Sunday, April 2, 2023

BÁT NƯỚC ĐẦY ĐỔ XUỐNG ĐẤT Trần Công Đài - K16/TVBQGVN

BÁT NƯỚC ĐẦY ĐỔ XUỐNG ĐẤT

Trần Công Đài - K16/TVBQGVN
fb Dai Tran - (March 27, 2023)

Bài được viết sẵn hôm nay. Chờ khi hẳn-hoi bước vào căn nhà MH (Manufactured Home) khiêm-tốn của 2 vợ chồng già chúng tôi, tôi mới post lên FB.
Khu-vực MH này nằm trong city Stone Mountain, GA. Là vùng đất lịch-sử Mỹ với những dấu vết còn để lại của cuộc nội-chiến Nam-Bắc (1862-1865).
 ------------
 
-------------------

Trong cuộc xô-xát giữa 2 anh em, giằng-co 1 bát nước đầy. Bát nước đổ xuống đất : bát sứt mẻ, nước thấm hết vào đất. Nước đổ hết, nhưng 2 anh em thà chịu khát chứ không “uống máu” của nhau.
 
Lịch-sử Hoa-kỳ đã trả lời chúng ta về đoạn kết cuộc nội-chiến đó qua hiện-trạng nước Mỹ.
Vì vậy mà bài viết “BÁT NƯỚC ĐẦY ĐỔ XUỐNG ĐẤT” được viết từ hôm nay.
 
Tôi muốn suy-diễn rộng hơn khi đem “bát nước đầy” lưu-diễn các nơi trên thế-giới. Trước hết tại VN.
Nếu ý-nghĩa chỉ gói trọn trong 6 chữ trên thì thô-thiển quá, đơn-giản quá. Tình đời (cá nhân) còn lắm éo-le huống gì tình đất nước ?
 
Thế nên tôi mới đặt thêm nhiều câu hỏi.
Trong lúc chờ đợi những câu hỏi đặt ra, ta hãy xét và “định vị” 6 chữ trên :
- NƯỚC : tìm gần tìm xa, khó có chữ nào tranh với chữ này khi nói về đất nước, xứ-sở. Thế nhưng tôi vẫn độc-đoán mà gán cho “nước” là biểu-tượng đó. Ai bất mãn, phản đối thì hãy tự-do comment.
- BÁT : khỏi cần giải-thích, tôi gán cho “bát” là biểu tượng của dân chúng trong nước. Bát chứa nước, ôm-ấp bao-bọc nước.
- BÁT NƯỚC : 1 đất nước không có dân chúng không thể là 1 quốc-gia, xứ-sở được. “bát và nước” luôn đi đôi với nhau.
- BÁT NƯỚC ĐẦY : để phân-biệt với “bát nước”. “bát nước” không rõ-ràng, dễ gây hiểu lầm. Ví dụ, bát dùng đựng nước nhưng hiện-trạng trống-trơn, không có giọt nước nào, hoặc giả chỉ có vài ba giọt nước, vẫn được gọi “bát nước”.
- ĐỔ XUỐNG ĐẤT : chỉ để cho 1 ý “mất mát một cách vô-ích, phí phạm”
Tôi dùng 6 chữ trên chỉ với 1 nghĩa bóng : đất nước, xứ-sở hao-tổn, mất-mát (có thể là mất hẳn) một cách vô-ích.
 
Chỉ từng đó thì không đâu vào đâu cả. Cần những câu hỏi đặt ra.
- Bát nước đang ở tay ai ? (“Ai” là giai-tầng lãnh-đạo - là cá nhân khi nước này trong chế-độ độc-tài, là 1 đảng khi nước do “độc đảng”, … ta tạm gọi giai-tầng này là NV1 [nhân-vật 1])
- NV1 tại sao không uống, lại “để” bát nước đầy đổ xuống đất ?
- Có phải NV1 đang muốn uống nước nhưng có kẻ khác (nhóm khác, phe khác, kẻ thù trong nước, ngoại địch … tạm gọi NV2 [nhân vật 2]) xông vào cướp đoạt.
 
 Cố giành-giữ nhưng không đủ sức giữ, mà cũng không muốn bát nước lọt vào tay kẻ thù, nên ném xuống đất ?
- Nói cụ-thể hơn, “bát nước” ám-chỉ đất nước, quốc-gia nào ? Thời-điểm nào ?
- Hãy cho thêm nguồn động-lực nào khiến NV1 thiếu tự-chủ khi cầm bát nước mà không uống được, khiến cuối cùng bát nước đổ xuống đất ?
- Hậu quả việc “đổ xuống đất” của bát và nước như thế nào ? Bát và nước có được phục-hồi như Mỹ sau nội-chiến ?
 

- NV2 là thế-lực nào ?
Là ngoại-xâm ? Là cùng dân-tộc ? Nguyên nhân tranh chấp, tranh chiến ?
- …..
- …..
Tôi mới có từng đó câu hỏi đã thấm mệt. Đó là chỉ mới hỏi và chưa có trả lời (March 28, 2023).
 
Trong nhiều bài viết trước, tôi từng đề-cập đến số phận nhược-tiểu của VN.
 
Tháng 4 ngày chót còn hơn 1 tháng, tính từ 28/03 (hôm nay). Nếu đã có bài viết “47 NĂM TRƯỚC”, chắc tôi nghĩ sẽ viết tiếp “48 Năm Trước”.
 
 
-----------------------
 
Nhưng không, tôi nay không còn đặt nặng ngày đó - exactly on April 30 ? No more.
 
Trước hết, tự ngày đó không làm nên chuyện. Nó chỉ là 1 phần của 20X365 ngày, 1 phần của hơn 7000 đêm không ngủ. Là chuỗi đau thương nhược-tiểu 1954-1975 mặc sự “vo tròn bóp méo” của các siêu-cường + toa rập của lũ bán nước mang nhãn-hiệu “quốc-tế”, mà thực-chất còn hơn tên cướp cạn. 
 
Cũng như 1 chuyện trong “1001 đêm”, người đàn bà bị oán-trách, thù-ghét vì công-khai cầu mong vị vua đang cai-trị rất độc-ác, được sống lâu. Giải thích đơn giản : cứ tìm cách giết 1 vua tàn-ác, thì vua kế tiếp còn ác hơn. Cứ thế đã chỉ trong 10 năm, đã có 12 vua kế tiếp nhau, mà vua sau lại càng độc-hại hơn vua trước. Việc cầu mong vị vua hiện-tại sống lâu thì quá hợp lẽ mà!
 
Câu chuyện trên cho tôi 1 bài học. Bát nước đầy đã đổ xuống đất gần nửa thế-kỷ. Chưa hoàn toàn phục hồi, nhưng bát mẻ có phần nào đắp-vá, và nước có hao-hụt, vẫn còn chút lưu-lượng để trở về nguồn, tiếp sinh-lực từ nhiều nguồn “trời, người”.
 
Thế nhưng điều quan-trọng là :
- Kẻ cướp thì đã giàu, quá giàu để không muốn giàu thêm. Vẫn còn nhân-tính, vẫn còn tình dân-tộc, tình yêu quê-hương. (Tôi vẫn mong họ … làm khác trước. Tuy muộn còn hơn không)
 
- Quan-trọng nhất vẫn là : thế hệ gắn-chặt với cuộc chiến 50 năm trước (1954-1975), và phai-lạt hơn với 10 năm lâu hơn (từ 1945), thì người trẻ nhất, nay khoảng 70 tuổi. Không lâu đâu “Lãng ba đào tận anh hùng” (Sóng cuồng cuốn sạch anh hùng).
 
Có người than giùm tôi, rằng tôi đã 80 hơn, “lụ khụ” chóng quên. 40, 50 năm đã trôi qua - tưởng là dài - nhưng với người bình-thường thì có lúc ngở như “rất mới đây thôi”. 
 
Có người khi nhắc đến những diễn biến xảy ra trước hay sau cái mốc 30/04/1975 khoảng 10 năm trở lại, thì bảo : tôi nhớ suốt đời !
 
Tôi không khuyên ai được. Ai có phần nấy. Tôi cũng không nhủ lòng mình “xóa nhớ tìm quên”, mà cũng không khuyến-khích mình cứ ôm mãi mối hận cũ. 
 
Tôi vẫn bình-tĩnh tìm-hiểu sâu rộng hơn toàn-bộ diễn-biến lịch-sử “khách quan” của VN - ít nhất từ hơn 100 năm trở về trước cho đến nay. Tìm hiểu những khuynh-hướng chính-trị, những ảnh-hưởng có trong nước hay đến từ ngoài … Tìm hiểu những nhân vật lãnh-đạo, đảng phái mạnh, đoàn thể nhiều ảnh hưởng … 
 
Đặt địa-vị mình vào từng đối-tượng (người dân bình thường, người lính của cả 2 tuyến, ..,) ….
Không phải tôi tìm lý-do cho tính “tiêu cực” của mình về việc “nhớ hay quên” …
 
Mà tôi muốn rất “khách-quan” trong nhận-định và đánh giá mọi diễn-biến lịch-sử - nhất là có liên-quan đến ngày 30/04/1975 với những nguyên-nhân và hệ-quả của nó.
Để không thẹn lòng.
(March 29, 2023)
 
Tôi đã về thăm đất nước VN 8 lần tính đến nay (kể từ lần đầu vào năm 2006). Tôi đã 1 phần quan-sát thực-trạng VN + những lới tường-thuật từ mọi phía + TV, báo-chí tiếng Việt, tiếng Anh, …
 
Tôi không quan-tâm về đường lối chính-trị, ngoại-giao, … của chính-quyền VN đương-đại. Tôi chỉ nhìn thực-trạng dân sinh. Nhìn qua những thay-đổi - dù là vẻ ngoài - của đất nước, như hệ-thống giao-thông, như việc phát-triển những khu-vực du-lịch, cao-ốc, những trung-tâm phát-triển ngành nghề, …
 
Tôi cũng không bỏ qua những oán-trách của người dân về tệ-nạn tham-nhũng, hối-lộ - nhiều khi công khai. Có thể nói, mức-độ tham-nhũng, hối-lộ và số người, số tiền gấp cả 1000 lần so với thời VNCH.
 
Tôi lại nhìn qua về người Việt hải-ngoại, nhiều nhất tại Mỹ, và rải-rác khắp nơi trên thế-giới. Thành-phần đa dạng, khác nhau trên nhiều lĩnh-vực : tín ngưỡng, chính-trị, lối sống, tập-quán, …
 
Tôi lại nhìn vào sinh-hoạt của họ, nhất là tại Mỹ - nơi tôi có cơ-hội (cư trú, di chuyển sinh sống nhiều tiểu-bang, cùng tham-gia 1 thời-gian ngắn “cộng đồng Việt Hải-ngoại” vào thập niên 90)
 
Đã 31 năm ly-hương và sống ở Mỹ, tôi cũng quan-sát các hoạt-động người Việt nói chung. Người định-cư lâu thì 40, 50 năm. Đa-số kết-hợp thành cộng-đồng thường do những người Việt theo chương-trình HO (Humanization Organization) tấp-nập qua Mỹ suốt thập-niên 90, và rơi rớt một ít vào thập-niên sau.
 
Dĩ nhiên tôi không phải là nhà thống-kê xã-hội, nhưng tôi có suy-nghĩ riêng, có cách nhận-định riêng. Vì không phổ-quát, vì không theo quy-cũ chung, nên tôi không thể viết lên “công thức” và “kết luận” của riêng mình cách công-khai - như trên FB.
 
Sorry !
Bát nước đầy không nên cứ để đổ xuống đất !

Stone Mountain - April 01, 2023

No comments:

Post a Comment