Một đêm mưa to gió lớn, trong giấc ngủ mệt nhọc tôi mơ thấy cha tôi trở về thăm nhà. Cha mặc chiếc áo len xanh đậm kiểu vỏ na viền trắng mà mẹ tôi đã đan cho cha cùng với cái quần ka ki đen cũ.
Một đêm mưa to gió lớn, trong giấc ngủ mệt nhọc tôi mơ thấy cha tôi trở về thăm nhà. Cha mặc chiếc áo len xanh đậm kiểu vỏ na viền trắng mà mẹ tôi đã đan cho cha cùng với cái quần ka ki đen cũ. Tôi mừng rỡ vùng dậy định chạy đến bên cha, nhưng không hiểu sao tay chân tôi lại cứng đờ không cựa quậy được, tôi mấp máy môi gọi:
Cha tôi chậm rãi chống gậy bước đến gần tôi buồn bã hỏi:
- Mẹ mày đâu sao bố tìm hoài không thấy?
Tôi lắc đầu nói:
- Mẹ mất lâu rồi, bố không nhớ sao?
Cha trợn mắt lên sững sờ:
- Trời, mẹ mày mất hồi nào mà sao bố không biết vậy kìa?
Im lặng vài giây, cha tôi quay đi dấu ngấn lệ buồn trên mắt. Đó là câu hỏi cuối cùng của cha về mẹ tôi trước khi ra đi vĩnh viễn. Câu hỏi này đã làm cho tôi mơ hồ nghĩ, có lẽ nào nơi thế giới bên kia cha vẫn miệt mài đi tìm mẹ tôi giữa đám đông xa lạ? Cũng có thể lắm vì mẹ tôi hãy còn yên vị ở Việt Nam và cha tôi thì đang nằm ở thành phố Salt Lake (Utah). Tôi cố gắng dơ cánh tay lên để nắm lấy tay cha tôi, cánh tay vẫn tê cứng không theo ý tôi muốn. Chợt, cha ngoái đầu lại vẫy tay tạm biệt tôi và bảo:
- Thôi, để bố đi tìm mẹ mày kẻo trời tối.
Rồi cha đi loạng choạng dưới làn mưa bụi mờ. Lúc đó, tự nhiên một sức mạnh vô hình đã làm tôi bật dậy được và chạy theo cha. Tôi dang rộng tay để ôm lấy cha tôi nhưng chỉ là một cái ôm hụt, cha tôi biến đi nhanh quá. Tôi hoảng hốt gọi theo:
- “Bố ơi, bố ơi!”
Giật mình thức giấc, một cảm giác xót cay tràn lên mắt tôi rồi những giọt mặn trào ra trên má. Bên ngoài, tiếng mưa rào rào tạo thành một thanh âm buồn, lạnh lẽo, và cô quạnh. Thỉnh thoảng có những tia chớp từ lòng mây loé lên chút ánh sáng bên khung cửa sổ. Nhìn mỗi tia sáng chớp nhanh ấy, tôi linh cảm như có gương mặt cha tôi hiện về phút chốc với mỗi sắc diện khác nhau; sắc buồn nhiều hơn sắc vui, sắc phiền não, âu lo nhiều hơn sắc bình an.
Những cảm xúc đó hằn rõ trên từng nếp nhăn, khắc họa một nỗi buồn sâu xa trong đôi mắt già nua, kéo dài sự bất an trong tâm não khi nhiều cơn ác mộng về những tháng ngày tù tội, những đau thương cơ cực trên đất nước Việt Nam dưới sự cầm quyền của chế độ CS, còn ám ảnh cha tôi đến tận ngày cuối cùng trên giường bệnh. Sự buồn phiền đã vật cha ngày càng yếu đi, để rồi kiệt sức ngay trước giờ hấp hối chẳng thể nói được một lời nào với các con. Cha tôi đã cam phận mang theo trên đường về với cát bụi, sự đau buồn, tủi nhục của thân phận một người sĩ quan VNCH sau cuộc chiến, sự ước mơ thành đạt cho các con, và sự hy vọng một đổi mới cho quê hương.
Nhờ đọc cuốn hồi ký của cha tôi để lại, tôi mới biết được cuộc đời binh nghiệp của cha thật ly kỳ, tuy đã mặc áo lính từ khóa 1 Nam Định, và đã được đi tu nghiệp về ngành Quân Cụ ở Pháp vào năm 1952. Khi về nước, cha tôi phục vụ ở Nha Quân Cụ một thời gian ngắn, chưa bao giờ có dịp cầm súng ra trận. Dù vậy, cha tôi vẫn không phải được an nhàn dậm chân ở nơi làm việc nào cố định, vì cái nghiệp “thầy đồ” đã đeo đuổi cha theo lệnh biệt phái sang ngành dạy học, để đời lính phải gắn liền với phấn trắng bảng đen từ lúc rời nha Quân Cụ.
Do tính khẳng khái không chịu khuất phục những lệnh không đúng của thượng cấp nên cha tôi thường “được” thuyên chuyển từ nơi này sang nơi khác. Cha tôi đã hai lần thuyên chuyển từ Sài Gòn lên trường Võ Bị Đà Lạt, lần thứ nhất vào năm 1958 và lần thứ hai vào khoảng giữa năm 1968. Với một gia đình đông con, mỗi lần di chuyển chỗ ở theo chân cha tôi về nơi làm việc mới thì không dễ dàng chút nào, thế mà cha tôi vẫn vui vẻ chấp nhận, càng chăm chỉ lẫn kiên quyết hơn với cuộc sống luôn theo lẽ phải của mình.
Cha tôi đã giữ trọn vai trò một người sĩ quan tận tụy, thanh liêm, một ông bố mẫu mực, một người chồng chung thủy trong suốt hơn hai mươi năm vắng bóng mẹ tôi. Đã nhiều lần tôi nghĩ, nếu không có sự gần gũi và dạy dỗ của cha thì chắc chúng tôi chẳng bao giờ trưởng thành. Sự trưởng thành được rèn luyện từ ý chí sống và làm việc, trách nhiệm với gia đình, say mê với công việc mình đã chọn, luôn trau giồi kiến thức để nâng cao tầm hiểu biết trong cuộc sống. Cha tôi đã áp dụng cho các con những điều cần thiết này khởi nguồn từ những bài dạy mang đầy tính kỷ luật quân đội. Tôi vẫn còn nhớ cha thường hay la mắng tôi là:
“Làm thầy thì là thầy dốt, làm thợ thì là thợ vụng”.
Câu này dành cho tôi thật không sai chút nào, bởi cuộc sống ngặt nghèo với cơm áo gạo tiền trong những năm tháng sau 1975 khiến tôi đã bỏ cái thú đọc sách, một thú tiêu khiển được coi là xa xỉ vào thời đó, vả lại lúc bấy giờ cũng chẳng có sách hay để mà đọc. Bao nhiêu sách hay, sách giá trị đã bị nướng hết vào phong trào “bài trừ văn hoá đồi trụy” rồi! Những loại sách truyện tuyên truyền về cuộc chiến tranh của Cộng Sản hay những người lính CS Nga thì tôi không muốn đọc chút nào. Hơn nữa, tiền ăn còn không đủ thì tiền dư ở đâu ra mà mua sách đọc. Sự mong muốn nâng cao tầm hiểu biết qua việc đọc sách như cha tôi vẫn thường khuyên bảo đã bị bào mòn. Kiến thức sách vở của tôi dạo đó rất hạn hẹp, đã thế chuyện thời sự tôi lại càng không quan tâm đến. Nhưng, cha tôi thì khác, khi trở về từ trại tù, cha bắt đầu lại công việc “thầy đồ”. Mặc dù bận rộn với sinh nhai, cha tôi vẫn luôn nghe ngóng, theo dõi tin tức thời sự trên báo, hay radio. Với đồng lương ít ỏi kiếm được, cha tôi còn dè xẻn để mua sách đọc. Sách nào cha cũng đọc, để tìm hiểu về cuộc sống, tư tưởng của những người cầm bút dưới chế độ CS, để thấy rõ được sự giả dối trong từng bút pháp hoặc những cách viết lèo lái ca ngợi như thế nào, để khi rảnh rỗi, cha tôi kể lại và phân tích cho chúng tôi nghe…
Sang đến đất Mỹ, vì muốn cha được tiếp tục làm bạn với sách khi phải ở nhà một mình trong lúc chúng tôi đi làm, em gái tôi thường đi thư viện hàng tuần mượn sách về cho cha tôi đọc. Cha đọc say mê cả ngày lẫn đêm, vì cha còn muốn kể cho các con nghe về nhiều điều hay từ những cuốn sách mới. Song, lúc bấy giờ, chúng tôi thì quá bận rộn với việc làm và việc học nên rất ít thì giờ ngồi bên cha nghe kể chuyện.
Thỉnh thoảng có vài vị cựu sĩ quan cũng thuộc diện H.O ghé thăm gia đình tôi (so với cha tôi họ còn trẻ). Cha rất vui khi có người đến chơi trò chuyện, những chuyện thời sự từ bên nhà, những câu chuyện hay, cha vừa mới đọc trong sách, chuyện chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục. Khi nói chuyện với những người không quen biết từ trước, cha tôi thường không thích nói về thân thế mình. Họ chỉ nghe từ cha tôi ba chữ trả lời đơn giản “Tôi là lính” cho cùng một câu hỏi “Trước kia ông làm gì?” Do đó một số người không hề biết cha tôi đã từng là sĩ quan ở trường Võ Bị Quốc Gia VN, là một ông quan văn đã truyền đạt cho các lớp sinh viên nhiều kiến thức văn hoá, chuẩn bị cho họ trở thành một sĩ quan “văn võ song toàn” trước khi gia nhập vào các binh chủng Việt Nam Cộng Hoà.
Cho đến khi cha nằm xuống, những người trong nhóm H.O đến giúp gia đình tôi việc tang chế, họ mới biết cha tôi, người đàn ông già, tàn tật, lẫn lộn kia đã có một thời binh nghiệp ra sao khi họ được nghe một bài văn điếu và những giòng sơ lược về cuộc đời làm việc của cha do một vị đồng hương đọc, cũng như, họ nhìn thấy nhiều vòng hoa gửi tới từ các hội cựu SV/ VB, cựu giáo sư VBQGVN, vòng hoa của các bạn cha tôi trong nha Quân Cụ... Trong nỗi ngậm ngùi đưa tiễn, chúng tôi cảm thấy rất tự hào về người cha yêu quí của mình, và vô cùng cảm động trước tấm lòng của những người đồng hương đã tận tình giúp đỡ chị em tôi hoàn tất chu đáo buổi tang lễ.
Mỗi khi nhớ đến hình ảnh cha tôi với bộ quân phục trên người là tôi lại nghĩ đến hoàn cảnh bi đát của nhiều, nhiều, và rất nhiều gia đình sĩ quan VNCH sau ngày 30 tháng Tư. Tôi đau xót cho hàng trăm ngàn nhân tài miền Nam bị bắt vào trại tù man rợ dưới danh nghĩa “Học tập cải tạo”. Tôi thương cho biết bao số phận những người lính cấp nhỏ, bao nhiêu thương binh bệnh hoạn, sống lây lất không nghề nghiệp, tương lai. Tôi tiếc cho một chính thể Quốc Gia đầy tình nhân bản bị tàn lụi uất ức. Mặc dù chính thể ấy chưa thật hoàn hảo, nhưng điều cốt lõi là sự tự do và sự tôn trọng quyền con người được thực thi triệt để. Chính thể Quốc Gia không dùng bạo lực làm phương tiện cai trị dân, không dùng cảnh sát đàn áp hay đánh đập người dân cô thế.
Từ những chuyện nhớ hôm qua, sự liên tưởng còn dẫn tôi đến chuyện thời sự ở quê nhà hôm nay. Vào giữa tháng Năm, tin Trung Cộng đặt giàn khoan HD981 trên vùng biển Việt Nam đã làm phẫn uất lòng dân Việt trong cũng như ngoài nước, và những cuộc biểu tình đã nhanh chóng tụ họp khắp nơi để phản đối sự xâm lăng của Trung Cộng. Đau đớn thay, trên quê hương Việt Nam, những cuộc biểu tình đã trở thành một cuộc đàn áp qui mô giữa kẻ mạnh và người yếu. Kẻ mạnh đây không chỉ là giặc Tàu, phương Bắc mà còn là bọn CS đương quyền đang ra sức hạ lệnh cho một số đông đảo các “loại” công an đàn áp, đánh đập, bắt bớ những người đi biểu tình một cách hung hãn và tàn bạo. Ôi, truyền thống đấu tranh chống giặc Tàu phương Bắc từ bao đời cha ông vẫn không có một chút mảy may làm thay đổi sự yếu hèn của đám cầm quyền trong nước trước vận nước ngả nghiêng. Sau bao ngày họ tự trấn an nhau phải biết kiềm chế, phải ngồi vào bàn đàm phán với TC, lệnh cho ngư dân bám biển, mặc cho tàu TC đâm, và đánh ngư dân gây thương tích... CSVN đã làm gì để bảo vệ tính mạng người dân chài trong tình cảnh ấy? Giữa lúc cuộc đàm phán với các ngài “chóp bu” ở cả hai phía về vấn đề giàn khoan chưa kết thúc, thì giàn khoan thứ hai đã được dựng lên ngang nhiên, thách đố.
Chuyện giàn khoan đã như một tiếng chuông báo trước nỗi lo của mọi người dân Việt. Quê hương đang mất đi mỗi ngày thêm từng tấc đất. Việc xâm lược văn hoá cũng đang bắt đầu khai hoa. Tội nghiệp cho thế hệ mầm non mai sau sẽ bị “Hán hoá”!!! Tôi tin rằng nếu giờ này cha tôi còn sống, cha cũng rất quan tâm và lo lắng về chuyện thời sự này. Cha sẽ bàn luận với các con, với những người đồng hương đến thăm. Chắc chắn câu chuyện giàn khoan sẽ là sợi dây thông tin nối lòng người lại bên nhau cùng nhìn về quê hương, cùng chia xẻ những nỗi lo cho người thân còn ở lại nói riêng và cả bao nhiêu người dân Việt nói chung, khi Việt Nam sắp bị nuốt trọn vào tay Trung Cộng. Ôi, thương thay cho quê hương Việt Nam khốn khổ.
Đêm nay cũng một đêm mưa to, gió lớn. Tiếng gào thét giận dữ của cuồng phong lay mạnh những nhánh cây đập vào cửa kiếng gây nên nhiều tiếng động khô khốc. Tôi co ro trên giường trong trạng thái dật dờ nửa mơ, nửa tỉnh. Bỗng tôi thấy mờ mờ trên bức tường trắng trước mặt có bóng dáng cha tôi hiện về run rẩy với cây gậy chống trong tay. Tôi mừng vui xiết bao, gọi to:
- Bố ơi, bố ơi!
Tôi cố ngồi dậy, nhưng, cũng như một đêm mưa nọ, tay chân tôi cứng đờ không nhúc nhích. Tôi đành phải nằm im nhìn cha mỉm cười với tôi và bảo:
-”Bố vẫn chưa tìm ra mẹ, bố đoán chắc mẹ hãy còn ở Việt Nam. Nhắc đến Việt Nam, bố chỉ thêm buồn vì tình hình trong nước bây giờ bát nháo quá, nghe nhiều tin tức chẳng muốn về nữa.”
Rồi, cha lắc đầu thở dài, chống gậy đến gần tôi hơn, cha hỏi:
- Này, con có hay tin Trung Quốc chiếm biển Việt Nam chưa?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Ủa, sao bố biết tin này vậy bố?
Giọng cha tôi chùng xuống:
- Ngày nào bố cũng xem báo mà, chỗ nào lại chả có báo, xem tin tức để biết nước mình giờ ra sao chứ. Bao nhiêu năm loạn ly, dân đã khổ, thanh bình rồi, dân vẫn khổ, hoạ xâm lăng dân càng khổ hơn. Đời người cứ rơi mãi vào bể khổ vì tham vọng của kẻ mạnh.
Từng lời của cha như xoắn vào lòng tôi một nỗi đau quặn thắt. Trời ơi! Đã hơn mười sáu năm cha đã đi xa, mà linh hồn cha vẫn còn hướng về quê hương đó sao? Tôi cảm động đến nghẹn ngào, muốn nói với cha tôi một lời chia xẻ mà tôi cứ ấp úng mãi mới nói được câu:
- Con cũng hay đọc tin tức trong nước thấy đau lòng cho nước mình quá!
Cha vỗ đầu tôi bảo:
- Hãy làm một điều gì đó để góp tiếng nói nhỏ bé của mình vào việc chống kẻ ngoại xâm. Con có thể làm một bài thơ chống Tàu cộng, hay một bài thơ ủng hộ sự đấu tranh của tuổi trẻ trong nước. Nếu ai cũng quyết tâm viết một bài bày tỏ lòng mình trước hoạ xâm lăng là đã có triệu tiếng nói đồng tình bảo vệ nước nhà. Nhớ nhé!
Ôi, điều cha tôi nói giản dị như vậy sao tôi không nghĩ ra được từ trước nhỉ?! Đúng rồi, tôi phải viết ngay xuống những cảm xúc đối với quê hương, nói bằng ngòi bút vẫn hơn là im lặng. Tôi mở to mắt nhìn cha mình trong bóng tối mờ ảo, mới đây mà đã chẳng rõ được mặt người, chỉ là một chiếc bóng. Tôi vẫn nghe tiếng thở dài rất gần, và giọng cha tôi não nề chua xót:
- Thôi, bố phải đi đây, hết giờ thăm rồi!
Tôi hỏi:
- Bố đi đâu nữa hả bố?
Cha tôi run giọng:
- Đi vào trại tù!
Nghe cha nói trại tù, tôi cố vùng vẫy trong cảm giác tê liệt chân tay nói lên như gào:
- Không, bố không còn ở tù nữa, bố có tự do rồi.
Cha tôi tiếp ngay:
- Việt Nam bây giờ như một nhà tù lớn, trong đó có rất nhiều nhà tù nhỏ giam cầm chí hướng người yêu nước. Thôi, bố đi nhé. Con cố viết cho quê hương được bao nhiêu thì viết.
Tôi tưởng tượng mình đang vươn tay tới phía cha tôi, vươn hoài cũng không tới được. Ô kìa, có những giọt nước nào đang chảy giữa lòng tay lạnh buốt của tôi. Thêm một cảm giác đau nhói trong tim khiến tôi bùi ngùi quá không nói được lời tạm biệt với cha. Tôi chỉ kịp nhìn theo cái bóng gầy gò, lê từng bước trong mưa đi về hướng mây đen cong vòng hình chữ S. Tiếng gió bên ngoài vẫn cuồng nộ gào thét như tiếng lòng tôi cũng đang gào thét./.
9/7/14 - bietdongquan.com
Biên Hùng chuyển
No comments:
Post a Comment