Thursday, March 14, 2024

Những Hồn Hoang Trên “Pháp Trường Cát” - Tô Văn Cấp K19

 Những Hồn Hoang Trên “Pháp Trường Cát”

Tô Văn Cấp K19 - fb Son H Cao

Chiều 28/3/75, trong khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I (TLQĐI) đang họp cùng các tư lệnh quân binh chủng tại Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải ở Tiên Sa thì Việt Cộng pháo kích làm một số trực thăng của các vị tư lệnh bị hư, sau đó thì Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đến nghỉ đêm tại Trung Tâm Hành Quân Thủy Quân Lục Chiến (TTHQ/TQLC) trong căn cứ Non Nước, Đà Nẵng.
------------
Lúc 6.30 sáng ngày 29/3/75, có hai tàu Hải Quân (HQ) Vùng I Duyên Hải vào đón TQLC tại bãi biển Non Nước nên Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cùng Đại Tá Nguyễn Thành Trí Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC lên một trong hai chiếc tàu này. Chúng tôi thuộc Trung Tâm Hành Quân thì bơi ra chiếc tàu thứ hai.

Non Nước, sáng 29/3, những cái đầu hụp lặn sẽ chết “ vì nước”
 
Nếu độc giả nhìn kỹ bức hình thì sẽ thấy những đốm đen nhấp nhô hụp lặn dưới nước, nếu không được kéo lên tàu thì chỉ trong chốc lát là họ sẽ chết “vì nước”. Tôi là một trong những đốm đen đó nhưng may mắn nắm được sợi dây từ trên tàu quăng xuống rồi được kéo lên. Từ trên boong tàu, tôi nhìn xuống mặt nước biển thì mới thấy có quá nhiều anh em đã bất động, nổi lềnh bềnh từ gần sườn tàu rồi trôi dạt ra xa như những đám bèo lục bình trôi!
 
Khi mọi người còn ở trên bờ biển đang tìm phương tiện để bơi ra tàu thì Việt Cộng pháo kích, khói lửa mịt mù. VC cũng pháo ra biển, nơi tàu đậu, vài trái rơi gần tàu tạo nên những cột nước cao khiến các anh Hải Quân phải vội vàng lui tàu ra khơi. Khi tàu gài số de, có rất nhiều người xung quanh tàu bị cuốn theo dòng nước và họ đã vĩnh viễn ở lại với đại dương!
Tôi xin nói rõ về trường hợp của Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369/ TQLC và Tr/Tá Đỗ Hữu Tùng, Lữ Đoàn Phó trên bãi biển Non Nước sáng ngày 29/3/1975.
 
Sáu giờ sáng ngày 29/3/75, hai anh Phúc, Tùng và Trần Văn Hợp (Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2) còn đứng nói chuyện với tôi trước cửa hầm Trung Tâm Hành Quân, (trong khi đó thì Trung Tướng Trưởng đang ngồi trong hầm). Khi có hai tàu HQ tiến vào bờ, vì tôi làm việc ở TTHQ được lệnh đi ra tàu trước, nên tôi đứng nghiêm chào hai anh Phúc, Tùng và Hợp, vì hai anh ở lại bờ để chờ “đứa con” là TĐ9/ TQLC của Th/Tá Lâm Tài Thạnh đang từ xa rút về Non Nước.
Lữ Đoàn 369/ TQLC vào lúc đó gồm có 3 tiểu đoàn tác chiến. Đó là các TĐ2, 6, 9. TĐ2 của Thiếu Tá Trần Văn Hợp và TĐ6 của Trung Tá Lê Bá Bình đã về đến căn cứ Non Nước, nhưng TĐ9 của Thiếu Tá Lâm Tài Thạnh còn ở xa và đang đi chuyển về nên hai anh Phúc và Tùng ở lại chờ TĐ9. Sau đó hai anh mất tích trong đợt VC pháo kích, tôi chỉ biết đến đó.
 
Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258/ TQLC, kể lại rằng khi ông đi ra tàu thì thấy hai anh Phúc và Tùng còn ngồi trên bờ, Đại Tá Bảo hỏi anh Phúc sao chưa lên tàu thì hai anh nói là còn chờ “thằng 9”.
 
Trưởng Ban Ba của Tiểu Đoàn 9/TQLC là Đ/Úy Đoàn Văn Tịnh đã viết trong hồi ký về cuộc lui quân rằng đang lúc liên lạc vô tuyến với hai anh Phúc Tùng để nhận lệnh thì nghe một tiếng nổ lớn đội vào “ô-bạc-lơ” của máy truyền tin C25 và mất liên lạc ngay với hai anh từ lúc đó.
 
Từ những việc tôi nghe và thấy, từ nhân chứng là Đại Tá Bảo, sự việc tiếng nổ mà Đại Úy Tịnh nghe thấy trùng vào lúc VC pháo kích lên bờ biển thì tôi nghĩ hai anh đã…! Nhưng vì không chứng kiến tận mắt nên tôi chỉ có thể nói là Tr/Tá Nguyễn Xuân Phúc và Đỗ Hữu Tùng đã “mất tích” ở bãi biển Non Nước trong khi đang chờ thuộc cấp rút quân về.
 
Nếu ai không chứng kiến tận mắt, không có những sự kiện cụ thể thì chớ nên nghe tin đồn rồi suy diễn rằng hai anh đã “bay” đi trước, hoặc ông nhà báo tên Kim ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân mà lại viết rằng hai anh Phúc và Tùng bị pháo kích khi đang bơi ra tàu (?).
Tôi đã chiến đấu dưới quyền anh Phúc từ khi tôi còn là trung đội trưởng và đại đội trưởng TĐ2/ TQLC. Anh là một cấp chỉ huy và lãnh đạo lý tưởng của TQLC nói riêng và Quân Lực VNCH nói chung thì không có chuyện bỏ thuộc cấp mà bay đi. Quân Đội có những cấp chỉ huy như các anh Phúc Tùng, Hợp thì sẽ không có những “Hồn Hoang”.
 
Trong chương trình Huynh Đệ Chi Binh của nhà văn Huy Phương trên đài SBTN nói về việc đồng bào thôn An Dương, Thuận An, Huế, đã cải táng được nấm mồ tập thể 132 quân nhân tử trận trên bãi biển Thuận An vào những ngày cuối tháng 3/1975. Tấm bia của nấm mồ tập thể được trang trong ghi dòng chữ:
“Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ”.
Hai chữ “hiển hách” đã nói lên tấm lòng thương mến và kính trọng của người dân thôn An Dương đối với các quân nhân VNCH đã hy sinh. Nhân dịp này anh Huy Phương có phỏng vấn tôi một số chi tiết liên quan đến “biến cố” Thuận An. Buổi nói chuyện của ông đã được phổ biến trên TV khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và gây xúc động cho nhiều người, nhất là những gia đình có chồng, con, anh, em mất tích trên bãi cát này, nên quý vị đó đã gọi điện thoại cho tôi yêu cầu nói rõ thêm về cuộc rút quân của Lữ Đoàn 147/ TQLC.
 
Quý khán thính giả đã xem chương trình Huynh Đệ Chi Binh của nhà báo Huy Phương như các anh Tô Đức Hạnh (Alhambra, anh của cố Đ/Uy Tô Thanh Chiêu), Phan Hữu Hạnh (Witchita), Nguyễn Công Thân (Arizona), Lữ Minh Đức (San Francisco), Đỗ Văn Minh (Houston, Texas) và nhất là chị Lâm Hồng Bạch (San Jose) đã khóc ngất khi hỏi tin tức về em trai là Trung Sĩ TQLC Lâm Phi Hạnh mất tích tại Thuận An. Vì vậy tôi xin được nói rõ THÊM về những điều tôi đã nghe và thấy trong nhiệm vụ của một người trực TTHQ Sư Đoàn TQLC tại Non Nước. Ngoài ra tôi còn tham khảo thêm bài viết của các Mũ Xanh khác. Ngoài nhà văn Cao Xuân Huy với “Tháng Ba Gãy Súng” đã xuất bản, còn mỗi người lính TQLC bị đẩy ra bãi cát Thuận An đều có “cây súng bị gãy”, nhưng các bài viết này mới chỉ phổ biến trong nội bộ TQLC mà thôi, đó là:
– “Tháng Ba Buồn Hiu” của Tiểu Cần, âm thoại viên của Tư Lệnh TQLC.
– “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi” của TQLC Phạm Vũ Bằng.
– “Người Lính Sau Cùng Tuyến Sông Bồ” của Thiếu Úy Phan Văn Đuông.
– “TĐ7/TQLC Từ Cuộc Di Tản 23/3/75 của Thiếu Tá Phạm Cang, TĐT/ TĐ7.
– “Ngày Tháng Không Quên” của Tango Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC.
 
Chiến đấu là có thắng có thua, mà phần quyết định thắng thua thường do khả năng và tài lãnh đạo của cấp chỉ huy. Viết về một chiến thắng thì quá dễ dàng, vui trong bụng và làm hài lòng những người tham dự, nhất là những cấp chỉ huy trận đánh đó. Nhưng rất dễ “lãnh đạn” khi viết về một chiến bại, dù cho là “Can Trường Trong Chiến Bại”. Viết về biến cố Thuận An thì lại càng khó. Nó không chỉ là chiến bại, mà là một tan hoang! Tan hoang không hoàn toàn do địch quân, mà có phần trách nhiệm chỉ huy cao cấp của cuộc rút quân đó! Lại càng khó khi những nhân vật chỉ huy cao cấp đó còn đây. Không khéo lại bị mang vạ là hỗn hào, sao dám phê bình… sao?
 
Biết vậy nhưng tôi vẫn phải viết, viết để trả lời cho những người đã khóc, đang khóc, và còn khóc mãi khi thân nhân của họ là những oan hồn chưa tìm được nơi tạm trú, những hồn hoang vẫn còn lang thang trên “pháp trường cát” Thuận An vào những buổi hoàng hôn.
Trong buổi nói chuyện trên SBTN, nhà văn Huy Phương hỏi tôi:
– Nhiệm vụ của Sư Đoàn TQLC tại Vùng 1.
– Lý do rút quân và diễn tiến những gì xẩy ra trên bãi biển Thuận An?
– Tổn thất như thế nào? Có bao nhiêu TQLC về được Đà Nẵng?
– Nếu có mặt của vị chỉ huy cao cấp (?) tại chỗ thì tình thế sẽ ra sao?
– Những hoạt động của TQLC sau đó và những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Xin trả lời:
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào năm 1971, một cuộc chiến kỳ quái thí quân, rồi sau đó tới “Mùa Hè Đỏ Lửa”, tái chiếm Cổ Thành đã khiến hai Binh Chủng Nhảy Dù và TQLC bị tiêu hao khá nặng. Tổng trừ bị là vậy, nhưng rồi sau đó thượng cấp biến các đơn vị này thành lực lượng địa phương với nhiệm vụ đóng đồn giữ đất, cắm chốt, đào giao thông hào! Một trung đội trưởng còn biết sự cần thiết của lực lượng trừ bị, vậy mà giới lãnh đạo lại không?
 
Sau khi Ban Mê Thuột (BMT) bị mất ngày 10/3/75 thì ngày 13/3/75, “thượng cấp” mới giật mình tỉnh cơn mê, không có tổng trừ bị bèn vội vàng kéo Nhảy Dù, đang trấn thủ Đà Nẵng, về Nam, và để trám vào tuyến của ND là kéo LĐ258 và LĐ369/TQLC, đang giữ đất ở Quảng Trị, Huế di chuyển vào Đà Nẵng, Thường Đức, và chỉ còn lại LĐ 147/ TQLC phòng thủ tuyến Sông Bồ và bảo vệ Huế. Lực lượng thay thế 2 Lữ Đoàn TQLC với 5 ngàn tay súng là Liên Đoàn 14/ BĐQ với quân số 1400.
 
BMT bị mất, Dù về Nam, TQLC xuôi vào Đà Nẵng đã ảnh hưởng rất lớn đến các lực lượng chiến đấu ở Quảng Trị, Huế, đấy là chưa nói đến áp lực địch gia tăng và dân chúng hoảng loạn bắt đầu di tản, thì việc phòng thủ Huế đã quá mong manh.
 
Lúc 14 giờ 30 ngày 24/3/75, tại căn cứ Hải Quân Thuận An, Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền Phương Lâm Quang Thi họp với Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Đại Tá Hy Tham Mưu Trưởng QĐI Tiền Phương, Đại Tá Duệ Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó TQLC để bàn kế hoạch rút quân. Kế hoạch đã được trình lên Trung Tướng Tư Lệnh QĐI và được chấp thuận.
Khoảng 17 giờ 30 cùng ngày Đ/Tá Hy đi trực thăng đến trao công điện cầm tay cho Đại Tá Nguyễn Thành Trí lệnh rút quân và Đ/Tá Trí ra lệnh cho các đơn vị TQLC thi hành vào lúc 18 giờ ngày 24/3/75.
 
Trong phạm vi bài viết này, tôi không đề cập tới lệnh rút quân của QĐI Tiền Phương đã được soạn thảo như thế nào và tôi cũng không đề cập tới việc rút quân của các đơn vị bạn như Sư Đoàn I BB, Biệt Động Quân, Thiết Giáp v.v.. mà chỉ đề cập tới lệnh rút quân ban cho LĐ147/ TQLC.
 
Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó TQLC kiêm Tư Lệnh Lực Lượng Tây-Bắc, mà nỗ lực chính là LĐ147, đã viết trong “Những Ngày Tháng Không Quên”, (xin trích):
* * *
Tướng Thi đề nghị kế hoạch rút quân khỏi Huế lên Tướng Trưởng:
1. Lực lượng Tây Bắc Huế do tôi chỉ huy sẽ rút về Thuận An, sau đó đi chuyển về cửa Tư Hiền. Tại đây, Hải Quân và Công Binh Quân Đoàn I sẽ phối hợp thiết lập cầu phao để các cánh quân vượt sông nhanh chóng và dễ dàng.
 
2. Sư Đoàn 1 Bộ Binh do Tướng Điềm chỉ huy sẽ rút theo trục Quốc Lộ 1 và sẽ tập trung về điểm vượt sông, song song với cánh quân TQLC (trg 538).
Sáng sớm ngày 25/3/75, LĐ147/ TQLC báo cáo đã hoàn tất việc tập trung bên này bờ biển, cách Thuận An 9 cây số về phía Đông Nam (trg 539). Khoảng 10.30 giờ, qua tần số không lục, LĐ147/ TQLC nhận được lệnh của Quân Đoàn I Tiền Phương hãy chuẩn bị tại chỗ để tàu vào bốc, kế hoạch di chuyển về cửa Tư Hiền bị hủy bỏ vì không thể thực hiện được cầu phao do tình trạng an ninh và thủy triều bất lợi (trg 540).
Tư Lệnh Lực Lượng Tây Bắc ra lệnh rút lúc 18 giờ ngày 24/3 mà sáng sớm ngày 25/3, chỉ trong vòng hơn một đêm mà LĐ147/ TQLC đã di chuyển từ tuyến Sông Bồ (TĐ5) và sẵn sàng tại điểm tập trung, phía Nam cửa Thuận An 9 km, tiếp tục đi chuyển về cửa Tư Hiền để vào Đà Nẵng là một cuộc hành quân lui binh rất khó khăn nhưng LĐ147 đã hoàn tất đúng với lệnh của Quân Đoàn I Tiền Phương. Tuy nhiên đến 10.30 sáng thì kế hoạch thay đổi, vì không bắc được cầu phao qua cửa Tư Hiền* nên LĐ147/ TQLC dừng quân tại chỗ để tàu Hải Quân vào bốc.” (Hết trích.)
 
(*Cửa Thuận An và Tư Hiền rộng như một con sông nối liền biển với các đầm nước trong đất liền, phòng thủ và vận chuyển tại cửa Thuận An là trách nhiệm của Duyên Đoàn 12 và tại cửa Tư Hiền là Duyên Đoàn 13, thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải)
Rút quân bằng đường bờ biển vào Đà Nẵng qua cửa Tư Hiền thì yếu tố quyết định là phải có cầu phao tại đây, hay tối thiểu phải là các tàu há mồm để chuyển quân từ bờ này sang bờ kia. Tướng Tư Lệnh Tiền Phương đã ra lệnh cho Hải Quân và Công Binh thi hành, vậy mà chỉ trong một đêm đã báo cáo kết quả là không thực hiện được. Thượng cấp ra lệnh lập cầu khi chưa cho thám sát địa thế, phương tiện chưa sẵn sàng, chưa nghiên cứu thủy triều, hay là thuộc cấp không tuân lệnh hành quân? Điểm chết quân, chết cả một lữ đoàn là ở chỗ này đây.
 
Bờ biển từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền là một hòn đảo cát, Đông, Tây, Nam Bắc là nước. Đã ra đến đây rồi thì đường rút quân vào Đà Nẵng chỉ có duy nhất vượt qua cầu phao tại cửa Tư Hiền. Nhưng bắc cầu phao đâu phải vẽ trên giấy? Kết quả là thế đấy!
Nhưng thôi, không có cầu phao thì Quân Đoàn I Tiền Phương ra lệnh dừng quân tại chỗ để tàu Hải Quân vào đón. Thật là tuyệt diệu vừa nhanh chóng, an toàn, vì dưới tay Quân Đoàn là cả một lực lượng Hải Quân Vùng I hùng hậu đầy đủ tàu thuyền của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải, ông biết mọi đặc tính của vùng biển này như trên bàn tay. Nhưng rồi chuyện gì xẩy ra? Xin nghe Đại Tá Tư Lệnh Lực Lượng Tây-Bắc nói:
– Khoảng 13:00 giờ, ngày 25/3, một hải vận hạm (LSM) đến bãi bốc, nhưng lại đậu cách xa bờ 200m, làm sao binh sĩ lội ra được trong tình trạng sóng to gió lớn lại còn phải đem theo thương binh và tử sĩ? Nếu có vài chiếc LCM để chuyển quân từ bờ ra tàu lớn thì mọi việc đã có thể giải quyết tốt đẹp, vì loại tàu LCM có thể vào sát bờ hơn. Thấy không thể giúp gì được nên chiếc LSM di chuyển đi nơi khác sau khi hứa sẽ gọi tàu LCU đến để bốc quân. (Trích Ngày Tháng Không Quên trang 540.)
 
Từ khi ra lệnh dừng quân đến khi tàu đến phải mất gần 3 tiếng đồng hồ (10:30 – 13:00)? Đến rồi lại bỏ đi! Thiếu Tá Phạm Cang TĐT/TĐ7/ TQLC nói về trường hợp này, tàu Hải Quân vào đón như sau:
– Tàu đậu cách bờ 200m lại thêm sóng to gió lớn là một trở ngại vô cùng khó khăn. Từng toán 20 TQLC nắm tay nhau lội ra tàu nhưng bị sóng đánh dạt lại vào bờ trông thật thê thảm! Các đơn vị cố gắng nhiều lần nhưng đến 5 giờ chiều thì không một quân nhân nào ra đến tàu được. Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng gọi các Tiểu Đoàn Trưởng (3, 4, 5, 7, TĐ2 Pháo Binh) đến họp và ông ra lệnh phòng thủ tại chỗ để chờ xuống tàu theo kế hoạch Alfa. (Ngưng trích)
 
Ngồi chờ tàu vào đón từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tàu đến rồi tàu lại đi vì sai kế hoạch, trong khi địch quân thì có 7 tiếng đồng hồ, quá dư thời gian để bám sát đuổi theo, rồi trận chiến đã xảy ra, địch đã núp sẵn trên các cao điểm, hướng đủ mọi loại súng vào quân ta dưới bờ biển, trên bãi cát. Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam TĐP/TĐ4/ TQLC và Đại Úy Tô Thanh Chiêu ĐĐT/ĐĐ3 tử thương vào lúc này. Kế hoạch Alfa như thế nào và đã được thực hiện ra sao? Th/Tá Cang viết tiếp như sau (xin trích):
– Tối hôm đó (25/3/75) Lữ Đoàn 147/ TQLC đóng quân đợi thi hành kế hoạch Alfa tức là xuống tàu Hải Quân vào lúc 12 giờ đêm, theo thứ tự Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, TĐ2 Pháo Binh rồi tới các TĐ 4, 3, 5, và 7. Thế rồi 12 giờ đêm đã tới, 1 giờ khuya đã qua, rồi 3 giờ sáng, các con tàu vẫn không vào bờ! Xa xa ngoài khơi, ánh đèn các con tàu vẫn còn đó, nhưng mọi vật hình như bất động! Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau (26/3) mới có một chiếc LCM vào đón thương binh và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn. (Ngưng trích.)
 
Hành quân lui binh khó khăn gấp trăm lần hành quân tấn công, vậy mà LĐ147/TQLC với các Tiểu Đoàn 3, 4, 5, 7, và TĐ2PB đã thi hành đúng theo lệnh, dừng quân trên đảo cát để tàu vào đón, nhưng chờ gần một ngày một đêm (10.30 sáng ngày 25/3 đến 8 giờ sáng ngày 26/3) vẫn không có con tàu nào, chúng vẫn bất động trước mặt, còn địch quân có “bất động” như những con tàu đâu? Chúng đã thần tốc bám theo quân ta, gần 24 giờ đồng hồ “ta đứng, địch đuổi” chuyện gì sẽ xẩy ra? Địch đã dư thừa thời gian đuổi theo và tăng cường quân số quyết tấn công LĐ147/ TQLC, nên khi chiếc LCM vào đón thương binh là chúng tấn công bằng hỏa tiễn và 12.7, Đ/Tá Lương Lữ Đoàn Trưởng bị thương. Th/Tá Phạm Cang TĐT/TĐ7 được chỉ định chỉ huy LĐ147. Nếu đêm 25/3, kế hoạch Alfa được thi hành, địch chưa đuổi kịp thì không xảy ra đại họa. Đã quá trễ khi địch sẵn sàng hướng súng vào tàu, vào quân ta như những tấm bia trên thềm bắn. Th/Tá Phạm Cang Xử Lý Thường Vụ Lữ Đoàn 147 viết tiếp:
– Nếu đêm qua kế hoạch Alfa được thi hành thì ít nhất một nửa Lữ Đoàn có thể thoát khỏi khu vực này để lên tàu. Nhưng không rõ vì lý do gì không thực hiện được. Khoảng 10 giờ sáng Hải Quân cho biết sẽ có LCM vào đón. Tôi ra lệnh cho TĐ4 và TĐ3 sẽ xuống tàu theo như đã định từ trước, nhưng khi LCM vừa cập bến thì quân nhân các đơn vị bạn cùng dân chúng cũng nhanh chân hơn TQLC, họ tranh nhau xuống tàu gây nên cảnh hỗn loạn. Vì số lượng người quá đông nên tàu mắc cạn.
 
Vị chỉ huy tàu yêu cầu ai không phải TQLC thì xuống bớt thì tàu mới có thể ra khơi được. Nhưng ai là người chịu xuống khi biết rằng đây là cái phao cuối cùng. Tuyệt vọng! Tự sát và VC tác xạ vào gây thêm chết chóc cho những người xung. (ngưng trích).
Lời của Th/Tá Phạm Cang trên đây cũng như Tr/Úy Cao Xuân Huy trong “Tháng Ba Gãy Súng” đã nói giống nhau về con tàu vào đón quân trễ 24 giờ so với lệnh hành quân của Quân Đoàn I Tiền Phương khiến nó trở thành cái quan tài sắt chứa bao nhiêu xác người. Đó là hậu quả mà người dân thôn An Dương, Thuận An, Thừa Thiên Huế vừa cải táng nấm mồ tập thể của 132 tử sĩ VNCH, tuy không xác định được danh tánh nhưng phần lớn là TQLC. Còn bao nhiêu lần 132 xác nữa vẫn còn nằm rải rác khắp đó đây dưới cát hoặc thủy triều kéo ra biển khơi?
 
Từ 10 giờ sáng, con tàu đến trễ 24 tiếng đã mắc cạn biến thành “con tàu ma” thì chẳng còn con “ma” nào vào đón LĐ147 nữa, họ phải làm gì đây? Trong cơn nắng Hè giữa bãi cát, cả Lữ Đoàn 147/TQLC đang chết khát giữa biển nước mênh mông. Đến 2 giờ chiều Tướng Lâm Quang Thi Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền Phương bay trực thăng ngoài biển khơi gọi máy hỏi quân số dưới đất còn bao nhiêu, Th/Tá Cang trả lời:
– Ngoài 5 Tiểu Đoàn TQLC, còn có các đơn vị bạn đi theo, tổng số khoảng 3000.
Vị Tướng Tiền Phương Quân Đoàn I hứa sẽ có tàu lớn (?) vào đón và rồi ông bay đi và im lặng vô tuyến từ đó. Đến 4 giờ chiều, tức 2 giờ sau lời ông tướng hứa thì Th/Tá Phạm Cang Xử Lý Thường Vụ Lữ Đoàn nhận được lệnh từ Đại Tá Tư Lệnh Phó/ TQLC rằng không còn tàu nào nữa!
 
Đ/Tá Nguyễn Thành Trí ghi lại như sau:
– Chiều đã xuống, Bộ Chỉ Huy nhẹ SĐ/ TQLC đã gọi bất cứ hệ thống vô tuyến nào có thể, để xin tiếp tục gửi tàu đến bãi bốc, nhưng mọi câu trả lời nhận được đều bi quan và tuyệt vọng.
Kể từ 4 giờ chiều 26/3, cả LĐ147/ TQLC coi như đã bị đưa ra pháp trường cát Thuận An. Trước mặt là biển Đông, sau lưng là đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, phía Bắc là cửa Thuận An và phá Tam Giang, Nam là cửa Tư Hiền, giữa bãi cát mênh mông thì có thể làm gì được đây?
 
Đã 6 giờ chiều, những người lính TQLC phải quyết định thật nhanh, Th/Tá Phạm Cang cho họp các tiểu đoàn trưởng để đi đến một quyết định: “Tiếp tục đánh và đi về phía Nam”, đi về cửa Tư Hiền dù biết rằng không có cầu phao, nhưng hy vọng vào cái cầu bằng “bọt nước” tức là hy vọng vào Duyên Đoàn 13 thuộc BTL/HQ Vùng I Duyên Hải còn trấn giữ ở đây. Nhưng tất cả đúng là “bọt nước”, không tàu, không cầu, không bạn, hết đạn, hết lương thực, hết nước, chỉ còn nước biển mênh mông và súng địch thì không tử trận cũng tự sát, và bị bắt! Còn ai thoát được?
Có bạn trách chúng tôi rằng tại sao lại dùng chữ “pháp trường cát”? Nói như vậy có nghĩa ám chỉ quân sĩ là “tội nhân” à?
 
Xin thưa, khi xưa Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ trói Tạ Vinh, tên 3-Tàu đầu cơ gạo, vào pháp trường cát trước cửa chợ Bến Thành mà bắn. Nay các chiến sĩ bảo vệ chế độ, bị đẩy ra bãi biển cát, tứ bề mênh mông là nước, không có bất cứ phương tiện nào khác, không đạn, không lương thực, chỉ còn họng súng AK, B40, RPD v.v… thì có khác chi các anh bị thượng cấp, trong đó có Phó Tổng Thống Kỳ, trói tay chân các anh trước họng AK. thì có khác chi các anh bị đưa ra pháp trường cát!
 
Trong một bài viết của vị Tướng Tư Lệnh Tiền Phương, ông đã nói rằng: “Đa số TQLC đã về tới Đà Nẵng”. Xin thưa, chỉ duy nhất một LCM vào đón thương binh lúc 8 giờ sáng ngày 26/3, nhưng bị VC bắn nên vội rút ra! Bác Sĩ Phạm Vũ Bằng là người được lệnh ra đón thương binh đã kể lại trong bài viết “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi” nói rõ con số, bài này đã gửi tới cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi, có đoạn như sau:
Vào lúc 2 giờ chiều ngày 26/3, thì một chiếc LCM từ từ cập bến, khi bửng tàu mở ra, tôi rất mừng vì thấy màu áo rằn ri quen thuộc. Đi đầu là mấy anh em khiêng xác của 3 tử sĩ, xác họ được gói kỹ trong những chiếc poncho, một trong 3 xác này là Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam TĐP/TĐ4/ TQLC. Sau đó là Đại Tá Nguyễn Thế Lương LĐT/ LĐ147, ông bị thương ở chân, mặc dù được các quân y tá dìu xuống cầu tàu nhưng ông di chuyển rất khó khăn và đau đớn. Theo sau Lữ Đoàn Trưởng là bác sĩ Rậu, bác sĩ Khoa, và toán y tá cùng khoảng 100 thương binh. Cuối cùng là khoảng hai trăm quân nhân thuộc các tiểu đoàn TQLC hiện đang bị kẹt lại tại bãi biển Thuận An. Tôi nhanh chóng phân loại các thương binh rồi ra lệnh mang họ lên đoàn xe tải thương để về bệnh viện dã chiến trong căn cứ Non Nước.
 
Trên đây là ghi lại thật tóm tắt diễn biến xảy ra ở Thuận An. Còn câu hỏi của nhà văn Huy Phương rằng:
– Nếu có sự chỉ huy của giới chức “có thẩm quyền” thì tình thế có thay đổi không?
Tôi thẳng thắn trả lời:
– Tất cả tùy thuộc vào phương tiện, tình thế sẽ không thể thay đổi nếu chỉ có các cấp chỉ huy TQLC, dù là có ông Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC, vì TQLC không có quyền điều động tàu thủy hay máy bay. Ai là người có thẩm quyền điều động hai phương triện này?
 
Vì tế nhị nên nhà báo Huy Phương đã không hỏi đích danh “thẩm quyền” là ai, nhưng tôi có thể khẳng định thảm họa Thuận An không do cấp chỉ huy TQLC. Lữ Đoàn Trưởng bị thương thì đã có người thay thế và các Tiểu Đoàn Trưởng 3, 4, 5, 7, TĐ2 PB là những cấp chỉ huy tài giỏi, vẫn luôn sát cánh cùng thuộc cấp. Xin nghe Cao Xuân Huy nói về Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4 Đinh Long Thành của mình:
– Làm Tiểu Đoàn Trưởng được mấy ngày thì chạy, chết mất tiểu đoàn phó, chết mất một đại đội trưởng, banh luôn một đại đội, một đại đội cũng đang lênh đênh trên biển ngoài sự kiểm soát của ông.. Vậy mà ông vẫn chạy ngược chạy xuôi, cố gắng tập trung, gom góp những thằng mang bảng tên màu đỏ Tiểu Đoàn 4 để hướng dẫn, để biết tin tức, để khích lệ tinh thần. Ông đã không lợi dụng tình trạng tan rã của tiểu đoàn để bỏ trốn một mình. Phải chi quân đội chỉ có những cấp chỉ huy như Thiếu Tá Cang, Thiếu Tá Thành.” (Trích Tháng Ba Gãy Súng, trg 93.)
 
Không chỉ có tiểu đoàn trưởng, mà tiểu đoàn phó cũng thế. TĐT Phạm Cang nói về Tiểu Đoàn Phó Lê Quang Liễn (có em ruột đi theo anh nhưng bị tử thương) như thế này:
– Khi một tàu vào gần bờ để bốc thương binh tử sĩ, Th/Tá Liễn ôm xác người em trai bơi ra tàu vừa kịp lúc tàu kéo bửng lên, nên cả hai anh em Liễn, người sống và người chết lăn vào trong tàu. Vừa khi tàu lui ra thì Liễn nhảy xuống biển, bơi trở lại vào bờ để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội và rồi bị bắt cùng đồng đội. (Ngưng trích.)
 
Gặp Liễn, người viết hỏi động cơ nào đã khiến anh hành động như thế thì Liễn nói:
– Không có gì ghê gớm đâu niên trưởng, đơn giản là các tiểu đoàn trưởng như Cang, Tiền, Sử, Thành còn trên bờ, lính tôi còn trên bờ, tôi phải trở lại để sống chết với anh em. Nếu bây giờ gặp hoàn cảnh như thế, tôi vẫn làm như thế.
 
Những cán bộ nồng cốt của LĐ147/ TQLC là như thế đó nhưng không thể làm gì hơn, họ chỉ là Bộ Binh (nói chung) không có quyền điều động tàu thủy và tàu bay. Ngay cả Đại Tá Tư Lệnh Phó cũng phải than trời:
– Kêu cứu tàu vào bốc nhưng mọi trả lời đều tuyệt vọng. (Trg 541.)
 
Nên nhớ rằng LĐ147/ TQLC trực thuộc quyền điều động của Quân Đoàn I Tiền Phương, nằm ngoài thẩm quyển điều động của Tư Lệnh TQLC. Khi biết LĐ147 đang bị sa lầy, Tư Lệnh TQLC đành phải ra mật lệnh cứu nguy. Đại Úy Nguyễn Quang Đan, chánh văn phòng của Thiếu Tướng Tư Lệnh SĐ/ TQLC, gửi cho tôi một e-mail nguyên văn như sau:
– Thưa niên trưởng, một buổi sáng tháng 3/75, tôi quên ngày rồi, tôi đọc lệnh hành quân từ Tướng Thi gửi xuống, tôi trình ngay lên Thiếu Tướng Tư Lệnh và xin ông đọc ngay. Đọc xong, ông nói: “Đ.M. thế này thì chết lính tao rồi!” Sau đó Thiếu Tướng Tư Lệnh liên lạc với Đại Tá Trí, Tư Lệnh Phó, đang chỉ huy cánh quân Tây Bắc, trong đó có LĐ147. Ngày hôm sau, tôi lấy trực thăng bay ra Thuận An đưa tận tay lá thư của Thiếu Tướng Tư Lệnh cho Đ/Tá Nguyễn Thế Lương, kèm theo lời dặn của Tư Lệnh với Đ/Tá Lương: “Tìm ra Quốc Lộ 1 mà đi.” (Ngưng trích.)
 
Nhưng tiếc thay, đã quá trễ để Đ/Tá Lương có thể đổi hướng rút quân ra QL1. Lệnh rút theo bờ biển và có tàu vào đón là ưu điểm với điều kiện là có tàu và có đủ điều kiện bắc cầu phao. Nếu không đủ các điều kiện trên thì việc lui binh theo đường bộ, dọc theo QL1 dù cho có gặp nhiều khó khăn, dẫu có gặp địch kháng cự, cũng không đến nỗi bị dồn vào cửa tử Thuận An.
Tình thế chắc chắn khá hơn, tốt hơn nếu không muốn nói là không xẩy ra “pháp trường cát” nếu như Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền Phương ra lệnh được HQ cho tàu vào đón TQLC, lệnh cho KQ đưa máy bay lên yểm trợ hỏa lực ngăn chặn địch quân, cho trực thăng tải thương tiếp tế. Nhưng vì sao lại không có cái gì cả thì TQLC chúng tôi không biết? Chuyện gì xẩy ra giữa Tướng Tư Lệnh Tiền Phương với Tướng Tư Lệnh SĐI Không Quân, với Phó Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải và cả với Tướng Tư Lệnh QĐI, đây chính là những giới chức có thẩm quyền quyết định để KHÔNG xảy ra pháp trường cát.
 
Lệnh rút quân của Quân Đoàn I Tiền Phương cho SĐ1/BB và LĐ147/ TQLC có nhấn mạnh: “Kế hoạch hỏa lực ngăn chặn phải được áp dụng tối đa trong khi các đơn vị rút quân.”
 
Đây là một điểm son trong lệnh hành quân của Tướng Tư Lệnh Tiền Phương. Lui binh nên Pháo Binh cũng lui theo, chỉ còn Không Quân và Hải Quân là hữu hiệu nhất, mà cả hai thành phần này chưa hề sứt mẻ, nhưng không có một tiếng nổ nào từ KQ và HQ. Họ đi đâu cả rồi?
 
Đà Nẵng có sân bay lớn, SĐIKQ có nhiều trực thăng, thẩm quyền nào điều động trực thăng đi đâu cho đến nỗi cần trực thăng để tiếp tế đạn, nước uống, thực phẩm cho lính ở bãi cát Thuận An mà không có, Đại Úy Đan, chánh văn phòng và Tiểu Cần, âm thoại viên của TL/TQLC đã phải dùng C&C của Tư Lệnh TQLC để tiếp tế vài thùng lương khô xuống cho anh em TQLC. Tiểu Cần đã ghi lại trong bài “Tháng Ba Buồn Hiu” như sau:
– Một số anh em thuộc Tiểu Đoàn Tổng Hành Dinh đang chất những thùng gạo sấy lên trực thăng C&C, tôi phụ một tay để cố sắp xếp sao cho càng nhiều càng tốt, nhưng khoang tàu chỉ có sức chứa 10 thùng là tối đa. Với chỉ một chiếc như thế này thì chở không được bao nhiêu, và phải bao nhiêu chuyến trong lúc hơn 3000 người đang “bụng không, bãi cát trống”? Bay dọc theo bờ biển lên hướng Bắc, khi gần đến vị trí LĐ147 thì phi công hỏi Đại Úy Đan kế hoạch tiếp tế những thùng gạo sấy này thì anh Đan cho lệnh đáp xuống bãi cát, anh em dưới đất phụ vào để giải tỏa rất nhanh cho trực thăng cất cánh làm chuyến khác. Qua chuyến thứ hai, theo tính toán của anh Đan và phi công thì đáp và cất cánh tốn nhiều thời gian nên các anh cho trực thăng bình phi cách mặt đất chừng 10m rồi chúng tôi xô các thùng gạo sấy xuống, làm cách này rất nhanh, nhưng sau đó thì được biết một vài anh em bị thương vì thùng gạo rơi trúng người! (Ngưng trích.)
Cao Xuân Huy đã ghi lại trường hợp tiếp tế này trong Tháng Ba Gẫy Súng:
– Một chiếc trực thăng từ phía biển bay vào, quần trên đầu chúng tôi rồi ném chừng một chục bao cát đựng gạo sấy và thịt hộp. Một sự hỗn loạn xảy ra, có một bao rơi trúng đầu làm bất tỉnh một người lính (Tháng Ba Gãy Súng).
 
Hải Quân thì có đủ mọi tàu lớn nhỏ và các cấp thừa hành cũng sẵn sàng hy sinh cộng khổ cùng TQLC, nhưng họ có nhận được lệnh hay không, lệnh ra có đúng lúc đúng chỗ hay không? Đón quân trên bờ mà cho tàu lớn đậu xa bờ 200 mét thì đón ai? Đón các “thằng chỏng*” chăng? Trong khi nếu điều động đúng lúc, đúng chỗ, đúng loại là tàu “há mồm” thì hoàn tất kế hoạch chính xác nhanh chóng an toàn và thành công. (*Thằng chỏng tức người chết trôi).
Hải Quân và Quân Vận vùng I Duyên Hải có tàu há mồm không? Th/Tá Phạm Cang viết:
– Khoảng 10 sáng 25/3, trên tần số Không-Lục, tôi nhận ra tiếng người bạn cùng khóa, Thiếu Tá Trần Văn Thao, anh chỉ huy đoàn tàu Quân Vận (5 chiếc tàu há mồm LCM) từ Đà Nẵng ra Thuận An để đón Biệt Động Quân, nhưng không thể nào liên lạc được. Anh hỏi tôi có thấy anh em Mũ Nâu không, nhìn quanh tôi chỉ thấy vài anh thôi, tôi cho Thao biết. Thao nói với Cang: “Tôi sẽ đưa các bạn vào Đà Nẵng, chuẩn bị và đánh dấu bãi bốc.” (Ngưng trích.)
 
Đúng lúc đó thì Cang nhận lệnh di chuyển về phía Nam đề gặp Long Mỹ, tức Đại Tá Nguyễn Thế Lương LĐT/ LĐ147, để vào Đà Nẵng bằng tàu 801, nên Cang cám ơn Thao, còn Thao mang 5 tàu LCM đi đâu thì không ai biết. trong khi đó thì LĐ147 ngồi chờ mãi đến 13 giờ mới có LSM đến, lại đậu xa bờ, không cứu được ai. TĐ7 đã mất dịp được LCM của Th/Tá Thao cứu. Điều này chứng tỏ lệnh cho tàu của HQ vào đón TQLC là một mớ “bòng bong”, bòng bong đến nỗi không ai hiểu nổi?
 
Còn câu hỏi của nhà văn Huy Phương về hoạt động của Sư Đoàn TQLC vào những ngày cuối của cuộc chiến thì tôi xin trả lời thật vắn tắt như sau:
– Lúc 7 giờ sáng ngày 29/3/75, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cùng với Đại Tá Nguyễn Thành Trí TLP/TQLC và quân nhân các cấp bơi ra tàu HQ tại bãi biển Non Nước, Đà Nẵng. Về đến Vũng Tàu thì đóng quân trong căn cứ cũ của quân đội Úc sát ngay bãi biển sau, đồng thời Tư Lệnh TQLC được lệnh lại kiêm Quân Trấn Trưởng Vũng Tàu, kiểm soát mọi tàu thuyền. Phải nói thẳng rằng không có một đơn vị nào lại có điều kiện thuận lợi để “ra đi” như TQLC lúc đó.
Nhưng, trong khi các giới chức cao cấp tại Saigon nhao nhao tìm đường ra bờ biển Vũng Tàu thì TQLC từ Vũng Tàu lại tiếp tục lên đường chiến đấu, đánh từ Bà Rịa, Long Thành, Long Bình và cứ điểm tử thủ cuối cùng là Căn Cứ Sóng Thần Thủ Đức và rồi phải gãy súng theo lệnh Tổng Thống Một Ngày! Và rồi từ Tư Lệnh Phó, các Lữ Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Trưởng Phòng, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện, các Đại Đội Trưởng đều vào tù. Các Tr/Tá Nguyễn Văn Nhiều, Nguyễn Đằng Tống, Huỳnh Văn Lượm, Th/Tá Trần Văn Hợp v.v.. đã “tử nạn” trong tù.
Thưa quý độc giả.
 
Cực chẳng đã tôi mới phải cố gắng ghi lại ngắn gọn diễn tiến biến cố Thuận An để trả lời cho những vị có chồng, con, anh, em tử trận và mất tích tại đây vào những ngày cuối tháng 3/75. Mỗi lần nghĩ đến là đầu tôi bốc khói, nếu không kiềm chế để viết thì tôi dễ xúc phạm đến các thượng cấp có trách nhiệm về mạng sống của những nấm mồ như nấm mồ 132 bộ xương mà đồng bào thôn An Dương, Thuận An đã cải táng và an táng.
Dẫu biết rằng “thời thế thế thời phải thế”, không xoay đổi được vận nước, nhưng nếu như quý thượng cấp có trách nhiệm điều quân khiển tướng làm việc như những người lính chúng tôi, cùng lính chúng tôi chiến đấu, dẫu có thua, thì đâu xảy ra những nấm mồ tập thể 132 bộ xương và còn bao nhiêu nữa đang nằm trong cát, dưới đáy biển Thuận An và khắp mọi miền đất nước!
 
Thưa quý vị có thân nhân nằm lại Thuận An cũng như tôi có anh em nằm lại đó mà chưa tìm ra tung tích thì hãy hãnh diện thay vì thương tiếc. Anh em họ sống chiến đấu bên nhau thì khi chết cũng nằm bên nhau, chung một nấm mồ tập thể ngay tại nơi họ đã chiến đấu, chắc những anh linh đó cũng chẳng muốn xa lìa đồng đội để về nằm riêng lẻ một mình. Xin nhớ đến các anh linh đã hy sinh cho chúng ta được sống, một lời cầu nguyện chung./.

No comments:

Post a Comment