Nguyễn Đức Quyền A28
Hằng năm cứ mỗi độ
tàn đông, tiết trời chuyển mình báo hiệu mùa Noel sắp đến thì trên ngọn
đồi 1515, cũng luân lưu người đi kẻ đến trong sự bùi ngùi và ngỡ ngàng.
Những hình ảnh ấy đã để lại dấu ấn đậm đà dễ thương mãi còn được ghi
nhớ. Cuối năm ấy, 1974, sau buổi chào tiễn đưa khóa đàn anh 27, đã trở thành những Tân Sĩ Quan Hiện Dịch trong quân lực, tỏa ra khắp mọi miền đất nước, đủ các quân binh chủng, chúng tôi, Sinh Vìên Sĩ Quan khóa 28 là năm thứ tư, khóa đàn anh cao nhất trong trường Võ Bị, lãnh trọng trách đón tiếp và huấn luyện cho các ứng viên khóa 31, khởi đầu bằng thời gian hai tháng huấn nhục cho tân khóa sinh.
---------------------------------
Đây là lúc mà chúng tôi thường gọi là giai đoạn“lột xác”, vất bỏ cái nề thư sinh để trở thành một người lính thật thụ, dáng dấp của một Sinh Viên Sĩ Quan oai hùng, anh dũng và gương mẫu của một quân trường hiện đại nhất Đông Nam Á.
Theo sự phân công, Tiểu Đoàn I của chúng tôi đảm trách huấn luyện giai đoạn I. Trong buổi sơ ngộ để “chào đón” tiểu đoàn tân khóa sinh 31, với tư cách là Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ Đại Đội Trưởng, uy nghi trên bục chỉ huy, tôi đã gởi đến tập thể khóa sinh một khẩu lệnh ngắn gọn năm mươi hít đất với cái lỗi: “vào đây đã 3 giờ mà tập họp còn tà tà như lá rụng mùa thu”.
Theo sự phân công, Tiểu Đoàn I của chúng tôi đảm trách huấn luyện giai đoạn I. Trong buổi sơ ngộ để “chào đón” tiểu đoàn tân khóa sinh 31, với tư cách là Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ Đại Đội Trưởng, uy nghi trên bục chỉ huy, tôi đã gởi đến tập thể khóa sinh một khẩu lệnh ngắn gọn năm mươi hít đất với cái lỗi: “vào đây đã 3 giờ mà tập họp còn tà tà như lá rụng mùa thu”.
Quân trường là thế, huấn nhục là thế, “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Đó chỉ là bước khởi động trên đoạn đường còn dài còn lắm gian nan. Một tháng huấn luyện tân khóa sinh rất vất vả nhưng là thời gian có nhiều kỷ niệm đẹp, truyền thống chung của quân trường, đàn anh hành xử quyền hạn đàn anh, đàn em thi hành nhiệm vụ đàn em, rồi ra trường anh em cũng thương yêu quyến luyến chia tay khi đến dịp.
Sau một tháng làm công tác huấn luyện, một lễ bàn giao thật long trọng trên sân cỏ Trung Đoàn, tôi bàn giao lại cho Sinh Viên Sĩ Quan Phạm Trung Cang, thuộc Đại Đội E, Tiểu Đoàn II phụ trách, ngày hôm sau chúng tôi lên đường thụ huấn khóa nhảy dù tại Sài Gòn.
Thời gian học nhảy dù ở trung tâm Hoàng Hoa Thám, Sư Đoàn Dù được lệnh rút quân từ vùng giới tuyến, Huế, Đà Nẵng về Bộ Tư Lệnh và một vài nơi khác một cách bình thản vô sự. Cùng trong lúc ấy, một số tỉnh lỵ ở Cao Nguyên đang và đã chuyển mình, báo hiệu tình hình sẽ trở nên cam go. Vì còn là một Sinh Viên Sĩ Quan, chúng tôi không được tham dự những buổi họp tham mưu hằng ngày để nghe thuyết trình về tình hình, chỉ góp nhặt được qua tin tức của báo chí và đài phát thanh; hơn nữa, với tuổi trẻ và mãi mê với việc huấn luyện, chúng tôi vẫn xem những chuyển biến ấy chưa phải là phần hành, trách nhiệm của một Sinh Viên Sĩ Quan, do vậy vẫn bình tĩnh và lạnh lùng lên chuồng cu nhảy sô. Có một chuyện thương tâm xảy ra là một khóa sinh lính nhảy dù khi lên chuồng cu nhảy sô, vì quá sợ đã ôm huấn luyện viên kéo theo, không may dây đai an tòan bị mục đứt, vị nầy rớt tự do từ độ cao 11 mét và hy sinh. Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị vẫn thản nhiên lên đài 12 mét, tuột dây Thụy sĩ, nhảy
chuồng cu một cách can đảm, ban huấn luyện Nhảy Dù hết lời khen ngợi tinh thần học tập của Sinh Viên Võ Bị.
Nhưng đến giai đoạn nhảy phi cơ thì tình hình chiến trường đã trở nên cấp bách, những khuôn mặt rầu rĩ buồn thiu khi nghe lệnh hủy bỏ nhảy phi cơ và phép thường niên để về trường. Tinh thần học tập sa sút, thế là mất toi cái bằng dù! Bằng dù không là cái gì hết, nhưng chính nó đã là truyền thống đem vinh quang và hãnh diện cho chúng tôi khi mang trước ngực. Nhiều bạn quá nuối tiếc đã không ngần ngại thốt lên: “nghe tin hủy bỏ nhảy phi cơ, tao buồn hơn bị bồ đá!”
Thời gian học nhảy dù ở trung tâm Hoàng Hoa Thám, Sư Đoàn Dù được lệnh rút quân từ vùng giới tuyến, Huế, Đà Nẵng về Bộ Tư Lệnh và một vài nơi khác một cách bình thản vô sự. Cùng trong lúc ấy, một số tỉnh lỵ ở Cao Nguyên đang và đã chuyển mình, báo hiệu tình hình sẽ trở nên cam go. Vì còn là một Sinh Viên Sĩ Quan, chúng tôi không được tham dự những buổi họp tham mưu hằng ngày để nghe thuyết trình về tình hình, chỉ góp nhặt được qua tin tức của báo chí và đài phát thanh; hơn nữa, với tuổi trẻ và mãi mê với việc huấn luyện, chúng tôi vẫn xem những chuyển biến ấy chưa phải là phần hành, trách nhiệm của một Sinh Viên Sĩ Quan, do vậy vẫn bình tĩnh và lạnh lùng lên chuồng cu nhảy sô. Có một chuyện thương tâm xảy ra là một khóa sinh lính nhảy dù khi lên chuồng cu nhảy sô, vì quá sợ đã ôm huấn luyện viên kéo theo, không may dây đai an tòan bị mục đứt, vị nầy rớt tự do từ độ cao 11 mét và hy sinh. Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị vẫn thản nhiên lên đài 12 mét, tuột dây Thụy sĩ, nhảy
chuồng cu một cách can đảm, ban huấn luyện Nhảy Dù hết lời khen ngợi tinh thần học tập của Sinh Viên Võ Bị.
Nhưng đến giai đoạn nhảy phi cơ thì tình hình chiến trường đã trở nên cấp bách, những khuôn mặt rầu rĩ buồn thiu khi nghe lệnh hủy bỏ nhảy phi cơ và phép thường niên để về trường. Tinh thần học tập sa sút, thế là mất toi cái bằng dù! Bằng dù không là cái gì hết, nhưng chính nó đã là truyền thống đem vinh quang và hãnh diện cho chúng tôi khi mang trước ngực. Nhiều bạn quá nuối tiếc đã không ngần ngại thốt lên: “nghe tin hủy bỏ nhảy phi cơ, tao buồn hơn bị bồ đá!”
Dù trong mọi tình huống, đã là quân nhân thì cái gì cũng phải tuân lệnh, đã là Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị, tuân lệnh là một trong những mục tiêu huấn luyện mà nhà trường cần đạt đến, và chúng tôi di chuyển về trường mẹ. Vừa xuống phi cơ, phải chứng kiến cảnh dân chúng tranh nhau lên tàu, tình huống hoảng loạn. Trên đường về trường, qua thành phố khung cảnh vắng hoe, rải rác ít ngôi nhà còn hé cửa, ngoài ra cửa đóng then cài như thành phố chết, đặc biệt là im ắng không một tiếng súng.
Ở trong quân trường, Sinh Viên Sĩ Quan vẫn với những sinh hoạt bình thường. Tôi được gặp lại đàn em A31, rất dễ thương, mấy chú thật vồn vã. Tình anh em mặn mà của Võ Bị là thế, mặc dù cách đây không lâu, khi huấn luyện, phạt và hành xác, thế mà… gặp lại nhau chỉ sau một thời gian ngắn xa cách, vui mừng ra mặt.
Suốt cả một tuần, chúng tôi sống trong cái vỏ thanh bình, nhưng lòng ai cũng hồi hộp lo sợ vu vơ. Một tuần an nhàn cho bạn bè, còn tôi với cương vị Đại Đội Phó trong hệ thống Tự Chỉ Huy, nên là một thời gian bộn bề công việc: chia gác, chia đại đội ứng chiến, đại đội tác chiến, đại đội cũ rồi mới thật nhiêu khê, mệt ôi là mệt. Ngày thường chúng tôi vẫn tung con cái ra các đồi chung quanh trường để giữ các cao địa, cho lính cơ hữu tung ra xa hơn, đi những đồi như 1600, 1518, 1511, Miếu Tiên Sư, 1578 (Đồi Bắc)… v.v…
Ngày 31/3/1975 cũng như mọi khi, chúng tôi được lệnh ra các đồi hay các vọng gác canh tuần thế cho các Đại Đội thuộc Tiểu Đoàn II. Họ về ăn cơm sớm, tập họp, kiểm kê quân số xong là a lê hấp lên xe “dzọt” liền. Các Sinh Viên Sĩ Quan Tiểu Đoàn II chẳng chuẩn bị gì kịp, những đồ quí giá vẫn còn ở doanh trại, họ tưởng còn trở lại nữa, có ngờ đâu lần ra đi đó là xa trường vĩnh viễn mà không ai hay biết để gởi một lời chia tay, một ngoái mắt giã từ. Ngẩm nghĩ lại mà lòng xót xa quặn thắt, tội nghiệp các bạn tôi, “nhìn người rồi ngẫm đến ta!” đau xót thật…
21g00 khuya cùng ngày, liên đội CD cũng khởi hành. Khổ cho liên đội AB chúng tôi ở nhà một mình, lo sợ vu vơ, nghĩ địch quân tấn công trường là hết thuốc chữa. Sức của liên đội AB mà thấm tháp gì, mặc dù tinh thần chiến đấu của Sinh Viên Sĩ Quan rất cao, nhưng nếu có xảy ra thì tổn thất cũng không nhỏ, cầu Trời cho đêm được bình yên. Nhưng rồi chúng tôi cũng đã qua được một đêm an lành. Sáng sớm chúng tôi đã sắp xếp quân trang lên xe, nhưng đùng một cái có lệnh tất cả quân trang đều được đem xuống, và những xe nầy được trưng dụng chở gia đình binh sĩ. Chúng tôi lại đợi, mà đợi thì phải phòng thủ. Liên đội AB chúng tôi phải phân chia nhiệm vụ canh gác, chẳng có ăn uống gì được.
Đúng 20g20, chúng tôi được lệnh tập họp và nhận một cái lệnh làm chúng tôi hết sức ngỡ ngàng: “Tất cả các xách tay bỏ hết, chỉ mang ba lô và cấp số quân tiếp vụ mà thôi, chúng ta di chuyển bộ, đoạn đường khá dài, sẽ có xe đón”. Bạn bè, đàn em lục đục bỏ lại những đồ dềnh dàng, tôi cũng vậy, soạn và cột lại ba lô cho gọn, phải bỏ xách tay gồm có mền, mùng và mấy cuốn sách lấy của Tiểu Đoàn II hồi sáng. Đinh Xuân Thành giữ một món quà rất quí giá, đó là thanh kiếm, sau khi Thành đi Mỹ đã bàn giao lại cho nhiều người và cuối cùng nó được treo trên tường phòng khách của Huỳnh Đăng Hổ, chủ khách sạn Cựu Kim Sơn.
Mười phút sau, 20g30 chúng tôi bắt đầu di chuyển theo đội hình hàng dọc: Đại Đội A đi đầu, kế đến Đại Đội B. Đại Đội tôi đi theo thứ tự trung đội 1, 2, 3, được dẫn dắt bởi những Sĩ quan Cán Bộ là Trung Uý Trần Vĩnh Thuấn, Trung Úy Phước, và Trung Úy Bùi Quang Hy.
Trung Uý Phạm Ngọc Hiền, Lê K29, Hữu K30 mang máy và tôi ở Ban Chỉ Huy Đại Đội đi với Trung Đội 2 ở giữa, chúng tôi đi đúng chiến thuật đội hình di chuyển hàng dọc với tốc độ khá nhanh, theo đường ra cổng Tôn Thất Lễ, Chi Lăng, ngả tư Phan Chu Trinh, Trại Mát, Đơn Dương, Sông Pha.
Trong lòng buồn biết bao khi phải rời xa mái trường sau hơn ba năm miệt mài gắn bó, chân bước đi mà lòng còn bịn rịn. Khi bắt đầu di chuyển, chúng tôi cứ nghĩ ra đến Chi Lăng sẽ có xe đón, hay ra ngã tư Phan Chu Trinh mà thôi. Ai dè đi dài dài mà chẳng thấy, cứ thế mà cuốc bộ, tôi vừa đi vừa canh đồng hồ 3 giờ trôi qua, tương đương với 18 cây số đường dài mà chẳng thấy xe đâu. Hai chân bắt đầu mỏi nhừ, mắt cá chân phải tôi cảm thấy nhói rồi, bèn rủ nhau ngồi nghỉ. Tôi cởi giày và biết bị bong, độ 15 phút sau chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành quân, lần nầy tôi đi với Phượng tóc dài A31, người mà tôi mến nhất, hai anh em vừa đi vừa nói chuyện, nhờ thế mà tôi cảm thấy ít đau chân. Khi lên đến đỉnh đèo Ngoạn Mục, đôi chân tôi đau nhói khó chịu, đành ngồi xuống vệ đường, nằm dài ra cho thư giãn, nằm độ 5 phút, một số anh em đi ngang kêu đi, tôi đang chần chờ nhưng lại hên, một đoàn xe chạy ngang cho biết sẽ chở, thế là đoàn xe trường giờ mới tới. 00g30 khuya chúng tôi lên xe, tôi bắt đầu ngủ gà ngủ gật, chẳng biết trời trăng mây nước gì hết, cứ thế cho đến khi xe ngừng hẳn mà tôi vẫn còn ngủ gà ngủ gật, khi mở mắt ra là 6g15 sáng ở chi khu Sông Pha. Chúng tôi xuống xe, tập họp kiểm tra quân số xong giải tán cho nghỉ tại chỗ, tự túc ẩm thực. Tôi và Minh nấu cơm bằng nón sắt, bữa ăn dã chiến thật đạm bạc với sự tham dự của Trung Úy Hiên, mang đến cho một bịch khoai luộc. 10g45 ngày 1/4/1975 chúng tôi tiếp tục hành quân. Lần nầy đi xe nhưng không đủ nên xe nào xe nấy đầy nhóc như nêm, mui xe, trần gì đều có người hết. Tôi ngồi ở mui xe, cũng ngủ gà ngủ gật, thật khủng khiếp khi chú A30 chụp tôi lại, bừng tỉnh mới hết hồn, nhưng hai con mắt quái ác vẫn nhắm tít chẳng chịu mở ra cho tôi. Lần nầy xe trực chỉ Phan Rang, Phan Thiết, xe dừng lại ở đây đúng 15g30 chiều. Suốt thời gian vừa qua, tôi chẳng có cảm giác sợ hãi là gì cả, suy nghĩ thật nhiều về những gì đang xảy ra, tương lai sẽ ra sao. Hơn nữa, nhìn cảnh dân lành chạy “giặc” vất vả nhọc nhằn, thật quá thương tâm. Vào buổi tối Đại Úy Nguyễn Văn An, tập họp Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ, rồi cho biết: “Nếu có trường hợp chẳng có ai để ý gì đến mình, anh em sẽ gặp tôi, tôi cho cái phương giác để dẫn anh em đến đất sống, có hơi cực khổ một chút, nhưng sẽ đến đất sống”. Nghe nói tôi mới có cảm giác lo sợ và tự hỏi, “Tại sao họ lại bỏ rơi chúng tôi, chúng tôi là những tương lai rường cột kia mà.” Với kiến thức lúc đó tôi không trả lời được. Tình cờ tôi gặp Ngô Bé, thằng bạn thời sinh viên ngoài đời, Đại Học Sư Phạm Huế, khoa Toán và Niên Trưởng Thiếu Úy Cái Hữu Sáu K27 cũng di tản từ vùng I chiến thuật vào. Ba anh em nằm tạm trên thùng xe tải, nghe kể chuyện chạy giặc ở Huế vào mà xót xa cho những người quân nhân thất thời và những người dân lành vô tội.
Sáng ngày 2/4/1975 vào trong sân tiểu khu Bình Thuận, tập họp điểm danh quân số, mệt quá tôi lại nằm dài trên cát đánh một giấc, khi tỉnh dậy ra cổng gặp Bé nói đói bụng tôi vào ba lô lấy gạo sấy ra để ăn. Vừa ra cổng bị pháo kích thiên hạ chạy tán loạn. Pháo kích vừa dứt tôi chạy vào lấy ba lô, rồi tìm Bé và Niên trưởng Sáu nhưng không thấy đâu bèn theo đoàn Sinh Viên Sĩ Quan chạy qua cầu, vừa qua khỏi gặp Đại Úy Thuận (Giáo Sư Văn Hoá Vụ) ông đuổi về, bảo chạy xuống bến tàu, lại một phen chạy ngược lại, lại mất công dã tràng tàu đâu chả thấy, thiên hạ đi ngược lên lại, tôi mệt quá đành liều ngồi nghỉ chân một lúc, gặp hai đàn em Đà và Quý A31 rủ đi, giữa đường gặp món ăn gì “không biết tên” đỏ đỏ trắng trắng bèn mua 100 đồng ăn lót dạ. Vừa đi vừa ăn rồi cũng lên tới cầu, nhưng không thấy một chiếc xe nào, hết hồn, cũng may lúc đó xe jeep Đại Uý Quách Tinh Cần chạy từ Tiểu Khu ra gọi lên xe, xe đầy kín người tôi phải ngồi mé mui xe đằng trước, ông chạy với vận tốc rất nhanh, mỗi khi kẹt xe, ông hét tụi tôi nhảy xuống mở đường, cứ thế rốt cục lại lên đầu đoàn xe. Đang trên đường đi Niên trưởng Cần thấy người bạn cùng khóa 20, ngừng xe hỏi thăm mới rõ Thiếu Tá Trịnh Trân, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 34/BĐQ di tản từ Ban Mê Thuột về. Phần tôi cũng gặp lại được Niên Trưởng Võ Toàn K26 trong đoàn quân biệt động nầy, từng là cựu Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ của tôi…
Thiếu Tá Trân cho biết hiện tại có thêm Trung Đoàn 40 Bộ Binh của Trung Tá Danh K19 và Thiết Đoàn 3/3 Thiết giáp. Tôi nghe cuộc nói chuyện giữa hai niên trưởng Cần và Trân:
– Sao mày không đi, sợ gì mà ở đây
– Phía trước đấp mô, không biết nhiều ít mà lên là bị bắn tỉa.
– Lẻ tẻ, sợ gì tiến lên đi.
– Không sợ, nhưng tao cần một cái lệnh của bất cứ thượng cấp nào
– Của Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ được không?
– OK, mà Thiếu Tướng ở đâu.
– Trên trời.
Mới hay, Chỉ Huy Trưởng trường Võ Bị vẫn bay trên trời theo dõi bước chân đi của đàn em Sinh Viên Sĩ Quan.
Niên trưởng Cần lấy ống nghe liên lạc trực tiếp với Chỉ Huy Trưởng:
– Mặt trời, mặt trời, đây Quách Cần gọi.
– Gì, báo đi
– Con cái đang ở làng Phú Sum trên đường vào tỉnh Bình Tuy, nhưng trước mặt là rừng lá có địch đấp mô, có Trân 20 Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ 34 BĐQ dẫn quân từ Ban Mê Thuột về đây.
– Quân số nó thế nào.
– Đầy đủ 100% nó cần một cái lệnh.
– Tốt đưa máy cho nó.
Niên trưởng Cần đưa ống liên hợp máy vô tuyến âm thoại cho niên trưởng Trân nhận lệnh của Mặt Trời: “chịu trách nhiệm bảo vệ hành quân, đưa đoàn quân Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị đến nơi an toàn.”
Tới bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh niên trưởng Cần, vừa lái xe, vừa dò bản đồ, giữ liên lạc âm thoại với Chỉ Huy Trưởng, lại vừa điều động thuộc cấp, tôi vô cùng ngưỡng mộ, đúng thủ khoa có khác. Cùng đi một xe có Đại Tá Nguyễn Thúc Hùng, Thiếu Tá Cao Yết, Đại Úy Nguyễn Đình Thọ.
Chuẩn bị di chuyển, niên trưởng Trân hỏi có ai rành địa thế nơi này không, may là có Nguyễn Thế Mỹ A28 là quê ở nơi này, thế là tôi với Mỹ, ngồi cùng xe với niên trưởng Trân, hai người lính đi trước mở đường, Sinh Viên Sĩ Quan được lệnh lên các xe thiết giáp, Trung Đoàn 40 Bộ Binh tháp tùng theo sau. Phải công nhận và thán phục Biệt Động Quân chỗ nầy, đoàn xe hỗn tạp như thế, chiếc đậu ngang chiếc đậu dọc, người thì đông như kiến, thế mà họ lên là tạo thành một đường trống phía giữa liền, cứ vậy mà lướt đi, đến cái cầu gãy cách độ 500m dừng lại đợi mở đường ở Rừng Lá. Khi xe đang chạy ngang chỗ trống thấy hai đứa tôi có vẻ căng thẳng hay sao mà một anh lính nói: “Thiếu Uý đừng ngại cứ thấy trong bụi nhúc nhích là bắn liền, không là nó bắn mình đó, đừng lo có tụi tôi.” Hai đứa nhìn nhau gật gật, cười cười, nhìn niên trưởng Trân thì hút thuốc tỉnh bơ không có vẻ gì lo lắng cả hai đứa cũng thấy yên tâm phần nào, và rất phục tinh thần can đảm của niên trưởng. Khi mở đường xong được lệnh di chuyển, xe chạy qua chỗ vừa đánh nhau, chiến trường chưa khô vết máu, theo những quân nhân từng trải cho hay: nhìn lối trang bị thì biết họ là dân quân du kích.
Đến địa phận Tỉnh Bình Tuy, làm việc rất trật tự và kỷ luật, tất cả bỏ vũ khí lại, chỉ trừ Võ Bị chúng tôi. Tôi lại gặp niên trưởng Sáu K27 phải tìm cách cho niên trưởng qua thôi, vì chỉ ưu tiên cho Sinh Viên Sĩ Quan Đà Lạt mà thôi, tôi lấy áo cho niên trưởng mặc, chịu khó làm sinh viên năm thứ tư vậy, sắp hàng cùng Đại Đội A với tôi và cùng đi qua cổng, và cũng cách nầy đã cùng tôi lên máy bay về Biên Hòa sau nầy.
Tại Bình Tuy chúng tôi tập họp ở sân của Ty Dân Vận Chiêu Hồi, được nghỉ 30 phút đi ăn uống. Tôi và Minh hai đứa cuốc bộ hơn cây số chẳng có quán ăn nào, phải ăn đỡ bánh tráng chấm mắm nêm, uống hai bình trà nóng, ăn một bánh đường, đói vẫn thấy ngon. Tối đang nằm ngủ độ một tiếng đồng hồ được lệnh di chuyển vào phi trường, ở đây tôi phải đi lãnh cấp số quân tiếp vụ gồm gạo sấy, đồ hộp, thuốc lá cho đại đội đến 2, 3 giờ sáng mới xong. Đi ngủ, gần sáng thì trời nổi cơn mưa, ban đầu mưa hơi nhỏ, lấy poncho trùm lên cho tôi và Minh rồi lại ngủ tiếp, lần nầy ngủ ngồi, mắt vẫn nhắm nhưng trí còn tỉnh. Nước mưa thấm vào áo chảy xuống quần, vào quần lót, cứ tưởng là poncho mỏng nên nước thấm, nhưng càng lúc càng nhiều, bèn mở mắt ra, ai dè tôi nằm đúng cái vũng nước đọng, thiệt là xui hết chỗ nói, thế là hết ngủ. Dời lên chỗ khô, tìm nước nấu cơm sấy, cùng ăn có Trung Úy Hiền, Hân, Ban. Có lẽ muốn xóa bớt nỗi buồn di tản và căng thẳng, các ông vừa ăn vừa kể chuyện tiếu lâm cười vui vẻ.
Sáng ra chúng tôi tập họp từng đại đội, điểm danh quân số và ngồi đợi phi cơ. Vào khoảng 9g00 phi cơ đến, Đại Đội A ưu tiên đi đầu, máy bay Chinook bốc chúng tôi xuống phi trường Biên Hòa tức thì có xe đưa về Trường Bộ Binh Long Thành. Thời gian ở đây nhàn rỗi, ngủ dậy ăn cơm, rồi nằm ngủ. Lợi dụng tình trạng kỷ luật lỏng lẻo mấy chú A29, A30 cũng chuồn phố đêm. Với cương vị là Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ tôi không muốn đại đội mất kỷ luật, phá truyền thống của trường nên tôi tập hợp A29, nhắc lại truyền thống: “Quân nhân không phải là cái nghề và TVBQGVN không phải chỉ là nơi đào tạo những người chuyên nghiệp giết chóc hay là nơi gây dựng địa vị sĩ quan cho những cá nhân tìm địa vị, trái lại phải quan niệm võ nghiệp là một lý tưởng và TVBQGVN là nơi giúp phương tiện cho những người có lý tưởng, biết tự tạo một cuộc sống xứng đáng cho mình cho gia đình cho tổ quốc và đồng thời sĩ quan xuất thân TVBQGVN phải là một cán bộ và là cán bộ lãnh đạo quốc gia, nên yêu cầu phải giữ gìn và duy trì vì mấy chú sẽ thay chúng tôi để chỉ huy, điều hành đàn em”.
Qua A30 tôi đứng trước hàng quân và nói: Trong khóa các chú có Lê Bá Bánh A30 là đàn em ở cô nhi Viện Bảo Anh Huế ngoài đời với tôi, rất rõ về tôi, nếu cần mấy chú cứ hỏi. Tôi vào đây, trước hết thêm thời gian và điều kiện để học hỏi 4 năm, vào đây rồi, thấy cách huấn luyện quá hay, từ văn hóa đến quân sự, tình anh em, bạn bè quá tuyệt vời, nên tôi lý tưởng, nói rõ hơn là lý tưởng Võ Bị, vì thế tôi không muốn các chú lợi dụng thời gian di tản mà phá bỏ truyền thống tốt đẹp đó đi, không có khóa nào năm thứ hai đã trốn phố đêm cả”. Tôi đã phạt A30 chạy mấy vòng sân, Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức nhìn đầy khâm phục, không ngờ sau nầy tan hàng, thì việc tôi làm đúng là công dã tràng. Trong những giờ phút dầu sôi lửa bỏng, tôi vẫn khư khư ôm giữ truyền thống tốt đẹp đó.
Vì tình hình quá cấp bách, lễ mãn khóa được tổ chức chung cho K28 và K29 vào ngày 21/04/1975, không uy nghi như truyền thống, không y phục đại lễ, không mũ casket thay vào đó là quân phục tác chiến, nón sắt hai lớp.
K28 được mang tên Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, thủ khoa là Hồ Thanh Sơn.
K29 được mang tên Thiếu Tá Hoàng Lê Cường, thủ khoa là Đào Công Hương.
Thiếu Tá Trịnh Trân và Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân được tuyên dương công trạng vì đã bảo vệ hành quân di tản đưa Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị về nơi an toàn.
Lúc chọn binh chủng, Huỳnh Tiến, bạn cùng khóa thân nhau từ ngày nhập trường, nuôi mộng hải hồ với binh chủng Hải Quân, đi phép thăm gia đình không may gặp lúc biến loạn, tâm sự tôi nghe chuyện dân chúng Huế chạy giặc kinh hoàng như Ngô Bé đã kể, Tiến nghĩ khó có thể gặp lại gia đình, nên lạy cha mẹ ông bà, tập trung các em lại xoa đầu từng đứa mà gạt nước mắt ra đi, không thể lên phà được vì quá đông, tranh giành nhau kể cả mạng sống, đã chọn di tản bằng đường bộ gặp gì đi nấy băng qua đèo Hải Vân với vũ khí hộ thân là chiếc dao găm nhỏ, sau nầy đã tặng tôi lúc chia tay ra đơn vị. Tiến đã chọn Liên Đoàn 81 Biệt Kích nhảy dù, hy vọng sẽ có một ngày nhảy toán lén về thăm gia đình, còn tôi mặc dù rất thích Thủy Quân Lục Chiến, hy vọng cùng phục vụ chung với niên trưởng Hoàng Trung Nghĩa K26, người mà tôi mến lúc ở Đại Đội D, nhưng tôi đã đổi ý chọn Biệt Động Quân, vì những ấn tượng đẹp của binh chủng này trên đoạn đường di tản.
Dẫu sao cũng là ngày mãn khóa, đã là những Tân Sĩ Quan, khung cảnh nhộn nhịp rộn ràng và muôn màu, nào đồ xanh, đồ bông rằn ri, tôi cũng vậy về phòng thắng bộ đồ rằn ri vào, trông cũng ra dáng. Người của đơn vị đến đón chở về Bộ Tư Lệnh ở đường Tô Hiến Thành, nghe thuyết trình và nhận đơn vị, chúng tôi được chở về Quân Đoàn 3/BĐQ căn cứ Long Bình Biên Hòa, ngồi đợi đến 18g30 mới biết mình về Liên Đoàn 9/BĐQ. Được lên xe chở đi lòng vòng trong căn cứ Long Bình tấp vào hậu cứ nghỉ, mai đi sớm vì tối quá rồi, lúc này là 19g45 mới được nghỉ tìm cơm ăn mới hay chỗ nầy là Tam Hiệp, có nhà quen. Tôi và Xuân vào nhà anh chị Doãn ăn cơm nguội, uống trà tán dóc vài chuyện rồi chia tay.
Tại hậu cứ đơn vị, trên màn ảnh truyền hình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bàn giao cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, rồi ông Hương lại bàn giao cho Đại Tướng Dương Văn Minh.
Sáng ngày 22/4/1975 chúng tôi đươc xe chở về BCH/LĐ9 tận Hốc Môn, Củ Chi, tại đây lại ngồi cả ngày chờ đợi Liên Đoàn Trưởng, cả bọn đi lòng vòng và gặp hai niên trưởng K27 là Thiếu Úy Nguyễn Đức Công và Thiếu Uý Nguyễn Văn Minh. Đúng 17g00 chiều Trung Tá Điệp mới về, 15 phút sau chúng tôi trình diện, các bạn nhắc tôi nhớ xin nghỉ phép. Khi tôi đại diện tân sĩ quan trình diện và trình bày sự việc mãn khóa xong là được chở về đơn vị liền, nên đề nghị được xin nghỉ phép mãn khoá cho anh em đi tìm thân nhân, Liên đoàn trưởng đồng ý, nhưng ông nói cứ về Tiểu Đoàn, Đại Đội, rồi ở đó sẽ giải quyết cho nhưng phải thay phiên nhau.
Đến 18g mới biết về Tiểu Đoàn nào, lãnh quân trang quân dụng súng ống là chia tay nhau đi liền, tôi và Minh 29 ở lại Ban 3 liên đoàn. Tối đó theo trực thăng bay với Chuẩn Uý Ngọc đi thám sát, khi bay trên trời Chuẩn Uý cho hay mấy đóm sáng le lói nho nhỏ bên dưới là bạn của Thiếu Uý hồi chiều, tất cả đều ra công sự tiền tiêu ôm gò mối rồi đó. Tôi nhìn xuống màn đêm mênh mông chỉ mấy đốm đèn nhỏ leo lét thiệt tội nghiệp cho bạn Nguyễn Thế Lương, ca sĩ Trung Đoàn mơ mộng hải hồ, lấy sông biển làm vui, chiều chiều ngồi mũi tàu mà hát như cánh vạc bay, thế mà giờ đây ôm gò mối, vỡ mộng mất rồi, chạnh lòng nhớ bạn Ngô Xuân và mấy chú 29 quá chừng.
Tôi và Minh K29 ban ngày chẳng có gì làm, đến bữa cơm thì ăn chung với BCH/LĐ, đây là thời gian ít ỏi được hưởng qui chế sĩ quan, khi ăn uống có lính phục vụ, làm lòng tôi thấy vui vui và hãnh diện, đến tối bay thám sát hai lần rồi về nghỉ. Qua đến tối 23/4/75 khi nghỉ giữa ca ở phi trường Tân Sơn Nhất tôi bảo tí đi ca hai đừng gọi chúng tôi, Chuẩn Uý Ngọc hết hồn tưởng chúng tôi trốn, tôi phải giải thích được Trung Tá Măng Liên Đoàn Phó cho đi phép rồi, và nhân đây đi cho tiện.
Sáng 24/4/75 tôi và Minh K29 đi ra và tắt ngang trại Hoàng Hoa Thám, vì tôi có nhà người quen ở ấp Tân Việt đối diện trại dù, còn nhà Minh K29, ngã Ba Ông Tạ nên rất tiện, khi hai đứa tôi đi gần qua cổng trại, một nhóm quân nhân Dù nhìn có vẻ không thân thiện, tôi mới sực nhớ tới mình mặc đồ Biệt Động mà đi ngang nhiên trong đơn vị người ta coi sao đặng, nên tôi và Minh K29 đi thẳng tới trình bày, chắc là họ biết mình là dân Võ Bị, mới học Dù nơi đây, nên thông cảm cười vui vẻ.
Gặp lại Bé ở nhà anh Tâm Hảo, mừng ghê, tưởng lần phép nầy phải đi tìm nó, không ngờ nó còn nhớ địa chỉ mà tôi cho hồi gặp ở Phan Thiết, và cũng biết tin niên trưởng Sáu K27 đến trình diện, và được điều vào binh chủng Nhảy Dù, Tiểu Đoàn14. Trong thời gian ở Sài Gòn nầy, tôi chứng kiến cảnh người dân khắp nơi chạy loạn dồn vào trông rất hỗn độn, cả đêm 29 phi trường bị pháo kích liên tục, có mấy căn gần nhà anh Tâm Hảo bị sập vì trúng đạn, làm cho chị Hảo sợ quá nên sáng hôm sau chị dẫn tụi tui di tản xuống nhà anh chị Tâm Ngọc ở gần chợ Trương Minh Giảng Quận 3.
Tôi ở nhà anh Tâm Ngọc cho đến 11g00 ngày 30/4/1975 thì Dương Văn Minh tuyên bố: “Ai ở đâu ở đó buông súng xuống, tôi ở đây đợi Mặt trận đến để bàn giao.” Nghe như tiếng sét đánh bên tai, thôi rồi… thua cuộc và giã từ đời lính một cách tức tưởi, lòng tôi thất vọng ê chề!
Đời lính mà tôi đã chọn như một cái nghề là Sĩ Quan Hiện Dịch, gần bốn năm dài dùi mài luyện tập, khổ nhọc gian nan, hằng mơ màng một tương lai sáng lạn, một lý tưởng tuyệt vời. Chỉ trong một tháng Tư này, tôi đã đi đoạn đường cuối thật buồn thảm, tôi đã đi đến khúc kết một cách phũ phàng, thật quá bàng hoàng khi sự thể xảy đến. Ôi tháng Tư đó, sao mà buồn đến thế, cho đến nay đã hơn ba mươi ba năm trôi qua, lòng tôi chưa hề nhạt nhòa uẩn khúc.
Bây giờ lại những ngày cuối đông, những chiếc lá me vàng âm thầm rơi nhè nhẹ trên lối đi. Thương về dĩ vãng một thời lòng còn chơi vơi bồi hồi những năm tháng cũ, ngẫm lại chặng đời đã đi qua mà ngoài vị ngọt hiếm hoi của nó, còn hòa trộn biết bao đắng cay chua xót, tôi thấy cần phải ghi lại nơi đây những bước chân đi trong khúc kết một đoạn đời, như một dấu tích cho chính tôi, cho bạn bè, cho những người từng cùng con đường đã chọn, và cho những người dân hiền lành một thời lâm nạn.
Nguyễn Đức Quyền A28
No comments:
Post a Comment