ĐỢI CHỜ
Vũ đình Hải KBC 3119 -
fb Hùng Quốc - chuyển: Hà Mai Trường K26/ĐĐT/ĐĐ80/TĐ8/ND
Vũ đình Hải KBC 3119 -
fb Hùng Quốc - chuyển: Hà Mai Trường K26/ĐĐT/ĐĐ80/TĐ8/ND
Mến tặng các đồng đội thân thương của tôi thuộc Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù. “ Như một nén hương tưởng nhớ 2 bạn đồng đội Mai văn Nam và Huỳnh văn Hòa, thuộc Trung đội 3, Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 ND. Đôi bạn chí thân đã dâng trọn cuộc đời của mình cho binh chủng Nhảy Dù giữa lúc tuổi đời chưa quá 20.
-------------------------------------
Mai văn Nam ngã xuống trên đồi 251, căn cứ Bình Minh, bắc Thừa Thiên, đầu năm 1974, Huỳnh văn Hòa bỏ mình trên cứ điểm 1062 Thường Đức, Quảng Nam, cuối năm 1974.”
- Nam à, mày ráng hầu hạ cơm bưng nước rót cho tao đi nghe, em gái tao đẹp lắm nghe mậy.
- Dạ anh Hai, anh Hai hổng thấy em hầu hạ anh Hai còn hơn tía của em đó sao? Nhưng mà hổng biết em gái anh Hai có chịu…
Hòa khoát tay cười cười:
- Mày đừng lo Nam à. Tao nói nó phải nghe. Tao biểu nó thương mày là nó phải thương mày, tao nói nó hổng được thương mày là nó bức mày ra liền tức thì, hiểu không?
Hòa vươn vai, mệt nhọc nói tiếp:
- Hôm nay đi chặt tranh tre tràm cực quá. Tao bị cây tre đâm trúng bắp vế đau muốn chết, vác bó tre đi không muốn nổi, nhớ đến bản mặt hắc ám của thượng sĩ Bến, ban 2 tiểu đoàn, tao lại phải ráng lấy hơi. Nam à, tối nay mày gác thế cho tao được không? bữa nay tao vã quá Nam à.
Nam giãy nảy la lên:
- Ý, đâu được anh Hai. Tui gác 3 chỉ, từ 11 giờ đến 2 giờ, gồng thêm ca của anh, tui chắc thế nào cũng ngủ gục. Mà anh Hai hổng nhớ thằng Thái tuần rồi bị Thiếu úy phạt đó sao.
Hòa sụi lơ:
- Ưà há, hổng được mầy ơi.
- Nam à, mày ráng hầu hạ cơm bưng nước rót cho tao đi nghe, em gái tao đẹp lắm nghe mậy.
- Dạ anh Hai, anh Hai hổng thấy em hầu hạ anh Hai còn hơn tía của em đó sao? Nhưng mà hổng biết em gái anh Hai có chịu…
Hòa khoát tay cười cười:
- Mày đừng lo Nam à. Tao nói nó phải nghe. Tao biểu nó thương mày là nó phải thương mày, tao nói nó hổng được thương mày là nó bức mày ra liền tức thì, hiểu không?
Hòa vươn vai, mệt nhọc nói tiếp:
- Hôm nay đi chặt tranh tre tràm cực quá. Tao bị cây tre đâm trúng bắp vế đau muốn chết, vác bó tre đi không muốn nổi, nhớ đến bản mặt hắc ám của thượng sĩ Bến, ban 2 tiểu đoàn, tao lại phải ráng lấy hơi. Nam à, tối nay mày gác thế cho tao được không? bữa nay tao vã quá Nam à.
Nam giãy nảy la lên:
- Ý, đâu được anh Hai. Tui gác 3 chỉ, từ 11 giờ đến 2 giờ, gồng thêm ca của anh, tui chắc thế nào cũng ngủ gục. Mà anh Hai hổng nhớ thằng Thái tuần rồi bị Thiếu úy phạt đó sao.
Hòa sụi lơ:
- Ưà há, hổng được mầy ơi.
Tuần rồi, trong lúc đi kiểm soát các vọng gác ban đêm, Trung sĩ nhất trung đội phó bắt gặp quả tang binh nhì Thái ngủ gục trong phiên gác lúc 1 giờ khuya.
Chiều tàn buông lơi trên đồi núi mang mang một nỗi buồn hiu hắt, tiếng côn trùng đã bắt đầu nỉ non ray rứt. Bóng đoàn quân đi sưu dịch cho tiểu đoàn trở về đã lố nhố phía sau chân trời, ai nấy mặt mày nhợt nhạt, mồ hôi mồ kê vã ra như tắm, bước chân đi lết bết nặng nề như có ai níu lại .
Hắn rớt lại phía sau đoàn quân, ngực áo phanh ra mong đón một chút gió lạc loài. Hai chân hắn mỏi nhừ, ráng lết những bước chân xiêu vẹo. Đôi giầy khốn khổ dở chứng hành hạ hắn suốt ngày hôm nay. Hắn chỉ mong sao sớm về tới trung đội, tháo đôi giầy quăng đi ngay cho nhẹ nhõm cuộc đời. Hắn quệt mồ hôi trên trán, ngửa mặt nhìn trời hiu quạnh. Có những chú chim trời xao xác đập cánh gọi đàn, kêu vang những tiếng thiết tha, mà anh em phiên âm sang tiếng người:
- Tiểu đoàn 8… tà tà. Tiểu đoàn 8… tà tà.
Binh nhất Nguyễn Ngọc ngẩng mặt lên rủa vói theo:
- Tộ cha mi, tau cực muốn chết mà mi cứ kêu tà tà. Tà tà cái mả mẹ mi.
Hắn vừa khập khiễng bước vào chốt trung đội đã thấy ngay một điều là lạ, một bóng người đang đứng nghiêm như một khúc gỗ chờ ai. Vừa lúc đó Trung sĩ nhất trung đội phó bước tới:
- Thiếu úy, thằng Thái đêm hồi hôm gác ngủ gục, chờ trình diện Thiếu úy.
Hắn dừng lại, gườm gườm nhìn vào khúc gỗ. Khúc gỗ như chạm phải điện, vội né mặt đi hướng khác. Hắn mò tay vào túi áo lôi ra gói thuốc lá, gắn một điếu lên môi, châm lửa đốt.
Nhìn khói thuốc lởn vởn, hắn mông lung nhớ lại mới ngày nào đây lúc vừa móc cặp lon quai chảo lên cổ áo, về trình diện đơn vị, lãnh ấn tiên phong đi nhận chức tư lệnh chốt. Quân số trên chốt chỉ có 3, 4 mạng nên tư lệnh cũng phải gác như ai. Gần như ngày nào cũng phải cùng anh em đi về tiểu đoàn sưu dịch nên mệt mỏi thấm dần vào cơ thể, dù rằng hắn vốn khoẻ, vạm vỡ như trâu. Những ngày thiếu ngủ cứ chồng chất , tích lũy ngập lên. Lúc đầu thì hắn còn cầm cự được với cơn buồn ngủ trong những phiên gác đêm. Cho đến một đêm nọ, hắn cảm thấy mình sắp sửa thăng, hắn vội vã cấu véo vào chân tay hắn, dang tay tát thẳng cánh vào mặt hắn. Chẳng ăn thua gì, hắn lờ mờ thấy 2 mí mắt nặng như đeo đá đang từ từ hạ xuống. Hắn vội xối bi đông nước lên mặt, nước lạnh chỉ làm hắn mát thêm, ru hắn vào giấc ngủ êm ái tuyệt vời.
Hắn sực choàng người tỉnh dậy, mới hay mình đã ngủ một giấc thật sâu, thật ngon lành. Hắn giật mình chụp 2 tay xuống đùi, may phước khẩu M16 vẫn còn đây. Hắn xoay quanh, toàn một màu đen dày dặc. Đột nhiên hắn hốt hoảng khi nhận ra rằng mình đã mất phương hướng, không biết hướng nào quay vào phe ta, hướng nào quay về phía địch. May quá, hắn chợt nhớ ra, quân Mông Cổ nhà ta thường cắm một nhánh cây xuống đất, ngay trước mặt chỗ ngồi gác, màn đêm trong rừng dày dặc một màu đen, xòe bàn tay ra trước mặt cũng chẳng thấy gì, nếu nghi ngờ mất phương hướng thì quơ tay ra xung quanh, chạm vào nhánh cây là lập tức nhận ra được phương hướng ngay.
Sau này hắn tìm ra một cách chống buồn ngủ khá hiệu nghiệm, mỗi khi thấy mình sắp sửa thăng, hắn nới lỏng dây giầy, đổ nước ngập vào hai bàn chân. Cái cảm giác ọp ẹp, nhèm nhẹp, ươn ướt ghê ghê kỳ dị làm hắn khó chịu vô cùng, áp lực của cơn buồn ngủ bỗng giảm đi không ngờ. Vã lại, cái mùi của đôi vớ 1 tuần lễ chưa giặt quyện với nước ướt nhẹp bốc lên một mùi hôi thối khủng khiếp, nếu đem so sánh, mùi chuột chết xem ra còn dễ chịu hơn nhiều.
Hắn buồn lòng vì chuyện ngủ gục trong lúc gác đêm không thể tránh khỏi một khi vẫn còn nạn thao túng bắt anh em binh sĩ lội vào rừng chặt tranh tre tràm. Hắn hiểu rất rõ một điều, khả năng chiến đấu cũng như tồn tại của trung đội phần lớn là dựa vào cái kỷ luật tác chiến đã đổ khuôn lên mỗi một cá nhân. Khi làm nhiệm vụ canh gác, người lính không được làm bất cứ một việc gì khác ngoại trừ căng mắt vểnh tai lên theo dõi biến chuyển chung quanh, sau khi xuống ca gác, muốn làm gì thì làm, chẳng ai cấm cản điều gì. Lúc gác không được đọc báo, thư từ, không được nghe radio, không hát hò. Người khác đến trò chuyện với người gác, cả 2 đều bị phạt rất nặng. Ngủ gục trong lúc gác đêm là 1 tội tày trời, có khác gì mời mọc địch quân: chúng nó ngủ cả rồi, không ai canh gác, mời các đồng chí vào sơi.
Hắn xoay người đưa mắt nhìn người lính từ đầu xuống chân. Thái vẫn còn sờ sợ bộ mặt trông thật là dữ dằn của hắn nên he hé mặt đi hướng khác, đứng lặng lẽ, sụi lơ như con gà nuốt cơ bẩm. Khuôn mặt trẻ dại của Thái vẫn còn mang dáng dấp của một cậu học trò, đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ ánh lên vẻ nhẫn nại, chịu đựng. Chiếc quần dài màu ngụy trang rách nát hở cả bắp vế ra ngoài, 2 tay áo sắn lên cao lộ ra cánh tay đầy những vết sước, vết cắt. Đôi giầy bố rách te tua, một chiếc đang há mõm kêu trời. Hắn chợt cúi xuống nhìn đôi giầy của hắn, một chiếc đã văng mất đế làm hắn bước thấp bước cao, xiêu xiêu vẹo vẹo, hành tỏi hắn suốt cả ngày hôm nay, đoạn đường từ chốt trung đội ra tới tiểu đoàn xa thăm thẳm chiều trôi mười mấy cây số đường rừng.
Tự dưng trong lòng hắn dâng lên một nỗi xót xa, đồng cảm, giữa những người cùng khổ với nhau. Hắn ngẩng đầu lên, nói giọng ôn tồn:
- Tôi đã dặn dò anh em biết bao nhiêu lần, không được ngủ gục trong lúc canh gác, đó là điều cấm kỵ, chết như chơi. Tại sao chú em lại vi phạm?
Giọng Thái rụt rè, run run:
- Dạ… tại em buồn ngủ quá, lần sau em hổng dám buồn ngủ nữa đâu Thiếu úy.
Hắn cười thầm trong bụng, chính hắn đã từng gác ngủ gục chứ có hơn gì ai. Hắn cũng thừa biết rằng chẳng có thuốc tiên nào chữa được bệnh buồn ngủ, ngoại trừ nghỉ ngơi, ngủ nghê cho đầy đủ.
Hắn bỗng chột dạ, nếu lỡ có điều gì sơ hở, biết đâu cả trung đội sẽ bị tàn sát. Không được, dù có đau lòng cũng phải cứng rắn thi hành kỷ luật để làm gương cho đơn vị. Hắn do dự giây lát rồi làm bộ trở giọng gầm gừ cộc lốc :
- Chú mày phải lựa chọn dứt khoát, một là ngủ cho đã con mắt, hai là cả trung đội bị giết sạch, chọn đi.
Thái rụt rè “ dạ “ một tiếng nhỏ mà chả ai nghe thấy, rồi im bặt.
Hắn lại làm bộ lồng lên giận dữ:
- Buồn ngủ mà chống không nổi thì chống cái gì nữa đây. Đúng là cà chớn chống xâm lăng.
Cái câu “ cà chớn chống xâm lăng “ chả biết có nguồn gốc xuất xứ từ đâu mà ra. Có điều từ ngày về đơn vị, nghe anh em nói tới nói lui, riết rồi hắn nhập tâm lúc nào không hay.
Quả là bữa nay hắn… cà chớn chống xâm lăng thiệt.
Bỏ mặc Thái đứng như trời trồng, hắn nặng nề quay lưng bước vào lều trung đội.
Ngay khi mặt trời vừa khuất dạng sau dãy núi cao sừng sững, màn đêm tràn tới buông xuống thật nhanh, vạn vật chuẩn bị bước vào một đêm dài u uẩn. Trung sĩ nhất trung đội phó Nguyễn văn Sanh lạnh lùng trao cho Thái quả lựu đạn sau khi đã cẩn thận rút chốt an toàn bỏ vào túi áo.
- Chú mày có thấy gốc cây gãy ngang đằng kia không? Ôm trái lựu đạn này tới đó ngồi gác suốt đêm nay. Sáng ra khi tao gọi mới được trở vào. Ngủ gục nó nổ banh xác ráng chịu nghe con.
Thái ôm chặt trái lựu đạn bằng cả 2 tay, thất thểu rời khỏi chốt bước về phía gốc cây gãy, xa xa theo hướng đó chính là … chốt địch.
Trời tối quá không thấy đường để bẻ một nhánh cây nhét vào thay cho cái chốt an toàn, mà rủi sỏ hụt cái lỗ nhỏ síu ấy thì lại càng leo lên bàn thờ ngồi sớm. Thái chịu trận ôm trái lựu đạn mà toát mồ hôi hột. Đêm gọi giá rét kéo về phủ kín thân hình Thái mà trái lựu đạn thì lạnh hơn cả cục nước đá . Tay Thái run lẩy bẩy, hai hàm răng bắt đầu đánh bò cạp. Thái cắn chặt hai hàm răng lại với nhau mà vẫn không ngăn nổi, chúng cứ va vào nhau kêu lốp cốp.
- Trời ơi là trời, Việt Cộng nó mà nghe thấy thì coi như bế mạc cuộc đời.
Đêm hôm nay Thái tỉnh như sáo sậu, chẳng thấy buồn ngủ tí nào cả. Lời Trung sĩ nhất Nguyễn văn Sanh hăm he vẫn còn văng vẳng bên tai:
- Ngủ gục nó nổ banh xác ráng chịu nghe con.
- Buồn quá Nam ơi, ca bài Tình anh bán chiếu nghe chơi mày.
- Dạ có ngay anh Hai, chờ chút síu cho em rít 1 hơi con dế nhủi này đã.
Nam xé mẫu thuốc lá còn sót, quấn vào tấm giấy báo, châm lửa đốt. Mùi giấy cháy khét lẹt mà Nam lại cảm thấy ngon hơn cả điếu thuốc mới khui. Suốt tuần nay cả bọn đói thuốc vêu mỏ, hè nhau đi bắt dế nhủi.
- Xong rồi anh Hai, tui bắt đầu ca à nghen.
- Ừa, ca đi mày, ráng ca cho mùi tao thưởng cho con dế cơm.
Đôi mắt Nam sáng rực lên:
- Ở đâu có vậy anh Hai, mà thiệt hông?
- Tao dóc mày làm chi, ca hay là có liền.
- Thiệt hén, tui ca à nghen.
Nam hắng giọng rồi vô 6 câu vọng cổ mùi mẫn:
Hò…ơ……..
Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tui cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này tui chẳng bán đâu
Tìm cô không gặp tui gối đầu mỗi đêm
Công tui cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này tui chẳng bán đâu
Tìm cô không gặp tui gối đầu mỗi đêm
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…
Nam xuống 6 câu ngọt như mía lùi, nghe thiệt đã lỗ tai.
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…
Nam xuống 6 câu ngọt như mía lùi, nghe thiệt đã lỗ tai.
Tiếng vỗ tay ròn rã từ những căn hầm kế bên, anh em bắt đầu ầm ĩ.
- Mùi quá Nam ơi, Út trà Ôn đẻ ra mày hồi nào vậy?
- Tới phiên thằng Hoà, tụi bây nín hết coi. Kính thưa quí vị đồng hồ, sau đây là tiếng ca ngọt như đường cát, mát như đường phèn của danh ca Hòa ông địa với 6 câu vọng cổ Chuyện tình Lan và Điệp, xin anh em cho 1 tràng pháo tay.
Tiếng vỗ tay rần rần làm huyên náo cả một ngọn đồi. Hòa ông địa cảm động, tằng hắng một chút cho thấm giọng, vẻ mặt rất ư là trang trọng, bắt đầu vô 6 câu:
Hoa bay theo gíó cuốn rụng đầy sân rêu
Nhìn hoa tàn rụng rơi Lan bâng khuâng tê tái tâm hồn
Bởi bao cay đắng dập dồn
Tình đầu vừa tan theo khói sương
Lan khóc than trong tháng năm sầu thương
Mùi thiền đành quen câu muối dưa
Mong lãng quên khổ đau ngày xưa
Lan khóc than trong tháng năm sầu thương
Mùi thiền đành quen câu muối dưa
Mong lãng quên khổ đau ngày xưa
Điệp ơi tiếng mõ chuông đã chấm dứt một cuộc tình trái ngang đau khổ
Lan phải lịm đời hoa trong lớp áo nâu sòng…
- Quá đã quá đã.
- Tuyệt cú mèo, mày xin làm con nuôi Út bạch Lan là vừa Hòa ơi.
Những lời tán thưởng lẫn trong tiếng vỗ tay rôm rả, khuôn mặt Hòa hạnh phúc thấy rõ.
Nam chạy lại hỏi Hòa:
- Anh Hai, dế cơm anh nói thưởng cho tui đâu?
- Suỵt, nói nhỏ nhỏ thôi mày, đừng cho tụi nó biết.
Hòa nhấc chiếc ba lô lên, lộ ra 1 ống lon sữa bò. Hòa dốc ngược ống lon, vô số những mẫu thuốc lá văng tung toé ra trên mặt đất.
Lan phải lịm đời hoa trong lớp áo nâu sòng…
- Quá đã quá đã.
- Tuyệt cú mèo, mày xin làm con nuôi Út bạch Lan là vừa Hòa ơi.
Những lời tán thưởng lẫn trong tiếng vỗ tay rôm rả, khuôn mặt Hòa hạnh phúc thấy rõ.
Nam chạy lại hỏi Hòa:
- Anh Hai, dế cơm anh nói thưởng cho tui đâu?
- Suỵt, nói nhỏ nhỏ thôi mày, đừng cho tụi nó biết.
Hòa nhấc chiếc ba lô lên, lộ ra 1 ống lon sữa bò. Hòa dốc ngược ống lon, vô số những mẫu thuốc lá văng tung toé ra trên mặt đất.
Nam mừng quá reo lên:
- Ái cha đã quá, kiếm ở đâu ra vậy anh Hai?
- Có thằng nuôi dế, sáng nay tao tình cờ thấy được lúc sửa mái chòi.
- Trời, anh Hai coi kìa, có mấy con dế cơm mập quá, dế Capstan đầu lọc chứ phải chơi đâu, thằng nào sang quá, hút mới phân nửa đã dụi đi.
Nam cất tiếng cười khanh khách:
- Quá đã quá đã.
Nam hứng chí nghêu ngao:
Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng.
Nợ Ân Tình Sao Phụ Anh Chi?
Đột nhiên Nam im bặt, nín thinh lắng tai nghe ngóng. Ngoài kia tiếng Trung sĩ tiểu đội trưởng Nguyễn Bê đang gầm lên, quát tháo giận dữ:
- Đ.m. thằng nào to gan dám chôm nguyên ổ dế của tao…khôn hồn đem trả lại ngay, bằng không tao vặn gãy cổ nói sao sui…
- Đ.m. thằng nào to gan dám chôm nguyên ổ dế của tao…khôn hồn đem trả lại ngay, bằng không tao vặn gãy cổ nói sao sui…
Hôm nay là ngày 22, kế toán trưởng bay từ hậu cứ ra vùng hành quân phát lương cho đơn vị, đem theo quà cáp, thư từ hậu phương gởi ra.
Hòa liếc nhìn thằng bạn thân, lóng rày thằng Nam hay lo ra quá, làm như nó bồn chồn chờ đợi điều gì, dám nó gởi thư cho em gái mình rồi chăng?
- Thằng Nam có thư.
Tiếng la từ căn lều ban chỉ huy trung đội. Như điện giật, Nam phóng cái rột ra ngoài, 3 chân 4 cẳng chạy tới nhận lá thư như muốn giựt phăng lấy.
Khuôn mặt Nam tươi rói khi nhìn thấy dòng chữ mềm mại nắn nót trên bìa thư:
Người gởi: Huỳnh thị Hà
Tân Hương, Bến Tranh
Tỉnh Định Tường.
Người nhận: Mai văn Nam
ĐĐ 84, TĐ 8 Nhảy Dù
KBC 3119/HQ
Trái tim Nam như muốn nhảy vọt ra ngoài, lòng rộn rã một niềm vui khó tả. Nam bỗng nở một nụ cười toe toét, như một thằng điên, khi không cười một mình. Nam chọn một chỗ vắng, kê chiếc nón sắt xuống đất làm ghế ngồi, hồi hộp mở lá thư ra đọc.
Tân Hương, ngày 10 tháng 2 năm 1974
Anh Nam mến,
Cả tuần lễ nay em cứ đắn đo suy nghĩ mãi, không biết có nên gởi thư trả lời anh hay không. Nếu không viết hồi âm thì sợ anh buồn, còn viết cho anh thì chẳng biết viết gì đây.
Cả tuần lễ nay em cứ đắn đo suy nghĩ mãi, không biết có nên gởi thư trả lời anh hay không. Nếu không viết hồi âm thì sợ anh buồn, còn viết cho anh thì chẳng biết viết gì đây.
Lâu lắm rồi anh Hai em chưa viết thư về thăm gia đình. Ba má em trông thư ảnh dữ lắm mà có thấy gì đâu. Tánh của anh Hai em vậy đó, ít nói, nghiêm trang, mà hễ nói là làm.
Anh Hai em đi hành quân ra ngoài miền trung đã hơn 2 năm mà chưa một lần về phép. Em nghe người ta nói lính Nhảy Dù đánh giặc dữ lắm, toàn những trận lớn nổi tiếng không hà. Hễ đánh thắng xong thì về hậu cứ nghỉ ngơi, được đi phép về thăm gia đình. Vậy mà từ ngày ra đơn vị tới nay, anh Hai em vẫn chưa thấy về. Có lần anh Hai em biên thư về nói đơn vị đóng quân sâu trong rừng núi, không có một bóng người. Hổng biết trong rừng núi có nhiều rắn rết bò cạp không anh Nam, lỡ nó cắn anh Hai em thì có thuốc chữa không anh Nam?
Tội nghiệp anh Hai em quá, ảnh hiền lắm, lúc còn ở nhà, hễ không đi học thì lại phụ ba má làm việc nhà, không bao giờ đi chơi xa. Anh Nam làm ơn để ý, chăm sóc dùm anh Hai em nghe, thấy ảnh cần gì thì làm ơn cho em hay để gia đình gởi ra cho ảnh. Nếu anh Hai em có đau ốm thì cũng nhờ anh Nam chăm sóc dùm. Mai mốt anh Nam về đây em sẽ đền bù thật xứng đáng.
À mà quên, nãy giờ lo nói chuyện anh Hai em không hà. Anh Nam ơi, sao trong hình anh Nam con nít quá vậy, nhưng mà anh Nam đừng lo, em cũng… cưng con nít lắm.
Sao anh Nam lại bóc tấm ảnh dán trong tấm bằng Nhảy Dù mà gởi về cho em vậy? Em sẽ giữ thật kỹ để mai mốt anh Nam và anh Hai em về phép, em sẽ dán lại cho anh Nam.
Mùa này mận đang rộ, đi đâu em cũng thấy một màu đỏ nặng trĩu trên cành. Quê em không xa Sài Gòn lắm đâu anh Nam à. Từ Sài Gòn xuống, qua khỏi Long An một đỗi sẽ gặp con sông Tân Hương, là ranh giới giữa 2 tỉnh Long An và Định Tường. Nhà em ở ngay mé cầu Tân Hương, dòng sông êm đềm trong mát gắn liền với cuộc đời của em từ thuở còn thơ. Từ Sài Gòn xuống theo quốc lộ 4, tới ngay cột mốc cây số 55 chính là xã Tân Hương, quê hương em đó anh Nam à.
Em đang theo học trường trung học công lập thị xã Bến Tranh. Mỗi buổi sáng em mặc áo dài trắng, ôm cặp táp ra lộ đón chuyến xe đò Tân Mỹ chạy tuyến đường Tân An-Mỹ Tho. Xe tới Tân Hiệp thì em xuống xe, đi bộ chút síu là tới trường em, còn nếu đi thẳng chừng 10 cây số nữa thì sẽ tới ngã 3 Trung Lương, 1 đường dẫn vào thị xã Mỹ Tho, 1 đường đi về bắc Mỹ Thuận.
Quê em đẹp và êm đềm lắm anh Nam ơi, giá mà chiến tranh lụi tàn để anh Nam và anh Hai em về đây sum họp thì hạnh phúc biết bao. Em hằng mơ ước một ngày như thế sẽ đến, mà biết đến bao giờ hở anh Nam?
Thư đã khá dài, em xin tạm ngừng bút, thư sau em sẽ tiếp. Chúc anh Nam luôn vui khỏe, ráng chăm sóc anh Hai em dùm nghe anh Nam.
Em cám ơn anh Nam rất nhiều.
Huỳnh thị Hà
Nam sung sướng áp lá thư lên ngực, chiều hôm nay sao nắng lung linh quá, cả ngọn đồi rực lên một màu hạnh phúc.
Từ hôm Nam được lệnh tăng phái lên đồi 251, Hòa ở lại lủi thủi một mình. Đôi bạn chỉ gặp lại nhau những lúc cùng về đại đội lãnh tiếp tế, ôi vui mừng biết bao phút gặp lại, 2 đứa chia xẻ với nhau từng điếu thuốc, hàn huyên tâm sự, dỡn hớt với nhau như 2 đứa trẻ.
Hai tháng sau ngày Nam đi tăng phái đồi 251, vào một buổi chiều tím sẫm, nhá nhem tối, Hòa đi sưu dịch tranh tre tràm về tới ban chỉ huy trung đội. Hôm nay các bạn có thái độ hơi lạ. Ai gặp Hòa cũng ngập ngừng như muốn nói điều gì, rồi lại thôi quay đi chỗ khác.
- Hòa ơi!
Nghe tiếng Mã ngọc Hiền gọi, Hòa ngơ ngác quay lại.
- Mai văn Nam chết rồi.
Hòa tái mặt, máu trong người bỗng như đông lại. Hòa chết lặng người đi, không hỏi được câu gì.
- Đại đội gọi máy cho biết trưa hôm nay, Nam đã vướng lựu đạn trên đồi 251.
Hai tai Hòa ù đi không còn nghe thấy gì nữa.
Kể từ hôm ấy Hòa sống trong lặng lẽ, ủ rũ như con chim lẻ bạn. Anh bán chiếu đột ngột ra đi không một lời từ giã, Điệp âu sầu lặng lẽ bóng chiều rơi. Chiều tàn trên đồi núi ôi sao thê lương buồn thảm quá. Tiếng chim rừng lạc lõng buông tiếng hót tan vào cây lá:
- Tiểu đoàn 8…tà tà. Tiểu đoàn 8…tà tà.
Hòa buồn lắm vì không nhìn thấy mặt bạn mình lần cuối. Hỏi thăm anh em tải thương Nam ra tiểu đoàn thì được biết thi hài của Nam từ bụng trở xuống nát bét. Ngay sau khi trái lựu đạn vừa nổ, Nam ngã xuống, quằn quại một lúc rồi chết ngay.
Nghe anh em kể lại, lúc đưa thi hài của Nam ra đến tiểu đoàn, chờ một tiếng đồng hồ sau thì chiếc xe GMC cơ hữu của tiểu đoàn chở đầy nhóc đồ tiếp tế do Thành hô lái về tới. Sau khi đem hết đồ tiếp tế xuống khỏi xe, anh em xúm nhau lại khiêng thi hài của Nam lên, đặt nằm trên sàn xe. Tài xế Thành hô đóng bửng xe rồi leo lên đề máy. Máy không nổ. Thành hô gạt chìa khóa đề lại, vẫn không nổ. Đề tới đề lui năm bảy lần vẫn không nổ máy được. Thành hô xuống xe mở nắp máy, kiểm soát động cơ. Bình ắc qui rất mạnh, dầu máy, nước giải nhiệt, mọi thứ đều đầy đủ. Thành hô nhắp chân ga, thấy xăng vọt lên trong bình xăng con. Mở bougie ra thử lửa, lửa nẹt chóc chóc nghe thấy mà ham. Xăng lửa đầy đủ mà máy không nổ, quái lạ thật. Trung sĩ Kíp, người trông coi câu lạc bộ của tiểu đoàn bước tới:
- Thành à, coi bộ Nam nó còn quyến luyến điều gì chưa chịu ra đi, đâu mày thử năn nỉ nó xem sao.
Đang cơn bực tức, Thành hô quay lại trừng mắt nhìn Trung sĩ Kíp. Thằng cha già dịch này đã từng chứng kiến cảnh Thành hô một mình cưa bức 1 chai ông già chống gậy mà vẫn chưa thấy bờ thấy bến gì. Ma cỏ nào? ma gà ma xó gì cũng đều chào thua con ma men này hết trơn, đừng có rung cây nhát khỉ.
Thành hô lại thử đề máy, đề tới đề lui muốn tiêu luôn cái bình ắc qui mà vẫn không thấy tăm hơi gì, mới nhận được lệnh ngày mai phải chở mấy chuyến tranh tre tràm ra ngoài thị trường, kẹt dữ à nha.
Trung sĩ Kíp cười khà khà:
- Tao nói mày rồi, mày không năn nỉ nó thì tới tết Congo máy mới nổ.
Thành hô cười khẩy, leo xuống bước lại ngang thùng xe, chắp hai tay làm bộ vái thi thể nằm im bất động của Nam, cố tình nói lớn cho Tr/sĩ Kíp nghe thấy:
- Nam à, mày có linh thiêng thì làm ơn cho cái Kíp này nổ mẹ nó đi cho rồi, nói nhiều nghe mệt quá.
Thành hô leo lên xe đề máy, vừa nhắp chìa khóa là máy nổ liền tức thì. Không thể tin được, Thành hô tắt máy rồi đề lại, máy lại nổ ngay lập tức, thử đi thử lại mấy lần máy đều nổ ngon lành. Thành hô mở cửa xe bước xuống, ra phía sau thùng xe ngước nhìn lên thân xác của Nam im lìm trong tấm vải nhựa che mưa, một cảm giác rờn rợn chạy dọc theo sống lưng của Thành. Thành hô lấy gói thuốc trong túi ra, run run gài một điếu lên thùng xe cho Nam, một điếu gắn lên môi, châm lửa đốt. Phía sau lưng có tiếng Trung sĩ Kíp:
- Cá không ăn muối cá ươn, ngày lính của mày tính ra chưa bằng số ngày tao mắc bệnh lậu nghe con, đừng có ăn nói mất dạy…
Suốt tuần lễ nay mưa lũ ở đâu ầm ầm kéo về làm ướt át thêm cho mảnh đời lính chiến. Mưa to gíó lớn làm siêu vẹo những túp lều, nước mưa tràn ngập giao thông hào, dâng cao trong hầm chiến đấu. Mùng mền quần áo ướt nhẹp, đâu đâu cũng ướt sũng nước mưa. Đêm khuya ngủ không nổi mà thức cũng không xong.
Hòa lúi cúi bật hộp quẹt châm điếu thuốc mãi không xong, gió tốc vào từ cả 4 phía, ánh lửa vừa bùng lên lại tắt phụt ngay. Chiếc hộp quẹt Zippo kỵ gió cho Nam đem đi rồi. Giá mà giữ lại làm chút kỷ niệm thì cũng hay, nhưng thôi, nó chỉ gợi thêm nỗi buồn rầu, đau xót.
Có tiếng giầy lõm bõm trong nước mưa, Hòa ngước lên. Mã ngọc Hiền, người mang máy truyền tin của trung đội, ghé mặt vào lều, đưa cho Hòa một lá thư:
- Thư gởi cho Nam, Hòa nhận nhé.
Hòa chùi tay vào vạt áo cho khô rồi cầm lấy lá thư.
Người gởi: Huỳnh thị Hà
Tân Hương, Bến Tranh
Tỉnh Định Tường
Thương về: Mai văn Nam
ĐĐ 84, TĐ 8 Nhảy Dù.
KBC 3119/HQ
Tự dưng nước mắt Hòa trào ra ràn rụa. Có tiếng nấc nghẹn ngào bật ra từ một nơi nào đó, dường như từ một nơi nào xa xăm lắm. Mưa càng lúc càng nặng hạt, sấm chớp xé ngang trời, những tia chớp dữ dằn ngoằn ngoèo vạch ra những lóe sáng như hăm he dọa nạt.
Hòa đưa tay áo lên chùi nước mắt, nhìn đăm đăm ra ngoài rừng mưa, hình ảnh thằng bạn thân lại hiện về, giọng ca của Nam trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu như vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Đâu rồi Tân Hương quê hương yêu dấu đã 2 năm qua chưa hề một lần ghé lại, ba má chắc già yếu hơn xưa. Bé Ba, trời ơi tội nghiệp con nhỏ, yêu nhau chưa một lần gặp mặt mà đã vội vĩnh viễn chia xa. Bé Ba ơi, Nam ơi, tao thiệt có lỗi với tụi bây, trời ơi là trời!
Tân Hương, Bến Tranh
Tỉnh Định Tường
Thương về: Mai văn Nam
ĐĐ 84, TĐ 8 Nhảy Dù.
KBC 3119/HQ
Tự dưng nước mắt Hòa trào ra ràn rụa. Có tiếng nấc nghẹn ngào bật ra từ một nơi nào đó, dường như từ một nơi nào xa xăm lắm. Mưa càng lúc càng nặng hạt, sấm chớp xé ngang trời, những tia chớp dữ dằn ngoằn ngoèo vạch ra những lóe sáng như hăm he dọa nạt.
Hòa đưa tay áo lên chùi nước mắt, nhìn đăm đăm ra ngoài rừng mưa, hình ảnh thằng bạn thân lại hiện về, giọng ca của Nam trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu như vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Đâu rồi Tân Hương quê hương yêu dấu đã 2 năm qua chưa hề một lần ghé lại, ba má chắc già yếu hơn xưa. Bé Ba, trời ơi tội nghiệp con nhỏ, yêu nhau chưa một lần gặp mặt mà đã vội vĩnh viễn chia xa. Bé Ba ơi, Nam ơi, tao thiệt có lỗi với tụi bây, trời ơi là trời!
Hòa lấy trong túi áo ra gói thuốc Ruby quân tiếp vụ, gỡ 1 điếu gắn lên môi, điếu thứ hai đặt lên nắp thùng đạn đại liên. Hòa bật hộp quẹt mồi cả 2 điếu thuốc, rít một hơi dài, ém sâu vào buồng phổi, thì thầm:
- Nam ơi, làm 1 điếu đi rồi nhìn tao đốt lá thư gởi cho mày nhé. Tạm thời tao chưa thể báo tin cho bé Ba được, tội nghiệp nó, nó sẽ buồn thảm biết chừng nào nếu hay được tin dữ.
Góc lá thư bén lửa lan nhanh, lửa đi tới đâu lá thư uốn cong thành than tới đó. Một cơn gió lạnh lùa vào nâng lấy tấm giấy than cuốn nhanh ra ngoài, hòa vào mưa vào gió, vào đất trời lồng lộng.
Khuôn mặt Nam như thoáng hiện trong giá rét lạnh căm căm, vẻ oan khiên trong đôi mắt buồn rầu:
- Hòa ơi, tao không muốn chết!
Một nỗi xót xa buốt nhói dâng lên đè nặng hơi thở của Hòa.
- Nam ơi, tao cũng vậy, tụi mình chẳng đứa nào muốn chết.
Mưa vẫn rơi tầm tã trên những kiếp người sinh lầm thế kỷ.
Tháng 7 năm 1974, sư đoàn Nhảy Dù kéo quân về Quảng Nam, đơn thân độc mã giao chiến dữ dội với 2 sư đoàn chính qui 304 và 324B lừng lẫy của Bắc quân, mong dành lại quận lỵ Thường Đức, đã rơi vào tay địch trước đó.
Cao điểm 1062 giữ một vị trí chiến thuật rất quan trọng trên toàn mặt trận. Từ cao điểm 1062 nhìn về biển Đông, phi trường Đà Nẵng hiện ra rõ mồn một. Cao điểm 1062 lại nhìn xuống chân dãy núi Sơn Gà, kiểm soát liên tỉnh lộ 4, con đường độc đạo, huyết mạch, nối Đà Nẵng, đi qua Hiếu Đức, Đại Lộc, Ái Nghĩa, Cầu Chìm, Ba Khe….vào Thường Đức.
Tiểu đoàn 1, 8, và 9 thuộc Lữ đoàn I ND cẩn trọng tiến vào chảo dầu lửa đang sôi sung sục. Trong từng căn hầm kiên cố, địch đang hờm mũi súng thảnh thơi chờ đợi, những bãi mìn giăng sẵn hiền hòa ngây thơ vô số tội, những khẩu 57 ly đầy đủ đạn dược ghếch mõm lên hốc đá, ngủ gà ngủ gật.
Mặt trận bùng lên dữ dội ngay từ những phút đầu tiên khi đoàn quân mũ đỏ tiến chiếm làng Hà Nha. Đại bác 57 bắn trực xạ từ bên kia núi, băng qua sông Vu Gia rơi vào đội hình đoàn quân. Pháo binh, súng cối ào ạt dội xuống như mưa bấc. Những người lính Nhảy Dù can trường nương theo tiếng đạn réo mà dấn bước tiến lên. Cánh quân này bắn che cho cánh quân kia chồm lên quăng lựu đạn, gào lên những tiếng hô xung phong vang động cả một góc trời.
Hòa và các đồng đội chiến đấu trong tình trạng ngặt nghèo. Khẩu phần lương khô bỗng nhiên biến đâu mất, thay vào đó toàn là gạo tươi. Nấu được một nồi cơm là cả một công trình khó nhọc. Hễ nơi nào có khói bốc lên thì địch quân từ trên cao lập tức chấm tọa độ, đạn pháo và cối đi theo bén gót ngay lập tức. Anh em phải nấu cơm dưới hầm sâu, một người nấu thì 2, 3 người hè nhau quạt cho khói tan đi. Khói không tan thì người tan.
Hỏa lực phi pháo yểm trợ của ta không còn mạnh bạo như ngày xưa nữa. Từ ngày người Mỹ cuốn cờ ra đi, nguồn cung cấp vũ khí đạn dược bị cắt hoàn toàn, 1 tấc sắt viện trợ cũng không có. Trong khi đó phía bên kia nắm được thời cơ, Liên Sô và Trung Cộng ra sức viện trợ quân sự ồ ạt cho Bắc quân, đẩy mạnh thế áp đảo.
Họa vô đơn chí, một số người nắm chức vụ chỉ huy cao cấp, một số quan đầu tỉnh tham tàn, vô nhân, đem bán cả vũ khí, đạn dược, máy truyền tin, thuốc men, gạo thóc cho đối phương. Họ ăn cướp, giết người, giết đồng đội của họ ngay giữa ban ngày ban mặt. Đểu cáng thay, trên ngực họ treo lủng lẳng 1 đống huy chương, anh dũng bội tinh có, thậm chí còn có cả bảo quốc huân chương. Tứ bề thọ địch mà Hòa và các bạn vẫn nắm chặt tay súng xông lên phía trước. Các anh lính Dù ơi, thương các anh quá, kể sao cho hết, nói sao cho vừa.
Nép người sau những lùm cây rậm rạp, trung đội Hòa chuẩn bị tấn công chiếm lại ngọn đồi đã mất vào tay địch ngày hôm qua. Ngọn đồi mất đi lấy lại đã 3 lần, mỗi khi quân ta vừa chiếm được thì địch lại tập trung một số lượng quân nhiều gấp bội để dành lại cho kỳ được. Khi tiếng pháo binh bắn yểm trợ vừa dứt, cả trung đội dựng người lên, lao nhanh về phía trước, thật nhanh trước khi địch kịp ngóc đầu lên. Đánh bằng lựu đạn, gọn và hiệu quả, nhiều khi vừa ném quả lựu đạn xuống hầm, lựu đạn chưa kịp nổ, người lính đã băng qua phía sau lưng căn hầm rồi. Quân Dù đánh mạnh và nhanh quá, địch trở tay không kịp, những lưng áo kaki Nam Định ở phía giao thông hào chưa bị tràn ngập vội vã tuột xuống chân đồi.
Những người lính Nhảy Dù chưa kịp mừng rỡ thì chợt chết điếng trong lòng, xác lính Dù treo tòng teng trên cành cây, ngực bụng bị mổ banh, ruột gan, tim phổi đổ lòng thòng ra ngoài. Trước cảnh tượng ghê rợn ấy, ai cũng tái mặt rùng mình. Địch dở trò dã man hòng gieo rắc sợ hãi, khủng bố tinh thần chiến đấu của đoàn quân mũ đỏ. Không ai bảo ai, mỗi người lính Nhảy Dù lặng lẽ thủ riêng cho mình 1 trái lựu đạn cuối cùng. Trước tình cảnh này, thà chết quyết không để bị bắt sống, cùng lắm thì lựu đạn cưa đôi, tớ mà chết thì đằng ấy cũng đi chầu diêm vương nhá.
Rơi vào thế một mất một còn, nhất định không để bị bắt sống, buộc phải liều mạng một phen sống mái với địch quân, quân Dù ào ạt xông lên, mạng đổi mạng. Chiến trường phút chốc bùng lên dữ dội, tàn bạo. Quân Dù gào thét lao về phía địch không gì cản nổi. Địch quân ngỡ ngàng, chấn động, rồi kinh hoàng rối loạn khi đột nhiên lực lượng Nhảy Dù mở những đợt tấn công như vũ bão, mãnh liệt như chưa bao giờ dữ dội như thế. Hàng ngũ địch trở nên hỗn loạn, phòng tuyến của họ gãy vụn từng mảng dưới sức công phá kinh hồn của đoàn quân mũ đỏ.
Chiều hôm ấy, Thiếu úy Nguyễn minh Trung, người sĩ quan trung đội trưởng duy nhất còn lại của đại đội 84, chỉ huy trung đội đánh chiếm đồi 1062, khoảng 4 giờ chiều thì chiếm được ngọn đồi. Địch quân tháo chạy, bỏ lại một số xác bộ đội. Một nỗi nghi ngờ nhen nhúm trong lòng mọi người. Sau khi tìm cách xác định lại vị trí trên bản đồ, vẫn cảm thấy chưa chắc ăn, tiểu đoàn cho bắn pháo binh bằng đạn khói thì mới ngã ngửa, ngọn đồi vừa chiếm được chưa phải là đỉnh 1062, phải vượt qua 1 cái trũng sang đồi bên kia mới là mục tiêu phải thanh toán. Vòng cao độ của ngọn đồi vừa chiếm không có ghi số, ngọn đồi không tên, không tên tức là đã có tên rồi đó, tên của nó là đồi không tên. Từ đó trở đi, anh em Nhảy Dù gọi đó là đồi không tên. Bài không tên thì đầm đìa nước mắt chia ly, đồi không tên thì lênh láng máu xương.
Qua ngày hôm sau, Đại úy Đồng văn Minh, đại đội trưởng, gọi máy điều động trung đội của Th/úy Nguyễn minh Trung đánh chiếm đồi 1062. Ngày đơn vị mới nhập cuộc, quân số của trung đội điểm danh được 41 người, nay chỉ còn mười mấy mạng chuẩn bị đánh trận cuối. Thiếu úy Nguyễn minh Trung dẫn tiểu đội của Trung sĩ Nguyễn Bê luồn trong cánh rừng rậm rạp tiến lên đồi 1062, thành phần còn lại của trung đội nằm lại đồi không tên, làm điểm tựa và bảo vệ mặt lưng.
Rừng già Thường Đức thật là hiểm hóc, những gốc cây cổ thụ to lớn 2 người dang tay ôm không giáp vòng, những lúc bị pháo, anh em ôm lấy gốc cây, quay theo mà tránh miểng. Dây leo đan chằng chịt với gai góc, với cây rừng bịt kín lối đi. Thiếu úy Nguyễn minh Trung dẫn đầu toán quân, dùng dao rừng chặt cây mở lối cho tiểu đội tiến lên. Vượt qua được cái trũng rồi, chân bắt đầu nặng bước leo dốc. Toán quân đi xuyên qua được một đoạn dốc đường rừng, Trung sĩ Nguyễn Bê vượt lên:
- Thiếu úy nghỉ tay, để em chặt tiếp.
Nguyễn Bê đưa tay đỡ lấy cây dao rừng, ra sức tả xông hữu đột. Bất thình lình, từ một khoảng cách chỉ vài thước ngay trước mặt, một chiếc nón cối chợt nhô lên, tiếp theo là một loạt AK nổ chát chúa, trút hết 1 băng đạn 30 viên vào người Trung sĩ Nguyễn Bê. Thân thể người Trung sĩ tan nát trong nháy mắt. Từ trong giao thông hào, địch quăng lựu đạn ra như mưa. Tiểu đội dạt trở xuống, Thiếu úy Nguyễn minh Trung và hơn phân nửa tiểu đội dính miểng lựu đạn. Anh em nằm chịu lại, tập trung hỏa lực bắn phủ đầu địch quân để Huỳnh văn Hòa và Nguyễn văn Tân bò lên kéo thi hài Trung sĩ Nguyễn Bê, toàn bộ tiểu đội rút trở về đồi không tên. Đơn vị nhỏ bé đầu tiên của tiểu đoàn 8 ND vừa mới chạm vào vòng ngoài của cao điểm 1062.
Trận chiến đẫm máu diễn ra chung quanh ngọn đồi 1062 khiến cả 2 bên thiệt hại nặng nề. Quân số của 2 trung đội gom thành 1 vẫn không bằng phân nửa quân số của 1 trung đội lúc mới vào vùng hành quân. Địch ở trên cao, ta ở dưới thấp, ráng ngửa cổ ngoi lên, vừa bám được vào tuyến phòng thủ của địch thì lại bị đánh bật trở xuống, lại mất đi một số đồng đội. Địch quân chiến đấu rất kiên cường dũng cảm, rất xứng đáng với tiếng tăm lừng lẫy của su đoàn 304 và 324B.
Cuối cùng tiểu đoàn 8 ND đã đánh bật địch quân ra khỏi cứ điểm 1062 khi cả 3 đại đội căng hàng ngang, đồng loạt xung phong. Xuyên qua những mảng công sự chiến đấu bị chọc thủng, đoàn quân mũ đỏ tràn lên như nước vỡ bờ, những trái lựu đạn lăn rất nhanh vào hầm chiến đấu của địch, tiếng súng vang rền khắp mọi nơi, mùi thuốc súng khét lẹt, khói súng xây thành.
Niềm vui chiếm lĩnh ngọn đồi 1062 chưa kéo dài được bao lâu thì chợt tắt ngúm. Địch tập trung hỏa lực dội mưa pháo trùm lên đỉnh 1062, cả ngọn đồi nằm dưới một lưới lửa khổng lồ. Đạn nổ xô ngã cây cối, đạn từ trên cao chụp xuống, đạn từ dưới đất dội ngược lên, đạn rít lên ghê rợn xé nát đất trời. Thương vong càng lúc càng nhiều, đến khi Đại úy Võ thế Hùng và Thiếu úy Ngô văn Cường bị loại khỏi vòng chiến thì đại đội 81 không còn sĩ quan chỉ huy.
1-Đại úy Đại đội trưởng Võ thế Hùng: trọng thương
2-Trung úy Huỳnh hữu Hạnh: bị thương
3-Thiếu úy Đoàn Tấn: tử trận
4-Thiếu úy Quách Giang: bị thương
5-Thiếu úy Ngô văn Cường: bị thương
Các sĩ quan ưu tú của ĐĐ 81 đều xuất thân từ các khóa sĩ quan trừ bị, máu của họ và các đồng đội đã đổ xuống làm sẫm màu đất của quận Thường Đức, vùng đất chơi vơi khóc thương bao oan hồn tử sĩ.
Cơn địa chấn vừa dứt, từ các giao thông hào, quân Dù vội ngóc đầu lên quan sát, chuẩn bị nghênh cản những đợt xung phong của địch. Tiếng anh em gọi nhau di tản thi hài tử sĩ, băng bó thương binh.
Có tiếng ai đó gọi lớn:
- Hiền ơi, ra đây mau. Hòa chết rồi.
Mã ngọc Hiền buông vội chiếc máy truyền tin, phóng vọt ra ngoài, chạy nhanh đến hầm của Hòa.
Phân nửa người của Hòa nằm vắt trên miệng hầm, đầu ngoẹo về phía sau, mảnh đạn pháo chém gần đứt lìa đầu của Hòa, chỉ còn dính một chút da nơi cần cổ. Máu đọng lại thành vũng bên dưới thi thể của Hòa.
Hiền đứng lặng nhìn thân xác bất động của bạn mình, Hòa chết trong tư thế thật là ác nghiệt. Hiền chợt nghe môi mình có vị mằn mặn.
- Hòa ơi, thôi hết rồi. Đi tìm Nam cho có bạn, Hòa nhé.
Vùng Thường Đức không có loài chim rừng rúc lên những tiếng kêu thiết tha:
- Tiểu đoàn 8…tà tà. Tiểu đoàn 8…tà tà.
Sau những tháng ngày dài nằm điều trị tại bệnh viện Đỗ Vinh, hắn trở lại vùng hành quân. Trời đã đổ lạnh, cơn rét hàng năm ở vùng địa đầu giới tuyến đã quay về, phà hơi lạnh lên những khuôn mặt rám cháy gió sương. Giáng sinh sắp đến mà phải rời xa thành đô yêu dấu kể cũng buồn, buồn quá đi chứ, nhất là đối với một kẻ vẫn chưa có một mối tình nào lận lưng như hắn.
Thời gian này tiểu đoàn 8 ND đã rút quân ra khỏi mặt trận Thường Đức, về lại bắc Thừa Thiên nằm chạm tuyến vùng sông Bồ. Đại đội 84 rải chốt trên núi Cồn Tre. Đại úy Đại đội trưởng Đồng văn Minh được chọn là chiến sĩ xuất sắc toàn quân, đang đi du ngoạn ở Đài Loan. Trung úy Lê chí Thượng tạm thời nắm quyền chỉ huy đại đội. Hắn ngỡ ngàng khi nhìn thấy đơn vị toàn những khuôn mặt mới, cựu binh chỉ còn lại lác đác vài người:
-Mã ngọc Hiền
-Nguyễn văn Quang, tức Quang thầy chùa.( Quang ăn chay trường nên có biệt danh này )
-Trần văn Ninh.
-Trần Thành…
Dàn hạ sĩ quan của Trung đội 3, ĐĐ 84 chết sạch, không một người sống sót.
-Trung sĩ nhất Nguyễn văn Sanh
-Trung sĩ Nguyễn Bê
-Trung sĩ Chi
-Hạ sĩ nhất Nguyễn Đông…
Gần 200 quân nhân gồm các sĩ quan trung đội trưởng, các hạ sĩ quan và anh em binh sĩ thuộc tiểu đoàn 8 ND đã tử trận trong cuộc hành quân Thường Đức. Người đứt đầu, người thi thể tan nát, người gom cả hình hài xương thịt chứa không đầy 1 nón sắt.
Gần 300 quân nhân mang thương tích, người mất tay, người mất chân, người mù mắt, người bại liệt sống dở chết dở. Ai dám nhận mình là người hùng của trận chiến Thường Đức?
Buổi sớm mai bên dòng sông Bồ êm ả trong lành làm sao, không có những tràng đại liên nổ ròn rã bất tận, không có tiếng đại pháo gầm thét vang trời, không có tiếng nổ đùng đục của lựu đạn, không có những tiếng gào xung phong. Nơi đây chỉ có tiếng chim non ríu rít trên cành, trong những lùm cây xanh mướt trên dãy núi Cồn Tre, thật bình yên. Sương mù len lỏi lượn lờ trong những khe núi đẹp như truyện thần tiên.
Binh nhất Nguyễn Ngọc vươn vai thức giấc, bước ra khỏi hầm, múc ca nước chuẩn bị đánh răng rửa mặt. Bất ngờ một tiếng cắc cù vang lên, Nguyễn Ngọc bật ngửa ra đằng sau. Viên đạn bắn sẻ oan nghiệt từ bên kia đồi cắm vào giữa ngực Nguyễn Ngọc, phá một lỗ lớn ra phía sau lưng. Anh em vội vã nhảy ra dìu Nguyễn Ngọc vào hầm, băng bó cầm máu vết thương, gấp rút tản thương về bộ chỉ huy tiểu đoàn. Nhưng Nguyễn Ngọc đã hắt hơi thở cuối cùng trên đường tải thương, trong chiếc vỏ canoe, là phương tiện duy nhất để qua sông bằng cách lần theo sợi dây thừng giăng ngang mặt nước sông Bồ.
Trung sĩ Nguyễn Bê, người anh ruột thịt của Nguyễn Ngọc đã tử trận trên cứ điểm 1062. Nguyễn Ngọc không chết trận Thường Đức, chờ vài tháng sau tiểu đoàn về đến sông Bồ mới chạy theo níu gót người anh của mình. Cũng trong mùa Đông Xuân năm ấy, một người em ruột thịt khác của Nguyễn Bê, phục vụ trong su đoàn Thủy Quân Lục Chiến, cũng tử trận.
Một tuần lễ sau, khoảng 3 giờ chiều, trời nắng ấm sau mấy ngày mưa tầm tã. Hạ sĩ Phạm văn Nam hấp tấp chạy vào:
- Thiếu úy, em thấy tụi nó có mấy đứa đang tụ lại sửa mái chòi, ra xem Thiếu úy.
Hắn cùng Nam bước nhanh ra sát bờ rào, nhìn xuống chốt địch nằm ngay dưới chân đồi trung đội, hướng về phía núi Đông. Hắn thấy lố nhố mấy người bộ đội đang hì hục sửa chữa lại mái tranh sau những ngày mưa lớn. Hạ sĩ Phạm văn Nam nâng khẩu M 79 tựa lên vai, đưa mắt nhìn vào lỗ chiếu môn, rà nòng súng thật chậm, chọn điểm ngắm ngay giữa đám đông, lặng lẽ đặt ngón tay lên cò súng, xiết mạnh.
Đầu năm 1975, tiểu đoàn 8 ND rời khỏi vùng sông Bồ, về đóng quân trên đèo Phú Gia, một ngọn đèo thấp, nằm về phía bắc của đèo Hải Vân. Các quân nhân thuộc TĐ 8 ND đón cái Tết cuối cùng trong đời lính chiến của mình tại đây. Có rất nhiều thay đổi về nhân sự trong dịp tống cựu nghinh tân này.
- Trung tá Đào thiện Tuyển vẫn nắm quyền tiểu đoàn trưởng.
- Thiếu tá Nguyễn viết Thanh về nắm chức vụ tiểu đoàn phó thay thế thiếu tá Nguyễn văn Phương.
- Đại úy Đồng văn Minh lên giữ chức vụ trưởng ban 3 thay thế thiếu tá Trần cao Khoan.
- Trung úy Quách Giang, vừa mới rửa lon, lên xử lý đại đội trưởng ĐĐ 84.
- Đại đội trưởng ĐĐ 80 vẫn là Trung úy Hà mai Trường.
- Đại đội trưởng ĐĐ 81 vẫn là Trung úy Ngô Huệ.
- Đại đội trưởng ĐĐ 82 vẫn là Đại úy Trần đình Ngọc.
- Đại đội trưởng ĐĐ 83 vẫn là Đại úy Phạm văn Hiệu.
Một số sĩ quan, hạ sĩ quan và anh em binh sĩ tách khỏi đơn vị, về thành lập tiểu đoàn 12 ND, thuộc lữ đoàn IV. Trong đó có Thiếu úy Nguyễn minh Trung, người sĩ quan trung đội trưởng duy nhất còn lại của ĐĐ 84 trên trận địa Thường Đức, 2 lần bị thương vẫn vững vàng chiến đấu tới giây phút cuối cùng, một tay treo trước ngực, tay kia cầm lựu đạn chỉ huy, vậy mà không có được 1 tấm huy chương nào để làm kỷ niệm cho cuộc đời lính chiến của mình.
Thiếu úy Lê Mậu Sức, cũng như ngay chính bản thân hắn, trong đám bạn bè của hắn, có đứa ngờ vực không tin rằng hắn đã từng tham chiến và bị thương trên chiến trường Thường Đức. Bị thương ngoài mặt trận và tản thương về bệnh viện Đỗ Vinh, nằm điều trị mấy tháng trời ròng rã thì phải nhận được chiến thương bội tinh chớ !!! Ai đâu ngờ rằng cái chiến thương bội tinh của hắn, của Thiếu úy Lê Mậu Sức đã bị người khác ăn cắp mất rồi.
Có một số người làm việc ở hậu cứ, sáng cắp ô đi tối cắp về, sống đời nhàn tản không dính dấp cảnh máu đổ thịt rơi, vậy mà họ có dư thừa anh dũng bội tinh, chiến thương bội tinh để chạy điểm lên cấp bậc, họ lên lon nhanh gấp đôi, gấp ba lần những người đang lăn xả ngoài chiến trường, có trường hợp họ còn được vinh thăng đặc cách…tại hậu cứ. Nếu đếm huy chương để luận anh hùng thì họ sẽ là anh hùng của những anh hùng.
Rời bỏ vùng chạm tuyến thăm thẳm trong rừng sâu, ra được đến ngoài đường lộ, ai nấy đều khấp khởi vui mừng. Nhìn thấy chiếc xe đò nhỏ bé, cũ kỹ, phun khói mù mịt chạy trên quốc lộ 1, ai cũng mừng mừng tủi tủi, con đường nhựa sao láng mướt, dễ thương quá. Những đứa trẻ đang chơi lò cò bên hàng hiên, những cô gái nghiêng vành nón nhìn theo đoàn xe, cả một trời hạnh phúc. Mọi người như thấy lại cuộc sống của chính mình, cuộc sống đã mất lúc nào mà mình cũng chẳng biết, bây giờ bắt gặp lại mới hay mình đã từng đánh mất nó.
Ra đến vùng an toàn, có nhà cửa, có chợ búa, có trường học thì lại được lệnh cấm quân, không được lai vãng xuống vùng dân cư. Anh em binh sĩ là gỗ đá, không có tình cảm, không có nhu cầu tinh thần chăng?
Hắn âm thầm sắp xếp cho anh em trong trung đội thay phiên nhau băng đường đồi xuống Thừa Lưu, Phú Lộc, mua sắm, vào quán café tìm giây phút thoải mái cho tâm hồn sau những tháng ngày dài giam hãm trong chốn rừng thiêng nước độc. Hắn dặn dò anh em nếu lỡ bị ban 2 tiểu đoàn bắt thì cứ nói Thiếu úy trung đội trưởng cho phép để khỏi bị ăn đòn, mọi chuyện sau đó hắn đưa lưng ra hứng chịu.
Hắn nằm đong đưa trên chiếc võng mắc giữa 2 nhánh cây rừng, suy nghĩ mông lung. Nếu cứ phải chiến đấu trong cảnh tứ bề thọ địch, hỏa lực yểm trợ yếu dần như thằn lằn… vãi đái, thì trước sau gì cũng sẽ tới phiên hắn. Nếu được lựa chọn, hắn ao ước được chết giống như các hạ sĩ quan trong trung đội của hắn, giống như Mai văn Nam, Huỳnh văn Hòa, xin đừng cho hắn được sống mà phải chịu cưa chân, cưa tay.
Hắn choàng người bật dậy, phản xạ của một đời lính chiến, khi nghe tiếng chân người sào sạc bước đến.
- Thiếu úy, Mai văn Nam mất lâu rồi sao vẫn có thư gởi đến.
Hắn đưa tay đón lấy lá thư. Trên bìa lá thư hiện ra những nét chữ mềm mại:
Người gởi: Huỳnh thị Hà
Tân Hương, Bến Tranh
Tỉnh Định Tường
Thương về: Mai văn Nam
Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 ND
KBC 3119/ HQ
Hắn mơ màng nhìn về phía chân trời xanh thẳm, khuôn mặt trẻ măng của 2 đồng đội hiện về trong ánh nắng lung linh, bao kỷ niệm lũ lượt kéo về làm hắn thấy cay cay trong mắt.
Hắn do dự trong giây lát rồi quyết định. Hắn moi ra điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ cuối cùng, gắn lên môi rồi châm lửa, kéo một hơi dài vào buồng phổi, mở lá thư ra đọc.
Tân Hương, ngày 5 tháng 1 năm 1975
Anh Nam thương yêu,
Em đã gởi đến anh 3 lá thư, chờ đợi mãi mà vẫn chưa thấy trả lời, sao vậy hở anh Nam?
Mộ của anh Hai em cỏ đã bén rễ xanh rì. Có đám mây đen ảm đạm che phủ bầu trời Tân Hương kể từ ngày hình hài anh Hai em được đưa về quê nhà trong chiếc quan tài bọc kẽm, đó cũng là lần đầu tiên anh Hai em được đi phép. Mộ anh Hai em nằm kế bên công ruộng của gia đình, dưới khóm tre lối rẽ vào vườn điều. Từ ngày anh Hai mất, gia đình em bỗng lạnh lẽo thê lương quá.
Má em khóc suốt ngày sưng cả đôi mắt, má vừa khóc vừa nhắc chuyện anh Hai, em đau lòng quá chịu không nổi. Ba em chẳng nói năng gì cả, ba buồn rười rượi, lặng lẽ rót rượu hết ly này tới ly khác. Em đi học buổi sáng, buổi chiều ở nhà lo việc đồng áng, hai bàn tay em nay đã nứt nẻ, chai nhám. Lúa ngoài đồng đã gặt xong, em ra ruộng lật đất lên trồng dưa gang và dưa hoàng kim. Em chờ buổi chiều xuống thật mát mới đi gánh nước tưới gốc dưa. Lúc gánh nước ngang qua ngôi mộ anh Hai, em lại ứa nước mắt, rồi em lại chợt nghĩ đến anh.
Anh vẫn còn ở đơn vị cũ hay đã chuyển đi đơn vị khác rồi, sao không thấy trả lời thư cho em. Lúc còn sống, anh Hai em cũng không còn nhắc nhở gì đến anh. Trời ơi, sao em nhức đầu quá, anh Nam ơi, có một điều em sợ không dám nghĩ …
Em vẫn đợi chờ anh, anh Nam ơi. Em buồn và cô đơn quá, về đây với em đi Nam, về đây để em dán lại tấm hình cho anh, để em dán thật nhiều mơ ước khát khao lên tình yêu của chúng mình, anh nhé…
11-10-2005
* Chiều trên phá Tam Giang - Thơ Tô Thùy Yên.
- Nhạc Trần Thiện Thanh.
No comments:
Post a Comment