Saturday, December 10, 2022

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA TRƯỜNG BỘ BINH - Nguyễn Ngọc Thạch K20/TVBQGVN

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA TRƯỜNG BỘ BINH

Nguyễn Ngọc Thạch K20/TVBQGVN
Thu Duc

Sau thời gian phục vụ tại Sư đoàn 5 Bộ Binh, tôi được thuyên chuyển về Trường Bộ Binh Thủ Đức, theo nhu cầu hoán chuyển các sĩ quan có kinh nghiệm chiến trường về các quân trường. Chức vụ sau cùng là Trưởng phòng Kế hoạch của Trường Bộ Binh.

------------------------------------

Trường Bộ Binh là một quân trường chuyên đào tạo các sĩ quan trừ bị cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Lúc trứớc trường tọa lạc ở Thủ Đức. Đến đầu năm 1974 thì dời ra Long Thành, một cơ sở mới nằm bên cạnh quốc lộ 15, đường Sài Gòn - Vũng Tàu và cách quận lỵ Long Thành 5 cây số. Tại đây Trường Bộ Binh kết hợp với Trường Thiết Giáp và Trung tâm Huấn luyện Yên Thế, lập thành Huấn khu Long Thành. Trung tướng Nguyễn Vinh Nghi là Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh kiêm Chỉ huy trưởng Huấn khu Long Thành.
Đến đầu tháng 4, 1975, trong lúc đất nuớc đang lâm vào tình trạng vô cùng nguy ngập, Quân đoàn I và Quân đoàn II đa di tản, cộng quân vào đến Nha Trang, thì Trung tướng Nguyễn Vinh Nghi được chỉ định ra làm Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn III, trấn đóng ở phi trường Thành Son, phía bắc thị xã Phan Rang, để ngăn chặn địch đang ào ạt tiến vô nam. Ngày 16 tháng 4, quân CSBV chiếm thị xã Phan Rang và phi trường Thành Son. Bộ chỉ huy Tiền phương QĐ III phải rút về phía Đông Nam ra Cà Ná. Nhưng trong đêm đó phần lớn đa bị bắt trong đó có Trung tướng Nguyễn Vinh Nghi Tư lệnh Tiền phương QĐ III, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân, Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Nhảy Dù v.v…

Sau khi Trung tướng Nguyễn Vinh Nghi ra làm tư lệnh Tiền phương QĐ III thì Đại tá Trần Đức Minh đang là Chỉ huy phó Truờng Bộ Binh được Bộ Tổng Tham Muu chỉ định lên thay thế làm Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh, kiêm Chỉ huy trưởng Huấn khu Long Thành.
Đầu tháng 4, 1975 Trường Võ Bị Quốc Gia là trường sĩ quan hiện dịch, di tản từ Đà Lạt về Long Thành và tạm trú chung với Trường Bộ Binh. Hai tuần sau Trường Võ Bị cho làm lể mản khóa hai khóa 28 và 29 ra trường cùng một lúc, còn lại hai khóa 30 và 31.
Cũng vào đầu tháng 4, 1975 cộng quân bắt đầu gia tăng áp lực, mở các cuộc tấn công vào Huấn khu Long Thành. Đặc công VC đã mấy lần định xâm nhập Trung tâm Huấn luyện Yên Thế, nhưng đã bị Biệt kích Lôi Hổ tiêu diệt gọn. Trường Thiết Giáp cũng bị tấn công liên tục, nhưng nhờ tài chỉ huy khéo léo với nhiều kinh nghiệm chiến trường của Đại tá Tám, nên đã giử vững được căn cứ này cho đến cuối cùng.

Ngày 9 tháng 4, 1975 cộng quân tấn công vào thị xã Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh chỉ cách Sài Gòn 80 cậy số về hướng Đông và cách Huấn khu Long Thành chừng 20 cây số. Trong trận tấn công này lực lượng địch gồm có Sư đoàn 7 Bắc Việt làm mủi chủ công từ hướng Đông Bắc đánh vào thị xã Xuân Lộc, Sư đoàn 341 Bắc Việt từ hướng Tây Bắc đánh vào khu vực phòng thủ của Sư đoàn 18 Bộ Binh/QLVNCH. Riêng Sư đoàn 6 Bắc Việt đánh Dầu Giây.

Quân trú phòng ở Xuân Lộc gồm toàn bộ Sư đoàn 18 Bộ Binh và Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân/Biên Phòng của Thiếu tá Vương Mộng Long K20/VB vừa di tản từ Quân Khu 2 về, cùng các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh, đã chống trả vô cùng anh dũng. Tất cả các mủi tấn công của quân Bắc Việt đều bị chận đứng. Riêng mủi chủ công của Sư đoàn 7 Bắc Việt đã lọt vào được vài nơi trong thị xã nhưng đã bị quân ta chận đánh quyết liệt và ngay ngày hôm sau đã bị quân ta phản kích dữ dội, hai bên giành nhau từng căn nhà, từng mảng tường.
Ngày 12 tháng 4, 1975 Quân đoàn III đã cấp tốc trực thăng vận Lữ đoàn 1 Nhảy Dù xuống tăng viện cho Xuân Lộc. Tiếp đó là Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bô Binh, và một bộ phận của Lữ đoàn 3 Thiết Kỵ, theo hướng quốc lộ 1 từ Biên Hòa cùng tiến lên để giải tỏa áp lực địch. Đặc biệt Không Quân Việt Nam cũng đã huy động tối đa để yểm trợ, và sự yểm trợ lần này rất là hữu hiệu, vì ngoài phi cơ chiến thuật, Không Quân Việt Nam đã sử dụng cả phi cơ vận tải C130 cải biến để chở những khung vỉ sắt chứa nhiều quả bom hạng nặng như bom Daisy Cutter 15.000 cân Anh, bom CBU-55, mà phía Hoa Kỳ thường sử dụng để phát quang làm bãi đáp trực thăng hay vị trí pháo binh, và nhiều phuy xăng JP4 dùng làm bom napalm. Máy bay bay trên cao độ 15.000 đến 20.000 bộ để tránh phòng không địch và được điều khiển bằng vô tuyến cho rơi đúng vào các mục tiêu ấn định. Có hai quả bom CBU-55 đã rơi trúng vào nơi đóng quân của Sư đoàn 341 CSBV, gây tổn thất nặng nề cho địch và làm cho tinh thần cán binh CSBV bị dao động mạnh vì tưởng là bom B52. Tướng cộng sản Trần Văn Trà đích thân xuống mặt trận xem xét tình hình, thấy không chiếm được Xuân Lộc nên bèn quay sang đánh vòng ngoài nhằm vào các đơn vị của Quân lực VNCH đang tăng viện về hướng Biên Hòa.

Nếu như lúc đó Hoa Kỳ chịu giúp miền Nam Việt Nam thêm một thời gian ngắn nữa, để yểm trợ cho Quân lực VNCH, chỉ bằng không lực mà thôi, thì các sư đoàn CSBV sẽ bị tiêu diệt một cách dễ dàng, vì họ đa công khai xuất đầu lộ diện, thật là những mục tiêu rất tốt cho pháo đai bay B52 và như thế tình hình có thể đảo ngược đuợc, như đã xảy ra ở trận chiến Triều Tiên năm 1950.

Nhắc lại trận chiến Triều Tiên, ngày 25 tháng 6 năm 1950 quân đội Cộng Sản Bắc Hàn do Trung Cộng yểm trợ đánh đuổi quân đội Đồng Minh mà chính yếu là Hoa Kỳ, chạy dài từ Bắc xuống Nam cho đến tận cùng bán đảo Triều Tiên, chỉ còn giử đuợc phần đất vùng Pusan, dự trù để làm đầu cầu để phản công sau này. Ngày 15 tháng 9 năm 1950 dưới sự chỉ huy tài ba của Tướng Douglas Mc. Arthur, đã điều quân xuất thần cho đổ bộ ở Inchon, một bờ biển phía Tây ngang Hán Thành và cách vi tuyến 38 về phía nam 100 dậm. Đây là một kế hoạch vô cùng tinh vi và táo bạo, đã đánh thẳng vào hậu phuong địch, cắt đứt mọi đường tiếp tế lương thực đạn dược và đã làm cho các sư đoàn của cộng quân đang tiến sâu về phía nam hoàn toàn bị tê liệt, kiệt huệ, và tan rã và đưa đến kết quả là 125.000 quân Cộng Sản Bắc Hàn phải ra đầu hàng.

Ngày 20 tháng 4, 1975 Sư đoàn 18 Bộ Binh, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, và lực lượng Tiểu khu Long Khánh rút khỏi Xuân Lộc theo liên tỉnh lộ 2 về Bà Rịa. Từ đây Sư đoàn 18 Bộ Binh lên xe về Long Bình, còn Lữ đoàn 1 Nhảy Dù ra bảo vệ thị xã Vung Tàu. Cuộc rút lui đã diễn ra êm thắm, tổn thất không đáng kể, riêng Đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Long Khánh trên đường rút lui đã bị thương và bị bắt.
Vào đầu tháng 4/75 khi tình hình đất nước đang lâm vào tình trạng nguy ngập, Đại tá Minh có ra lệnh cho phòng Kế hoạch phối hợp cùng với Trung tá Trần Văn Hạnh Trưởng phòng TVM (Tác Xạ Vũ Khí Mìn), để nghiên cứu và soạn thảo một kế hoạch phòng thủ cho thật vững chắc. Tận dụng tối đa hỏa lực co hửu của trường, sử dụng mìn Claymore gài tự động, cho nuôi thêm 100 con ngỗng để tăng cường hệ thống canh gác báo động. Phòng Kế hoạch cũng đã đề ra hai phương án để rút lui khi cần. Phương án thứ nhất là di tản chiến thuật ra Vũng Tàu. Phương án thứ hai là di chuyển về trường củ ở Thủ Đức.

Ngày 22 tháng 4, 1975, Trường Bộ Binh và Truờng Võ Bị được lệnh di tản về Thủ Đức. Trường Bộ Binh chỉ di tản một nửa quân số về Thủ Đức, còn một nửa quân số ở lại Long Thành, và dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lê Văn Phú, phòng thủ bảo vệ trường để chờ ngày trở lại.

Khi về đến Thủ Đức, Truờng Bộ Binh nhận lại trách nhiệm phòng thủ Huấn khu Thủ Đức và đồng thời sẳn sàng các Tiểu đoàn SVSQ để về tăng cường bảo vệ Thủ đô. Trong lúc này Trung tướng Nguyễn Bão Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Quân Huấn có chỉ định Đại tá Lộ Công Danh hiện đang là Liên đoàn trưởng Liên đoàn SVSQ của Trường Bộ Binh tạm thời thay thế Thiếu tướng Lâm Quang Thơ làm Chỉ huy trưởng Truờng Võ Bị Quốc Gia.

Đem 26 tháng 4, 1975, cộng quân mở cuộc tấn công đại qui mô vào Huấn khu Long Thành, Trường Bộ Binh ở Long Thành bị mất liên lạc. Tôi và người mang máy truyền tin phải leo lên lầu nước thật cao ở trong Trường Bộ Binh ở Thủ Đức để tìm cách liên lạc với Trường Bộ Binh ở Long Thành. Đại tá Lê Văn Phú, vì ông ra ngoài giao thống hào ở địa thế thấp nên máy truyền tin không liên lạc xa được, nhưng nhờ tôi leo lên cao nên bắt liên lạc lại được với Trường Bộ Binh ở Long Thành. Đại tá Phú cho biết hiện cộng quân đang mở các đợt tấn công rất ác liệt nhưng không chọc thủng nỗi phòng tuyến quá kiên cố của ta. Ông cũng cho biết là Trường Thiết Giáp vừa bị thất thủ, Đại tá Tám Chỉ huy trưởng Trường Thiết Giáp vừa mới qua hợp ở Trường Bộ Binh Long Thành, trên đường trở về ông đa bị cộng quân phục kích và bị mất liên lạc vào khoảng 6 giờ chiều. Riêng Trung tâm Huấn luyện Yên Thế thì hoàn toàn bị mất liên lạc, im lặng vô tuyến kể từ chiều hôm đó. Đại tá Minh liền liên lạc với Đại tá Phan Huy Lương, Tham mưu phó Quân đoàn III, để báo cáo tình hình và xin yểm trợ. Nhưng Bộ tư lệnh Quân đoàn III đã hoàn toàn không có phản ứng, vì đang triệt thoái.

Sáng sớm hôm sau, tôi đi cùng với Đại tá Minh lên Biên Hòa để tìm phương cách chống đở cho nửa truờng còn lại ở Long Thành. Đường đi lúc đó thật vắng tanh, chúng tôi gặp Thiếu tá Hòa Quận trưởng quận Thủ Đức đang lăng xăng điều động các lực lượng của chi khu. Tôi có hỏi về tình hình trên lộ trình đi, thì ông ta khuyên không nên đi trong lúc này rất là nguy hiểm, vì hiện đang có các trận đụng độ gần khu vực Chợ Đồn. Nhưng vì nóng lòng nửa trường còn lại ở Long Thành nên chúng tôi quyết phải đi .

Khi tới Biên Hòa, thành phố thật vắng lặng như một thành phố chết. Chúng tôi chạy thẳng vô Bộ chỉ huy của Tiểu khu Biên Hòa. Khi bước vào Trung tâm Hành quân / Tiểu khu, chúng tôi không thấy Tiểu khu trưởng hay Tiểu khu phó đâu cả, mà chỉ thấy có Đại tá Thới, Tham mưu trưởng là còn đang làm việc. Ông hiện đang bấn loạn, vì phải vừa lo điều động các lực lượng của Tiểu khu đang chống trả kịch liệt với địch, đồng thời phải lo phương tiện trực thăng để đi cấp cứu Trung tá Quận trưởng quận Long Thành. Đem qua lực lượng Địa Phương Quân và Nghiã Quân của chi khu Long Thành đa anh dung chiến đấu chống trả vô cùng quyết liệt, bắn cháy một số chiến xa địch, cầm cự cho đến sáng mới bị tràn ngập. Trung tá Quận trưởng đã chạy thoát được ra ngoài và dùng máy vô tuyến liên lạc về Tiểu khu xin cứu viện.

Vì tình trạng quá căng thẳng của Tiểu khu Biên Hòa và vì Đại tá Thới đang quá bận rộn, thấy không thuận tiện để bàn thảo gì đuợc, nên chúng tôi phải rời bỏ Tiểu khu Biên Hòa để đi thẳng vô căn cứ Long Bình nơi đặt Bộ chỉ huy của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Tại đây, tôi đuợc gặp lại các bạn bè cùng các niên trưởng tay bắt mặt mừng, kể lể mọi chuyện, mà quên đi chiến trận đang gần kề. Mặc dù trong tình thế cực kỳ sôi động nhu vậy, nhưng Thủy Quân Lục Chiến vẫn giữ vững tinh thấn chiến đấu, không hề nao núng, vẫn quyết tâm chận địch trên đầu dốc 47 của quốc lộ 15 và còn nhắn nhủ với Truờng Bộ Binh Long Thành là phải đồng tâm hiệp lực quyết ngăn chặn không cho nón cối dép râu bước vô Sài Gòn.

Đại tá Minh cứ lấy làm tiếc là đang ở quân trường gồm toàn những SVSQ đang thụ huấn, nên không có khả năng chiến đấu như các đon vị tác chiến trước đây. Nhớ lại thời hành quân sang Kampuchia, năm 1970, ông là Chiến đoàn trưởng, và tôi là Sĩ quan Hành quân. Chiến đoàn 9 đặc nhiệm của Sư đoàn 5 Bộ Binh đã tấn công vào tận sào huyệt của VC nằm sâu bên kia biên giới Việt Miên, quét sạch các mật khu an toàn của VC trong vùng Lưởi Câu, tịch thu rất nhiều kho vu khí, lương thực, đạn dược của cộng quân, đem lại nhiều chiến thắng vẻ vang cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi xin nói thêm ở đây là các cuộc hành quân vượt biên sang Kampuchia là hoàn toàn do Quân lực VNCH đam nhiệm, các cố vấn Mỹ lên máy bay trực thăng bay trở về, ngay khi đơn vị đi đầu vượt qua biên giới.

Sau khi phối hợp cùng các đơn vị bạn, và chỉ thị rõ ràng cho Đại tá Phú xong, chúng tôi liền quay trở về Thủ Đức. Và trên đường trở về chúng tôi còn thấy rõ các rương mìn chất nổ đã được đặt sẳn hai bên cầu sông Đồng Nai. Theo như kế hoạch đã định thì sau khi rút quân xong thì cầu Đồng Nai phải bị giật xập không cho thiết giáp và cơ giới của cộng quân vượt qua sông. Mà nếu cộng quân có khả năng làm cầu nổi thì ta sẽ dùng phi cơ oanh tạc.

Trường Thiết Giáp đã thất thủ, Trung tâm Huấn luyện Yên Thế đã mất liên lạc, quận Long Thành đa bị tràn ngập, giờ đây Trường Bộ Binh Long Thành đương nhiên trở thành tiền đồn ngăn chặn địch mà cộng quân quyết phải thanh toán cho bằng được để tiến thẳng về Sài Gòn.

Trong đêm đó, 27 tháng 4, 1975, cộng quân tấn công dữ dội Trường Bộ Binh ở Long Thành, nhưng đã bị lực lượng phòng thủ của trường do Thiếu tá Hồ Đắc Tùng K20 trực tiếp chỉ huy chống trả quyết liệt. Lúc đó ở Thủ Đức toàn bộ Bộ Chỉ Huy của Trường Bộ Binh đang vây quanh máy truyền tin để theo dõi. Một số gia đinh hiện có thân nhân còn đang chiến đấu ở Long Thành cũng ngồi quanh đó. Tất cả mọi người đều hồi hợp theo dõi, nhưng với tâm trạng thật là bi quan, đành bó tay chịu trận. Tôi thấy bà xã của Đại Úy Trác ngồi khóc mếu máo, Tôi còn nhớ lời nói mỉa mai đau khổ của Đại tá Minh: “Trung Hoa Dân Quốc còn có đảo Đai Loan để mà chạy ra, chớ Việt Nam mình không biết đi đâu?”. Hồi thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, Tổng thống Ngô Đinh Diệm còn có chuẩn bị đảo Phú Quốc để mà tử thủ. Nhung bây giờ thì không còn nghe nói gì đến đảo này nữa.

Quân trú phòng Trường Bộ Binh Long Thành đa anh dũng chiến đấu, cầm cự cho đến sáng. Nhưng vì quân địch quá đông, nên sau cùng thì Đại tá Phú phải ra lệnh cho rút lui theo nhu kế hoạch đa định. Sau này theo tài liệu của Cộng Sản Bắc Việt thì ngày 27 tháng 4, Sư đoàn 304/CSBV đã đụng độ dữ dội với các đơn vị Nam Việt Nam ở khu vực Nước Trong (VC gọi Huấn khu Long Thành là khu vực Nước Trong). Sau khi chiếm được khu vực Nước Trong rồi, nhưng khi tiến quân về hướng cầu Đồng Nai trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, Sư đoàn 304/CSBV vẫn bị chận đánh và phải đợi đến ngày 29 mới chiếm được cầu này.

Sáng ngày 30 tháng 4, 1975 vào lúc 8 giờ 30, Đại úy Nguyễn Thành Hiếu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5/SVSQ/TBB đang chỉ huy phòng tuyến chính mặt xa lộ báo cáo là thấy đoàn xe thiết giáp và xe motolova của cộng quân đang di chuyển trên xa lộ Biên Hòa tiến về Sài Gòn. Tôi hết sức ngạc nhiên vì theo nhu kế hoạch đã định thì cầu Đồng Nai phải bị giật xập, không cho thiết giáp và cơ giới của VC vượt qua sông. Tôi liền liên lạc báo cáo về Biệt khu Thủ Đô. Trong lúc đó thì Trung tâm Hành quân / BKTĐ không ra lệnh dứt khoát mà chỉ nói là tùy nghi đon vị. Không một chút do dự, Đại tá Minh liền xác quyết trách nhiệm một cách rất rõ ràng là: “Bổn phận của chúng ta là quân đội là phải bảo vệ đất nuớc, thấy địch là đánh”. Tôi liền truyền lệnh của Đại tá Chỉ huy trưởng đến các đơn vị, đồng thời gọi cho Hiếu chấm tọa độ và điều chỉnh cho các khẩu đội súng cối 81 ly tác xạ. Đồng thời tôi gọi cho các pháo đội pháo binh 105 ly, 155 ly và 175 ly chuẩn bị sẳn sàng. Đây là các loại pháo binh để yểm trợ tầm xa, mà Quân đoàn III gởi tạm ở đây. Nhưng trong giờ phút quyết liệt này, tôi dự trù sẽ sử dụng để bắn trực xạ. Súng 175 ly được đặt trên thiết giáp nên dễ dàng di chuyển, điều động.

Bị sức kháng cự mạnh mẽ của Trường Bộ Binh, nên cộng quân liền đổi hướng tấn công xông thẳng vào Trường Bộ Binh. Một chiếc thiết giáp T54 ủi sập chướng ngại vật ở cổng chính và chạy thẳng vào trong, vừa chạy vừa bắn phá loạn xạ. Trong khi đó thì súng đại liên ở cầu Bến Nọc mà VC vừa chiếm được đem qua, bắn xối xả vào trường ở phía cổng số 9 tức cổng sau của Trường Bộ Binh. Lúc đó súng nhỏ bên ta bắn trả dử dội tóe lửa vào chiếc chiến xa. Tôi thấy rõ chiếc chiến xa khi nó tới gần, súng trên pháo tháp quay qua bắn sập Trung tâm Hành quân, vì trên nóc TTHQ có nhiều cần ăng ten nên dễ thấy. Thiếu tá Lầu thuộc Trường Tổng Quản Trị đang ở trong đó may mắn thoát nạn, trong khi đó thì Đại tá Minh cùng Bộ chỉ huy nhẹ đang ở cách đó không xa.

Khi chiếc chiến xa này chạy xuống tới cổng số 9 thì gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ của các SVSQ do Thiếu tá Phạm Hưng Long K20 chỉ huy giử mặt hậu của Trường Bộ Binh, nên liền quay đầu chạy ngược lại. Chúng tôi đa tìm cách kêu gọi đối phương ra đầu hàng nhưng không có kết quả. SVSQ có thấy người lái chiến xa đứng lên dường như có ý định đầu hàng nhưng rồi lại ngồi xuống và lại tiếp tục bắn phá làm chết và bị thương một số SVSQ và quân nhân co hửu của Trường. Trong số đó có Thiếu tá Vương Bá Thuận bị gãy chân, Trung tá Ông Nguyên Tuyền bị tử thuong v.v…

Mặc dù chưa từng ra chiến trận nhưng phải nói là tinh thần chiến đấu của các SVSQ rất là hào hùng anh dũng. Nhưng với súng trường không thể nào hạ được chiến xa, cho nên tôi gọi Đại úy Lê Văn Ngữ, Đại đội trưởng ĐĐ663/ĐPQ là đơn vị bảo vệ trường dùng súng M72 để hạ chiếc chiến xa này. Khi nó chạy tới khu Tiếp Tân gần miếu Tiên Sư thì bị ĐĐ663/ĐPQ bắn đứt xích nằm tại chỗ, nhưng súng trên pháo tháp vẫn còn quay bắn phá lung tung. Liền khi đó có một SVSQ thuộc Tiểu đoàn 1/SVSQ, đang ở phòng tuyến gần đó, nhanh nhẹn bò ra leo lên pháo tháp và liệng một quả lựu đạn vào bên trong xe tiêu diệt hẳn. Đại úy Ngữ lục soát trong xe lấy được ba khẩu súng còn đang bốc khói mang lên trình Đại tá Chỉ huy truởng và cho biết là họ đa bị khóa xích trong xe nên không thể nào ra đầu hàng được.

Và liền sau đó không lâu vào khoảng 10 giờ 20 phút thì nghe lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố ngưng bắn chờ lệnh bàn giao. Sau đó Đại tá Minh ra lệnh cho tôi gọi cho các đơn vị ngưng chiến đấu. Tất cả mọi người đều rơi nước mắt khi nghe tin này, Đại úy Trác òa lên khóc. Tôi vẫn còn nhớ lời Đại tá Minh nói lúc đó: “Nhiệm vụ của chúng ta là quân đội là phải tuân hành lệnh thượng cấp, kêu đánh là đánh, kêu đầu hàng là đầu hàng”. Tôi bỏ về phòng thay đồ dân sự và lập tức lấy xe gắn máy phóng nhanh ra cổng, Đại úy Bão bên Liên đoàn Sinh viên đang đứng đâu gần đó liền nhảy lên theo. Chúng tôi vừa thoát ra khỏi cổng thì cộng quân cung vừa vô tới.

Khi chúng tôi ra đến xa lộ thì thấy đoàn xe thiết giáp và xe motolova của cộng quân đang từ từ tiến vô Sài Gòn mà không còn một lực luợng nào ngăn chặn nữa. Và vào lúc 11 giờ 30 phút chiếc chiến xa dẫn đầu cánh quân này đã tiến vô Dinh Độc Lập trong lúc Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các cuối cùng đang chờ đợi để bàn giao. Nhưng ngay vừa khi vừa vô đến Dinh Độc Lập thì quân CSBV liền hiện rõ nguyên hình là một đội quân xâm lăng từ miền Bắc vào, chứ không có gì là Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, do nhân dân miền Nam nỗi dậy, không có gì là hòa giải hòa hợp dân tộc, và không có gì là để bàn giao. Họ liền bắt nhốt tất cả từ Tổng thống Dương Văn Minh đến các Tổng Bộ trưởng và bắt Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo dẫn đến Kho bạc để tịch thâu 16 tấn vàng của Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam và cũng kể từ đó miền Nam Việt Nam đã thực sự mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt.

Để biết thêm chi tiết về những giờ phút cuối cùng của Trường Bộ Binh sau khi quân CSBV vào tiếp thu Huấn khu Thủ Đức, tôi xin trích đoạn trả lời của Đại tá Trần Đức Minh, vị Chỉ huy trưởng cuối cùng của Trường Bộ Binh, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Văn nghệ Tiền Phong, nhân kỷ niệm 25 năm ngày miền Nam Việt Nam lọt vào vòng thống trị của cộng sản. Ông đã kể lại nhu sau:
… Khoảng hơn một giờ sau khi im tiếng súng, đại diện của một đơn vị Bắc Việt đến, họ yêu cầu tôi thi hành lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh để bảo đảm không nổ súng nữa. Tôi giao cho họ số vũ khí bắt được trên chiếc xe tăng bị bắn cháy và nói với họ lo chôn cất những người bị chết trong xe đó…

… Trong khi nói chuyện, đại diện quân Bắc Việt yêu cầu tôi triệu tập Chỉ huy trưởng của các Quân trường trong Huấn khu Thủ Đức đến gặp họ. Tôi cho biết không thấy Huấn khu trưởng cũng như những người có trách nhiệm khác đâu cả. Cuối cùng họ đành bảo tôi thay mặt Huấn khu bàn giao tất cả các trường hiện có ở Thủ Đức. Tôi cho lệnh tập họp ở Vũ đình trường, sau đó tuyên bố bàn giao Huấn khu Thủ Đức theo đúng chỉ thị của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

… Sự việc diễn ra rất ngắn ngủi, chỉ có khoảng vài trăm người mặt mày ngơ ngác, bần thần. Rồi loáng một cái, chẳng còn ai mặc quân phục nữa. Sinh viên Si quan mặc đồ dân sự lủi thủi lê chân ra phía cổng chính. Tôi bùi ngùi nhìn theo tủi hổ… Chiều hôm đó đến lượt tôi trút bỏ quân phục và được yêu cầu “nghỉ riêng” ở trên lầu của tư dinh Chỉ huy trưởng. Trong khi một Bộ chỉ huy quân Bắc Việt ở dưới lầu. Đêm đó tôi lên cơn sốt, trong lúc chập chờn nửa tỉnh nửa mê tôi đã khóc thật nhiều. Lúc này tôi mới thắm thía cảm nghiệm được cái lẽ vô thường mà trước kia tôi chỉ hiểu được bằng lý trí…

… Định mệnh đã bắt tôi đóng vai tuồng “hàng thần lơ láo”, và đây là điều tủi nhục nhất trong đời tôi. Cho đến khi viết những dòng này niềm tủi nhục ấy vẫn hằn sâu trong tâm khảm tôi, và hẳn rằng khôn khuây cho đến khi sang bên kia thế giới.
Viết để nhớ lại ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Nguyễn Ngọc Thạch K20

-----------------------------

Comment:
* Nguyễn Thế
Tôi khi đó là Tiểu đoàn 2 SVSQ cùng với Thiếu Tá Dục là nhân chứng cụ thể … tưởng đi đong rồi . Chiếc T54 cháy trước cổng trường BB Thủ Đức …

 

No comments:

Post a Comment