Monday, September 26, 2022

GỞI MỘT CHÚT TÌNH - Nguyễn Văn Minh K27

GỞI MỘT CHÚT TÌNH (Nguyễn Văn Minh-K27)

Buổi sáng rời câu lạc bộ Ba Râu để leo lên chiếc GMC chạy ra hướng cổng Nam Quan là lần cuối cùng chúng tôi còn nhìn thấy Trường Mẹ. Trong ánh nắng sớm vừa lên, dãy nhà Văn Hóa và Thí Nghiệm Nặng còn ngái ngủ qua làn sương mỏng, đồi Lapbé Nord in nét thẫm trên nền trời xanh, cổng trường quét vôi trắng còn mới nguyên cho ngày mãn khóa và lá cờ thắm bay phất phới như vẫy chào tiễn biệt những đứa con yêu dấu. 
----------------------------------------
 
Dù gặp nhau là để đợi chờ một ngày nào đó chia xa, nhưng vẫn còn sót lại trong lòng những đứa con một hình ảnh: Trường Mẹ. Câu mở đầu chương trình phát thanh Tạ Từ của khóa 27 mấy ngày trước vẫn còn âm vang. Đó là ngày 31/12/74, ngày khóa 27 Lục Quân chúng tôi rời trường để xuống Dục Mỹ học Sình lầy. Giờ đã hai mươi mấy năm đi qua trên quê hương khốn khó. Hai mươi mấy năm bao nhiêu đày đọa nhục nhằn. Hai mươi mấy năm, những anh hùng của đất nước Việt Nam đã không dựng xây được nghiệp cả nhưng đã mang theo mãi lá cờ vàng ba sọc đỏ trong tim trong máu, nằm xuống âm thầm đâu đó ở ven rừng, bờ đê, trong trại tù, nơi sân bắn.
Thoắt cơn biển dâu quá đỗi ngỡ ngàng, bạn bè cùng khóa, đàn anh đàn em gặp nhau qua dòng đời trầm thống, những vết hằn in trên trán, những tân toan nhục nhằn ghi dấu trên nét mặt. Chỉ còn lại cái siết tay thật chặt và ánh mắt long lanh, có một giọt nước mắt trào ra, chỉ hiếm hoi vì thật ra đã từ lâu không thể khóc.

Một thằng bạn cùng khóa từng tâm sự và tôi đã đồng ý với nó.“Sau 75 cái khốn nạn nhất mà cuộc đời tao phải gánh chịu và cũng chính là điều làm tao hãnh diện tới chết là tao đã xuất thân từ Trường Võ Bị”. Câu nói đơn giản và thật chính xác, cái nghịch lý đã không cần phải giải thích. Và ở bên kia đại dương xa mù, nơi đồi 1515, Trường Mẹ sẽ nở một nụ cười mãn nguyện. Kiêu hãnh và thách thức bất chấp định mệnh nghiệt ngã, ngày xưa mỗi năm lớp lớp đàn con rời Trường tung đi khắp rừng sâu núi cả, chỉ trang bị độc nhất mỗi một điều: Thách đố và chấp nhận mọi sự kể cả cái chết. Sự nằm xuống hình như đã được sửa soạn sẵn đâu đó cuối đường gian nan, con đường của niềm kiêu hãnh Võ Bị. Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm. Lời thề nơi vũ đình trường năm nào vẫn còn đó graduation.

Cho tôi được kể lại cái ấn tượng ngày đầu của năm thứ nhất với câu nói của một sĩ quan đàn anh – Thiếu tá VT Thứ – ngày ông từ giã Tiểu Đoàn I/SVSQ. Con đường các anh đi, nó không bằng phẳng êm ái như những người dân chính khác, nhưng đó là con đường do chính các anh chọn lựa. Và cuộc đời anh sẽ hãnh diện về sự lựa chọn đó. Tôi nhắc lại, các anh có quyền hãnh diện về nó!

Khóa tôi thuộc về thành phần “muộn màng” trong lịch sử Trường Võ Bị và cũng là khóa cuối cùng quỳ xuống đứng dậy tại vũ đình trường Lê Lợi. Mùa đông cuối năm 1970, khóa 24 đã cho chúng tôi biết thế nào là “lột xác” để trở thành một người Võ Bị ngay từ những ngày, những giờ đầu binh nghiệp. Và một phần đời tuổi trẻ mở ra cùng với niềm thiết tha trang trọng lúc quỳ xuống nhận cặp Alpha Đỏ trên vai giữa ánh đuốc lung linh một năm nào.

Chúng tôi cũng đã có nhiều dịp tìm hiểu thêm về truyền thống Trường Mẹ. Những nếp sinh hoạt và suy tư trong suốt 4 năm đã trở thành một phần lớn – nếu không nói là toàn thể đời sống – đời sống của một quân nhân hiện dịch. Đọc ông Phan Nhật Nam trong cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa đã gọi khóa 16 là “khóa Thép mở đầu kỷ nguyên Võ Bị Quốc Gia”, và truyền thống chọn binh chủng cũng là điều làm bọn tôi “khoái” nhất. Còn chừng 3 tháng trước ngày mãn khóa là ông già Vĩnh Xương nhận order tới tấp -overtime, tôi chắc vậy – đứa nầy một bộ, đứa kia hai bộ rằn ri. Có đứa còn chắc ăn may luôn phù hiệu Sư Đoàn Dù hoặc Cọp 13 Răng 6 Râu, bảng tên đen cho có vẻ tác chiến, bằng Dù cũng đen luôn. Cuối cùng ngày chọn đơn vị lại bị chặt ra 3 toán, đứa chót toán trước ngậm ngùi nhìn đứa ra trường hạng thấp hơn mình dẫn đầu toán sau hớn hở chọn Nha Kỹ Thuật, 81 Biệt Cách Nhảy Dù, còn mình thì giống như chơi domino bị “triệt buộc” – tiếng Mỹ kêu bằng “no choice” – ngó lên bảng chọn đơn vị chỉ thấy độc nhất mỗi một xứ Thượng; lại còn bị nó trêu chọc, mượn câu thơ của Trầm Kha – cố Đại úy Nguyễn văn Đồng khóa 25: Em phải biết một đời trai du tử. Hễ đi đâu… mang túi ngủ theo mình! Mấy bộ rằn ri may sẵn đành phải đem biếu nó kèm theo cái nón đỏ nón nâu cho đủ bộ. Tao đặt may mấy bộ đồ trơn mầy nhớ trả tiền không thì chết với ông Vĩnh Xương! Ngày ra trường với cái lon Thiếu Úy mà bị ổng xách chiếc mobylette rượt theo đòi nợ thì tàn đời binh nghiệp là cái chắc!

Những ngày ra Huế năm 1973 gặp lại các niên trưởng 23, 24, 25 lúc đó đã là những đơn vị trưởng, phong trần ra nhưng dáng dấp vẫn còn nguyên chất Võ Bị, đối đãi với đàn em thì khỏi chê: “Tụi mi muốn đi đâu tao chở cho đi, muốn ăn cái gì cứ việc”. Xong xuôi còn cho chút đỉnh tiền đi quán cà phê nghe nhạc. Không phải thứ nhạc quái đản của mùa Tân khóa sinh bên hông nhà Thí Nghiệm Nặng, một đứa đứng lên hát còn cả bọn thì “bắc cầu kiến bò” vắt ngang đường mương để thưởng thức với tác chiến số 4 trên lưng. Vừa nghe vừa đổ mồ hôi, lùng bùng cả lỗ tai, vừa tức cái thằng ca sĩ cà chớn lợi dụng cơ hội đứng hát quá lâu làm mình mỏi muốn run tay. Lúc chuẩn bị đón khóa 30 nhập trường, cả bọn nô nức chờ đợi Tân khóa sinh Châu Toàn Hội, em ruột NT Châu Toàn Huệ khóa 24 – hung thần khoa chiến thuật ngày nào mà cả khóa 27 rất là vất vả mỗi khi trình diện ngoài bãi học – Một chút ngậm ngùi, vì niên trưởng Huệ vừa tử trận mấy tháng trước ngoài Quảng Nam. Từng đứa con rời xa và vĩnh viễn ra đi nhưng hình bóng vẫn còn lẫn khuất đâu đó trên núi đồi cao nguyên lồng lộng gió, kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn. Trần Đức Bằng, Tiểu Đoàn 97/BĐQ, hàm ria mép lơ thơ và hàng răng trắng, du côn nhất trong số 21 đứa đi Biệt Động Quân. Mãn khóa mới một ngày nó dạo vòng bờ hồ Đà Lạt, đồ rằn ri, nón bo trận, gây chuyện đánh lộn. Sĩ quan Cán bộ Đại Đội Trưởng, ông đàn anh khóa 23, lắc đầu ngao ngán: “Nhìn bộ vó tôi cứ tưởng anh ấy đã ở ngoài đơn vị tác chiến có trên… 10 năm!” Câu nói được chúng tôi “tape record” cho Bằng nghe, nó ngửa mặt lên trời cười khò khò khoái trá, nụ cười độc đáo mới “sáng tác” trước ngày mang lon Thiếu Úy không lâu. Hôm liên hoan chia tay cả khóa ở Lê văn Duyệt, một cô ca sĩ TV Sài Gòn nổi tiếng, nhè lựa đến ngồi chung bàn với đám chúng tôi, cô “hát”: “Em chỉ thích lính rằn ri mà thích nhất có mỗi Biệt Động Quân các anh thôi…”. Bằng tức thời được dịp dựa ngửa ra ghế biểu diễn nụ cười “Thành Cát Tư Hãn” của nó, cô ca sĩ không biết nghĩ thế nào, tịt ngòi luôn không hát nữa, trông quê một cục. Mới hồi đầu tháng vác ba-lô trình diện Liên Đoàn đã thấy nó và Hơn đi theo Trinh Sát 9. Hai tên nầy đi trinh sát là phải quá, nội cái vụ thằng Hơn “biểu diễn” treo một chân dưới bụng trực thăng, dưới đất một rừng cờ xí, súng vai phải lưỡi lê tua tủa cũng đủ làm dựng tóc gáy cả Trung Đoàn SVSQ, mà sợ nhất là khóa 27 – lỡ cuối tháng trừ lương phúng điếu có nước bỏ mạng – Hai đứa bụi đời số một, ăn với chúng nó bữa cơm trưa dã chiến ngoài rừng cao su xong Bằng rủ tôi đi tắm suối. Tôi nhìn nó, nét mặt hồn nhiên, giọng cười tạo ra một vẻ ngạo mạn, tôi đâu biết đó là lần cuối cùng. Bằng và Hơn sau đó lại ra Tiểu Đoàn vì Trinh Sát chỉ chọn sĩ quan thâm niên.

Bằng 97, Hơn 93. Nhớ lúc kéo nhau trình diện Đào Bá Phước, hỏi Thiếu Úy cho biết địa chỉ báo tin trong trường hợp… Bằng trả lời gọn lỏn: “Ngoài Nghĩa Trang Quân Đội, gia đình tôi kẹt lại Quảng Ngãi hết rồi”. Tin nó chết, Công “vồ” báo cho tôi hay.

Tôi lặng người hồi lâu, kỷ niệm với Bằng còn nóng hổi.
Cũng cho tôi được nói thêm về những đứa con bất hạnh của Trường Mẹ, đứa chết, đứa “tàn phai nhan sắc” – nói theo kiểu cán bộ Tân khóa sinh – HT Lộc khóa 24 ngày vô Lê văn Duyệt thăm đàn em với bộ dân chính. Tao bị giải ngũ về học Quốc Gia Hành Chánh. Có một cái gì lưu luyến đậm tình huynh đệ, khi người đàn anh đã giã từ chiến trận, tìm thăm khóa đàn em năm xưa mình huấn luyện. Không còn vóc dáng hung hãn của mùa TKS với nón nhựa đội sụp mắt và giọng hét làm rung rinh mấy dãy bâtiment; ĐH Lợi 25 vô thăm khóa 26, 27 về Sài Gòn diễn hành Quân Lực với bộ rằn ri Nhảy Dù và cái móc sắt thay cho bàn tay mặt.

Ngày khóa 27 ra trường, chiến trận đã quá khốc liệt, lần lượt nghe tin các “hung thần” rất quen tên rất biết mặt của khóa 24 bỏ rơi cung kiếm nằm xuống giữa vùng Tây Nguyên: cố Đại Úy Nguyễn văn Mười, Lê Công Dung… những con hổ dữ đã mấy năm trải đời mình lận đận qua bao nhiêu nẻo chông gai. Và mới ngày nào, “Trung Đoàn SVSQ vừa nhận được tin buồn, cố Trung Úy Lê Hải Bằng, TĐ 2/ND vừa tử trận tại chiến trường Quảng Nam, Trung Đoàn dành một phút mặc niệm…”. Cái tin bàng hoàng, Lê Hải Bằng khóa 26, người niên trưởng tài hoa với ngón đàn classic, nét mặt trầm buồn, vóc dáng ung dung tự tại, cựu Tham Mưu ban 5 Trung Đoàn SVSQ. Ban 5 có truyền thống đi Nhảy Dù và chết sớm như Nguyễn văn Bảo khóa 25. Có ngày nào không nghe tin buồn gởi về Trường của những đứa con đã ra đi và nằm xuống cuối trờiquê hương. Những Vàng Huy Luyến, Nguyễn Thanh Long, Ngô Đức Hải, Đinh Phú Bình khóa 24; những Huỳnh Xuân Quang, Huỳnh văn Đảnh, Nguyễn văn Bảo, Nguyễn văn Hai khóa 25; những Lê Phan Vương, Tô văn Nhị, Phạm Minh Sơn, Lê Hải Bằng khóa 26…

Rồi đến Tạ Tử Anh, ông thần “chơi chịu” của khóa 27, chọn Nhảy Dù vì ra trường hạng cao, học giỏi nhưng lè phè, liều mạng và rất tốt với bạn bè. Có một điều làm tôi phục nó sát đất là nó coi mọi chuyện trên đời không có gì là quan trọng. Chả bù với những người khác mà tôi gặp trong suốt mấy mươi năm cuộc đời, trông lên nét mặt họ lúc nào cũng mang một vẻ “serious”, chán bỏ mẹ! – nói theo kiểu Phạm Bốn. Tôi còn nhớ trên chuyến C-123 lên Đà Lạt hồi tháng 12/1970, Tạ Tử Anh chỉ là một chàng thư sinh với đường ngôi rẽ thẳng giữa đầu, nụ cười tươi tắn hồn hậu khi tôi lúng túng xin lỗi vì lúc bị phi cơ nhồi đã lỡ té… ngồi lên mình nó. – Cũng đã lâu lắm rồi, từ khi vua Hùng Vương lập ra nước Văn Lang tôi mới lại được cỡi chiếc Air Nhà Binh – Lúc đó chúng tôi còn lạ nhau, mấy chục đứa trình diện từ Vùng 4 có cả một lố tên nghe lạ hoắc. Trong số đặc biệt nhất có cái tên suốt 4 năm trên Trường nhiều lần làm chúng tôi cười thú vị: Nguyễn văn Mọi, tục danh Mọi Darawa. Lúc còn bên trại tạm trú đã có nhiều đứa thích giỡn, “Ê chú Mọi, cho mượn cái đuôi quét nhà!”. Chiều đóng quân xong, Công mang tờ báo qua cho tôi hay, Tạ Tử Anh chết Long Khánh. Bạn bè từ từ ra đi, chừng nào tới lượt tao với mầy? Thủ khoa khóa 27 tụi tôi, Hoàng văn Nhuận, cũng vừa mới tử trận ngoài Long Thành.

Suốt đêm đó tôi nằm trằn trọc trên võng, lục trong trí nhớ những kỷ niệm về tụi nó, những kỷ niệm đầy hình ảnh tươi sáng như giữa ngày hè Đà Lạt. Trong đó thấp thoáng lại những khuôn mặt, những cảnh sắc, những âm thanh còn rất rõ nét. Đồi Lapbé Nord sừng sững án ngữ trước cổng Nam Quan, bài học chiến thuật ngang qua ấp Thái Phiên chiều nghe tiếng chuông chùa gõ trầm trong gió, giọng hát ám ảnh làm rợn từng sợi lông tay cảm xúc, trong Phạn Xá, giữa không khí hanh hanh của mùa Tân khóa sinh, “chiều chiều hành quân qua làng cũ, tiếng hát bên thềm nhè nhẹ đưa…”. Đà Lạt, thành phố lạnh se sắt, mới cách không lâu chúng tôi đã cùng nhau gởi lại đó một thứ kỷ niệm u uất đàng sau lớp sương mù, bàn tay vẫy chia biệt mơ hồ như một lời không ngỏ. Hai mươi mấy tuổi và giữa lòng chiến trận, chúng tôi chỉ còn lại bên mình những lạnh lùng và tàn nhẫn, rình rập từng giờ, từng phút và từng giây.
Toàn cảnh trường Võ Bị
Toàn cảnh trường Võ Bị

Và những người cùng chia sẻ với nhau một thời tuổi trẻ nơi ngọn đồi 1515 có mang theo gì được nơi chốn đó? Hàng thông vẫn xanh, con đường mòn quanh co chạy vòng theo sân bắn, mặt hồ Huyền Trân, hồ Chi Lăng vẫn lặng lờ in bóng mây và sương mù vẫn còn đó của Đà Lạt, nhưng tất cả đã mất hết, đã quá xa rồi một thuở vàng son. Giờ trên khắp nẻo đường nắng gió, chắc vẫn còn tận nơi cùng thẳm của ký ức một Đà Lạt với cái lạnh sắt se kỷ niệm, tháp chuông Viện Đại Học cao vút, mầu alpha đỏ như một niềm kiêu hãnh và mùa xuân mấy rặng anh đào nở hồng trong nắng… đêm mơ Đà Lạt dáng kiều thơm… Lê văn Điền khóa 25 đã mượn câu thơ Quang Dũng để diễn tả nỗi lòng một đêm nào ở đảo tị nạn Bidong.

Cũng đảo Bidong, chống cây nạng lên căn gác gỗ “bốn bề gió lộng” của BT Chức, lấy ống lon sữa bò cắm mấy cây nhang, và bài vị do Chức viết:
– Trần Đức Bằng 1975,
– Tạ Tử Anh 1975,
– Hoàng văn Nhuận 1975,
– Nguyễn văn Nhành 1975…
Cổ họng nghẹn khô và cây nạng run trong tay. Bạn bè ta đó, đã ở lại, đã nằm ngủ yên bên kia bờ biển, thật bình yên giữa một trời quê hương khốn khó… Những ngày ở Dục Mỹ, lon Thiếu Úy mới đeo mấy ngày phải tháo ra may một miếng vải đỏ thế vào, không còn cấp bậc mà chỉ là khóa sinh Rừng Núi Sình Lầy Dục Mỹ. “… khóa học vất vả nhất của QLVNCH” – Đại Tá NV Đại, Chỉ Huy Trưởng đã nói như thế với chúng tôi ngày khai giảng. Chiều ở căn cứ Núi, Chuẩn Tướng LV Thân cùng Đại Tá PV Tất đáp trực thăng xuống tại bãi học để “thăm” chúng tôi. Ông cho biết khóa 27 đi Biệt Động Quân sẽ về cùng một Liên Đoàn hoạt động ở vòng đai Sài Gòn. 21 đứa kháo nhau, tụi mình đi BĐQ thế mà sướng, được ở gần Sài Gòn. Những ngày vất vả cực nhọc qua nhanh, có những buổi chiều nắng không vàng lắm và gió ào không ngừng nghỉ qua cánh rừng lá, tôi ngồi hút thuốc trông lên ngọn núi mờ hướng Lam Sơn lòng yên tĩnh lạ, lầm thầm đọc câu thơ của MM… đây rừng chiều em hãy nằm xuống ngủ, cắn ngang môi từng hạt nắng đầu mùa… Em đâu không thấy hoặc là em ở quá xa, ở đây chỉ có ngày phục kích, đêm đột kích, di hành, vượt sông, qua núi, đội hình quả trám hàng ngang hàng dọc, chấm lân tinh và sợi chỉ gióng hướng để tìm điểm đứng giữa rừng gai mắc ó. Ngày cả khóa chia tay cũng là lần cuối cùng họp mặt đông đủ của khóa 27, sau đó là dằng dặc những bèo mây trôi dạt trên biển trời. Có còn nhớ gì không?

Đầu tháng 4/1975 ngồi chờ trình diện Tiểu Đoàn Trưởng gặp Hòa Râu dẫn lính đi ngang, thấy tôi nó kêu lính dừng lại, móc túi nhét cho $500. Ôi cái ngày đầu tháng tư đó tới bây giờ vẫn còn nhớ hoài. Đêm dẫn Trung Đội nằm tiền đồn nhìn về hướng Tân Sơn Nhất thấy ngọn đèn đỏ nhấp nháy cuối trời. Một chút ấm áp trong lòng, gần gũi như ở đây và ở đó để tạm thời quên những rình rập xung quanh.

Gần cuối tháng tư, Tiểu Đoàn tăng mức độ chạm địch, liên tiếp mấy đêm nằm nghe đích thân Tiểu Đoàn Trưởng lên máy điều động Trung Đội Trưởng cố thủ và chống trả, tiếng pháo binh từ Thành Ông Năm départ dồn dập. Đó là những ngày cả Sài Gòn nhốn nháo kẻ ở người đi qua ngã Tân Sơn Nhất và bến Bạch Đằng, ở đây từ quan tới lính vẫn bình thản ngày ăn cơm với cá khô, đêm đi kích gài mìn claymore tự động, chia nhau gác và nằm bờ ngủ bụi với cái hạnh phúc sáng mai còn được thức dậy thu dọn súng đạn nhìn nắng chói chang trên cánh đồng phẳng phiu, tưởng như thấy được cả một thuở nào bình yên xa lắc. Tôi yêu làm sao những lời thơ ca tụng cái đẹp mộc mạc bình dị của quê hương và cũng kính phục làm sao những tấm lòng trang trải nợ núi sông không một chút suy tính, vụ lợi. Tất cả những tình cảm đó đã dẫn dắt tôi từ những bước chập chững vào đời lính và đời sống phiền não xung quanh, một thứ thuốc an thần làm dịu đi những cơn sóng ngầm cứ mãi khuấy động trong lòng.

Ngày Tiểu Đoàn nhận tiếp tế chuyến chót, tôi ngạc nhiên nhìn một Thiếu Úy với bộ tác chiến xanh mang phù hiệu Trường, nón sắt ba-lô đầy đủ. Quái lạ sao giáo sư Văn Hóa lại ra tận chốn nầy? Chẳng lẽ thiếu điểm môn Lưu Chất hồi năm thứ 3 mà giờ nầy Trường còn gởi thầy ra để test lại? Rồi thước tính ở đâu mà kéo hở trời? Đến khi “ông” ta lên tiếng và kêu “niên trưởng” tôi mới kịp nhận ra LT Dương khóa 29. Tôi và Công mới được biết thêm về tin 2 khóa 28, 29 ra trường và cuộc di tản gian nan từ Đà Lạt. Tôi ngậm ngùi bảo Công, tao với mầy đủ lông đủ cánh ra trường còn chưa biết chết ngày nào, thấy tụi nó tao quá tội! Cả anh lẫn em đều đang đặt những bàn chân non nớt vào chiến trận, mà chiến trận thì quá tàn khốc. Hình như những ngày đó tôi đã chuẩn bị sẵn cho mình một cái chết, tôi không bi quan cũng không run sợ, chỉ nhìn thẳng vào thực tại với lòng bình thản. Trường Mẹ đã dạy tôi như thế. Tôi biết là tôi sẽ đi cho hết con đường đã chọn, không có quyền và không bao giờ bỏ cuộc. Tôi chỉ cần một điều duy nhất là mình vẫn còn hãnh diện với chính mình – không ai có thể trốn chạy được chính mình dù có bào chữa tránh né cách nào đi nữa… Tôi là lính và phải chiến đấu, thế thôi!

Ngày chót, trước khi Tiểu Đoàn bị cắt ra, mất hết liên lạc, tôi còn nghe chính giọng nói Tiểu Đoàn Trưởng trong máy, bảo tôi, anh cố gắng link-up với 82 – Tiểu Đoàn Phó, lúc đó đang dẫn một Đại Đội trừ làm một mũi đánh mở đường xuống Đại Đội chúng tôi – Quá trưa Công bị thương, máu me đầy mặt bò qua hướng Trung Đội 3 của tôi cho lính băng bó. Đánh vùi gần nửa ngày qua cái làng sát bên cạnh bãi nhảy dù, Cam và Hổ bên ĐĐ/1 lên trước, Công cà nhắc theo sau. Đến tối chúng tôi mới ra được bãi Ấp Đồn mà trước đó hơn một năm còn ngang nhiên nhảy đủ 5 saut để lấy bằng. Định mệnh đã dẫn dắt 4 đứa khóa 27 chúng tôi trở về đây, đánh trận đầu tiên và cuối cùng tại chính nơi mà mới một năm trước cả khóa còn hí hửng kháo với nhau về những saut dù đầu đời, giờ lửa đỏ rực bao quanh và đạn phòng không của địch nổ rền trên nền trời tối. Đó là đêm cuối cùng của đất nước còn được tự do, trưa hôm sau mọi chuyện đã xong. Những người âm thầm nằm xuống trong suốt cuộc chiến hai mươi mấy năm đã không bao giờ nghĩ rằng sự hy sinh của mình là vô ích. Cái chua xót đó chỉ dành cho chúng tôi, những người sống sót… Vĩnh biệt chiến hữu, mong các anh tìm thấy bình yên trong cõi an nghỉ đời đời.
Hơn hai mươi năm tưởng như mới ngày nào, trong suốt quãng đời dằng dặc tủi cực nhiều đêm nằm mơ thấy về lại Trường, cỏ mọc xanh và mấy dãy lầu hoang phế. Thấy lại mùa diễn hành và mầu alpha đỏ rực của mấy khóa đàn em, tưởng như đời sống nơi đó vẫn còn tiếp tục. Thấy lại Phan Công Quang thằng bạn thân cùng đi Biệt Động để thức dậy nước mắt còn ướt má… “đêm hạ vàng long lanh, vòng tay nửa gối nghe nắng dậy xôn xao, chinh chiến quê hương bạn bè…”. Hai mươi mấy năm, đứa tàn phế, đứa tù đày và đứa sống khắc khoải với dập dồn kỷ niệm. Đành mượn câu của NN: “… Hai mươi bốn năm, bốn ngàn tuổi đầu và hai mươi bốn năm xa cách, chưa có nghĩa gì cả, quê hương đó trùng điệp những mùa thu mùa hạ biển núi sông ngàn…”. Nhớ lại mấy câu viết trong đặc san Alpha Đỏ cuối 1973 lúc khóa 26 ra trường: “… anh muốn nói cùng em, sẽ không thể nào hiểu hết những toan tính muôn mặt đàng sau cuộc chiến dằng dai, nhưng đó là tất cả những điều anh muốn nói. Những điêu linh nhục nhằn vẫn sẽ tiếp tục, anh rồi cũng sẽ quay cuồng theo nhịp độ chóng mặt đó, có thể hết đời anh. Còn thật xa, em thấy không? Còn thật xa cho những tươi tốt bình yên mà từ ngày mới lớn chúng ta chỉ được nghe nói, được kể lại về một thời nào đó, trăng đầy lúa chín…”.

Hai năm sau ngày ngưng bắn là đổ vỡ tất cả, những ước vọng nhỏ bé nhất cũng tan tành, không bao giờ còn tìm lại được những bình yên xưa trong ánh mắt, không bao giờ lòng người còn được mở ra bằng những tình cảm nồng nàn bình dị nữa, không bao giờ… thấy ở đó gót em hồng buổi sớm băng qua cánh đồng sữa lúa thơm môi ngắt một nhánh và nghiêng đầu cúi xuống nghe quê hương thành máu chảy trong người (ĐT).

Và những đứa con đã từng xuất thân Võ Bị, chắc chắn vẫn còn mang trong lòng một hoài niệm không nguôi. Nợ tình, nợ tiền, nợ nước! Ôi nợ nước không ai đòi mà sao lòng không bao giờ được yên ổn. Giữa cảnh bình yên êm ấm bỗng thèm được nếm một chút gian nan, gian nan và hào sảng, như ngày xưa giữa nhọc nhằn chết chóc thèm thấy một ánh điện, một con phố có người qua lại. Lòng người là một chuỗi ước vọng không bao giờ được lấp đầy. Từng cụm rừng, từng con suối, đường dốc ban mai và đỉnh núi sương che, nơi đã một lần in dấu giày lặng lẽ, biết bao giờ có lần được đặt lại đúng dấu chân xưa? Sông núi nhớ thương và quê hương câm nín âm thầm, quê hương đau xót. đây cũng sông núi đẹp vô ngần mà bao giờ cũng vẫn là sông núi của người, mình chỉ là người lạ đến thương gởi sống nhờ. Cái gì mất cũng đẹp, cái gì làm rung động buổi đầu cũng là cái nồng nàn bền bỉ nhất, đủ làm quay quắt cả một đời… tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời… Nhớ từng viên gạch cuối bâtiment Đại Đội D năm thứ nhất những buổi đứng chờ tập họp, tiếng giày nện trong hành lang hun hút, khung cửa sổ với những khung kính đục và trong, cái gì cũng thẳng góc cũng trang trọng. Nơi đó chúng tôi đã được trang bị đủ để nhập vào cuộc đời bão tố để rồi nửa đường chim chưa mỏi cánh đã tức tưởi rớt xuống. Hai mươi mấy năm rời xa nhưng bao giờ tôi cũng vẫn nhận ra rằng mình còn thiết tha với quân ngũ, bởi nó chân thật và đơn giản. Nơi đó sống và chết không bị màu mè che phủ và con người thành thật với mình hơn – tôi cho là như thế – điều tâm niệm thứ mấy?


Giờ trên ngọn đồi 1515, Trường Mẹ có còn hướng về những đứa con phiêu bạt đó, biết mùa lá có còn xanh giữa ngàn thông rì rào, từng trận nắng hanh vẫn âm thầm trở về trên những cụm mimosa Đài Tử Sĩ… Gởi hết về đó, những hoài niệm của cả một đời người.
Nguyễn Văn Minh - K27

--------------------------------------  

                                                                                                                                         

No comments:

Post a Comment