến thuật biển người coi nhẹ tánh mạng người lính. Sau trận này ông được đặc cách lên trung tá. Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, TĐ2 cùng SĐ TQLC đã tạo ra chiến thắng lịch sử trong trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.

Nguyễn Xuân Phúc là con người vui nhộn, cởi mở, đầy tính hài hước. Đối với bạn bè thì chí cốt, chí tình. Đối với đàn em, thuộc cấp thì yêu thương, gương mẫu. Từ chức trung đội trưởng lên tới lữ đoàn trưởng ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hơn cả mọi mong đợi. Từ cấp bậc trung úy lên tới trung tá đều được đặc cách tại mặt trận. Ông được thăng cấp trung tá năm 33 tuổi. Vậy mà hành trang, tài sản của ông vẫn chỉ là mấy bộ đồ rằn ri TQLC trong một cái thùng gỗ đựng đạn pháo binh!

29 tháng 3 năm 1975, sau khi điều động LĐ 369 do ông làm LĐT rút về Căn Cứ Non Nước. Ông cùng LĐP, cũng là bạn cùng khóa Trung Tá Đỗ Hữu Tùng rớt trực thăng tử nạn trong cuộc lui binh nhiệt ngã...

Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc trong tâm trí của lớp người hậu duệ chúng tôi là hình ảnh vinh quang, rực sáng. Tin chắc ông luôn tồn tại trong lòng bạn bè, chiến hữu và người dân niềm Nam.

Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc là vì sao sáng trên vòm trời miền Nam. Vì sao ấy đã tắc, đã ra đi, nhưng trong lòng của bao người, vì sao ấy vẫn chiếu sáng và sáng rực rỡ đến muôn đời!

No comments:

Post a Comment