33 ngày – đêm- Pleime quân-sử, bản Hùng ca 2 - NCM - Te Nguyen
Sở dĩ tôi đặt tên như vậy cho khỏi trùng lặp với một trận Pleime vào tháng10 năm 1965.
Nếu quân
nhân nào đã từng trấn đóng tại căn cứ PLEIME trong những năm tháng ấy…
nay tình cờ đọc được bài này xin coi như một chút tình rất thân ái của
tôi gửi tới anh em, bởi chúng ta vẫn còn một niềm tự hào: đã làm tròn
trách nhiệm của người lính Biệt Động Quân.
---------------------------------------
Xin riêng kính tặng Thiếu-tá Vương Mộng Long người chỉ huy tài ba, can trường nhưng cũng rất nghệ sĩ, tôi luôn nhớ hương vị những điếu cigar hiệu King Edward mà ông hay thưởng cho tôi những lúc ông thấy “thằng em” cứ dõi mắt về hướng Pleiku với nỗi buồn của cậu trai vừa lớn...
Cũng xin kính tặng vị tiểu đoàn phó Đại Úy Nguyễn Hữu Tài (Danh hiệu tr/tin: Hổ Xám), ông sáng tác bản nhạc “Hùng Ca Tiểu Đoàn 82 Mũ Nâu “bản nhạc đã được ban quân nhạc Quân Đoàn 2 hòa tấu bằng giàn kèn “tây”, cất lên hùng tráng khi Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân hùng dũng tiến bước vô sân vận động thị xã Pleiku trước hàng ngàn người dân vây chật kín, tung hoa, phất cờ, trao quà, chúng tôi ngất ngây như say dù chưa ai nhấp giọt rượu nào, những người lính Biên Phòng đang Say men Chiến Thắng sau 33 ngày đêm trấn giữ một căn cứ với quân địch đông gấp nhiều lần hơn mình, có nhiều lợi thế hơn mình về tiếp vận lương thực, vũ khí, đạn dược trong mùa mưa tầm tã ngày đêm của tháng 7 và tháng 8 năm 1974.
Trong Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khi nói về những trận đánh lớn như: Bình Giã, An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Đức Cơ, Cổ Thành Quảng Trị, Huế Mậu Thân có một địa danh cũng được nhiều người biết đến là Pleime, điều đặc biệt hơn là nơi đây vào năm 1965 tại căn cứ này một trận đánh cũng đã được báo chí, thông tấn của cả thế giới đều loan tin rộng rãi, trận này xảy ra khi người viết bài này còn là cậu học trò đang theo học bậc trung học đệ nhất cấp.
Người viết bài này được tham dự trận Pleime vào tháng 7 & 8 năm 1974.
Chúng tôi thức dậy trong tiếng nổ chát chúa và liên hồi của hàng loạt đạn pháo, xen lẫn là súng phòng không 12 ly 7 bắn trực xạ từ tiền đồn Chư Hô xuống trung tâm doanh trại, đạn SKZ của địch nổ xé tan chưa nghe tiếng depart thì đầu nổ đã “ọc oành” ngay sân bộ chỉ huy tiểu đoàn, tiền đồn đã bị “nuốt gọn” đêm qua, căn cứ hứng chịu pháo liên tục, pháo “phủ đầu” để tấn công kiểu “biển người”, đó là chiến thuật đối phương áp dụng khi cần, muốn triệt hạ những nơi đóng quân trọng yếu của ta, nó cũ rích đấy nhưng nó vẫn công hiệu khi mà chúng tôi bị nhiều yếu tố bất lợi xảy ra như là mùa mưa nên sự yểm trợ của Không Quân bị hạn chế vì thời tiết, lại nữa sau hiệp định Paris chúng tôi chống trả bằng phương tiện CON NHÀ NGHÈO, nên mọi yểm trợ nếu có sẽ chậm rãi, từ từ nhỏ giọt, chúng tôi biết vậy nên đã bảo nhau: chỉ có 1 con đường sống là tiết kiệm đạn tối đa, bắn khi chắc chắn là gây thiệt hại cho địch, ban đêm có xin được “Hỏa Long” (phi cơ C 47) hôm nào có được Spector thì thích hơn vì đây là phi cơ C130, ngoài việc thả hỏa châu soi sáng, nó còn bắn yểm trợ bằng đại bác trực xạ, dù cho không chính xác do thời tiết nhưng sẽ là một con “ngáo ộp” cho những khẩu pháo địch tạm im tiếng chúng tôi có thời gian “vàng” củng cố lại những công sự chiến đấu đã bị pháo địch phá hủy, chúng tôi lãnh những trái pháo 122ly loại delay nên những kho dấu lương bị phá hủy nhiều, nước của những cơn mưa như trút đổ vào các hầm quân lương, gạo là hàng quí hiếm, thường khi tấn công vào mùa mưa địch ngăn chặn đường tiếp vận và tiếp viện của ta một cách hiệu quả cao nhất, họ đã làm được mỹ mãn, ngày ăn pháo, lo củng cố lại hầm, tát nước, hứng nước để dùng, bắc “sạp” dưới hầm vì nước ngập, đêm vừa chôn xác đồng đội vừa căng mắt chống trả những đợt tấn công biển người qua 6 lớp hàng rào.
Những điếu thuốc bằng lá “bò xít” cũng ngon lạ, tháng này trời mưa như chưa bao giờ được mưa, qua máy liên lạc chúng tôi được Đại Tá Phạm Duy Tất Chỉ HuyTrưởng/BĐQ/QK2 cho biết bên kia là 2 Trung đoàn bộ, 1 Trung đoàn pháo, 1 Tiểu đoàn đặc công sẽ “vờn” chúng tôi, họ còn “rải” thêm 1 sư đoàn bộ thế “gọng kìm” để diệt những lực lượng tiếp viện gồm các đoàn Biệt Động Quân Tiếp Ứng, Trung Đoàn bộ của sư đoàn 23 Bộ Binh, ông còn dặn dò một câu mà ai cũng nhớ: các anh chỉ có một con đường là TỬ THỦ, cái danh từ này bị “lạm phát” từ sau trận An Lộc 1972, chúng tôi may mắn vì có một người “anh cả” tài giỏi thao lược, ông rất nghiêm minh trong chỉ huy, chúng tôi vẫn nửa đùa nửa thật coi tướng cho ông: đôi chân mày này là con nhà võ tướng, là sĩ quan tài giỏi, kinh nghiệm trận mạc dày dạn, thuở làm trưởng phòng 2 /BĐQ/QK2 ông tổ chức những cuộc tập kích rất ngoạn mục mà đối phương phải xiểng liểng, tôi muốn nhắc tên Thiếu Tá Vương Mộng Long, ông xuất thân khóa 20 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, ông đã dặn chúng tôi: Nếu không giữ được căn cứ, phải “ra đi” cho “đẹp”, chúng tôi đã ghi âm lời “sau cùng” vào cuốn băng cassette để nếu có chuyện không may thì cũng còn lưu lại cái gương Hoàng Diệu...
Thèm nhất là thuốc lá, hôm trời quang mây có một phi vụ tiếp tế thả dù lương và đạn dược nhưng dù lại rớt ngoài hàng rào, nghĩa là tiếp tế cho ta mà đối phương lại được hưởng, đêm ấy chúng tôi được ngửi hương thơm phức của các loại thuốc lá “sè-gòn” mà người phì phà thưởng thức lại là đối phương...
2 khẩu 105 ly của tiểu đoàn dù xẹp bánh do bị pháo nhưng Trung Úy Nguyễn Như Trung đội trưởng pháo binh cơ hữu của Tiểu Đoàn cũng tìm cách kích lên và đã “tác xạ tốt” nhất là khi trực xạ với loại đạn “chống biển người”...
Trong cái “khó” nó ló ra nhiều cái “khôn”, chúng tôi từ anh binh nhì người sắc tộc Ra Đê, Ba Na cho tới ông Tiểu Đoàn Trưởng xuất thân là dân Võ Bị luôn tỉnh táo để không bị cái biển người và biển đạn pháo của đối phương lấn lướt. Cứ kiên gan chiến đấu, chỗ nào thủng thì lấp lại xét cho cùng địch cũng là con người đánh mãi không chiếm được căn cứ nó cũng phải rút vì hao quân, vì thương vong.
33 ngày đêm rồi cũng qua đi, khi chuyến trực thăng đầu tiên đáp xuống căn cứ, chúng tôi quân phục chỉnh tề để đón chỉ huy trưởng là đại tá Phạm-duy-Tất và trung-tá Đặng-Hưng-Long tham mưu trưởng, một số phải mang dép vì chân bị “nước ăn” do lâu ngày ngâm dưới hầm... ông nhìn mặt trận giống như đất trên “cung trăng” nghĩa là không còn gì hiện hữu trên cái trại có hình lục giác đó, 33 ngày đêm đã được rót cho hàng ngàn ngàn quả pháo 130, skz 75, 12ly7, cối 61+82 ly, chỉ có một thứ còn lại duy nhất mà khi nhìn đến mọi người đều đưa tay phải lên “chào kính” đó là những nấm mộ của tử-sĩ mũ nâu, họ ra đi trong mùa mưa, hạt mưa mùa trên cao nguyên thay giọt nước mắt của thân nhân không thể đến nơi đây được, giữa cái đồn biên-trấn mang tên Pleime chỉ có bè bạn khóc họ...
Những người lính mũ nâu của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã làm tròn nhiệm vụ của mình: KHÔNG DI TẢN CHIẾN THUẬT, một sự kiện “trầm-kha” của các đơn vị QLVNCH lúc bấy giờ, hễ có trận lớn, kết quả thường là “di tản” vì nhiều lẽ (khi lật lại những hồ sơ được giải mật sau chiến tranh Việt Nam) tôi thấy sự việc này là một điều hiển nhiên: đối phương phải thắng vì ưu thế sau hiệp định Paris là thuộc về họ, trong khi Mỹ và các đồng minh rời bỏ, cắt nhiều viện trợ thì ngược lại đối phương được phe anh em tăng cường tối đa “sức của, sức người” (nên biết thời điểm không quân Mỹ tham chiến trên chiến trường thì không quân Nga+trung-cộng đã có tham chiến trên không) trong khi quân lực VNCH phải tiết kiệm từng viên đạn M16, từng giọt xăng thì đối phương được phe anh em chi viện rất hào phóng, rất “vô-tư” vì họ biết chắc 1 điều họ sẽ “nuốt trửng” một quân đội non trẻ, đang sụp đổ từng giờ vì niềm tin bị lung lay bởi nhiều con mọt gặm nhấm: sự tham nhũng của chính thể (dù so với nay chẳng là gì), của các kẻ có chức quyền trong quân đội. thời buổi mà các cha cố, sư sãi có quyền thao túng quân đội, cha cố và thượng tọa dấu che thanh niên trốn lính trong khi quân đội rất cần người cầm súng chiến đấu, có những chùa chiền là nơi làm trạm tiếp tế quân lương cho đối phương, có những sĩ quan đeo lon cấp Tướng mà làm “nội tuyến” cho bên kia, một sự tự do báo chí của một chế độ dân chủ còn trứng nước là cái cầu êm ái bắc qua cho đối phương “vừa đá banh vừa thổi còi” nhất là sau hiệp định Paris trong lúc này những người nắm quyền hành chóp bu lại thường kết nạp phe phái, cùng cánh với mình mà tài và đức chỉ là chuyện “phù phiếm”. Ôi Miền Nam của chúng tôi, còn được bao lâu nữa... một bàn tay sắt “bọc nhung” đang vờn con cừu non tội nghiệp.
Tôi có đọc được câu nói mà tôi cho là có nhiều chuẩn xác: quân lực VNCH thua không phải vì họ yếu, mà vì quân đối phương đã đánh với một kẻ địch không mạnh. Một quân đội bị trói tay vì sự hạn chế tối đa về yểm trợ về tiếp vận, tiếp liệu và cả tiếp viện mỗi khi cần, tác giả có nói đến trận chiến đường 9 nam Lào 1971, trận mùa hè 1972., 1973.. ngay khi quân đội Cộng Hòa chứng tỏ được bản lĩnh của mình thì những năm 1972 người Mỹ bằng mọi giá họ muốn rút khỏi V. N một điều mà ít ai nghĩ tới một nguyên nhân dù không phải nguyên nhân cốt lõi nhưng với khía cạnh xã hội nước Mỹ lúc bấy giờ được các nhóm phản chiến trương lên và la lớn: MA TÚY. Lính Mỹ tham chiến tại V. N mua ma túy còn dễ và nhanh chóng hơn là họ mua hàng hóa trong PX (quân tiếp vụ của Mỹ, ma túy được cung cấp bởi đường dây mà chính những kẻ quyền thế “đâm sau lưng chiến sĩ”của VNCH lúc bấy giờ thao túng, và đối phương cũng tham dự trong trận chiến này vì họ hoàn toàn có lợi... (trích Vietnam's forgotten Army của Andrew Wiest). Cũng còn nhiều nguyên nhân nữa mà người viết xin không đề cập tới vì có ghi lại đây thì cũng là một cách “chạy tội mất nước”, những gì thuộc về lịch sử hãy để lịch sử phán xét, sự thật ví như ánh sáng, tự nó sẽ hiện ra mà khó ai che đậy, bưng bít, xuyên tạc.
Mới đây đầu năm 2012 tôi có đọc một bài viết về: Thế lực Do Thái trong việc hủy mọi cam kết với Việt Nam Cộng Hòa mà Kissinger là người thi hành cái việc phản bội một đồng minh cô thế của mình. Tôi lại càng thông cảm hơn với vị Tổng Thống xuất thân từ Quân Đội: cố Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, và những năm sau khi ông chết đi người ta được biết thêm 2 điều thú vị: thứ nhất ông không hề viết hồi ký, thứ hai ông không mang theo 16 tấn vàng mà người ta đã gán cái tiếng tham cho ông, chỉ hai chuyện nhỏ này chúng ta thấy LỊCH SỬ RẤT CÔNG BẰNG.
Tiểu đoàn tôi được ca tụng trên sóng phát thanh, được “lên hình” trên truyền hình quân đội, được về Pleiku nghỉ dưỡng quân để bổ sung quân số, và một cuộc đón tiếp trọng thể tại cửa ngõ thành phố Pleiku, rồi tại sân vận động thị xã Pleiku một lễ khao quân chiến thắng, tiểu đoàn 82 BĐQ được choàng vòng hoa chiến thắng, chúng tôi được các nữ sinh trường trung học Pleime thị xã Pleiku choàng tặng vòng hoa chiến thắng, những người lính rừng “ngây ngất” những người lính Thượng gốc Bana, Churu, Koho lần đầu trong cuộc đời họ được biết, được nếm hương vị chiến thắng, sau bộ quân phục hoa ngụy trang là những làn da đen bóng, họ có những giây phút thăng hoa để quên được những đêm thức trắng chong mắt qua cái màn đêm đầy chết chóc, hứng mưa pháo như hứng mưa rào, phải chống trả những đợt xung phong biển người bằng những viên đạn thoát ra nòng súng một cách “tiết kiệm” vì sự phản bội của chính phủ Mỹ.
Sau trận này, nhiều quân nhân trong tiểu-đoàn tôi được thăng cấp, huy chương thì hầu như toàn tiểu-đoàn đều nhận được, cho đến những ngày cuối cuộc chiến vị tiểu-đoàn-trưởng chúng tôi vẫn đeo lon Thiếu Tá, như vậy quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn mắc nợ, vẫn còn chưa kịp gắn lon Trung Tá cho ông, tôi chợt nhớ một câu hát trong bài Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ NguyễnVăn Đông có câu: lòng trần còn tơ vương khanh tướng... nhưng với riêng tôi, ông không màng “khanh tướng”, ông là vị chỉ huy NGHIÊM mà không bao giờ KHẮC với thuộc cấp, hơn hai năm tôi là sĩ quan thuộc cấp của ông nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông đánh lính ấy vậy mà chỉ một cái “quắc mắt” là người lính có “sừng sỏ” bao nhiêu, có là dân “giang hồ tứ chiến” trong đời thường vẫn răm rắp tuân chỉ: Quân lệnh như sơn. Riêng tôi thì ngoài những nhân-cách của ông cho tôi học, một chuyện rất “đời thường” nhưng cũng rất để lại dấu ấn “keo-sơn” với lớp sĩ quan đàn em chúng tôi không kể trường xuất thân, đủ hết: Võ-bị Đà Lạt, Võ Khoa Thủ Đức, Sĩ Quan Đồng Đế, Trường Thiếu Sinh Quân... là việc ông luôn tổ chức ăn cơm với thuộc cấp, không “gia trưởng”, không “kẻ bề trên” không “đẳng cấp” như hầu hết với những chỉ huy mà tôi được cộng tác, phải chăng miếng ăn không là chuyện giữa thời buổi no đủ nhưng bữa ăn để thực hiện câu “huynh đệ chi binh” thì không phải sĩ quan nào, hay bất cứ Tiểu Đoàn-Trưởng nào cũng làm được.
NCM
No comments:
Post a Comment