Sunday, September 25, 2022

HIỂU BIẾT NGẮN GỌN VỀ TVBQGVN - Đặng Đình Liêu K19

HIỂU BIẾT NGẮN GỌN VỀ TVBQGVN

Đặng Đình Liêu - K19
A. MỤC ĐÍCH:
Trong cuộc sống hàng ngày, có những lúc chúng ta muốn biết thêm về TVBQGVN, thí dụ như từ đâu có truyền thống leo đỉnh Lâm Viên, lúc nào có bản “Võ Bị Hành Khúc, v…v… Mục đích của bài viết này nhằm trình bày ngắn gọn những điều cần biết về TVBQGVN, để giúp chúng ta tìm hiểu, mà không đòi hỏi nhiều thời gian tra cứu tài liệu.

-----------------------------------
 
 
B. TÊN TRƯỜNG:
1. Trường Sĩ Quan Việt Nam (TSQVN) thành lập tháng 10/1948 tại Đập Đá, Huế.
2. Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (TVBLQĐL). Thủ Tướng Trần Văn Hữu ký nghị định di chuyển TSQVN về Đà Lạt và đổi tên thành TVBLQĐL, vào tháng 12/ 1950.
3. Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Năm 1960, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng TVBQGVN tại đồi 1515 ngay cạnh khu trường cũ. Tháng 8/1961, hai Khóa 16 và 17 được chuyển sang khu trường mới. K18 là khóa đầu tiên hoàn toàn thụ huấn tại trường mới này, từ ngày đầu tiên.

Nhận xét: Trong số các khóa chính, K10 có quân số đông nhất, 442 người; Khóa 15 có quân số ít nhất: 56 người.

C. NGHỊ ĐỊNH SỐ 317/QP/TT
Do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký ngày 29/7/1959 cải tổ TVBLQDL thành TVBQGVN với quy chế của một trường cao đẳng có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan nòng cốt cho QLVNCH, có căn bản quân sự vững chắc và trình độ văn hóa bậc đại học. Thời gian thụ huấn là 4 năm.

Trong phần cuối của điều 6 NĐ này ghi rõ:
“Đối với những cựu SVSQ theo học chương trình 2 năm và có bằng Tú Tài I được miễn thi chứng chỉ Toán Lý Hóa MPC, hay Toán Đại Cương MG và nhập học khỏi thi vào năm thứ 2 các trường cao đẳng chuyên nghiệp Quốc Gia, không vượt quá tỷ lệ 20%.”
Điều 6 này đã giúp nhiều cựu SVSQ tốt nghiệp 2 năm, sau khi bị thương giải ngũ đã được nhập học các trường như Quốc Gia Hành Chánh, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, v…v…

D. THAY ĐỔI CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN:
1. Khóa 12 là khóa đầu tiên được chuyển đổi từ chương trình huấn luyện theo Pháp sang chương trình theo Mỹ giống như West Point. Thay đổi từ quân phục, tới huấn luyện cơ bản thao diễn, vũ khí v…v…
2. Theo Kỷ Yếu Khóa 12, hàng ngày Đại Úy Sergeant, thuộc Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự Mỹ đặt cạnh TVBQGVN, đã huấn luyện cơ bản thao diễn kiểu Mỹ đến các sĩ quan Việt Nam phục vụ tại trường, trong đó có Trung Úy Huỳnh Bửu Sơn để từ đó huấn luyện cho các SVSQ.
3. Sau này, Đại Úy Huỳnh Bửu Sơn đã huấn luyện K19 biểu diễn thành công Cơ Bản Thao Diễn với số lượng đông đảo SVSQ/K19 trong ngày mãn khóa K18 và đã được khán giả cổ võ nồng nhiệt.
4. Khóa 12 và 13 theo học chương trình Đại Đội Trưởng tại Fort Benning Georgia, cũng có một số SVSQ theo học các binh chủng khác. Để có đầy đủ quyền lợi của SQ theo học tại Fort Benning, cả 2 Khóa 12 và 13 đều được ra trường trước khi sang Mỹ thụ huấn.

E. VÀI NÉT ĐẶC BIỆT:
1. TVBQGVN đã và đang huấn luyện 31 khóa SVSQ vả 3 khóa phụ. Trong đó, đào tạo được 29 khóa với tổng số 5.818 thiếu úy, và 3 khóa phụ với tổng số 496 thiếu úy và 108 chuẩn úy. Trường còn hai Khóa 30 và 31 đang theo học cho tới ngày cuối cùng, với tổng số 464 SVSQ.
2. Khóa 28 và 29 tốt nghiệp 9 ngày trước khi miền Nam bị CS Bắc Việt chiếm đóng. Sau lễ mãn khóa vô cùng đơn giản và sau vài giờ chọn đơn vị (chọn lần 2), các tân sĩ quan bước thẳng lên đoàn xe GMC đậu sẵn bên ngoài di chuyển ngay đến các mặt trận đang sôi động. Dù thời gian ngắn ngủi, cũng đã có một số tân sĩ quan hy sinh, hoặc mất tích trong những ngày đầu tiên của cuộc đời binh nghiệp và cuối cùng của cuộc chiến!
3. Hai Khóa 30 và Khóa 31 đều di tản về Trường Bộ Binh Long Thành ngày 30/3/75, sau đó được chuyển về trường Bộ Binh Thủ Đức, phòng thủ tại đây cho đến giây phút cuối cùng, tới sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
4. Khóa 16 có nhiều sĩ quan tốt nghiệp ở lại trường, đa số làm sĩ quan cán bộ đại đội trưởng của 8 đại đội SVSQ, cũng như là huấn luyện viên quân sự, thuộc các khoa vũ khí, chiến thuật, địa hình… Từ 1974, đã có một số sĩ quan thuộc Khóa 23 về phục vụ tại trường, từ Quân Sự Vụ đến Văn Hóa Vụ; bao gồm khoảng 10 sĩ quan thuộc VHV và khoảng 6 sĩ quan cán bộ đại đội trưởng SVSQ và một huấn luyện viên thuộc QSV.
5. K22 được chia thành 2 Khóa 22A và 22B, sau năm thứ nhất.
6. Đại Tá CHT Đỗ Ngọc Nhận, lúc còn là Thiếu Tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn SVSQ (Từ 1968, trở thành Trung Đoàn SVSQ), đã đưa ra ý kiến các TKS sau khi chinh phục đỉnh Lâm Viên mới trở thành SVSQ, qua lễ gắn alpha.
7. Bắt đầu từ 1968, để thích ứng với chiến trường, một số sĩ quan ngoài đơn vị đã được đưa về trường làm sĩ quan cán bộ để truyền bá kiến thực tế về chiến trường, cũng như hướng dẫn SVSQ hiểu biết thêm về tác chiến.
8. Mặc dù mục tiêu của chương trình huấn luyện quân sự là đào tạo sĩ quan cấp trung đội trưởng Bộ Binh. Nhưng với kiến thức quân sự cấp đại đội, cùng một số ý niệm sơ khởi về hoạt động cấp tiểu đoàn, cùng lãnh đạo chỉ huy, các sĩ quan tốt nghiệp mau chóng nắm các chức vụ cao hơn, như đại đội phó, đại đội trưởng ngay khi vừa nhận đơn vị, hoặc sau vài tháng khi đã thu thập đủ kinh nghiệm chiến trường.

Trước đây, Không Quân và Hải Quân tuyển chọn sĩ quan cho đơn vị mình vào trước ngày mãn khóa. Các tân sĩ quan sẽ học chuyên môn tại các trường thuộc quân chủng này. Từ 1971, bắt đầu từ khóa 25, vào đầu mùa Quân Sự năm thứ ba, những SVSQ chọn Không Quân và Hải Quân sẽ theo học ngành chuyên môn của mình, tại trường dành cho quân chủng, trong khi các SVSQ thuộc Lục Quân tiếp tục học quân sự tại trường. Mỗi khóa được lập thành 10 đại đội (trước đây là 8 đại đội/ mỗi khóa), gồm 8 thuộc Lục Quân, một thuộc Hải Quân, và một thuộc Không Quân. Vào mùa Văn Hóa, tất cả SVSQ về trường và học chung một chương trình.
9. Văn Hóa Vụ được tăng cường thêm giảng viên cho chương trình huấn luyện để các SVSQ tốt nghiệp khóa huấn luyện 4 năm có trình độ đại học. Bắt đầu từ Khóa 22B, 23, và 24, Văn Bằng Tốt nghiệp TVBQGVN tương đương với văn bằng Kỹ Sư ngoài dân chính. Kể từ Khóa 26, và 27, sĩ quan tốt nghiệp được cấp Văn Bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng, do TVBQGVN ký.
10. Một số sĩ quan của Khoá 22B, 23, 24, 25 (khoảng 10% sĩ quan tốt nghiệp) được đi tu nghiệp tại Mỹ để lấy thêm văn bằng Cao Học (MA hoặc MS), về giảng dạy tại trường. Chương trình này bị gián đoạn từ năm 1973 nên chỉ có một số sĩ quan khoá 22B và 23, đang ở Mỹ, được tiếp tục theo học cho đến khi tốt nghiệp. Một số đã trở về và được thuyên chuyển đến Văn Hóa Vụ làm giáo sư.
11. Các sĩ quan tốt nghiệp khóa 4 năm, có thể ghi danh học thêm tại các trường đại học dân chính, để tiếp tục lấy văn bằng Cao Học. Từ 1972, đã có các sĩ quan tốt nghiệp các khóa này, trong đó có một số đã giải ngũ do bị thương tật ngoài mặt trận, đã theo học bậc cao học tại Trường Khoa Học Saigon, Vạn Hạnh, Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt,…

F. CÁC KHÓA HUẤN LUYỆN TKS:
Chương trình huấn luyện Tân Khóa Sinh bắt đầu từ Khóa 13, như sau:


G. THAM DỰ HUẤN LUYỆN TẠI NGOẠI QUỐC:
1- Tất cả 2 Khóa 12 và 13, sau khi mãn khóa, đều được gửi qua Fort Benning, Georgia của Hoa Kỳ để thụ huấn chương trình “Đại Đội Trưởng”.
2- Trường Võ Bị Quốc Gia Phi Luật Tân đã mời TVBQGVN gửi một SVSQ sang học tại trường này. SVSQ Trần Tiến Đạo, K14 được đề cử theo học. Sau đó, SVSQ Trần Tiến Đạo trở về trường cùng dự lễ tốt nghiệp với K14.

3- Năm 1963, TVBQGVN đã tuyển chọn 5 SVSQ/ K19 theo học tại Học Viện Quân Sự West Point. Trong lúc đang trau dồi Anh Ngữ thì các SVSQ này có lệnh ngưng học. Các SVSQ này có tên như sau:
Thái Bông – SĐ/TQLC,
Lê văn Kịch – Biệt Đoàn 300,
Nguyễn Văn Hóa – SĐ1/BB,
Hồ Ngọc Hoàng – SĐ/TQLC,
Hoàng Đôn Tuấn – SĐ/TQLC.

4- SVSQ Phạm Minh Tâm, Khóa 25, được chọn theo học West Point. Anh tốt nghiệp năm 1974 trở về trường làm sĩ quan cán bộ.

5- Hai SVSQ Khóa 28 là Nguyễn Trí Dũng và Lê Quang Vinh được gửi đi thụ huấn tại Trường Sĩ Quan Australia, tốt nghiệp năm 1974 và trở về làm huấn luyện viên tại trường, trong khi Khóa 28 vẫn còn là SVSQ.

H. ANH EM RUỘT THEO HỌC CÙNG MỘT KHÓA:
1. K10 có ba cặp:
Nguyễn Trọng Kính – Nguyễn Văn Thuận
Nguyễn Hữu Nhơn – Nguyễn Hữu Duệ
Trần Khắc Thiều – Trần Khắc Chiến

2. K16 có ba cặp:
Nguyễn Xuân Phúc – Nguyễn Phú Thọ
Trần Đăng Khôi – Trần Đăng Khoa
Hồng Ngọc Hinh – Hồng Ngọc Hòa

3. Khóa 17 có một cặp:
Võ Tình – Võ Ý

3. K19 có hai cặp:
Phạm Ngọc Dao – Phạm Ngọc Bách
Nguyễn Vĩnh Gia – Nguyễn Vĩnh Giám

4. K20 có một cặp:
Nguyễn Hữu Phước – Nguyễn Hữu Thọ

I. CÁC BÀI HÁT DO SVSQ SÁNG TÁC:
– “Võ Bị Hành Khúc” do SVSQ Lê Như Hùng sáng tác khi còn là SVSQ của Khóa 14.
– “Đà Lạt Trường Tôi” do CSVSQ Nguyễn Thiện Thành của Khóa 19 sáng tác năm 1992, sau khi định cư tại Mỹ với bút hiệu là Hoàng Gia Thành.

J. DANH TỪ “CÙI”:
Danh từ do Đại Tá Trần Ngọc Huyến gọi thân mật các SVSQ trong giờ học Đạo Đức, bao gồm các khóa 14, 15, 16, 17, 18. Danh từ này đã được ông xử dụng lần đầu khi ông là Văn Hóa Vụ Trưởng và được phổ biến rộng rãi đến nhiều khóa sau này. Khi có người hỏi ý nghĩa thì ông chỉ nói, “Cùi nghĩa là Cùi chứ còn gì nữa.” Nhưng tất cả đều hiểu rằng ông muốn các học trò của ông đừng bao giờ tự mãn, tự thị, hãy học thêm để phục vụ những việc tốt đẹp. Trong thư gửi ca ngợi sự thành công của K16 sau khi ra trường, Đại Tá Huyến cũng dùng từ ngữ “Cùi”.

K. TẬP SAN ĐA HIỆU:
1. Trước năm 1975:
Cuối năm 1959 khi trường được đổi tên thành TVBQGVN thì tờ Nội San Đà Lạt Tiến cũng được đổi tên thành Tập San Đa Hiệu, với Ban Biên Tập đầu tiên là các SVSQ đang theo học, như: Chủ Nhiệm Bùi Quyền-K16, Tổng Thư Ký Nguyễn Duy Sự-K16 (Sương Mặc Lam), cùng với sự cộng tác của Võ Tình-K17, Võ Ý-K17, Vũ Xuân Thông-K17, Phan Nhật Nam-K18, Nguyễn Ngọc Khoan-K18 (Từ Thế Mộng); Phạm Ngọc Khuê-18, Nguyễn Văn Thiệt-K18. Bài vở do SVSQ các khóa viết. Đại Úy Võ Văn Sung-K17 đã liên tục đảm nhiệm vai trò chủ bút cho tới 1975.
Khuôn khổ tập san cũng có cùng cỡ, kích thước với tập san xuất bản tại hải ngoại sau này nhưng mỏng hơn. Tập San Đa Hiệu đã xuất bản được 80 số.

2. Sau năm 1975:
Tập San Đa Hiệu được tục bản vào tháng vào tháng 3/1983, theo quyết định của Đại Hội Võ Bị kỳ II được tổ chức tại thành phố San Jose. Tập San Đa Hiệu giờ đây là tiếng nói của của Tổng Hội CSVSQ/ TVBQGVN, với chủ bút là thành viên của Ban Chấp Hành Tổng Hội CSVSQ/ TVBQGVN.
Cho tới nay Tập San Đa Hiệu, xuất bản tại hải ngoại, đã đạt tới số 115 (tháng 1/2019), một chặng đường rất dài, nhiều hơn trước năm 1975.

Chúng ta thấy Đa Hiệu có công kết nối toàn thể CSVSQ/ TVBQGVN trên toàn thế giới. Qua Đa Hiệu, các CSVSQ có thể theo dõi sinh hoạt của từng khóa, hay hội tại từng địa phương, và lập trường của Tổng Hội với bài vở và hình ảnh phong phú.
Tập San Đa Hiệu ngày nay đã được đông đảo các cựu sĩ quan thuộc Quân Sự Vụ và Văn Hóa Vụ, cùng CSVSQ và phu nhân; đặc biệt từ các thế hệ kế thừa Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu tham gia viết bài với nhiều thể loại từ lập trường chính trị, thơ, chuyện tình, các trận chiến khốc liệt như Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa tại Cổ Thành Quảng Trị, giải tỏa An Lộc, v…v…

L. SÀNG LỌC SVSQ SAU KẾT QUẢ HỌC TẬP:
1- Thời gian Tân Khóa Sinh: Vì không chịu được thử thách về thể chất và tinh thần trong Mùa Tân Khóa Sinh, một số người bị loại khỏi khóa học và được trả lại đời sống dân chính.
2. Sau kết quả học tập cuối năm: Do không đủ điểm sau kỳ thi văn hóa hay quân sự, cũng như vi phạm kỷ luật, một số SVSQ bị ra trường với cấp bậc trung sĩ, thượng sĩ, hay chuẩn úy, tùy thuộc vào số năm đã học. Sau kết quả học tập năm thứ nhất, một số lớn SVSQ bị ra trường với số lượng khác nhau theo từng khóa.

M. CÁC KHÓA PHỤ:
1. Khóa 9 phụ (Khóa 3 phụ Đống Đa): Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức gửi 120 người lên thụ huấn tại TVBQGVN vào năm 1953. Năm 1954 có 114 SVSQ tốt nghiệp. Thủ khoa: Thiếu Úy Nguyễn Xuân Diệu. Cùng khóa có Chuẩn Tướng Nguyễn Bá Liên – TQLC, Đại Tá Lê Quang Tung – LLĐB.
2. Khóa 10 phụ (Khóa 4 phụ Cương Quyết): 19/03/1954 – 1/10/1954. 250 SVSQ được Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức gửi lên thụ huấn tại TVBQGN. Thủ khoa: Thiếu Úy Ngô Văn Lợi.
3. Khóa 11 phụ (Khóa 5 Vì Dân), nhập học ngày 21/05/1954: Vì không còn chỗ nên Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức gửi 240 SVSQ lên học tại TVBQGVN. Có 120 SVSQ đến từ miền Bắc, được đặt tên là ĐĐ7. 120 SVSQ đến từ miền Trung và Nam, được đặt tên là ĐĐ8. Khóa 5 Vì Dân đã có 131 tối nghiệp thiếu úy, số còn lại tốt nghiệp chuẩn úy vào ngày 29/01/1955 (ngoại trừ một trung sĩ). Thủ khoa: Thiếu Úy Đỗ Đăng Di. Đại Tá Phạm Bá Hoa đã tốt nghiệp từ khóa này.

N. VỊ QUỐC VONG THÂN:
1. Không tránh khỏi ngoại lệ, các sĩ quan tốt nghiệp từ TVBQGVN, vốn hầu hết là các đơn vị trưởng thuộc các quân binh chủng của quân đội VNCH, đã phải gánh chịu nhiều tổn thất về nhân mạng. Một số đã anh dũng hy sinh. Trong tổng số 5,818 sĩ quan tốt nghiệp, đả có khoảng 850 tử sĩ. Máu của họ đã hòa chung với máu của hằng trăm ngàn binh sĩ và đồng bào, đã đổ ra cho độc lập và tự do. Khi mặt trận trở nên khốc liệt, bắt đầu từ Khóa 16 cho đến khóa 26, đã có khoảng trên 600 sĩ quan tốt nghiệp, tử trận. Dưới đây là những thiệt hại điển hình ghi nhận được:
– Khóa 19: 98/395. Tỷ lệ 25%.
– Khóa 20: 117/404. Tỷ lệ 29%.
– Khóa 21: 61/240. Tỷ lệ 26%.
– Khóa 22: 67/276. Tỷ lệ 25%.

2. Thống kê trên chưa kể đến hàng ngàn sĩ quan bị thương tật, mà họ phải gánh chịu cho đến mãi sau này.
3. Chiến tranh chấm dứt từ năm 1975, nhưng thiệt hại không ngừng ở đó. Đã có khoảng hàng trăm cựu sĩ quan VB bị bỏ xác trong các trại tù CS, hoặc tự sát sau 30 tháng 4, năm 1975.
4. Thống kê trên cũng chưa kể đến thiệt hại của các khóa phụ, đã theo học tại TVBQGVN.
Xin hãy dành một phút im lặng để tưởng nhớ đến các tử sĩ, xuất thân từ trường Võ Bị, đã vị quốc vong thân!

O. THAM KHẢO:
– Ngoài các “Tập Kỷ Yếu” của các Khóa 10, 12, 13, 14, 17, 18, 19 SVSQ/ TVBQGVN, người viết còn được cựu Thiếu Tá Hồ Đắc Huân cung cấp thêm tài liệu, liên quan đến Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
((Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức được thành lập năm 1951. Gián đoạn 2 năm vì Hiệp Định Genève (1955-1957). Trường hoạt động trở lại và đổi tên thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức (1957-1963). Từ 1963 đến 1964, trường lấy lại tên cũ là Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau cùng, trường lại được đổi tên một lần nữa thành Trường Bộ Binh Thủ Đức, 1964.))

– Khoá 16/ TVBQGVN của CSVSQ Trần Ngọc Toàn, K16.
– “Vài Nét về Tập San Đa Hiệu” của CSVSQ Võ Công Tiên, Khóa 26, trong Đa Hiệu 109.
– Các trang web khác.
* Muốn tìm hiểu thêm, xin vào tvbqgvn.com, click vào mục Tài Liệu, chọn Bài Viết về TVBQGVN.
Đặng Đình Liêu, K19
----------------------------------------

Comment:
* Hung Nguyendang
Nếu nói về trường VBQGVN mà tình thân và kính trọng mà quân dân miền nam hay nói tắt là trường Sĩ Quan ĐàLạt thì có muôn ngàn chuyện để nói !!! Gặp nhau (nhất là các CSVSQ cùng một khoá ) thì chuyện ngày xưa " bung" ra tơi bời !!! Vì ngày xưa cùng khoá nên mày tao chi tớ búa xua càng cua ! Nhất là chuyện Tân Khoá Sinh là đậm nét nhất !! Ôi chỉ có 8 tuần một thời gian rất ngắn trong đời người nhưng sao kỳ lạ nó vẫn sống mãi trong ký ức của các C SVSQ !!! 8 tuần thôi nhưng có hàng ngàn hàng vạn sự kiện để đem ra nói cùng nhau ( nhưng đa số là những chuyện vui , tếu táo ) tiểu xảo !! tà tà !!! lờ quờ !!! những ngày học bãi chiến thuật , bãi địa hình , những tối " sinh hoạt " ngoài hành lang !!!
Kỷ niệm nói hoài không hết !!!




No comments:

Post a Comment