Sunday, April 6, 2025

"MÓN NỢ" KHÔNG TRẢ ĐƯỢC - Trần Công Đài K16/TVBQGVN

"MÓN NỢ" KHÔNG TRẢ ĐƯỢC
Trần Công Đài - K16/TVBQGVN
Dai Tran
"MÓN NỢ" KHÔNG TRẢ ĐƯỢC

--------------------
Tôi thích bài hát "Tình Mùa Chinh Chiến" của Thục Vũ (Vũ Văn Sâm). Vị cựu Trung tá này cũng là "tù đi Bắc", cùng 1 lượt với chúng tôi vào 3/1976. Có điều, ông "thích" Sơn La hơn, còn tôi thì - ngày xưa mê truyện Giặc Cái hay Nữ Tướng Miền Sơn Cước của Hoàng Ly với các vùng núi cao miền Bắc VN, có Phăng-Xi-Păng - chọn Lào-Cai.
 
Tuổi già có cái thích-thú là, không vội "thức khuya dậy sớm" đi làm việc như những năm trước. Bất mãn với giấc mơ, thì dậy sớm chút đỉnh, khoảng 7:30 AM. Nếu tối qua lỡ thức hơi khuya, thì dậy trễ hơn, khoảng 8:30 AM. Dậy sớm hay trễ, cũng phải "đi bộ trên máy" đúng 20 phút. Rồi cà phê, rồi trà, rồi computer. "Yên sĩ phi lý thuần" (inspiration) nếu có, thì gỏ phím 1 bài. Chậm thì nửa ngày, nhanh thì 3 tiếng.
 
Lúc nào vào computer đều mở nhạc, đồng thời check FB, đồng thời viết bài, đồng thời đọc truyện ... Computer thật nhiều chức năng, khiến tôi : tai nghe, mắt đọc, ngón tay gỏ phím ... rất bận rộn.
 
Bài hát đang nghe "Tình Mùa Chinh Chiến" vốn được nghe rất sớm, khoảng 1962, 1963. Chuyện nữ thi sĩ Lệ Khánh với Thục Vũ thì bấy giờ (và lên online bất cứ lúc nào bây giờ) lứa bọn tôi đều biết. LK còn khá nhỏ khi khóa 16 bọn tôi nhập học tại Đà Lạt (23/11/1959), nên cô này phải chờ khóa 17 vào năm sau (cuối 11/1960) thì cô bước vào tuổi 16. Vậy là mối tình đầu của cô với T. (K17). 
 
Bài hát trên, lại "bởi tình cờ" là dấu mở khóa cho câu chuyện với đề tựa "MÓN NỢ KHÔNG TRẢ ĐƯỢC"
Năm 1969. Ngay sau cuộc hành quân chiến thắng tại Cô-Tô (Thất Sơn), Trung tá Cố vấn Mỹ Callahan mời BCH/B20 LLĐBVN đi thăm 1 Tiểu đoàn BKQ tại XYZ1. Trung tá Nguyễn Quốc Ân, CHT bận họp tại Cần Thơ, nên tôi (CHP) theo vị SQ Cố vấn trên chiếc C&C (HU1B) - luôn trực sẳn tại sân bay.
 
Gặp Đại úy Hùng, Tiểu đoàn trưởng (K17 VBQGĐL), chúng tôi ăn trưa tại doanh trại. Nói chuyện, từ trong quân trường đã biết nhau, rồi ra đơn vị cũng đã làm việc gần nhau. Cuối 1965, tôi là Sĩ Quan Phụ Tá B20 LLĐBVN (là XO - theo cách gọi của Mỹ về chức CHP - Danh hiệu SQPT được thay thế bởi CHP kể từ 1969). B20 LLĐBVN được thành lập tại Quảng Ngãi (1965), thì Hùng đang là Toán trưởng Toán A ? LLĐBVN tại XYZ2, kiêm Trại trưởng, với 1 Tiểu đoàn BKQ/BP.
B20 bấy giờ chỉ huy 5 Tiểu đoàn BKQ/BP tại Quảng Ngãi. 
 
Câu chuyện được kể, muốn cho là "hư cấu" cũng được. Nhưng nếu là câu chuyện có thật, thì các nhân vật buộc phải dùng tên khác. Còn tôi, "đi không đổi tên, đứng không đổi họ", có chút liên quan với câu chuyện, nên bạn bè "biết rõ tôi".
 
Gia đình của cô gái rất nghèo. Bố là Thượng sĩ, mới tử trận khoảng 2 năm trước. Gia đình cô tại Hòa Khánh, Đà Nẳng. Nhà vách bằng ván gỗ, mái lợp tôn. Mẹ cô, không hiểu có phải bệnh tật hay vì khóc quá, mà cả 2 mắt bị "lòa", không nhìn thấy rõ.
Anh trai lớn đã 20, giỏi âm nhạc, là 1 tay nghề Gui-ta điện, là lính "Tâm lý chiến" trong ban Nhạc của 1 đơn vị. 
 
Qua 2 năm, tiền tử tuất cũng hết. Lương anh (Kiều Vũ) không đủ nuôi mẹ và các em : Kiều Thu Diệp và 2 em (trai 12, gái 7). Thu Diệp, 16 phải thôi học (học Đệ Tứ). Diệp được anh giới thiệu vào ban nhạc đơn vị. Không chính thức nhận lương, nhưng Trưởng ban nhạc du di, cấp cho cô ít tiền mỗi tháng.
 
Toán Tâm lý chiến (Ban Văn Nghệ) 1 lần đó được máy bay chở lên doanh trại của Hùng. Ban chỉ huy trại khoản đãi, và mở buổi khiêu vũ "bỏ túi" trong câu-lạc-bộ Toán Cố Vấn Mỹ, sau buổi trình diễn ngoài trời chiều ngày D trước toàn thể quân nhân Tiểu đoàn.
 
Có 3 "nữ quân nhân" trong toán "Tâm lý chiến". Đều là ca sĩ trong ban nhạc. Đều nhảy giỏi (dĩ nhiên phải học dancing). Tuổi trạc nhau, từ 17-25. Cô Chân xinh nhất, hát cũng hay nhất, được Hùng săn đón, cùng nhau nhảy nhiều bản. "Vũ nữ" chỉ có 3, mà khách là 2 toán LLĐB Việt và Mỹ gần 20 quân nhân có mặt. 
 
Cũng nói rõ hơn về tổ chức Trại LLĐB. Có 2 Toán A LLĐB Việt và Mỹ. Mỗi toán khoảng 12 quân nhân (2 SQ + 10 HSQ, BS). Toán VN đều là quân nhân chính quy, hưởng lương Bộ Quốc Phòng.
Mỗi Trại có từ 3 đến 5 đại đội BKQ/BP, tên trước là DSCĐ (CIDG), do Mỹ (CIA) trả lương. Lương Biệt kích quân có cao hơn lương lính chính quy chút đỉnh.
Thu Diệp cũng xinh. Cô tuổi thật mới 16, sau phải khai "gian" 18 để chính thức được ăn lương (Mỹ). Cô thích Hùng. 
 
Hùng kể tôi nghe câu chuyện tiếp theo. Chúng tôi có các cuộc họp tại Đà Nẳng với BCH/C1 LLĐBVN, vào cuối 1965, đầu 1966. Tôi cũng đã tham dự nhiều lần. Hùng cũng đã rủ tôi đến nhà Thu Diệp. Hóa ra khi đến nhà mới biết, do mẹ của Diệp vô tình nói ra. Tên gọi ở nhà của Diệp là Nhớ (Kiều Thị Nhớ). Mẹ cô chỉ biết tên "Nhớ".
 
Một lần nào đó có dịp bay về Đà Nẳng, Hùng đến nhà Chân. Thất vọng vì nghe chính Chân cho biết cô đã có người yêu (sắp đám cưới), là 1 thông dịch viên, tên Lực. Hùng buồn tìm đến Thu Diệp. Diệp thì vẫn luôn hướng về Hùng. 
 
Hùng cho tôi biết, lòng Hùng chỉ thương hại gia cảnh của Thu Diệp. Nhất là Vũ, anh trai lớn của Diệp lại vừa lấy vợ. Tiền kiếm được của 2 anh em không thể lo cho mẹ và 2 em còn nhỏ + còn đi học. Tôi cũng không ngờ khi nghe Hùng kể, và chính Hùng cũng không nghĩ rằng Hùng lại quyết định "việc" đó.
 
Đêm đầu tiên, chính Thu Diệp gợi ý với Hùng. Họ cùng ăn chiều. Chỉ uống bia, nhưng uống nhiều và cả 2 đều say. Họ thuê khách sạn tại Đà Nẳng. Thu Diệp nói lên quyết định của mình. Rằng anh Vũ của cô, trước đã không quán xuyến nỗi mẹ và các em, thì nay lại cưới vợ. Riêng cô, đồng lương cho cá nhân còn không đủ, làm sao giúp anh để lo cho gia đình.
 
Cô quyết định chọn làm "vũ nữ chuyên nghiệp" + tiếp viên tại 1 quán "bar". Cô bảo, cô biết bước đường "phong trần" tương lai chỉ là 1 hình thức "bán dâm" không chính-thức.
 
Hùng kể lại rằng, Thu Diệp sẳn lòng trao lần đầu tiên con gái của mình cho Hùng. Biết Hùng không để ý đến cô - nói rõ hơn, không yêu - nhưng thật tình cô đã thầm yêu Hùng, kể từ hôm khiêu vũ tại doanh trại Tiểu đoàn năm ngoái (1965). Cô dứt khoát, vì cho rằng, đằng nào cũng sớm bước vào "cuộc đời mưa gió", thì không mất trước, cũng mất sau. Chi bằng tặng cho người mình yêu dấu.
 
Diệp khuyên Hùng chớ lo lắng, thắc mắc. Cô sẽ không gây rắc rối cho Hùng.
Trước khi trao thân, Diệp chỉ nói rằng : em không "biếu không", mà ước mong đây là "món nợ" ân tình, nhưng anh đừng lo - lúc nào có điều kiện thì trả.
Hùng nói với tôi "Chắc vì tôi say quá. Mà cũng có thương Diệp. Hoàn cảnh cô ấy thật tội nghiệp. Mà cũng tại bài "Tình Mùa Chinh Chiến", 1 trong các bài cô hát tại câu-lạc-bộ Mỹ đó, là bài tôi thích nhất, và nay mãi không quên".
 
Thu Diệp không làm vũ nữ, không bán bar. Năm sau 1 sĩ quan làm tại BCH/C1 LLĐBVN đề nghị sống chung với cô. Anh ta có điều kiện giúp mẹ và 2 em của Diệp. Rồi Diệp mang thai.
 
Rồi đứa bé còn trong bụng Diệp đã không thể nhìn được ánh sáng ngoài đời. Diệp đã uống thuốc tự tử.
Tôi đã rời BCH C1 đầu năm 1967, trước khi việc trên xảy ra. Hùng thì chắc chắn biết, chắc đã có mặt trong tang lễ Thu Diệp. Để đầu năm 1969, tôi lại gặp Hùng như bắt đầu câu chuyện.
 
Có thể một ít người - nếu đọc câu chuyện tôi viết hôm nay - nói :
"sao lại giống câu chuyện xảy ra tại BCH/C1 LLĐBVN hồi đó vậy?". Tôi xin đính chính, chỉ là sự trùng hợp 100%. Hơn nữa, tôi đã viết : "Muốn cho là hư cấu cũng được".
 
Còn nếu viết "MÓN NỢ KHÔNG TRẢ ĐƯỢC" có ý gì? Vì rằng, khi tôi gặp Hùng đầu năm 1969 đó, thì Hùng than, e rằng món "nợ ân tình" với Diệp chắc không trả nỗi - ý nói giúp đỡ mẹ và các em của Thu Diệp.
 
"Chắc không trả nỗi" chỉ là sự hoài nghi, có nghĩa rằng, cũng "có thể trả được". Nhưng tôi thì cho rằng Hùng không trả được món nợ đó. Hùng không còn dịp nào.
Sau 30/4/1975, Hùng bị bắt làm "tù cải tạo" tại Xuyên Mộc, Phước Tuy. Không hiểu sao, Hùng bị cảnh vệ bắn chết đầu 1976.
(Stone Mountain GA - April 5, 2022).

No comments:

Post a Comment