Dai Tran K16/TVBQGVN
Ngày thu thật dài. Không phải tôi mong ngóng quá cái ngày mà ai cũng phải đến lúc "nhận lấy". Nhưng hiếm có ai "dại dột" ngược đời lại muốn ngày ấy đến mau. Không mong mà cứ kéo dài, ắt là nghịch lý! Tôi đã qua khỏi chuỗi ngày "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" đó rồi. Ác mộng đó đã thôi quấn lấy. Mà ở Atlanta GA, tôi chẳng thấy ai chịu khó "ngồi" đếm lá vàng cả. Sau nhà tôi chỉ có vài cây lớn, mà tôi phải nhọc-nhằn thổi lá mỗi tuần. Nay thì nhẹ người rồi. Vài hôm trước, là lần chót "thổi, quét" lá - vì rằng, cả 3 cây (là cây-cối, không phải "cây vàng") đều nhẳn-nhụi. Nói rằng "hận lá" thì không đúng, (vì lá thu nên thơ quá!), nhưng lá rụng đầy sân ... thì hết "lãng mạn", thật đó!
Vậy chuyện "đếm lá vàng" hay như bài hát "Nhặt Lá Vàng" với giọng ca của Mai Hân thì chỉ là "trong lời thơ, ý nhạc" và "trong tiểu thuyết" thôi.
Vậy chuyện "đếm lá vàng" hay như bài hát "Nhặt Lá Vàng" với giọng ca của Mai Hân thì chỉ là "trong lời thơ, ý nhạc" và "trong tiểu thuyết" thôi.
Ngày thu thì ta đi sớm một bước : kể chuyện "đông". Thu và đông thường sóng bước. "Quyển động thu nhật đích hoàng diệp - Quyển động đông thiên đích băng tuyết" (cuốn đi lá vàng mùa thu - cuốn đi băng tuyết mùa đông).
Tiêu đề "ĐẾM LÁ VÀNG" lần này là mượn nội dung câu chuyện ngắn (không nhớ trời Âu hay đất Mỹ) : CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG.
Hai bệnh nhân lao phổi trong giai-đoạn cuối, một vốn là nhà thơ (còn trẻ) và một là họa sĩ già. Họ đang được chữa-trị tại một bệnh-xá nhỏ miền quê.
Mỗi người 1 căn phòng nhỏ, sát vách nhau. Họ gặp nhau mỗi ngày, tâm sự. Lão họa sĩ vẫn lén-lút uống rượu (là điều cấm theo nội-quy ở đây). Lão vẫn "yêu đời".
Trời vào đông. Và thường thì lão họa sĩ qua phòng bên thăm nhà thơ trẻ. Ái ngại thấy bạn trẻ mỗi ngày cứ hốc hác, ho ra máu nhiều, nhà họa sĩ già hết cách, không biết nói gì hơn.
Chỉ vào một nhánh nho mờ hiện trên bức tường ngoài khung cửa sổ, nhà thơ trẻ lẩm bẩm : "chừng nào rụng hết?". Nhánh nho chỉ còn sót vài lá sau cùng.
Mưa tuyết vẫn rơi đều, nhưng mấy hôm nay mịt-mờ hơn. Chiếc lá nho cuối cùng vẫn thách đố mà "như run rẩy" nhưng không buông xuôi.
Nội dung câu chuyện là vậy, chỉ là chi-tiết "chắc chắn" khác. Đọc đã quá lâu rồi. "Dang dở" là bản chất, có gì toàn vẹn đâu?
Nửa tháng sau, nhà thơ trẻ như nhận được "phép lạ", chịu uống thuốc, chịu chích thuốc + ăn uống nhiều, và hồi phục.
Thân-nhân đến thăm, được bác sĩ cho biết hiện-tình sức khỏe của nhà thơ được củng-cố, làm thủ-tục xuất viện.
Thu dọn vật dụng cá nhân xong, nhà thơ lần đầu bước vòng ra phía sau, thăm cây nho với nhánh nho "cứu mạng" sát bức tường quanh bệnh xá. Vì rằng chờ mãi, nhìn từ trong căn phòng, chiếc lá nho sau vườn vẫn chưa rụng.
Hỏi thăm người bạn họa sĩ già, được biết lão đã qua đời nửa tháng trước. Nhưng tác-phẩm "vô giá" của lão đã được để lại. Nhà thơ trẻ to tiếng khóc khi thấy rõ chiếc lá cuối cùng trên tường chỉ là hình vẽ được sơn giống như chiếc lá nho - nhìn từ xa.
Và cũng nhân "MÙA TẠ ƠN" cuối tháng này, và "MÙA GIÁNG SINH" của cuối tháng sau, đem đến cho mọi người - bất cứ ai - một "phép lạ", một "hồng ân" như nhà thơ trẻ trong câu chuyện trên đã nhận được. Amen!
(Stone Mountain GA - Nov. 9, 2022)
--------------------------------------
Mà dù có thật hay giả, thì chuyện sắp nói cũng có chút mắc-míu với bài trước này.
Mà tôi cũng bắt đầu có thói quen, khi viết các bài NGÀN NĂM MÂY TRẮNG BÂY GIỜ CÒN BAY lại viết thêm bài tiếp ... (2), hay THÁNG CHÍN DÒNG SÔNG, lại "đẻ" ra ... (2). Thì ĐẾM LÁ VÀNG có "Hậu ĐẾM LÁ VÀNG" là ... (2), hay (3) ... cũng không gì lạ.
Ta nghe Kinh Thánh Cơ-Đốc viết : "Đều chi đã có, ấy là đều sẽ có ; đều gì đã làm, ấy là đều sẽ làm nữa ; chẳng có đều gì mới ở dưới mặt trời" (Truyền Đạo 1: 9 ; see 3: 15).
Trong giấc mơ, một người Âu-Mỹ chính-cống (cao, to lớn + đặc điểm của mắt, mũi, tóc) giận-dữ chửi tôi. Tôi không nhớ đương-sự nói tiếng Anh hay Pháp (mà cũng có thể nói tiếng Việt, as well - vì rằng bây giờ Việt-ngữ đã trở thành "ngôn ngữ quốc tế", chưa hẳn vì tiếng "An-nam" ta thông-dụng hay "cao-quý", mà chính "nhờ" người Việt ta sống rãi khắp "4 bể 5 châu".
Người ngoại-quốc nói trên cằn-nhằn : "Câu chuyện ngắn của tôi dài vài mươi trang giấy - thế mà anh đẽo gọt nó bi-thảm, nhẵn-nhụi thành một "squelette" trông không "dống" ai (dùng langage Pháp, vì tên này có vẻ hung-hăng, nóng-nảy, khác với người Anh, Mỹ "trầm-tĩnh, lạnh-băng"), chỉ trong mươi dòng. Ngắn thế thì làm sao tôi kiếm ăn bằng ngòi bút được?"
Cả hàng chục câu nhấn mạnh : anh phải, anh phải ... khi người ngoại quốc sấn-sổ áp sát mặt tôi - nước miếng, nước mũi văng dính mặt tôi. Tôi giận quá (quên mất đây chỉ là giấc mơ, vốn định đi vào toa-lét để rửa mặt).
Nội-dung cuộc gặp-gỡ gay-cấn, đó là tên này muốn tôi bổ-sung những chi-tiết không nói hết, về chuyện thi-sĩ trẻ và lão họa-sĩ già, được vắn-tắt kể trong "ĐẾM LÁ VÀNG"
Không lẽ delete "hầu hết", rồi viết lại "hầu như mới"? Vậy "ĐẾM LÁ VÀNG (2)" được sinh đẻ muộn. Chỉ cần bổ-sung một ít mà thôi - chỉ những điểm quan-trọng.
Tác-giả yêu-cầu tôi "kể lể" chuyện đời tư của thi-sĩ trẻ, trước khi mắc bệnh lao phổi, rồi được gửi đến bệnh-xá tại 1 vùng hẻo lánh, khi căn bệnh mỗi lúc mỗi trầm-trọng. Căn bệnh không đáng, nhưng tâm-lý bệnh-nhân khủng-hoảng vì thêm những yếu-tố khác.
Tôi từ-chối viết về phần này. Tác-giả có độc-giả của mình, tôi có độc-giả của tôi. Tác-giả không cần nói cái tôi của mình, nhưng tôi lấy cái tôi của tôi làm khởi-điểm. Vì cứu cánh - trong đó đối-tượng bài tôi viết là chính tôi.
Dĩ nhiên tôi vẫn còn nhớ nhiều chi-tiết của câu chuyện, trước khi viết bài "ĐẾM LÁ VÀNG" (1) - nhưng cách minh-giải vừa nói trên, đã khiến tôi "cố ý" phớt lờ hầu hết.
Tôi còn "bị" yêu cầu nói rõ việc nhà thơ trẻ - khi đến bệnh-xá đó - thì gặp lão họa-sĩ già đã ở đây tự bao giờ rồi. Không vô-tình gặp, mà chính lão họa-sĩ già "lân la" tìm đến. Không biết lão đã ở đây mấy năm - chắc lâu. Lão muốn tìm bạn. Một số bệnh-nhân ở đây, mới có cũ có, khoảng mươi người. Có người lành bệnh mà xuất-viện. Có người không lành bệnh, cũng xuất viện - nhưng vĩnh-viễn ra đi (là rời dương thế). Nếu có thân nhân thì được đem về nhà lo hậu sự, nếu không, cạnh bệnh-xá có nghĩa-địa - dành cho những ai "tứ cố vô thân".
Lão họa-sĩ già thật rất lâu, chẳng gặp ai "en jeu". Cũng một lẽ do lão, luôn xuề-xòa, xốc xếch, dơ bẩn (nghĩa đen). Không biết lão ghiền rượu lúc nào (như đã biết, quy định bệnh-xá cấm rượu), nhưng một phần lão cô-độc, không bạn-bè, nên "rượu" đã giúp lão tìm vui. Lão vốn "yêu đời". Viết thêm về cá-tính của lão họa-sĩ già thế cũng đủ. Ai muốn tìm hiểu thêm, chờ "trí nhớ" của tôi thêm "ca-lo-ri", tôi sẽ tìm xem tác-giả câu chuyện "CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG" là ai, sẽ có comment bổ-túc cho cả 2 bài (1) và (2) ĐẾM LÁ VÀNG.
Tôi cũng skip phần tường-thuật cảnh giao-tiếp giữa 2 người (thi sĩ trẻ và họa sĩ già). Nếu 2 người gặp nhau "dống" như các "bà Tám", thì e còn dài hơn các bộ sách của Kim Dung. Dĩ nhiên tác-giả câu chuyện và tôi cùng đồng ý, không xem 2 người bạn vong-niên trên là loại "chuyện dài, nói dai".
Tôi cũng không thể cường-điệu rằng lão họa-sĩ già "kể công" với nhà thơ trẻ việc mình phải bỏ công "vẽ" nên chiếc lá cuối cùng - ít nhất, không bị thổi rụng bởi cơn bão tuyết hôm đó. Tôi cũng không cần - như tác-giả câu chuyện - tạo cơ hội để thi-sĩ trẻ chợt thấy bạn già mình - chân khập khiễng vì đầu gối bị vết thương tươm máu + vệt rách dài của chiếc quần jean.
Lão viện lý do bị trượt té ngoài sân.
Tôi cũng không nói thêm việc lão họa sĩ già lén-lút kéo lê chiếc thang của bệnh-xá về chỗ cũ (kho vật dụng), mà lão đã dùng đêm bão tuyết. Lão chỉ sợ - và điều chắc chắn, ngay cả lúc bình thường - chiếc lá nho cuối cùng sẽ phải rụng mất mà thôi.
Thế thì có ích gì, thú-vị gì mà cái gì cũng phải "kể lể"?
Nói rằng, tôi chỉ gửi tâm-sự mình trên những trang giấy này, phải không? Cũng không chỉ vậy mà thôi. Lão họa-sĩ già, chắc không chỉ vì thỏa-mãn niềm vui riêng của mình và đã để lại 1 tác-phẩm vô-giá. Nếu chỉ là vậy, thì không tội gì phải "loay hoay" vất vả cả đêm mưa tuyết mịt-mờ. Để bị thương. Và cũng có thể là một lý-cớ chính-yếu nhận lấy tử vong!
Và nữa. Với hai bài viết cùng tiêu-đề "ĐẾM LÁ VÀNG", mang 2 số khác nhau (1) và (2), tôi nguyện dâng lên Đấng Chí Cao. Còn mươi ngày nữa, người ta tổ chức lễ Tạ Ơn. Tôi xin Tạ Ơn Ngài vì sự ban cho của Ngài không xiết kể (II Cô-rinh-tô 9: 15).
Rằng, mùa Giáng Sinh tháng sau (25/12/2022) nhắc ta "của lễ" - của lễ chuộc tội - mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người : "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời" (Giăng 3: 16).
(Stone Mountain GA - Nov. 12, 2022).
--------------------------------
AO THU ĐẦY
Sau những cơn mưa tầm tả cuối thu, nước ao lên cao và đầy. Ở Mỹ ít thấy ao (nhỏ), thường chỉ thấy hồ. Ngũ hồ tại vùng Bắc-đông-bắc Mỹ (Superior, Michigan, Huron, Erie, Ontario) vốn nổi tiếng là đẹp, và rộng mênh mông.Tôi không làm quen với tất cả hồ lớn trên. Chỉ biết Erie khi vài lần đến Buffalo, và thường mỗi cuối tuần chỉ đến hồ nhỏ Riley tại Rochester, NY - gần và cách khu apartment mà gia đình tôi thuê không xa (chỉ vài miles). Làm việc tại Rochester những năm 1994-1998, cuộc đời tôi "thu nhỏ" lại. Tâm hồn tôi cũng "thu nhỏ" lại. Bấy giờ lo làm việc. Cũng vẫn làm 2 job như hồi còn ở Ca-li : 1 full time, 1 part time. Không nghĩ đến "thì giờ rảnh", không nghĩ đễn những phương-tiện lưu giữ + truyền-đạt "tâm tình" mình. Nên không nghĩ đến computer.
Cuộc đời thu nhỏ, vì chỉ quanh-quẩn suốt 4 năm tại Rochester - 1 thành phố nhỏ bé (so với các thành phố lớn tại Mỹ). Xa lắm là chỉ 2 lần - mỗi lần vài ngày - "xuống" downtown New York, thăm "tháp đôi" trước khi vụ 9/11 xảy ra, và Tượng Nữ Thần Tự Do (để xem nền tự do ở đây có bằng sự tự do của VN dưới chế độ hiện nay không). Gần 1 chút là xem thác Niagara ngay tại biên-giới Mỹ-Canada. Và nhân tiện thuận đường, thăm Toronto (Canada) không xa.
Tâm-hồn thì càng "thu nhỏ" hơn. Chỉ mong được bình yên. Những tháng ngày trời đẹp của các mùa xuân + hạ, công việc bình thường, êm ả. Nhưng mùa băng tuyết gây thật khó-khăn. Mỗi sáng cào tuyết - 1 phần đóng thành băng, trên đường (chỗ đậu xe) và trên kiếng xe (cả 4 phía : trước, sau, 2 bên). Và nhiều hôm bão tuyết, lái xe chạy theo sau "xe cào tuyết + rãi muối" của Đội Cứu Hỏa địa-phương. Khác với những tiểu bang như ở Georgia, chỉ 1 ít tuyết, là có báo động thời tiết : trường học, hãng xưởng nghỉ học, nghỉ làm.
Chỉ được 1 chút an-ủi. Mùa thu New York, và miền Bắc Mỹ nói chung, có những mùa thu tuyệt đẹp, dù có hơi buồn "Rừng phong, thu đã nhuộm màu quan san". Chỉ những lúc này, tâm hồn tôi như sống trở lại, lớn trở lại, phong phú trở lại, và bay về với vùng trời cũ "MÀU ÁO XƯA THU VÀNG"
Tôi dùng chữ "ao" trong tựa đề trên, cùng tâm-tư hướng đến "ao thu" sau những cơn mưa lớn + nước lên cao. Tuy thế, tác-giả Lý Thương Ẩn trong bài "Dạ Vũ Ký Bắc" lại viết "Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì". Chỉ là ý-nghĩa bình thường, "trướng" là đầy (Đêm mưa Ba Sơn khiến ao thu đầy). Nhưng tiếng Việt cho chữ "trướng" một nghĩa "tối đa" : phình trướng.
Nước ao thì không phình trướng, mà là đầy quá và có cơ tràn khỏi bờ ao. Tại VN, tôi cũng có nhiều dịp sống cạnh ao. Cũng đã sống không biết bao nhiêu mùa mưa nắng, nhưng chẳng bao giờ thấy nước ao tràn khỏi bờ. Nhưng nước tràn khỏi bờ sông thì có.
Kỷ niệm lụt Quý Tỵ 1953, tôi suýt chết đuối khi bơi từ nhà đến bờ sông Hương để xem mấy bậc đàn anh cứu các nạn-nhân - không xa, bờ sông Hương cách nhà chỉ khoảng 400 mét. Tôi bơi chuyền từ gốc phượng này đến gốc phượng khác (2 gốc cách nhau chừng 20 mét), và lần suýt chết vì hụt tay mà bị nước cuốn xa khỏi gốc phượng đang nhắm đến. (Anh ruột tôi + anh XXX - bạn anh tôi - kéo kịp tôi và đưa tôi đến 1 gốc phượng gần đó, và bảo tôi lội về nhà). Thú thật, tôi rất chóng mặt vì nhiều cái "tôi" này!
Từ chuyện ao thu đầy, tôi nhắc đến "hồ" của Mỹ. Mỹ cũng thường có lụt. Thiên tai xảy đến cho New Orleans (Louisiana, Mỹ) dạo nào thật kinh-khủng. Cứ tưởng-tượng 1 vùng mênh mông 467 km2 tràn ngập nước. Thì không còn chỗ nào bị lụt lớn hơn - trừ Đại-hồng-thủy (theo Kinh Thánh Cơ-Đốc).
Trừ chuyện trên ra, hiếm khi mặt nước hồ tràn khỏi bờ. Và cũng có thể xảy ra trường hợp đó, nếu mùa đông đừng đến (hay đến chậm). Mà mùa đông cũng thường đến kịp để mặt hồ đóng băng.
Bây giờ tôi đã có computer trước mặt. Tha hồ "tâm sự". Ai có thắc-mắc "Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ. Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì ..."
(Người hỏi ta bao giờ về, ta nói rằng chưa có dịp. Mà tại Ba Sơn này, đêm mưa đã khiến ao thu đầy rồi" - Sao người về chưa thấy?)
Vậy thì, hóa ra cứ nói quanh quẩn mãi. Chỉ là chuyện "một ngày về được hứa-hẹn" lại khiến "nước ao" đầy vơi!
Đặng Trần Côn chỉ viết 6 câu (166-171 : "Tích niên hồi thư đính thiếp kỳ. Kim niên hồi thư đính thiếp quy. Thư quy nhân vị quy. Sa song tịch mịch chuyển tà huy. Tà huy tà huy hựu tà huy. Thập ước giai kỳ cửu độ vi" ...
(Thư năm ngoái hẹn, thư nay hứa về. Thư về người vẫn chưa về. Rèm thưa tịch mịch, não nề tà dương. Tà huy lại khoác tà dương. Mười lần hẹn ước chín thường lãng quên) - Tôi tạm dịch thử, tóm-tắt với 5 câu lục bát.
... mà bà Đoàn Thị Điểm lại phóng bút "phỏng dịch" với ý lãng-mạn "tân thời" bằng 8 câu : "Tin thường lại, người không thấy lại. Gốc hoa tàn đã trãi rêu xanh. Rêu xanh mấy lớp chung quanh. Sân đi một bước, trăm tình ngẩn ngơ. Thư thường tới, người không thấy tới. . Bức rèm thưa lần dãi bóng dương. Bóng dương mấy buổi xuyên ngang. Lời sao mười hẹn, chí thường đơn sai"
Tôi dùng ý trên trong bài "CUỒN CUỘN ĐẾN RỒI CUỒN CUỘN ĐI"
Lẽ ra "AO THU ĐẦY" nên là 1 bài tùy bút. Khi đông về, tạm biệt những ngày cuối thu. "Lá ngoài đường" không rụng đầy, mà ngập vườn ta (khiến mình quét, thổi mệt nghỉ!), và cũng ngập "hồn" ta, khiến ta muốn "thu mình".
Không "thu mình" không được. Những ước ao thường khó thành hiện-thực! Chỉ việc đứng trước 1 hoạt-cảnh - vốn bất di bất dịch - thế mà mình không theo kịp. Ngày thu cũng không khác chi những ngày khác của các mùa khác - mỗi mùa chiếm lấy 90 ngày của 3 tháng. Tuy thế, cảm-nhận khác với thực-trạng.
Bài "ĐẾM LÁ VÀNG" bắt đầu với câu "Ngày thu thật dài .." chưa kịp thở-than với "Thu vàng, Mùa thu không trở lại, Mùa thu lá bay, ..." thì đông đã chớm với gần 2 tuần qua, thời-tiết về đêm có lúc dưới 32 độ F. Thế là Lễ Tạ Ơn + Giáng Sinh đã "xôn xao" ngoài cửa. Rồi bỗng chốc, xuân về lúc nào không hay!
Vậy, nói rằng cuộc đời tôi "thu nhỏ" đã từ lâu, thì tâm hồn tôi cũng đã lúc nào "thu nhỏ". Vì đã có lúc, "ao thu đầy", mà hoài-vọng mòn mỏi quá đi, ta cũng sẽ như mặt hồ (tại Mỹ) - là hồ lớn (Ngũ hồ) hay hồ nhỏ (hồ Riley tại Rochester, NY hay hồ Lanier tại Tiểu bang Georgia, Mỹ) - cũng hơi oan cho hồ Lanier này (với diện thích 150 km2, thì nó cũng là khá lớn - nhưng nó chỉ là 1 hồ chứa nước dùng cho các tiểu bang : Georgia, Florida, Alabama). Ta cũng sẽ như các mặt hồ đó mà đóng băng khi mùa đông đến. Mùa đông không đến chậm bao giờ!
Và, xin Lý Thương Ẩn đừng buồn khi nhắc lại kỷ-niệm Ba Sơn. Kỷ niệm lúc ao thu đầy qua mưa đêm, họ cùng cắt hoa đèn, và chắc cũng không quên "hội-ngộ-tửu". Rượu tao-phùng lúc nào mà chẳng sẵn sàng?
Và đó chỉ là mơ-ước. "Ngày thu dài" nhưng qua cũng thật mau, mang theo nỗi nhớ như cơn lốc. Rồi biến mất, cùng lời hẹn xưa.
"Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ. Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì. Hà đang cộng tiễn tây song chúc. Khước thuyết Ba Sơn dạ vũ thì"
(Em hỏi anh khi nào về? Chưa về được. Đêm mưa Ba Sơn khiến ao thu đầy. Nhớ lúc cùng nhau cắt hoa đèn bên song cửa. Rồi kể nghe chuyện Ba Sơn đêm mưa)
(Stone Mountain GA - Nov. 22, 2022)
ĐỌC VÀ NHỚ
Có ai đã từng một lần - thất nghiệp, không biết làm gì - ngồi suy-nghĩ vẩn vơ, rồi điểm lại mình đã đọc bao nhiêu sách, truyện, văn thơ đủ dạng. Mà tự hỏi, chừ còn nhớ được những gì?
Tuổi thơ dễ ghi-nhận dấu ấn lâu dài nhất. (Chắc vì vậy, thầy giáo thường bắt học trò "học thuộc lòng"). Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Nhị Thập Tứ Hiếu, v.v... Ngay cả những tác phẩm văn chương chỉ được dạy từ cấp trung học như Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc, Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, v.v..., tuy thế, nhiều lão-phụ cả đời không cắp sách đến trường (chỉ được dạy cơ-bản Tam Tòng, Tứ Đức rồi lấy chồng sinh con) lại thuộc lòng các sách nói trên. Để về già, 70, 80 hơn - các cụ còn đọc vanh-vách!
Và cũng còn tùy những khuynh-hướng tự nhiên của mỗi người. Cụ nào sống nhiều về tình-cảm thì mới để tâm-trí học, đọc các áng văn, thơ đó - thường ngâm-nga và nhớ mãi. Cụ nào lòng "khô-khan", thì chắc không được như vậy.
Tôi không được như các cụ ông, cụ bà tiền-bối đó. Ngoài những đam-mê (nói về văn, thơ) từ thuở thiếu-niên - không chủ-tâm mà vẫn còn nhớ đến nay - thì về sau, nếu đọc nhiều, thường có thói quen trong đầu óc chỉ tóm-tắt phần nội dung. Chi-tiết buộc phải đi vào quên-lãng.
Những năm gần đây - kể từ lúc chợt thấy "cuộn chỉ thời-gian" của mình cuốn rất nhanh - bớt đi đam mê "học hỏi" (khi tự đặt những câu hỏi : 80 tuổi rồi, học thêm để làm gì? Khi vĩnh-viễn ra đi thì ai cũng "dống" nhau - phi thường, tài giỏi mà chi! học rộng, tài cao mà chi! có hơn chi kẻ tầm thường? Điểm lại, hóa ra kẻ cứ "bình thường" còn bình an, hạnh phúc hơn người "đa sự").
Ý-nghĩ này không mới-mẽ. Tôi đã nghe nhiều rồi, "biết lắm rồi". Biết mà thật ra "vẫn không biết", là vậy đó! Chỉ phải đến một lúc nào đó, BIẾT + CẢM NHẬN đến cùng lúc, thì bấy giờ ta mới biết "sợ" mà dừng ngay thôi. Thế mới là biết "thật"!
Thời-gian sau, tôi đã tìm vui khi lên online đọc sách - và viết trên FB cá nhân (là viết cho tôi). Để bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể đọc lại, mà cười với mình (về những câu dí-dỏm), hay bực mình (vì những chữ vô duyên), v.v...
Đọc xong hết những tập "dã, ngoại" sử của Trần Đại Sĩ (Yên Tử Cư Sĩ), tôi thán phục công-trình nghiên-cứu của tác-giả. Ông đã tìm-tòi công-phu tên người, địa danh, nhiều sự-kiện mà đối với tôi, là lần đầu được biết. Ông tìm dịp đến Trung-quốc thăm Động Đình hồ, hỏi tìm tung-tích Nữ-tướng Phật Nguyệt thời Hai Bà Trưng (vị Nữ tướng này tử trận tại đấy). Chuyện ông gặp lại cháu chắt của Trần Di Ái, Trần Ích Tắc (đời Trần) - của 8 thế kỷ sau - thật không ngờ. Nhưng mối bất hòa giữa họ và ông khiến tư liệu về họ Trần (cuốn gia phả chung) không được bổ-túc ...
16 năm trước, khi lần đầu làm quen với computer, tôi nhờ con trai hoàn-tất các bước. Và từ đó - vẫn chưa retired dù đến tuổi - tôi đã hầu như xem việc ngồi trước computer là "nhu cầu cấp thiết".
Rồi, hết các bộ truyện của Trần Đại Sĩ, tôi tìm đọc các sách dịch từ tiểu thuyết, văn học Trung-hoa (đủ dạng). Đến nay, có lẽ hơn trăm bộ sách đã được đọc. Quân-sự, lịch-sử, quan-trường, chính-trị, kinh-tế ... không chừa 1 thứ gì của Trung-hoa (trước) và Trung-quốc (sau). Không ngừng, nghỉ - như những thước phim diễn ra trước mắt tôi.
Có lúc ngồi "thần" người ra, chỉ để tìm cách viết 1 bài để than-thở cho cuộc đời của Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý Phi thời Đường Minh Hoàng [Lý Long Cơ]). Có lúc muốn viết để trách Khuất Nguyên vội-vã chi mà tìm đến con sông Mịch La đó!
Đọc nhiều nhất chỉ lúc thiếu thời, để rồi quên hết. Mê đọc rồi quên mau. Thế nhưng có những chuyện "vô thưởng vô phạt" thì nhớ mãi.
Tôi không nhớ mình biết đọc lúc nào. Chỉ nhớ vào 1948, khi học élémentaire (lớp ba tiểu-học), rất thèm đọc. Cái gì có chữ (tiếng Việt) là đọc.
Bấy giờ tại Huế đã hơi yên. Pháp đã tái chiếm VN. Bảo Đại chưa về nước, nhưng cơ-cấu của chính-quyền mới (Quốc-gia VN trong liên-hiệp Pháp) đang được hình thành. Tôi theo gia-đình bác ruột tôi từ Nam Giao xuống Bến Ngự. Căn nhà thuê, cạnh chợ. Rộng và sâu - phía sau có đường đất ra thẳng bến sông, ngay chân cầu.
Nhà chứa mấy gia-đình - 1 số chưa dám về quê, vì còn bất ổn. Bác tôi là Thư-ký cho Chủ-Tịch Hội-đồng Quốc-gia Liên-hiệp. Lê Quốc Đại, người con nuôi của bác tôi - trên 20 - vừa làm bảo vệ vừa làm tạp dịch cho văn-phòng cơ-quan. Tôn Thất Luận, cháu gọi bác gái là dì ruột. Anh đang học Đệ Tam trường Khải Định (chung cơ sở với Đồng Khánh), và các trường vừa mở cửa trở lại kể từ niên-khóa 1948-1949. Anh dạy kèm chúng tôi (2 anh em tôi và 1 con lớn của bác tôi).
Thế là văn chương, chữ nghĩa, văn nghệ, âm nhạc, thi thơ đến với tôi từ 2 người anh trên. Anh Đại (tên gọi ở nhà là "Mới") thích âm-nhạc. Anh nắn-nót kẻ hàng trên những trang giấy trắng (chỉ là "trắng vừa vừa") và viết lại những nốt nhạc. Anh mượn từ đâu những bài nhạc xưa, rồi chép lại. Anh thổi sáo, chơi măng-đô-lin. Nào "Thiên Thai", "Trương Chi", "Trầu Cau", "Dư Âm", v.v... mỗi ngày vang lên, dù ai muốn hay không muốn nghe cũng mặc.
Còn anh Luận (tên gọi ở nhà là "Khá") thì chuyên về văn, thơ. Thấy anh tội-nghiệp cắm-cúi viết rồi xóa -còn lại có mỗi 1 câu "Em có thấy lá vàng rơi lả tả". Không thêm nỗi câu thứ 2. Tờ giấy bị vứt trong góc, tôi nhặt được và đọc. Tôi vốn hay nghịch-ngợm, thế mà vẫn chịu khó "lặng im".
Cả 2 ông thần "Mới và Khá" đối với đàn em như tôi, không kiêng nể chút nào. Sẵn sàng là mấy bạt tai rất dễ-dàng và mau chóng giáng "xuống" má tôi. (Bị má trái, có lần tôi thử đưa má phải, 2 anh cứ tự nhiên đánh tiếp - thường thì 3 bạt tai, rồi ngưng. Chắc 2 anh thuộc nằm lòng câu "Bất quá tam đa").
Dùng chữ "xuống" vì tôi thấp so với 2 đại-ca.
Tuy học lớp ba tiểu-học, nhưng tôi đọc rất nhanh, sành-sõi. Tôi không nhớ đã tập đọc, viết lúc nào.
Phòng ngoài căn nhà dùng làm văn-phòng cơ-quan. Sinh-hoạt của cả nhà chỉ tiến-hành ở lối phía sau nhà. Riêng buổi tối thì mọi sự đi lại bị cấm ngặt.
Ngày nào anh Đại cũng lo dọn dẹp vệ sinh văn phòng. Rất sớm, trước khi bọn tôi đi học. Và tôi cũng chờ dịp ấy mà có được đủ loại giấy tờ, báo chí không quan-trọng bị anh vứt vào thùng rác sau nhà. Tôi lục xem. Ngoài việc đọc những loại giấy tờ linh tinh khác, thì tôi luôn là "độc giả" trung thành của nhật báo ? (Tia hay Tin Sáng thì phải), đọc và không bỏ sót 1 chữ của bài "Người Do Thái lang thang" (chuyện dài, đăng mỗi ngày - như trang Nhân Dân Tự Vệ của VNCH sau này).
Và tôi cũng hay theo anh Luận (Khá) xuống An Cựu thăm bạn của anh. Một hôm, đến nhà anh XX, nghe anh này tâm sự với anh Luận : "Thằng Phong bỏ học mà lên chiến khu rồi". Anh Luận cũng thường đem về những tập thơ viết tay. Thế là các tên Xuân Diệu, Huy Cận, và nhất là Tố Hữu đã sớm đến với tai và mắt của tôi. "Trường tôi vách đất, lợp bằng tranh ..." Và đến tận bây giờ!
Trong nhà hình như xuất hiện 2 khuynh hướng chính trị. Anh Mới (Đại), người Thanh Hóa, nhận bác tôi làm cha nuôi, theo về Nam (Huế). Chắc gia đình anh có vấn đề vào 1945, mà anh bỏ quê với lòng oán hận VM. Sau này anh đi lính quốc-gia (VN).
Anh Khá (Luận) cùng người em gái (Tôn Nữ Lý) thì chút khác. Anh luôn dạy tôi những bài hát chống Pháp. Chị Lý hơn tôi 2 tuổi - tuy còn nhỏ, cũng rất nồng nhiệt với "lời tuyên truyền" của anh mình. Bố của 2 người là Cựu Tri-huyện Hương Cần, Thừa Thiên.
Sau này tôi mới biết, người anh cả của Luận và Lý là Tôn Thất Thức. Anh Thức vào 1945, là Trưởng Ty Công An VM tại Huế. (Sau 1975, Thức đã là cấp Tướng - nhưng vẫn nghèo đói - thường vào Sài Gòn gặp anh Luận để "mượn vàng").
Dời về 10 Trần Thúc Nhẫn các năm 1949, 1950, tôi sống với cô ruột tôi. Chỉ cách chỗ cũ khoảng 400 mét, cùng đường. Hướng chạy thẳng gặp đường Khải Định, và cuối thì gặp đường ? (Lê Lợi thì phải), song song cạnh sông Hương - đi qua các trường Quốc Học, Đồng Khánh.
Tôi vẫn mê đọc truyện. Đọc chán những sách Tàu (dịch) từ "thư viện" là nhà bạn, Thân Trọng Ân - tôi hỏi mượn 2 người cháu là Bửu Phương và Minh Đa. Hai tên này cũng rất văn nghệ, cũng có nhiều sách, truyện - nhất là cùng nhà, khỏi đi xa mất công.
Bấy giờ 1 cuốn sách mà tôi rất mê đọc. Đọc rồi, đọc lại đến lần thứ 3. Còn khóc nữa, ngồi 1 mình. Đã học thuộc gần hết những bài thơ trong đó (giờ chỉ còn nhớ vài câu). Đó là cuốn "Dưới Rặng Thông" của Nguyễn Dân Giám, sách xuất bản năm 1944.
Chỉ là chuyện tình giữa tác-giả tại Pháp với cô Yvonne. Rồi lại yêu thêm cô em là Elizabeth - cô này chết trong cuộc chiến Pháp-Đức năm 1942, sau cái chết của chị vào năm trước vì lao phổi (1941).
"Thôi chuông đừng đổ từng chiều - Mà thôi sóng cũng đừng khêu-gợi hoài" ... "Một mùa mưa tuyết đang rơi - Ngàn thông trắng xóa một trời nhớ thương - Mà người thiếu nữ băng sương - Nghìn năm in bóng Tây phương lạnh lùng ..."
Mở đầu cuốn truyện, tác giả mượn mấy câu đầu của 1 bài thơ + dân ca Pháp, viết bằng tiếng Pháp. Bấy giờ tôi cũng đã có 1 số vốn tiếng Pháp rồi. Các câu đó :
"Ô, doux printemps d ' autrefois - Vertes saisons (òu) vous avez fui pour toujours ..." (Lúc ấy tôi dịch : Ôi mùa xuân đẹp ngày xưa. Mùa xuân tươi thắm người chưa trở về).
Đoạn thơ này không những lời không thay đổi đã hơn 70 năm qua, mà tình cũng giữ yên trong từng đó năm, để lòng cậu bé trước đã thổn-thức, thì lòng già nay vẫn bồi-hồi!
Rồi, "Yêu Chỉ Một Lần" đến với tôi. Tôi đã có bài viết với tựa đề này. Chi-tiết xin các bạn hãy xem lại bài viết đó. Tác-giả là Hoàng Công Khanh. Cũng không nổi tiếng lắm trong văn-học VN. Ông chỉ đóng góp nhiều cho chính-quyền CSVN.
Sách với bối cảnh gần trước và sau 1945, dù được xuất bản khoảng 1954. Không hiểu sao tôi lại có cuốn truyện đó, 1 lần với cuốn kịch thơ "Bến Nước Ngũ Bồ" cùng tác-giả. Và tôi chỉ còn nhớ 1 chuyện : vừa là đàn anh vừa là bạn, Lê Hữu Bôi đã mượn tôi cuốn sau, và chưa trả. Bài viết "Huế và Tôi" có nhắc chuyện này. Mà anh, đã miên-viễn ra đi từ 1968 tại Khe Sanh.
"Về đây nghe sóng Ngũ Bồ - Về đây uống cạn dăm vò rượu đau - Rưng rưng tiếng hát nghìn câu - Hoài công giặt lụa cho nhau một đời". Giờ đọc lại, có những chữ thấy ngớ-ngẩn, nhưng vẳng có âm thanh - Có là "sound of silence"?
Tôi thích cuốn "Yêu Chỉ Một Lần" vì nó đến với tôi đồng thời với những mối tình đầu tôi đã trãi. "Màu áo tím ôi sao mà quyến rũ - Màu mắt nào ai tóc quấn vành mây - Người đi đâu cho thẹn những đường cày - Đây với đó có bao lăm sông núi ...".
Tác-giả, 1 bên nợ tình, 1 bên nợ máu xương với kẻ thù (Pháp). Gạt bỏ tình mà chọn mặt kia. Tác giả - cuối truyện - hối hận vì lý tưởng không đến như ước vọng. Bất mãn với cấp chỉ huy kém học, hung bạo, sau cùng đã chiếm mất người mình yêu. (Tôi hoài nghi vì sao sách này đã không còn tái xuất bản).
Niết - tên cô gái, người mà tác-giả đã yêu, nhưng tác giả không muốn đi xa hơn. Dù trong 1 dịp sau cùng, Niết muốn hiến thân trước khi theo lệnh Đảng mà chính-thức làm vợ tên huyện ủy Nam Đàn. Trên chiếc thuyền xuôi dòng, 2 người qua đêm suốt mấy ngày trước khi đến địa điểm chia tay, đã hơn 1 lần Niết sẵn lòng trao thân, nhưng tác-giả quyết-liệt từ chối. Ngọc là em gái của Niết, lại âm thầm yêu tác-giả. (Sao lại "dống" như cuốn "Dưới Rặng Thông" vậy?)
"Anh rời xứ Quảng từ hôm ấy - Gót sắt dồn vang chuyển núi sông - Em mang cánh áo hờn xây nếp - Về giữa mùa hoa đỏ ngợp lòng - Miền này mây núi sáng cô liêu - Cuộc sống hiền như quán chợ chiều - Em đến ven đời trao cánh gió - Mười đêm trăng lạnh tủi đìu hiu". "Quảng" ở đây là Quảng Bình (Đồng Hới) của tác giả - khác với Quảng Ngãi ... của tôi.
Đọc và hồi-tưởng. Điều gì còn lại? Điều gì quên đi? Và khi ta nhớ lại, giá-trị đã không còn trên những lời, chữ đó nữa. Mà chính là tinh-thần. Nếu khi nhớ lại điều mình đã đọc, ta chợt thấy lòng bồi-hồi, ấy chính là điều ta cần và muốn nói đến. Nó an-ủi ta!
(Stone Mountain GA - Nov. 14, 2022)
No comments:
Post a Comment