Ngày khởi đầu binh nghiệp, tang bồng hồ thỉ.
Một buổi sớm đầu thu, trời xanh cao trong vắt, nắng thu vàng rực rỡ, lòng người rộn rã, cờ quạt đầy trời, người đông như chẩy hội, binh tướng lễ nghi long trọng, bàn thờ Tổ Quốc nghi ngút khói hương; trước anh linh tiền nhân, khí thiêng sông núi, sự chứng kiến của người Đà Lạt đương thời, của thầy, huynh đệ, gia đình quyến thuộc, chúng tôi hiên ngang trong lễ bào uy nghi lộng lẫy.
Một buổi sớm đầu thu, trời xanh cao trong vắt, nắng thu vàng rực rỡ, lòng người rộn rã, cờ quạt đầy trời, người đông như chẩy hội, binh tướng lễ nghi long trọng, bàn thờ Tổ Quốc nghi ngút khói hương; trước anh linh tiền nhân, khí thiêng sông núi, sự chứng kiến của người Đà Lạt đương thời, của thầy, huynh đệ, gia đình quyến thuộc, chúng tôi hiên ngang trong lễ bào uy nghi lộng lẫy.
Thốt nhiên tiếng hô sang sảng :
– Quỳ xuống các ngươi
Kèn trống bỗng vang rền thoảng như tiếng cung tên giáo mác va chạm, tiếng vó ngựa rồn rập, tiếng quân reo ngựa hí…..
– Đứng dậy các tân Sĩ quan.
– Quỳ xuống các ngươi
Kèn trống bỗng vang rền thoảng như tiếng cung tên giáo mác va chạm, tiếng vó ngựa rồn rập, tiếng quân reo ngựa hí…..
– Đứng dậy các tân Sĩ quan.
Trưởng tràng Ngô Văn Lợi oai phong lẫm liệt tiến ra giữa Vũ đình trường, giương cung, tên bay bốn hướng biểu tượng tang bồng hồ thỉ.
Những ngày vui qua mau, giờ chia tay đã đến, chúng tôi xuống núi tan biến khắp bốn phương trời, lòng đầy nhiệt huyết, chí những muốn vá trời lấp biển. Tổ Quốc vẫn chìm đắm trong chiến tranh, khói lửa mịt mù, chúng tôi ít có dịp hội ngộ. Cứ danh dự, trách nhiệm đè nặng đôi vai, gậm nhấm dần tuổi xuân, hao mòn lòng mong đợi của những người vợ trẻ khắc khoải ngóng tin chồng nơi biên ải. Thảng gập nhau trên bước đường chinh chiến chỉ nghe người còn kẻ đã mất…
Ngày chót đời quân ngũ, ngày dài nhất trong đời.
Tiểu sử một đời người, gia phả một dòng họ, lịch sử một quốc gia ngay đến cả một lục địa, đều không thể không ghi chép các biến cố thiên tạo hay nhân tạo trong suốt thời gian tồn tại. Càng không thể nào tránh được những thăng trầm, thịnh suy, tiểu hạn, đại hạn, cộng nghiệp, cá nghiệp, chướng nghiệp ….
Do bàn tay của Tạo hóa hay vì nghiệp chướng mà nước Việt Nam ở cạnh một nước láng giềng phương Bắc khổng lồ và phía Đông bám vào bờ biển lục địa Đông Nam Á Châu cũng là một vị trí địa dư chiến lược quan trọng: Một đầu cầu để tiến chiếm lục địa Á Châu, một cửa ngõ nhòm ngó và kiểm soát thủy lộ Đông Tây trên mặt biển Thái Bình Dương, chưa kể các tài nguyên thiên nhiên tiềm tàng dưới lòng biển sâu.
Vì vị trí then chốt này mà cả mấy ngàn năm Tổ tiên chúng ta đã phải vừa dựng nước, mở mang bờ cõi vừa chiến đấu gian khổ trong các cuộc chiến mà chắc chắn không do tiền nhân chúng ta gây hấn trước: Mà chỉ để chống ngoại xâm hoặc bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh do nhu cầu chiến lược toàn cầu hoặc ý thức hệ của các thế lực quốc tế….
Nói chung thì thế hệ Việt Nam nào cũng không thoát khỏi những tai ương, hệ lụy …. mà các thế hệ trước cũng đã từng gánh chịu, hy sinh thay nhau tiếp nối gìn giữ mảnh giang sơn gấm vóc do tiền nhân để lại. Lẽ dĩ nhiên mỗi thời hình thái và bản chất cuộc chiến một khác.
Chúng tôi là những Sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa xuất thân khóa “Cương Quyết” Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt năm 1954, một dấu mốc ô nhục về sự chia cắt nước Việt Nam ra làm hai phần: Miền Bắc dưới chế độ độc tài Cộng Sản và miền Nam với thể chế Dân Chủ Tự Do. Thế hệ chúng tôi đã phải chiến đấu chống lại những người anh em Cộng Sản miền Bắc, họ nhận sự ủy nhiệm của khối Cộng Sản quốc tế để bành trướng chủ nghĩa CS xuống nốt Miền Nam VN cùng với ý đồ muốn lan khắp cả vùng Đông Nam Á Châu.
Chúng tôi tự hỏi ngày 30 tháng 4 năm 1975 có phải là ngày đại hạn giáng xuống quê mẹ Việt nam nghèo khổ, ốm yếu, còng queo như hình chữ S, chúng tôi đã được dậy như thế từ khi biết núm áo mẹ đến trường trong những năm tháng đầu đời. Lớn lên trong thời chiến tranh và chính bản thân chúng tôi sau 21 năm dài chiến đấu chống lại chủ thuyết CS, từng chứng kiến biết bao nhiêu những tang thương đổ vỡ, lầm than đau khổ của mọi người dân Việt, biết bao nhiêu những di tích vật chất của quốc gia bị tàn phá, hủy diệt do cuộc chiến gây ra.
Cuộc chiến đấu dai dẳng, gian khổ. Cuối cùng vì ai, tại mình hay bạn đồng minh, bỗng nhiên rã đám, tự trói tay chân la lớn qui hàng. Thật là đại họa ! Cai trị mà tính sai, trăm họ lầm than. Ôi nước non, non nước, tiếng quốc kêu ai oán “quốc, quốc…”.
Ngày 29 tháng 4 năm 1975 khoảng 8:30 sáng, tôi lận 2 khẩu súng lục vào người quàng thêm một khẩu tiểu liên AR18, như một lời từ giã vợ con đang cư trú trong căn nhà vòm quân đội (quonset) thuộc trại binh Nguyễn Văn Nho (tên cố Th/tá Nguyễn văn Nho Tiểu đoàn Trưởng TĐ 4/TQLC tử trận tại Bình Giả, Phước Tuy), trại binh này nằm sát bờ sông phía bên Thị Nghè, đối diện bên kia bờ là Hải Quân công xưởng ngay ngã ba ăn thông với sông lớn Saigon, tiến sâu về hướng Đông là sở Thú. Binh nhất Tân tài xế xe Jeep và tôi cùng vào Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại trại Trần Hưng Đạo, Tân Sơn Nhất.
Khi qua cổng Quân cảnh chận xe tôi lại nói :
– Không ai được vào Bộ Tổng Tham Mưu nữa. Tôi hỏi lại lệnh của ai ?.
– Trả lời là của Đ/tá Thăng thuộc ngành An ninh quân đội vừa được chỉ định thay thế Đ/tá Tòng Chỉ huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ TTM đã di tản theo Đại Tướng rồi.
Tôi nói:
– Anh vào trình Đ/tá Thăng cho tôi vào thăm Trung tướng Trưởng.
– Đ/tá Thăng bước ra khỏi phòng bên phía trái không xa lắm nơi xe tôi bị chận lại và tôi nghe rõ ông ra lệnh: Để cho Đ/tá vào đi.
Đ/tá Đỗ Kỳ thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng Quảng Trị cũng như tôi cùng binh chủng Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng Quảng Nam, chúng tôi đã cùng di tản khỏi Vùng I Chiến Thuật vào đêm ngày 29 rạng 30 tháng 3 năm 1975 vừa qua, gia đình Đỗ Kỳ ở ngay sát cạnh nhà tôi cũng nhà vòm tôn (quonset), nên tối hôm 28 tháng 4 năm 1975 tôi có hỏi tin tức về Trung tướng Ngô quang Trưởng. Đỗ Kỳ cho biết ông vẫn còn có mặt tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.
Mục đích của tôi là vào thăm Tr/tg Trưởng vị xếp cũ của tôi Tư lệnh Vùng I Chiến thuật để dò hỏi tình hình xem bây giờ ra sao? có ý định gì không? và nhất là có thể làm gì được không? Bước vào tòa nhà chính nơi đặt văn phòng Đại Tướng Tổng TMT, Tướng Tham Mưu Trưởng Liên quân vv….tôi quẹo trái ngay tầng dưới vì đã hỏi Đỗ Kỳ đêm hôm trước. Vào phòng Đ/tá Kỳ ngồi cũng thấy có Đại úy Hòa sĩ quan tùy viên , Trung úy Kim phi công trực thăng của Tr/tg Trưởng.
Chúng tôi chào hỏi và trao đổi một vài diễn tiến tình hình hiện tại trong ít phút, rồi Đỗ Kỳ vào trình Tr/tg Trưởng có tôi đến thăm, ông cho gọi tôi vào ngay.
Tôi nghiêm chỉnh chào theo kiểu nhà binh xong, Tướng Trưởng vui vẻ chỉ tôi ngồi ghế ngay trước bàn làm việc của ông và hỏi:
– Chung khỏe không ? Tình hình có gì lạ không ? gia đình Chung ra sao rồi ?.
Tôi cũng hỏi lại :
– Trung Tướng khỏe không ? Hỏi về gia đình ông ra sao? Sau đó ông hỏi rỡn tôi có muốn đi làm Tỉnh Trưởng ở Vùng IV Chiến thuật nữa không? Tôi vừa cười trả lời :
– Quá mệt rồi Tr/tg, rồi tôi hỏi han tình hình cùng bầy tỏ ý muốn theo ông về Vùng IV Chiến thuật nơi còn có Thiếu tướng Nguyễn khoa Nam Tư lệnh Vùng 4 và cũng là sĩ quan gốc Nhảy dù…Ông trầm ngâm mặt thật buồn, trông càng nhăn nhó thêm vì nét mặt ông vốn dĩ vẫn thường ưu tư khắc khổ. Từ từ chậm chậm ít phút sau ông nói :
– Trễ rồi Chung, mình không làm gì được nữa!. Gia đình tôi đã di tản rồi! Ông bỏ lửng câu chuyện, nước mắt long lanh, nhìn ra ngoài cửa sổ….
Ngoài trời nắng vàng cuối xuân, từng hàng cây me dọc theo các con đường trong Bộ Tổng Tham Mưu trổ lá xanh mướt, một vài nụ hoa chúm chím hé nở, mầu đỏ báo hiệu mùa hè đang đến, không khí buổi sáng thật mát mẻ như có vẻ thanh bình, nhưng lòng chúng tôi không ai cảm thấy bình an cả, vì thực tại, một thực tại phũ phàng ….
Tuy không ai nói gì nhưng hình như trong lòng chúng tôi đều đang chịu đựng những đợt sóng ngầm hiện tại. Ngồi yên lặng khá lâu, không rõ ông đang nghĩ gì, riêng tôi thấy lòng mình chán chường tột độ, cảm xúc trong tôi ngược xuôi đối chọi nhau: Từ tủi nhục đến oán hờn vu vơ, từ thân phận mình đến gia đình vợ con đang hồi hộp lo sợ trong căn nhà tôn nơi trại binh vùng Thị nghè.
Các nhà lãnh đạo, các vị Tướng chức vụ lớn hơn cả xếp của tôi đâu rồi?. Những người có quyền quyết định sinh tử đến mọi người trong miền Nam, đến đám quân nhân đang lạc lõng như tôi hiện giờ….
Đỗ Kỳ vào phòng trình có Thiếu tướng Đỗ kế Giai vào thăm, tôi chào ông và cùng Đỗ Kỳ lui ra khỏi phòng, chúng tôi gập Th/tg Giai ngay hành lang ngoài phòng đều cùng hỏi :
– Tình hình sao rồi Th/tg?.
Ông trả lời tỉnh bơ :
– Tốt, khắp nơi vùng quanh Saigon vẫn yên. Tôi coi tử vi rồi không sao đâu sẽ bình yên. Lẽ dĩ nhiên là sau chiến tranh thì phải là bình yên nhưng bình yên như ông nghĩ thì cho đến giờ này, 30 năm sau tôi cũng vẫn không hiểu.
Chúng tôi trở lại phòng làm việc của Đỗ Kỳ tiếp tục nói chuyện lại với các anh em vừa kể trên… Sau khoảng 15 phút thì Th/tg Giai ra về, khoảng 30 phút sau nữa thì Trung tướng Trần văn Đôn hiện là Tổng Trưởng Quốc phòng đến thăm Tr/tg Trưởng. Rồi cũng lại ra đi, chúng tôi không rõ các vị đã nói gì với nhau.
Đến khoảng 11:45 thì một trực thăng đáp ào xuống ngay sân cờ trước tòa nhà chính , gió lốc quá mạnh thổi đất cát bay tung vào phòng chúng tôi đang ngồi. Chúng tôi đều cùng đứng dậy nhòm qua cửa sổ thì thấy Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ cùng bầu đoàn 4, 5 người mặc đồ bay và súng ống đầy mình bước lên thềm vào tòa nhà chính. Khoảng 10 phút sau thấy Tr/tg Trưởng nai nịt súng đạn, kêu Đại úy Hòa tùy viên của ông cùng lên trực thăng của Th/tg Kỳ và cất cánh bay đi…
Chúng tôi 4, 5 người còn lại nhìn nhau hình như đều cảm nhận : Đây là giờ phút cuối nên cùng bảo nhau rời khỏi Bộ Tổng Tham Mưu. Nếu khách quan mà nhìn thì đây là trung tâm đầu não điều khiển chiến tranh trong suốt hai mươi mốt năm qua. Tuy mang vẻ uy nghiêm nhưng đầy giả tạo vì nơi đây không phải là nơi có quyền quyết định, chọn lựa chiến pháp và điều khiển thực sự mọi hoạt động chiến thuật cũng như chiến lược của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đa số các quân nhân kể cả cấp bậc như tôi thường ngại ngùng khi bắt buộc phải vào doanh trại này. Đỗ Kỳ và tôi cùng bảo nhau trở lại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC tại đường Lê thánh Tôn gần nhà thương Grall. Đ/tá Kỳ đi xe riêng, còn tôi khi ra khỏi tòa nhà chính định leo lên xe Jeep thì thấy Đ/tá Ngô minh Châu Chỉ huy Trưởng Trung Tâm Tiếp Vận Vùng I Chiến thuật, chúng tôi có biết nhau hồi còn ở Đà Nẵng, đến gần sát hỏi :
– Tr/tg Trưởng đi rồi à ?. Đi đâu anh có rõ không ?.
Tôi trả lời :
– Không ! Không rõ ông đi đâu đồng thời nói :
– Anh nên ra khỏi đây ngay đi. Đ/tá Châu ngần ngừ nói :
– Anh có phương tiện đi cho tôi đi theo anh với. Tôi trả lời :
– Tôi không có phương tiện nào hết, tôi và Đỗ Kỳ cùng về lại Bộ Tư Lệnh TQLC mà thôi. Tôi cũng báo Đ/tá Châu là nghe nói ở dưới nhà Bè, bên Tiếp vận có xà lan hoặc tầu chuẩn bị đi gì đó, anh thử chạy xuống đó xem sao.
Ý định ra khỏi Bộ Tổng Tham Mưu càng sớm càng tốt nhưng khi xe ra đến cổng chính thì Quân Cảnh chận xe tôi lại nói :
-Lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tôi lại hỏi lệnh của ai ? Trả lời là Đ/tá Thăng.
-Tôi xuống xe định đi lại phía phòng làm việc của Đ/tá Thăng thì ông xuất hiện ngay cửa phòng và ra lệnh cho anh Quân Cảnh :
-Kéo rào cho Đ/tá ra.
Trên đại lộ Cách Mạng để về lại Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, lúc đó vào khoảng 12:00 trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975 đường phố Saigon mọi người chạy qua lại đầy vẻ hốt hoảng, hỗn loạn, có nhiều đám cháy, có chỗ hôi của, có chỗ đốt vỏ xe cháy ngay trên đường, nhiều tiếng súng lớn nhỏ lốp bốp nghe rất gần vv…, nhiều vòng giây kẽm gai ngang đường từng khoảng cách ngắn, một vài chỗ thì còn lính canh gác còn thì chỉ có những vòng kẽm gai giăng chằng chịt, nên tôi cứ phải nhẩy xuống xe để kéo các chướng ngại vật lấy chỗ cho xe Jeep qua lọt.
Khi về đến Bộ Tư Lệnh TQLC thì thấy tất cả anh em binh sĩ còn canh gác nghiêm mật như thường lệ nhưng trên nét mặt mọi người đều mang một vẻ u buồn, chịu đựng, vô vọng, tôi cảm thấy những người lính Thủy Quân Lục Chiến này kể cả tôi lúc đó đều thật tội nghiệp. Tôi vào gập Tr/tá Nguyễn văn Diễn Chỉ huy hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn và hỏi: Anh có liên lạc gì được với BTL Hành quân không ?.
-Tr/tá Diễn trả lời không.
Quay ra ngoài sân cờ tôi gập Đ/tá Đỗ Kỳ và Tr/tá Trần thiện Hiệu, chúng tôi cùng thả bộ ra bên cạnh nhà thương Grall xà vào quán cơm vệ đường, mỗi người gọi một đĩa cơm, trong lúc tất cả mọi người đều như nhốn nháo, có những chiếc xe Jeep quân đội trương cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chạy ngược xuôi, không rõ có phải là sự trở cờ nhanh chóng hay chỉ là lợi dụng lá cờ để dễ bề di chuyển?. Chúng tôi nhìn nhau cười và thủng thẳng ngốn hết đĩa cơm.
Khi trở lại BTL Sư Đoàn, Kỳ và Hiệu đề nghị để hai người dùng đường tắt sang Tư dinh của Trung tướng Lê nguyên Khang cựu Tư Lệnh TQLC nằm sát ngoài bờ sông Saigon nhìn qua Hải Quân công xưởng, theo dõi và nghe ngóng anh em bên Hải Quân có di tản thì xin đi theo. Tôi chờ ở BTL Sư Đoàn như đã hẹn ước với nhau là một trong hai người sẽ quay lại kêu tôi, nhưng chờ hơn hai tiếng đồng hồ không thấy ai trở lại cả. Lúc đó vào khoảng hơn 3:00 chiều, tôi dùng xe dân sự riêng của gia đình để về lại trại binh Nguyễn Văn Nho xem vợ con ra sao ?.
Trên đường qua cầu Thị Nghè bị kẹt cứng phần vì các vòng kẽm gai phần vì đồng bào bên cầu xa lộ và vùng Thị nghè ùa nhau chạy ngược vào Saigon vì Cộng quân đang tiến chiếm cầu xa lộ và đang đụng độ mãnh liệt với các đơn vị quân đội giữ vòng đai Saigon.
Về đến nhà thì vợ tôi vừa rấm rứt khóc vừa nói : Việt Cộng vào đến nơi rồi, anh phải đi ngay đi, anh mang con Chi và thằng Vũ đi (con gái lớn 13 tuổi và con trai lớn 5 tuổi của chúng tôi), em ỏ lại với con Thảo và thằng Đại (con gái thứ hai 7 tuổi và con trai út 3 tuổi). Tôi không chấp nhận đề nghị này và nói: Đi thì đi hết còn kẹt thì kẹt cả, liệu tình hình mình tính sau.
Nhưng vợ tôi cứ khóc, mặt tràn đầy nước mắt nói: Tụi nó bắt được anh thì nó giết anh, còn em bề nào thì cũng không sao. Tôi rất biết điều đó nhưng tôi vẫn không sao bỏ lại vợ con trong hoàn cảnh như thế này. Ngay trước khi rời Bộ Tư Lệnh TQLC về lại nhà, Tr/úy Kim phi công trực thăng riêng của Tướng Trưởng gọi điện thoại cho tôi nói: Anh trở lại Bộ Tổng Tham Mưu gấp, em chờ anh, tụi mình bay ra Hạm Đội 7 Mỹ ngay ngoài khơi. Tôi hỏi lại có cho cả gia đình anh đi được không ?.
-Tr/úy Kim trả lời : Mình anh thôi! Tôi nói : Thôi cám ơn em, hãy bay đi anh không nỡ bỏ lại vợ con anh.
Trên trời lúc đó hàng đoàn trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đang ào ào bay từ Hạm Đội 7 vào để di tản người tại Tân Sơn Nhất và nóc nhà Sứ Quán Mỹ trên đường Độc lập… Tôi đã cởi bỏ tấm áo trận ra, còn lại chiếc áo lót mầu xám nhà binh thờ thẫn trước sân nhà, đầu óc rối tinh, chưa bao giờ cảm thấy mình bất lực trước hoàn cảnh như bây giờ.
Bỗng nghe một tiếng kêu : Anh Chung sao giờ này còn ở đây, tôi quay đầu lại trả lời : Không có phương tiện nào hết.
Tiếng kêu vừa rồi là của anh Chu, Dược sĩ em ruột Đ/tá An Hải quân, chúng tôi quen nhau khi cả hai còn độc thân, tôi sống trong cư xá sĩ quan độc thân cũng không xa nơi các sĩ quan có gia đình cư ngụ và Chu ở với gia đình cùng người anh như vừa kể, Chu thường hay sang Câu Lạc Bộ Sĩ quan TQLC học bài thi…từ mối giao hảo này….rồi cũng cả mười mấy năm không có dịp gặp nhau.
Chu hớt hải vào đề ngay. Em rể tôi Hải quân Tr/tá Nam mang tầu vào đón gia đình mà anh em lính canh TQLC bắn quá, không cho tầu cập bến, nhờ anh nói dùm được không?. Tôi hỏi lại tầu còn chỗ không?. Cho gia đình tôi đi cùng được không?. Chu hỏi lại: Gia đình anh đông không?. Tôi, vợ 4 con nhỏ và một bà già trên 60 tuổi. Chu nói : Vậy được rồi.
Tôi vào nhà hối thúc vợ con mặc quần áo nhanh, quơ vội mấy cái sắc tay và theo Chu trở lại nơi cầu tầu. Khi gần tới thì một Tr/sĩ I Thủy Quân Lục Chiến Trưởng toán phòng thủ khu này từ trong bụi phóng ra, nửa tỉnh nửa say vì rượu, lè nhè nói :
– Đ/tá thì em đâu dám cản, em chỉ không cho Hải quân đi thôi !.
Tôi nói :
– Em phải cho họ đi thì anh mới đi được chứ, đang lúc lằng nhằng như vậy thì đã có anh lính TQLC nào đó chạy lên báo cáo với văn phòng Tiểu Đoàn Vận tải (doanh trại thuộc Tiểu Đoàn Vận Tải) lo việc phòng thủ khu vực này. Thiếu tá Bùi ngọc Đường Tiểu Đoàn Trưởng theo sau có các sĩ quan như : Đại úy Nguyễn văn Thuộc, Trung úy Trương đình Khánh (còn một số Sĩ quan nữa tôi không nhớ hết). Vừa chạy xuống Th/tá Đường vừa lèm bèm chửi : Đù mẹ ! đứa nào cản Đ/tá Chung, không cho ông ấy đi ?.
– Tr/sĩ I Trưởng toán phòng thủ phóng ra nói :
– Em đâu có cản Đ/tá, em chỉ cản lính Hải quân thôi.
Đại úy Thuộc TQLC hỏi tôi :
– Đ/tá đi đâu bây giờ, các em (các con tôi) còn nhỏ quá, sóng gió biển cả làm sao chịu nổi. Tôi trả lời :
– Tôi cũng chẳng biết đi đâu cả, cứ tránh tạm ra biển hay ra Côn Sơn, Phú Quốc gì đó rồi tính sau.
Khi cả gia đình xuống xong chiếc tầu đổ bộ nhỏ (LCVP) chỉ chạy trong sông hoặc sát bờ biển, khả năng chở tối đa hơn 20 người. Một anh Hải quân (không rõ cấp bậc) nói với tôi:
– Xin lỗi cho tôi thu khẩu tiểu liên của Đ/tá, tôi đang sửa soạn trao khẩu AR18 cho anh. Thì thật bất ngờ Tr/sĩ I Trưởng toán phòng thủ cầu tầu của TQLC bắn ngay một băng đạn M16 cách trên đầu chúng tôi đang đứng dưới tầu khoảng một hai thước và miệng thì lè nhè chửi:
– Đù mẹ ! tụi mày dám lấy súng của Đ/tá tao à, ông bắn bỏ hết.
Con cái tôi khóc ré lên, tôi bình tĩnh nói :
-Em yên tâm không ai dám tước súng của anh đâu và liếc nhìn Hải quân Đ/tá Dzu cùng Tr/tá Nam nháy mắt, rồi nhỏ nhẹ nói với anh Hải Quân, chút nữa ra xa tôi sẽ đưa cho anh, giữ làm gì nữa.
Tôi cũng nói với các Sĩ quan TQLC hiện diện lúc đó cùng đi luôn nhưng Th/tá Đường nói :
– Đ/tá thì mọi giá phải đi không thể nào ở được….
Tôi không còn chỉ huy một đơn vị nào, không cả một người lính dưới quyền nào, nhìn đàn con nhỏ 4, 5 tuổi run rẩy sợ sệt….lòng vương vấn thê nhi cùng tình phụ tử đã lấn át được lòng can đảm và niềm hãnh diện của một cấp chỉ huy mà tôi thường có khi là Đơn vị trưởng tác chiến với các trận đánh lẫy lừng trong quá khứ.
Tôi đã bỏ ra đi ngay trước mặt những người lính TQLC của tôi, nhất là Trung sĩ I Trưởng toán phòng thủ cầu tầu hôm đó. Tôi sống trong mặc cảm…. từ ngày di tản sang Hoa Kỳ. Chỉ vơi đi phần nào khi mười mấy năm sau Thiếu tá Đường, Trung úy Khánh đã lần lượt đến Hoa Kỳ trong các diện HO sau những năm tháng tù đầy nơi các trại tù Cộng Sản.
Tầu đang chạy trên sông Saigon hướng về phía Nhà Bè, khi ngang qua Bộ Tư Lệnh Hải Quân, đứng trên tầu nhìn vào bến Bạch Đằng, lúc này cũng vào khoảng 7:45 tối ngày 29-4-1975, trên con đường Bạch Đằng xe cộ ngược xuôi kèn kêu inh ỏi, từng đám đông tụ tập, người chạy qua lại hỗn loạn, nhìn về hướng Cát Lái thấy các đám cháy lớn và nhiều tiếng nổ lớn.
Nghe anh em Hải quân nói Phi Trường Tân Sơn Nhất và trung tâm Saigon đang bị pháo kích….cơn xúc động trong tôi từ đâu ào tới, những giọt nước mắt trào ra từ từ lăn trên hai gò má. Hết thật rồi !
Chúng tôi bị đổ xuống cầu tầu Nhà Bè vì anh em Hải Quân trên tầu nhỏ nói :
– Không dự trù thực phẩm, chỉ đủ cho các gia đình đã dự trù.
Từ ngày đó đến nay đã gần 30 năm rồi tôi chưa bao giờ có dịp gập lại anh Chu, Đ/tá Dzu, Tr/tá Nam bên Hải Quân để bầy tỏ lòng cám ơn. Hy vọng các anh tình cờ đọc được những giòng này :
– Xin cho gia đình tôi gửi lời cám ơn muộn đến các anh.
Bị thẩy lên chiếc tầu đổ bộ lớn HQ 5….(lâu ngày tôi không còn nhớ số nữa) nằm ụ, vì Hải hành đoàn đã bỏ đi gần hết, người thì về đón gia đình, người thì vì hoàn cảnh không muốn di tản. Nhưng trên chiếc tầu này đa số là các Sĩ quan, Hạ sĩ quan và binh lính Hải Quân khắp các đơn vị tụ tập về, thấy một vị Sĩ quan đứng ra hô hào :
Ai muốn ở lại vì hoàn cảnh thì vui lòng lên bờ, còn ai muốn di tản thì ở lại, phía muốn di tản thì đông gần hết tầu. Sau nhiều giờ bàn luận, cãi cọ nhau, sắp xếp qua lại.
Thì đến khoảng hơn 12:00 đêm 29 rạng 30 tháng 4 năm 1975, cũng có được một Hải hành đoàn chắp vá tạm điều khiển tầu được. Con tầu nổ máy gầm gừ một lúc rồi cũng xuôi theo sông Lòng Tảo, ra đến cửa Cần Giờ khoảng hơn tám giờ sáng và đến gần Côn Sơn khoảng 10:00 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 Radio của các người di tản oang oang tiếng kêu gọi đầu hàng của chính phủ Dương văn Minh.
Sáng ra nhìn rõ mặt người thì thấy Tr/tá Hoàng Thọ Nhẩy dù cùng là sinh viên Sĩ quan với tôi thuộc Trung đội 24, khóa Sĩ quan tại Trường Đà Lạt như kể trên có mặt trên tầu, nhìn nhau chúng tôi cùng lắc đầu, chẳng còn gì để nói với nhau nữa…khoảng 1, 2 giờ chiều gì đó thì vớt thêm được Đ/tá Liều quang Nghĩa cựu Nhẩy dù Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Sóc Trăng ….
Trên tầu chưa nghe lệnh lạc gì bên đoàn tầu BTL Hải Quân, đói mất hai ngày. Sau theo lệnh hướng dẫn của Hạm Đội 7, lương thực và nước ngọt được tiếp tế. Lênh đênh vùng quanh đảo Côn Sơn vừa đi vừa chờ đợi vớt thêm các người di tản bằng đủ mọi phương tiện ra khơi cho đến hết ngày hạn định.
Di chuyển theo đội hình chậm chạp, về đêm mặt biển như một thành phố nổi đèn điện sáng trưng. Ngày thứ 8, 9 gì đó thì tới gần Subic Bay căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân. Được báo trước nên anh em Hải Quân trên tầu tổ chức một lễ hạ cờ cuối cùng thật cảm động và nhiều nước mắt.
Tham dự lễ hạ cờ là tất cả mọi quân nhân cùng gia đình và đồng bào có mặt trên tầu. Khi cử hành lễ xong mọi người đều khóc, một số quân nhân vứt mũ, huy hiệu, cấp bậc , súng ngắn, dao găm, lưỡi lê xuống biển hết. Trước khi cập vào bến Subic Bay, một tầu nhỏ hải quân Hoa Kỳ ghé sát các tầu di tản sơn xịt hết các tên tầu và huy hiệu thuộc Hải quân Việt Nam. Đang cập bến thì loa phóng thanh nhắc nhở, bây giờ mọi người đều là dân tỵ nạn chính trị cả, hãy giao nộp mọi thứ vũ khí đạn dược v v….
Riêng chiếc tầu của chúng tôi thì mọi người được chuyển sang một tầu vận tải hàng hóa dân sự do Hải Quân Hoa Kỳ thuê mướn để đi đảo Guam ngay. Bước chân lên đảo Guam vào ngày 13 tháng 5 năm 1975, như vậy chúng tôi đã lênh dênh trên biển 13 ngày.
Khi làm thủ tục nhập trại, một Trung sĩ Hải Quân Hoa Kỳ đưa cho tôi một áo sơ mi thể thao loại áo chơi tennis ngắn tay, một quần short mầu xanh lá mạ và một đôi giầy vải thể thao. Tôi cũng được yêu cầu trút bỏ bộ quân phục tác chiến trên người. Chúng tôi mang cấp bậc gần giống như Hải Quân Hoa kỳ chỉ khác nhau mầu kim tuyến trắng và vàng, Tr/sĩ này rõ cấp bậc của tôi tuy thêu bằng chỉ đen trên cổ áo tác chiến, nên xưng hô rất lễ phép, gọi tôi bằng Sir :
– Ông có muốn giữ lại cái quần này và đôi giầy trận vải để sau này đi săn không?. Tôi trả lời không. Thoáng nghĩ đến thân phận mình làm tôi hơi sót sa và tủi nhục.
Sau gần 30 năm biệt xứ, sống nơi đất khách quê người, can qua biết bao nhiêu những thăng trầm, hệ lụy của cuộc đời trước và sau ngày 30-4-1975. Nhìn lại đời mình, bạn bè cùng khóa… hình ảnh một lão Thượng già trong những chiều nghỉ quân nơi một bản thôn nào đó trong dẫy Trường Sơn những năm xưa lại hiện về trong trí nhớ. Nhiều lúc chúng tôi chỉ ước muốn được ngu ngơ ẩn hồn mình trong vai lão Thượng già của một thời quá khứ xa xăm.
Ngồi trên bực chót căn nhà sàn chậm chạp hút từng ngụm trong hũ rượu cần, đôi môi mấp máy hít ra hít vô ống vố thuốc rê, khuôn trán phẳng lặng, nét mặt bình thản, hình như không có một mảy may ý tưởng nào trong đầu, đôi mắt lim dim nhìn vào rặng rừng già quen thuộc hàng ngày trước mặt như chẳng nhìn thấy gì cả….
Chỉ như cảm nhận được sự tĩnh lặng và đầy huyền bí của rừng già.
Ngày rời bỏ căn nhà nhỏ, nghèo nàn tại thành phố Hà Nội nơi tôi sinh ra và lớn lên. Với một tâm hồn trong trắng ngây thơ, khù khờ nhưng đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ để vào đời. Ngày khởi đầu đời lính khi đặt chân vào Trường Võ Bị Đà Lạt, tôi còn có được một chiếc quần dài, một áo sơ mi dài tay cùng một đôi giầy da đen. Và ngày chót cuộc đời binh nghiệp của tôi là ngửa tay đón nhận một bộ đồ short, một đôi giầy vải thể thao cũ từ tay người Trung sĩ Hải quân Hoa Kỳ nơi làm thủ tục nhập trại tỵ nạn Cộng Sản trên đảo Guam thuộc lãnh địa Hoa Kỳ.
Một ngày dài nhất cũng là ngày cuối cùng cuộc đời võ nghiệp của tôi đầy biến động bi thảm, cô đơn, tủi nhục, chán chường và mệt mỏi …. tôi cảm thấy tâm hồn như chai cứng, khô cằn. Qua 21 năm chiến tranh: Luôn sống trong hoang tàn đổ vỡ, súng đạn và máu lửa, xác người xác lính, nhiều lúc ngồi nuốt vội vàng miếng cơm sấy với cá hộp trong tiếng súng chát chúa ngang tai và bom đạn nổ ì ầm quanh mình giữa cụm rừng già nào đó trên quê hương.
Bên cạnh những tiếng rên la đau đớn của các binh lính bị thương, máu me đầy mình nằm chờ được di tản.
Mùi cơm mốc, mùi cá tanh, mùi máu, mùi thuốc súng khét lẹt như chặn ngang họng, miệng khô đắng trong lúc bụng cồn cào vì đói. Giờ đây cứ mỗi mùa nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng, đêm đêm nằm nghe những hạt sương khuya nhỏ giọt tí tách ngoài hiên sau là mỗi lần gợi nhớ đến các bạn bè đồng đội, những người lính dưới quyền ngày xưa.
Nhất là sau một thời gian sống ở nước ngoài đã được đọc những tài liệu, nghe và cảm nhận thấy những nguồn gốc mưu đồ, mặc cả, chia chác, cấu kết nhau để gây ra cuộc chiến này. Chỉ có những người Việt Nam cả hai phía đã thủ diễn những vai trò một cách xuất sắc trong màn bi kịch quốc tế . Vở kịch “Việt Nam, thảm kịch máu”. Tôi thấy thương thân mình, các bạn đồng đội và những người lính của tôi nhất là những người đã nằm xuống và những người còn sống lay lắt đâu đó mang thương tích tàn tật suốt đời.
Năm mươi năm hay một trăm năm sau thì những giọt sương khuya vẫn tí tách nhỏ giọt và tan biến vào lòng đất. Sự biến dịch không cùng trong càn khôn vũ trụ. Hỗn loạn và trật tự, ác và thiện…. Chắc chắn có một cái gì mầu nhiệm đâu đây và mầu nhiệm đã đến với gia đình tôi vào chiều tối ngày 29-4-1975 ngay bên bờ sông Thị Nghè qua anh bạn Chu của tôi.
Xin tạ ơn Trời và tạ ơn Người.
Chu Vũ
Share Người Lính Già TQLC
No comments:
Post a Comment