Sunday, November 27, 2022

Nguyễn Viết Hùng K27/TQLC

Nguyễn Viết Hùng K27/TQLC

Cuộc đời của người khóa đàn em tên Nguyễn Viết Hùng và Gia đình. Trong dịp về thăm gia đình ngày đó, một lần trong bữa ăn với những người lính cùng đơn vị trên đường Trương Minh Ký, tôi hỏi thăm anh em có ai biết Thiếu úy Hùng mới ra trường về Tiểu đoàn mình không, hồi Tiểu đoàn đang ở chợ Đại Lộc, Quảng Nam. Anh em vui vẻ thay nhau nói về người chiến binh mới này:
---------------------
- Em nhớ rồi, Thiếu úy Hùng cao lớn và đẹp trai lắm, ngày đó Thiếu úy về đại đội 2, hồi đó em nấu ăn cho Đại úy Phán đại đội trưởng đại đội 2, tội nghiệp mới ra trường đã chết, ông đã tự sát bằng lựu đạn với người lính của ông sau trận đánh của TĐ mình ở chủng viện Non Nước, Sơn Trà, em không nhớ tên người lính này, để em hỏi mấy thằng đại đội 2 coi.
- Khi nào có thì cho anh biết …

Như vậy là đã quá rõ ràng những bộ hài cốt này là của ai. Kết hợp với những gì chị Nga kể vào năm 2007, tôi lại bắt đầu tìm tông tích của Hùng, thằng khóa đàn em, tôi thầm nguyện:” Hùng có linh thiên cho anh tìm đúng đường để sau đó đưa em về với gia đình.”

Gần hơn 1 năm lần mò tìm kiếm không có kết quả, thật là ngớ ngẩn tại sao tôi lại không bắt đầu từ con đường Võ Bị, tôi biết hướng tìm này duy nhất và nhiều hy vọng nhất. Năm 2009 với những dự tính trong đầu, tôi gọi điện thoại cho Đinh Xuân Thành khóa 28 hiện đang sống tại Atlanta, Georgia với Hội Võ Bị Đà Lạt, may mắn Thành có ngay đầu máy nói chuyện :
- Thành cho tôi hỏi, hồi ở trong trường Thành có nhớ khóa 27 có ai tên Hùng không?
- Em không nhớ rõ, hình như có nhiều niên trưởng khóa 27 tên Hùng lắm. Nhưng nếu NT muốn rõ ràng hơn em sẽ giói thiệu NT với anh Sang đại diện khóa 28, hiện Sang đang sống ở San- José.
- OK, cám ơn nhiều lắm chúc mạnh khỏe.
Mấy hôm sau có được số ĐT của Sang, tôi gọi ngay, người đầu máy hỏi:
- Xin lỗi, anh là ai?
- Có phải Sang không, tôi là Đoàn Văn Tịnh khóa 22 đây.
- Ồ, chào NT, em là Sang đây.
- Chúc vợ chồng em và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Cho anh hỏi chuyện này nghe: em có nhớ trong khóa 27 có ai tên Hùng không?
- Có niên trưởng, có đến mấy người tên Hùng.
- Hùng người Huế.
- Có em biết, tên Nguyễn Viết Hùng.
- Sang ơi, Sang có biết gia đình Hùng ở đâu không?
Một hồi im lặng, Sang nói tiếp:
- Em sẽ cho NT số điện thoại của một người bạn cùng khóa với em, người bạn ấy sẽ nói chuyện cho niên trưởng nghe vì em nghĩ người ấy biết Hùng nhiều hơn.
- Cám ơn Sang, vui vẻ nghe.

Và tôi nhận số điện thoại của người đàn em này, tôi đã gọi và nói chuyện với anh nhiều lần, anh cùng khóa 28 Trường VBQGVN với Sang và Thành.

Và tôi ghi nhận từ người đàn em này đang sống ở VN: Hùng tên anh là Nguyễn Viết Hùng gia nhập vào trường Võ bị khóa 27, anh đã tử trận vào ngày 30 tháng 3 năm 1975 tại Đà nẵng, hiện tại gia đình Hùng đang ở Vĩ Dạ, lần giổ đầu tiên của Hùng, anh và một số bè bạn có tới tham dự tại gia đình Hùng, và người đàn em này lại cho tôi số điện thoại để nói chuyện với thân nhân của Hùng.

Tôi đã có dịp nói chuyện với người cháu gái cuả Hùng, cô gọi Hùng bằng cậu ruột, hiện cùng với chồng coi ngôi nhà Từ đường của gia đình họ Nguyễn, chúng tôi cũng đã có nhiều dịp chuyện trò, cô nói: “Cậu Hùng là người con trai út trong gia đình có nhiều chị em gái, và 1 anh trai cũng đã tử trận vào năm 1968. Khi vào quân trường Võ bị cậu Hùng còn độc thân, cậu gia nhập quân trường Võ bị Đà Lạt ngày 26 tháng 12 năm 1970, khoá 27. Những năm tháng này bà ngoại còn sống với gia đình mẹ con, con gái của bà ngoại và ngoại mất sau cậu Hùng 2 năm. Và người Mẹ của cô gái coi sóc nhà Từ đường cũng mất sau cụ mấy năm. Cậu Hùng đẹp trai lắm, cao lớn và trắng trẻo, khi cười có 2 đồng tiền trên má, bà ngoại cháu vì buồn thương nhớ cậu con, nên bà ngoại cứ ngày đêm nguyện cầu cho cậu và mong mỏi trời đất sao cho cậu đừng chết dưới nước. Vì người ta kể cho ngoại nghe về trận đánh cuả TQLC ở bãi biển Non Nước, nên ngoại nghĩ cậu đã chết trên biển khi lội ra tàu. Cậu mất khi cậu mới 25 tuổi.

Tôi kể cho cô nghe chuyện trận chiến ngày đó và câu chuyện cuả chi Liên, chị Nga đi tìm chồng cũng như chuyện của những người lính nói cho tôi nghe và tôi kết luận: chắc chắn Hùng không chết dưới biển, tôi cho cô biết 1 trong 2 bộ hài cốt an táng ở Gò Cà là Hùng, Gò Cà nhớ nghe cháu. Cậu sẽ cố tìm hỏi những người quen biết để giúp gia đình cháu tìm Hùng.

(Trong gia đình, cô cháu cững gọi tôi bằng cậu)
Hiện tại Hùng chỉ còn một người chị cả duy nhất đang sinh sống tại miền cực nam của đất nước. Mỗi lần chị gọi tôi để hỏi thăm chị khóc sướt mướt, năm nay chị cũng lớn tuổi lắm rồi 66 tuổi, chị ước mong tìm được hài cốt của Hùng để đem em về xứ sở, cho em được nằm cạnh bên mộ Mẹ là chúng tôi mới yên tâm, chị bảo: ”bao nhiêu năm sống xa quê, xa nhà chúng tôi buồn lắm, chúng tôi không hy vọng Hùng còn sống, tôi chỉ nguyện cầu em đã về một nơi nào đó mà linh hồn nó được an vui và bình yên. Hùng mất đi, chúng tôi chỉ ước đoán như vậy vì ngày đó nghe đơn vị của Hùng đụng trận ở Đà nẵng, sau đó đơn vị tan hàng, từ đó không còn nghe tin tức gì nữa, chúng tôi nghĩ chắc Hùng đã chôn xác ngoài biển khơi. Gia đình chúng tôi vô cùng mừng và cám ơn anh thực nhiều, vì như vậy chúng tôi biết được chính xác về em tôi, gia đình từ đây cũng được yên tâm vì biết chắc Hùng không bỏ xác ngoài biển khơi, anh biết không nếu một mình em nằm chết ngoài biển thì lạnh lắm, chúng tôi sẽ lập đàn trai để đưa em về để nó không đói, khổ và lạnh.”

Và lần nói chuyện hôm thứ bảy ngày 5 tháng 2 năm 2011, vợ chồng người cháu cho biết khi tôi gọi về thăm hỏi gia đình cô: “cậu ơi, buồn quá bọn cháu đã vào Đà Nẵng hỏi thăm Gò Cà để tìm mộ cậu Hùng, nhưng trên Gò Cà mồ mã nhiều lắm không thể tìm ra được, bọn cháu cũng chẳng biết hỏi ai, nên đành phải trở về.”

Tôi nói: đây chỉ là một cái gò thôi mà. Cô bảo: “vì nó nằm trên bán đảo Sơn Trà thuộc miền biển nên gọi là Gò mà không gọi là Đồi. Thực sự nơi này như một nghĩa trang vô cùng rộng lớn, nó là một ngọn đồi thấp, rộng mênh mông, cậu có bao giờ tới đây chưa.” tôi trả lời: “cậu chưa hề tới đó bao giờ, thì ra còn quá nhiêu khê, không đơn giản.”

Như vậy, cháu chỉ còn hy vọng ngày nào cậu về thăm quê hương mới mong tìm được. Lại thêm một cuộc tìm kiếm mơ hồ nữa Hùng ơi. Ngày nào về lại quê xưa, một lần nữa anh sẽ cố tìm em…ôi người đàn em tội nghiệp, đời binh nghiệp của em quá đổi ngắn ngủi, chỉ có 2 ngày làm lính trận, mà phần còn lại để trở về quê cũ, được sống bên cạnh mẹ lại vô cùng xa xôi diệu vợi, không biết ngày đó có đến với em không. Hãy linh thiêng gíúp anh tìm kiếm, hởi người chiến binh đã chọn lấy cái chết kiêu hùng.

Ngồi đây viết lại những giòng cuối cuả câu chuyện kể, lòng thực qúa đổi chua xót, ngậm ngùi và thầm hỏi: “Có ai trong cuộc sống này, hơn 3 lần thân xác đã vùi xuống lòng đất mà vẫn chưa được yên nơi yên chốn. Phải chăng: chỉ có cuộc đời của những người chiến sĩ vô danh.

Atlanta,Viết xong ngày 13 tháng 3 năm 2011
Tân An Đoàn Văn Tịnh
Nguồn Thủy Quân Lục Chiến
Phần ghi chú:
- Chúng tôi không để tên và địa chỉ của những người đang sống ở VN.
- Chuyện kể được thực hiện qua thời gian dài từ 2009 đến tháng 3/2011
- Hình ảnh phần nhiều do gia đình cung cấp. Một số do các Niên trưởng và bạn bè gởi cho.
- Bài viết liên hệ: Trân chiến sau cùng của TĐ9/TQLC (đăng trên trang Web/TQLC )
- Phần tham khảo: tin tức của bạn bè và các NT cho, chúng tôi cũng viết lên, tùy người đọc nhận định.


No comments:

Post a Comment