Wednesday, July 12, 2023

BÙI QUYỀN K16/TVBQGVN và TÔI - VŨ XUÂN LAN (fb Yến Ngọc Hải Âu)

BÙI QUYỀN K16/TVBQGVN và TÔI
VŨ XUÂN LAN - fb Yến Ngọc Hải Âu

Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, Trung Tá Bùi Quyền gọi điện thoại cho người chị: "Chị mang mấy viên thuốc cho em”. Nước mất thì nhà tan, Ông đã có ý định tự vẫn ... Kính mời quý vị và quý bạn đọc về cuộc đời của Trung Tá Bùi Quyền, Thủ Khoa Khóa 16 TVBQGVN, qua bài viết của người chị.

---------------------
 
 ----------------------

Chúng tôi chỉ là hai chị em họ: Mẹ của Bùi Quyền là em ruột của bố tôi, tuy vậy chúng tôi thân thiết từ thời thơ ấu, có lẽ gần gũi nhau còn hơn chị em ruột. Tôi mồ côi mẹ lúc mới 5 tuổi lại có bà mẹ kế rất nghiêm nên hay tìm đến tình thương của cô. Cô tôi lại chỉ có một mình Quyền nên rất thương chúng tôi. Nhà ở gần nên chạy qua chạy lại chơi đùa rất vui
 
Sau khi di cư vào miền Nam bà cô tôi qua đời và Quyền cũng có dì ghẻ giống như tôi. Chỉ khác là bà dì ghẻ này đã có trước khi cô tôi mất. Bà có sinh một cậu con trai. Quyền không có chị em gái nên tôi được coi như một nơi an ủi cho Quyền trong tình cảnh “mấy đời bánh đúc có xương” này. Tôi có người em trai tên Tòng là trung úy trong quân đội Việt Pháp. Mỗi lần nghỉ phép em tôi và Quyền thường đi chơi với nhau. Người em trai tôi sau đó tử trận khi mới 22 tuổi. 
 
Sau này Quyền kể lại với tôi là có lần hai anh em đang đi chơi thấy anh dừng lại trước mặt một tên lính Tây, tên lính đập gót giầy, chào rất nghiêm chỉnh nhưng ông anh đã đứng lại, tiến thẳng đến sửa cái cổ áo làm anh lính sợ tái mặt. Quyền rất thích ông anh tay cầm cái gậy chỉ huy, mặt lầm lỳ ít nói. Không biết bao nhiêu điều đó có làm ảnh hưởng đến quyết định của Quyền để đi vào con đường binh nghiệp sau này không. 
 
Quyền và Tòng là hai thế hệ, cách điều binh khiển tướng có khác nhau, cách cư xử có khác nhau, em trai tôi là một sĩ quan người Việt có thể phải nghiêm khắc với những người lính Pháp để giữ kỷ luật quân đội, còn Quyền lúc xông pha trận mạc, chỉ huy mặt trận ra sao tôi không được biết nhưng những lần về phép cũng như khi tôi đến nhà Quyền, gặp những quân nhân rất thân thiện, rất thương quý Quyền đúng với tình nghĩa huynh đệ chi binh. 
 
Hai anh em họ lại có gương mặt rất giống nhau đến nỗi có một vài người bạn đến nhà thăm Quyền ở San Jose khi nhìn lên bàn thờ phải giật mình khi thấy một ông trong bộ quân phục giống hệt người đang đứng ngoài. Có lẽ điều này đă cho tôi nghĩ rằng khi mất một người em ruột, tôi lại có một người em mà cơ duyên khiến tôi được săn sóc, lo lắng trong suốt cuộc đời, những điều mà tôi chưa làm được cho người em trai vắn số của tôi.
 
Sau khi tốt nghiệp, Quyền đi chiến trận liên miên nhưng những lần về phép đều đến nhà tôi nghỉ ngơi và hầu mạt chược 2 ông anh rể, ông xã tôi và ông chồng của bà chị tôi đều mê thứ tiêu khiển này.
Binh nghiệp của Quyền cũng được đánh dấu bằng 2 chiến thương ngoài mặt trận: 1 lần viên đạn xuyên qua nón sắt nhưng chỉ hớt mất một miếng tai, máu chẩy nhiều nhưng trận chiến đang khốc liệt nên vết thương đã được khâu ngay tại chỗ và Quyền được gắn chiến thương bội tinh ngay tại mặt trận lần đó. Lần sau thì 1 viên đạn xuyên qua đầu gối, vết thương này làm chân không cử động được lại sợ bị nhiễm độc nên Quyền được chuyển về điều trị tại Quân Y Viện Đỗ Vinh.
 
Thời gian sau đó, Ông Bùi Nam thân phụ của Quyền bị ung thư phổi. Khi biết bệnh đến thời kỳ nặng, cụ muốn Quyền lập gia đình để cụ yên chí có cháu đích tôn trước khi nhắm mắt. Quyền là một người con rất có hiếu nên đã vâng lời. Quyền nói tôi đi với cụ bà Trần Trọng Kim, chị ruột của ông Bùi Nam tức là bác ruột của Quyền, để xin hỏi Quế Mai mà bà nội là bạn thân của cụ. Quả đất tròn, Quế Mai lại là bạn học với con gái tôi tại trường Trưng Vương. Sau đó, cụ Trần Trọng Kim cũng nhờ tôi đứng ra lo liệu đám hỏi và đám cưới cho Quyền. Điều này đã làm mất lòng bà dì ghẻ không ít nhưng có lẽ Quyền muốn tôi thay mặt cô tôi để lo những việc trọng đại này.
 
Sau đám cưới, Quyền lại trở về quân ngũ, hành quân liên miên, tôi phải nhiều lần lau nước mắt cho người vợ trẻ khi tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt. Tôi thường dỗ dành cô em dâu: 
- “em đừng khóc lóc quá, người ta thường nói thần giao cách cảm, nếu ở ngoài mặt trận Quyền cảm nhận được những buồn rầu lo lắng của em, rồi trong 1 giây bất cẩn, hòn tên mũi đạn có tránh ai đâu”. 
 
Nhưng Quyền đã thoát nạn cả trong những trận đánh lớn để một ngày gần cuối tháng tư, đến nhà tôi, mặt rất buồn rầu nói: 
- “em phải tạm gửi vợ con em ra Phú Quốc để em yên tâm ở lại chiến đấu đến cùng, em cũng không biết có gặp lại nhau không nhưng ít ra còn đỡ nguy hiểm hơn là ở lại khi em vắng nhà. Em phải vào Tổng Tham mưu để họp, cố giữ được đô thành cho cuộc thuơng thuyết của Tướng D.V. M. được thuận lợi. Em chỉ xin anh sắp sẵn cho em mấy viên Cyanure để có chuyện gì em sẽ tự xử mà không để bị chúng làm nhục”, (nhà tôi là Dược Sĩ nên ở Viện Bào Chế có sẵn cyanure). Nghe câu này chúng tôi cùng choáng váng chỉ ừ hữ cho xong lúc đó. 
 
Nhưng cơ trời vận nước đã không giúp em tôi được toại nguyện vì sáng 30 tháng 4 tướng Minh đã ra lệnh buông súng. Quyền trở về nhà tôi, trút bỏ quân phục, mặc thường phục và nói: “em cố xuống vùng 4 xem còn hy vọng gì”. Chúng tôi nhìn em đi mà rất lo lắng vì không biết chuyện gì sẽ xẩy ra sau đó.
 
Sáng 1 tháng 5, điện thoại reo. Tôi điếng người khi nghe con tôi nói: 
- “mẹ có điện thoại của cậu.” Tôi cầm máy để nghe Quyền nói: 
- “ Em về đây rồi, em không muốn ghé chị vì sợ họ nhận ra em. Chị mang mấy viên thuốc cho em”. 
 
Tôi lặng người nghĩ: đã thật đến lúc này rồi sao ? Cố giữ bình tĩnh, tôi lái xe lên Trần Quang Khải. Nhìn thấy em bơ phờ mệt mỏi, hai mắt đỏ ngầu mà lòng tôi tan nát. Quyền hỏi tôi: 
- “chị có mang thuốc cho em không?” 
 
Tất nhiên tôi không mang nhưng tôi nói: 
- “thuốc trong túi chị nhưng em nghĩ kỹ đi, em uống thì em sẽ ra đi, nhẹ nhàng cho em nhưng còn vợ con em đang chờ, nếu em sống thì còn có ngày đoàn tụ.” 
 
------------------------
 
----------------------- 

Nghe tôi nói, Quyền khóc và chỉ ra ngoài cửa sổ: 
- “chị nhìn kìa, lính em đang cởi trần đi lang thang thế kia, em sống làm gì?” 
 
Nhìn người chỉ huy xông pha trận mạc, không chùn bước trước gian nguy, giờ đây ngồi khóc sụt sùi khi nhìn thấy chiến binh thất trận đang ngơ ngác không biết đi về đâu, tôi rất đau lòng nhưng cũng yên tâm vì em không còn đòi thuốc nữa. Tôi biết khi nhắc đến vợ con, Quyền đã tỉnh trí lại và không nghĩ đến tìm cái chết vì còn hy vọng ngày nào được gặp lại.
 
Trong mấy tháng đầu, chưa tổ chức được chỗ tập trung và muốn tránh những chống đối có thể xẩy ra, Cộng Sản đã thả lỏng, không đả động hay giam cầm bắt bớ những người của chế độ cũ. Tất cả dân chúng đều bị lừa và yên lòng sống bình thường cho đến đầu tháng 6 mới có thông cáo tập trung để Học Tập. Các Hạ sĩ quan và nhân viên cấp nhỏ chỉ phải đi học 10 ngày. Sĩ quan và nhân viên cao cấp trong chính quyền cũ được báo chuẩn bị lương thực và áo quần mùng mền để đi tập trung học tập trong một tháng. 
 
Mọi người đều thở dài nhẹ nhõm, bảo nhau đi cho xong nợ rồi về lo kiếm sống. Tất cả đã bị lừa vì sau 1 tháng không ai được về mà thân nhân còn không biết người nhà của mình hiện bị giam giữ ở đâu. Sau một thời gian khá dài lo sợ, hoang mang tìm kiếm thì người nhà nhận được miếng giấy nhỏ cho phép gửi đồ tiếp tế đến 1 mật số không ai biết địa điểm ở đâu. Lần đầu chỉ được gửi một gói 2 Kilogrammes đồ ăn khô. Dần dần quy hạn định 2 tháng 1 lần được gửi 1 gói 2kilo. Rồi lại bẵng một thời gian dài không tin tức chính thức mà chỉ có tin đồn là một số người bị đưa ra miền Bắc. 
 
Tin đó đã thành sự thực khi chúng tôi nhận được những lá thư ngắn gửi về nói là người thân đã được đưa ra học tập ngoài miền Bắc, tất cả đều được đối xử tử tế và nhà nước khoan hồng cho mỗi gia đình được tiếp tế 5 kilo mỗi 3 tháng. Sau đó, cuối năm 78 lại có đợt khoan hồng thứ 2: gia đình dược phép đi thăm và mang quà ra tận những trại tù miền Bắc. Tuy hoàn cảnh rất khó khăn vì những lượt đổi tiền và kiểm kê tài sản, các gia dình đều cố vơ vét những gì còn lại để đi ra tận miền Bắc xa xôi mang đồ tiếp tế cho mạng sống của những người thân yêu. 
 
Chạy được miếng giấy di chuyển cũng không dễ gì. Sau những cố gắng chạy chọt các cửa Công an từ Công An tổ dân phố đến Công An Quận và Thành, con gái tôi cũng lên được tầu (xe lửa ) Thống Nhất để đi thăm chồng ở Thanh Hóa và thăm cậu (Quyền) ở Vĩnh Phúc Yên. 
 
Chúng tôi ở nhà chờ trong hồi hộp lo âu, 1 tháng sau, con gái tôi mới trở về, khi xe lửa đến ga Bình Triệu, con gái tôi ở trên toa tầu bước xuống khóc òa “con không được gặp cậu”. Trong tiếng khóc, con tôi kể lại đã phải mang về những gói quà thấm nước khi lội suối vì cậu đang bị phạt không được thăm nuôi. Sau chuyến đó con tôi mang 2 con nhỏ đi vượt biên vì người bố trong chốn lao tù đã kín đáo khuyên vợ hãy ra đi vì tương lai các con.
 
Ở lại, tôi gánh vác việc thăm nuôi, lại chạy chọt giấy phép, thu góp 2 phần quà và đi ra Hà Nội mua sắm thêm 1 số đồ ăn tươi, đáp tầu ngược lại Thanh Hóa, xong vụ thứ nhất, nghỉ lại Hà Nội mua sắm thêm rồi đáp tầu lên Phú Thọ thăm Quyền. Chuyến đi đó, tôi nhớ lại, không có gì đặc biệt ngoài những thăm hỏi tin tức mà Quyền rất chú tâm là: “chị có nghe tin nhà em và các cháu ở đâu? họ ra sao bây giờ?” Tôi cũng đáp lại cho em yên lòng là mọi người đều bình yên tuy lúc đó liên lạc giữa trong và ngoài nước rất khó khăn, tôi chưa nghe tin gì về những người đã đi thoát. 
 
Về lại trong Nam tôi nhận được thư Quyền nói là được chuyển qua đội rau xanh và dặn tôi trong đợt gửi quà lần tới nhớ cho thật nhiều xà bông. Tôi mừng là qua đội rau xanh chắc công việc nhẹ nhàng hơn, đỡ vất vả. Sau này mới biết đó là 1 hình phạt quái ác nhất mà họ dùng để dằn mặt Quyền về tội cứng đầu với họ. Tôi xin miễn tả ra đây để tránh cho mọi người hình dung cái trò dơ bẩn này, Quyền không bao giờ kể lể những nhọc nhằn phải gánh chịu nhưng có lần tôi hỏi về việc xin thật nhiều xà bông mới cho tôi biết cái công việc nặng mùi đó rất cần nhiều xà bông tẩy rửa, tôi nghe mà ngậm ngùi thương cảm.
 
Lần sau cùng, khi có giấy báo ngày đi Bỉ để đoàn tụ với con trai, tôi ra thăm để báo cho Quyền biết tôi sắp rời VN. Vì là lần sau cùng nên tôi mang rất nhiều đồ tiếp tế: mấy chục gói mì, 10kg gạo, sữa, đường, bánh mì khô, cơm nắm muối vừng và một ít đồ ăn tươi. Di chuyển bao nhiêu thức ăn đó vào trong trại tù trước con mắt không chút thiện cảm của những người công an cán bộ không dễ gì nhưng chế độ lót tay đã giúp tôi mang được vào đến nơi. 
 
Tôi lạnh người khi người cán bộ quản giáo nói: “chị mang về đi, anh Quyền hiện bị phạt, không được nhận tiếp tế kỳ này”. Nước mắt lưng tròng, tôi liếc nhìn người cháu đi cùng để cầu cứu (Người cháu này là một thầy giáo dậy học ở Hà Nội vẫn đi theo giúp đỡ tôi mỗi khi tôi đi thăm nuôi như vậy). Biết là tình hình nghiêm trọng, người cháu tôi rút trong túi bao thuốc lá thơm, quàng vai thân mật rủ anh quản giáo ra ngoài hút thuốc. Một lúc sau, đối với tôi dài hơn một thế kỷ, Quyền đi ra, quần áo rách tả tơi, chân đi đất dưới cái lạnh cắt da của miền Bắc. 
 
May quá tôi đã nhờ người Hà Nội mua hộ 1 chiếc áo bông mang vào, vội khoác lên cho em đỡ lạnh. Sau này Quyền kể lại đã tặng tấm áo ấy cho một người bạn tù vì “anh ta ốm yếu quá, em khỏe hơn”. Hôm đó nhờ bao thuốc lá thơm của miền Nam, hai chị em tôi được ngồi nói chuyện khá lâu. Quyền như quên cả đói rét đang hành hạ tấm thân tù đầy mà chỉ ân cần căn dặn tôi phải “tìm gặp nhà em và các cháu, xem cuộc sống ra sao và cho em tin tức”. Lúc đó, đau lòng quá, tôi thoáng có ý nghĩ không biết tôi có làm đúng không khi ngày 1 tháng 5 tôi đã không đưa cho em mấy viên thuốc như em yêu cầu. Nhiều năm sau này tôi biết tôi đã làm đúng.
 
Sang tới Mỹ
, liên lạc được với Quế Mai, tôi tạm yên lòng vì ba mẹ con đã ổn định, các cháu khôn lớn, ngoan ngoãn và học rất giỏi. Tôi viết thư nhờ người cháu đi tiếp tế mang vào cho Quyền. Người cháu cho biết khi vào đến cửa trại giam, gặp Quyền đi lao động về, thấy cháu, Quyền nói to như quát: “cháu đi ra ngoài mua cho cậu mấy bao khoai lang, cậu đói lắm đói lắm”. Cách biểu lộ tức giận này sau cũng được trả thù bằng cách biệt giam và bỏ đói . 
 
Tin này làm tôi ăn ngủ không yên tuy tôi vẫn đều đều gửi tiền về nhờ người cháu này đi thăm nuôi cho đến ngày Quyền được chuyển vào miền Nam rồi được thả.
Một ngày đẹp trời tôi nhận được điện thoại. Đầu dây kia một người xưng là Đại Tá Masuoka, sĩ quan liên lạc của trường Không quân. Ông nói ông có 2 sinh viên Sĩ Quan Không quân, rất được để ý vì học rất xuất sắc. Khi nghe nói có bố là tù nhân của chế độ cộng sản, ông muốn liên lạc với người bố này để giúp đỡ và hai cháu đã cho số điện thoại của tôi. Ông nói rằng ông có thể đón Quyền sang Mỹ thật nhanh. 
 
Tôi báo tin ngay cho Quyền và cho biết Ông Masuoka sẽ về VN gặp tận mặt và phỏng vấn Quyền. Tôi cho địa điểm để Quyền đến gặp ông ở Saigon. Sau lần gặp gỡ này ông Masuoka đã về nhờ mọi thế lực để mang Quyền sang cho kịp ngày lễ mãn khóa của cháu Bùi Quang. Ông đã làm hết sức và mỗi lần đều gửi bản sao giấy tờ cho tôi biết công việc diễn tiến đến đâu. Rồi tin mừng đã đến với tôi: chỉ vài tuần sau ông cho biết sẽ có máy bay riêng đón Quyền sang Thái Lan và ông cam đoan là Quyền sẽ có mặt ngày cháu Quang được gắn lon của trường Không Quân Hoa Kỳ. 
 
Bùi Quyền bắt tay Tổng Thống George H. W. Bush trong lễ ra trường của con trai Bùi Quang (bên phải).
 
Tin mừng sau cùng là ông cho biết ngày giờ chuyến bay hạ cánh ở San Francisco để tôi đi đón. Ông Masuoka rất muốn đưa tôi đi dự lễ ra trường của cháu Quang nhưng vì công việc phải trở lại quận Cam ngày hôm sau nên tôi đành từ chối. Tôi không biết rằng ông đã thu xếp để Tổng Thống G.H.W. BUSH gắn lại cho Quyền những huy chương của Mỹ mà Quyền đã được gắn tại Việt Nam trước 1975. Đối với mọi người, đây là một vinh dự nhưng Quyền lại ít nhắc đến. Riêng tôi thì lại tiếc rằng trong bao thăng trầm của cuộc sống tôi đã chia sẻ với Quyền, tôi lại bỏ lỡ dịp này. 
 
Từ Colorado về, Quyền ở với tôi một thời gian trước khi lên San Jose đi làm, mua nhà và ở cho đến khi về hưu trí. Nhà của Quyền cũng đã là nơi trú ngụ của những chiến hữu và cả những bạn tù của Quyền khi mới đến Mỹ mà chưa ổn định được chỗ ở. Về hưu rồi Quyền cũng còn ở lại một thời gian khá lâu để thu xếp vì xung quanh Quyền là cả một kho sách chữ Nho cũng như chữ Việt. Quyền rất thích nghiên cứu về khoa tử vi và lúc trong tù Quyền đã học nhiều chữ Hán và nói được tiếng Trung Hoa.
 
Nhưng sức khỏe xuống dần khiến Quyền không còn do dự mà phải quyết định bán nhà và dọn xuống Quận Cam ở. Nhà Quế Mai nhỏ, chật chội cho việc viết lách của Quyền nên thỉnh thoảng Quyền lên chơi ở lâu với tôi vì có chỗ cho Quyền tha hồ bầy biện: chỗ này tài liệu sách vở, chỗ kia Laptop và tự điển. Không biết có phải vì linh tính sắp phải ra đi mà lần sau cùng Quyền ở với tôi khá lâu. 
 
Lần này Quyền hay trầm ngâm nghĩ ngợi, và hầu như suốt ngày vùi đầu vào Laptop, miệt mài viết, có khi quên cả ăn khiến tôi phải luôn giục giã. Bây giờ tôi mới nghĩ ra là lúc đó Quyền đã linh cảm không còn nhiều thời gian mà còn nhiều việc dở dang nên cố gắng hoàn tất. Đầu tháng 12 các cháu lên đón bố về, không biết Quyền có hoàn tất được cuốn sách nào viết dở về những chiến trận xa xưa.
 
Quyền còn đi thăm tôi được 1, 2 lần. Ngày Mother’s Day 10 tháng 5 còn gọi chúc mừng tôi. Biết em yếu rồi nhưng rồi dịch Covid -19 khiến chúng tôi không còn gặp nhau được nữa. Ngày 24 tháng 5 tôi được nói chuyện lần cuối cùng với Quyền. Quyền nói: “ em yếu lắm chị ơi”. Tôi cũng đành an ủi: “ thôi em đừng nói nhiều nữa mệt, nghỉ cho khỏe, chờ tình hình sáng sủa chị em mình sẽ gặp nhau.” Nhưng tình hình chưa sáng sủa, giới nghiêm còn kéo dài. 
 
Sáng ngày 30 tháng 5 Quế Mai cho hay Quyền trở nặng hơn, đau quá nên phải chích morphine mỗi giờ. Tôi và các con thu xếp đến gặp cậu. Giờ này, dưới tác dụng của morphine Quyền nằm yên nhắm mắt nhưng vẫn thở đều.Tôi nắm tay, bàn tay vẫn còn ấm và mềm, ngón tay vẫn mang chiếc nhẫn của Trường Võ Bị. Tôi nói với em là tôi đến thăm em, mong em nghỉ ngơi cho khỏe rồi sẽ gặp nhau. Tình hình Covid -19 không cho phép tụ tập đông nên khoảng 2 tiếng sau chúng tôi ra về và đến nhà độ gần 1 tiếng sau Quế Mai cho hay Quyền đã ra đi. Trong nỗi nhớ thương vô tận tôi chỉ còn tự an ủi rằng dù sao em cũng đã ra đi nhẹ nhàng, trong ngôi nhà ấm cúng, giữa những người thân yêu.
 
Ngày tang lễ, các bạn cũ, các chiến hữu đã đến phân ưu với những lời nồng ấm, vô cùng cảm động. Trong điếu tang nói lời từ biệt bố, cháu Bùi Quang thổ lộ rằng trong những năm dài vắng mặt cha, cháu đã buồn giận khi nghĩ rằng bố đã đưa ba mẹ con lên máy bay mà không nghĩ đến tương lai của vợ con nơi đất lạ quê người, nhưng sau này lớn lên, đã hiểu thế nào là bổn phận trách nhiệm thì cháu lại hãnh diện có người bố đã sống đúng chí hướng. Lúc đó tôi muốn nói với cháu rằng viễn tượng còn gặp lại vợ con đã là động lực để bố cháu sống sót sau 13 năm tù đầy, gian khổ và để ngày 1 tháng 5 năm 1975 đã không tự kết liễu đời bằng mấy viên thuốc độc. 
 
Sau cùng một tang lễ quân cách trang nghiêm ngày 10 tháng 6 năm 2020 đã là phần thưởng xứng đáng cho người Chiến Binh mũ đỏ Bùi Quyền.
Vĩnh biệt em.

 --------------------------

No comments:

Post a Comment